Vũ Hạnh (tên thật là Nguyễn
Đức Dũng) sinh năm 1926 tại Quảng Nam. Ông vừa là nhà văn, nhà thơ, nhà báo,
vừa là nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Vũ Hạnh được bết đến với các bút
danh Cô Phương Thảo, Nguyên Phủ, Minh Hữu, Hoàng Thành Kì... với một sức bút
mãnh liệt và một tinh thần dân tộc tha thiết. Trong những năm 1960 - 1972, Vũ
Hạnh chính là một trong những nhà văn có nhiều trang viết sôi nổi và quyết liệt
nhất ở miền Nam và là người đi đầu trong hoạt động công khai chống lại văn
hóa nô dịch, vong bản và đồi trụy tràn ngập Sài Gòn. Cho đến nay, những di sản
mà ông còn để lại tuy đã được một số học giả quan tâm chú ý nhưng dường như
chúng ta vẫn chưa nhận thức rõ ràng những đóng góp của ông, nhất là trên bình
diện lí luận và phê bình văn học. Vì vậy, tôi mạnh dạn giới thiệu với bạn đọc
tác phẩm “Đọc lại Truyện Kiều” - một trong những công trình nổi tiếng của Vũ
Hạnh như một sự mở đầu để đến với những giá trị tiếp theo của nhà văn hóa -
văn học lớn này.
Đọc lại Truyện Kiều được
Cảo Thơm - Sài Gòn xuất bản năm 1966 để kỉ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du.
Tuy nhiên, dù đã cố gắng nhưng Vũ Hạnh vấn phải đợi đến năm sau thì cuốn sách
mới được chính thức ra mắt bạn đọc (1). Ngay khi ra đời, tác phẩm đã được
đông đảo bạn đọc chú ý, trong đó có cả những học giả miền Bắc. Nhiều người
đánh giá đây là một trong những tác phẩm văn học lớn của văn học miền Nam
trong hàng chục năm trở lại. Bằng tình yêu văn học và một sự sắc sảo vốn có,
Vũ Hạnh đã đem đến cho tác phẩm nhiều điều mới mẻ với cách lập luận riêng và
lối phê bình mang đầy bản sắc.
2. Nội dung nghiên cứu
Vũ Hạnh đã chú ý tìm hiểu
mối liên hệ mật thiết giữa tác giả, tác phẩm, người đọc và thời đại ... để
phát hiện ra các giá trị nhân văn vẫn còn ẩn giấu ở những tình tiết rất nhỏ,
những nơi mà người đọc dễ sơ ý mà bỏ qua. Chính vì vậy Đọc lại Truyện Kiều đã
vươn tới một tầm cao, không phải vì việc nghiên cứu một tác phẩm lớn mà chính
bởi nghệ thuật phê bình độc đáo của Vũ Hạnh. Dưới đây, tôi xin trân trọng giới
thiệu công trình này tới bạn đọc.
2.1. Đôi mắt nàng Vân,
nàng Kiều
Để bài này ở vị trí số một
không chỉ vì đối tượng của vấn đề nghiên cứu mà còn là chủ định của Vũ Hạnh.
Bắt đầu từ đôi mắt để nhìn vào sự tinh diệu của tác phẩm; bắt đầu từ đôi mắt
để nhìn vào một chỉnh thể vốn đã được coi là hoàn mĩ, gần như đã hết chỗ để
bàn và nghiên cứu. Từ đôi mắt của nàng Kiều đến những tâm tư sâu kín và cảm
thức nghệ thuật của Nguyễn Du trong bài cuối cùng của cuốn sách này, dù không
phản ánh được hành trình chiếm lĩnh tác phẩm của Vũ Hạnh nhưng cũng cho ta thấy
được đôi nét về tính chỉnh thể của công trình. Từ chi tiết đến nhân vật và sự
kiện, từ những cảm nhận về nhân sinh đến tư duy nghệ thuật là một sự sắp đặt
đầy dụng ý, cho dù mỗi bài đều có tính chất độc lập của nó.
Vũ Hạnh đặt vấn đề nghiên
cứu đôi mắt nàng Vân, nàng Kiều không chỉ bởi đôi mắt là “tấm gương soi phản
chiếu tâm hồn” hay chỉ vì Nguyễn Du chỉ miêu tả đôi mắt Thúy Kiều mà ít chú ý
đến đôi mắt Thúy Vân. Vấn đề ở đây là đôi mắt trong mối liên hệ với thái độ sống,
đến tính cách của Thúy Vân và Thúy Kiều. Tả hay không tả đôi mắt đã nằm trong
ý đồ nghệ thuật của Nguyễn Du.
Xác định như thế Vũ Hạnh
nhận thấy “Thúy Vân có mắt... nhưng đôi mắt nàng chỉ là đôi mắt nằm trên
khuôn mặt để làm đầy đủ lệ bộ của một khuôn diện mà thôi”. Cái Vũ Hạnh quan
tâm không phải là vẻ đẹp của đôi mắt hay nghệ thuật miêu tả mắt của Nguyễn Du
mà chính là “nhãn lực”, là chiều sâu của cái nhìn. Thúy Vân có nhìn thực và
có thấy thực, “nhưng nàng chỉ nhìn, chỉ thấy bằng con mắt khác của người”. Đó
là cặp mắt vô hồn, cặp mắt lạnh nhạt với những khổ đau của kiếp người. Nguyễn
Du không tả đôi mắt Thúy Vân chính là để người đọc tự nhận và suy nghĩ về con
người đó. Đôi mắt ấy đã quá quen với những trật tự, những rập khuôn kiểu
cách, nhưng quan trọng hơn, đôi mắt thể hiện sự trống rỗng của tâm hồn. Không
than khóc hay mảy may xúc động, Thúy Vân lặng lẽ nhìn gia quyến và sự đời bằng
cái nhìn của một kẻ qua đường. Và từ khi sinh ra đến giờ, nàng vẫn im lặng mặc
cho cuộc đời vần xoay, bởi nàng không chỉ là một “con người kiểu cách”, một
thói quen có tính xã hội... mà còn là một đối cực để phân biệt với Thúy Kiều.
Thúy Vân “đem đến cho ta một cảm nhận có vẻ êm đềm nhưng giả tạo”. Đôi khi Vũ
Hạnh muốn kéo Thúy Vân xuống cõi nhân sinh, hòa với dòng đời trần tục, nhưng
đôi mắt nàng vẫn theo thói quen nhìn vào những cái bên ngoài cuộc sống.
Nhưng với Kiều, Vũ Hạnh lại
nhấn mạnh tới vẻ đẹp lạ lùng của đôi mắt. Bởi vì trong từng cái nhìn của Kiều
có sự chỉ dẫn của trái tim đa sầu, đa cảm, luôn khao khát tự do và mong muốn
vươn lên. Vũ Hạnh nói “cặp mắt ấy có cái nhãn lực tuyệt vời, nhìn được chiều
sâu thăm thẳm, tưởng chừng vạch được màu xuân tươi tốt mà soi thấu vào tận
đáy mồ hoang để thấy nỗi niềm cô độc xót xa của một kiếp người...”(1). Thúy
Kiều đã nhìn đời bằng cặp mắt của lòng mình. Vũ Hạnh thấy ở Kiều một cặp mắt
khám phá tình yêu, chọn lấy con đường, là cặp mắt được đặt giữa dân sinh, “cặp
mắt ân tình không quên kẻ đã giúp mình trong cơn hoạn nạn, cặp mắt tự trọng
không muốn chia niềm chăn gối với kẻ mà mình kính yêu”. Cặp mắt ấy không chỉ
đẹp mà căn bản là cặp mắt có hồn. Vũ Hạnh thấy, trong mỗi ánh nhìn, Kiều đều
đã để vào đó toàn bộ năng lực sống của lòng mình. Đó không chỉ là giác quan
mà còn là trái tim, không chỉ là trực cảm mà còn là suy tư về sự đời và tình
người. Cho nên, đánh giá về đôi mắt nàng, Vũ Hạnh đã không ngừng đề cao năng
lực thấy, biết, ngắm nhìn và khám phá, tiếp thu và phản ứng. Chiều sâu của
đôi mắt không chỉ là chiều sâu của tình cảm mà còn là nhận thức tinh tế bằng
tất cả năng lực người.
Chỉ dùng năng lực phân
tích mà không sử dụng bất cứ một triết giải kinh viện nào, Vũ Hạnh hướng tới
sự nhận thức về hai thái độ sống hoàn toàn khác nhau của hai chị em Thúy Kiều.
Tính cách của nhân vật không chỉ toát lên từ khuôn diện hay vóc dáng, từ cung
đàn bạc mệnh hay thi họa tuyệt vời... đôi mắt còn có thể mở ra những chiều
kích mới về tâm hồn nhân vật. Nhìn vào đó, ta không chỉ thấy được những nét
cơ bản của một Thúy Vân hay một Thúy Kiều mà còn thấy được sự tài tình trong
thi pháp Nguyễn Du.
2.2. Đứa con của nàng Kiều
Trong khi cả miền Nam còn
đang ồn ào với Họ Nguyễn Tiên Điền thờ vua hay thờ chúa? (Nguyễn Trọng
Khanh), Truyện Kiều trong dân gian (Lê Văn Hảo), Kiều đánh cây đàn gì? (Trần
Văn Khê), Nguyễn Du với bộ chén trà mai hạc (Vương Hồng Sển), hay Nghệ thuật
vang và bóng trong Truyện Kiều (Bùi Hữu Sủng)... thì Vũ Hạnh lại tìm đến một
giả thiết về Đứa con của nàng Kiều. Bằng sự điềm đạm vững chắc của mình, ông
đã mở ra một chiều kích mới cho thi phẩm.
Cái giải thiết này không
phải là không có người nghĩ đến nhưng cái chính là chưa tạo cho nó một ý
nghĩa nhân sinh cụ thể. Trong cuộc đời 15 năm lưu lạc của nàng, Kiều đã gặp gỡ
không biết bao nhiêu người, “vậy mà chẳng chịu đẻ một đứa con nào”. Vũ Hạnh
nhận thấy: “Nếu Kiều có con, dù có với ai, thì cái sự nghiệp văn chương của cụ
Tiên Điền kể như tàn rồi”. Bởi vì, theo lẽ thường, bi kịch xảy ra khi con người
không có điểm tựa vào cuộc sống, không có nhận thức phải sống để vì một tương
lai. Nếu có con, Kiều sẽ chấm hết những phiêu lưu, chấm hết những chán chường
vì nỗi tủi hổ bị chà đạp, chấm hết những lần tự vẫn... Nếu Kiều có con, chắc
người ta sẽ chỉ tưởng nhớ đến một Nguyễn Du bản lĩnh chứ ít nhớ tới Nguyễn Du
với những nỗi thống khổ vô hạn được gợi lên từ bao nhiêu kiếp nhân sinh mà
ông từng chứng kiến.
Nhìn lại sự phát triển của
tư tưởng nghệ thuật trong tiến trình văn học, Vũ Hạnh thấy: Vấn đề con trẻ
không xuất hiện trong Truyện Kiều là bởi “mô thức của tác phẩm cổ điển”,
chúng chỉ dành để “giải quyết vấn đề của kẻ trưởng thành... chứ không để tâm
bàn bạc những chuyện con trẻ”. Cho nên “tác phẩm cổ điển có một nỗi buồn mênh
mông là cảnh vắng vẻ trẻ thơ”. Từ đó ông nhận thấy Đứa con của nàng Kiều
không có trong tác phẩm không chỉ vì câu chuyện mô thức mà bởi ý đồ nghệ thuật
của cụ Tiên Điền. Kiều có con sẽ là một báo hại to lớn cho nội dung tác phẩm.
Nó không chỉ báo hại cho bi kịch 15 năm đoạn trường mà quan trọng là quãng đời
về sau của nàng. Giả thiết của Vũ Hạnh đã mở ra một bi kịch mới đau xót hơn tất
cả các bi kịch đã qua.
Nếu như trong đoạn đời
luân lạc, Kiều không có con thì cũng không nói làm gì, nhưng khi đã tái ngộ
đoàn viên, Kiều không có lí do gì để từ chối một đứa con. Nhưng người ta chỉ
thấy, “Kiều ngồi mãi trên giường, gảy mãi lên phím đàn và kể chuyện xưa, tích
cũ cho đến khi mặt trời lại mọc”. Sau đó, tình cầm cờ đổi ra cầm sắt. Kiều thừa
nhận vĩnh viễn quyền làm vợ của cô em mình. Và đấy mới là sự khởi đầu của một
bi kịch.
Vũ Hạnh phân tích nỗi đau
lớn lao, nối tuyệt vọng vô hạn của nàng Kiều không chỉ trong kiếp đoạn trường
đã qua mà trong cả sự tái hợp vừa đến. Nhà phê bình nhận thấy, thì ra nàng Kiều
chỉ được ban tặng những danh từ hào nhoáng “Thục nữ chí cao, Trung, Hiếu vẹn
toàn”. Sau sự kiện này, Kiều chỉ còn lại là một nỗi trống văng mênh mông, “một
nỗi tủi nhục ngấm ngầm, hay chỉ gượng gạo, bẽ bàng đã được trang điểm bằng một
lớp son quý phái của những lời nói tôn nghiêm đượm màu đạo đức... Sau buổi
đoàn viên, Kiều đã bị tước cái quyền làm vợ và quyền làm mẹ”. Nàng vĩnh viễn
bị tước đoạt hết. Cả đoạn đời về sau của Kiều chỉ còn lại là một “cuộc sống
tượng trưng”, nàng phải lê mình bước tiếp quãng đời trong sự trống vắng không
niềm hy vọng, không một dự tính tương lai, không sự an ủi về già. Sự trống vắng
cuối cùng ấy thật là khủng khiếp.
Đi tìm nguyên nhân căn bản
ngăn cản Kiều có niềm hạnh phúc sau chót, Vũ Hạnh nhận thấy: Chính lòng tự trọng
lớn lao trực tiếp ngăn nàng có được đôi niềm an ủi. Lấy tình cảm của con người
hiện đại để mong chia sẻ chút gánh nặng mà Kiều đã mang, Vũ Hạnh đã nhìn thấy
gần như trọn vẹn cái bi kịch lớn lao của đời nàng. Những kẻ vô tình nào có ngờ
rằng “khi xếp sách lại, một nỗi khổ khác của Kiều - dằng dặc, mênh mông - mới
lại bắt đầu”. người đàn bà Thúy Kiều giờ chỉ còn lại là một mớ danh từ tuyệt
đẹp. Nỗi tủi nhục ấy nàng phải âm thầm chịu đựng, âm thầm gánh vác. Quyền được
làm vợ và quyền được làm mẹ thời nào cũng vậy, đều đáng quý, đáng tự hào biết
bao nhưng cũng bình thường, giản dị biết bao. Vũ Hạnh thực sự đã mở ra những
chiều kích mới của nội dung tác phẩm bằng một giả định nghệ thuật độc đáo.
2.3. Từ Hải, sự lỡ tay của
thiên tài
Nhìn nhận Từ Hải trong tiến
trình tiếp nhận, Vũ Hạnh đã xem nhân vật như một cá thể hiện tồn, luôn giao
lưu và biến đổi. Mỗi lần gặp gỡ, Từ lại có thêm một màu áo mới. Nhà nghiên cứu
cho rằng, từ khi sinh ra, “Họ Từ chưa mua được một chút thanh nhàn nào hết”.
Cứ mỗi thời, Từ Hải lại xuất hiện dưới một khuôn mặt khác. Sau mỗi lần hóa
trang như vậy, “họ Từ mang lại một số vấn đề khá lớn tưởng có thể bẻ cong
vòng tấm thân mười thước cao và làm bạnh thêm cái hàm én tua tủa râu hùm!”.
Phải đặt nhân vật trong sự vận động chung của thi phẩm và trong quá trình đọc
của các thế hệ độc giả thì mới có được cái nhìn biến đổi như thế. Nhưng bản
thân sự đọc không tự làm nên ý nghĩa, không tạo nên một tư tưởng hay một gái
trị... Sự đọc trong giới hạn của nó là sự gợi mở những cách thức chiếm lĩnh đối
tượng hay những hướng khác nhau trong hành trình chiếm lĩnh. Sự đọc có sáng tạo,
phát hiện nhưng là sự sáng tạo và phát hiện trên căn bản của một giá trị đã
được nhận thức bởi một tác giả - độc giả và trên sự gợi mở của hình tượng.
Vũ Hạnh chắc không nghĩ rằng
mình sẽ đem lại cho Từ Hải một khuôn mặt mới. Điều mà nhà nghiên cứu chú ý là
cái đặc biệt trong sự xuất khởi của nhân vật: Từ lịch sử, từ người đọc hay từ
ý đồ nghệ thuật của Nguyễn Du... Nhưng dù thế nào thì sự xuất hiện rực rỡ của
Từ Hải hoàn toàn không phải “để làm mỗi cái gạch nối đưa Kiều từ
nơi hành viện Châu Thai đến bến Tiền Đường”. Vũ Hạnh thấy Từ Hải từ tên giặc
Nụy Khấu của Mao Khôn, qua Từ Hải là tên “gian hùng trộm cướp” của Dư Hoài đến
Từ Hải “tâm tình khoáng đạt độ lượng lớn lao” của Thanh Tâm Tài Nhân rồi trở
thành Từ Hải tài lực và đức độ của một anh hùng trong Kim Vân Kiều truyện của
Nguyễn Du, là một quá trình sáng tạo không ngừng. Từ Hải của Nguyễn Du là một
giá trị mới được thoát thai từ tâm thức của tác giả.
Vũ Hạnh xem Từ Hải trong
tác phẩm là một sự “lỡ tay”, một sự “quá đà” của thi hào. Không phải cấu trúc
của Truyện Kiều gọi tới một Từ Hải như thế; không phải ý chí của Nguyễn Du
đòi hỏi một nhân vật anh hùng, mà sự “lỡ tay” ấy bắt nguồn tư một “thế sống”
trong tâm hồn Nguyễn Du, từ một “thực trạng gây nên bao dồn nén xót xa, do đó
nung nấu bao nhiêu khát vọng giải tỏa tuyệt vời” (1). Tiềm thức và vô thức là
hai cõi sống thẳm sâu trong tâm hồn con người, ít khi bộc lộ, nhưng trong văn
chương thì nó lại có thể phô diễn toàn bộ sự đa dạng, phong phú của mình. Đối
diện với một “thế sống dạt dào”, với một “khát vọng giải tỏa” tuyệt vời, Vũ Hạnh
phát hiện ra hình ảnh Từ Hải mang những ám ảnh từ miền tiềm thức và vô thức của
Nguyễn Du.
Tìm hiểu Từ Hải là khám
phá khát vọng âm thầm, mãnh liệt của thi nhân. Một con người thực và một con
người dự tưởng đã không có sự thống nhất trong Từ Hải nghệ thuật. Vũ Hạnh xác
định, Từ Hải đáng lẽ phải có theo những yêu cầu về nội dung và bố cục của tác
phẩm, theo cái đòi hỏi thực tế của hiện thực, đã không xuất hiện. Ông gọi đó
là Từ Hải thứ nhất. Đây là Từ Hải sinh ra để giải quyết các công việc của Kiều.
Từ Hải thứ nhất đóng vai trò rất giới hạn trên sân khấu, là “một kẻ hi sinh
đã được chỉ định”. Từ là “người liên lạc cao sang” đến với Kiều trong cõi đoạn
trường. Cho nên, để hoàn thành nội dung Trung - Hiếu vẹn toàn thì phải có một
Từ Hải để nàng khuyên nhủ ra hàng cho vẹn chữ Trung. Đó là nguyên nhân dẫn đến
bi kịch của Từ Hải.
Một kêu đòi nữa từ bố cục
là sự sắp xếp lại những nhân vật ở trong tác phẩm. Qua hai phần ba chặng đường
có những nhân vật tồn tại như một cái bóng, đã thành thừa thãi, “báo hại cho
nội dung tác phẩm”. Sự trả ân báo oán của Kiều nhằm giải quyết vấn đề đó. Vì
vậy, phải có người như Từ để “tung lưới tóm về một mẻ” để cho Kiều thỏa nguyện
ước mong. Nhưng nếu thế thì “chỉ cần một gã Từ Hải tầm thường, một tên tướng
cướp ưu hạng, hay một thảo khấu giang hồ có chút gan liền là đủ lắm rồi”. Một
Từ Hải như thế là một nhân vật “đã được chỉ định bởi thực tế tác phẩm, bởi
cái nội dung tác phẩm”.
Nhưng Từ Hải thứ nhất là Từ
Hải cần có để xử lí cái tiến trình của tác phẩm đã không tồn tại. Ông đã “lỡ
tay” tạo ra một Từ Hải khác thường. Đó là Từ Hải thứ hai được xây dựng bởi một
thế sống nội tâm tiềm ẩn, dạt dào của thi sĩ Tiên Điền. Từ Hải “đã nhấc ta ra
khỏi cuộc sống tầm thường đầy những nhỏ nhen và những âu lo”. Vũ Hạnh nhấn mạnh:
Họ Từ ở trong tác phẩm là “nhân vật một chiều, tâm lí một mặt. Đó là con người
dự tưởng, con người hình bóng của một ước mơ, chỉ có chiều cao, bề rộng mà
không có bề dày, chiều sâu”. Mọi giới hạn của thực tại đều bị phá vỡ ở nhân vật
Từ Hải. Từ ở trong tác phẩm “chỉ có cái dáng người, vẻ người, ở một mức độ
nào thôi”. Vì vậy, khi bố cục của truyện lôi Từ trở lại thực tại, buộc từ
chui vào cái cửa đầu hàng do Hồ Tôn Hiến dựng lên thì ta thấy “Từ... trở nên
lúng túng, trở nên phi lí, xa lạ, lạc loài”.
Tính chất phi thực của
nhân vật Từ Hải đã khiến Vũ Hạnh băn khoăn: “Phải chăng Từ là hiện thân của một
giấc mộng anh hùng?” Từ là sự lỡ tay của cụ Tiên Điền nhưng cũng chính là nơi
giải tỏa bao nhiêu khát vọng, bao nhiêu ao ước mà ông không thực hiện được
trong đời. Từ Hải chính là cõi tiềm thức của Nguyễn Du sống dậy mà diễn hóa
vào trong hình tượng nghệ thuật. Vũ Hạnh ngợi ca: “Thiên tài đã lỡ tay phóng
tỏa sự sống nhiệm màu vào cái xác phàm, diễn hành một sự sống lớn lao giữa những
sinh hoạt bé mọn, đem cái phi thường trộn với tầm thường, vẽ một nét thẳng
vào giữa đường cong...”. Tâm thức là khởi nguồn của sự sống của Từ Hải trong
nghệ thuật. Bởi thế, Từ không phải là viên đá lót đường trên cõi đoạn trường
của Kiều, mà thực ra Từ Hải với Kiều là một. Đây là “hai mặt của một vấn đề -
vấn đề sự sống - hai trạng thái tâm lý của một con người - con người Nguyễn
Du”. Nếu Kiều là tâm sự “bi phẫn” về đời, là “mặc cảm tự ti”, thì Từ Hải là một
khát vọng anh hùng, một chí trai rộng lớn, là niềm mặc cảm tự tôn cao quý. Đó
là hai phần tiêu biểu cho một con người Nguyễn Du, và không chỉ riêng Nguyễn
Du, mà mọi kiếp người. Mộng và Thực ở Từ Hải và Thúy Kiều là “khát thèm” được
bù đắp cho nhau. Từ bộ phận đến chỉnh thể, từ phản ánh luận đến nhận thức luận
nghệ thuật đều được Vũ Hạnh triển khai trong sự tương ứng cao độ trong hình
tượng nghệ thuật này. Vũ Hạnh đã thực sự làm ta thay đổi cách nhìn xơ cứng bấy
lâu về mối tương quan giữa các nhân vật với cuộc đời.
2.4. Những khuôn mặt tình
yêu trong Truyện Kiều
Xuất phát từ quan điểm
tình yêu lí tưởng, Vũ Hạnh cho rằng đó phải là ái tình có “sự lựa chọn tương
đối tự do giữa hai người” Thời nào cũng thế, ái tình đúng nghĩa là sự chấp nhận
một cách tự nhiên bởi những xúc động từ con tim. Ái tình là tình cảm không thôi
thì chỉ là nước mắt, là nhớ thương đơn thuần. Ái tình chỉ có bản năng thì là
lòng dục không hơn. Ái tình chỉ là ý chí thì sự gặp gỡ yêu đương có khác nào
những “cuộc họp”. Tình yêu lí tưởng là sự thống nhất vẹn toàn giữa tình cảm,
bản năng và lí trí.
Cho nên, Truyện Kiều không
chỉ là một bi kịch về kiếp đoạn trường mà còn là bi kịch về tình yêu. Vũ Hạnh
nhận thấy trong nhận thức của Nguyễn Du luôn có sự kiếm tìm một tình yêu lí
tưởng, nhưng Truyện Kiều thực tế, chỉ đem tới những khuôn mặt “xa cách” về một
diện mạo ái tình trọn vẹn. Tính điển hình mà tác phẩm đạt được không phải là
sự vẹn toàn của hệ thống mà là sự điển hình của những “kiểu loại ái tình”. Và
Thúy Kiều, dầu là “một người đàn bà phong kiến, lệ thuộc, cô độc, nhưng trong
khi yêu... nàng xứng đáng là người tình nhân thực sự, tình nhân lí tưởng”. Từ
đó, Vũ Hạnh đi đến một nhận thức khái quát về những “khuôn mặt” tình yêu
trong tư thế đối xứng với Kiều: “Nếu Kim Trọng biểu hiện cho phần tình cảm,
Thúc Sinh đồng nghĩa với lại bản năng thì Từ Hải là lí trí”. Người tình nhân
lí tưởng của Kiều phải hội tụ cả ba phẩm chất ấy.
Với Kim Trọng, hành trình
của chàng đến với tình yêu là một con đường “phong quang, sạch sẽ” những cũng
đầy kiểu cách. Vũ Hạnh ghi nhận: “Theo như tác phẩm, Kim Trọng nhớ thương Kiều,
dù có dọa dẫm là sẽ tìm Kiều, nhưng chàng ta vẫn ngồi yên một chỗ để mà thở
than”. Ở Kim Trọng có sự chủ động ban đầu nhưng sau đó là sự thụ động đáng buồn.
Chàng ta cứ “gào khóc” để che giấu sự bất lực và “cho mọi người một cái ảo tưởng
về nỗi tha thiết của mình”. Và sự nài ép về thể xác sau này gặp lại chỉ là dư
vị ái tình đã thành bạc nhược, chán chường, “lòng vị nghĩa của họ đến đây phải
chăng cũng đã tiêu điều”. Vũ Hạnh thấy: “Kim Trọng và Kiều chỉ còn là những
hình bóng mờ trong một bức tranh tình sử đang độ nhạt phai” và họ gắng gượng
“diễn màn tái ngộ” để phục vụ cái nội dung tác phẩm muốn có thủy chung. Nhưng
theo ý chúng tôi, nhận xét ấy của Vũ Hạnh có phần khiên cưỡng, ông đã lấy nhận
thức của người ngày nay để hiểu người ngày xưa, lấy cái ái tình ào ạt của hiện
tại để nhìn sự thanh cao của ái tình dĩ vãng. Vì thế, một nhận định này của
ông chỉ nên xem là giả định thì hơn.
Nhưng thật ra, Vũ Hạnh đã
thấy rõ điều đó. Chủ ý của ông là tạo ra một tiền đề để từ đó nhìn nhận đúng
hơn giá trị của tình yêu Kim - Kiều. Mối tình ấy thật đã làm cảm động bao
nhiêu trái tim. “Mối tình của họ là một chắp nối lí tưởng đòi hỏi xây dựng
trong sự tôn kính lẫn nhau... thiếu yếu tố ấy, mọi sự thương yêu rồi sẽ tan
nát, rã rời...”. Tình yêu của Kim Trọng xứng đáng với lời khen tặng ấy.
Và đã xem xét mối tình của
Kim Trọng thì ta không thể nào coi “cuộc chung sống với chàng họ Thúc và gã họ
Từ là tình yêu được”. Trong khi Kiều đang rơi vào tình cảnh cô độc, yếu đuối,
“giữa một cuộc sống đầy rẫy lang sói, hùm beo, họ Thúc xuất hiện như một cứu
cánh”. Đó là loại người thiên về bản năng hơn lòng tôn trọng. Nơi họ không có
tình yêu. Ở Thúc Sinh không có khái niệm tình yêu chân chính.
Từ Hải đến với Kiều cũng
không phải với danh nghĩa một người yêu. Kiều đến với Từ (cũng như đến với
Thúc Sinh) trong tư thế hoàn toàn bị động. Còn Từ đến với Kiều trong tư thế của
một ân nhân, một cứu tinh và dành cho nàng sự cảm thông của đấng trượng phu,
của một anh hùng kiếm tìm tri kỉ. Sự lựa chọn của Từ Hải có tính cách chủ động
của lí trí, có sự sáng suốt của lòng tin vào người và năng lực mình. Cung
cách của Từ bao giờ cũng minh bạch, cũng “rất chí tình”. Đó là hành động của
kẻ biết điều, của “con người mạnh”. Nhưng như thế, Từ đã hóa thành một anh
hùng thực sự trong lòng Kiều, là một ân nhân cứu độ lấy nàng. Ở đó chỉ có sự
ngưỡng mộ, cảm phục và biết ơn chứ không có sự rung động từ trong nhau và cho
nhau một cách tự do và bình đẳng.
Sự thiếu vẹn toàn trong
tình yêu và sự lệch lạc không thể bù đắp trong ái tình của tác phẩm đã dẫn đến
bi kịch. Tình yêu hoàn chỉnh đòi hỏi sự phối hợp “ý chí, tâm tình, phối hợp
thân xác để hướng tới một phối hợp năng lực cho đời”. Như thế, lấy cái nhìn của
ngày hôm nay để nhìn nhận tác phẩm, tuy có khắt khe nhưng không phải là không
hữu ích. Những đánh giá của Vũ Hạnh, xét về ý nghĩa xã hội là rất đáng biểu
dương.
2.5. Trường hợp hai Nguyễn
Du của Đoạn trường tân thanh
Có thể xem bài này, ở một
phương diện nào đó là có ý nghĩa tổng kết các giá trị tư tưởng của tác phẩm
Truyện Kiều. Trên bình diện thi pháp học thì bài viết chính là một bước khám
phá quan niệm nghệ thuật của thi sĩ Tiên ĐIền. Xuất phát từ đó, Vũ Hạnh thấy:
“Hai con người - Nho sĩ, Nhân bản - trong Nguyễn Tố Như kèn cựa bên nhau tạo
nên những ngỡ ngàng nghệ thuật, đồng thời giới hạn lẫn nhau khiến cho con người
Nho sĩ có lúc phải chùn chân lại, và người Nhân bản có phen phải lánh mình
đi”. Đó là hai mặt của một con người đã được nhà nghiên cứu phân tích, đánh
giá suốt 74 trang sách. Hai con người trong một thực thể đã luôn tạo ra những
mâu thuẫn giằng xé, tạo nên bao nhiêu biến động, bao nhiêu day dứt, hồ nghi để
mãi sau này người ta vẫn không ngừng tranh luận với nhau bởi những khúc mắc của
tâm tư ấy.
Trường hợp hai Nguyễn Du của
Đoạn trường tân thanh khám phá tư tưởng nghệ thuật ở hai bình diện: Ý thức và
tiềm thức. Trong phần tiềm thức, tác giả thấy một “con người Nho sĩ” với mũ
cao áo dài đang cố gắng biện minh cho xã hội mà mình đang sống và hưởng mọi lợi
quyền. Người Nho sĩ Nguyễn Du tìm đủ mọi phương cách để hợp lí hóa hiện thực
của tác phẩm không chỉ bằng những lời thơ trữ tình mà còn bằng một số nhân vật
đóng vai trò “thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện” (như Đạo Cô, Đạm
Tiên...) nhằm biện minh cho xã hội và trật tự phong kiến. Vũ Hạnh tìm hiểu
cái công thức “Tài - Mệnh tương đố” mà Nguyễn Du dẫn ra, là một công thức
không có giá trị thực tế bởi toàn bộ tác phẩm đã là một minh chứng hùng hồn
cho sự giả tạo của nó. Đó là một lập luận “không được thật thà”, chỉ có mỗi một
tác dụng là “bênh vực cho bao nhiêu thủ đoạn đàn áp con người của một chế độ
phi nhân”. Lấy tư duy hiện thực để soi sáng vấn đề của Truyện Kiều, ông đồng
thời mở ra một hướng tiếp cận đầy tính nhân bản. Vũ Hạnh còn nhấn mạnh cảnh
đoàn viên ở cuối truyện mà nhiều người nghĩ là phần thưởng cho Kiều, là một cảnh
thực là giả tạo. Và, góp sức cho chế độ không chỉ có một “giảng viên Nguyễn
Du” cố gắng giải thích bao nhiêu sự trạng xảy ra theo cái thâm ý bênh vực cho
chế độ mình, không chỉ có Đạo Cô với tư cách của một “trạng sư” cố gắng dùng
những lời ngụy biện để “bào chữa cho bao nhiêu tội ác do chế độ ấy gây nên”
mà còn có một bóng ma Đạm Tiên đóng vai trò là “cảnh sát” theo dõi nàng Kiều,
“buộc nàng chấp nhận cái trật tự ấy cho đến mòn mỏi cuộc đời”. Đó không chỉ
là một bóng ma mà còn là “một lối cụ thể hóa một số ý thức của cái chế độ
phong kiến đang buổi suy tàn”. Chung quy, họ chỉ là sự sinh động của một hệ
thống ý thức thống trị xã hội, tuy đã bạc nhược lắm rồi những vẫn cố “tô son
điểm phấn” cho thêm lòe loẹt...
Như thế, con người Nho sĩ ở
trong Nguyễn Du đã chi phối tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm một cách mạnh mẽ.
Con người ấy đã tạo ra một hệ thống hình tượng và ý nghĩa biểu thị cho ý thức
hệ phong kiến. Và thực tế, Nguyễn Du đã gián tiếp lên tiếng bảo vệ cái thành
trì tư tưởng, cái chế độ xã hội mà mình đang tựa vào đó.
Nhưng, làm nên kiệt tác
Truyện Kiều chính là con người thứ hai - con người Nhân bản - ở trong Nguyễn
Du. Nếu con người Nho sĩ là phần ý thức bị trói buộc thì con người Nhân bản
là phần tiềm thức được tôn cao để tạo nên “sự ngỡ ngàng nghệ thuật”. Cái phần
ý thức của Tố Như “đã bị con người Nho sĩ giới hạn nhưng nó cũng góp phần sắp
đặt vấn đề, tạo thành nhân vật, dồn chữ, đúc câu, để cho tiềm thức, ở trong
âm thầm sáng tạo, chuyển lên tình ý nhiệm màu, làm cho sự sống khô khan trở
thành phong phú, bộ mặt lạnh lẽo trở thành rực rỡ, phương phi”. Đây là một lời
phê bình có sức ôm trùm rộng lớn và có sự rung động nghệ thuật chân thành. Lời
bình chứng tỏ người viết có một nguồn sống dồi dào và một tình cảm thiết tha
với thi hào dân tộc. Nhắc đến tiềm thức ở trong con người Nguyễn Du, Vũ Hạnh
đã hướng tới chiều sâu của sức sống nghệ thuật. Cái tiềm thức ấy là kết tinh
của ý thức sâu xa về người và giá trị người. Ý thức và tiềm thức, đó là hai mặt
của một tâm hồn. Ý thức về giai cấp không đủ để chiến thắng niềm cảm thông
sâu sắc đã trở thành thường trực, trở thành cảm hứng vô hạn để xây nên lâu
đài nghệ thuật. Sự khơi dậy những ý thơ chân chính không phải bắt nguồn từ mộtcõi
ý thức già nua, tù túng mà từ một cảm thức nghệ thuật đã được đào luyện từ
ngàn đời nay chuyển vào một tài năng kiệt xuất. Thi sĩ Tiên Điền “đã vượt ra
khỏi đẳng cấp của mình để phóng cái nhìn khách quan sắc bén vào từng hạng
quan lại, truyền thần bọn họ một cách linh động, đậm đà. Nhờ thế thi hào đã
chuyển được cái tình người lên đầu ngọn bút”. Vũ Hạnh thấy Nguyễn Du không phải
là một vị quan cúi nhìn xuống nỗi khổ nhân gian mà ông hòa mình vào để cảm
thông và chia sẻ cùng thế nhân. Tác phẩm vì thế “trở thành bản cáo trạng,
thành tiếng kêu thương, thành nỗi đau đời... bởi Nguyễn Du đã đem con người
Nhân bản vào trong giấc mộng văn chương của đời mình”. Bằng những kiến giải về
tâm thức cá thể và những nhận thức sinh động về rung động nghệ thuật, nhà
nghiên cứu Vũ Hạnh đã trông thấy cả “một cõi sống mênh mông”.
3. Kết luận
Có thể nói Đọc lại Truyện
Kiều là công trình đã thể hiện được một cách rõ ràng nhất con người tinh tế,
nhạy cảm - Vũ Hạnh. Đứa con của nàng Kiều không phải là một giả thiết hàm hồ
mà là một kêu đòi tha thiết về quyền con người cơ bản, đó càng không phải là
một lãng quên nằm trong ý đồ của Nguyễn Du mà là một sự sáng tạo thể hiện chiều
sâu nhân bản của nhà văn. Có thể sau khi gấp sách lại, ta vẫn không ngừng âm
thầm lí giải cho những câu hỏi của Vũ Hạnh về cái bi kịch lớn lao của đời Kiều...
Sự sâu sắc, tinh tế của
ngòi bút phê bình Vũ Hạnh tỏ ra vô cùng sắc sảo khi ông sử dụng thủ pháp lưỡng
hóa. Việc nhân đôi chủ thể bằng cách tạo ra một con người mới, tương phản với
con người đã có và khéo xếp đặt vào trong những chỗ tưởng như “sơ ý, lỡ tay”
đã giúp nhà nghiên cứu tìm ra những giá trị mới cho tác phẩm.
Nhưng phải nói rằng, để đạt
được sự sâu sắc trong việc thể hiện các vấn đề của Truyện Kiều, Vũ Hạnh đã tạo
cho mình một kiểu ngôn từ phê bình riêng, độc đáo mang đầy cá tính. Đó là một
thứ ngôn từ kết hợp giữa ngôn ngữ chính luận và ngôn từ nghệ thuật. Bàn về
tính chất siêu thực của Từ Hải, nhà phê bình tưởng tượng: “Cuộc sống chứa đầy
ảo ảnh, Từ Hải cũng là một loài ảo ảnh. Những cái bọt bóng xanh đỏ nếu cứ lơ
lửng trên không thì vẫn làm vui con mắt, đừng cho chạm phải một chiếc que
nào. Cái bọt xà phòng Từ Hải nguy thay, đã chạm khung cửa đầu hàng. Ảo ảnh đi
vào thực tại trông thực vô cùng nghễnh ngãng” (1).
Nhưng có lẽ, ấn tượng nhất
vẫn là những lời phê bình có tầm bao quát rộng lớn. Những dòng văn ấy chứng tỏ
năng lực thẩm định tinh tế, nhạy cảm và một nhận thức thẩm mĩ mang chiều sâu
nhân bản. Sự sắc sảo khoa học đã kết hợp nhuần nhuyễn với lòng say mê nghệ
thuật để tạo nên một Vũ Hạnh vừa tỉnh táo trong tư duy mà vẫn đắm say trong từng
lời văn. Người ta có thể nhớ đến Kim trọng qua lời bình thấm thía của ông:
“Kim Trọng bao giờ cũng giữ được một tình cảm gắn bó trọng hậu với Kiều, và
sau lưng tình cảm ấy có một dĩ vãng thương nhớ sâu dài thăm thẳm...”, cũng
như sẽ nhớ đến Thúc Sinh qua một lời nhận định giá trị: “... ồ ạt mà lạnh lẽo,
gắn bó mà phụ phàng, mù quáng mà suy tính, bản năng dùng những tiếng nói sâu
thẳm từ trong đáy hồn để che đậy những xúc động cạn cợt ngoài làn da mỏng”,
và cũng không sao quên được hình ảnh Từ Hải, nhân vật mang những dấu ấn của ẩn
ức Nguyễn Du, những khát vọng bị đè nén được gửi vào trong hình tượng mà tầm
vóc của nó đã vượt ra khỏi những yêu cầu cơ bản của một nhân vật dẫn đường:
“Thiên tài lỡ tay phóng tỏa sự sống quái đản nhiệm màu vào cái xác phàm, diễn
hành một sự sống lớn giữa những sinh hoạt bé mọn, đem cái phi thường trộn với
bình thường, vẽ một nét thẳng vào giữa đường cong”. Đọc những lời phê bình
như thế, ta tưởng như Vũ Hạnh đã đặt cả hồn mình lên đầu ngọn bút, đã trút cả
tinh anh vào trong ý văn vậy.
Nhưng, bao trùm hơn hết
trong các bài phê bình của Vũ Hạnh là một tư duy nghệ thuật có chiều sâu văn
hóa - lịch sử. Vấn đề con người và số phận con người được đề cập đến bằng
quan điểm nhân sinh tiến bộ và một tấm lòng trân trọng và mến thương vô hạn.
Nhà nghiên cứu đã đem vào trong lời văn những tình cảm tha thiết, nồng nhiệt
của mình đối với con người và cuộc đời dân tộc. Giá trị của tình yêu cùng những
nhận thức về luân lí và tình cảm con người đã được Vũ Hạnh giải quyết bằng một
tầm nhìn sâu rộng và nhân bản - tầm nhìn nhân loại. Vì thế, các chi tiết và
tình huống được soi chiếu ở một khía cạnh đặc biệt độc đáo - đó là ở các mối
quan hệ trong cấu trúc tư tưởng của tác phẩm.
Điểm sáng tạo của Vũ Hạnh
trong Đọc lại Truyện Kiều là sự khám phá những ẩn ức, những tiềm thức của thi
hào dân tộc. Chính những nỗi niềm và ước mơ cháy bỏng hằng ngày âm thầm, mãnh
liệt trong con người Nguyễn Du đã giúp ông thoát khỏi thực tại tàn nhẫn để tạo
ra một thế giới nghệ thuật có tính hai chiều - một chiều thuộc về sự sống hiện
hữu không thể vượt thoát và một chiều hướng về tình yêu lí tưởng và lòng trắc
ẩn vô biên trong tiềm thức thi nhân. Mọi sáng tạo nghệ thuật bắt đầu từ đó.
Những Thúy Kiều, Từ Hải, Thúc Sinh... và cả bản thân Nguyễn Du cũng bắt đầu từ
đấy. Nó đã tạo ra một sự sống nghệ thuật nội tại để cùng sống với người đọc mọi
thời.
Qua công trình Đọc lại
Truyện Kiều, chúng ta thấy được sự đa dạng, tinh tế và một tinh thần sáng tạo
thực sự của ngòi bút Vũ Hạnh. Ông đã tỏ rõ bản lĩnh của một nhà nghiên cứu lớn.
Sự tự tin của tác giả khi đến với tác phẩm vĩ đại của dân tộc đã phần nào cổ
vũ cho lòng tự hào dân tộc đang dần lớn mạnh trong nền văn nghệ niềm Nam.
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Hạnh (15/11/1972),
Hai nàng Thúy Kiều, TC Bách khoa thời đại, Sài Gòn, số 381.
2. Vũ Hạnh (15/9/1970),
Tính chất phi thường trong con người bình thường Thúy Kiều, TC Bách khoa thời
đại, SG, số 329.
3. Vũ Hạnh (15/11/1972),
Khách viễn phương, người là ai?, TC Bách khoa thời đại, SG, số 381.
4. Vũ Hạnh (15/9/1965), Sự
lớn lao của một thiên tài dân tộc - TC Bách khoa thời đại, SG, số 209.
5. Nguyễn Hiến Lê
(15/9/1965), Thân phận con người trong Truyện Kiều, TC Bách khoa thời đại, số
209.
6. Mai Quốc Liên (1967),
Nhân đọc Kỉ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du nhìn qua vấn đề Truyện Kiều và Nguyễn
Du trong dịp kỉ niệm, TC Văn học, số 8.
7. Nguyễn Lộc (1965), Về
ngôn ngữ nhân vật trong Truyện Kiều, TC Văn học, số 11.
8. Lưu Trọng Lư (1965), Tấn
bi kịch của Thúy Kiều, TC Văn học, số 11.
9. Hoài Thanh (1965), Nguyễn
Du, một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn, TC Văn học, số 11.
10. Nguyễn Văn Trung, Bùi
Hữu Sủng (11/1972), Qua sự phê bình, nghiên cứu Truyện Kiều xưa và nay, đặt
những vấn đề phê bình cũ và phê bình mới, TC Bách khoa thời đại, SG, số
381-382.
11. Trần Đình Sử (2002), Thi
pháp Truyện Kiều, NXB GD tái bản.
Có thể nói Đọc lại Truyện
Kiều là công trình đã thể hiện được một cách rõ ràng nhất con người tinh tế,
nhạy cảm - Vũ Hạnh. Nhà nghiên cứu bằng năng lực dẫn nhập của mình đã đưa ta
đi tìm những giá trị mới của tác phẩm. Sự sâu sắc, tinh tế của ngòi bút phê
bình không đã chỉ khám phá thấy đằng sau đôi mắt của Thúy Vân và Thúy Kiều những
giới hạn của điểm nhìn mà quan trọng hơn là phẩm chất con người được nhìn nhận
qua những thái độ sống khác nhau. Vũ Hạnh còn tỏ rõ năng lực khám phá đối tượng
bằng cách đặt ra hẳn một Từ Hải thứ nhất và phân tích những khuôn diện trong
tình yêu để phân ra thành những kiểu ý thức khác nhau về ái tình. Và cũng với
một thủ pháp như thế, Vũ Hạnh đã nhìn thấy một Nguyễn Du ở trong tiềm thức đã
bộ lộ bao nhiêu khát khao, hy vọng và xót thương cho những kiếp người và cho
chính cuộc đời mình. Cũng chính là một Vũ Hạnh phát hiện một Thúy Kiều phi
thường trong một Thúy Kiều bình thường hiện hữu ở trong tác phẩm...
1. Cùng với Đọc lại
Truyện Kiều còn có nhiều bài viết của các tác giả cùng thời như Trần Thanh Hiệp
Để giải quyết mâu thuẫn trong Đoạn trường tân thanh - TC Sáng tạo - SG, số 6,
tháng 3/1957; Nguyên Sa Nguyễn Du trên những nẻo đường tự do - TC Sáng tạo -
SG, số 15, tháng 12/1959; Bùi Hữu Sủng Thanh tâm Tài Nhân là ai? – TCBK – SG,
số 209, 15/9/1965; Nghệ thuật vang và bóng trong Truyện Kiều - TCBK - SG, số
381, 15/11/1972.
1. Vũ Hạnh Đọc lại Truyện
Kiều - Cảo thơm xuất bản, SG, 1966, trg 11-17.
1. Sđd từ trang 31-55.
1. Sđd, trang 48.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét