Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Phiếm luận của Phùng Tất Đắc

Phiếm luận của Phùng Tất Đắc
Lãng Nhân Phùng Tất Đắc là một cây bút tản văn tiêu biểu trước 1945. Ông được biết đến như một nhà phiếm luận hài hước, thâm thúy và sâu sắc. Tính chất phiếm trong tản văn của ông được thể hiện ở các thao tác kết cấu tác phẩm (phiếm luận đa chiều), ở thái độ của chủ thể lời (phiếm luận hoài nghi), ở màu sắc thẩm mĩ của tác phẩm (phiếm luận trào phúng). Phùng Tất Đắc là một trong số ít người viết tản văn tạo lập được phong cách riêng. Tác phẩm của ông có đóng góp lớn cho sự định hỡnh thể loại và khai mở những hướng đi cho tản văn hiện đại Việt Nam.
1. Mở đầu:
Lãng Nhân Phùng Tất Đắc được nhắc đến như một nhà phiếm luận cho dù sự nghiệp văn chương của ông tương đối đa dạng từ văn sáng tác, khảo cứu, thuật chuyện danh nhân, cho đến văn dịch thuật.... Trước 1945, ông cho ra đời hai tập Trước đèn (1939) và Chuyện vô lý (1942), Trước đèn tập hợp những sáng tác đã in ở mục ''Trước đèn'' trên báo Đông Tây, và Chuyện vô lý phần lớn cũng là những bài đã in ở mục ''Chuyện vô lý'' của Đông Dương tạp chí . Sau 1945 Phùng Tất Đắc viết một số tác phẩm như  Chơi chữ , Giai thoại làng Nho , Chuyện cà kê; ngoài ra ông còn có những công trình dịch thuật như Hán văn tinh tuý, Thơ Pháp ngữ chuyển dịch và những tiểu chuyện danh nhân (kí bút danh Cô Nhi Tân). Chúng tôi không đặt mục đích nghiên cứu toàn bộ những trước tác của Phùng Tất Đắc mà chỉ khảo sát chủ yếu hai tập tản văn của ông là Trước đèn và Chuyện vô lý. Chính những tập tản văn này đã đưa ông lên hàng những nhà cầm bút có tiếng trên văn đàn nửa đầu thế kỷ XX. Một số tác phẩm sáng tác sau 1945 có thể vẫn tiếp tục một lối phiếm luận riêng của Phùng Tất Đắc, nhưng tính chất khảo ( trong Chơi chữ), hay kiểu đàm thoại thiếu tự nhiên, hơi gò ép (trong Chuyện cà kê)...đã làm mất đi cái duyên phiếm luận mà ông đã có từ thời viết cho báo Đông Tây, Đông Dương tạp chí, báo Ích Hữu; đồng thời những sáng tác ở giai đoạn này, chúng tôi nhận thấy tính chất tản văn đã bị mờ nhạt, đi ra ngoài biên giới thể loại, pha trộn những kiểu loại khác tạo nên những kết hợp mới.
Tác phẩm của Phùng Tất Đắc nói chung và tản văn nói riêng mặc dù chiếm được sự hâm mộ trong lòng độc giả nhưng lại ít được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu phê bình. Trước 1945, trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan giới thiệu Phùng Tất Đắc cùng với Nguyễn Tuân là hai nhà văn viết bút ký cứng cáp hơn cả. Sau 1945, Phùng Tất Đắc chủ yếu được biết đến ở miền Nam; những tác phẩm của ông được tái bản, xuất bản, được giới thiệu và trở thành đối tượng nghiên cứu phê bình của các văn sỹ và học giả hoạt động ở miền Nam những năm sáu mươi, bảy mươi như Vũ Bằng, Tạ Tỵ, Vũ Hạnh, Nguyễn Văn Xuân... Phần lớn các bài viết về Phùng Tất Đắc đều là những suy nghĩ tản mạn về các sáng tác cụ thể hay là những kỷ niệm nhỏ gắn với cuộc đời làm báo, cuộc sống bạn bè của ông. Cũng có thể nhận thấy qua các bài viết này một số vấn đề liên quan đến đề tài, nội dung tư tưởng, phong cách ngôn ngữ, tư chất sáng tạo, vấn đề bạn đọc... Riêng những sáng tác trước 1945 nhất là Trước đèn được chú ý đặc biệt bởi nó định hình phong cách Phùng Tất Đắc trong số những người cầm bút đương thời - phong cách phiếm luận. Đến nay, khi nghiên cứu tản văn Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX chúng tôi chú ý đến Phùng Tất Đắc như một đại diện cho khuynh hướng tản văn nghị luận mà về sau ít có người kế tục được.
2. Nội dung:
Tác phẩm của Phùng Tất Đắc là một loại tản văn chủ yếu dùng các thao tác của nghị luận để luận lẽ đời, bàn thế sự, khác hẳn với kiểu tự sự của tản văn Nguyễn Tuân hay thiên về trữ tình như tản văn Xuân Diệu. Nó có nhiều nét chung với tản văn Tản Đà cách đấy hai mươi năm và cùng một lối suy tư với tản văn Chế Lan Viên trong Vàng sao xuất bản cùng thời. Tản văn nghị luận thường là sự trình bày vấn đề thông qua hệ thống luận điểm, luận cứ. Đối với văn nghị luận thông thường, yêu cầu hàng đầu của hệ thống này là chặt chẽ, logic, mạch lạc, khuynh hướng tư tưởng rõ ràng, giầu thuyết phục...Song ở tản văn, mượn hình thức kết cấu của nghị luận, người viết có thể biểu hiện ý tưởng một cách phóng túng hơn, nhà văn có thể kể, tả, bộc bạch tâm tình, do đó khuynh hướng tư tưởng có thể toát ra từ các hình ảnh, các mẩu tự sự, các tình huống chứ không chỉ ở những phát biểu trực tiếp. Mục đích của người viết có khi không nhằm đến sự thuyết phục mà là sự khơi gợi, lay động người đọc bằng những cách biểu hiện giầu sức gợi, người đọc có thể không bị chinh phục nhưng không ít thì nhiều có được những hối thúc trí tuệ, những rung động tâm hồn. Trước đèn là tập tản văn nghị luận tương đối điển hình. Ở Chuyện vô lý tính chất nghị luận nhạt, chú ý hơn đến sự vụ cụ thể nên có người cho nó là tạp văn báo chí. Tuy nhiên ở cả hai tập trên, ta vẫn thấy một lối lập luận, dẫn giải vấn đề khá độc đáo, sự bàn bạc phóng túng, tự do, ngẫu hứng, nhiều khi không khoác áo một tư tưởng chính thống nào.Theo Vũ Ngọc Phan, Phùng Tất Đắc hay bàn chơi về các vấn đề ''một cách nhạo đời và bỡn cợt''. Có lẽ vì vậy tập tản văn quan trọng nhất của ông - Trước đèn được gọi là một tập phiếm luận. Tính chất ''phiếm'' nổi trội tạo thành một đặc điểm phong cách tản văn Phùng Tất Đắc.
