Ngày xưa...
Ngày 6-2 âm lịch (ngày 10-3-2011) chúng ta kỷ niệm ngày Hai
Bà Trưng tuẫn tiết tại sông Hát. Nhạc sĩ Tô Vũ - tên thật là Hoàng Phú, em ruột
nhạc sĩ Hoàng Quý, tác giả bài "Cô láng giềng' - đã diễn tả tấm lòng cảm động,
ngậm ngùi khi viết bài "Ngày xưa" để tưởng nhớ đến Hai vị anh thư đầu
tiên của Việt Nam:
Dòng sông Hát nước xanh mờ sâu
Êm đềm trôi về bến nơi đâu?
Sóng đưa lăn tăn con thuyền ai xuôi
Theo gió khơi tiếng ca âm thầm trầm rơi…
Êm đềm trôi về bến nơi đâu?
Sóng đưa lăn tăn con thuyền ai xuôi
Theo gió khơi tiếng ca âm thầm trầm rơi…
Mọi người đều biết là Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em
ruột, con gái Lạc tướng huyện Mê Linh. Chồng Trưng Trắc là Thi Sách, con trai của
Lạc tướng huyện Chu Diên. Là người yêu nước, Hai Bà đã đi khắp nơi vận động
nhân dân gia nhập nghĩa quân và được nhân dân hết lòng ủng hộ. Những hoạt động
của Hai Bà đã bị Tô Định theo dõi và y đã vô cớ bắt giết Thi Sách để đe dọa
Trưng Trắc. Nhưng điều đó chỉ làm cho nhân dân Âu Lạc thêm căm phẫn và khiến
cho Trưng Trắc càng quyết tâm đứng lên "đền nợ nước, trả thù nhà". Cờ
phất lên vào đầu năm 40 trên đất Mê Linh đã được nhân dân khắp nơi hưởng ứng,
thống nhất thành một phong trào rộng lớn trong cả nước và đã giành được chính
quyền trên khắp "65 huyện thành". Tô Định phải chạy trốn về Nam Hải.
Chính quyền đô hộ bị lật đổ hoàn toàn. Đất nước sau 200 năm bị trị, đã trở lại
tự do.
Sau khi quét sạch bọn đô hộ Đông Hán ra khỏi đất nước, Trưng
Trắc và Trưng Nhị được suy tôn làm Trưng Vương, đặt tên nước là Hùng Lạc (theo
'Dư địa chí' của Nguyễn Trãi), lấy Mê Linh làm kinh đô.
Ngày xưa khi nơi đây đã từng vang hình bóng
Hai Bà Trưng đem máu đào hòa nước sông nhà
Hồn linh thiêng sống trong muôn trùng sóng
Những khi nào chiều vắng trầm đưa lên tiếng ca…
Hai Bà Trưng đem máu đào hòa nước sông nhà
Hồn linh thiêng sống trong muôn trùng sóng
Những khi nào chiều vắng trầm đưa lên tiếng ca…
Bực tức vì bại trận trước Hai vị nữ lưu, vua Hán sai Mã Viện,
là một viên tướng già lão luyện, mang 2 vạn quân cùng 2000 thuyền xe sang đánh
phục thù. Được tin giặc kéo xuống, Trưng Vương cử Thánh Thiên công chúa đem
quân lên biên giới chặn giặc theo đường bộ, Trưng Nhị tiến quân đóng ở Đại Đồn
(Vân Đồn) cùng Lê Chân ở An Biên (Hải Phòng) chặn đường tiếp tế lương thực của
giặc theo đường biển. Còn đại quân do Trưng Trắc chỉ huy thì đón đánh giặc ở tả
ngạn sông Cà Lồ. Thế giặc đang mạnh, quân ta chống không nổi buộc phải rút lui.
Quân giặc tràn xuống và hội quân ở vùng Lãng Bạc. Sau một thời gian chờ đợi cho
quân giặc mỏi mệt, Hai Bà Trưng bèn chủ động tấn công vào doanh trại giặc. Một
trận đánh lớn đã diễn ra ở vùng Lãng Bạc. Quân ta có tinh thần chiến đấu dũng cảm,
nhưng vì lực lượng yếu, chưa được huấn luyện chu đáo đã bị thua. Trưng Vương buộc
phải rút quân về Mê Linh. Bị Mã Viện đuổi theo, Trưng Vương tiếp tục rút quân về
động Cấm Khê. Hai Bà bị thất trận phải nhảy xuống sông Hát (sông Đáy) tự vẫn.
Sau khi bình định xong Giao Chỉ, Mã Viện đem quân vào Cửu Chân. Đến cuối năm 43,
cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng kết thúc, nhà Đông Hán thiết lập trở lại ách đô hộ
trên đất nước ta, mở đầu cho giai đoạn Bắc thuộc lần thứ hai.
Thuyền ai lướt sóng trên dòng sâu
Êm đềm trôi về bến nơi đâu?
Có hay chăng ai! Trên dòng sông xanh
Tiếng ca thuở xưa như gọi tâm tình.
Êm đềm trôi về bến nơi đâu?
Có hay chăng ai! Trên dòng sông xanh
Tiếng ca thuở xưa như gọi tâm tình.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng mặc dù chỉ tồn tại trong thời
gian ngắn nhưng đã chứng minh hùng hồn cho ý chí độc lập tự chủ không gì lay
chuyển được của nhân dân ta. Đây là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn, đã giành và
giữ vững được chính quyền tự chủ trong hơn 2 năm trời, mở đầu một phương hướng
đúng đắn cho phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta suốt thời Bắc thuộc. Chính
vì những ý nghĩa đó, sự nghiệp của Hai Bà Trưng đã sống mãi trong lòng mọi thế
hệ người Việt Nam.
Chúng ta biết rằng dân tộc ta, sau thời đại Hùng Vương, đã
chìm sâu vào đêm dài nô lệ. Kể từ khi Triệu Đà xâm lược nước Âu Lạc của An
Dương Vương năm 179 trước Công nguyên cho đến khi Ngô Quyền đuổi được quân Nam
Hán ra khỏi bờ cõi, xây dựng nền tự chủ (938), dân tộc ta đã trải qua một cuộc
trường kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc suốt 1.117 năm!
Ai là người khởi đầu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc
trường kỳ ấy? Chính là Hai vị anh thư Trưng Vương. Nếu cuộc khởi nghĩa Hai Bà
Trưng thất bại thì biết đâu dân tộc ta đã bị diệt vong, cùng chung số phận với
các dân tộc trong cộng đồng Bách Việt. Vị cứu tinh của dân tộc Lạc Việt, đã khiến
cho dân tộc tiếp tục quật khởi để xây dựng nên những vương triều độc lập về sau
như Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam và Việt Nam.
Tương tự về sau này vào thời Tây Sơn, nếu Quang Trung - Nguyễn
Huệ không chiến thắng giặc Thanh với trận Đống Đa, đây là thời điểm cực kỳ quan
trọng đến vận mệnh quốc gia, vì sau đó, các nước Tây phương bắt đầu công cuộc
chinh phục các nước để làm thuộc địa, lúc đó họ sẽ vẽ lại bản đồ châu Á - theo
địa giới mới của nhà Thanh. Nếu không có chiến thắng Đống Đa thì đất nước hình
chữ S có lẽ không có mặt trên bản đồ châu Á mới chăng?
Với chỉ 3 năm độc lập, sau khi đốt lên ngọn đốc bất khuất đầu
tiên, Hai Bà Trưng đã để lại cho các thế hệ sau một bài học quý giá:
"Đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm giải phóng dân tộc để
giành lại nền độc lập, thì sớm muộn dân tộc ta cũng thành công"
Hiện nay. ở nội thành Hà Nội có hai làng Đồng Nhân đều có đền
thờ Hai Bà Trưng:
1- Đền Hai Bà hiện diện ở Đồng Nhân Châu (bãi Đồng Nhân) từ
thế kỷ 12, nay thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng
2- Đền Hai Bà có từ thế kỷ 19 (Đền này là hậu thân của đền
Hai Bà ở phường Bạch Đằng, vì sông lở, Đền gốc ngoài Đồng Nhân Châu mới dời vào
đây và được cấp hơn 6 mẫu đất), nay thuộc phường Đồng Nhân, cùng thuộc quận Hai
Bà Trưng.
Sách Trưng Vương lưỡng vị sự tích ghi: "Sau khi Hai Bà tự
trầm trên sông Cái thì hóa thành Hai tượng đá ngồi bên dòng nước, thường vọt ra
khí sáng, trôi mãi đến khúc sông bãi Đồng Nhân". Vua Lý Anh Tông giáng chỉ
truyền cho dân làng này dựng Đền thờ Hai cỗ tượng đá ở bên sông (năm 1142)
Từ đó, lễ hội Đồng Nhân thuộc quận Hai Bà Trưng thờ Hai Bà, tại
đây hàng năm thường mở Lễ hội vào ngày 5-2 Âm lịch để tưởng nhớ công ơn Hai Bà
Trưng. Nghi thức có lễ tắm tượng, lễ rước, tế múa đèn tiến hành rất trang
nghiêm, uy nghi. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc vui tươi.
Hằng năm vào ngày 8-3 kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ - trong
ngày này, các đấng phái mày râu chỉ nghĩ đến việc mua hoa Hồng để tặng cho phái
đẹp, chẳng ai nghĩ về ngày lễ kỷ niệm Hai vị anh thư đầu tiên - chúng ta ghép
vào ngày 8-3 Dương lịch để kỷ niệm Ngày 6-2 Âm lịch kỷ niệm Hai Bà Trưng như vậy
có ổn thỏa không? Những ngày húy nhật của các Danh nhân dân tộc trong lịch sử,
của Ông bà Tổ tiên trong gia phả, luôn luôn được ghi chép bằng ngày tháng Âm lịch.
Lễ hội lịch sử, lễ hội dân gian, từ làng đến nước, cũng được tổ chức theo ngày
tháng Âm lịch. Đó là truyền thống văn hóa dân tộc đã trải qua nghìn đời, khắc
sâu vào ký ức, vào tâm linh dân tộc. Kỷ niệm Hai Bà Trưng, vì thế, phải nên tổ
chức vào ngày truyền thống 6-2 Âm lịch, không thể kỷ niệm vào một ngày tháng
Dương lịch!.
(Tham khảo: - sách Lịch sử Việt Nam của Huỳnh Công Bá - 2004,
- sách Thăng Long Hà Nội của Tô Hoài - 2000).
Phạm Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét