Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Năm mươi năm sợi tóc vẫn còn đen

Năm mươi năm sợi tóc vẫn còn đen
SỢI TÓC
Em tặng tôi sợi tóc của em
Rồi ngày tháng vèo trôi em không nhớ nữa
Năm mươi năm sau
Khi tìm về chốn cũ
Tôi gặp một bà già tóc bạc
Bà chẳng biết tôi
Tôi tặng bà sợi tóc
Bà khóc
Sợi tóc vẫn còn đen
Phạm Đình Ân
Bài thơ có vỏn vẹn có chín câu lại được tách thành 4 đoạn, sự dồn nén năng lượng ở đoạn nào cũng có. Đoạn càng ít câu sự dồn nén càng mãnh liệt ép hình tượng ngôn từ đến độ tối giản rồi bung ra phía ngài lời. Dư ba ẩn tàng đâu đó xuyên thấm vào trái tim đa cảm của con người. Nấp sau lối kể, tả làm ra vẻ bình thường là nỗi nhớ đã được cao lại thành khối trong lòng chủ thể trữ tình.
                        ‘’Em tặng tôi sợi tóc của em
                        Rồi năm tháng vèo trôi ,em không nhớ nữa’’
Không phải chàng trai già ấy đoán sai đâu. Đọc tiếp đoạn sau mới thấy chàng trai cho rằng ‘’em không nhớ nữa’’ là có căn cứ hẳn hoi’’bà chẳng biết tôi mà’’! Mà em không nhớ người xưa cũng là một lẽ hằng thường bởi khi người con gái đã gánh giang san nhà chồng cũng là lúc gánh chất chồng bổn phận. Có khi sinh kế quẩn bách thuốc thang cơm cháo cho chồng, con và cả mình nữa mướt mồ hôi choán hết quỹ thời gian rồi làm gì còn nhớ đến cái buổi ’’tơ liễu bóng chiều thướt tha‘’ ấy nữa. Chỉ có anh chàng ấp iu kỷ vật thì không bao giờ quên được. Anh lại đi tìm.
‘’Năm mươi năm sau
Khi tìm về chốn cũ
Tôi gặp một bà già tóc bạc
Bà chẳng biết tôi
Tôi tặng bà sợi tóc’’
Nếu như người phụ nữ ấy quên sợi tóc của em(những năm mưôi năm vèo trôi kia mà) thì chẳng có gì để nói, bởi nửa trăm năm là khoảng thời gian quá dài đủ khẳng định đôi lứa ngày sấy đã ngót nghét lứa tuổi ‘’cổ lai hi’’. Khuôn mặt điển trai của chàng cũng đã muôn trùng sóng vỗ. Năm mươi năm vinh nhục thăng trầm cái đẹp hình thể tan biến mấy ai còn nhận ra nhau. Thế nhưng tại sao:
‘’Bà khóc’’
Bà khóc. Điều đó chứng tỏ kỷ vật năm xưa còn hằng đọng trong nỗi nhớ.ký ức dẫu rêu phong chứ không vùi lấp. Chàng đã nghĩ oan về nàng. Tiếng khóc của bà ẩn chứa biết bao hoài niệm,một khoảnh khắc đã trở thành vĩnh cữu. Có thể hình, tiếng vật chất của chàng trai ngày cũ bà không còn nhớ nữa nhưng sợi tóc tình ái ấy chắc bà không bao giờ quên. Nước mắt của những bà lão tóc sương không dễ gì rơi trong những trường hợp như thế này cho nên tiếng khóc bật ra như là hệ quả tất yếu của một nỗi niềm khắc khoải.
Một lý do nữa để tiếng của bà lão vang lên là khi bà nhìn thấy’’sợi tóc vẫn còn đen’’, sợi tóc thanh xuân hay chính là sự vụt mất đã bền vững trước sự công phá của thời gian, còn sự gắn kết hữu hình phải  chấp chịu quy luật tàn phai  năm tháng’’có gì lạ quá đi thôi-khi gần thì mất xa xôi lại còn’’(Nguyễn Duy). Không biết sao khi đọc bài thơ này tôi cứ đoán bừa người vừa được tặng ‘’sợi tóc của em’’ trong bài thơ phải là thi sĩ mới đúng bởi nòi thi sĩ vừa lắm huê tình vừa rất chung tình. Họ có thể thay tình nhoay nhoáy với nhiều người nhưng vẫn khát tưởng, đau đáu nhớ mong một người trong mối tình mù khơi vô vọng. Có phải thế chăng?
Kết thúc bài thơ ít nhiều có yếu tố kịch, một lớp kịch rất ấn tượng chắp cánh cho thơ ca. Bài thơ không thuyết lý dài dòng mà thông qua hình tượng ngôn từ bộc tỏ hình tượng tâm tư khẳng định cái đẹp vĩnh hằng của tình yêu chân chính. Câu thơ cuối cùng chồng khít lên doạn thơ là sự ngưng kết của tứ thơ, đọng lại và tan biến nhưng là sự tan biến xuyên thấm, níu giữ sự thăng hoa trong tình yêu của mỗi đời người.
Nguyễn Hàn Chung
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...