Nhà thơ Phạm Tiến Duật có
hai lần lỡ hẹn đáng nhớ. Lần thứ nhất khi trao giải thưởng Thơ báo Văn Nghệ
1969. Đó là cuộc thi Thơ mà ý nghĩa và sự xôn xao của nó dường như chưa một lần
lặp lại sau đó trong thế kỷ 20. Lần ấy ông đành lỡ hẹn không về được Hà Nội để
nhận giải. Chiến trường đang ở quá xa và công việc của thi nhân cũng chẳng
khác gì công việc của người lính nước sôi lửa bỏng ngoài mặt trận. Sự lỡ hẹn
của người được giải nhất thơ năm ấy càng làm cho cuộc Thơ trở nên thiêng
liêng. Gợi mở ý tưởng sâu xa về thi nhân trên lưng ngựa giữa chốn sa trường
chẳng thể về nơi đất đế vương muôn đời để được vinh danh.
Lần thứ hai lỡ hẹn cũng giống
như lần trước. Ông là thi sỹ. Cảm nhận chan hòa và ngây ngất niềm vui của cuộc
đoàn viên. Những thành phố và làng mạc mở cửa đón hòa bình. Không còn tiếng gầm
rú của bom đạn và chết chóc. Say men chiến thắng của người lính trận sau 30
tháng tư 1975. Ông được cấp trên triệu tập về. Quá hạn đến gần nửa năm. Thi sỹ
là thi sỹ. Kỷ luật là kỷ luật. Nhà thơ bị khai trừ Đảng vì sự lỡ hẹn của lần
thứ hai này. Rồi sau đó một thời gian đủ lâu. Ông được báo Văn Nghệ đề nghị
trên kết nạp lại. Người bình thường đã có bao lần lỡ hẹn ở những ga tàu trên
đường đời dài thăm thẳm và đầy trắc ẩn. Huống gì là một thi nhân. Tôi chắc là
ông cũng không chỉ hai lần lỡ hẹn ấy. Nhưng tất cả sự lỡ hẹn dù ngọt ngào hay
đắng cay trên thế gian này sẽ chẳng còn gì. Nó sẽ dần dần được bàn tay kỳ diệu
của thời gian dịu dàng gói lại vào tấm khăn mênh mông vô định và trong suốt của
quá khứ. Mỗi cá thể của chúng ta như một tự nhiên nhân bâng khuâng và tự nguyện siêu
hình làm mảnh khăn ấy cứ ngày một rộng thêm ra. Chúng ta ai nấy đều là người
của một thời. Chỉ có ít người làm được cái việc in lại dấu ấn trên tấm thảm
thời gian mênh mông kia bởi những sáng tạo vô song của họ cho con người. Phạm
Tiến Duật là một trường hợp như thế.
Phạm Tiến Duật như hàng
triệu người lính trẻ ra mặt trận những năm đánh Mỹ. Nhiều người trong số triệu
đó đã mãi không trở về. Nhiều người có tên đã trở thành không tên để viết tên
Tổ Quốc Việt Nam. Tên của họ là máu của họ, sự sống của họ hiến dâng cho đất
nước. Nhưng lịch sử như một cơ thể sống thì không dừng lại. Nó phải tiếp tục
bước tới vì sự sinh tồn của loài người. Những con người cụ thể có tên và
không tên từ mọi nẻo đường chiến tranh trở về hòa bình cũng tuân theo quy luật
muôn đời ấy. Ba trăm năm sau có thể rất nhiều sự việc và triệu triệu sinh
linh sẽ được thời gian gói gém lại ở một vùng quên. Nhưng lịch sử có sứ mạng,
nói theo cách nói của Heghen, khẳng định nền văn hóa của thời đại mình. Bởi vậy
những bài thơ hay nhất của Phạm Tiến Duật thể hiện sinh động và đầy bi tráng
vẻ đẹp tâm hồn và khí phách của người Việt Nam ở Trường Sơn những năm đánh Mỹ
sẽ còn lại mãi.