Bàn phiếm về các vấn đề không có nghĩa là nói một cách không đầu cuối, tản mác, lộn xộn, không đâu vào đâu, trôi nổi, tạt ngang tạt dọc, không có chủ định, không nhất quán một chủ đề (xét theo nghĩa của từ ''phiếm''). Nghĩa này có thể phù hợp trong những cuộc giao tiếp thực tế. Biến một cung cách sinh hoạt trong cuộc sống thành một thủ pháp nghệ thuật biểu hiện thái độ, quan niệm, cách nhìn, lối tư duy của người sáng tạo, Phùng Tất Đắc đã làm nên một lối phiếm luận mà chỉ có những người có kiến văn phong phú, có sự uyên bác về học thuật, có chủ kiến vững vàng, có thái độ sống tích cực... mới có thể ''phiếm'' nổi. Có thể thấy sự lộn xộn trong một trật tự, sự  ''cà kê dê ngỗng'' trong một chỉnh thể toàn vẹn, sự lang thang của thần trí trong một cảm hứng tư tưởng chủ đạo... tản văn Phùng Tất Đắc đâu phải cách phiếm của những kẻ tán dóc mua vui lời nói gió bay. Chính cách phiếm của ông đã làm cho Trước đèn ''không phải quyển sách dành cho những người giải trí nhẹ nhàng'', nó có được ''một địa vị trong số những sách đứng đắn'' [1]. Như trên đã nói, tản văn Phùng Tất Đắc chủ yếu dùng các thao tác của nghị luận, ở đây có sự kết hợp lý lẽ và dẫn chứng, nhưng không phải để thuyết minh một vấn đề mà để cuộc sống và con người hiện hình lên một cách hồn nhiên, tự nhiên như nó vốn có, kéo người đọc xa rời những định kiến và nhìn thẳng vào bản chất nguyên thuỷ của sự vật hiện tượng. Phùng Tất Đắc là một học giả uyên thâm.Vốn tiếng Pháp và tiếng Hán cho phép ông tiếp cận những tinh hoa văn hoá phương Đông và phương Tây, từ đó có một nhãn quan khoáng đạt, thấu suốt đối với thế giới và con người. Tư tưởng triết học sâu sắc và đạo sống dung hoà khiến ông vừa muốn tiếp cận bản thể đối tượng lại vừa tách ra xa nó, nhìn nó một cách khách quan trong một tương quan rộng lớn với lịch sử, thấy giá trị của nó đổi thay, biến hoá. Có lẽ chính năng lực nhận thức thế giới ấy đã làm tất cả những màu sắc cao siêu, phù hoa bao quanh, che mờ hoặc làm biến dạng đối tượng bị hài hước hoá. Nhìn chung, cách phiếm luận của Phùng Tất Đắc có thể được quy vào ba dạng: phiếm luận đa chiều/phiếm luận hoài nghi/ phiếm luận trào phúng.
a. Phiếm luận đa chiều
Thể loại tản văn cho phép người sáng tác bộc lộ trực tiếp và nổi bật khuynh hướng tư tưởng, tính định hướng trong tác phẩm rõ rệt hơn so với các thể loại khác. Tuy vậy, trong tản văn Phùng Tất Đắc, người đọc nhận thấy khuynh hướng tư tưởng lại ẩn chứa trong sự hiện diện đa chiều các ý kiến bàn luận mà nhà văn chủ động chọn lựa nhằm lẩy nên chính kiến. Mỗi vấn đề được đặt ra, nhà văn bao giờ cũng nhìn nhận ở nhiều khía cạnh, nhiều góc độ. Vấn đề được soi rọi từ nhiều phía khiến nó hiện lên như một bức tranh lập thể, các khía cạnh của nó được tiếp cận từ nhiều hướng ứng với nhiều quan niệm, nhiều cách đánh giá khác nhau. Có thể thấy với cách thức này, Phùng Tất Đắc đã chiếm lĩnh vấn đề ở tầm bao quát, tạo điều kiện tối đa trong khả năng hiểu biết có thể để trình bày vấn đề một cách toàn diện và tương đối khách quan. Bàn về chữ ''trinh'', nhà văn đặt nó trong các quan niệm từ Đông sang Tây, từ xưa tới nay. Nhà văn nêu quan điểm đạo đức phong kiến ''Chữ trinh đáng giá ngàn vàng'', quan điểm này được xuất phát từ quyền lợi cũng như thói ích kỷ từ phía người đàn ông và được phục tòng tuyệt đối từ phía người đàn bà. Nhà văn lại đặt chữ ''trinh'' trong quan niệm của thiếu nữ xưa, đồng thời lại xem xét sự ứng xử của những cô gái mới đối với sự trinh tiết trong quan hệ với tự do. Người ta còn thấy cách hiểu về chữ “trinh” trong hành động bạo liệt của ông vua nhà Tần, trong sự mù quáng của cô gái đập sợi trên bờ Lại Thuỷ, ở quan điểm của César. Trong tác phẩm, các tình huống đối lập liên tiếp được đặt ra để giúp người đọc nhìn sâu vào bản chất vấn đề. Lối trình bày vấn đề như vậy khuyến khích sự suy nghĩ của độc giả, nói như Dương Tấn Tươi trong lời tựa Trước đèn là làm cho độc giả ''nhân đấy mà lập lấy một lối suy nghĩ riêng của mình, thoát ra ngoài cái lối suy nghĩ nô lệ khuôn mẫu của nghìn xưa''.
Để có thể trình bày được nhiều hướng tiếp cận vấn đề, Phùng Tất Đắc thường kết cấu tác phẩm dựa trên những ý kiến khác nhau, có khi đối lập nhau. Nhiều tác phẩm được tổ chức theo kiểu toạ đàm các tiếng nói cá nhân hướng về một chủ đề chung. Thường thấy các quan niệm khác nhau được nêu ra dưới hình thức các ý kiến, nhận định của nhiều người. Nhà văn như một đạo diễn thiết kế những cuộc chuyện trò; trong cuộc chuyện trò ấy, vấn đề được lật đi lật lại, được cày xới, được xem xét ở những cảnh huống cụ thể. Trong bài luận về tính thẹn, Phùng Tất Đắc nói đến sự phát sinh cũng như những cái ''lợi'' khi con người biết thẹn. Ông nêu ra một loạt các ý kiến: cái ''rậm lục thưa hồng'' cần giấu đi vì đó là cái xấu, hàm chứa sự tục tằn, là cái tự nhiên có sức mạnh vô cùng không nên khêu gợi...(Anatole France); thẹn là do tục mặc quần áo mà ra (Spencer); thẹn do thấy người khác loã lồ thì liên tưởng tới bản thân (một triết nhân); thẹn làm cử động tao nhã, văn hoa (Balzac); đồng thời ông cũng đặt tính thẹn của con người ở nhiều trạng huống: khi lâm vào cảnh nghèo đói và bệnh tật,  thẹn là một huyễn tưởng sẽ dễ mất đi, thẹn giữ gìn cho thân thể một điều bí mật, tô điểm khơi gợi ái tình, thẹn làm người khác phát sinh tưởng tượng, là bí quyết giữ gìn hạnh phúc... Mở đầu tác phẩm ông so sự phô phang hương nhuỵ của hoa với hành động ngược lại của con người đối với bộ phận dùng cho sinh sản của cơ thể để từ đó thấy được cái sự thẹn hàm chứa bao nhiêu bản tính loài người được sinh ra cùng với phương cách ăn ở, sinh hoạt khác hẳn các loài khác. Có cảm giác Phùng Tất Đắc né tránh mọi sự bình luận, giành quyền phán xét tối đa cho bạn đọc. Tạ Tỵ nhận xét về cách nêu vấn đề của tác giả: “Lãng Nhân chỉ trình bày như bức bích hoạ để mà ngắm, ai muốn hiểu sao cũng được” [2].
Bàn về ái tình và hôn nhân, ông mở đầu bằng sự do dự của người Panurge về việc có nên lấy vợ hay không. Tác giả đã trù liệu trước biết bao tình huống thông qua những quan điểm, những lý lẽ của biết bao con người. Ông cho Ninon de Lenclos ''tranh luận'' với Erophile; Bernard Shaw ''phản đối'' tác giả ca dao Việt Nam; rồi lần lượt các ý kiến của De La Fouchardière, Napoléon, Alain, Schopenhauer, Taine được nêu ra nhằm chứng minh hoặc biện bác cho những quan điểm như ái tình không đi cùng hôn nhân, hôn nhân là điều bó buộc trái hẳn với tính người, sự vô lý của hôn nhân... Chung quy lại, người thì ca ngợi sự bền lâu của ái tình, người thì cho ái tình chỉ là một cảm giác dễ bị tiêu tán, thậm chí có người còn cho ái tình liên quan đến phép vệ sinh của thân thể; còn hôn nhân, người thì cho rằng cần lấy vợ, người thì coi hôn nhân còn thậm tệ hơn cả sự mua bán vì  '' mua bán chỉ có một bên bị lừa; lấy nhau, hai bên cùng bị lừa cả'' (Trước đèn/77)... Ở giữa một cuộc đàm thoại không hồi kết như vậy, thật khó mà tìm được một đáp số chung. Vượt ra ngoài khuôn khổ của sự tranh luận đi tìm bản chất ái tình và hôn nhân, nhà văn coi tất cả những hiện trạng phong phú ấy là những mâu thuẫn và động lực duy trì cuộc sống xã hội, ''cho xã hội dai dẳng mãi'' (Trước đèn/85). Dễ nhận thấy con mắt triết học chi phối quan điểm của nhà văn, giúp ông vừa có thể có cơ hội trình bày toàn bộ sự đa tạp của vấn đề lại vừa thống nhất được chúng trong một ý tưởng chung. Đương nhiên, vai trò của đạo diễn bao giờ cũng là thông qua sự sắp xếp, thông qua bố cục nêu bật được chủ kiến. Chủ kiến này như một trọng lực, một trục vô hình giữ cho toàn cục dồn chứa nhiều tiếng nói mà vẫn không bị lan man, nhiều tiếng nói nhưng không phải sự hỗn tạp.
Ở nhiều bài, cách nêu các ý kiến này thường là cho một nhân vật nào đó cụ thể hoặc không cụ thể phát biểu. Ngoài việc nêu ý kiến của các danh nhân, của những người nổi tiếng (ví dụ, ở bài nói về sự ''thẹn lục e hồng'' nói trên, ông dẫn ý của Anatole France, của triết nhân Spencer, của Balzac), kiểu dẫn lời một người nào đó không cụ thể rất hay được dùng để nêu hoặc dự đoán những khả năng khác nhau của vấn đề: ''Có người lại quy những sự trái ngược ấy vào từng loại...'', ''Có nhà thông thái còn nghiệm ra một điều...'' (Đông Tây hai ngả); ''Nếu theo một vài nhà thông thái...'', ''Nếu lại theo một vài kẻ lập dị...'' (Giá một cái đầu); ''Lại có nhà triết nhân khác cho thẹn là vì...'' (Trước đèn/41). Những ý kiến này có khi đồng thuận có khi trái ngược làm vấn đề trở nên phong phú, nhiều dạng vẻ, được mở rộng, phát triển khiến người đọc có cảm giác được tự do tâm trí, suy xét theo ý riêng, không bị gò theo một lối nghĩ nhất định như trên đã nói. Đọc Phùng Tất Đắc người ta như cũng muốn tham dự, góp một tiếng nói vào những cuộc toạ đàm đặc biệt này. Có thể thấy chính lối phiếm luận của ông đã khích thích cao độ sự đối thoại từ phía bạn đọc.
Lối phiếm luận đa chiều có lẽ đã khiến nhà văn rất dụng công trong việc thiết kế  một mô hình kết cấu sao cho lần lượt đưa ra những khía cạnh khác nhau của vấn đề mà vẫn không làm cho bài tản văn trở thành một bài nghị luận khô khan, vẫn giữ được vẻ tự nhiên, ngẫu hứng, uyển chuyển và bất ngờ thường thấy của những cuộc mạn đàm. Chúng tôi nhận thấy có một số mô hình kết cấu điển hình như: kết cấu theo mô hình vòng sóng, kế cấu phân nhánh, kết cấu đối lập. Những dạng kết cấu này thực chất là những cơ chế liên tưởng được dùng để kết nối các hình ảnh, chi tiết trong chỉnh thể tác phẩm.
Nhìn chung, lối phiếm luận đa chiều, thái độ chấp nhận nhiều tiếng nói, dung nạp các ý kiến cho thấy một cơ chế tinh thần tự do, biểu hiện một tinh thần thời đại của con người sống trong một thế giới chung giàu sắc thái, cũng cho thấy một tầm nhìn rộng mở, thoát khỏi những định kiến, những lối mòn trói buộc nhận thức con người. Khi lý giải vấn đề, Phùng Tất Đắc đã đi từ việc thâu lượm những kinh nghiệm nhân sinh của nhân loại từ Đông sang Tây, từ xưa cho tới nay kết hợp với những trải nghiệm và suy luận của cá nhân để hình thành một cảm thức khoáng đạt và hiện đại về con người ở cả đặc tính tự nhiên và xã hội của nó.
b. Phiếm luận hoài nghi
Vũ Ngọc Phan khi đọc Trước đèn của Phùng Tất Đắc cho tác giả là người hoài nghi tuyệt đối [3]. Chúng tôi cho rằng chính cách lật đi lật lại vấn đề, nhìn vấn đề ở nhiều phương diện, nhiều chỗ dùng cách phản đề của Phùng Tất Đắc đã cho người đọc cảm giác về sự hoài nghi. Song cũng cần phải thấy, lối phiếm luận của Phùng Tất Đắc phản ánh một thái độ hoài nghi  để kiếm tìm chân lý của một con người có óc suy nghĩ độc lập, muốn kiến tạo một con đường riêng để tiếp cận bản chất của hiện tượng. Đứng trước một vấn đề, nhà văn thường không chấp nhận những suy đoán, những nhận định có sẵn, luôn tìm cách lập luận, tư biện, chứng minh theo những cách nhìn mới; ông thường tranh luận với những chân lý phổ quát để đưa ra những kết luận bất ngờ. Thậm chí ông còn lộn trái nhiều vấn đề để đi tới những khẳng định khác thường, ví dụ như '' Đối với người thường, sống là phải quên ơn'' (Trước đèn/111), ''Phải nên nhận rằng có hại nhau mới sống được'' (Trước đèn/121), ''Ở xã hội loài người, phải dù tẻ dù vui, dù thức dù ngủ, ai cũng dối trá, lúc nào cũng dối trá. Cánh đồng lương tâm chỉ là một bãi tha ma, ngổn ngang nấm mồ của những câu dối trá'' (Trước đèn/100)... Phùng Tất Đắc không phải là con người chịu nô dịch tư tưởng, chịu đóng khung, lệ thuộc vào những phát biểu của người khác - ông tiêu biểu cho một lối suy nghĩ hết sức hiện đại của con người phương Đông trước nay vốn quen tôn sùng tiền nhân, phục tùng thánh ngôn vô điều kiện, coi những gì người đi trước đã khám phá là những chân lý bất di bất dịch.
Khả năng sáng tạo ở Phùng Tất Đắc chính là biết căn cứ vào những kinh nghiệm đã có của nhân loại, tự thấu nhận bản chất sự vật hiện tượng bằng những thước đo mới. Trong quá trình ấy, ông dẫn nhiều ý kiến của người khác để biện luận hay biện bác vấn đề, đưa  vấn đề vào những tình huống khác nhau, có những ví dụ cụ thể, chân thật từ chính những trải nghiệm cuộc đời. Có lẽ chính điều này đã làm nên sức cuốn hút của tản văn Phùng Tất Đắc, cuốn hút ở sự diễn giải chứ không hẳn là ở những chân lý tự ngộ, bởi những điều ông kết luận chưa chắc đã gặp sự đồng thuận của nhiều người. Ví dụ như những gì ông viết về sự dối trá, sự hại nhau hay sự quên ơn nói trên. Xét trong một phạm vi nhất định, những điều nhà văn nói tới có khi rất trái tai nhưng không phải hoàn toàn là vô lý bởi sự thật đời sống, chớ trêu thay, lại đúng là như vậy.
Nguyễn Văn Xuân đứng từ quan điểm văn hoá lịch sử đã truy tìm nguồn gốc nội dung tư tưởng trong hầu hết những sáng tác trước, sau 1945 của Phùng Tất Đắc và chỉ ra cơ sở tinh thần có ảnh hưởng lớn nhất chính là Nho giáo. ''Ông đã chọn Nho giáo và từ học thuyết này vốn đã có cơ sở vững vàng trong văn hoá, tư tưởng, tập quán Việt Nam, ông cố nghiên cứu và phát huy những điểm mà ông cho là có ý nghĩa, có giá trị, có khả năng giúp cho nhân dân Việt Nam khỏi mất gốc, còn đứng vững được giữa cơn gió điên loạn trên địa cầu...'' [4/ 27]. Trong Trước đèn và Chuyện vô lý, khó mà nói được nhà văn chịu ảnh hưởng của một ý thức tư tưởng nào. Ông tôn trọng và thâu nạp các quan điểm của cả Nho học và Tây học, song luôn nhìn nhận vấn đề ở những hoàn cảnh cụ thể, đặc biệt là đặt nó trong thời điểm lịch sử hiện tại có nhiều đổi thay, cho nên các quan điểm ấy có khi bị xem xét lại, bị phản bác. Thái độ hoài nghi ở Phùng Tất Đắc là sự đặt lại vấn đề trong dòng chảy của những biến thiên lịch sử.
Điều nổi bật hơn cả ở Phùng Tất Đắc là sự thể hiện những kinh nghiệm làm người, nhìn thẳng vào kiếp người để thể hiện cái ''hãnh diện làm người'' [5/30]. Từ tư tưởng này ông có thể phủ nhận tất cả những luân lý cao ngạo, những ràng buộc xã hội che đậy bản chất con người; nhiều điều trái tai hay nói ra thường bị cho là khiếm nhã nhưng lại rất đúng với sự sinh hoạt tự nhiên của con người được ông nói thẳng, nói trắng; những nét tâm lý thường tình nhiều khi đi ngược luân lý được ông phân tích một cách thấu đáo...Ví dụ khi nói về sự phù hợp thể chất của con người trong hôn nhân, nhà văn nhận thấy: ''Nay đem hai cơ thể ràng buộc vào nhau trong suốt một đời, điều cần nhất, há chẳng phải là xét xem luật cung cầu của hai cơ thể ấy có ngang nhau không hay sao! Điều cần nhất này lại là điều mà hôn nhân tuyệt nhiên không lưu ý tới'' (Trước đèn/74). Điều này có lẽ không thể có trong phát ngôn của nhà luân lý.
Chúng tôi cho rằng cách nhìn của Phùng Tất Đắc dựa trên một thứ triết học về con người - con người với tất cả sự cao đẹp hay tục tằn, với tất cả sự vinh quang, sung sướng hay nhọc nhằn, cay cực của kiếp người, với tất cả khí chất, bản chất của con người bản năng và con người xã hội. Chính điều này tạo cho ông một chỗ đứng để ''tranh luận'' với các ý kiến khác, để biện luận, giải quyết vấn đề. Từ Trước đèn đến Chuyện vô lý, có thể thấy tác giả đã đi từ quan niệm về con người nói chung, con người có ý nghĩa về loại đến những con người cụ thể ở những cảnh trạng cụ thể, tác giả ngày càng có xu hướng tiếp cận số phận con người ở khía cạnh xã hội, đặc biệt là thảm cảnh của nó trong xã hội Việt Nam đương thời.
Sống trong một thế kỷ hoài nghi như thế kỷ XX, nhiều giá trị truyền thống bị thay đổi, bị phá vỡ, khoa học kỹ thuật phát triển kéo theo sự nhận thức lại các vấn đề về con người, các trường phái triết học mới ra đời nhất là những quan niệm hiện sinh về tính ngẫu nhiên, tính phi lý của thế giới, hay những luận điểm của chủ nghĩa thực chứng về nguyên lý phân ly (không chấp nhận những quan niệm đã được chấp nhận, cho dù chúng đã được thông qua và chấp nhận), những vấn đề về vô thức, về tính dục của chủ nghĩa Freud... thì đối với chúng ta, thái độ hoài nghi của Phùng Tất Đắc không có gì là lạ. Phùng Tất Đắc hoài nghi là để nhận thức lại vấn đề, song hoài nghi nhiều khi còn là một cách để vạch trần sự thật. Nhưng nhiều khi cũng thấy sự hoài nghi quá mức ở Phùng Tất Đắc dẫn đến những kết luận cực đoan.
Song có lẽ hoài nghi không phải là phương châm xử thế của Phùng Tất Đắc. Ông không phải là con người sống hoài nghi để rồi phủ nhận tất cả mọi giá trị cuộc sống, làm ngơ với toàn bộ sự tồn tại xung quanh. Ở nhiều bài, người đọc cảm nhận được tấm lòng tha thiết của ông đối với thân phận con người, với những hoài bão trong sạch và thanh cao của tuổi trẻ cũng như mong muốn có được sự cảm hiểu của nhân thế với những suy tư của người nghệ sỹ. Như vậy, sự hoài nghi ở Phùng Tất Đắc là một cách để nhận thức, một cách lĩnh hội cuộc sống, có khi là một thủ pháp để phiếm luận chứ không phải là thái độ sống của người cầm bút bởi nhà văn vẫn mang căn cốt tinh thần của một người gắn bó với sự sống, đại lượng với chúng nhân và một tâm hồn vẫn luôn kiếm tìm tri kỷ, hạnh phúc, hy vọng.
c. Phiếm luận trào phúng
Trong lịch sử tản văn Việt Nam, chất trào phúng hầu như thiếu vắng, nói đúng hơn là chỉ có ở sáng tác của rất ít tác giả, mật độ cũng không nhiều. Những cây bút có thể dùng lối nói bỡn cợt để nói về bất kỳ một vấn đề gì  kiểu như Phùng Tất Đắc thì quả rất hiếm hoi.Lối bàn chơi đến mọi vấn đề của Phùng Tất Đắc tạo cho tản văn của ông có thể biểu hiện nhiều sắc thái mà đặc biệt là sự châm biếm, nhạo, giễu. Nếu trong Trước đèn, sắc thái châm biếm nghiêng về sự bỡn cợt bởi nhà văn hay khơi sâu vào mặt trái của những vấn đề đã được đông đảo mọi người mặc nhiên thừa nhận thì ở Chuyện vô lý, sắc thái châm biếm lại nghiêng về sự giễu nhạo, đả kích bởi cảm hứng chủ đạo ở đây là sự phẫn nộ, phản đối và kèm theo đó là thái độ phủ định. Dường như những chuyện vốn nghiêm túc thì nhà văn lại thấy được những chỗ nghịch lý, những cái vốn cần đạo mạo, cần mũ cao áo dài thì nhà văn lại gạt bỏ những che đậy để nhìn sâu vào bản tính thực, hạ bệ đối tượng. Ngòi bút Phùng Tất Đắc, nhất là ở Chuyện vô lý, thường hướng vào những chuyện hàng ngày xảy ra quanh mình, có khi là những việc thực có liên quan tới một nghị định, một vụ kiện, một nhân vật tiếng tăm, một vụ án...Thể tài mang đậm tính thế sự, song chất trào phúng không toát ra từ sự trình bày đời sống mà nằm trong cách lý giải đời sống. Văn chương Phùng Tất Đắc cho người đọc cái thú vị ở giọng nhạo đời của một con người biết thoát khỏi những ảo tưởng về cuộc đời. Đối với Phùng Tất Đắc, đọc nhiều, nghĩ rộng, nhìn rõ “chân tướng” mọi sự có lẽ là lý do khiến ông có đầy đủ bản lĩnh để có thể cười cợt, để có thể châm biếm một cách bình tĩnh và thâm thuý. Mặt khác, có lẽ sẵn ý tưởng coi cuộc đời như một tấn tuồng, “nhìn cuộc sống như một trò vui” [6/62] nên nhiều cái đối với ông mất hết vẻ “linh thiêng”, trang trọng, cho dù đó là chuyện  hôn nhân, chuyện tôn giáo hay là chuyện chính trị... Khi đã quy mọi sự phát triển kinh tế và tiến bộ  xã hội đều là do ái tình bởi “bao nhiêu kỹ nghệ trong xã hội hồ hết là để tô điểm cho ái tình” (Trước đèn/63), thì còn điều gì mà nhà văn không bông lơn được nữa.
Nhiều bài trong tập Chuyện vô lý lại cho thấy thái độ châm biếm của một con người có mối bất bình với những bất công vô lý trong xã hội đương thời, mà thường nạn nhân, kẻ chịu thiệt là những con người nghèo khổ, là dân đen. Như vậy đối tượng châm trích là những kẻ đại diện cho tầng lớp trên của xã hội như các ông đốc, ông quan phụ mẫu, ông phán ông hàn, bọn nhà giàu trọc phú, bọn học đòi , uốn mình theo Tây, những kẻ tu hành sống sung sướng nhờ tiền của của dân...
Chúng tôi có thể phân tích một số phương thức trào phúng mà Phùng Tất Đắc đã sử dụng trong tản văn để thấy rõ hơn phong cách phiếm luận độc đáo của nhà văn này.
Tình huống nghịch lý.Xây dựng tình huống nghịch lý là một thủ pháp thường gặp nhất là đối với những cây bút trào phúng. Cái cười toát ra từ những nghịch cảnh, những cái chớ trêu, những phản ứng tức cười của con người trong các tình huống đó. Trong Một vạn bạc bồi thường, chuyện thầy tu đi kiện vì không được làm “nghề” thầy tu ở Hà Nội và đòi bồi thường sự thiệt thòi một vạn đồng bạc, bản thân nó đã là một sự nực cười. Những chi tiết kiểu như thầy tu đi kiện, nghề thầy tu, đòi bồi thường...quả là đi ngược với chân tu không còn vương vấn cõi đời, tìm lẽ sống trong câu kinh kệ. Hay là cảnh ông Hàn mất kim tiền, kim khánh trong Mất hết, tác giả dựng nên tình huống ông Hàn bị kẻ cắp lấy mất hai thứ ghi nhận “công lao” đối với triều đình, mà như thế nghĩa là mất hết “mất kim tiền, kim khánh, ông Hàn có còn gì nữa đâu”, “khi đã mất cả kim tiền lẫn kim khánh, ông sẽ tất nhiên chỉ là một người tầm thường”, “còn lấy đâu ra tín nhiệm”. Kim tiền, kim khánh như một thứ đồ nguỵ trang của những quân lường đảo, đâu phải phản ánh thực chất con người “Cho nên những quân lường đảo muốn lợi dụng lòng tin cẩn kia, chỉ có việc đem ông cha, họ hàng, làng xóm ra phô, hoặc đem đồ chơi ra đeo, là đủ làm nên công chuyện”. Người đọc hiểu ngầm ý của tác giả: các thứ phong tặng của triều đình chỉ như một thứ đồ chơi được những kẻ gian trá dùng để hù doạ mọi người. Đến đây đối tượng đả kích có lẽ không chỉ là ông Hàn bị mất cắp nữa rồi.
Cách lý giải ngược. Hàm ý trào phúng toát ra từ sự lý giải các vấn đề không theo lôgic sự việc mà theo một lôgic nằm ngoài chính sự, do nhà văn cố tình tạo ra và bản thân nhà văn có thể cũng không tin vào tính đúng đắn của nó nhưng nó lại biểu hiện được một cách chân thật thái độ đánh giá của người viết. Ví dụ, viết về việc hôn nhân, nhà văn cho rằng những khoán ước, thủ tục trong việc một người đàn ông và một người đàn bà lấy nhau được sinh ra bởi “ nhà luân lý cũng biết sẵn sự hôn nhân khó theo, nên tìm hết mọi phương ràng buộc”, “ngay lúc lấy nhau, hai bên đã không tin nhau rồi, nên mới phải cẩn thận đến thế”(Trước đèn/77). Những cách hiểu thường được mọi người thừa nhận về phép tắc của hôn nhân có thể đi ngược với những điều nhà văn đã viết. Không bàn về những cái đẹp cái hay cũng như tính văn hoá của hôn nhân, nhà văn đi theo một hướng khác mà hôn nhân chỉ là một cái cớ để biện luận: bản tính dễ thay đổi của con người. Như vậy, điều mà nhà văn quan tâm lại chính là những biến động tâm hồn cũng như thể xác của con người trong quá trình hôn nhân. Thảm cảnh vỡ đê, lụt lội của dân đen cũng là cơ hội làm giàu cho các bậc phụ mẫu chăn dân, nhìn vào nghịch cảnh ấy, nhà văn “giải thích” cho dân rằng: “Dân đen có đói rách, mựa chớ phàn nàn. Nỗi đói rách của mình đã tạo nên phú quý cho biết bao nhiêu người rồi, thì cũng nên vui lòng mà tự nhủ rằng cái bổn phận dân đen là phải hiểu: hy sinh là nghĩa lớn!” (Trời ra tai là trời sinh phúc). Dân lầm than do quan tắc trách, quan kiếm lợi trên nỗi đau con người, còn nạn nhân lại phải có nghĩa vụ hy sinh cho những kẻ chăn dân bất lương.  Rõ ràng, dụng ý người viết đi ngược với lý lẽ được nêu ra, logic của cách hành văn đi ngược với thâm ý của tác giả. Có thể thấy, cách lý giải ngược thường được dùng nhiều trong những trường hợp nhà văn muốn châm biếm một cách kín đáo, nó giống như một sự khơi gợi, một cái đòn bẩy tác động vào tư duy người đọc, người đọc tự nhận thức vấn đề.
Cách so sánh hạ bệ. Cách so sánh này thường thấy khi muốn giễu, muốn châm chọc thẳng thừng một đối tượng nào đó. Các đối tượng đứng cạnh nhau tạo một sự liên tưởng nhất định, mà thường vế bị đem ra so sánh là những loại được cho là tốt đẹp, thanh cao còn vế dùng để so sánh là những thứ thấp hèn, tục tĩu, tầm thường.
Nhân một sự việc có thật là sự phản ứng của một số thày tu đối với nghị định ngày 1/7/1936 của thành phố Hà Nội cấm nhà tu làm “nghề tu” trong các đền đài Hà Nội, nhà văn viết bài Một vạn bạc bồi thường để đả kích những loại thầy tu đi tu không phải vì mộ đạo mà chỉ mưu lợi. Tác giả dùng phép so sánh liên tưởng: “Hà Nội thật có nhiều nghề. Có nghề nữ kỵ binh, có nghề thày dạy nhảy, nghề thày bói tân thời, có nghề làm “bình dân”(Hồi ấy ở bên Pháp , mặt trận bình dân lên cầm quyền- chú thích của tác giả). Nay lại có nghề làm thày tu”. Gọi đi tu là một nghề đã hàm chứa ý nói đi tu là để kiếm sống. Lại đặt nghề thày tu cạnh những “nghề” mới nảy sinh trong xã hội, mà lại toàn những nghề đáp ứng nhu cầu của các trọc phú, thậm chí có những nghề mượn danh nghĩa của những cái cao quý để hô hào hốt bạc, nhà văn đã ngầm chỉ cho người đọc thấy bộ mặt thật của những kẻ núp bóng phật đài kia. Tương tự như vậy, nhà văn gom các hạng người vừa cặn bã vừa thiếu nhân cách vừa kiếm trác bất lương vào cùng một dạng với thày tu: “Đấng thánh hiền là đấng cao xa, cái lượng dung người rất lớn. Thôi thì bợm già, đĩ lũa, thôi thì quan sang nhà giàu, ai ai cũng nấp được vào bóng thánh hiền. Nữa là nhà tu đã tu có cấp bực rồi mà lại bị cấm không được vào nấp bóng, há chẳng phải bất công lắm sao!”.
Kiểu so sánh hạ bệ này thường được đem ra để giễu nghề viết văn, đúng hơn là những thói xấu trong nghề. Vế đem ra so sánh với nghề văn thường là...hàng tôm hàng cá. Trong bài Tình hữu ái tác giả vạch ra một quy luật: “Chưa từng thấy có ai cạnh tranh với kẻ khác nghề!”, đồng thời đưa ra một ví dụ: “Chưa từng thấy nhà báo (chẳng hạn) lại cạnh tranh với hàng cá... trong nghề buôn bán (còn trong ngôn ngữ lại là khía cạnh khác)”. Ở một bài khác, tác giả viết: “Cùng làm một việc chửi nhau mà hàng cá với nhà văn, khinh trọng khác nhau như trời bể” (Lấy danh nghĩa)
Cách dùng từ đối nghịch sắc thái. Đây là cách đặt những từ hoặc cụm từ có sắc thái nghĩa đối nghịch với tình huống đang được nói tới. Những kiểu kết hợp từ như “cái nọc khoa cử” (Hỏng thi), “loài đạo đức”(cả câu: “Những nhà tu hành đạo đức cũng có thể gây ra giống mà không phạm giới, bấy giờ ta sẽ có một loài mới: loài đạo đức”), “nạn hôn nhân” (Con khoa học)...được nhà văn sử dụng để nêu bật hàm ý giễu. Ở nhiều câu khác chúng ta có thể thấy rõ khả năng gợi cảm của các từ có sắc thái nghĩa đối lập là rất lớn: “Bụng nhân từ phải rử bằng vui thú” (Trước đèn/150), “Ai hay rằng bệnh thiếu tiền còn giúp ta trở nên cao thượng nữa. Bác thuyền chài kia ở vùng Nam Định, bắt được quả tang vợ có ngoại tình, mà tha thứ cho cả gian phu lẫn dâm phụ: bác không có tiền đi kiện!” (Bệnh thiếu tiền), “Đạo làm mẹ, làm bà ngày nay là gì? Là giữ mình còn son như con như cháu” (Trước đèn/65), “Nay bỏ Hà Nội mà đi ư? Nghề thầy tu còn gì là thú nữa!” (Một vạn bạc bồi thường), “Chẳng những không ai thương, người ta còn muốn đem giam lại nữa. Phải, giam lại, vì người ấy (kẻ ăn mày đầu đường xó chợ- LTM) phạm một tội lớn: dám công nhiên phản đối chữ bình đẳng và bác ái của loài người”. Chính những từ này (được tôi gạch dưới - LTM) là trọng tâm diễn tả tư tưởng, thái độ, cảm xúc của tác giả, chúng như một thứ kí hiệu đặc biệt mang một mã tinh thần nằm ngoài nghĩa bề mặt thông thường. Từ “rử” với nghĩa cần phải có một thứ “mồi” mới kích thích được hành động trái ngược hẳn với “nhân từ”- lòng thương người tự nguyện, không cần một điều kiện hoán đổi nào. Sắc thái nghĩa đối nghịch này tạo nên một sự phản cảm đối với kiểu từ thiện- mua vui thường thấy. “cao thượng”, “tha thứ” đều là những từ chỉ sự độ lượng của con người, trong Bệnh thiếu tiền lại được dùng để gợi ra nỗi bất lực, sự nghèo hèn của ông thuyền chài mọc sừng. Có thể xem đây cũng là một cách chơi chữ, một cách dồn nén nghĩa trong một số từ trọng yếu có hàm lượng thông tin cao: vừa tái hiện được sự việc vừa thể hiện được quan điểm đánh giá cũng như xúc cảm của người viết
Có thể thấy lối phiếm luận trào phúng trong tản văn Phùng Tất Đắc có sự gần gũi với chất umua của essay trong văn phong phương Tây. Những cuộc luận đàm của nhà văn hấp dẫn người đọc một phần là do sự thu hút của cái cười thâm thuý từ lối phiếm rất có duyên của ông. Trên một mức độ nào đó có thể thấy tản văn Phùng Tất Đắc, nhất là Chuyện vô lý, có sự liên hệ với khuynh hướng trào phúng của văn học Việt Nam trước 1945 trong việc nhìn nhận thực trạng đời sống đương thời và thái độ phản ứng với thực tại của người cầm bút. 
3. Kết luận
 Rõ ràng là nghệ thuật phiếm luận của Phùng Tất Đắc không chỉ được quy về mặt thủ pháp, nó còn phản ánh cách nhìn, cách tiếp cận đời sống, tư tưởng nhân văn của tác giả. Với cái nhìn rộng mở, tự do, không chịu gò trong những thiên kiến, không tuân phục những tín điều có sẵn, nhà văn luôn tự tìm cho mình một con đường riêng để đi tới sự thấu nhận bản chất của những hiện tượng nhân sinh. Chính ý thức độc lập ấy đã giúp nhà văn đi từ bản thể của cái tôi để cảm hiểu bản thể con người nói chung, giúp nhà văn đi từ tính thiện, sự chân phương, lòng ái tha của chính mình để phân biệt và đánh giá các giá trị đời sống. Chúng ta nhận thấy ở Phùng Tất Đắc có sự kết hợp của tâm hồn phương Đông với óc quan sát, suy xét có được khi tiếp xúc với Tây học. Vì vậy, đọc tản văn của ông người đọc vừa có được sự lay động từ bề sâu trí tụê vừa có những sự đồng cảm và rung động trong tâm hồn.
Sau Phùng Tất Đắc, tính chất hoài nghi hay lối nêu vấn đề có tính đa diện, đa thanh trong tản văn hầu như không được tiếp nối. Đến nay, sau một quãng cách khá xa của thời gian, tính châm biếm đã lại thấy trong tản văn của một số cây bút  có xu hướng khơi sâu vào những phức tạp của thế sự hay những mặt trái của cuộc đời như Thảo Hảo, Trần Đăng... Nhìn lại lịch sử tản văn ngót một thế kỷ qua, những gương mặt như Phùng Tất Đắc quả là hi hữu, Phùng Tất Đắc là một trong số ít tác giả tạo lập được một phong cách riêng, dẫu tác phẩm của ông chưa phải là thành tựu lớn nhưng nó lại có đóng góp không nhỏ cho sự định hình ngày càng rõ rệt của thể loại trong đời sống văn học hiện đại.
[1], [3]. Vũ Ngọc Phan: Nhà văn hiện đại. Nxb Văn học, H, 1998.
[2]. Tạ Tỵ: Mười khuôn mặt văn nghệ. Nxb Hội nhà văn, H, 1996.
[4]. Nguyễn Văn Xuân: Lãng Nhân, nhà văn phiếm luận, trong sáchLãng Nhân- thân thế và tác phẩm. Nam Hà nhã tập xb, S, 1973.
[5]. Trích qua Nguyễn Văn Xuân: Lãng Nhân, nhà văn phiếm luận, trong sách Lãng Nhân- thân thế và tác phẩm. Nam Hà nhã tập xb, S 1973.
[6]. Vũ Hạnh: Một vài cảm nghĩ khi đọc Trước đèn, trong sách Lãng Nhân- thân thế và tác phẩm. Nam Hà nhã tập xb, S, 1973.
 Lê Trà My
Nguồn vanhoanghean
 Theo www.trieuxuan.info


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...