Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Văn là Người

Văn là Người
Người xưa nói: Văn là người. Điều đó hoàn toàn đúng với những trang văn của nhà văn Nguyễn Tiến Toàn. Ông sinh năm 1945. Quê quán: Đồng Xuân, Phú Yên. Nguyễn Tiến Toàn sống và làm việc tại Sài Gòn từ năm1968. Bằng ý chí, nội lực của một đấng nam nhi, Nguyễn Tiến Toàn từ hai bàn tay trắng, trở thành Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thương mại và Sản xuất Xe lăn tay Kiến Tường.
Từ năm 1999 đến nay, Nguyễn Tiến Toàn đã cho ra đời năm tập truyện và ký:Những nẻo đường đi qua. Ký sự. NXB Trẻ, 1999. Khát vọng tuổi thơ. Tập truyện ngắn. NXB Hội Nhà Văn, 1999. Đất lạ. Ký sự. NXB Văn Hoá Sài Gòn, 2006. Xứ sở nụ cười. Ký sự. NXB Văn học, 2009. Người lập nghiệp. NXV Văn học, 2013. Thú vị nhất khi đọc tác phẩm của Nguyễn Tiến Toàn là cảm giác được sống lại một thời đói kém, đầy phi lý, đầy thử thách, chông gai, cạm bẫy, chết chóc… Xưa nay, khi đã thành đạt, hiển vinh, người ta thường ít nói đến quá khứ giông bão, ê chề. Nguyễn Tiến Toàn thì khác. Ông sống trong hiện tại thăng hoa nhưng chưa bao giờ nguôi những năm tháng cơ hàn. Theo ông, chính những khoảnh khắc ấy lại chứng tỏ chất người sống động hơn bao giờ hết. Như một thỏi magne, gặp carbonic là rực cháy. Bản tính mạnh mẽ của đấng nam nhi trong Nguyễn Tiến Toàn thấm đẫm tính nhân văn trong từng trang viết của ông đã sáng bừng lên giữa thập diện vây hãm của môi trường, hoàn cảnh đày đoạ con người…
Bối cảnh Xứ sở nụ cười lấy ra từ gần 400 ngày sống, bươn chải, vượt lên số phận của tác giả trên đất Campuchia. Giữa đáy vực thăm thẳm của khủng hoảng kinh tế xã hội thời bao cấp, Nguyễn Tiến Toàn không bó tay chờ chết mà vùng dậy, bật dậy, bất khuất, đưa cả gia đình vợ con tha hương lên đất bạn kiếm sống. Lạc qua xứ sở nụ cười/ Kìa em bốn mặt, mặt người là đâu? Hai câu thơ trích trong bài thơ ít người biết đến của nhà thơ Văn Thảo Nguyên, được Nguyễn Tiến Toàn lấy làm đề từ cho tác phẩm Xứ sở nụ cười. Từ nay, chắc chắn bài thơ này của Văn Thảo Nguyên sẽ được nhiều người biết đến! Tha phương, Nguyễn Tiến Toàn không chỉ cầu thực mà là đi tìm lại nhân cách con người, khẳng định nhân cách mình. Hoàn cảnh có thể đày đoạ con người, nhưng con người đâu phải ai cũng đầu hàng số phận! Đang là người được mệnh danh “vua conex”, “vua phế liệu” ở Sài Gòn, Nguyễn Tiến Toàn việc gì phải tha phương? Thế mà ông vẫn ra đi, vì ý chí của một người quyết tâm làm giàu, làm giàu cho chính mình và cho xứ sở của mình, dường như đó là mệnh trời đã định cho ông.
Xứ sở nụ cười vẻn vẹn hơn trăm trang sách, nhưng thấm đẫm nổi khổ đau và nước mắt, con người luôn phải dằn vặt trong tâm thế tự vượt lên mình. Ai đọc Xứ sở nụ cười cũng nhận ra một thời khốn khó của chính mình. Tác phẩm ngồn ngộn chi tiết, hành động, ngồn ngộn hình ảnh chân thực, sinh động, giàu chất điện ảnh. Nhưng điều đáng trân trọng hơn là: Trong Xứ sở nụ cười, giữa những ngày cơ cực ấy, tác giả chưa bao giờ nguôi ngoai tình vợ chồng, tình cha con, tình yêu đồng loại, tình yêu quê hương, yêu mẹ hiền, tình non sông xứ sở, tình nghĩa bạn bè. Đây mới là bản chất của Nguyễn Tiến Toàn. Tôi đọc quyển sách mỏng này mà lòng quặn đau, nhiều lần rơi lệ cảm thương; không phải thương riêng tác giả mà thương cả dân tộc của mình, trong đó có tôi, gia đình tôi, người thân và bạn bè tôi… đã oằn mình vượt qua biết bao chông gai để có ngày hôm nay…
Văn là người! Mùa xuân 2009 này doanh nhân Nguyễn Tiến Toàn có thêm một mỹ danh: Nhà văn. Ông xuất bản tác phẩm đầu tiên từ 1999, có lòng xin gia nhập Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh từ 1999, nhưng… mãi đến tháng 12-2008 mới được kết nạp vô Hội. Âu cũng là số phận tiền hung hậu cát của ông. Nội lực trong văn Nguyễn Tiến Toàn rất mãnh liệt. Tôi tin là sau Xứ sở nụ cười, nhà văn Nguyễn Tiến Toàn sẽ còn nhiều tác phẩm dữ dội hơn, tha thiết hơn. Yêu dữ dội, sống dữ dội; Yêu tha thiết, sống tha thiết với người, với đời, đó là Nguyễn Tiến Toàn. Dữ dội và tha thiết, chính là chất người, chất văn Nguyễn Tiến Toàn.
TP. HCM 1-1-2009
Nhà văn Triệu Xuân
Nguồn: Lời tựa cho tác phẩm Xứ xở nụ cười 
của Nguyễn Tiến Toàn. 
NXB Văn học, 2009. Tái bản: 2014.
Theo http://trieuxuan.info/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...