Đọc Trường ca Biển của
Hữu Thỉnh
Từ ngàn đời, biển đã có mặt
trong Kinh Thánh và trong nhiều huyền thoại của dân tộc như là một nhân vật
chất chứa những nghịch lý vĩ đại, ôm chứa hết thảy những đam mê phi lý của
nhân loại. Trong “Trường ca biển” Hữu Thỉnh trình bày biển như một không gian
đặc biệt, một môi trường văn hoá, một người bạn, một người thầy đồng thời là
một đối trọng vĩ đại của người lính, một kích tấc độc đáo của thời đại để đo
đạc con người trong mọi chiều kích của văn minh.
Những day dứt thẳm sâu về
ranh giới
Chúng ta sống trong thời đại
cô đơn bị tấn công, thông tin các kiểu ập vào nhà qua các phương tiện truyền
thông đại chúng. Con người hôm nay quá tải thông tin, dễ dị ứng với văn hoá
duy lý và tuyến tính để thích nghi với "văn hoá đốm sáng" là nền
văn hoá tạo bởi những thông tin không tổ chức theo hệ thống chặt chẽ mà chớp
sáng liên tục thành chuỗi những tín hiệu ngắn gọn, năng động và đa dạng.
Trong cảnh quan tinh thần này, thật khó có chỗ sáng tác trường ca, nhất là
trường ca mang cảm hứng sử thi. Trong lúc nhiều nhà thơ đang bị cuốn vào trào
lưu đam mê thứ ánh sáng mờ mờ ẩn hiện của đom đóm, dị ứng với những ý tưởng dữ
dội và những sự vật vĩ mô, thì việc quan tâm thể hiện số phận những người
lính trong hình thức trường ca sẽ bị xem là một cố gắng lỗi nhịp.
Hữu Thỉnh đã đương đầu một
cách tự tin với những thách thức thi ca trùng điệp này. Trường ca Biển là bức
tranh hoành tráng, lập thể về người lính trên đảo xa - sự cô đúc một thế giới
đảo điên, khắc nghiệt và đầy nghịch lý - làm nổi bật một cách lung linh và
góc cạnh số phận những con người trả giá đến cùng để giữ lấy cho cuộc sống một
ý nghĩa, một diện mạo văn hoá, một thế giới riêng biệt, một đội ngũ bền vững
để chống lại sự cô đơn và sự hoà tan. Số phận của họ là hiện thân của số phận
dân tộc trong những thử thách lịch sử cuối thế kỷ mà nổi bật lên là thử thách
về vấn đề ranh giới.
Trong cái nhìn của nhà thơ
Hữu Thỉnh, biển trở thành một không gian tượng trưng trong đó luôn diễn ra những
day dứt thẳm sâu về ranh giới - từ ranh giới cụ thể giữa hai chủ quyền đến ranh
giới tinh vi và siêu thực giữa sống và chết, giữa riêng và chung, giữa bản sắc
và hoà nhập. Ranh giới là một vấn đề có tầm triết học đang nằm trong vị trí
những vấn đề thời sự, chiến lược được nhiều nhà triết học và khoa học quan
tâm mà nóng hổi nhất là vấn đề ranh giới giới tính của tạo hoá đang bị xê dịch,
xâm phạm và ranh giới giữa các sắc tộc đang bùng nổ những trải nghiệm về sức
sống của bản sắc.
Trong Trường ca Biển Hữu
Thỉnh đã trình bày những người lính như là những hiện thân sức sống mãnh liệt
của con người Việt Nam trong nhận thức và xử lý vấn đề ranh giới. Người lính ở
đây còn hiện lên như những sứ giả văn hoá trong những thử nghiệm tinh thần có
tầm nhân loại, một kiểu nhà du hành vũ trụ dấn thân vào tam giác quỉ giữa biển
- đảo - con người để thám hiểm những chân lý của thời đại và thử nghiệm những
rùng rợn khi cuộc đời mất đi mọi ranh giới, không còn ý nghĩa, không còn lẽ sống.
Biển được nhà thơ trình
bày như một không gian đặc biệt, ở đó con người luôn bị đặt trong tình trạng
bị xoá nhoà mọi ranh giới. Trong không gian đó, cát trở thành đơn vị cơ bản của
cuộc đời người lính, len vào cấu trúc đời sống người lính trên đảo. Cát là Tổ
Quốc, cát là vũ khí, "sông cát là bệ tỳ, chết cát là hoa tươi nước mắt",
"cát là lối đi", "cát là chỗ ăn cơm chiên ngụm nước", cát
là giường gối đầu lên cát, "cát theo lá thư đồng đội gửi về". Cát
là tất cả: mục đích và phương tiện, sống và chết, ám ảnh và hy vọng, thực và ảo,
nỗi kinh hoàng và niềm kiêu hãnh thiêng liêng. Trong cái thế giới đơn cực và
biến ảo khắc nghiệt của cát đầy những cú sốc thông tin cấp tập, những sự đan
xen giữa sống và chết, hạnh phúc và cay đắng, người lính phải chấp nhận những
kỷ luật khắc nghiệt để tồn tại, chống chọi với sự bủa vây của cái chết và sự
xâm lấn rùng rợn của một thế lực vô hình - "khoảng trống",
"cái khoảng trống chực len vào đồng đội, cái khoảng trống lạnh tanh vô
nghĩa, có ngay trong cả chính bản thân mình". Cuộc chiến đấu chống lại
khoảng trống là cuộc chiến đấu có tầm tư tưởng, có ý nghĩa phổ biến trong tâm
thế thời đại khi hàng triệu con người trên thế giới bị khủng hoảng lẽ sống, mất
đi ý nghĩa cuộc đời. Chống lại khoảng trống, chống lại hư vô cũng có ý nghĩa
là bảo vệ một ý nghĩa nào đó cho cuộc sống - cái ý nghĩa mà mất nó đi thì con
người sẽ "chết vì chán nản". ý nghĩa gì trên cái đảo cát đầy chết
chóc và đảo lộn ấy?
Nổi chìm bao kiếp người
Dìu đảo ngoi lên sóng
Chim có nơi nghỉ cánh
Người ta cần một mảnh đất
được gọi là Tổ Quốc, dù Tổ Quốc ấy chỉ là nơi nghỉ cánh của bầy chim. Khi đã
là hiện thân của Tổ Quốc, thì gió, cát, hiểm nguy và sự trống vắng con người
cũng có thể là cái đích để hiến dâng cả sự sống. Người lính trong Trường ca
Biển sống không phải chỉ để thoát hiểm khỏi những hàm răng cá mập, thoát khỏi
bão biển, thoát khỏi cái chết bủa vây từng giây, mà sống là để khẳng định một
ranh giới hoàn chỉnh, một diện mạo cho Tổ Quốc, để giữ gìn một đội hình. Người
lính bị bão biển "bứt ra khỏi đảo", bơi nhiều ngày trên biển để tìm
về đảo, cái mảnh đất khi có chim cát và cá mập, cũng là để tiếp tục sứ mệnh
kia:
Anh là biển trôi trên biển
Chống lại cái chết trong
vùng chết
Biển chưa thu xong những mảnh
vỡ của mình
Anh le lói bởi đi bằng sức
mạnh bí mật của hy vọng
Rất nhiều lần chân anh chạm
vào đáy quan tài
Lại cố ngoi
Như từ triệu năm quyết liệt
quay về tìm lại đảo
Khi cập bờ nhận ra không
phải là đất quê hương, "không phải là bờ ta, không phải mẹ", người
lính lại lao ra biển với "một chiếc phao thoi thóp bơi đi". Trường
ca Biển đã lay động mạnh mẽ người đọc bởi những cú sốc thẩm mỹ bùng ra từ những
tình huống ứng xử cô đúc những năng lượng tinh thần của dân tộc trong sự kiên
định bi thương những lẽ sống của một nền văn hoá tự cường đáng kiêu hãnh và
chia sẻ.
Bản thể văn hoá của người
lính
Người ra đã nói đến sự
nguy hiểm như là một động cơ tiến hoá của loài người. Các triết gia cổ vũ cho
chủ nghĩa siêu nhân cũng đã từng kêu gọi con người "Hãy sống hiểm nguy;
Hãy đưa những chiếc tàu của các người đến những vùng biển chưa thám hiểm"
(Nietzch). Những người lính trong Trường ca Biển không phải là những siêu
nhân, cũng không phải những tù nhân. Họ được lịch sử dân tộc cô gọn khát vọng,
sống tụ vào một điểm: giữ gìn bản thể. Đất là một bản thể hiện hữu của cộng đồng.
Người lính trong Trường ca Biển không chỉ giữ đất như một nghĩa vụ truyền kiếp,
mà biết rõ cái công nghệ giữ đất này đã được cộng đồng Festival hoá, biến
thành một hoạt động mang tính nghi lễ, hội hè:
Đất này
Đất này
Quê ta ngày hội đất
Đất đi đến đâu quê hương
theo đến đấy
Quê hương đi đến đâu máu
theo đi đến đấy
Dân tộc lầm than trong những
niềm vui tội nghiệp, đánh vật với những cái cơ bản, với nền tảng của đời sống
cộng đồng mà ở nhiều nơi khác người ta đã quên đi. Ở các xứ sở văn minh, người
ta mở những hội kỳ quái lạ lẫm: Hội giả trang, hội thi nhổ nước bọt xa, hội
thi người béo nhất... ở Việt Nam vẫn phải tìm niềm vui trong ngày "hội đất",
"vớt đất", "bưng đất", "cần có đất", "
thèm khát đất". Và khi đã giữ được mảnh đất đầy chết chóc, mảnh đất hoang
sơ đầy tính bản thể cũng là khi phải xác định được ranh giới của sự hoang sơ,
của chủ quyền với cái hỗn tạp của tha hoá, của văn minh:
Tôi thức dậy với giấc mơ đầy
cát
Cát đầy dấu chân chim
Chim đầy mùi trời
Trời đầy mùi thiên hạ
Đất luôn là một quà tặng
kèm theo cái chết và sự đe doạ. Khi đã có đất rồi, con người lại phải lo giữ
lấy và phát triển cái bản ngã huyền thoại của giống nòi. Trong chương "Tự
thuật của người lính" Hữu Thỉnh đã phân tích rất sâu bản thể văn hoá của
người lính - nông dân với những ký ức nhuốm màu huyền thoại, thôn dã hoà trộn
những niềm vui tội nghiệp của người nghèo và những dự cảm lo âu, những mặc cảm
về mất mát: mất người thân, mất hạnh phúc, mất cái đẹp. Cuộc sống, niềm vui của
đứa trẻ thật tội nghiệp đến ứa nước mắt:
Con đi mót gặp toàn gốc rạ
Cái nón mê tha thủi giữa đồng
Cha đi vắng tôi trèo lên
cây ổi
Cây ổi cho một búp sâu kèn
Và cứ thế với sâu kèn tôi
hát
Cố tin rằng, tôi không bị
bỏ quên
Những người lính, hiện
thân của con người Việt Nam có thể đương đầu với cái chết để giành lại những
niềm vui thật bé nhỏ và ngớ ngẩn. Chúng ta chưa đòi hỏi gì quá lớn lao, ngoài
cái nguyện vọng chính đáng được sống với nguyên vẹn bản thể văn hoá của mình,
dẫu có chan hoà vào cuộc sống chung của nhân loại như những dòng sông kia hoà
vào biển lớn, vẫn tha thiết ấp ủ một ranh giới làm nên bản sắc, làm nên cá
tính, làm nên những khát vọng riêng không dễ gì chia sẻ. Bởi thế mà người
lính mới có những day dứt triết học giữa biển rộng:
Ta bới sóng đi tìm các
dòng sông
Như cây trao bóng cho rừng
Về biển thì hết sông
Không về thì không được
Ta lặn xuống tầng sâu
Đời vẫn còn chảy xiết
Vẫn là cái day dứt về ranh
giới, cái ranh giới siêu việt của văn hoá, của bản ngã, cái ranh giới bảo tồn
ký ức tập thể mà con người phải chuyển hoá thành ký ức của tương lai. Hữu Thỉnh
đã suy tưởng những vấn đề lớn đang quằn quại trong tâm thức dân tộc như một ẩn
số lịch sử không thể đơn giản trong việc tìm ra đáp số.
Những thông điệp về số phận
cá nhân
Trong Trường ca Biển người
lính không chỉ hiện lên như những ngọn đuốc của cộng đồng cháy trên các lăn
ranh khốc liệt và biến ảo, mà hiện lên như những chứng nhân và những thông điệp
về số phận cá nhân trong bao cảnh ngộ. Mỗi Lời sóng là một khoảnh
khắc mặc niệm và suy tưởng về thân phận cá nhân con người trong sự khủng hoảng
ranh giới cuối thế kỷ. Những người vợ bơ vơ đau khổ trong cái ranh giới mỏng
manh giữa chiến tranh và hoà bình, những người mẹ hoang mang trên ranh giới của
cái chết và sự sống, cái còn và cái mất, những người di tản bỏ xác trên ranh
giới của hai lá cờ, người lính trải nghiệm cô đơn và chiêm nghiệm những mất
còn trong ranh giới của sống và chết, thực và mơ, quá khứ và tương lai.
Những day dứt về số phận
con người thật âm ỉ và sâu lắng, khác với cái suy tư trùng điệp và mạnh mẽ về
sứ mệnh công dân trong các chương về chiến đấu của người lính trên đảo, nhưng
vẫn liền mạch trong một dòng trải nghiệm. Nếu như người lính trên đảo phải chống
chọi lại khoảng trống, thì người vợ ở quê hương cũng bị khoảng trống xâm lấn
bằng những bước chân nhẹ nhàng của gió, mây:
Ngày anh trống chỗ trong
hàng
Mây đem một mảnh ngỡ ngàng
về quê
Có chiều cỏ đắng trên đê
Vào ra có chị đi về lẻ loi
(Lời sóng 2)
Trường ca Biểncó thể coi
như một bản giao hưởng về số phận và phẩm chất của con người Việt Nam, cảnh
ngộ của dân tộc Việt Nam trong trùng điệp những thử thách éo le và khắc liệt.
Trong bản giao hưởng đó, mỗi Lời sóng là một khúc Solo về số phận cá nhân xen
giữa những hoà tấu phức điệu cuồn cuộn về số phận cộng đồng. Hình tượng người
lính được nhà thơ tiếp cận phân tích từ ba phía: hiện thực, ký ức và suy tưởng
- đây cũng là ba chủ đề, ba mô típ của bản giao hưởng được biến tấu đan xen
khá nhuần nhuyễn.
Một số đoạn câu chữ còn
chưa được tỉa tót gia công, nhưng xuyên suốt toàn bộ trường ca là một cảm hứng
lớn hoà quyện chất trí tuệ khái quát, chất trữ tình đằm thắm và chất hiện thực
gân guốc. Cái thô tháp của những đường panh mạnh mẽ phết từng mảng sơn dầu xen
kẻ cái tỉa tót của bút lông trong những chi tiết làm Trường ca Biển hiện lên
như bức tranh hoành tráng mà vẫn không sơ lược, công phu mà không tủn mủn, kỹ
thuật, khái quát trí tuệ mà vẫn cụ thể day dứt. Thi pháp trong Trường ca Biển
cũng phong phú như đời sống biển - khi thì phóng khoáng mênh mang trong suy
tưởng mộng mơ, khi thì xoáy sâu trong day dứt cụ thể, khi thì phẳng lặng, dịu
dàng trong vẻ thản nhiên, tưng tửng, khi thì dồn dập, gấp gáp như
sóng cuộn trong những thông tin thơ ca khẩn cấp, quyết liệt, đầy kịch tính.
Trước đây Tố Hữu, Chế Lan
Viên suy tưởng những vấn đề lớn của đất nước của thời đại bằng những cung bậc
và giọng điệu độc đáo. Hôm nay, bên cạnh những tìm tòi thể nghiệm về thi pháp
của nhiều tác giả khác, Hữu Thỉnh lại tiếp tục đóng góp cho dòng thơ khái
quát suy tưởng một giọng điệu riêng có tầm tư tưởng sâu sắc, thấm đậm hơi thở
cuộc sống và cảm hứng nhân văn cụ thể, với sự phong phú của những cung bậc
tâm hồn và những thủ pháp thi ca. Tuy không đều tay bằng Đường tới thành phố
của anh trước đây, nhưng Trường ca Biển phong phú, gân guốc hơn, có tầm xã hội
hơn và những day dứt về số phận con người cũng ở một tầm khái quát cao hơn.
Nguồn vanhoanghean
Theo http://trieuxuan.info/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét