Nhà văn Nguyễn Quang Sáng
(trái) và nhà văn
Triệu Xuân tại Hội thảo Nhà văn Nguyễn Quang Sáng
do Nhóm Văn Chương Hồn Việt và Hội Nhà văn
TP HCM tổ chức ngày 29-07-2008.
Triệu Xuân tại Hội thảo Nhà văn Nguyễn Quang Sáng
do Nhóm Văn Chương Hồn Việt và Hội Nhà văn
TP HCM tổ chức ngày 29-07-2008.
Trong sự nghiệp cầm bút, nhà
văn Nguyễn Quang Sáng cho ra đời bốn tiểu thuyết, hơn mười tập truyện ngắn,
hàng chục kịch bản phim. Năm 2000, ông được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng
Hồ Chí Minh. Số lượng tác phẩm như trên chưa phải đồ sộ, song cái "chất
văn" nổi bật tiêu biểu của một phong cách, phong cách Nguyễn Quang Sáng,
thì đã được thừa nhận.
Tôi không bao giờ mơ tưởng
mình trở thành nhà văn!
Đọc một truyện ngắn gần đây
của Nguyễn Quang Sáng: Vểnh râu, nhà văn Tô Hoài nhận xét: "Lần này đọc
của Sáng, tôi thấy đã thuần lắm của cốt cách văn phong một trung tâm- miền Nam
là một trung tâm, mà trong văn không có cái nhàn nhạt chữ nghĩa dùng cho miền
nào cũng được". Thành công nhất định ở tiểu thuyết, có năng khiếu viết kịch
bản phim, thế mạnh thực sự ở truyện ngắn, Nguyễn Quang Sáng là một người kể
chuyện bẩm sinh. Giọng kể hồn hậu, mộc mạc, tự nhiên, lôi cuốn như mảnh đất Nam
bộ quê hương ròng ròng sự kiện, chất chứa nhiều bí ẩn. Không chỉ qua trang viết,
giọng kể của nhà văn còn hấp lực cả khi được trực tiếp trò chuyện cùng ông.
Tôi bắt đầu cầm bút từ năm
1952 lúc còn ở rừng U Minh thời đánh Pháp. Mãi đến năm 1956, truyện ngắn đầu
tiên Con chim vàng mới được in trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Từ ấy
đến nay tôi đã có được một số tác phẩm, vài giải thưởng nhưng tôi luôn tự hỏi
mình đã thật là nhà văn hay chưa? Thiệt lòng tôi đến với nghề viết văn rất ngẫu
nhiên. Từ nhỏ đến lớn tôi không bao giờ mơ tưởng mình trở thành nhà văn!
Không mơ tưởng nhưng cuối
cùng vẫn trở thành nhà văn. một nhà văn nổi tiếng, tiêu biểu của Nam Bộ. Phải
chăng trong ông tiềm ẩn một năng khiếu viết văn bẩm sinh?
Tôi không lý giải được. Có
điều, thời học Trường trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố, tôi ngồi cùng bàn với
Đoàn Thế Hối, tức về sau là nhà văn Lê Vĩnh Hòa; hai thằng rất thân nhau, mà Lê
Vĩnh Hòa sớm bộc lộ năng khiếu văn chương, làm luận văn lúc nào cũng được thầy
khen, còn tôi thì điểm chỉ tàm tạm. Lê Vĩnh Hòa có cây đàn banjo. Tôi chơi đàn
này khá hay. Nhiều người nghĩ rằng chắc sau này tôi sẽ trở thành nghệ sĩ chơi
đàn đi khắp miền sông rạch thời đánh Pháp. Có lần người yêu của tôi nghe tiếng
đàn trên chiếc xuống ngang qua, biết là tiếng đàn của tôi, liền gọi...
Cuộc gặp gỡ một nữ tín đồ
Hoà Hảo bí ẩn
*Vậy duyên cớ nào ông bắt
tay vào viết văn, thưa ông?
Chuyện tôi viết văn lạ lắm!
Năm 1950, ra trường, tôi về Phòng chính trị Bộ Tư lệnh phân khu miền Tây Nam Bộ,
làm công tác nghiên cứu về tôn giáo, cũng thường trực tiếp tham gia các chiến dịch.
Năm 1951, tôi về Long Châu Hà thuộc tỉnh An Giang hoạt động trong những vùng của
đồng bào tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và tình cờ gặp một nữ tín đồ Hòa Hảo mà mọi
người gọi là cô Tư là nguyên nhân trực tiếp để tôi viết văn.
*Một nữ tín đồ Hòa Hảo? Vậy
giữa ông với...
(Cắt ngang) Chắc anh muốn hỏi
mối quan hệ giữa tôi và cô Tư chớ gì? Không có mối quan hệ nào hết. Lúc đó,
trên Bảy Núi có một con voi điên, phá phách dữ quá, bộ đội phải săn lùng. Đến một
đỉnh núi, bỗng thấy một người đàn bà đang rút kiếm chống chọi với voi. Anh em bộ
đội kịp bắn hạ con voi điên. Hỏi chuyện, người đàn bà không nói. Thấy lạ, bộ đội
đưa cô về căn cứ. Khi gặp ông Huỳnh Văn Trí, tức Mười Trí, vốn là sư thúc Hòa Hảo
đang lãnh đạo tín đồ đánh Pháp, người đàn bà mới chịu nói.
(Tôi đang hồi hộp nghe, thì
nhà văn dừng lại uống một hớp trà, ngả lưng vào thành ghế salon, rít một hơi
thuốc dài, rồi mới kể tiếp. Nhìn dáng dấp của ông, không hiểu sao lúc thì tôi cảm
giác như đang ngồi trước một lão nông tri điền, lúc thì như một bậc tu sĩ vùng
Thất Sơn!)
Người đàn bà ấy nguyên là một
tín đồ Hòa Hảo yêu nước, thấy đạo mình chia năm sẻ bảy, bà chán đời bỏ lên núi
cấm, tu và thề không nói chuyện với ai. Gặp được sư thúc Mười Trí, người đàn bà
mà mọi người quen gọi là cô Tư ấy đã tình nguyện đi tuyên truyền vận động đồng
bào Hòa Hảo theo kháng chiến đánh Pháp cứu nước. Cô Tư hết sức xông xáo, nhiệt
tình vì nghĩa lớn. Một lần trên đường đi tuyên truyền, cô Tư bị địch bắn...
Một hình ảnh tín đồ Hòa Hảo
yêu nước thật xúc động! Nhưng thưa ông, như trên đây ông nói, cô Tư là nguyên
nhân trực tiếp để ông bắt đầu viết văn, nghĩa là thế nào?
Từ câu chuyện cô Tư mà tôi
chợt nhớ đến quê tôi là làng Mỹ Luông, cũng là làng theo đạo Hòa Hảo và xảy ra
nhiều bi kịch giữa nội bộ nông dân với nhau. Câu chuyện cô Tư cùng kỷ niệm quê
hương đã làm nảy ra trong đầu tôi một cốt truyện tiểu thuyết, mà nhân vật chính
là những tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Tôi hi vọng nếu viết được cuốn tiểu thuyết
này sẽ thức tỉnh bà con Hòa Hảo thấy được bi kịch của chính mình, cùng nhau đi
theo Đảng đánh Pháp.
Viết xong chết cũng được
*Như vậy tác phẩm đầu tay thực
sự của ông là một cuốn tiểu thuyết chứ không phải truyện ngắn?
Vâng, một tiểu thuyết. Câu
chuyện nảy ra trong tôi vào một buổi chờ qua lộ Cái Sắn, một con lộ đồn bót giặc
đóng giăng giăng. Tôi muốn nói kỹ về buổi chiều "lịch sử" này. Chúng
tôi, một đoàn cán bộ hơn chục người, ngồi rải rác trong một mảnh vườn nhỏ, người
ngồi dưới bụi chuối, người ngồi dưới gốc cây trâm bầu. Một buổi chiều yên ắng,
không ai nói với ai, nếu có nói thì cũng thủ thỉ đủ nghe. Tôi bỗng nghe có tiếng
huýt sáo bài Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong. Cho đến bây giờ, đã hơn
bốn mươi năm, tôi vẫn nhớ người huýt sáo ấy là anh Minh, cán bộ Sở Giáo dục Nam
Bộ. Tôi mường tượng thấy được giọng huýt sáo của anh như một làn khói mờ mờ lan
tỏa trước mắt tôi. Và từ trong làn khói âm nhạc ấy, hình ảnh của câu chuyện rõ
dần trong tâm trí tôi. Có lẽ từ đó, mà sau này, trước khi ngồi vào bàn viết,
bao giờ tôi cũng nghe nhạc. Đang viết mà mất hứng, tôi lại nghe nhạc. Âm nhạc
như gọi chữ nghĩa về với ngòi bút của tôi.
Trời sụp tối, trước khi băng
qua lộ giữa hai bót giặc, tôi đã dựng xong trong đầu một câu chuyện dài. Khi về
đến Bộ Tư lệnh, tôi dự định kể lại cho các văn nghệ sĩ viết; và sẵn sàng nấu
trà cho mấy ổng uống. Lúc đó tôi nghĩ hễ là văn nghệ sĩ thì cái gì cũng viết được
(cười)! Ngây ngô đến vậy! Cùng công tác ở phòng chính trị với tôi có nhà văn
Sơn Nam, họa sĩ Hoàng Tuyển, nhà thơ Hoàng Tấn, nhà thơ Hoàng Phố, ca sĩ Quốc
Hương... Nghe tôi kể, Hoàng Tấn và Hoàng Phố là hai nhà thơ nên không viết tiểu
thuyết được. Còn Sơn Nam thì nói: "Vùng đó tao không biết. Tao thấy rặng
cây của các làng Hòa Hảo từ xa thôi. Mày cũng có chữ nghĩa, viết đi!". Chẳng
ai chịu viết, thế là tôi viết. Tôi nghĩ bằng mọi giá, tôi phải viết cho được
quyển tiểu thuyết này. Viết xong chết cũng được.
Nhưng ông đã không chết,
cũng không thôi được. Nghề nào cũng có cái "ma lực" của nghiệp ấy.
*Riêng câu chuyện tình cờ buổi
đầu ông đến với văn chương cũng có thể dựng nên cả một cuốn tiểu thuyết. Bây giờ
trở thành một trong những "đạo trưởng" làng văn rồi, có bao giờ ông
nghĩ vả chăng đó cũng là số mệnh?
Theo tôi, đúng hơn là cơ
duyên. Tôi là người không nghĩ mình viết được văn, không có năng khiếu, cũng
không đam mê. Nhưng vì có câu chuyện mình tâm đắc, không ai chịu viết, nên buộc
phải viết. Khi đã viết rồi thì như thấy mình trở thành một người khác. Nhiều
lúc, tôi nghĩ, nếu không viết văn thì không biết làm nghề gì?
*Vâng, đó cũng chính là niềm
hạnh phúc của người cầm bút, khi trải được nỗi lòng mình lên trang giấy. Lần đầu
viết văn, mà lại viết cả một cuốn tiểu thuyết, ông có gặp khó khăn lắm không?
Quá say mê, tôi viết liên
miên một hơi ba trăm trang. Ở rừng thiếu giấy, tôi viết bằng giấy nhựt trình.
Viết bên ngọn đèn dầu bên bờ kinh rừng U Minh, năm 1952. Viết xong, tôi đọc cho
họa sĩ Hoàng Tuyển nghe. Anh khen hay, khuyến khích tôi viết tiếp. Kỷ niệm thời
thơ ấu với cha mẹ, người thân, và cảnh vật quê hương cứ theo dòng mực tràn ngập
trên trang viết. Cái làng Mỹ Luông của tôi nằm bên bờ sông Tiền thuộc huyện Chợ
Mới, tỉnh Long Xuyên, nay là An Giang. Nó vừa thơ mộng vừa dữ dội. Từ làng tôi
nhìn qua sông thấy rõ nhà thờ Cù Lao Giêng, nhà thờ Thiên Chúa giáo đầu tiên của
Việt Nam, trước cả nhà thờ Phát Diệm. Cù Lao Giêng cũng là đất văn vật,
nơi sinh ra nhiều con người nổi tiếng sau này như: Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Hưởng,
Nguyễn Ngọc Bạch, Hoàng Hiệp,..
Quê hương văn học
*Xin ông nói rõ một chút về
gia đình của mình.
Cha tôi làm chủ lò thợ bạc,
có trong nhà hai chiếc xe hơi. Bà con hay gọi cha tôi là cậu Hai. Khi về hoạt động
cách mạng ở quê tôi, nhà cách mạng Châu Văn Liêm kết bạn thân với cha tôi. Mỗi
lần đi Sài Gòn, Châu Văn Liêm hay ra nhà tôi ngủ để sáng đón xe. Làng tôi là mối
đường cho cả một vùng của huyện Chợ Mới. Những làng xung quanh, ai muốn đi Sài
Gòn cũng phải đến chợ làng tôi để đón tàu. Ngày nào tôi cũng nghe tiếng còi
tàu, tiếng kèn xe hơi và tiếng vó ngựa gõ trên mặt đường. Muốn đi Sài Gòn phải
qua bắc Mỹ Thuận, cách Sài Gòn gần hai trăm cây số, nhưng có thể nói Sài Gòn có
cái gì thì làng tôi có cái nấy. Không có một đoàn hát nổi tiếng nào không về chợ
làng tôi. Làng có trường gà, đôi ba năm lại có hội chợ. Có cả sân banh cho đội
bóng chân giày. Nhà cách mạng Châu Văn Liêm là người xây dựng Chi bộ cộng sản đầu
tiên tại làng Long Điền, giáp ranh với làng tôi. Để hoạt động cách mạng, nhà
cách mạng lão thành Châu Văn Liêm đã tổ chức một đội bóng đá gọi là đội Mỹ
Long, đội bóng của hai làng Long Điền và Mỹ Luông nhập lại, cha tôi là thủ
quân.
Tôi kể về cái làng của làng
tôi hơi nhiều vì đó là nơi chôn nhau cắt rún, vừa là quê hương văn học của tôi.
Hầu như tất cả các nhân vật của tôi, tôi đều đưa họ về sống ở làng, cho "họ"
tắm sông Cửu Long, cho "họ" đi trên con đường giữa vườn xoài, cho
"họ" ngồi xuồng mùa nước lũ, cho "họ" hít thở cái không khí
của làng... rồi sau đó "họ" mới bước vào trang giấy thành nhân vật của
tôi. Người nào cũng mang ít nhiều màu sắc của một làng bên bờ sông Tiền.
Tôi nhớ năm 11-12 tuổi, ông
già hay nhắc tôi về tấm gương trong sạch của nhà cách mạng Châu Văn Liêm. Những
nhà cách mạng nổi tiếng cũng từng đặt chân qua làng tôi như Bác Tôn Đức Thắng,
nhà cách mạng Ung Văn Khiêm v.v... Chú tôi là Đảng viên Cộng sản thế hệ đầu
tiên những năm 1930. Phát hiện chú tôi mang truyền đơn về cất giấu, hội tề làng
xã đến nhà tôi khám xét. Nể cha tôi, họ không bắt. Dù vậy, cha tôi cũng phải bỏ
làng một mình lên Nam Vang kiếm sống. Mẹ tôi đau buồn sanh bệnh. Cha tôi từ ông
chủ giờ đành phải đi làm thợ cho tiệm vàng Trái Tim Đỏ vốn rất nổi tiếng ở
Phnom Penh. Từ ấy gia đình cũng bắt đầu suy sụp. Tôi học ở trường huyện Chợ Mới,
mỗi kỳ nghỉ hè hay về chơi với bên nội. Nhà bên nội cách nhà tôi gần hai cây số.
Sau này, tất cả dòng họ bên nội tôi đều theo đạo Hòa Hảo. Riêng cha tôi thì
không. Do đó, từ một gia đình gắn bó thương yêu nhau đã xảy ra xung đột về tư
tưởng, dẫn đến bi kịch.
*Điều đó nhất định ảnh hưởng
đến quãng đời thơ ấu của ông?
Chưa hiểu hết nhưng tôi cũng
buồn lắm! Nhà nghèo, nhờ học giỏi, tôi được học bổng, học hết primaire năm
1944. Cũng năm đó, cha tôi từ Nam Vang trở về. Bà nội và mẹ đau nặng. Tôi đành
nghỉ học đi bán thuốc lá dạo trong chợ kiếm tiền giúp gia đình. Biết tôi là con
cậu Hai, giàu có một thời, giờ phải cơ cực, bà con ai cũng thương nên mua nhiều!
Tuổi thơ tôi không còn nữa. Hơi chán đời, tôi bắt đầu lao vào đọc rất nhiều
kinh Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành, Thiên Chúa. Sách gì liên quan đến đạo là tôi
đọc. Đồng thời, lúc đó tôi cũng nghe mọi người "xì xầm" về Việt Minh,
Cộng sản ở trong nhà mình. Rồi tôi lên tận Tân Châu vấn thuốc lá cho một người
bạn cha tôi. Lại gặp một ông già đang lập đạo, lên cơ. Tôi tò mò...
*Tuổi thơ của ông, của
những người cùng thế hệ ông và trước nữa, mà tôi có dịp tiếp xúc, phỏng vấn đều
có bi kịch. Có lẽ một phần nhờ đó mà họ dễ dàng tìm đến với cách mạng, làm nên
sự nghiệp về sau. Với ông, con đường đến với cách mạng có gì đặc biệt không?
Cũng bình thường thôi. Ngày
23 tháng 9 năm 1945, Nam bộ kháng chiến, tôi rời Tân Châu về quê, rồi đi Sa Đéc
làm thơ ký cho một tiệm vàng. Ông chủ là bạn của cha tôi. Tháng 4 năm 1946 tôi
gia nhập bộ đội làm liên lạc. Bây giờ nghĩ lại, phải nói thật rằng, tôi đi bộ đội
không phải vì ham vui mà đi để tự giải phóng mình ra khỏi cái không khí u ám của
xã hội lúc bấy giờ, đi với ý thức đánh Tây cứu nước, đi với một quả tim nồng
nàn. Đơn vị tôi về sau thuộc cánh quân Liên chi D2K, hành quân từ Long Châu Sa
(Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc) băng sông Tiền, qua sông Hậu, về U Minh, trấn giữ
chiến trường Bảy Núi, tức Thất Sơn, mở nhiều chiến dịch.
Xuất hiện Con chim vàng… trở
về Đất lửa
*Trở lại với cuốn tiểu thuyết
đầu tay của ông, nó có một số phận ra sao?
Năm 1954, tập kết ra Bắc,
tôi mang theo. Đơn vị tôi đóng ở Thanh Hóa. Đây là thời điểm tôi thực sự bắt đầu
tiếp xúc với văn học. Tôi đọc như người bị đói sách. Tôi được đọc qua các tác
phẩm "Người mẹ" của Gorki, "Thép đã tôi thế đấy" của
Nicolai Alechsevik Ostrovsky cùng truyện của Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân,
Nguyên Hồng, Tô Hoài... Đọc của các bậc đàn anh, tôi thấy tiểu thuyết mình viết
quá dở, chưa thể trở thành một tác phẩm văn học. Nhìn lại, 300 trang viết tay
chỉ mới là tư liệu, chưa phải là văn.
*Chính vì vậy, ông chuyển
sang "thử mình" bằng thể loại truyện ngắn?
Đúng vậy! Tôi quyết định viết
truyện ngắn để luyện tay nghề, sau đó sẽ sửa chữa lại cuốn tiểu thuyết. Lúc đó,
tôi đang là vô địch bóng bàn của sư đoàn, được cấp trên gợi ý đưa ra Hà Nội đào
tạo vận động viên, do Tổng cục Thể dục Thể thao tuyển chọn. Mới ra miền Bắc, nằm
ở một làng quê Thanh Hóa, người nào mà không muốn ra Hà Nội. Nhưng tôi không
đi, quyết ở lại để viết văn. Đến năm 1955, tôi chuyển ngành với cấp bậc chuẩn
úy, về làm biên tập văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Ra Hà Nội, tôi nghĩ
muốn sửa cuốn tiểu thuyết đòi hỏi phải có thời gian tập trung và cần có sự ủng
hộ của Hội Nhà văn, mới viết được. Hội viên nhà văn bấy giờ, mỗi năm được nghỉ
ba tháng ăn lương để đi viết. Tôi bắt tay viết truyện ngắn đầu tiên "Con
chim vàng" để "trình làng" với làng văn Hà Nội.
*Nghĩa là tác phẩm đầu tiên
của ông là một tiểu thuyết, còn tác phẩm ra mắt đầu tiên là một truyện ngắn.
Vâng, có thể nói "Con chim vàng" là một trong những truyện ngắn hay nhất
của ông. Nó hấp dẫn bạn đọc không chỉ ở bố cục, mà còn bằng hình ảnh buồn và gợi
cảm xuyên suốt như một tứ thơ.
Tôi nhớ khi "Con chim
vàng" vừa xuất hiện trên báo Văn nghệ, nhiều người nói rằng đây là
cây bút viết được truyện ngắn. Nó được dịch ra ngay bản tiếng Pháp. Bấy giờ,
đang thời kỳ cải cách ruộng đất, đề tài văn học chủ yếu là người nông dân; và
tôi hướng đề tài ấy về đề tài thiếu nhi. Hưng phấn, tôi tiếp đà "quất"
luôn một loạt truyện ngắn, mà năm 1958 được gom lại in thành tập "Người
quê hương".
Năm 1956, Văn nghệ quân
đội mở trại sáng tác ở Nghi Tàm, trong một ngôi nhà dân, tôi được đi dự.
Hà Nội những năm ấy, mỗi người thuộc lớp nhà văn đi trước đều nhận một số nhà
văn trẻ để giúp đỡ. Tôi được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đỡ đầu. Viết được cái gì
tôi cũng đưa anh góp ý. Trong những ngày đầu viết văn, nhà văn đàn anh gần gũi
nhất đối với tôi là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Sau khi đọc một số bản thảo của
tôi và nghe tôi kể những câu chuyện về chiến trường Nam bộ, nhà văn Nguyễn Huy
Tưởng đã nói một câu mà tôi nhớ đời: "Đất Nam bộ là đất tiểu thuyết!".
Về sau, bài tham luận của
tôi đọc tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ hai, tôi lấy tựaĐất Nam bộ là
đất tiểu thuyết. Ở trại sáng tác Nghi Tàm, tôi sửa lại cuốn tiểu thuyết và đặt
tên cho nó. Tôi lang thang các hiệu sách Hà Nội để tham khảo, tìm một cái tên.
Cuối cùng, tôi cho "nó" cái tên "Đất lửa". Quyển tiểu thuyết
mang cả tâm trạng của tôi thời bước đầu trưởng thành. Xong bản thảo, tôi đọc
cho các anh Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Hoàng Trung Thông cùng một vài nhà văn
khác nghe. Nhà văn Kim Lân đề nghị trích một chương đăng trên báo Văn nghệ.
Do tình hình chính trị lúc bấy giờ, chưa thể in hết toàn bộ tiểu thuyết, phải đợi
đến năm 1963 nó mới chính thức ra đời.
*Ông có thể cho biết lý do cụ
thể được không?
Anh em văn nghệ chưa hiểu hết
sự phức tạp của chiến trường Nam bộ lúc ấy, nhất là vấn đề tôn giáo.
*Theo ông, "Đất lửa"
có một vị trí thế nào trong toàn bộ sự nghiệp văn học của mình?
Dư luận trong nghề cho rằng
"Đất lửa" là tiểu thuyết thành công nhất trong số bốn tiểu thuyết của
tôi: Đất lửa, Nhật ký người ở lại, Mùa gió chướng và Dòng sông thơ ấu. Tôi
cũng nghĩ như vậy.
*Có bao giờ ông hình dung nếu
"Đất lửa" vội vàng in ngay bằng bản thảo viết ở rừng U Minh năm 1952,
thì nó...
Sẽ chết. Vì không có giá trị
văn học.
*Qua đó, ông nghiệm ra điều
gì?
Một tác phẩm đứng được theo
thời gian phải là một tác phẩm được viết bằng tâm huyết, lòng say mê và vốn sống
của mình. Đồng thời, không thể thiếu “tay nghề”. Tôi muốn nói đến trình độ nghệ
thuật và kỹ thuật của nhà văn.
“Chi tiết có thể ví như bụi
vàng”
*Thưa ông, thời đánh Mỹ, ông
từ Hà Nội trở về Nam lúc nào?
Năm 1966. Truyện ngắn
"Chiếc lược ngà" là tác phẩm đầu tiên khi tôi trở về Đồng Tháp Mười.
Nó được viết trên xuồng. Tôi nhớ lúc bấy giờ công chúng miền Bắc rất khao khát
tác phẩm viết về miền Nam. Có một số nhà văn đang ở miền Bắc, qua thư từ, qua
những câu chuyện kể mà hư cấu viết nên tác phẩm. Tôi cũng viết tiểu thuyết
"Nhật ký người ở lại" in năm 1962. Nhưng phải thừa nhận rằng, những
tác phẩm qua trung gian đó, nó không thật tươi, không thật sinh động, vẫn mang
cái không khí thời đánh Pháp, chưa phải là cuộc chiến tranh đánh Mỹ. Do đó, khi
lên đường về Nam tôi nghĩ: phải viết những cái gì nếu không đi chiến trường thì
không thể tưởng tượng được!
*Ý thức nghề nghiệp ấy rõ
ràng không phải nhà văn nào cũng có được. Nó có thể sánh ngang với phát minh
trong khoa học. Ông đã "cụ thể hóa" ý tưởng độc đáo ấy của mình lên
trang viết ra sao?
Khá nhiều. Chẳng hạn chi tiết
trực thăng soi đèn xuống cánh đồng ban đêm để "tìm và diệt". Ác liệt
thế. Nhà văn lẫn bạn đọc miền Bắc làm sao hình dung ra được! Hồi đánh Pháp, đi
qua cánh đồng ban ngày mới ngụy trang. Còn đánh Mỹ, ban đêm cũng phải ngụy
trang. Vì máy bay trực thăng luôn soi đèn. Dakota thả trái sáng. Nấu cơm nấu nước
tuyệt đối không để khói. Đi tắm sông suối tuyệt đối không để dợn sóng. Chính những
chi tiết đó đã nói lên được cái không khí ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ,
khác xa chống Pháp. Hay như chuyện con gà trống không được quyền gáy: chuyện bỏ
đứa trẻ vào bịch ni lông nhấn xuống nước khi máy bay bắn... thời đánh Pháp cũng
không có. Nếu nhà văn không lăn lộn ở chiến trường thì không thể phát hiện những
chi tiết sống động như thế.
*Theo ông, chi tiết có vai
trò thế nào đối với cốt truyện?
Nếu không có chi tiết thì
truyện sẽ không thành truyện, nó sẽ như một đề cương, rất đại khái. Chi tiết có
thể ví như bụi vàng. Điều này làm tôi nhớ đến ông già tôi, một người thợ bạc. Từ
bụi vàng chế nên những kiểu nữ trang đẹp. Và nhà văn Nga nổi tiếng Paustovky
cũng cho thấy bụi vàng làm nên những bông hồng vàng. Từ bụi vàng dựng nên
tác phẩm. Một hôm, xem một trận đấu bóng rổ trên tivi, tôi nghe huấn luyện đội
thắng trả lời nhà báo rằng: Chiến thắng này là tổng hợp của chi tiết! Rất xác
đáng! Tôi nghĩ, văn học cũng là tổng hợp của chi tiết. Mà chi tiết trong đời sống
không ai có thể sáng tác được. Nó nảy ra từ trong đời sống không ai có thể sáng
tác được. Nó nảy ra từ trong đời sống và nhà văn phải nắm bắt chi tiết đó để
làm một trong những cái vốn cho văn học. Bên cạnh chi tiết, yếu tố quan trọng
khác là bố cục. Truyện dài, nếu biết bố cục khéo thì nó trở nên ngắn gọn. Ngược
lại, bố cục kém, truyện ngắn trở nên dài lê thê, dễ chán. Đồng thời, một truyện
hay phải bố cục làm sao cho hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối.
*Có nhà phê bình gọi ông là
người "chơi bố cục"!
(Cười) Tôi cũng cảm thấy như
thế. Bố cục, chi tiết và chủ đề.
*Còn nhớ trong một lần đề cập
phim “Cánh đồng hoang”, do ông viết kịch bản, ông có nói vui rằng chỉ cần một
“chi tiết” là làm nên sự nghiệp. Vậy đó là chi tiết gì?
Chi tiết đứa bé bị bỏ vào bịch
ni lông nhấn xuống nước để tránh máy bay địch bắn. Một chi tiết rất “đắt” mà
tôi khai thác được trong phim “Cánh đồng hoang”. Nó đã góp phần lớn vào sự
thành công của bộ phim, bộ phim đoạt Huy chương vàng Liên hoan phim toàn quốc
năm 1980 và Bông sen vàng Liên hoan phim quốc tế Moscow 1981. Tất nhiên, khi
nói về phim, không thể không kể công của đạo diễn, anh Hồng Sến.
Trong lời ru của mẹ cũng có
đủ các chức năng giáo dục, thẩm mỹ và giải trí!
*Thưa ông, có đạo diễn điện ảnh
còn nói văn của Nguyễn Quang Sáng có chất điện ảnh. Ông có trải qua khóa học viết
kịch bản phim nào không?
Không! Tôi không có dịp đi học.
Tôi tự học bằng cách rút kinh nghiệm hay dở qua những bộ phim tôi được xem. May
mắn, tôi có dịp theo đoàn phim "Mùa gió chướng" và "Cánh đồng
hoang", tôi có dịp trao đổi thẳng thắn với các đạo diễn đã từng hợp tác,
tôi cũng đã "lăn lóc" trong hậu trường như lồng tiếng, lồng nhạc,
v.v... Sự hiểu biết ấy đã giúp tôi rất nhiều khi tôi viết kịch bản.
Điện ảnh có đặc tính riêng của
điện ảnh nhưng phải xuất phát từ văn học. Đó là thế mạnh của người viết kịch bản
vốn là nhà văn...
*Mấy năm gần đây ông không
viết tiểu thuyết mà chỉ viết truyện ngắn và kịch bản phim. Vậy ông có dự định...
Thời gian tới có lẽ tôi cũng
chỉ viết truyện ngắn mà thôi.
*Vâng, có thể nói truyện ngắn
chính là thế mạnh của Nguyễn Quang Sáng. Giả dụ nếu phải chọn lấy mười trong số
các truyện ngắn đã viết của mình, thì ông sẽ chọn thứ tự những truyện nào?
(Dừng khá lâu) Truyện ngắn đầu
tay tôi luôn tôn trọng là "Con chim vàng", kế đến là "Chiếc lược
ngà" mà ai cũng thích, rồi "Quán rượu người câm", "Con gà
trống", "Con mèo Foujita", "Người bạn lính", "Tôi
thích làm vua", "Con chim sổ lồng", "Ông Năm Hạng",
"Chị Nhung". Cả "Người dì tên Đợi" và "Thế võ",
tôi cũng rất thích.
*Trước khi viết truyện, ông
có từng đọc nghiên cứu lý luận văn học?
Không. Tôi tiếp xúc lý luận
văn học sau khi đã viết văn. Có điều tôi ngẫm thấy, dù không biết lý luận văn học
là gì, nhưng trong lời ru của mẹ tôi cũng có đủ các chức năng giáo dục, thẩm mỹ
và giải trí!
*Một đời cầm bút, đạt nhiều
thành công, có bao giờ ông nghĩ mình đã bước tới cái đỉnh của chính mình?
Nghệ thuật không có cái đỉnh
cuối cùng. Có những cái đỉnh càng leo càng gần, nhưng cái đỉnh của nghệ thuật,
của văn học càng leo càng thấy xa. Với tôi, văn học là con đường càng đi càng
xa, đi mãi không dừng...
Nguyễn Quang Sáng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét