Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Văn chương và nhân cách

Văn chương và nhân cách
Nhà văn Nguyễn Đình Lạp, sinh ngày 19 tháng 9 năm 1913 tại phố Bạch Mai, Hà Nội. Ông mất ngày 24 tháng 4 năm 1952. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Ông nội là chiến sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục, chú ruột là Nguyễn Phong Sắc, ủy viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Viết báo từ năm 1933. Viết phóng sự cho nhiều báo ở Hà Nội năm 1937. Sau Cách mạng Tháng Tám tham gia đoàn Văn nghệ Nam tiến, vào bộ đội, chiến đấu rồi được điều động làm công tác Văn nghệ trong lòng Hà Nội tạm chiếm.
Cách đây đúng 100 năm, vào ngày 19-9-1913, tại làng Bạch Mai, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay là phố Bạch Mai, Hà Nội, Nguyễn Đình Lạp đã cất tiếng khóc chào đời. Sau này, Nguyễn Đình Lạp đã trở thành một nhà văn hiện thực có tên tuổi của thời kỳ văn học 1932-1945 với những đóng góp đặc sắc gieo ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc, nhất là về đề tài Hà Nội.
Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Ông nội có chân trong Đông kinh nghĩa thục, bị đi đày ở Côn Đảo. Cha mẹ mất sớm nên Nguyễn Đình Lạp được chú ruột là Nguyễn Phong Sắc - một cán bộ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương - nuôi dạy. Vốn có tư chất thông minh, lại ham học hỏi, thích đọc sách triết học, văn học, các tác giả như Balzac, Victor Huygo… nên người thanh niên này có kiến văn phong phú, sâu rộng hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Từ đó, Nguyễn Đình Lạp không chỉ biết định hướng đúng cho bản thân mà còn nuôi các em ăn học nên người giữa xã hội đầy rẫy những “cạm bẫy người”, những ổ lưu manh, những “thanh niên trụy lạc”,…
Do thích cuộc sống tự lập, phóng khoáng nên Nguyễn Đình Lạp đã rời ghế nhà trường với mảnh bằng tốt nghiệp trung học để đi làm báo, viết văn. Từ tập viết tin, tiến tới viết bài ngắn đăng báo, cho đến năm 1936-1937, bên cạnh việc viết phóng sự ngắn, hoạt tượng (Hà Nội… giao thừa, Đi ở,…) ông có một số phóng sự dài (có lúc ghi là Điều tra) đăng báo (Tiểu thuyết Thứ Năm, ích Hữu…) được nhiều người chú ý: Chợ phiên đi tới đâu? (1936), Từ ái tình đến hôn nhân (1937), Thanh niên trụy lạc (1937), Cường hào (1937 - 1938). Đầu những năm 1940, Nguyễn Đình Lạp được chú ý hơn khi cho xuất bản 2 cuốn tiểu thuyết Ngoại ô (viết năm 1940, XB 1941) và Ngõ hẻm (viết 1942, XB 1943)
Đến những năm tiền khởi nghĩa tháng 8, qua người bạn văn Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Lạp đã biết đến văn hóa cứu quốc. Từ đó, ông tham gia các hoạt động cách mạng và có mặt trong đoàn văn nghệ sĩ Nam tiến vào mặt trận Liên khu 5. Qua thực tế cuộc sống chiến đấu, ông đã viết được 2 phóng sự dài: Cảnh Dương chiến đấu và Thôn Lệ Sơn. (Do chiến tranh, không xuất bản được, nhưng đã in li tô, phổ biến trong quân đội). Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Đình Lạp vào quân đội, làm công tác văn hóa. Khi được điều về mặt trận Hà Nội, ông đã viết truyện Chiếc va ly trên chuyến tàu Amiotd’Inville (xuất bản năm 1951).
Dù là thể tài phóng sự hay điều tra thì với Nguyễn Đình Lạp đều là lao động “câu chữ” công phu và đầy tâm huyết. Để viết Tôi kéo xe, Tam Lang đã khoác bộ áo phu xe, để viết Cơm thày cơm cô, Vũ Trọng Phụng đã khoác bộ áo người đi ở, để viết Trong làng chạy, Trọng Lang đã khoác áo người lao động thất nghiệp… thì để có những Thanh niên trụy lạc, Từ ái tình đến hôn nhân…, Nguyễn Đình Lạp đã thâm nhập vào cuộc sống Hà Nội, qua “những đêm lang thang trên hè phố, bên tiệm nhảy, tiếng đàn và cốc rượu”, khi trở về với “nét mặt bơ phờ và nước da xanh mét”. Nhưng, ông vẫn giữ được bản tính thiện lương. Có chăng, chỉ là nỗi ân hận để người vợ trẻ, dịu hiền, xinh đẹp, hết lòng yêu thương chăm sóc chồng, phải thức thâu đêm mong ngóng, đợi chờ. Nhưng tiếng gọi của nghề nghiệp, của lương tâm đã khiến ông không thể làm khác, khi muốn những gì viết ra “nói hết được những điều mình muốn nói mà không bị cấm đoán”.
Ông từng tâm sự với vợ: “Một nhà văn lúc này không thể chỉ biết vợ và con, vì là nhà văn nên anh phải đi vào ngõ ngách của cuộc sống”. Và thật hạnh phúc khi có được một người vợ lí tưởng, có lúc giận hờn, nhưng vượt lên trên hết vẫn là sự thông cảm, hòa đồng. Chính người vợ hiền này đã nhiều đêm gần như thức trắng để chép lại bản thảo cho chồng. Sau này, người vợ (tức bà Bạch Liên) lại dày công sưu tầm, chắt chiu, chầm bập những trang sách, bài báo của người chồng quá cố, lo tái bản, lo phổ biến rộng rãi trong công chúng. Với tuổi ngoài 70, năm 1998, bà Bạch Liên đã viết và cho in cuốn hồi kí Làm vợ một nhà văn để nói lên cách sống, cách làm việc của Nguyễn Đình Lạp qua những kỉ niệm, những nỗi lòng, những tình cảm sâu lắng, xúc động, có phần thiêng liêng của một tình yêu nồng nàn, của nghĩa vợ chồng sâu nặng… Tập hồi kí nhỏ này đã cho chúng ta hiểu thêm, quý trọng hơn một nhân cách đẹp Nguyễn Đình Lạp.
Vì nhà văn chịu khó lăn lộn, tắm mình trong thực tế cuộc sống nên phóng sự Thanh niên trụy lạc hấp dẫn độc giả ở chất liệu sống đầy ắp, sinh động, tươi rói và hầu hết có số liệu cụ thể, xác thực, có sức tố cáo, lên án mạnh mẽ, như hồi chuông báo động với toàn xã hội, cảnh tỉnh một tầng lớp thanh niên đang đắm chìm trong trác táng, sa đọa, chỉ biết một chủ nghĩa khoái lạc, chỉ một ông thần “Sướng” mà sẵn sàng buông lơi cả lương tâm lẫn nhân cách, để rồi lao xuống vực thẳm, vào nơi tù đày. Và trong xã hội hôm nay, ý nghĩa của tiếng chuông này vẫn mang tính thời sự.
Đặc sắc của phóng sự Nguyễn Đình Lạp là giàu chất trí tuệ. Ông không chỉ giúp người đọc thấy được hiện tượng xã hội một cách cụ thể, sống động, phơi trần chân tướng tồi tệ, bệnh hoạn của một thời đại với những hậu quả, tác hại của nó mà thường trực tiếp phân tích, lí giải, tìm ra nguyên nhân xã hội của các hiện tượng. Như khi nói về một phụ nữ đã biến thành “một thứ hàng hóa” của khách làng chơi, ông có vẻ như bình thản, khách quan, nhưng ẩn chứa bên trong là cả một tâm tình, khi cho rằng: lúc sinh ra đời, người này cũng “ngây thơ, chất phác”, có khác là “sinh ở chốn nghèo hèn” nên bị người đời “tranh hết cả việc làm”, “cả cơm ăn” v.v…
Nguyễn Đình Lạp luôn tỏ ra vững vàng trong mổ xẻ, bình luận những hiện trạng xã hội, đôi lúc còn gây sự phẫn nộ cao, niềm cảm thương khi điểm xuyết vào đó những hình ảnh chọn lọc. Như một em gái 13, 14 tuổi, chỉ vì lo tiền mua thuốc cho bố ốm mà phải bán thân, tác giả dùng hình ảnh “một cơn gió thổi mạnh, một chiếc lá ném xuống con đường xi măng bóng nhoáng. Chiếc lá xoay mấy vòng, lăn lăn trên đường, rồi đuổi theo bóng người con gái nhòa dần trong đêm tối (Thanh niên trụy lạc).
Hoặc ông cũng nhìn ra sự thất vọng vì tình có thể đưa tới tự sát là do nhiều nguyên nhân: từ quan niệm trưởng giả về cuộc đời của các bậc phụ mẫu, đến pháp luật (dân luật, thiên thứ V, chương II), rồi sự ngộ nhận của chủ nghĩa lãng mạn, ảnh hưởng của màn ảnh, tiểu thuyết, thi ca, và cuối cùng là dư luận của công chúng (tất cả đều được phân tích kỹ). Đúng là, khi biết được nguyên nhân của một căn bệnh, người ta sẽ dễ tìm ra cách phòng bệnh và chữa bệnh.
Nguyễn Đình Lạp thành công trong phóng sự không chỉ do sự nhanh nhạy, sắc sảo của một nhà báo, sự nhuần nhuyễn của một nhà văn, sự vận dụng thành thạo phương pháp điều tra như một nhà xã hội học mà vượt lên trên còn do con mắt và tấm lòng của người cầm bút. Trong sáng tác của nhà văn không thấy có sự mỉa mai, giễu cợt, khinh miệt như ở một vài người khác. Chẳng hạn, Hà Nội lầm than của Trọng Lang tuy cũng có giá trị đáng kể, nhưng trong đó có lúc tác giả gọi gái thanh lâu là “mấy con bọ bùn sống trong đống rác” và “con lợn sề đang cười”.
Tuy thể loại phóng sự có những ưu thế riêng của nó, nhưng nhà văn vẫn chưa thỏa mãn khi muốn nói hết ý mình một cách bao quát hơn, sâu sắc hơn. Bởi ông cho rằng “Tiểu thuyết là một nghệ thuật rộng rãi và nhiệm mầu hơn phóng sự. Chỉ có tiểu thuyết mới có thể ghi nổi u uẩn sâu kín nhất của con người và những quan hệ vô cùng phức tạp, phiền phức của xã hội” (Bài giảng Muốn làm phóng sự của Nguyễn Đình Lạp).
Với quan niệm đó, năm 1941, ông viết Ngoại ô và 2 năm sau lại tiếp tục cho ra đời Ngõ hẻm (có thể coi là một bộ tiểu thuyết). Nếu như Nam Cao khai thác cuộc sống ở cái làng Vũ Đại thì Nguyễn Đình Lạp quay về với chính cái làng Bạch Mai - nơi ông sinh ra và lớn lên - để viết.
Nếu nói về tiểu thuyết viết về cuộc đời của người nông dân thì có thể kể ra hàng loạt cuốn tiêu biểu: Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bức đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng, Con trâu của Trần Tiêu… Về tiểu tư sản, có: Sống mòn của Nam Cao, Cuộc sống, Hơi thở tàn của Nguyên Hồng, Sống nhờ, Một thiếu niên của Mạnh Phú Tư… Nhưng về dân nghèo thành thị thì chỉ có Ngoại ô và Ngõ hẻm của Nguyễn Đình Lạp là sáng tác.
Từ những trang viết của nhà văn, cuộc sống lầm than, cay cực của những người lao động siêng năng và cam chịu, những người dân nghèo sống bấp bênh ở miền Vạn Thái, vùng Bạch Mai, thuộc Ô Cầu Dền (một khu vực ngoại ô của Hà Nội trước kia, nay là nội thành) đã hiện lên như một bức tranh đa sắc màu. Người dân ở đây sống giữa một bãi rác khổng lồ, nhơ nhớp của thành phố. Nơi ở của gia đình bác Vuông là một căn nhà lá giống như “một cái nón úp xuống mặt đất, khí trời và ánh sáng bên ngoài khó lòng mà vào được tận nơi, cũng như mùi ẩm mốc bên trong không bao giờ bay hết ra ngoài. ấy thế mà căn nhà này lại còn chia làm 3 gian cho 3 gia đình nương náu. Bên cạnh nhà là hồ nước “đen sì, đục ngầu” (Ngoại ô - tr.36). Ngay cái ngõ hẻm ở trước nhà Nhớn, những hôm sau trận mưa mà trời tối thì “nó sâu, nó nhầy nhụa, nó bẩn thỉu”, “nước ngập lên gần đầu gối và một thứ bùn khăn khẳn, nồng nặc đưa vào lỗ mũi” (Ngõ hẻm -tr11). Chỗ ở đã chui rúc, khốn khổ như vậy, đến việc làm ăn buôn bán cũng thật vất vả, cực nhọc, từ khâu làm hàng (giã giò chả, giã bánh dày)_ đến bán hàng, bất kể đêm hôm khuya khoắt, nóng bức, hay mưa gió rét mướt, vẫn phải mỏi mồm, rạc cẳng lê bước trên đường phố và còn những ngày hàng họ ế ẩm, không thu nổi vốn… Rồi từ chính sách bất thình lình của thực dân (cấm đem giò chả, thịt lợn vào bán ở nội thành) đến việc khám xét, bắt bớ những người vì sinh nhai mà phải làm ăn lén lút, đã khiến cho cuộc sống của những người dân nghèo lại càng bi đát hơn. Trong Ngoại ô, cảnh bác Vuông gái bị khám thịt lậu với những tiếng quát tháo, tiếng roi gân bò vun vút, tiếng cười khả ố của một kẻ có chút quyền trước một người đàn bà “mặt tái nhợt, mắt ướt nhòe” bị cởi hết quần áo và những “tiếng khóc nấc lên” nghe thật thảm thương! Đó là chưa kể biết bao lối sống, nếp nghĩ lạc hậu, mê tín, dị đoan, con đẻ của chủ nghĩa thực dân phong kiến đã nhấn chìm cuộc sống của những người dân nghèo trong màn đêm dày đặc. Cảnh đời của anh đồ tể Nhớn, Sẹo, bác phở Mỗ, bác thịt trâu, cô đầu Huệ v.v… đều quẩn quanh, bế tắc, mòn mỏi, chẳng khác gì cuộc sống của những người nông dân sau lũy tre thời bấy giờ. Kết thúc Ngoại ô là cảnh gia đình bác Vuông tan nát: vợ cả chết dịch, con gái lớn không chấp nhận cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt đã bỏ nhà đi theo người yêu, bản thân bác bị điên, phải vào nhà thương, để lại người vợ lẽ bụng mang dạ chửa với 2 đứa con gái nhỏ dại mà đứa bé nhất lại bị câm. Đến Ngõ hẻm, cuộc sống của gia đình đồ tể Nhớn và Khuyên (con gái bác Vuông) cũng vô vàn sóng gió, lận đận, lao đao. Kết thúc tác phẩm là cảnh vừa ở tù ra, Nhớn cảm thấy cuộc sống gia đình cũng “mong manh và bất trắc lắm” và thân mình “rồi đây cũng chỉ là một tàu lá trước cơn giông tố phũ phàng…”.
Đứng trước cái màn đêm ấy, bằng con mắt tin yêu con người và cuộc đời, nhà văn vẫn nhìn ra và trân trọng nâng niu khi gợi lên những cảnh ấm áp, những niềm vui nho nhỏ, đơn sơ, mộc mạc của người dân lao động ở vùng ngoại ô. Người đọc như hòa chung niềm vui khi họ bán hết hàng sớm, lúc xúm lại giúp nhau làm hàng tết, khi các cô gái Cầu Tre vừa hái rau, vừa nói cười rồn rã, rồi ngày Khuyên, Nhớn ăn mừng đầy tháng con,…
Nhà văn Nguyễn Đình Lạp không gây cho người đọc cảm giác bi quan, mất hết lòng tin vào con người, vào cuộc đời, bởi trong cuộc sống khó khăn, có lúc cũng xảy ra eo xèo, xô sát hoặc tị hiềm, tranh chấp, nhưng chủ yếu mọi người vẫn sống trong sự yêu thương, đùm bọc, lá lành đùm lá rách và nói chung là chan chứa tình người. Ngòi bút giàu lòng nhân ái của nhà văn nhiều khi còn khơi dậy, làm sáng lên những tình cảm tốt đẹp của nhân vật một cách tự nhiên, xúc động. Họ sẵn sàng giúp nhau trong lao động, khi túng thiếu, lúc khó khăn, bước hoạn nạn, thậm chí khi cần còn tự nguyện nhận tội thay cho người... v.v…
Tính nhân bản ở ngòi bút nhà văn còn thể hiện ở chỗ luôn nâng niu, gìn giữ để cho nhân vật mà mình cảm thông, chia sẻ khỏi lao xuống vực thẳm. Như chỉ cần quá đi một chút, Nhớn sẽ trở thành lưu manh, Khuyên sẽ phản bội chồng… Nhưng ở đây, cuối cùng, họ vẫn giữ được lương tâm trong sạch.
Một điểm nổi bật, có thể nói ít thấy ở những ngòi bút đương thời, là Nguyễn Đình Lạp có một nhân sinh quan mới mẻ, tiến bộ, từ đó soi rọi, nâng đỡ nhân vật. Rõ ràng, khi thể hiện nhân vật chính diện, những con người khốn khổ, giàu lòng vị tha thì nhà văn luôn trân trọng, mến thương. Nhưng khi viết về những đòn chính trị tàn ác, chà đạp lên nhân phẩm người dân bị trị hoặc những thủ đoạn đục khoét dã man, tàn bạo của bọn lí hào ở nông thôn, những kẻ dâm ô, hiểm độc, đê tiện thì nhà văn lại rạch ròi, dứt khoát trút lên đầu chúng sự khinh bỉ, căm ghét.
Nghệ thuật viết tiểu thuyết của Nguyễn Đình Lạp so với đương thời cũng có những điểm mới rất đáng kể. Như số lượng nhân vật nhiều, phát triển ở đa tuyến, mà vẫn có không ít nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc.     
Từ một cây bút viết phóng sự nhiều năm chuyển sang viết tiểu thuyết nên đôi khi Nguyễn Đình Lạp còn chú trọng tả việc hơn tả người và bố cục chưa được chặt chẽ lắm. Nhưng về cơ bản chúng tôi đồng tình với Thế Phong, một nhà nghiên cứu ở miền Nam về tiểu thuyết của Nguyễn Đình Lạp: “Xã hội tính trong văn linh động, tình tiết hấp dẫn, linh hoạt, cách diễn đạt thoát, chứng tỏ ông là nhà văn có tài, xứng đáng nổi tiếng ở tiền chiến”.
Vậy mà, ở miền Bắc trước đây, so với một số nhà văn hiện thực khác, Nguyễn Đình Lạp còn chưa được chú ý đúng mức. Các cuốn văn học sử, các sách nghiên cứu, các giáo trình đại học thường chỉ điểm qua 2 cuốn Ngoại ô và Ngõ hẻm, chứ chưa nghiên cứu kĩ và sâu, chưa viết về toàn bộ sự nghiệp của tác giả này. Đó không chỉ là một thiệt thòi cho nhà văn mà phần nào cũng làm cho bức tranh văn học sử nước nhà bị những nét mờ không đáng có. Điều này có thể do trước Cách mạng, những phóng sự của Nguyễn Đình Lạp chỉ mới đăng báo, chưa có điều kiện in thành sách nên chưa có tiếng vang mấy. Hai cuốn tiểu thuyết lại in ra vào thời kì 1940 - 1945, khi Nhật đã vào Đông Dương và không khí văn đàn không còn sôi nổi, nhộn nhịp như thời kì trước (1936 - 1939) nên ít được phê bình, giới thiệu, cũng dễ làm cho tác phẩm bị chìm đi. Mấy năm gần đây, Ngoại ô và Ngõ hẻm đã được tái bản, kể cả 2 phóng sự do bà Bạch Liên mới sưu tầm được (Thanh niên trụy lạc, Từ ái tình đến hôn nhân) và một vài tác phẩm ngắn khác của Nguyễn Đình Lạp cũng được in lại. Năm 1993, đã có cuộc hội thảo khoa học (nhân 80 năm sinh của nhà văn) về sự nghiệp văn chương của ông. Sau dịp này, cả trong Nam, ngoài Bắc có tới hơn một chục bài nghiên cứu về Nguyễn Đình Lạp đăng trên các báo và tạp chí. Đặc biệt, năm 2003, đã in được Nguyễn Đình Lạp - tác phẩm. (tập hợp những tác phẩm chính và mấy bài phê bình). Quả là thời gian đã trả lại sự công bằng cho nhà văn có tài năng và có tâm huyết.
Sống trong cái nôi truyền thống cách mạng của gia đình, bản thân lại giàu lòng nhân ái; yêu vợ, quý con, tình nghĩa với bạn bè, yêu thương đồng loại… tận tụy với công việc nên khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Đình Lạp hăng hái tham gia công tác của chính quyền mới. Ông vào quân đội, làm công tác văn hóa. Là người không ngại khó khăn gian khổ, nhất là biết vượt lên trên những nỗi niềm riêng tư, cho dù “mỗi lần đi, thấy thương em và các con vô cùng” (Nhật kí của Nguyễn Đình Lạp) để cống hiến sức lực mình cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Do bận nhiều công việc, trong kháng chiến, ông chỉ viết được có 2 phóng sự: Thôn Lệ Sơn, Làng Cảnh Dương (chưa xuất bản) và chuyện Chiếc va ly (9) nói về chiến công vẻ vang của nữ biệt động dũng cảm Nguyễn Thị Lộc dám hi sinh thân mình để đánh đắm chiếc thông báo hạm tối tân của Pháp (Amyot d’ Inville A07- trong đó có chừng 200 tên, cả sĩ quan và lính Pháp). Trong Lời tựa cuốn sách có đoạn viết: “Bạn Nguyễn Đình Lạp có may mắn theo dõi các nhân vật từ lúc mới hoạt động nên đưa nghệ thuật mình lên trình độ khúc triết, tường tận mà một kẻ đứng ngoài và xa thực tế, quan niệm mọi điều qua sức tưởng tượng không thể nào vươn tới được. Nhưng, có lẽ về phương diện này, tác phẩm của bạn Lạp không cần ai bảo lĩnh, vì giàn giụa ánh sáng của sự thật…”.
Đang độ tuổi sung sức (39 tuổi) với biết bao ấp ủ, dự định cho ngày mai thì tiếc thay Nguyễn Đình Lạp bị một trận sốt rét ác tính quật ngã (24-5-1952). Ngay trong những ngày chiến tranh gian khổ, ác liệt, bệnh tình trầm trọng mà nhà văn vẫn tràn đầy lạc quan và tin tưởng. Trong nhật kí, sau khi bộc lộ nỗi niềm mong nhớ, khát khao đến cháy bỏng, thầm gọi người vợ yêu của mình: “Giá có em, em ơi!” thì ở dòng chữ cuối cùng, nét chữ đã run run ông vẫn viết “Đời có vui và tin tưởng”.
Một tài năng và một tấm lòng như thế, nếu chưa vội đi xa, Nguyễn Đình Lạp, một nhà văn chiến sĩ, một nhà văn của Hà Nội đã từng có những đóng góp riêng rất đặc sắc thì chắc hẳn còn có những cống hiến lớn lao hơn nữa cho nền văn học Việt Nam trong giai đoạn hiện đại.
Lê Thị Đức Hạnh
Nguồn vanvn.net
Theo http://trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...