Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Huỳnh Anh: Người độc hành trong kỷ niệm qua Nhạc, Thơ, Sân khấu và Điện ảnh

Huỳnh Anh: Người độc hành trong kỷ niệm 
qua Nhạc, Thơ, Sân khấu và Điện ảnh 
Đã từ lâu, năm 1945-46, tôi đã mê một tiếng đàn trong ban cổ nhạc của dĩa hát Asia. Đó là tiếng đờn xến của nghệ sĩ Sáu Tửng. Lúc đó, tôi chưa được mười tuổi, không biết âm nhạc là gì, nhưng tôi khoái nghe vô cùng tiếng đàn xến mà tôi cũng chẳng biết tại sao. Đàn xến cũng như đờn kìm mà người Bắc gọi là đàn cầm, thùng cũng tròn nhưng nhỏ hơn thùng đờn kìm. Trái lại, cần đờn xến dài hơn cần đờn kìm. Lúc đó khó khăn dữ dội. Dĩa hát dầy, khá nặng, hát bằng dàn máy hát quay dây thiều và loại kim thật nhọn dài khoảng một phân tây. Đó cũng là lúc danh ca vọng cổ Út Trà Ôn chưa xuất hiện với bài hát để đời là Tôn Tẩn Giả Điên.
Huỳnh Anh chính là con của nghệ sĩ Sáu Tửng vừa nói trên.
Chàng thanh niên họ Huỳnh rời Cần Thơ lên Sài Gòn không phải để học nhạc. Nhưng nếu Nguyễn Thành Châu không bỏ Collège Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho vì say mê những Racine, Corneille, Molière từ năm thứ nhứt hay năm thứ hai gì đó để theo cải lương thì chúng ta làm sao có được nghệ sĩ lão thành Năm Châu cho sân khấu cải lương miền Nam ? Vào thời đó, người ta có thành kiến không tốt đối với sân khấu và nghệ sĩ sân khấu.
Con theo hát bội, mẹ liều con hư
Đi hát thì ăn đòn vì cho là hư đốn. Anh chàng họ Huỳnh đã bắt đầu chơi tân nhạc, chớ không phải cổ nhạc như cha, từ lúc còn ở Cần Thơ, chuyên môn về trống. Huỳnh anh lên Sài Gòn chẳng khác nào cây khô gặp mưa nên tài năng càng phát triển.`
Bắt đầu câu chuyện là một sáng tác của anh, “Mưa Rừng” đã khiến người người nhớ đến tên anh. Điều này đâu có gì lạ. Unchained Melody đã ra đời từ lâu, nhưng về sau mới nổi tiếng trong phim The Ghost. Huống chi Huỳnh Anh là người sáng tác nhạc tài tử. Trong làng tân nhạc không thiếu những người sáng tác như vậy : Hồng Duyệt, Vũ Đức Sao Biển, Lê Trọng Nguyễn… chỉ thấy có vài bản mà thôi. Họ như những vì sao lạ, có chu kỳ rất lớn, mấy mươi năm mới trở lại hội ngộ với người mộ điệu một lần.
Thật vậy, Huỳnh Anh chỉ viết theo ngẫu hứng, chớ thật ra anh đã có những bản nhạc ghi năm 1954, tính đến nay đã tròn 50 năm. Cũng do ngẫu hứng, nên sau khi đã có tí Martell hay Cognac, anh mới cất giọng khàn khàn để hát. Tiếng hát mang đầy những cảm xúc của nhạc Jazz với điệu Blues buồn muôn thuở.
Không phải nhờ “lý lịch” mà Huỳnh Anh được nhớ đến để nhờ viết nhạc cho tuồng cải lương “Mưa Rừng” với bản nhạc mang cùng tên. Lúc đó ở Sài Gòn đâu phải có một mình anh là có liên hệ đến cải lương đâu ? Tay trống Huỳnh Hiếu hay Huỳnh Háo là con của cố nghệ sĩ Tư Chơi, và chắc còn nhiều người khác nữa không chịu xuất đầu lộ diện. Vậy sao lại nhờ Huỳnh Anh? Nói đi rồi xin nói lại, chắc gia đình của cố nghệ sĩ Năm Nghĩa cũng không xa lạ gì với con trai của cố danh cầm đàn xến vừa nói trên. Kịp đến khi Năm Nghĩa qua đời, bà bầu Thơ, tức mẹ ruột của Thanh Nga, tiếp quản sự nghiệp của chồng và lèo lái khôn khéo đoàn Thanh Minh-Thanh Nga lên ngôi vị của một đại ban cho đến Tháng Tư 1975. Nhờ giao tình nầy và cũng do chính tài năng cúa bản thân mà Huỳnh Anh được Thanh Nga và hai soạn giả Hà Triều và Hoa Phượng nhờ viết một bản nhạc đặc biệt để Thanh Nga là người đầu tiên trình diễn trên sân khấu cho tuồng Mưa Rừng.
Tới đây chúng ta thấy có một cuộc “chạy đua” ngoạn mục giữa các đại ban ? Để trả lời là cuộc chạy đua gì thì chúng ta nên đặt hai câu hỏi : một là tại sao hát tân nhạc trên sân khấu cải lương và hai là bản nhạc phải hoàn toàn mới do Thanh Nga là người đầu tiên trình diễn?
Thật tình thì vở cải lương “Mưa Rừng” có một vài chi tiết tương tự như “L’Amant de Lady Chatterley” (1928) của D.H. Lawrence (1885-1930), cũng có bà chủ đồn điền yêu say đắm người gác rừng. Nhưng “Mưa Rừng” không mang cùng chủ đề mà được hư cấu trong cảnh núi rừng thơ mộng ở Việt Nam với cô sơn nữ dịu dàng Klay do Thanh Nga thủ diễn. Một yếu tố nữa là kịch bản do Hà Triều-Hoa Phượng, vốn là hai soạn giả rất được người đương thời ái mộ qua mấy vần thơ :
Thầy cai lên ngựa về rồi
Sao Klay còn đứng bên đồi ngó theo
Mưa rừng gió lạnh đìu hiu
Em mang gùi nhỏ đựng nhiều nhớ thương
.
Với một “tuyệt chiêu” như vậy, bà bầu Thơ đã đánh bóng thêm bảng hiệu Thanh Minh-Thanh Nga với thành công quá mức tưởng tượng. Chính Huỳnh Anh cũng đã khiêm tốn xác nhận là vào 1961 anh được nổi tiếng thêm, nhứt là sau khi bản nầy được phát đi trên làn sóng của đài Phát Thanh Việt Nam.
Sự kiện nữ nghệ sĩ khả ái Thanh Nga đã nhờ Huỳnh Anh viết nhạc cho tuồng hát cùng tên là Mưa Rừng do chính cô hát đã dấy lên một nghi vấn về mối quan hệ giữa hai nghệ sĩ. Nếu chẳng có gì thì Huỳnh Anh cũng không nên phủ nhận vì đó chẳng qua là chuyện bình thưởng giữa đôi trai tài gái sắc mà thôi. Một dấu ngoặc cần mở ra là người viết nhạc muốn được nổi tiếng nhanh cần có người hát. Mà sân khấu cải lương lại là nơi có nhiều quần chúng nhứt, và Thanh Nga hát bài này của anh thì bảo sao người ta không nghi ngờ?
Nghi vấn nầy hay quan hệ nầy đã khiến Huỳnh Anh chẳng những phải chịu “lạnh cả đêm mưa” mà gần như suốt cuộc đời nghệ sĩ anh đã đi và sống trong mưa để dò tìm.
Mưa Rừng đã nói lên nỗi niềm thương nhớ, than van cho duyên kiếp ngắn ngủi, và một nỗi nhớ không bao giờ phai nhạt.
Mưa rừng ơi mưa rừng,
Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên
Phải chăng mưa buồn vì tình đời
Mưa sầu vì lòng người
Duyên kiếp không lâu ?
Mưa gợi cho nhạc sĩ nhớ nhung, khiến nhạc sĩ xót xa, thao thức, se lạnh con tim và nhớ nhung hình bóng ngày xưa :
Mưa rừng ơi mưa rừng
Tìm đâu hởi ơi bóng ngày xưa
Mỗi khi mưa rừng về muộn màng
Bóng chiều vàng dần tàn
Lòng thương nhớ nào nguôi!
Nhạc tình, đa số là nhạc buồn. Buồn vì hình bóng ngày xưa của những ai ? Cố nhân ở Tây Đô ? Một bóng dáng yêu kiều ở Sài Gòn ? Một ca sĩ trong ban nhạc ? hay những bạn cùng “nằm chờ” trong trại tị nạn ở Philippines ? Trong hơn năm mươi năm trời đằng đẵng, Huỳnh Anh đã đi, đã tìm. Nhưng anh tìm gì ? và đã tìm được chưa ?
Người lữ hành Huỳnh Anh cứ mãi đi tìm. Có người thương anh, mong anh tìm được. Nhưng anh có người thương anh hơn, cầu sao cho anh không bao giờ tìm được để anh mãi là một người sáng tác vô tận.
Người ta không biết Huỳnh Anh đã được gì trong cuộc đời. Chắc cũng như đa số chúng ta cứ nghĩ là sẽ hạnh phúc khi đạt được cái muốn tìm chớ không phải hạnh phúc với cái chúng ta đang có. Chính vì vậy, Huỳnh Anh cứ mãi sống trong nỗi nhớ mông lung, nhất là những lúc:
Gió mây trôi hững hờ
Màn giăng kín khung trời nhớ
Sương rơi hắt hiu não nề
Ôi nỗi buồn nặng trĩu cô liêu
Khung cảnh đó đã khơi dậy trong người nhạc sĩ của chúng ta một ánh trăng nơi quê hương xa xôi :
Phố xưa nay xa mờ
Còn đâu ánh trăng ngày thơ
Nơi đây đắng cay não nề
Trong những chiều mưa gió lê thê
Cho nên Huỳnh Anh cứ mãi vẫn muốn nhờ gió đưa về nhứt là trong những đêm mưa gió đẫm ướt tình quê :
Gió ơi, đưa ta về
Về nơi chứa chan tinh quê
Đêm nghe gió mưa thật gần
Như những dòng lệ suốt cung đàn
Nhưng vốn sẵn có chất giọng nghẹn ngào, Thanh Thúy đã khiến người nghe bùi ngùi thương cảm, thương cho người ly hương, thương cho mình cùng cảnh ngộ. Thiết nghĩ là dư thừa khi khen Huỳnh Anh chọn lựa rất đúng người ca sĩ hát bài “chủ đề” cho dĩa “Khung Trời Tưởng Nhớ.”
Cái anh muốn tìm có phải là một người, vì như anh đã khẳng định :
Đời tôi chỉ yêu một người
Yêu đôi môi hồng điểm nét son tươi
Yêu đôi tay ngà làn má thắm
Tóc xanh buông lã lơi
Nhớ em nhớ từ thuở ấy.
(Đời Tôi Chỉ Yêu Một Người)
Vì “người ấy” đã ra đi :
Tôi đi giữa mùa thu
Mùa thu Cali buồn
Buồn như cuộc đời mình
Từ khi hai đứa hai nơi
Mùa thu như không còn nữa
Năm tháng hững hờ trôi
Từ khi em đi rồi
Còn nghe lòng chạnh buồn
Buồn cho số kiếp đơn côi
Những chiều buồn lạnh giá tim tôi.

(Mùa Thu Không Còn Nữa)
Hay một khung trời thân yêu :
Bông lúa tươi trên ruộng đồng
Thánh thót tiếng ca dịu lòng
Xen với tiếng tiêu mục đồng ...
(Em Gắng Chờ)
Trở lại niềm đau của nhạc sĩ cũng có thể là một sinh hoạt quen thuộc trong đời nghệ sĩ:
Đêm đêm đem lời ca tiếng tơ
Đời ca hát cho người mua vui
Nhưng khi cánh nhung khép im lìm
Ánh đèn lặng tắt, gửi ai nỗi niềm…

(Kiếp Cầm Ca)
Huỳnh Anh là nhạc sĩ, rồi là nhạc trưởng ở phòng trà. …Và không nơi nào có màn nhung cả, chỉ có sân khấu kịch nói hay sân khấu cải lương mới có mà thôi. Một là anh muốn mượn tấm “màn nhung khép im lìm” để chỉ cuộc vui trong đêm đã tàn ? Hai là anh muốn nhắn nhủ đến một sân khấu với một hình bóng có thể khiến cho :
Đêm nay bên thềm một bóng ai
Dừng chân bước giang hồ phiêu linh
Mưa đêm vẫn rơi mãi không ngừng
Có người ca kỹ khóc đời quạnh hiu
Nhạc bản tango nầy qua giọng ca nức nở của Thanh Thúy càng khiến chúng ta nhớ đến điệu tango bất hủ La Cumparsita, lời Việt là “Vũ Nữ Thân Gầy” do Khánh Ly trình diễn đã lâu lắm. “Vũ Nữ Thân Gầy” cũng như “Kiếp Cầm Ca” đều xót thương cho thân phận ca kỹ bị quên lãng. Xa hơn một chút, thi hào Nguyễn Du thương vay cho thân phận Đạm Tiên :
Phòng không lạnh ngắt như tờ
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh
Khóc than khôn xiết sự tình
Khéo vô duyên bấy là mình với ta
Cả hai bản nhạc, cùng điệu tango đã gây nên nỗi thương cảm sâu xa cho thân nghệ sĩ. Huỳnh Anh đã khóc cho ai, cho người sau bức màn nhung? Hay cho chính bản thân mình ?
Mưa rơi cho đời thêm nhớ thương
Hạt mưa ướt vai người tha hương
Mưa rơi ngõ xưa vắng tiêu điều
Xóm nghèo quạnh hiu, màn đêm tịch liêu
Không thể chuyển tải mối thương tâm của một lữ khách lạc lõng trong kỷ niệm, Huỳnh Anh đã dựa vào một thủ thuật nào để đưa người thưởng ngoạn đến cực điểm của xúc cảm ?
Phòng trà, vũ trường là đất dụng võ của một Huỳnh Anh đa tài, nhưng cũng rất đa tình và đa cảm. Không ai xa lạ gì “không khí” của những nơi đó: thật có, dối có, chợt gặp nhau đó, rồi chợt chia xa, chợt yêu cuồng nhiệt, chợt quên hững hờ!
Để cực tả tâm cảnh đó, Huỳnh Anh đã tận dụng điệu Tango, hay Slow Rock, Blues và với tiếng Saxophone hay Clarinet. Điển hình nhứt là “Kiếp Cầm Ca” với điệu Tango và “Thuở Ấy Có Em”, điệu Blues, hay “Đời Tôi Chỉ Yêu Một Người” với điệu Slow Rock. Hai giai điệu nầy đã chuyển tải những da diết, những ẩn ức đè nén tận đáy lòng của người sáng tác đến người thưởng thức. Không xúc động sao được khi nghe (chớ không phải xem, hay đọc) :
Em dần xa mãi
Ngày đi buồn không nói
Dù một câu cho vơi nhớ...
Hay là chua xót nên em nghẹn lời
Mái lầu kia thiếu trăng
Cõi lòng anh thiếu em...
(Thuở Ấy Có Em)
Tha thiết, nghẹn ngào, rồi chơi vơi tan biến vào hư vô với câu cuối. Hay với:
Lê gót chân đếm trên lối mòn phố cũ
Đi tìm quá khứ những ngày vui buồn xa vời
Mây chiều còn trôi vẫn trôi
Tôi còn nhiều thương dáng ai
Biết rằng một khi đã yêu
Biết rằng tình gieo sầu nhớ
(Đời Tôi Chỉ Một Người)
Qua sáu câu trên, khi nghe đến câu thứ ba, tưởng đâu đã đến câu cuối, nhưng rồi qua câu thứ tư, phải đợi đến câu thứ năm mới dứt ở câu thứ sáu. Kỹ thuật nầy đã kéo dài sự đợi chờ để khẳng định dứt khoát với hai lần “Biết rằng”.
Bản nhạc được bắt đầu bằng khúc nhạc dạo, kế tiếp tiếng Saxo khắc khoải gia tăng cường độ não nuột đến cực đại khi lời tâm sự nhẹ nhàng, nhưng thành khẩn cất lên :
Đời tôi chỉ yêu một người
Cường độ khắc khoải, não nuột đó cứ kéo dài, kéo dài đến tràn đầy tâm khảm với tiếng thét cùng cực bi thống:
Biết rằng tình gieo sầu nhớ…
Huỳnh Anh đã phổ “Rừng Chưa Thay Lá”, thơ của Hoàng Ngọc Ẩn. Đây cũng là tâm sự của một thanh niên, vì hoàn cảnh, phải xa lìa đất nước, nhưng quê hương, và người yêu ở quê nhà bao giờ cũng dày vò tim anh với những nhung nhớ không nguôi:
Anh đi rừng chưa thay lá
Em về, rừng lá thay chưa
Phố cũ bây chừ xa lạ
Hắt hiu đợi gió giao mùa
Những vần thơ 6 chữ của Hoàng Ngọc Ẩn tưởng đã đủ thấm sâu vào tâm can người đồng cảnh, cho kiếp sống cô đơn theo tháng năm tàn tạ mà còn đưa đến tâm trạng u uất triền miên.
Em có về qua lối cũ
Phố phường chừ đã đổi thay
Thương em nửa đời hoang phế
Thương ta chịu kiếp lưu đày
Tới đây, thật sự chúng ta mới thấy lý do tại sao Huỳnh Anh lại chọn bài thơ nầy của Hoàng Ngọc Ẩn. Nghe nhạc sĩ nói là chúng ta tin liền vì anh đã “thấy phê” khi mới đọc câu đầu. Vào những năm đó, ai cũng ngỡ “ra đi là một lần vĩnh biệt”, nên ai cũng cho là “tử biệt” còn hơn “sinh ly”…
Tới đây chúng ta thấy Huỳnh Anh đã phổ nhạc 3 bài thơ : Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím, Gửi Về Bên Ấy, và Rừng Lá Thay Chưa. Gần đây nhứt, khoảng Tháng Sáu 2004, Huỳnh Anh vừa phổ xong thêm một bài nữa.
Nguyên tác giả bài thơ “Quê Hương Tôi, Kiên Giang, và Nỗi Nhớ” là Ông Võ Minh Chánh, quê Gò Công. Nhạc sĩ phổ nhạc lại là người quê Cần Thơ. Vậy mà cả hai người cùng cảm và thương Người và Đất Kiên Giang nên chúng ta có nhạc bản “Kiên Giang và Nỗi Nhớ”.
Nguyên dạng bài thơ của Ông Võ Minh Chánh gồm có 3 thi đoạn thất ngôn bát cú “Đường Luật”, cũng có đối, có niêm, có luật theo thi luật. Thi đoạn mở đầu như sau:
Một chút “quê hương” ở trước nhà
Hồng đào nở rộ cúc đơm hoa
Trúc xinh lã ngọn xanh màu cỏ
Tàu chuối bay bay lá nõn nà
Bí đỏ vàng bông vừa trổ nụ
Có chàng bướm trắng đến lân la
Quê hương tôi đó trong vườn nhỏ
Nỗi nhớ Kiên Giang, nhớ đậm đà.
Lần nầy cũng lại chính cả Ông Võ Minh Chánh và Huỳnh Anh cùng thừa nhận có chung “hoài cảm về đất và người Kiên Giang”. Nhưng qua tay Huỳnh Anh, mối hoài cảm đó trở thành 4 vế của thất ngôn tứ tuyệt :
Kiên Giang tôi đó bên kia (bờ) biển
Nỗi nhớ Kiên Giang, nhớ đậm đà
Nắng sớm Ca-li vàng nỗi nhớ
Mưa chiều xứ Mỹ lạnh hồn hoa
Kiên Giang tôi đó trong niềm nhớ
Rạch Giá quá xa cách ngàn trùng
Trang giấy hồng thơm mùi sách vở
Nhớ quê, thầy cũ, nhớ trường xưa
Nhà Lồng, Chợ Cũ còn in dấu
Đông Hồ xưa, Hòn Đất, Hòn Me
Nối tỉnh nhà Cầu Quay mấy nhịp
“Hoa trắng thôi cài áo tím” xa
Kiên Giang tôi đó, xa tầm với
Mỗi bước ra đi suối lệ nhoà
Nỗi nhớ vàng theo năm tháng đợi
Sợi buồn từng giọt đếm mưa qua
Như phần trên đã nói, Huỳnh Anh đã hết sức thành công với bản “Mưa Rừng”, trên sân khấu cải lương (1961), trên làn sóng phát thanh, và ngay cả trong điện ảnh với tuồng phim cùng tên (1962). Sự kiện nầy đã giúp cho thế đứng của anh càng thêm vững và đưa anh vào lãnh vực viết nhạc cho điện ảnh với hai nhạc phẩm Loan Mắt Nhung trong phim cùng tên, và Sa Mạc Tuổi Trẻ trong “Điệu Ru Nước Mắt”.
Trước khi nói đến hai bản nhạc nầy, thiết nghĩ cũng nên nhắc lại tình trạng tinh thần của thanh thiếu niên thời đó. Sau 1960, chiền tranh leo thang vùn vụt. Nhiều giá trị tinh thần bị sụp đổ thảm hại. Thanh thiếu niên thời đó đã đánh mất niềm tin. Họ hủy diệt tương lai bằng những hành động mệnh danh là “yêu cuồng, sống vội”. Thậm chí trong một nữ trung học danh tiếng ở Sài Gòn có nhóm lấy tên là CTY, có nghĩa là tất cả “cho tình yêu”, và đồng thời cùng mang nghĩa “chối (tất cả) tình yêu”. Hai thái độ cực đoan nầy bị những người nhân danh đạo đức kết án là “mất gốc” vì trong mắt họ, đám thanh thiếu niên “bụi đời” là đám du đảng, hư hỏng, chỉ đáng cho vào tù mà thôi. Họ chán sống vì thiếu tình yêu chân thật. Do nhận định đó, họ không phải là thủ phạm mà ngược lại là nạn nhân của một xã hội băng hoại. Vậy sao lên án và kết tội nạn nhân mà không dám đá động đến thủ phạm ? Do đó, nhiều nhà văn, người làm nghệ thuật đã cao tiếng biện minh cho họ. “Loan Mắt Nhung” và “Sa Mạc Tuổi Trẻ” ra đời trong bối cảnh nầy.
Lòng phố khuya, bước chân còn khua dài
Tìm về thơ ấu đếm ngày qua
Khóc chi nhiều, đã bao chiều
Chỉ riêng mình thêm cô liêu
Qua vùng thương từng đêm tóc rối
Tù đày ngõ tối đam mê
(Loan Mắt Nhung)
Tù đày ngõ tối trong xóm nghèo tối tăm, hay tù đày trong khám đường chật hẹp, hay tù đày trong tâm khảm lạc lõng, bơ vơ ? Huỳnh Anh quả đã đến với họ bằng con tim chân thành, con tim của một người trưởng thành giàu kinh nghiệm và đầy bao dung.
Tình yêu trên tâm với
Người qua tay rồi
Còn đâu nữa, tuổi mộng mơ
Ôi tuổi thơ
Vùng cát hoang
Tìm đâu thấy
(Sa Mạc Tuổi Trẻ)
Tưởng cũng nên nhắc lại là vào thập niên 60, chánh quyền tinh Phong Dinh đã cho đổ cát bên bờ sông để xây Cảng Cần Thơ mà thanh niên nam nữ vào cuối tuần thường “đèo nhau” đến nơi mà họ gọi với cái tên rất dễ thương là “Sa Mạc Tuổi Trẻ”. Họ đã có một sa mạc đúng theo nghĩa đen, một bãi cát mênh mông vô tận, với những cơn nắng thiêu người, nắng từ trên ném xuống rồi nắng từ dưới bốc lên, và những cơn gió ném từng ngụm cát nóng bỏng vào mặt mày, thân thể họ. Trong sa mạc đó, họ cũng đã sống theo nghĩa bóng cũa nó: chung quanh bọn trẻ, chẳng còn ai biết xót thương đời họ, mang đến họ “một bóng mát cho cuộc đời”, mặc cho nắng gió phũ phàng.
Cũng chính trong thời điểm nấy, một điệu nhạc đã được nhập cảng theo phim và được giới thanh niên rất say mê. Đó là một loại Wild Wild West, nôm na là loại nhạc miền Viễn Tây hoang dã của các anh cowboys đa cảm và cô đơn mà mọi người quen gọi nó là điệu django (Tác giả xin dành tất cả dè dặt về chánh tả khi viết chữ này.) Một điệu nhạc có dồn dập, có lôi cuốn, có buồn cô đơn, có lãng mạn, nghe như văng vẳng có tiếng vó ngựa gõ trên sa mạc vắng. Huỳnh Anh đã tận dụng điệu nhạc này trong “Sa Mạc Tuổi Trẻ” vừa đáp ứng phong trào, cũng vừa cực tả cái khắc khoải, nức nở nhưng không đẫm lệ của những người đang cô đơn, với cách ngắt chữ nghe như nhịp ngựa phi qua đồi cát vắng :
Tuổi đời // không tình thương
Phù du // trên đường
Để rồi // bao ngày qua
Hằn trên cát // nổi sầu đau
Được thấy ai
Nào thấy ai // xót xa đời mình
Có ai từng chứng kiến một học sinh Quốc Gia Nghĩa Tử lặng thinh mà đôi dòng lệ cứ tuôn trào khi có người đá động đến tâm sự của người con sớm mất cha mà nén được không xúc động? Tương lai của những thanh thiếu niên nầy ra sao ?
Thanh thiếu niên vốn mang những hoài bão tốt đẹp trong tương lai với một sự nghiệp, và một thế giới đầy tình yêu thưong chân thành, không lường gạt, không dối trá điêu ngoa, không tham lam và thù hận. Nhưng trái lại, họ ngụp lặn trong chán chường, để rồi lần lần đưa đến những thái độ tiêu cực và những hành động phá hoại. Chúng ta không thấy Huỳnh Anh đưa cho giải pháp vì đó là ngoài chức năng của nghệ sĩ. Anh chỉ vẽ lên những hình ảnh đáng thương thay cho những lời biện minh hùng hồn nhứt cho đám “bụi đời” bị kết tội là “sống thác loạn” :
Từng đêm
Từng đêm bão cát chôn vùi
Vùng lên, hồn xanh xao kiếp làm người
Ngày tàn
Theo thời gian
Tìm lại trong tình yêu
Chỉ là giấc mơ mà thôi
“Kiếp bụi đời” là như vậy đó, là một thế hệ không có niềm tin hay nếu có thì cũng đã đánh mất, một thế hệ cam chịu bị đời khinh miệt mà cũng chẳng còn khả năng hay cũng chẳng hoài thay đổi.
Trong khi “Sa Mạc Tuổi Trẻ” với điệu django và nội dung đều mới thì Huỳnh Anh trở lại sở trường của anh với điệu Blues khắc khoải cô đơn trong “Loan Mắt Nhung” :
Đường vắng thưa bước chân buồn âm thầm
Đèn khuya hiu hắt ánh điện câu
Giữa đêm sầu, ngõ không màu
Sống lạc loài, thân cô đơn
Chôn tuổi xanh chìm trong bóng tối
Vực sâu nhiểu đắng cay
Phải tinh tế lắm mới thấy “ánh điện câu” là như thế nào. Thông thường, nhà nào cũng có ánh điện, chỉ trừ những ngôi nhà, những mái che nghèo nàn, ọp ẹp mới nhờ hàng xóm chia chút ánh sáng. Chủ nhà có đồng hồ điện thường cho nhiều nhà “câu”, với bóng nhỏ khoảng 25w trong khoảng thời gian nào đó trong đêm. Do đó, câu “đèn khuya hiu hắt ánh điện câu” vừa nói lên cảnh nghèo nàn tối tăm của xóm nghèo cũng như cảnh tối tăm dưới vực sâu trong cuộc đờI của nhân vật chánh : “Loan mắt nhung”.
Người ta có thể nghe được bước chân uể oải khua của một cuộc đời tối tăm, trong một con ngõ tối tăm để tìm về tuổi ấu thơ nồng ấm, vô tư chưa biết hận thù, và tìm một tương lai sáng lạng !
Lòng phố khuya bước chân còn khua dài
Tìm về thơ ấu đếm ngày qua
Khóc chi nhiều đã bao chiều
Chỉ riêng mình thân cô liêu
Qua vùng thương từng đêm tóc rối
Tù đày ngõ tối đam mê
Cái sung sướng khiêm tốn của “người đau khổ” là được khóc, khóc cho to, khóc cho hả, gào lên mà khóc. Nhưng những tiếng khóc đó chẳng giúp được gì cho người đau khổ. Có chăng là :
Tù đày ngõ tối đam mê.
Cách cuối cùng, vì chắc chẳng còn cách nào khác để chọn lựa là phải van cầu, cầu cho được ban bố tình yêu, cầu cho con đường thênh thang hơn, cầu cho đường đời không còn cô độc. Nhưng kinh đô muôn màu vẫn quay lưng đi cùng với “người ấy” của Loan Mắt Nhung.
Xin yêu thương đến trong hồn tôi
Ru cơn đau qua miền thương nhớ
Quả tim xanh độc hành mãi lẻ loi
Ôi xanh xao tiếng ca hờn oán
Đêm kinh đô muôn màu ngã bóng
Một người chìm sâu mắt em.
Cái mà Huỳnh Anh muốn mang đến cho đời là con tim anh và điệu nhạc. Nên với tấm lòng tràn đầy thông cảm, Huỳnh Anh cùng với những nhà văn đương thời đã có những tác phẩm như “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang”, “Điệu Ru Nước Mắt”, “Loan Mắt Nhung”… cùng lên tiếng minh oan cho “đám bụi đời, du đãng”. Riêng Huỳnh Anh thấy đóng góp của anh như chưa đủ, nên anh đã tích cực hơn bằng cách cất tiếng hát vốn rất “blues” của anh trong phim cùng mang tên với tác phẩm kể sau cùng.
Một điều cần nói là Huỳnh Anh vốn không nhiều lời, nhưng lại rất giàu tình cảm. Cho nên càng giàu tình cảm bao nhiêu lại càng thiếu thốn về vật chất bấy nhiêu. Tuy anh không sáng tác nhiều, nhưng chỉ cần “Mưa Rừng” mà thôi, Huỳnh Anh cũng dư sức thành triệu phú cả chục lần vào những năm 1960, nhứt là sau khi vở cải lương được đưa lên màn ảnh. Nhưng Huỳnh Anh chưa một lần nào làm triệu phú.
Mang cung đàn muôn điệu, anh đã sống một cuộc đời nghiệt ngã, chứng kiến và cũng đã kinh qua những cuộc tình thơ mộng, những mối tình lọc lừa, những cuộc chia tay đẫm lệ, những chiều mây giăng kín khung trời, những nhớ nhung về quê huơng mờ mịt. Nhưng anh không bỏ cuộc. Anh đã, đang,và sẽ sống hết mình cho tình yêu, cho quê hương, cho nỗi nhớ, và cho bằng hữu. Cho nên, bao giờ anh cũng có tình yêu và quê hương trong lòng, bao giờ cũng có bằng hữu chung quanh. Chính vì vậy mà từ lúc bắt đầu chơi văn nghệ đến nay, anh đã trải qua nửa thế kỷ, với các sáng tác không nhiều, nhưng mỗi bản nhạc là một dấu ấn, khắc sâu mối quan hệ giữa anh và các chủ thể khác.
Để kết cho bài nầy, xin hỏi nhỏ Huỳnh Anh một câu là anh đã xót thương cho bao người, cho cha, cho mẹ, cho “người ca kỹ khóc đời quạnh hiu”, cho quê hương xa vời, cho thanh thiếu niên lạc loài mất hướng, cho bản thân cô quạnh, và cho biết bao nhiêu người nữa, nhưng bù lại, anh đã được gì chưa hay anh quan niệm rằng chỉ cần cho là đủ ? L’amour c’est pour rien. Tình cho không biếu không mà!
Nguyễn Vĩnh Thanh Vân
Mời các bạn thưởng thức toàn bộ: http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gif"Nhạc Huỳnh Anh
http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifMưa Rừng - tác giả Huỳnh Anh trình bày                http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifEm Gắng Chờ - Vũ Khanh
http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifLạnh Trọn Đêm Mưa - Hồ Ngọc Hà & Đức Tuấn      http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifĐời Ta Chỉ Một Người - Thế Sơn
http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifMưa Rừng - Thanh Nga - tân cổ giao duyên           http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifRừng Chưa Thay Lá - Như Quỳnh
http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifKiếp Cầm Ca - Hồ Lệ Thu             http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifLoan Mắt Nhung - Elvis Phương
http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifNếu Anh Về - Hoàng Oanh            http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifNếu Ta Đừng Quen Nhau - Băng Tâm & Đặng Thế Luân
http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifBiết Nói Gì Đây - Hương Lan & Duy Quang            http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifTìm Đâu Phút Ban Đầu - Lệ Thu
http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifHoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím - Thanh Thúy     http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifThuở Ấy Có Em - Trần Thái Hòa
http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifKhung Trời Tưởng Nhớ - Thanh Thúy                  http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifMừng Nắng Xuân Về - Hợp Ca
http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifĐám Cưới Người Ta - Mạnh Đình                       http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifMưa Rừng - Mai Thanh Vân
http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifThành Phố Sương Mù - Như Quỳnh                  http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifTiếng Ru Ngàn Đời - Thái Châu
http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifSa Mạc Tuổi Trẻ - Phi Khanh & Quốc Thái            http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifGió Núi Mưa Rừng - Trường Vũ
http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifLá Úa Chiều Thu - Thái Thanh                           http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gif Những Bước Chân Hoang - Trúc Mai
http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifTình Muộn - Carol Kim                                      http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifGửi Về Bên Ấy - Elvis Phương
http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifMen Rượu Ly Bôi - Thanh Thúy                       http://cothommagazine.com/nhac1/AnimatedNotes.gifNếu Anh Về - hòa tấu, nhạc không lời
 Theo http://cothommagazine.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...