Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Bộ truyện cổ Ảrập tuyệt vời: Nghìn lẻ một đêm

Bộ truyện cổ Ảrập tuyệt vời: Nghìn lẻ một đêm
I/ Nghìn lẻ một đêm, tác phẩm vĩ đại bậc nhất của nền văn học Arập, là một trong nhữn g công trình sáng tạo phong phú và hoàn mỹ của nền văn học thế giới.
Đề tựa bản dịch tiếng Nga xuất bản năm 1929 ở Lêningrát, Macxim Gorki viết: "Trong số các di tích tuyệt diệu của sáng tác truyền khẩu dân gian, các truyện cổ tích của nàng Sêhêrazát là di tích đồ sộ nhất".
Những truyện cổ tích này thể hiện với mức hoàn hảo kỳ diệu, xu hướng của nhân dân lao động muốn buông mình theo phép nhiệm màu của những ảo giác êm đẹp, theo sự kết hợp phóng khoáng của từ ngữ thể hiện sức mạnh vũ bão của trí tưởng tượng hoa mỹ của các dân tộc phương Đông - người Arập, người Ba Tư, người Ấn Độ. Công trình dệt gấm bằng từ ngữ này xuất hiện từ thời tối cổ, những sợi tơ muôn màu của nó lan khắp bốn phương, phủ lên trái đất một tấm thảm từ ngữ đẹp lạ lùng.[1]
Truyện mở đầu tất cả các truyện, giải thích lý do ra đời của tất cả các truyện, cái khâu đầu tiên của sợi dây chuyền vàng xuyên qua mọi tình tiết, liên kết chúng lại thành một chuỗi ngọc tuyệt tác muôn vẻ muôn màu rồi vòng trở lại để làm thành đoạn kết thúc, là chuyện của một người con gái. Một người con gái tài sắc vẹn toàn, thông minh rất mực, đã không quản hiểm nguy dám hi sinh tấm thân ngà ngọc của mình để cứu các bạn gái khỏi cảnh ô nhục và cái chết bi thương.
Ngày xưa có hai anh em cùng làm vua. Anh làm hoàng đế nước Đại Ba Tư choán một phần lớn trái đất. Em là vua nước Đại Táctan, chư hầu của anh. Một hôm, được lệnh của anh triệu về, em vội vã lên đường. Xa giá vừa ra khỏi kinh thành, đã nghỉ lại; nhà vua nhớ hoàng hậu, một mình lén trở lại cấm cung định tự tình với người vợ quý yêu một lần nữa. Nhưng hỡi ôi! Nhà vua không được gặp hoàng hậu như ở trong cảnh nhớ nhung thao thức mà lại thấy hoàng hậu đang ngủ say trong vòng tay một người đàn ông khác ngay trên giường ngự của mình. Nổi giận, nhà vua chém chết đôi gian phu dâm phụ, ném xác xuống hào rồi lặng lẽ trở lại hành cung và ra lệnh khởi hành. Vua tuyệt nhiên không hé răng cho bất cứ ai biết nỗi khổ riêng đang giày xé lòng mình.
Song cũng từ buổi tối bất hạnh ấy, một nỗi buồn ghê gớm xâm chiếm nhà vua và thường xuyên lộ ra nét mặt. Cảnh hoàng đế thân hành ra đón từ ngoài kinh thành, cảnh hội hè yến tiệc, nghi lễ linh đình cũng như sự săn sóc chân tình của vua anh đều không thể làm tiêu tan nỗi u uẩn.
Nhà vua tự cho mình là người đau khổ nhất trần gian. Nhưng một hôm tình cờ nhà vua bắt gặp hoàng hậu, chị dâu của mình, ngoại tình với một tên da đen trong khi hoàng đế mải đi săn. Vua em thấy nhẹ hẳn người: "À, ra không phải chỉ có ta là người đau khổ duy nhất. Vinh hiển, phú quý, quyền uy chấn động thiên hạ đến như hoàng đế anh ta mà vẫn bị vợ lừa dối. Vậy thì việc gì ta phải tự giày vò cho khổ thân!".
Đến lượt vua anh, khi được tự mình chứng kiến hành động dâm ô của hoàng hậu, ông cũng vô cùng chán ngán. Hai anh em cùng một lúc từ bỏ ngai vàng, từ bỏ mọi phú quý vinh hoa trên trần thế. Hai anh em ra đi định tìm chốn ẩn thân đến trọn đời ở một nơi chân trời góc bể nào đó cho khuây khỏa nỗi buồn, cho nguôi đi vết nhục. Nhưng tình cờ - vẫn là sự tình cờ - hai vua bắt gặp một thần linh từ dưới đáy biển nổi lên, ghé vào bờ. Trên đầu thần đội một chiếc hòm thủy tinh khóa bằng bốn chiếc khóa. Để phòng ngừa vợ có thể không chung thủy, thần đã nhốt ả vào trong đó và giấu tận đáy đại dương, chỉ mở cho ra những khi nào mình cần yêu đương tình tự. Ấy thế mà người đàn bà đẹp này đã từng ngoại tình với những chín mươi tám người đàn ông khác. Mỗi người sau phút ái ân, phải để lại cho ả một chiếc nhẫn làm kỷ niệm. Và mỉa mai làm sao! Hai nhà vua, hai ông chồng đang buồn rầu ngao ngán về thế sự này lại chính là những kẻ bị ả ép buộc làm những tình nhân bất đắc dĩ thứ chín mươi chín và thứ một trăm.
Vậy ra đàn bà ở đâu cũng vậy và ai cũng như ai thôi. Không thể có cách nào đủ hiệu lực ngăn ngừa, để cho họ giữ vẹn lòng chung thủy với chồng. Chỉ còn một cách - hoàng đế nước Đại Ba Tư rút ra kết luận - là giết ngay người con gái vừa chung chăn gối, không để cho sống đến ngày hôm sau. Đó chính là cách trả thù đời, trả thù đám đàn bà, trả thù vợ của những ông chồng bị cắm sừng mà trong tay có quyền lực tối cao.
Từ buổi đó, một luật lệ mới được ban hành ở nước Đại Ba Tư. Một luật lệ vô cùng dã man, hết sức khắc nghiệt. Vua truyền cho tể tướng cứ mỗi đêm bắt vào cung một cô gái trinh để hầu hạ mình, rồi rạng sáng hôm sau, khi đêm vừa hết, thì ra lệnh giết chết cô gái ấy.
Thế là cứ mỗi đêm một cô gái trinh đi lấy chồng và sáng ra một người đàn bà thiệt mạng.
Cảnh tang tóc bao phủ khắp kinh thành. Cung đình tràn ngập máu. Nỗi đau đớn xé lòng mọi người mẹ, người cha, người yêu, người chồng chưa cưới. Giữa lúc ấy xuất hiện cứu tinh, nàng Sêhêrazát, con gái yêu của chính tể tướng, người chịu trách nhiệm thi hành lệnh tàn bạo của vua.
Sêhêrazát khẩn khoản xin cha dẫn mình vào cung hiến thân cho hoàng đế.
- Con điên hay sao? - Tể tướng kinh hoàng.
- Không, thưa cha, con hiểu rõ nỗi hiểm nghèo mà con sẽ phải trải qua. Nhưng nó không làm cho con kinh sợ. Nếu con có bỏ mình, cái chết sẽ quang vinh, nếu con thành công, con sẽ giúp cho đất nước một việc hệ trọng.
Sêhêrazát vào hầu hoàng đế, chỉ xin mỗi một đặc ân: cho phép em gái nhỏ của nàng được ngủ với chị "một đêm cuối cùng". Vua đồng ý. Tảng sáng hôm sau, một giờ trước khi mặt trời mọc, cô em gái nhỏ được dặn trước, liền gọi chị và khẩn khoản xin kể cho nghe "một trong những câu chuyện hay hay mà chị rất thành thạo".
Tên vua độc ác, lúc xác thịt đã thỏa thuê, cũng muốn nghe một câu chuyện hay hay chờ trời sáng, để ra lệnh thi hành luật lệ dã man của hắn.
Nàng Sêhêrazát bắt đầu kể...
Trời sáng rồi mà chuyện hay còn dang dở. Nhà vua nửa cần đi thiết triều, nửa muốn nghe nốt, liền cho hoãn lệnh xử tử người con gái đến ngày hôm sau.
Một đêm nữa, rồi lại một đêm nữa... chuyện vẫn dở dang vào đoạn hay nhất, vừa lúc trời sáng và án tử hình lại phải hoãn.
Cứ thế một nghìn lẻ một đêm trôi qua.
Cứ thế, truyện này nối tiếp truyện kia, truyện sau lồng vào truyện trước. Truyện này chưa hết truyện khác đã bắt đầu dường như vô tận. Trước mắt chúng ta, hiện lên không biết bao nhiêu là nhân vật: từ hoàng đế, tể tướng, hoàng tử, vương tôn, nhà hiền triết, bậc tu hành, quan coi ngục, viên hoạn nô cho đến tên cướp biển, lão chủ nô, mụ mối, đứa du thủ du thực, lão lái buôn, bác phó cạo, anh thợ may, người vác thuê, nhà hàng thịt, cô hầu gái, chú tiều phu... Và phúc thần và phù thủy và ma quỷ và tiên nương... Khi là cảnh cung đình rực rỡ đèn hoa, lộng lẫy ngọc ngà châu báu, khi là cảnh dạt tàu cướp miếng ăn của ma mà sống. Lúc chuyện xảy ra trong thế giới thần tiên, lúc ở nơi đầu đường xó chợ. Về tôn giáo, có những người theo đạo Hồi, có những người theo đạo Thiên Chúa, đạo Do Thái, lại có những người thờ thần lửa... Về không gian, các chuyện xảy ra ở những nơi ngày nay được ghi trên bản đồ là Ấn Độ và Sơri Lanca, Liên Xô và Trung Quốc, Gióocđani và Iran và trước hết là Tây Á và Bắc Phi với Ai Cập, Irắc, Xyri... Tóm lại, khung cảnh rất rộng lớn, chủ đề thật đa dạng, tình tiết hết sức bất ngờ, ngôn ngữ vô cùng phong phú, nhân vật rất thực và cũng rất hư. Quả khó có cách nào diễn tả cho gãy gọn nếu ta không trở lại mượn hình tượng Gorki đã dùng: "Những sợi tơ muôn màu lan khắp bốn phương một tấm thảm từ ngữ đẹp lạ lùng phủ trên mặt đất".
Câu chuyện - hay đúng hơn là bộ sưu tập, là kho tàng những câu chuyện - mở đầu bằng những tình tiết gây ấn tượng không lấy gì làm tốt đẹp đối với người phụ nữ, đối với đức hạnh của những người vợ. Những cái nút vừa thắt lại thì đã tháo ra ngay làm bật rõ phẩm chất cao quý cửa một người con gái, trí tuệ sáng ngời của chính người đàn bà, chứ không phải là người thuộc giới tính khác. Sêhêrazát nói với cha: "Nếu con có phải bỏ mình, cái chết của con sẽ quang vinh, nhưng nếu con thành công, con sẽ giúp cho đất nước một việc hệ trọng". Toàn bộ tác phẩm mở đầu với hành động cực kỳ hung bạo, hơn cả súc vật của một tên vua - bởi ngay loài cầm thú con đực cũng không bao giờ cắn chết con cái vì làm như vậy là trái với tự nhiên, là tự mình diệt chủng - và kết thúc bằng một cử chỉ hoàn toàn hợp với tình người. Sau đêm một nghìn lẻ một, bạo chúa tha không những chết cho nàng Sêhêrazát mà còn hủy bỏ luật pháp dã man của mình, luật pháp đã không có dịp thi hành suốt một nghìn lẻ một ngày nhờ công của một người con gái. Độc giả lúc gấp sách lại, hay thính giả khi người kể ngừng lời - vì đây là những chuyện kể - hoàn toàn thỏa mãn, vừa thú vị về nội dung đặc sắc của các câu chuyện, vừa hài lòng về cách kết thúc hợp lý hợp tình, "có hậu". Không ai còn nhớ đến các hoàng hậu kém đức hạnh nữa. Trong trí nhớ mỗi người hiện lên rõ đậm hình dáng một nàng Sêhêrazát cao quý, dũng cảm, thông minh, xinh đẹp tuyệt trần và chắc chắn là giọng kể cực kỳ quyến rũ.
Ngay từ đêm đầu, chúng ta đã thấy được nghệ thuật đặc sắc của những chuyện sẽ kể tiếp trong một nghìn đêm sau.
II/ Theo các nhà nghiên cứu, Nghìn lẻ một đêm - ít ra là bản lưu truyền đến với chúng ta ngày nay - được định hình hẳn vào khoảng cuối thế kỷ 15 ở Ai Cập. Thời kỳ này cả nước Ai Cập đã hoàn toàn theo đạo Hồi. Thật ra, sự xuất hiện của nó còn ngược lên đến thời xa xưa, bắt nguồn từ những chuyện Ba Tư rất cổ và đã trải qua một thời kỳ tồn tại lâu dài trước khi được viết ra thành văn.
Ở đâu cũng vậy, các chuyện kể dân gian không bao giờ là công trình sáng tạo của một người và có hình dạng hoàn chỉnh ngay từ đầu hay trong một thời gian ngắn. Thông thường xoay quanh một chủ đề cơ bản, được quần chúng tham gia, thời gian nhào nặn, tình tiết của câu chuyện phong phú dần lên, có khi biến dạng đi, và tất nhiên sẽ thay đổi ít nhiều tùy theo địa điểm và thời gian, bố cục ngày càng chặt chẽ. Cho đến một lúc nào đấy, nó được những tài năng kiệt xuất chỉnh lý, định hình lần cuối rồi được nhân dân chấp nhận coi như dạng bản cuối cùng. Các trang kể được tập hợp trong công trình đồ sộ với cái tên phổ cập toàn thế giới Nghìn lẻ một đêm có lẽ bắt nguồn từ truyền thống các truyện dân gian xuất xứ ở phương Đông - đế quốc của các hoàng đế Arập. Xoay quanh những truyện này, một số truyện khác cổ hơn, có nguồn gốc Ấn Độ, Ba Tư hoặc Ấn - Âu được bổ sung vào. Một loại nữa là những câu chuyện lưu truyền, phản ánh sinh động xã hội Hồi giáo buổi sơ khai của thời trung cổ, tức là thời đại các hoàng đế Abáxít[2], trong đó một phần quan trọng dành nói về những chuyện phiêu lưu trên biển cả của những thương nhân đầu tiên bắt đầu mở rộng buôn bán với nước ngoài bằng đường biển. Tất nhiên có nhiều truyện nội dung vay mượn từ kho tàng cổ tích các dân tộc khác. Đây là một hiện tượng thường thấy, nó cắt nghĩa vì sao nhiều truyện cổ của người Ấn Độ, của Tây Âu chẳng hạn có những điểm chung giống những truyện cổ ở Trung Quốc, ở Nam Á. "Vay mượn không phải bao giờ cũng là xuyên tạc, đôi khi việc vay mượn bổ sung cho truyện và làm cho nó đã hay càng hay hơn" [3].
Những người kể chuyện rong mang những chuyện đó đi kể khắp nơi. Trong quá trình ấy họ gọt đẽo cách diễn tả cho thích hợp và hấp dẫn người nghe. Người ta cho rằng chính những người Ai Cập kể chuyện rong thế kỷ 12 và 13 đã làm cho các truyện trong Nghìn lẻ một đêm thêm phong phú về nội dung, linh hoạt về hình thức và sáng sủa về từ ngữ. Ngôn ngữ dùng trong tập truyện này gắn với tiếng nói của các tầng lớp bình dân Arập hơn là ngôn ngữ kinh viện thời bấy giờ.
Cũng có thể Nghìn lẻ một đêm thành hình - với tư cách là một tác phẩm hoàn chỉnh - còn sớm hơn nữa. Theo R. Nicônxơn trong Lịch sử văn học Arập, năm 956 một học giả Arập tên là Maxađi (Masadi) đã nhắc tới một cuốn sách cổ của người Ba Tư nhan đề "Một nghìn lẻ truyện, thường được gọi là Nghìn lẻ một đêm, đó là chuyện một quốc vương và tể tướng cùng với tiểu thư và người hầu gái là nàng Sêhêrazát và Đináczát".
Năm 988, Môhamét Isác (Mohammed Ishaq), tác giả một tập thư mục những tác phẩm văn học Arập và nước ngoài, nói đến việc người Arập soạn lại tập truyện cổ Ba Tư đó. Ông viết: "Tác giả tập Truyện các tể tướng là Apđun An Jasiyan (Abđui Al Jahshiyan) bắt tay soạn một cuốn sách trong đó ông chọn một nghìn truyện của người Arập, người Ba Tư, người Hy Lạp và nhiều dân tộc khác, các truyện đều riêng biệt, không có quan hệ gì với nhau. Ông tập hợp một số người làm nghề kể lại, mời họ kể cho nghe rồi chọn những truyện hay nhất, những ngụ ngôn, cổ tích mà ông thích nhất. Là một người có tài, ông đúc những câu chuyện ấy lại thành bốn trăm tám mươi đêm, mỗi đêm là một truyện trọn vẹn dài trên dưới năm chục trang. Nhưng ông chết bất ngờ trước khi hoàn thành một nghìn truyện như dự định".[4]
Nghìn lẻ một đêm[5] như ta đã biết hiện nay, lần đầu tiên được giới thiệu với châu Âu rồi từ đó phổ cập hầu như rộng khắp toàn thế giới là nhờ công lao của một học giả người Pháp, Ăngtoan Galăng (Antoine Galland) mà bản dịch từ khi ra đời cách đây gần ba thế kỷ đã mau chóng trở thành kinh điển.
Ăngtoan Galăng sinh năm 1646 tại một thị trấn nhỏ ở tỉnh Picácđi, miền Bắc nước Pháp. Ông mồ côi cha từ sớm. Bà mẹ phải làm lụng vất vả cho con ăn học. Mười bốn tuổi ông đã phải đi làm; một năm sau tìm đến Pari tiếp tục trau dồi kiến thức. Sau đó, giúp việc cho sứ thần Pháp ở Côngxtăngtnôp (nay là Ixtămbun, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) nhờ vậy ông có điều kiện đi lại nhiều nước Tây Á. Trở về Pari, một hôm tình cờ đọc được một bản chép tay bảy truyện cổ Arập, ông có ý định dịch và cho xuất bản. Sách sắp đưa in thì dịch giả được biết những truyện này thực ra rút từ "một pho đồ sộ gồm nhiều truyện tương tự chia thành nhiều tập đề là Nghìn lẻ một đêm"[6].
Ông nhờ người tìm kiếm hộ, từ Xyri người ta chỉ gửi đến cho ông có bốn tập. Ông dịch ngay tập đầu tiên và cho xuất bản năm 1704 [7]. "Món quà nhỏ mọn, như lời ông viết trong thư gửi tặng hầu tước phu nhân O, lập tức được hoan nghênh nhiệt liệt. Thành công hết sức to lớn. Cùng với hầu tước phu nhân O, cả triều đình, nghị viện từ giai cấp tư sản cho đến các tầng lớp nghèo hèn, tóm lại là tất cả những ai biết đọc biết viết ở Pháp đều đổ xô vào tranh nhau tập sách.
Trong bốn năm, từ 1704 đến 1708, mười hai tập lần lượt ra đời. Năm 1709 Ăngtoan Galăng được một người bạn Arập đến Pari trao thêm cho một số truyện nữa, ông lại dịch và cho in tiếp. Từ 1704 đến 1782 trong vòng bảy mươi tám năm, bản dịch của Galăng được in lại hơn bảy mươi lần. Trong những điều kiện của thời bấy giờ, với phương tiện và kỹ thuật ấn loát thô sơ, công nghiệp giấy chưa phát triển, tỷ lệ người biết đọc và biết viết cũng chưa cao, thành công ấy vượt quá mức tưởng tượng và sự mong ước của mọi người. Từ bản của Ăngtoan Galăng, Nghìn lẻ một đêm được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản ở nhiều nước châu Âu: Anh, Hà Lan, Đức, Italia, Tây Ban Nha và một số nước tại các châu lục khác.
Chừng hai thế kỷ sau Ăngtoan Galăng, một bản dịch tiếng Pháp khác của Nghìn lẻ một đêm ra đời. Dịch giả là tiến sĩ J. C. Mácđruýtx (J. C. Mardrus). Thật ra đây là một bản dịch theo quan niệm và phong cách hoàn toàn khác: Mácđruýtx không bỏ sót một chi tiết nào, kể cả những đoạn rườm rà đậm màu dâm tục và tất cả những thơ rải rác trong các truyện. Người ta đã bàn cãi khá nhiều về hai bản dịch đó. Các nhà nghiên cứu văn học đều nhất trí đánh giá cao bản dịch của Ăngtoan Galăng. Người dịch đã cố tình tước bớt, để tránh cho những người đọc đỡ ngượng ngùng, một số chi tiết tả tỉ mỉ những cảnh sinh hoạt mà cho dù có in ra "cũng không cho biết thêm một điều gì mới mẻ về phong tục những người theo đạo Hồi" bởi vì những cảnh ấy "diễn tả con người đang sống theo những giây phút bản năng thấp hèn nhất mà bất cứ người sống ở vĩ tuyến nào cũng đều có", như lời nhận xét của E. Blôsê (E.Blochet) trong Tạp chí Bách khoa (Pháp) số tháng giêng năm 1900. Tạp chí này nhận xét: "Bản dịch của Ăngtoan Galăng cho chúng ta một ý niệm rất trung thành về tính cách và lời văn của bộ Nghìn lẻ một đêm cũng như về sinh hoạt của người Arập".
Sáclơ Nôđiê (Charles Nodier), một nhà văn Pháp cũng chuyên viết truyện cổ tích đầu thế kỷ 19, đã đánh giá bản dịch của Ăngtoan Galăng như sau: "Bản dịch của Galăng là một tác phẩm có thể coi là kinh điển trong thể loại Văn học này, và nếu nó có phải chịu vài điều chê trách của những nhà Đông phương học nào đó mê tín sự trung thành với các nguyên tác, ấy là vì những vị này coi trọng lợi ích ngành học thuật chuộng màu sắc xa lạ của họ hơn là tinh thần của ngôn ngữ và những yêu cầu của nền văn học dân tộc chúng ta... Chúng tôi quả quyết rằng lẽ ra người ta phải thông cảm hơn với trí thông minh và sự tinh tế của Ăngtoan Galăng đã gạt bỏ ra khỏi các truyện xinh xắn ấy những hình tượng chói chang, nhiều chi tiết nhạt nhẽo, những sự trùng lặp vô bổ chỉ có thể làm giảm sút hứng thú trong một ngôn ngữ bóng bẩy nhưng chính xác, bất kỳ ở đâu cũng muốn kết hợp tính gợi cảm và tính chuẩn xác (là tiếng Pháp)".
Nhà văn Gaxtông Picar (Gaston Picard) gần đây khi soát lại bản dịch của Galăng để cho in lại (bản in năm 1962) sau khi trích dẫn ý kiến của Tạp chí Bách khoa đã hóm hỉnh nhận xét thêm: Ăngtoan Galăng ý tứ hơn nhiều so với tiểu thư Sêhêrazát, người mới hôm qua đây còn là một trinh nữ. Ông sợ làm chối tai bạn đọc tuy không còn là thơ dại như Đináczát song cũng không có đôi tai ưa nghe những chuyện sỗ sàng như đôi tai bạo chúa Saria. Khác với Mácđruýtx, Ăngtoan Galăng không quan tâm dịch các vần thơ. Có lẽ ông không muốn để người đọc phải sốt ruột.
Với những truyện hấp dẫn thế này, ai chẳng nóng lòng muốn biết kết cục rồi sẽ ra sao. Vả chăng, chẳng phải là chất thơ đã thấm đượm mọi dòng, mọi trang của truyện Arập đó sao? Đây là văn học dân gian. Tuy đề tặng một hầu tước phu nhân, song thật ra Ăngtoan Galăng khi dịch đã nghĩ tới những độc giả bình thường, các tầng lớp đông đảo - và chính điều đó quyết định một phần rất lớn thành công của ông. Nhờ vậy, tập truyện mau chóng phổ cập rộng rãi tuy sau khi bị cắt xén, lược dịch và chọn lọc, vẫn còn dài tới gần hai nghìn trang.
Còn J. C.Mácđruýtx thì xuất phát từ một quan điểm khác. Không phải ngẫu nhiên mà toàn bộ bản dịch của ông đề tặng Xtêphan Manlácmê (Stépphane Mallarmé) và tập I đề tặng Pôn Valêry (Paul Valéry) hai nhà thơ bí hiểm. Vì những lẽ đó, một số nhà phê bình có xu hướng coi bản dịch của Mácđruýtx nặng tính chất một công trình nghiên cứu phong tục hơn là một tác phẩm văn học. Và cũng chính vì lẽ đó Nhà xuất bản Văn học lần này giới thiệu Nghìn lẻ một đêm qua bản dịch của Ăngtoan Galăng.
III/ Nghìn lẻ một đêm không chỉ là một tập truyện cổ tích, đó là cả một thế giới. Thế giới người Arập trong cuộc đời thực tại cũng như trong cảnh thần tiên ma quái thế giới của đạo Hồi từ khi có sử thành văn và đạo Hồi qua các truyền thuyết dân gian. Người Arập vẫn cho pho sách này là một tấm gương vĩ đại ai nấy có thể nhìn vào đấy mà suy ngẫm, mà soi xét bản thân mình.
Lời nói đầu trong nguyên bản viết:
"Chuyện người xưa là bài học cho người đời nay", và ca ngợi "Vinh quang thay cho những ai đã góp chuyện người đời xưa để làm bài học dạy người đời nay! Chính từ trong những bài học ấy, nay xin kể chuyện Nghìn lẻ một đêm với tất cả những điều màu nhiệm và những châm ngôn chứa đựng trong đó".
Khó mà thưởng thức đầy đủ tác phẩm văn học dân gian của một dân tộc nếu không có những hiểu biết nhất định về lịch sử, triết lý và sinh hoạt của dân tộc ấy. Rất nhiều truyện trong Nghìn lẻ một đêm xoay quanh những chuyện xảy dưới triều đại của nhà vua có thực, nổi tiếng ở Bátđa vào cuối thế kỷ thứ VIII và đầu thế kỷ thứ IX, vua Harun An-Rasit (786-809). Mặt khác, mọi tiêu chuẩn về đạo đức, pháp lý... của người Arập ngay cho đến bây giờ vẫn cơ bản dựa trên kinh Coran. Bởi vậy, chúng tôi xin được giới thiệu sơ qua với bạn đọc Việt Nam chúng ta một vài nét về thế giới Arập và tổ chức chính trị - xã hội của một đế quốc Arập xưa kia, về đạo Hồi và người sáng lập ra nó là Môhamết cùng với kinh Côran, Kinh Thánh tối thiêng liêng của tôn giáo này.
Đạo Hồi (Ixlam) ra đời vào thế kỷ thứ 7 tại Arabi, người sáng lập là Môhamết (hoặc Mahômết) [8] thuộc bộ lạc Caraxít. Môhamết sinh ra ở La Mếchcơ, thủ phủ nước Hếtgiadơ ở Arabi vào năm 570 (hoặc 580) và mất ở Mêđin ngày tám tháng sáu năm 632.
Mồ côi cha từ bé, lúc đầu Môhamết được ông nội nuôi, sau ở với chú. Lúc còn trẻ, chuyên giúp việc hướng dẫn các đoàn du hành sa mạc. Về sau vào làm công cho một người đàn bà góa giàu có, chủ một hiệu buôn ở La Mếchcơ tên là Khađigia. Người phụ nữ này kết hôn với Môhamết tuy bà lớn hơn ông nhiều tuổi. Nhờ đi đó đi đây nhiều, ông dần dần am tường giáo lý đạo Do Thái và đạo Cơ Đốc và ngày càng say mê việc tu hành. Ông thường lánh ở một nơi để suy ngẫm, đặc biệt về sự phán xét cuối cùng cũng như sự xuất hiện của các nhà tiên tri. Theo truyền thuyết, một hôm ông nghe có tiếng nói thiêng liêng từ trên trời vọng xuống giao sứ mệnh cho mình. Từ đó ông tự cho là đấng sứ giả như nhiều đấng khác xưa kia được Thượng đế [9] tuyển chọn và giao cho sứ mệnh răn bảo dân lành lòng kính sợ đấng Ala và hằng ngày phải chăm lo sửa mình để chuẩn bị cho ngày phán xét cuối cùng. Việc này xảy ra vào khoảng năm 610. Môhamết tự cho là được các thiên thần truyền đạt cho những lời phán bảo của Thượng đế để phổ cập trong nhân dân.
Lúc đầu số người tin theo ông rất ít. Đã thế một phần các tín đồ của ông bị dân thành La Mếchcơ chống đối, buộc phải di cư sang Abyxim, một nước thời bấy giờ theo đạo Thiên chúa.
Được nhân dân trấn Yathôrít tiếp thụ giáo lý của ông khuyến khích, Môhamết rời La Mếchcơ đến đây ngày 16 tháng bảy năm 622. Yathôrít từ đấy lấy tên là Mêđin (có nghĩa là Thành phố của Đấng tiên tri) và ngày hôm ấy, ngày 16 tháng bảy năm 622 trở thành ngày Nguyên đán của lịch Hồi giáo. Lịch này tính dựa theo sự chuyển động của mặt trăng, như âm lịch của ta.
Ở Mêđin, Môhamết chẳng mấy chốc trở thành không chỉ là "đấng tiên tri" mà còn là một nhà chính trị nắm trong tay vận mệnh của thành phố này. Quyền lực của ông một mặt dựa vào số tín đồ đã cùng ông rời bỏ La Mếchcơ đến và mặt khác vào số người địa phương tin theo đạo của ông ngày càng đông. Một cuộc chiến tranh xảy ra dai dẳng tám năm ròng, và kết thúc bằng thắng lợi của Môhamết. Ông khải hoàn về La Mếchcơ năm 630.
Ngoài chiến thắng rực rỡ Bếtrơ, Môhamết còn tiến hành nhiều cuộc chinh phục các nước khác, nhất là các nước ở Arabi, và tiến đánh Xiry, tạo tiền đề cho những cuộc chinh phạt lớn của người Arập về sau, khi ông đã qua đời, để mở rộng đế quốc của họ.
Môhamết không bao giờ tự cho mình là người sáng tạo ra kinh Côran, nền tảng giáo lý đạo Hồi, cơ sở lập pháp và các mối quan hệ của người Arập. Ông chỉ nhận mình là người phát hiện ra Kinh Thánh. Ngoài chức năng kỳ diệu đó ra, ông chỉ là một người như mọi người trần thế khác. Ông lấy bốn vợ chính thức - như kinh Côran cho phép - lại thêm cả một đoàn tì thiếp song vẫn không có con trai kế nghiệp. Sau khi Môhamết qua đời, những người kế vị ông tiếp tục các cuộc chiến tranh chinh phạt, lập nên một đế quốc rộng lớn trải từ bờ sông Ấn ở Tây Bắc Ấn Độ đến tận Đại Tây Dương men theo bờ Bắc Địa Trung Hải. Đạo Hồi cũng nhờ đó mà lan truyền rộng rãi. Được một thời gian, đế quốc Arập bị chia năm xẻ bảy song đạo Hồi vẫn giữ được tính thống nhất và tiếp tục phát triển. Ngoài các nước Arập nay đông hơn một trăm triệu người, đạo Hồi còn thịnh hành ở nhiều vùng rộng lớn từ Inđônêxia qua Pakistăng đến Tây Ban Nha, từ châu Phi da đen cho tới các nước Trung Á: Kazắstăng, Kiếchghizi, Udơbêkistăng, Taxikixtăng, Tuốcmêni và vùng Tân Cương của Trung Quốc.
Những lời giáo huấn của Môhamết được các học trò và tín đồ gần gũi nhất của ông ghi lại và lưu truyền qua các bản chép trên xương lạc đà, trên đá hoặc trên lá cọ. Để tránh tình trạng có nhiều dị bản, vị calíp [10] đầu tiên nối ngôi Môhamết là Abu Bêke (632-634) cho chỉnh lý và ban hành một bản kinh duy nhất. Đến thời hoàng đế Otman (644-656) một tiểu ban lại được lập ra có trách nhiệm chỉnh lý và xác định lần cuối cùng bản kinh chính thức. Như vậy, chỉ hai mươi năm sau ngày giáo chủ qua đời, Kinh Thánh của đạo Hồi đã không còn dị bản và cứ vậy được lưu truyền cho đến tận bây giờ.
Tuy vậy do đặc điểm lối viết chữ Arập thường gây nhiều cách hiểu khác nhau về văn phạm, lại trải qua mười ba thế kỷ lưu truyền kể cả ở nhiều nước không nói tiếng Arập, do đó khó tránh khỏi tình trạng nảy sinh nhiều điểm dị biệt. Để khắc phục nhược điểm đó, năm 1923 chính phủ Ai Cập cho ấn hành một bản kinh chính thức có chú thích rất đầy đủ nhằm tránh mọi cách hiểu không đúng và có những cách giải thích khác nhau[11]. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét: Kinh Côran là hiện tượng rất đặc biệt. Jêxu Crít, người vẫn được coi là kẻ sáng lập đạo Thiên chúa, không để lại tác phẩm hoặc di huấn nào. Những cộng đồng Thiên chúa giáo đầu tiên tách ra từ đạo Do Thái, thừa nhận Cựu ước vốn của đạo Do Thái và biến nó thành Kinh Thánh của mình. Còn Tân ước là một tập hợp nhiều văn phẩm khác nhau mãi đến cuối thế kỷ thứ tư sau Công nguyên mới thực sự định hình. Ngược lại, kinh của đạo Hồi là tác phẩm của một người, và chỉ hai mươi năm sau khi người đó qua đời, đã trở thành hoàn chỉnh. Đó là một điều hiếm thấy trong lịch sử các tôn giáo, nói lên thiên tài lỗi lạc của Môhamết.
Kinh Côran về thực chất là phản ánh các hoạt động tôn giáo của Môhamết với tư cách là một đấng "sứ giả". Bởi vậy nội dung của nó rất phong phú và phong cách diễn đạt cũng không đồng nhất. Những đoạn ra đời sớm nhất và tương đối ngắn hơn cả mang nhiều chất thơ (kinh Côran vốn được viết bằng văn xuôi có vần). Một phần quan trọng gồm những truyện kể vay mượn từ những truyền thuyết Do Thái, Thiên chúa giáo, nhất là truyền thuyết đã có trong Cựu ước. Và cuối cùng là những quy định nhằm tổ chức cộng đồng tín đồ ở Mêđin, đấy cũng là cơ sở luật lệ Hồi giáo về pháp lý và về lễ nghi.
Đạo Hồi khẳng định sự tồn tại của một Thượng đế duy nhất (tiếng Arập gọi là Ala) mà sứ giả cuối cùng là Môhamết. Có thiên đường và địa ngục, có phục sinh và phán xét cuối cùng, có thiên thần và ma quỷ. Tính thiêng liêng của kinh Côran là nguyên lý cơ bản của đạo Hồi. Về nghi tiết, tín đồ Hồi giáo phải cầu kinh năm lần mỗi ngày. Lúc cầu kinh, mặt hướng về La Mếchcơ. Tín đồ phải ăn chay trong tháng ramađan (tháng chín theo lịch Hồi) và hành hương về La Mếchcơ ít nhất một lần trong suốt đời người. Đạo Hồi không có thầy tu chuyên nghiệp, chỉ có người rao giờ cầu kinh và những người chuyên trách một số việc tôn giáo và xã hội.
Về mặt xã hội, sự xuất hiện của đạo Hồi mang một số yếu tố tiến bộ vào thời đó. Đạo Hồi chủ trương đoàn kết mọi người, trước hết là đoàn kết các dân tộc Arập bỏ tệ chôn người con gái đầu lòng mới đẻ, khuyến khích cứu giúp người nghèo, giải phóng người nô lệ. Lúc ra đời, nó phù hợp với nguyện vọng của các tầng lớp nghèo hèn, nhờ vậy nhanh chóng lan truyền rộng rãi và trở thành chỗ dựa vững chắc cho chế độ chính trị thời bấy giờ. Đạo Hồi góp phần quyết định sự thành lập và bành trướng của đế quốc calíp từ thế kỷ VII trở về sau.
IV/ Một đặc điểm nổi bật và quán xuyến của Nghìn lẻ một đêm là cách dừng câu chuyện lại giữa chừng, báo trước sẽ hạ hồi phân giải. Câu chuyện này được lồng vào câu chuyện khác, cũng có khi tác giả tập hợp nhiều nhân vật tính chất rất khác nhau lại một nơi, rồi tạo nên tình huống buộc mỗi người phải kể một chuyện. Với cách này, truyện muốn kết thúc ở đâu cũng được, hoặc muốn kéo dài bao nhiêu cũng vẫn là hợp lý. Đặc điểm ấy xuất phát từ một sự cần thiết sống còn: Nàng Sêhêrazát phải ngừng câu chuyện của mình vào lúc trời sáng, ở đoạn hay nhất, hoặc hứa hẹn một chuyện khác sẽ còn hấp dẫn hơn nữa; nếu không, tên bạo chúa Saria sẽ thi hành quyết định tàn bạo của hắn và người kể chuyện sẽ không thể sống tới ngày hôm sau. Đó cũng là nghệ thuật độc đáo của người kể chuyện rong nhằm thu hút sự chú ý của thính giả, sao cho những người nghe không chán, không mệt, không bỏ ra về dở chừng, và tối hôm sau sẽ còn đến nghe đông hơn hôm trước. Những lúc nàng Sêhêrazát ngừng lại và nói với bạo chúa Saria: "Tiếc thay trời đã sáng rồi mà phần còn lại là đoạn hay nhất trong câu chuyện...", hoặc: "Những chuyện vừa rồi hay thật đấy nhưng không thể nào so sánh được chuyện bệ hạ sắp nghe đây..." chính là lúc người kể chuyện thưa với thính giả đang chăm chú: "Đêm đã khuya lắm rồi, xin cho phép dừng lại đây, đêm mai tôi xin kể nốt hầu quý vị". Lối ngắt chuyện này, có những bản thành văn sẽ ghi tóm tắt: "Muốn biết sự thể thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ" (như trong các tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc).
Ngoài một số ít truyện riêng lẻ, Nghìn lẻ một đêm thường bao gồm những chuỗi gắn bó với nhau lồng ghép vào nhau. Một nhân vật kể một chuyện, nhân vật trong truyện thứ hai này kể chuyện khác, rồi đến lượt nhân vật thuộc thế hệ thứ ba kể tiếp một chuyện khác nữa. Đó là trường hợp chuỗi truyện "Người đánh cá" gồm năm truyện. Thường gặp hơn là cách tạo nên tình huống buộc tất cả những nhân vật chính trong truyện phải lần lượt kể chuyện của mình hoặc một chuyện nào đó mà mình biết. Chuỗi truyện "Ba khất sĩ con vua và năm thiếu phụ ở thành cổ Bátđa" gồm bảy truyện, chuỗi truyện "Chú gù" gồm mười hai truyện, chuỗi "Những chuyến vi hành" gồm bốn truyện, v.v... thuộc vào trường hợp này. Cũng có khi một chuỗi nhiều truyện với nhân vật và kết cấu riêng biệt được tập hợp theo cùng một chủ đề. Năm chuyện tình, dang dở hoặc đoàn viên, bắt đầu với "Chuyện Abu Hatxan..." được A. Galăng xếp liền nhau, chiếm tới hơn bốn trăm trang sách.
Đặc điểm thứ hai của Nghìn lẻ một đêm là sự chung sống, sự hoạt động xen kẽ và tác động qua lại giữa con người và thần linh. Bên cạnh những tình tiết sống quá, thực quá, thực tới mức tự nhiên chủ nghĩa, là sự tưởng tượng hết mực huyễn hoặc, viển vông, tự do buông mình theo phép nhiệm màu của ảo giác, như lời nhận xét chí lý của Macxim Gorki. Đây không phải là sự ngẫu nhiên. Quan điểm này của những người kể chuyện bắt nguồn từ thế giới quan của đạo Hồi. Nhân vật chính trong một chuyện chẳng đã nói rõ: "Hẳn chàng đã biết, thưa hoàng tử, như đạo Hồi của chàng vẫn dạy, thế giới này có người ở mà cũng có thần linh đó sao".
Như đã nói ở trên, các truyện trong Nghìn lẻ một đêm, dưới dạng đang lưu truyền đến chúng ta ngày nay, được định hình lần cuối vào khoảng thế kỷ XV ở Ai Cập, khi dân cả nước này đã theo đạo Hồi. Khuynh hướng ca ngợi quá mức đạo Hồi và đả phá các tôn giáo khác, nhất là chống tục thờ thần lửa, bàng bạc khắp tập sách. Khi nào khuynh hướng này quá lộ liễu thì nó làm hại đến giá trị nghệ thuật, như trường hợp "Thiên tình sử của hoàng tử Camaranzaman". Truyện mở đầu rất hay, tình tiết cực kỳ hấp dẫn, nhưng kết thúc lại gượng gạo vì tác giả muốn tất cả các nhân vật, tích cực cũng như phản diện, cuối cùng đều giác ngộ đạo Hồi.
Đặc điểm nổi bật thứ ba là vai trò của đồng tiền, thể hiện qua cách tính toán chi li của các nhân vật, cho dù đó là hoàng tử hay thần linh, thương gia hoặc công chúa, dù đang lâm vào cảnh ngộ đắm tàu hoặc lúc tình yêu tan vỡ, vẫn không quên được sức mạnh của đồng tiền. Sự giàu sang là động lực thúc đẩy con người coi thường đói khát, gian nguy, bất chấp cái chết vượt qua sa mạc và đại dương đi tìm của cải, hàng hóa, thị trường. Vì vậy, mặc dù đầy rẫy những ma quái và thần linh, những phép nhiệm màu xen những điều kỳ ảo, Nghìn lẻ một đêm rốt cuộc vẫn là một bức tranh toàn cảnh muôn vẻ muôn màu của thế giới Hồi giáo vào thời kỳ chế độ phong kiến tan rã và buổi sơ khai của chủ nghĩa tư bản. (Khẳng định điều này, chúng ta không quên là các truyện trong bộ sưu tập được hình thành vào những thời điểm khác nhau, truyện trước và truyện sau có khi ra đời cách nhau tới sáu thế kỷ, cho nên sự phản ánh nói trên cũng mang nhiều sắc thái rất khác biệt). Các truyện trong Nghìn lẻ một đêm miêu tả một cách sinh động, tài tình, với rất nhiều chi tiết cụ thể, cuộc sống xa hoa của vua chúa trong cung đình tráng lệ cũng như sinh hoạt của nhân dân, hội hè, đình đám, lễ cưới, đám tang, làm nghề thủ công, buôn bán. Thậm chí những chuyện riêng kín trong gia đình hoặc sự dan díu trên bộc trong dâu cũng được miêu tả tỉ mỉ. Người đọc tìm thấy với một sự hứng thú mỹ cảm bất ngờ, những tư liệu chân thật phản ánh tình hình kinh tế - xã hội một thời; cách săn voi, hái tiêu, trảy dừa, đi biển... hết sức đa dạng. Có thể kể ra: hoàng đế, công chúa, hoàng tử, tể tướng, anh hề, bà vú nuôi, chị nô lệ trẻ, mụ mai già, người đánh cá, trai đàng điếm, gái ăn chơi, anh lính về vườn được giao chân canh cổng, thợ bện thừng trở thành người trưởng giả... hầu như không thiếu một hạng người nào. Riêng chuỗi truyện mở đầu bằng "Chuyện chú gù", ta đã gặp gần hai tá nhân vật chính thuộc hạng dân thường, thợ may, thợ cạo, anh hàng thịt, người tiếp phẩm, thầy lang, thầy pháp, con ở, chú hề, kẻ ăn xin, tên cướp đường, mụ lừa bịp, lão lái buôn, chú rao hàng. Nổi bật nhất trong lớp dân dã ấy là nhà buôn. Có thể nói nhân vật trung tâm của xã hội ở đây là thương nhân.
Có người thử xếp các truyện trong Nghìn lẻ một đêm thành từng loại: truyện ma quái, truyện giang hồ hiệp sĩ, truyện phiêu lưu, truyện cung đình, truyện tình, truyện bọn ăn cắp và bịp bợm... Sự phân loại này khó tránh khỏi khiên cưỡng, vì các tình tiết và bối cảnh bện vào nhau chặt đến mức xếp một truyện vào bất cứ loại nào cũng đều có thể coi là thỏa đáng hoặc không thỏa đáng.
Những nhân tố gì đã làm nên sự hấp dẫn và giá trị bất hủ của Nghìn lẻ một đêm? Trước hết, cốt truyện ly kỳ, tình tiết bất ngờ, thể hiện một sức tưởng tượng phong phú đáng kinh ngạc với cái vốn thực tại rộng lớn lạ thường. Thiếu nhi thích xem để biết câu chuyện rồi sẽ ra sao. Người già tìm đọc không chỉ để sống lại tuổi thơ của mình mà còn để suy ngẫm về cuộc đời, về triết lý bao hàm trong truyện... Người đọc thuộc tầng lớp xã hội nào cũng thu thập được ít nhiều hiểu biết. Nói theo cách ngày nay, lượng thông tin của tác phẩm lớn, đối tượng gây hứng thú của nó rộng.
Song, nếu chỉ có thế thôi vẫn chưa đủ. Từng có một thời, bạn đọc nước ta hâm mộ những truyện đại loại như "Phong thần", "Chinh đông chinh tây"... Nay không mấy ai nhắc đến những tên sách ấy nữa. Trước giải phóng ở miền Nam đầy rẫy một loại truyện với những chi tiết quái đản, tình huống hoang đường, nhân vật siêu nhiên. Nó cũng muốn bao hàm những tư tưởng nào đấy. Nó cũng từng được những người nào đó ưa chuộng và ca ngợi. Nhưng nói chung người ta đọc để giết thời giờ, loại sách ấy chắc chắn khó tồn tại với thời gian.
Thế mạnh của Nghìn lẻ một đêm, cái gốc làm nên giá trị bất hủ của nó chính là cội nguồn dân gian. Bất kỳ ở đâu, truyện dân gian khởi đầu là những truyện kể có nguồn gốc huyền thoại hoặc xuất phát từ cuộc đời thực, và đều có ý nghĩa đền bù cho cuộc sống trước mắt ở thế gian, nơi cơ cực bao giờ cũng nhiều hơn hạnh phúc. Con người muốn qua những truyện kể ấy, tạm thời thoát ra khỏi thực tại mình đang sống, để tìm tới một thế giới ước mơ, để trả thù cuộc đời đơn bạc. Nhưng tự ru mình trong thế giới ảo giác và tưởng tượng, con người vẫn là con người với những tình cảm thương ghét vui buồn, âu yếm và ghen tuông, hào hiệp và ti tiện, cao cả và thấp hèn. Con người dù luôn luôn bị ràng buộc trong các quan hệ xã hội, tóm lại là con người thực. Truyện dân gian thường đưa cuộc sống thực vào thế giới thần tiên, hoặc nói đúng hơn kéo níu cuộc sống thần tiên về trộn lẫn với thực tại đã được tái tạo bằng nghệ thuật.
Thần linh cần thiết cho cuộc sống thế gian, nơi con người thường vỡ mộng nhiều hơn là đạt được ước mơ, cho dù ước mơ ấy chẳng lấy gì cao xa cho lắm. Cần một tấm thảm bay để đưa ta đến gặp người yêu trong nháy mắt. Cần một quả táo thần để chữa bệnh cho nàng công chúa đang thập tử nhất sinh. Phải có một cây đèn thần thì chú bé lêu lổng con bác phó may mới lấy được nàng công chúa rồi nối ngôi vua. Con chim không biết nói thì lấy ai mách cho nhà vua biết tung tích những đứa con phiêu bạt do lỗi lầm của mình. Lại cần có những hung thần để trả hộ mối hận mà ta đành bó tay trong cuộc đời thực. Dễ hiểu là vì sao các truyện trong Nghìn lẻ một đêm có lắm hoàng tử đến vậy, đặt chân đến đâu cũng gặp hoàng tử. Điều đó không chỉ phản ánh một cách máy móc thực tế lịch sử là tình trạng phong kiến cát cứ, hoặc ngược lên xa hơn nữa, chế độ bộ lạc và thị tộc với không biết bao nhiêu là tù trưởng, tộc trưởng. Vị nào trong mắt người kể chuyện dân gian cũng đều là hoàng tử cả. Suy đến cùng, các hoàng tử trong Nghìn lẻ một đêm chung quy chỉ là những chàng trai giống như hoàng tử đã cùng cô Tấm của ta đi dự hội làng. Các công chúa và hoàng hậu xét đến cùng chỉ là những hình mẫu của ước vọng tuổi trẻ được nhân cách hóa mà thôi.Chính nhờ nguồn gốc dân gian mà Nghìn lẻ một đêm chứa đựng tinh thần nhân văn đậm đà. Tước bỏ đi những hạn chế lịch sử biểu hiện qua các quan điểm tôn giáo, những phong tục cổ lỗ và một số chi tiết mô tả sự buông thả theo bản năng, ta sẽ nhìn thấy cái cốt tủy tinh túy của con người. Ước vọng tự do, tình yêu nam nữ, nghĩa vợ chồng, quan hệ huyết thống, cái ác phải trả nợ, cái thiện được đền bù, nhân tình thế thái... Người đọc có thể thấy ở đây câu trả lời cho nhiều vấn đề muôn thuở. Tinh thần nhân văn khi thì lẩn dưới những chuyện ly kỳ, quái đản tưởng như không dính dấp đến con người, khi thì được các nhân vật nói thẳng ra lời, súc tích như những câu châm ngôn. Nói chính xác hơn, đó là những châm ngôn truyền tụng trong dân gian được thốt ra đúng chỗ từ miệng nhân vật. Các tầng lớp trên của xã hội; hoàng đế, tể tướng, hoàng tử, vương tôn được đề cao hết mức nhưng cũng không thiếu những kẻ lố bịch. Những người ở nấc cuối cùng của bậc thang tôn ti xã hội lại có khi được trình bày với tài năng xuất chúng và đức tính cao thượng. Một pháp quan được mọi người vì nể, một nhà buôn quen với sự tính toán tiền nong lại kém thông minh nhiều so với một đứa trẻ con ("Chuyện Ali Côgia, nhà buôn ở Bátđa") hoặc một người con gái ("Chuyện Ali Baba và bốn mươi tên cướp"). Bọn cướp còn phải cầu viện đến thần linh để giúp chúng giấu của. Ông chủ hiền lành, phúc hậu còn cần có vận may mới trở nên giàu có. Nhưng cô hầu gái trong "Chuyện Ali Baba và bốn mươi tên cướp" thì không hề có sự trợ giúp của Thượng đế hoặc thánh thần. Chỉ với trí thông minh, sự bình tĩnh, lòng dũng cảm và nghĩa thầy tớ thủy chung, cô đã một mình tiêu diệt bốn mươi tên cướp.
Cứ mỗi lần gặp điều bất hạnh, ta lại nghe các nhân vật thốt lên: "Ấy là ý muốn tối cao của Thượng đế, chúng ta phải cúi đầu tuân phục, không được hé răng phàn nàn". Nhưng trong hành động thực tế thì luôn luôn là sự nổi loạn trước những bất công xã hội. Theo luật pháp, nô lệ là vật sở hữu hoàn toàn và tuyệt đối của chủ nô. Đối với nô lệ "chỉ có cái chết là quyền tự do duy nhất không bị ai tước đoạt". Được làm ái phi cho một vua Ba Tư hùng cường là vinh dự và hạnh phúc to lớn. Nhưng không vì vậy mà người ta thôi không ao ước tự do và nghĩ về đất nước: "Bệ hạ lấy làm ngạc nhiên ư? Tình yêu đất nước cũng tự nhiên không kém nghĩa cha con, và đối với những ai chưa mất trí khôn đến mức không hiểu nổi giá trị của tự do, thì sự mất tự do là điều không thể nào chịu đựng nổi. Thể xác rất có thể bị lệ thuộc vào quyền uy của một ông chủ nắm trong tay vũ lực và quyền hành, nhưng ý chí không thể bị khuất phục, bao giờ nó cũng tự làm chủ lấy nó" (Chuyện Bêđe hoàng tử nước Ba Tư và Gianba công chúa con vua thủy tề).
Hoàng đế Harun An-Rasít quyền uy chấn động thiên hạ, vừa có quyền sinh quyền sát đối với muôn dân, vừa là người đại diện Thượng đế cai quản phần hồn của tất cả các tín đồ. Ấy thế mà mặc dù quý trọng hết mực một cung phi, ban cho không biết bao nhiêu ân huệ và đặc quyền, vẫn không sao chiếm được trái tim của cô gái ấy. Trái tim này, oái oăm thay, lại trao cho một chàng trai trẻ thoạt gặp ở đường phố (hoàng tử, cố nhiên). Bị cản trở bởi quyền uy, hai người yêu bị cách ly và đành phải chết gần như cùng một lúc vì khổ đau và thương nhớ. Giáo lý đạo Hồi buộc người đàn bà ra đường phải che mặt. Luật pháp trị tội rất nặng những người vợ không chung thủy. Kinh Côran khẳng định "cái gì đã thuộc về chủ nô thì cấm nô lệ động đến", nhưng dân chúng lại hết lòng ủng hộ luyến ái tự do. Khi hai người yêu bất hạnh qua đời, dân chúng tự động rước xác chàng trai đưa vào chôn chung một ngôi mộ với cô gái, mỉa mai sao ngôi mộ cực kỳ tráng lệ ấy lại do hoàng đế dựng sẵn, dành cho người mà mình không chiếm được trái tim! Đám tang ấy, "được cơ man là dân chúng, nam cũng như nữ, sang cũng như hèn" đưa đến tận mộ. Và câu chuyện kết thúc với câu: "Kể từ buổi đó, tất cả dân chúng thành Bátđa cũng như người theo đạo Hồi từ mọi nơi trên trái đất có dịp đến thành phố này đều hết sức trọng vọng ngôi mộ ấy và không ngừng đến đấy cầu kinh". (Chuyện Abu Hatxan...). Đó là ước mong muôn thủa của những đôi trai gái bất hạnh, đành bằng lòng với kiếp sau làm cây liền cành, chim liền cánh. Đó là sự nổi loạn của trái tim chống bạo quyền. Vì tình yêu, một hoàng tử (xin hiểu là chàng trai) ở tận cùng nước Ba Tư lặn lộn sang đến tận cùng nước Trung Hoa tìm cho được người mình ngày đêm thương nhớ ("Chuyện thiên tình sử của hoàng tử Camaranzaman..."). Trong một xã hội đề cao hết mức đồng tiền, thật đáng lạ thấy một thương nhân đang làm ăn phát tài dám vì tình yêu mà bỏ hết mọi công việc buôn bán, bỏ mẹ và em gái, để chịu đựng mọi gian truân ("Chuyện chàng Ganem...”). Trong bối cảnh của xã hội phong kiến hồi đó đang suy tàn, những câu chuyện ân tình này chẳng là gì khác một lời kêu gọi giải phóng phụ nữ, giải phóng con người.
Ý chí xông xáo, vượt hiểm nguy, làm việc cật lực để đạt giàu sang là một chủ đề thường được phát triển. Trước khi Cơrixtốp Côlông tìm ra châu Mỹ, người Ba Tư, người Arập đã dám băng qua hoang mạc, đầm lầy rừng rậm, núi cao, mở "con đường tơ lụa" buôn bán với phương Đông.
Sau thành công của F. Majenlăng và C. Côlông, việc vượt biển cả đi tìm của cải là một động lực thôi thúc rất mạnh tầng lớp thương nhân đang trỗi dậy trong xã hội thời bấy giờ. Tiêu biểu rõ rệt cho tinh thần ấy, và phản ánh hiện tượng lịch sử này, là chuỗi "Chuyện Xinbát, người đi biển". Sau khi thuật lại cho một người khuân vác nghèo khổ đang thắc mắc vì sao Xinbát sống sung sướng hơn mình, người đi biển kết luận: "Thế nào, ông bạn, bạn có bao giờ nghe ai đã từng trải qua nhiều khổ ải bằng tôi không, hoặc có ai đã từng sống trong những tình huống gian nan dường ấy? Sau bao nhiêu việc làm, tôi hưởng thụ một cuộc sống dễ chịu và bình yên, chẳng phải là điều công bằng sao?". Một hoàng tử thất cơ lỡ vận, phải nương náu nhà một tiều phu. Ông này hỏi chàng có biết một nghề nào khả dĩ kiếm sống qua ngày. "Tôi thạo môn này khoa nọ, rằng tôi là nhà ngữ pháp, nhà thơ v.v... và nhất là tôi viết chữ rất tốt". - "Với tất cả những điều cậu vừa nói đó - bác đáp - ở xứ này sẽ không kiếm ra nổi một miếng bánh đâu: không có gì vô tích sự hơn là những hiểu biết đại loại như cậu vừa nói tới. Nếu cậu nghe lời khuyên của tôi thì cậu hãy mặc một chiếc áo cộc, và trông cậu cũng có vẻ cường tráng và sức khỏe tốt đây, cậu hãy đi vào khu rừng bên cạnh mà đốn củi, mang về bày ra chợ bán. Tôi đảm bảo là cậu sẽ thu được một món tiền nho nhỏ đủ sống mà không cần nhờ vả ai" (Chuyện khất sĩ thứ hai, con vua).
Các tác phẩm bất hủ thường nói nhiều hơn lượng từ ngữ dùng để viết ra nó. C. Pauxtốpxki có lần nhận xét Ăngđécxen viết truyện cho trẻ em, người lớn đọc nhiều khi không hiểu nổi ý nghĩa thâm thúy. Càng có thể nói như vậy lắm về Nghìn lẻ một đêm. Đằng sau những tình tiết khó tin, thấp thoáng nhân tình thế thái. Chuyện người chợt tỉnh giấc mơ là một trường hợp đáng chú ý. Một chàng trai vì ngán ngẩm sự bạc bẽo của người đời, tỏ ý ước mơ được làm vua một ngày, chỉ để làm mỗi việc đơn giản là sai đánh đòn mấy lão giáo trưởng cứ hay thọc mũi vào chuyện nhà hàng xóm. Không ngờ hoàng đế trong một chuyến vi hành biết được ước mong hiền lành đó. Vua sai người đánh thuốc mê, đang đêm đưa chàng trai ấy về đặt lên giường ngủ của chính mình, rồi truyền lệnh cho cả triều đình ngày hôm sau hãy coi chàng như hoàng đế thật, và hãy thi hành mọi lệnh của chàng, bất chấp mọi sự ngông cuồng, "cho dù có vì thế mà ngân khố ta bị cạn sạch trong một ngày". Người dân làm vua đúng một ngày. Nửa đêm hôm sau, chàng lại bị đánh thuốc mê và đưa trở về nhà cũ của mình. Khi tỉnh dậy, buồn thay, chàng vẫn ngỡ mình là hoàng đế. Bệnh "say quyền lực" khiến cho chàng trai hiền lành, đáng mến ấy nói nhảm, rồi đi tới chỗ vác gậy đánh mẹ, bởi vì bà cụ không chịu tin anh chàng là vua, không chịu "tâu hoàng đế" mà chỉ gọi anh là "con trai yêu quý của mẹ". Chàng say quyền lực đến nỗi hàng xóm phải xích tay chân chàng lại tống vào nhà thương điên. Ở đây người ta nhốt chàng vào cũi sắt, mỗi ngày cho ăn một trận đòn "để cho cu cậu hết cái bệnh cuồng làm hoàng đế". Hoàn cảnh làm thay đổi con người. Quyền hành phong kiến tuyệt đối và phú quí vinh hoa đã tha hóa nó. Đã đành các tác giả còn muốn mượn cốt truyện ly kỳ để mô tả cảnh sống cực kỳ xa hoa trong cung đình, và mua vui người đọc bằng nhiều tình tiết bất ngờ song tư duy thật của họ không giản đơn có thế.
Có bản dịch đã đổi tựa đề truyện ấy thành "Chuyện người làm vua một ngày", làm như vậy theo chúng tôi là chưa thấu suốt "ý tại ngôn ngoại" của câu chuyện.
Xưa nay Nghìn lẻ một đêm thường được coi là một bộ truyện đọc để giải trí. Chắc chắn đó không phải là chủ ý của tác giả. Trong Lời nói đầu, sau khi chúc tụng Thượng đế chí nhân chí từ và cầu nguyện cho Sứ giả tối cao Môhamết, người sáng lập đạo Hồi, tác giả vô danh đã viết: "Vinh quang cho những ai đã góp chuyện đời xưa để làm bài học cho người đời nay. Chính từ những bài học ấy, xin kể chuyện Nghìn lẻ một đêm với tất cả những phép nhiệm màu, những châm ngôn chứa đựng trong đó".
V/ Ở nước ta, bản dịch Nghìn lẻ một đêm đầu tiên là bản của Đinh Thái Sơn, chủ nhiệm Nam Kỳ thư xã, ấn hành thành 24 tập, mỗi tập khoảng 50 trang, ra đời vào đầu thế kỷ, khoảng năm 1910 và những năm tiếp sau. Các tập đầu được in ở Nhà in Phát Toán, đường Đormay (d’Ormay) Sài Gòn; những tập cuối ở Nhà in Liên Hiệp (Union) đường Luyxiêng Môtxar (Lucien Mossard) cũng ở Sài Gòn. Bản dịch này mang tên "Giạ đàm dị sử"[12] với phụ đề đóng trong ngoặc đơn: Chuyện Arập một nghìn lẻ một đêm.
Năm 1918, Trần Thái Nguyên lại dịch đăng vào mục tiểu thuyết trên tờ báo hằng ngày Nam Trung nhật báo. Bản dịch này lấy đề là "Một ngàn lẻ một đêm".
Ở Thư viện Quốc gia (Hà Nội) hiện nay có lưu trữ một bản dịch xuất bản khoảng năm 1930 trở về sau. Hiện còn tám tập, mỗi tập dày 16 hoặc 20 trang khổ nhỏ, nhan đề là "Sách giải trí - Một nghìn lẻ một đêm". Đây là một bản phỏng dịch và tóm tắt khá sơ sài. Năm 1935, tuần báo Hoàn cầu Tân văn của Nguyễn Háo Vĩnh, chủ nhà in Xưa Nay trên đường Bôna (Bônard) Sài Gòn, lại đăng một bản dịch khác, ký tên Dương Quang Nhiễu. Tên truyện vẫn là "Một ngàn lẻ một đêm". Tuần báo đăng truyện này chỉ được ít lâu thì đình bản. Nhà in Xưa Nay trích một vài đoạn ngắn ra thành sách khổ nhỏ, chữ to, có minh họa dành cho trẻ em.
Ở Hà Nội, năm 1939, Nhà xuất bản Tân Dân ở phố Hàng Bông cho ra đời trên Phổ thông bán nguyệt san, tạp chí nửa tháng một kỳ, bản dịch của La Sơn, rồi sau đó của Hoàng Cầm. Mỗi tập dày 160 trang, đăng trọn một hoặc hai truyện, cách năm sáu tháng hay một năm ra một tập. Đề sách lần này là "Một nghìn lẻ một đêm".
Tất cả các bản dịch nói trên đều dịch hoặc phỏng theo bản tiếng Pháp của Ăngtoan Galăng.
Năm 1943 trở về sau, Nhà xuất bản Tân Việt, Sài Gòn lần lượt phát hành bản dịch của Trần Văn Lai có chia thành từng đêm với đầu đề "Ngàn lẻ một đêm". Tập I dày 184 trang với khổ 13x19 "từ chuyện mở đầu đến đêm thứ chín". Trần Văn Lai dựa theo bản của J. C. Mácđruytx. Mặc dù có ghi rõ ở đầu sách "dịch đầy đủ và cặn kẽ theo nguyên văn" nhưng người dịch "cũng phải loại bớt mấy đoạn văn khiêu dâm của các nam nữ nhân vật trong truyện" (trích lời tựa).
Ở Hà Nội, từ 1952 và những năm tiếp sau, Nhà xuất bản Vĩnh Thịnh ở phố Lò Sũ cho in "Một nghìn một đêm lẻ" bản dịch của Trần Duy Đức. Bản này cũng ghi: "dịch đầy đủ đúng nguyên bản Arập", tuy vậy không những nó không tạo được không khí Arập mà còn gây cho người đọc cảm giác như đang xem những tiểu thuyết Trung Quốc cổ. Nàng Sêhêrazát trở thành nàng Giáng Nga, vua Haron An-Rasít là hoàng đế Hạ Luân An, tể tướng Giafa được mệnh danh là thừa tướng Giả Hoa, còn Mêrua là tổng binh Mạnh Lực, v.v...
Sau 1954, một số bản dịch phổ thông lại được xuất bản ở Sài Gòn. Tại miền Bắc, Nhà xuất bản Phổ thông (Hà Nội) cho in "Một nghìn một đêm lẻ", bản dịch của La Côn (1963). Đây là hai tập sách mỏng 130 trang khổ nhỏ. Gần đây hơn (1973), Nhà xuất bản Kim Đồng cho xuất bản "Cây đèn thần" gồm hai truyện tóm tắt và có minh họa dành cho thiếu nhi: "Cây đèn thần" và "Ali Baba và bốn mươi tên cướp" do Đỗ Đức Khang phỏng dịch.
Bản dịch của chúng tôi dựa vào bản in gồm ba tập do Nhà xuất bản Anh em Garniê (Librairie GARNIER FRÈRES, 6 rue des Saints-Pères, Paris) phát hành năm 1921. Bản này hoàn toàn giống bản in năm 1881, là bản cổ nhất còn giữ được ở Việt Nam, do Nhà xuất bản Librairie des Bibliophiles, 5 rue Saint-Honoré, Paris phát hành.
Lại so sánh bản in năm 1921 với một bản khác cũng do Nhà xuất bản Anh em Garniê "được nhà văn Gaxtông Picar soát lại và đề tựa" mới in năm 1962, chúng tôi thấy về cơ bản không có gì khác. Một đôi chỗ, G. Picar đã làm công việc biên tập, cụ thể là ngắt câu hoặc đặt lại các dấu chấm câu cho gãy gọn, sáng sủa, dễ đọc hơn. Có trường hợp, đã thay đổi một vài từ cổ hoặc chưa thật chuẩn xác để cho câu văn khỏi tối nghĩa.
Giọng văn kể chuyện đượm màu sắc Arập với nhiều chi tiết cụ thể đôi khi trùng lặp. Chúng tôi cố gắng tôn trọng phong cách đó và bám sát nguyên bản mặc dù thoạt nghe có hơi lạ tai, thậm chí không được trong sáng như ta hiểu ngày nay. Trừ một số ít trường hợp phải dịch thoát để khỏi tối nghĩa hoặc trở thành ngô nghê. Chúng tôi cũng có tước bớt một vài câu ngắn hoặc để lẩn đi một vài chi tiết xét ra quá sỗ sàng trong quan hệ nam nữ. Một đôi chỗ chúng tôi dựa vào các văn bản và tài liệu khác để chú thích thêm cho người đọc đỡ mất công tìm hiểu, Một khó khăn lớn khi dịch là cách xưng hô. Phần lớn các truyện đều bắt đầu bằng "Tâu bệ hạ" vì nếu không phải là nàng Sêhêrazát đang kể cho vua Ba Tư Saria nghe thì cũng là lời của một nhân vật nào đó trong truyện kể cho một ông vua nào đấy cũng vừa mới được sáng tạo nên thưởng thức. Theo cách hiểu thông thường, đã "Tâu bệ hạ " thì phải xưng "thần", nhưng cứ nói năng như vậy qua suốt mấy chục truyện, sẽ khó tránh khỏi gò bó. Hơn nữa, xét cho cùng "bệ hạ " ở đây chẳng qua là công chúng đang nghe những người kể chuyện rong trình bày. Bởi vậy, trong bản dịch này, trừ một vài trường hợp, còn nói chung các ngôi thứ nhất đều xin được xưng "tôi", một cách thoải mái. Thật ra, chỉ cần qua năm, sáu mươi dòng, người đọc sẽ quên bẵng đi triều đình vua chúa, mà bị cuốn hút theo câu chuyện. Không ai còn nhớ đâu là bạo chúa, đâu là ái phi, chỉ còn có người kể chuyện tài hoa và những câu chuyện hấp dẫn.
Nguồn: Lời tựa cho tác phẩm Nghìn lẻ một đêm. Phan Quang dịch từ bản tiếng Pháp của Antoine Galland: Les Mille Et Une Nuits. Librairie Garnier Freres. Paris, 1921. Nhà văn Triệu Xuân viết lời tựa. NXB Văn học in lần thứ 29, năm 2011.
[1] Gorki bàn về văn học, Nhà xuất bản Văn học 1976, tr. 324.
[2] Thời đại Abáxít kéo dài từ giữa thế kỷ 8 đến đầu thế kỷ thứ 13 (750-1258).
[3] Macxim Gorki, sách đã dẫn, trang 315.
[4] Trích theo La Côn, tạp chí Nghiên cứu văn học số 1-1961, trang 59-60.
[5] Thật ra, nguyên tác hình như mới có 256 đêm (theo lời giới thiệu Nghìn lẻ một đêm bản của nhà xuất bản Đơlagoravơ, Paris).
[6] Theo thư của A.Galăng gửi cho hầu tước phu nhân O, in ở đầu bản tiếng Pháp.
[7] Trong lời nói đầu, A. Galăng nói đây chỉ là bản dịch phần đầu bộ Nghìn lẻ một đêm, nguyên bản tiếng Arập gồm ba mươi sáu phần.
[8] Tên đầy đủ của ông là Môhamết Abun Caxim, Ben Apđala, Ben Apđen - Mốttalít. En Hasimi (Môhamed Aboul Qâsim, Bes Abdallâh, Ben Abd-el-Mottatid. El Hácchimi).
[9] Tiếng Arập gọi Thượng đế là Ala (Đấng thiêng liêng).
[10] Calíp hoặc Khalíp là vua kiêm giáo chủ người Arập theo đạo Hồi thời trung cổ. Trong các truyện, chúng tôi dịch là hoàng đế.
[11] Theo G. H. Buxkê trong lời giới thiệu Côran, bản tiếng Pháp, nhà xuất bản Phaxken, Pari.
[12] Đúng ra là Dạ đàm...
Phan Quang
Theo http://trieuxuan.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...