Năm 2009, nhân dịp kỷ niệm
50 năm đường Trường Sơn, Toàn Tập Phạm Tiến Duậttrên 1000 trang, trong
đó có hơn 300 trang tập hợp các bài viết của bạn văn cùng thời về ông được xuất
bản. Hiếm có nhà văn hiện đại nào lại được đông đảo văn giới đồng thuận
trong đánh giá như vậy.
Sự xuất hiện trên văn đàn
của một bút pháp có sức đột phá. Làm cây sáo đứng ở vị trí solo. Người lĩnh
xướng dàn thơ chống Mỹ. Người đặt cột cây số đầu tiên trên con đường thi ca
trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mở ra một trường phái thơ chống Mỹ. Con người
thực tại trong chiến đấu được bê vào thơ nguyên khối.v.v…
Thực ra ông không phải là
người đặt cột cây số đầu tiên trên con đường thi ca kháng chiến chống Mỹ, xét
trên phương diện văn học sử. Những bài thơ hay nhất về Trường Sơn của Phạm Tiến
Duật bước lên thi đàn thời chống Mỹ muộn hơn so với các nhà thơ khác. Thi sỹ
lớp trước bằng tài năng và bản lĩnh sáng tạo đã tiếp tục ra trận sớm hơn.
Trong số họ, Chế Lan Viên lập công đầu khi trình làng Hoa ngày thương chim
báo bão. Năm 1967. Vang dội sức suy tưởng triết lý kết hợp với cảm xúc và
hình tượng Thơ độc đáo làm nên diện mạo mới của Chế Lan Viên. Bằng Việt và
Lưu Quang Vũ cùng thế hệ với ông Duật đã nổi tiếng sớm hơn, nhất là trong
thanh niên, sinh viên, với hai phong cách thơ triết lý và lãng mạn làm say đắm
bao thế hệ người đọc bởi Hương cây bếp lửa in năm 1968. Ông Duật đã có thơ từ
trước đó. Nhưng phải đợi đến năm 1969, Thơ Phạm Tiến Duật mới bùng nổ như là
điểm sáng nhất. Cuộc thi Thơ năm 1969 giành giải nhất cho các bài thơ.Lửa
đèn. Gửi em cô thanh niên xung phong. Tiểu đội xe không kính. Nhớ… Các bài
Trường Sơn đông Trường Sơn tây. Vầng trăng và những quầng lửa. Tiếng bom ở
Sengphan cùng với một số bài viết sau này Cái chao đèn. 1970. Những dòng sông
chảy mãi. 1970. Nhớ về lũ trẻ (không ghi năm sáng tác),Vùng làng vàĐi trong rừng
trích từ bài thơ dài Những vùng rừng không dân 1971… là những bài thơ hay nhất
thời chiến tranh của đời thơ Phạm Tiến Duật.
Có nhiều lý do để cụm Thơ
được giải năm 1969 tỏa sáng. Những năm đánh Mỹ, Trường Sơn là biểu tượng của
ý chí quyết chiến quyết thắng; của nơi thử thách quyết liệt nhất giữa những
chiến binh chân đất với đội quân xâm lược phi nghĩa có sức mạnh vũ khí vượt
trội nhiều lần. Thơ Phạm Tiến Duật là bức tranh sinh động của cảnh vật và con
người Trường Sơn với một thi pháp chưa hề xuất hiện trong Thơ ca Việt Nam trước
đó. Các nhân vật anh hùng hiện ra trong tứ thơ bình dị và xúc động. Họ là những
cô gái thanh niên xung phong ngủ ngày chân lấm.
Cạnh
giếng nước có bom từ trường
Em
không rửa ngủ ngày chân lấm
Ngày
em phá nhiều bom nổ chậm
Đêm
nằm mơ nói mớ vang nhà. 1968.
Là lính lái xe trên cung
đường Trường Sơn trong ánh chớp nhoáng nhoàng những đoàn xe đi vội giữa quầng
lửa bom bi với gập ghềnh ngổn ngang cây đổ… Cái chất lính đã nhiều
thơ viết mà ở đây mới thật là lính Trường Sơn.
Không
có kính ừ thì có bụi
Bụi
phn tóc trắng như người già
Chưa
cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn
nhau mặt lấm cười ha ha. 1969.
Ở Sengphan đứng giữa chiến
trường mà nghe tiếng bom rất nhỏ, vì cao hơn tiếng bom là khe núi tiếng đàn.
Tiếng mìn công binh phá đá. Tiếng điếu cày rít lên thong thả. Tiếng oai
nghiêm xe rú máy trên đường - Sengphan - 1968.
Cả anh lính ở nơi mười bảy
trận bom Mỹ dội một ngày; mười năm sống xa làng, tám năm ở trong núi trong
hang vì riêng chung dành cho Miền Nam tất cả. Mọi âm thanh giữa chiến trường
có lúc yên ắng lại. Chỉ còn tiếng cười của người lính coi kho vang hang
đá...
Hai bài hay nhất của Phạm
Tiến Duật nằm trong số những bài thơ tình hay thời chiến tranh. Lửa đèn
và Trường Sơn đông Trường Sơn tây. Lửa đèn kết cấu theo kiểu hình
tròn... đèn kéo quân. Bài thơ có 3 đoạn. Đèn. Lửa của những loài quả chín thắp
đèn trong kẽ lá; sáng cả quê hương. Những ngọn đèn đất nước thắp sáng đêm đêm
từ nghìn năm trước, từ buổi lửa vùi trong tro trong trấu mỗi nhà. Ngọn lửa của
tim ta kẻ thù đang muốn cướp.Tắt lửa. Là nơi dài tiếng hát của người ra trận;
Tiếng rậm rịch gần xa của đoàn quân xung kích. Thắp đèn. Kẻ thù mang bom phá
đá giúp ta làm đường.Ta bật đèn pha ô tô trong chớp lòe ánh đạn, Rồi tắt đèn
quay xe, Đánh lạc hướng giặc rồi ta lại lái xe đi. 1967.
Nhân vật anh hùng của Lửa
đèn và Trường Sơn đông Trường Sơn tây là anh và em. Họ đại diện
cho hàng triệu người con trai con gái Trường Sơn những năm đạn lửa. Họ
tin ở ngày mai sẽ thắp đèn kéo quân nơi phòng cưới hai người, để những cuộc
hành quân nào còn trong bóng tối sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay. Bài
thơ nói về chiến tranh mà tình yêu lung linh màu sắc với muôn ý nghĩa của ánh
đèn ánh lửa. Âm hưởng lãng mạn chan hòa trên các vần thơ. Ánh đèn ấy cũng như
cánh võng trong Trường Sơn đông Trường Sơn tây vừa gần mà lại xa xôi. Thi ca
đã mắc được võng trên cả hai chiều không gian và thời gian rộng lớn để nối
vòng tay những người yêu nhau cùng ra trận, để dãy núi có hai màu mây gần lại
nhau hơn.Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, Hai đứa ở hai đầu xa thẳm.
Phạm Tiến Duật lúc sinh thời
có lần nói: ”Nếu ai hỏi bài thơ nào viết ra mà tôi ưng ý nhất thì đấy là những
bài thơ viết về trẻ nhỏ” Nhân vật văn chương trong Trường Sơn Thơ của Phạm Tiến
Duật còn là những em bé nhỏ. Hay nhất là Nhớ về lũ trẻ và Theo bước
chân của trẻ em Lào in trong Thơ một chặng đường. 1970. Mười năm xa. Con đường
xa lắc không một bóng trẻ con nào. Bỗng nhớ cồn cào ngõ nhỏ trẻ con chơi. Quầng
nắng trong rừng như bước chân son cho ngày đoàn viên hạnh phúc. Gì hạnh phúc
bằng trao nhau đứa trẻ. Hai khuôn mặt người sát lại gần nhau.
Trên thi đàn Việt nam vào
những năm đầu 1970, không hiểu có phải vì cộng hưởng hiệu ứng đưa ”chất liệu
sống nguyên khối” vào Thơ của Phạm Tiến Duật hay không hay chỉ là sự trùng hợp
ngẫu nhiên mà một nhà thơ đàn anh hăng hái cổ xúy và không ngần ngại khuyên
các nhà thơ trẻ làm việc đó. Ông hăm hở cho ra đời những đứa con tinh thần của
mình. Thật đáng yêu. Nhưng tiếc thay lý thuyết của ông chưa mấy thuyết phục
mà thi phẩm ông làm theo lối đó phần nhiều cũng không được đón nhận mặn mà.
Chế Lan Viên thì bảo: ”Lửa phải có củi. Nhưng có khi... chết vì củi của
mình”. Có lúc thi sỹ họ Chế tủm tỉm: ”Tấm lòng văn xuổi từ nay xin chừa”. 15
năm sau, trong Thơ thế kỷ 20 khi châm biếm loại nhà thơ ăn tương chao trong
chùa lại thèm thịt chó, ông kêu gọi Thơ đừng thanh lọc mà phải văn xuôi. Một
sự thay đổi nhẹ nhàng về quan niệm thơ chăng? Phạm Tiến Duật thành công không
phải bằng những lời tuyên bố mà bằng thi phẩm của mình. Đúng như người đời
khen ngợi nguyên khối hiện thực vào thơ mà vẫn nguyên thơ. Nhưng không có gì
mới khi đưa vấn đề này ra vào thời buổi hôm nay. Người xưa đã nói: Thơ cốt ở
sự tự nhiên. Có lẽ nhà thơ được đương thời đón nhận hơn là người bạn vong
niên của mình chính vì sự tự nhiên đó chăng? Những cự ly máy bay địch có thể
phát hiện đầy những con số trong bài Lửa đèn.Từ trên trời bảy trăm mét, Nhìn
thấy lửa que diêm sáng mặt người, Một nghìn mét từ trên trời, Nhìn thấy ngọn
đèn dầu nhỏ bé... Phạm Tiến Duật còn sử dụng lối nói (từ dùng của ông) đôi
khi dân dã, ”lính tráng” không kém phần tự nhiên. Kiểu như: Bếp Hoàng Cầm ta
dựng giữa trời, Chung bát đĩa nghĩa là gia đình đấy. Hay như: Người tinh nghịch
là anh dễ thân, bởi vì thế có em đứng gần. Hoặc nhưcái mè đi với cái rui, phải
chưng con xỏ nên đôi kèo liền...v.v. Người thi sỹ giữa chiến trường bom rơi đạn
nổ, đâu có thì giờ để lựa chọn thể loại thi ca. Nhịp điệu cuộc sống quyết định
điều ấy. Nó gọi tên thể loại để hình thành thi phẩm phù hợp nhất. Vì thế việc
sử dụng các chi tiết hiện thực mang tính chất phóng sự và ngôn ngữ hàng ngày
trong thơ như bật ra từ nóng hổi của tình đời mà dường như chưa một lần nắn
nót thông qua cảm hứng, điều mà người ta gọi là trạng thái tâm hồn của người
nghệ sỹ đã làm nên vẻ đẹp thuần phác của thi ca.
Bút pháp đưa chi tiết thực
của đời sống vào thơ, Phạm Tiến Duật gọi là lối viết thông tấn, đòi hỏi cái
thực không lấn át cảm xúc mà được đặt trong từ trường cảmxúc của toàn bài.
Người đọc thơ tiếp nhận lịch sử, tiếp nhận những bức tranh cuộc sống không phải
bằng cảm quan báo chí mà bằng cảm quan Thơ. Thơ Phạm Tiến Duật hay đâu phải
chỉ vì bản thân những chi tiết hiện thực được lựa chọn đó, nếu như nó không
được gọi tên và rung lên trong từ trường cảm xúc. Dường như trong thơ ca chống
Mỹ, các nhà thơ nổi tiếng khác cùng thời với Phạm Tiến Duật ít sử dụng lối viết
thông tấn này. Và ông cũng không phải là thành công trong mọi trường hợp.
Đóng góp của bút pháp ấy có mở ra một trào lưu thơ hay không? Tôi nghĩ là
không. Hay là không hẳn như thế. Phạm Tiến Duật hiện diện như là một phong
cách thơ độc đáo, nếu không muốn nói là độc đáo nhất của phong trào Thơ được
coi là một trong những giai đoạn hưng thịnh nhất của thi ca thế kỷ 20. Nhà
thơ đã từng nói:” Tôi có thể đánh đổi những bài thơ lạnh lẽo dù có những triết
lý cao siêu, uyên bác để lấy một bài thơ có hơi ấm của cuộc đời này.” Cái mà
chúng tôi gọi là từ trường cảm xúc của toàn bài trong thơ Phạm Tiến Duật phải
chăng là hơi ấm của tình đời ấy?
Có người bảo Phạm Tiến Duật
lạc trong thời bình. Xét về mặt cuộc đời chìm nổi của ông, có lẽ là như thế
thật. Nhưng tôi nghĩ ông không lạc chút nào. Cảm hứng chủ đạo của thơ Phạm Tiến
Duật giai đoạn sau 1975 là những vấn đề của con người từ các nẻo
đường chiến tranh về với hòa bình. Thơ ông nặng trĩu tâm sự những triết lý
nhân sinh đầy nhạy cảm. Từ tháng 7 mưa rơi nức nở đến em bé ở Khe Sanh lấm
lem trong sân chơi của hòa bình với cái triết lý thế kỷ 20 già đi cùng viên đạn
rỉ. Thế kỷ mới còn đang cởi truồng đánh đáo ở đằng kia. Nỗi thấp thỏm cất lên
thành lời gọi hoa đào ơi sao mà nở sớm. Nơi quán cóc bên đường rượu trộn nước
mưa. Ai đó khấn thầm người bạn lính không về để nay tình đời thưa thớt...Những
ngọn lửa đèn thắp sáng Trường Sơn năm xưa giờ lại reo vui trong bếp lửa nhà
mình. Lửa làm bóng tối xa ra và mặt người gần lại. Ngọn lửa nào thân bằng lửa
bếp, bạn bè ơi...Vẫn con người ấy. Vẫn trạng thái tâm hồn ấy. Phạm Tiến Duật
lại dâng hiến cho đời những vần thơ hay như khúc dư ba chiến tranh trong sâu
thẳm hòa bình. Tiếng bom và tiếng chuông chùa. 1997. Chợ lao động ở đường Giảng
Võ. 1992. Tiễn các cháu đánh giày về quê ăn tết. Năm 2000.
Ngày hòa bình, ngày đoàn
viên xum họp và sinh nở. Những em gái Trường Sơn ngủ ngày chân lấm, bây giờ
các em ở đâu? Trong xóm làng nào giữa cánh đồng mênh mông ngổn ngang lo toan
của trần thế? - Hàng chục, hàng trăm lính Trường Sơn cắt tóc đi chùa.
Sư
mặc áo vàng, áo nâu là tự ngàn xưa
Chẳng
khi nào pha sắc xanh bộ đội
Tôi
muốn hỏi và anh muốn hỏi
Chỉ
màu chiều tím biếc trả lời thôi.
Lối nói bình dị như một
câu hỏi bâng quơ trongGửi em cô thanh niên xung phong lại được Phạm Tiến Duật
lặp lại như sự thống nhất của một thi pháp, của một tấm lòng. Có lẽ nào tiếng
chuông chùa lại gợi tiếng bom? Có lẽ nào khói hương thơm lại gợi khói súng một
thời một thuở? Bài thơ dài 4 chương. Đã đọc nhiều lần mà vẫn phải đứt đoạn.
Có phải đâu vì nó đã dài...? Có ai ân hận cùng tôi vì không nghe được tiếng
chuông chùa ấy. Tiếng chuông nhắc nhở về bao thôn làng xa vắng khắp cõi Việt
quê ta là đất của người hiền.Đến câu dân ca cũng không nỡ làm đau lòng thiên
hạ. Các em gái không có tuổi già, không được quyền già nằm lại dọc Trường
Sơn. Và cơn mưa hiền lành như ai trở về đã từng rụng tóc vì chất độc hóa học
trước khi cạo trọc lên chùa. Mưa không có số cơn, người thì có tuổi. Trời cứ
mưa cho tuổi tác dài ra. Trầu cau hẹn rồi mà không người hứa. Em gái Trường
Sơn ngày xưa thành sư thầy không gõ mõ. Lại vừa tụng kinh vừa gõ mõ đầu mình
như gõ vào bao nỗi tâm linh... Phải chăng đó là một trong những khoảng trời
dù nhỏ bé mà sâu lắng biết bao của nền văn hóa của thời đại chúng ta? Hàng
triệu lính, người của một thời bây giờ ở đâu? Phạm Tiến Duật đã tìm ra một
người trong số họ. Các anh đứng đó thưa dần trong chiều muộn. Chỉ còn lại một
người, tôi đã nhận ra anh. Đứng kiên trì đứng cùng vết sẹo. Anh là mảnh vỡ cuối
cùng của cuộc chiến tranh - Chợ lao động đường Giảng Võ - 1992.
Không phải tất cả người
lính trở về đều thành tướng, thành tá. Thành các nhà lãnh đạo tài ba ở các cấp
chính quyền. Thành những doanh nhân thành đạt giàu có và sang trọng. Nhiều
người khác tự nguyện tham gia vào đội quân lao động đông đảo giữa thời buổi
kinh tế thị trường bình đẳng cạnh tranh. Những em bé ngày xưa nhớ nôn nao lúc
lính ở chiến trường. Nhớ đến mức những đoàn xe ra trận lại tưởng tượng như
đàn con trẻ chơi u chơi âm, đứa này nối hơi đứa khác. Giờ nhà thơ gặp lại những
em bé đánh giày.Trong số những đứa trẻ ấy, thậm chí trong từng đứa một ẩn chứa
một Anđecxen cổ tích cũng một thuở khâu giày... Chợ lao động và những em bé
đánh giày, tình ý thơ thật day dứt mà sao Phạm Tiến Duật lại viết ra một cách
bình thản và sâu thẳm tình người đến vậy? - Vì ông có phẩm chất của một nhà
thơ lớn.
Nói đến Phạm Tiến Duật mà
không kể đến văn xuôi của ông thật chẳng đành lòng. Hơn nữa như thế cũng chưa
hiểu hết thế giới tinh thần thi ca của ông. Toàn tập Phạm Tiến Duật dành 400
trang cho văn xuôi. Vừa làm vừa nghĩ in 2003 gồm những bài viết ngắn thường độ
2, 3 trang bàn đủ chuyện trong nghề bút nghiên với lối diễn tả mang nhiều trải
nghiệm, dí dỏm và thông minh.
Nói về vần thơ.Mục đích lớn
nhất của vần là để dễ nhớ. Không cần gieo vần mà người đời vẫn nhớ thì làm vần
để làm gì.
So sánh thơ với điện.Cường
độ của thơ tỷ lệ thuận với độ nặng của chữ và tỷ lệ nghịch với độ dài của
bài.
Làm báo với làm thơ. Một đằng
tựa vào sự tỉnh táo, một đằng tựa vào sự đam mê.Hai nghề ấy hỗ trợ cho nhau
thì được. Trộn lẫn vào nhau thì hỏng.v.v...
Kim cương bất hoạt chưa in
thành sách, tập hợp chân dung nhiều thế hệ nhà văn đương thời. Kiến văn
của ông tỏ ra rộng rãi mà sâu sắc. Đôi khi cũng hơi...đáo để. Đôi khi có ý tưởng
chỉ đường... Ông bảo ”Thế kỷ 19 Thơ rất có vần vì nhân loại ngỡ đã an bài. Nửa
thế kỷ 20 trở lại đây thơ bỏ vần nhiều vì bao nhiêu sự việc, bao nhiêu biến cố
có thể nói là thất vận”? Ngẫm lại những sự biến đầy bất trắc ở thế kỷ 20 mà
thấy nao nao trong lòng vì mối liên hệ ấy với thi ca.
Tôi yêu văn học Nga thế kỷ
19 và gần như 30 năm đầu thế kỷ 20. Mùa Thu cách đây 30 năm - 1983, theo lời
chỉ dẫn của Macxim Gorki, cứ mỗi buổi chiều tà, tôi lang thang qua vô số những
cây cầu kiến trúc cổ điển lặng lẽ nối hai bờ kênh thiêm thiếp lá thu vàng ở
Saint Petersburg để tìm gặp Exênhin, người có thói quen hay đứng trên cầu nhỏ,
nhìn xuống dòng nước xanh thẫm. Hết mùa thu năm ấy vẫn không tìm gặp được. Chỉ
thấy bóng cây thánh giá bằng gỗ bạch dương mơ hồ đâu đó trên mặt nước. Tự
dưng yêu thơ về làng quê Nga của ông ấy vô ngần mà chẳng hiểu làm sao. Mãi
sau này đọc tản văn Phạm Tiến Duật thấy trích dẫn ”Văn hóa Nga quý trọng sự u
buồn” và bình luận: ”Cái buồn mà không quá buồn, cái nuối tiếc mà không quá
trĩu nặng, ấy là tâm hồn Nga chăng?.” Dường như khi ấy tôi mới gặp được
Exênhin. Lại 30 năm sau, cuối Thu 2013, biết là Phạm Tiến Duật đã đi Trường
Sơn từ 9h sáng ngày 4-12-2007 và lại có thể lỡ hẹn ở đâu đó trong những vùng
rừng không dân bởi cuộc đi tìm không mệt mỏi những mảnh vỡ chiến tranh. Đành
đến nhà ông trên căn hộ cũ kỹ 20m2 tầng 5 nhà G2 khu Trung Tự. Chẳng có bóng
trẻ con nào chơi u chơi âm. Ngoài ban công hẹp chỉ lặng lẽ một chút nắng thầm.
Tôi xin phép gia đình thắp hương bái lễ. Nhìn di ảnh của ông trầm tư trên bàn
thờ, cũng không hiểu sao tôi lại có cảm giác u buồn thanh khiết
như vậy. Như mang tâm trạng ấy ở đâu đó rất xa xôi đến đây để căn phòng này
trở nên thân thiết lạ thường. Con người ấy là người của một thời thôi sao?.
Vâng. Chỉ có Thơ ông ở lại với đời. Với tôi. Một người đọc bé nhỏ giữa mùa
thu mênh mông đang đi về quá khứ trong ánh sáng vàng trong suốt.
Những thi phẩm đặc sắc của
Phạm Tiến Duật hoàn toàn không phải vì ở sự câu nệ của lựa chọn thể thơ mà ở
sự dung dị của ngôn từ và hình tượng, ở cảm xúc trong sáng và gợi mở sâu xa
những vấn đề về lẽ sống và nhân cách, thể hiện tâm hồn và khí phách của người
Việt Nam giàu yêu thương và quả cảm. Những bài thơ ấy xứng đáng được xếp trên
giá sách của thời gian có tên gọi: Thơ của muôn đời. Triệu triệu người của một
thời ở ngoài đời khi bước vào thế giới văn chương dưới ánh sáng huy hoàng của
thi ca vẫn còn ở lại.
Khuất Bình Nguyên
Nguồn; vanhoanghean
Theo http://trieuxuan.info/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét