- Đinh Bá Anh: Tôi thừa nhận
hai điểm yếu của mình trong bài viết này. Thứ nhất, do không đọc được chữ Hán
và Kim Vân Kiều Truyện bằng nguyên bản, tôi không thể có cảm nhận trực tiếp về
bản gốc mà phải dựa hoàn toàn vào bản dịch. Thứ hai, dù đọc Truyện Kiều rất nhiều
lần, tôi vẫn phải thừa nhận rằng ngôn ngữ của Nguyễn Du đã quá xa so với tiếng
Việt của ngày hôm nay; có những chỗ tra cứu thì hiểu nghĩa, nhưng lại không cảm
nhận được một cách rõ ràng về sắc thái. Hai điểm yếu này buộc tôi phải coi những
luận điểm trong bài viết này như những giả thuyết chứ chưa phải kết luận, dù
đôi chỗ, do cách trình bày, chúng có thể gây cho bạn đọc cảm giác như vậy.
"Văn chương là tấc lòng
gửi tới thiên thu vậy”. Lưu Hiệp.
Hồi bé tôi đọc Kiều và nhân
vật tôi thích nhất là Vương Thúy Kiều - vì nàng đẹp và tài hoa. Tôi cũng tin
vào sự diễn giải của các thầy cô giáo hồi đó, rằng Kiều là nhân vật được Nguyễn
Du kí gửi nhiều tâm sự nhất, rằng Nguyễn Du đã mượn cuộc đời nàng để nói lên nỗi
lòng của ông về thời thế, nhân tình. Nhưng theo thời gian, tôi tự hỏi, sao lại
là Thúy Kiều? Tại sao một trí thức như Nguyễn Du lại tìm thấy hóa thân của mình
trong một cô gái mười lăm tuổi? Đã đànhmĩ nhân dậy thì là niềm cảm hứng khó diễn
tả của không ít nhà văn nam - chuyện này vốn không có gì lạ và mới - nhưng các
nàng thường chỉ là đối tượng gây cảm hứng, là căn cớ của nỗi niềm, chứ không phải
hóa thân của họ. Cũng như Eva là đối tượng gây cảm hứng và gieo tội lỗi cho
Adam, nhưng Adam mới là hóa thân của Thượng đế; Gretchen là đối tượng gây cảm hứng
cho Faust, nhưng Faust mới là hóa thân của Goethe; Lolita là đối tượng gây cảm
hứng cho Humbert Humbert, nhưng Humbert Humbert mới là hóa thân của Nabokov;
Lâm Đại Ngọc là nỗi đam mê không bao giờ với tới được của Giả Bảo Ngọc, nhưng
chính Giả Bảo Ngọc mới là người được Tào Tuyết Cần kí gửi tâm sự. Qui luật tâm
lívốn phổ biến như vậy, cớ gì Nguyễn Du lại ngược đời hơncác vị kia, lại tìm thấy
hóa thân của mình trong Thúy Kiều chứ không phải trong một nhân vật nam nào
khác?
Trong Đoạn trường tân thanh
có một nhân vật gây cảm giác mờ nhạt, ít được phân tích,và chưa bao giờ được
đánh giá đúng, đó là nhân vật nam chính: Kim Trọng. Nhưng theo thời gian, càng
ngày tôi càng nhận ra rằng, không phải Thúy Kiều, mà Kim Trọng mới là nhân vật
văn chương"ruột"của Nguyễn Du. Kim Trọng mới là nhân vật khó xây dựng
nhất, được dụng công nhiều nhất, và những trường đoạn có Kim Trọng mới là những
trường đoạn trừu tượng, sâu thẳm,đau đớn và bí ẩn nhất trong Đoạn trường tân
thanh.
Kì thực, Kim Trọng là một
nhân vật không thể nắm bắt. Xét về tính cách, ông không có nét gì nổi bật.
Ôngkhông ác như Mã Giám Sinh, không đểu như Sở Khanh, không đa tình như Thúc
Sinh, không anh hùng như Từ Hải, không gian hùng như Hồ Tôn Hiến. Tất cả các
nhân vật kia đều có một nét gì đó khác thường, trong khi Kim Trọng lại bình thường.
Miêu tả cái khác thường thực ra không khó, và quả thực, một văn tài như Nguyễn
Du chỉ cần phẩy vài nét là ra Sở Khanh hay Từ Hải. Do vậy, khen Nguyễn Du tài khi
miêu tả Sở Khanh hay Từ Hải, Tú bà hay Hoạn thư, thì tuy đúng, nhưng tài thế
chưa phải tài lớn. Cái tài lớn nhất của Nguyễn Du là tài miêu tả Kim Trọng.
Kim Trọng là nhân vật phức tạp
nhất.Trong Truyện Kiều, có ba nhân vật là nho sinh: Vương Quan, Thúc Sinh và
Kim Trọng, trong đó Vương Quan là một nhân vật phụ, chỉ có vai trò làm nền, còn
Thúc Sinh là một anh chủ cửa hàng, ăn chơi, nhu nhược; duy có Kim Trọng được kể
là người trí thức. Ông là người duy nhất đọc nhiều sách, có học vấn và văn bằng
cao, vượt lên tất cả các nhân vật khác về tầm vóc, trí tuệ. Tất cả các nhân vật
khác đều chỉ là những con rối giản đơn, mỗi con được lập trình để múa vài động
tácđơn điệu theo tính cách thô sơ của chúng, trong khi Kim Trọng thì khác: ông
là một con người, đầy mâu thuẫn, phức tạp. Chúng ta đều dễ dàng hình dung ra
khuôn mặt của Mã Giám Sinh hay Từ Hải - một tên tội phạm mày râu nhẵn nhụi, một
người anh hùng hàm én mày ngài - nhưng chúng ta không bao giờ có thể hình dung
ra khuôn mặt Kim Trọng.
Thế nhưng đoạn thơ miêu tả
Kim Trọng lại là đoạn thơ miêu tả nhân vật dài nhất trong Truyện Kiều. Chúng ta
hãy cùng đọc một lần, thật chậm rãi:
Dùng dằng nửa ở nửa về,
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe
gần gần.
Trông chừng thấy một văn
nhân
Lỏng buông tay khấu bước lần
dặm băng.
Đề huề lưng túi gió trăng,
Sau chân theo một vài thằng
con con.
Tuyết in sắc ngựa câu giòn,
Cỏ pha màu áo nhuộm non da
trời,
Nẻo xa mới tỏ mặt người,
Khách đà xuống ngựa tới nơi
tự tình.
Hài văn lần bước dặm xanh,
Một vùng như thể cây quỳnh
cành dao.
Chàng Vương quen mặt ra
chào,
Hai kiều e lệ nép vào dưới
hoa.
Nguyên người quanh quất đâu
xa,
Họ Kim tên Trọng vốn nhà
trâm anh.
Nền phú hậu bậc tài danh,
Văn chương nết đất thông
minh tính trời.
Phong tư tài mạo tót vời,
Vào trong phong nhã ra ngoài
hào hoa....
Người quốc sắc kẻ thiên tài,
Tình trong như đã mặt ngoài
còn e.
Chúng ta thấy gì? Một đoạn
thơ lê thê, không có câu nào gây ấn tượng? Kim Trọng được miêu tả từ xa đến gần.
Từ tay, lưng, chân, áo, giày. Từ cưỡi ngựa, xuống ngựa, đi, đứng. Không có nhân
vật nào trong Truyện Kiều được dành cho một đoạn miêu tả dài đến thế, mà rốt cuộc
người đọc vẫn thấy bối rối, vẫn không thể hình dung ra khuôn mặt, tính cách
nhân vật. Chúng ta có cảm nhận về sự sáo rỗng? Dường như là có. Có cái gì đó cứ
bị đẩy vốnglên, phóng to ra: nhà trâm anh, nền phú hậu, bậc tài danh, văn
chương nết đất, thông minh tính trời, tài mạo tót vời, phong nhã, hào hoa,
thiên tài… nhưng ta vẫn thấy thiếu một cái gì đó, thiếu một nét mày, một sắc mặt,
một cái gì đó có thực để ta tin được. Chúng ta có cảm nhận được sự châm biếm
kín đáo trong đoạn thơ đó không? Dường như cũng có. Những câu chữ như "đề
huề lưng túi gió trăng", "nguyên người quanh quất đâu xa",
"phong tư tài mạo tót vời", "gặp tuần đố lá thỏa lòng tìm
hoa"… dường như không đơn nghĩa. Đó là một cảm nhậngây khó chịu, vì thực
ra - khác hẳn ở những đoạn miêu tả các nhân vật khác – ta không thể xác quyết
được thâm ý của Nguyễn Du. Ta không thể biết chắc chắn Nguyễn Du muốn nói gì.
Nhưng bây giờ, ta hãy thử đọc
Kim Trọng trong một tinh thần mới. Ta hãy không nhìn Kim Trọng như một nhân vật
chính diện cổ điển, một chính nhân quân tử đơn thuần nữa. Ta hãy nhìn ôngnhư một
con người – theo nghĩa hiện đại, và ta hãy thử diễn giải đoạn thơ trong tinh thần
mới đó.
Ta sẽ thấy, đoạn thơ trên là
một trong những đoạn thơ đầy ẩn ý kín đáo. Nó bắt đầu bằng một trạng thái
"trông chừng", một trạng thái lưỡng lự, một trạng thái không rõ ràng,
một trạng thái thiếu xác quyết. Đó là trạng thái căn bản của Kim Trọng, và đó
cũng là trạng thái căn bản của con người. Kim Trọng có phải một người xấu
không? Dĩ nhiên là không. (Nếu Kim Trọng là người xấu thì việc miêu tả ôngđã rất
dễ.) Nhưng Kim Trọng có phải một người tốt không? Đó là câu hỏi để ngỏ. Đoạn thơ
có gì đó sao sáo, mai mỉa, nhưng dường như lại không phải thế, bởi nếu Nguyễn
Du miêu tả bằng một nét nào đó để người đọc nhận ra ngay là ông có ý châm biếm,
thì Kim Trọng sẽbị tiếp nhận như một nhân vật phản diện – mà thế thì lộ liễu
quá, và hiển nhiên đó không phải dụng ý của Nguyễn Du.
Kim Trọng vẫn là nhân vật
chính diện. Ông không xấu. Ôngkhông làm gì sai. Tất cả những gì ông làm đều hợp
lí, đều phải đạo. Bí mật lớn nhất của ông – đây trước hết là cái tài dựng chuyện
của Thanh Tâm Tài Nhân, mà Nguyễn Du hẳn phải nhận ra – là ôngluôn
được đặt vào những tình huống không phải hành động. Tất cả các nhân vật khác đều
bị xô đẩy đến những hoàn cảnh buộc phải đưa ra quyết định, buộc phải hành động,
buộc phải chấp nhận sự phán xét đạo đức: xấu tốt, hay dở, đúng sai, phải trái.
Thúy Kiều buộc phải bán mình để có tiền cứu cha. Nàng chấp nhận hi sinh hạnh
phúc cá nhân để giữ đạo hiếu, điều mà theo nàng là một việc phải làm, và hành động
của nàng được xã hội phán xét là hợp đạo lí. Mã Giám Sinh, Sở Khanh là những kẻ
sống bằng nghề buôn người, lừa đảo, họ làm việc theo hợp đồng của Tú bà, họ chấp
nhận bị phán xét là kẻ xấu. Thúc Sinh đa tình mà sợ vợ, nên khi phải lựa chọn
đã chấp nhận giữ vợ, phụ tình, cũng là một lựa chọn tai tiếng. Từ Hải anh hùng,
một phút sa cơ mà phải chết đứng vì hận. Hồ Tôn Hiến gian hùng, phút say rượu
có chút mềm lòng trước nhan sắc của Kiều, nhưng tỉnh dậy đã mau chóng sửa chữa.
Tất cả họ đều là những con người hành động,bị xô đẩy đến hành động, và phải chấp
nhận cái giá (đạo lí) của hành động. Riêng Kim Trọng thì không. Ông nằm ngoài
các biến cố. Khi Kiều phải bán mình chuộc cha thì ông đang ở quê chịu tang – một
lí do hết sức chính đáng, không ai trách ôngđược. Nhưng cứ giả sử lúc đó ôngở
đó, thì ôngcó thể làm gì?Thanh Tâm Tài Nhân đã có câu trả lời rất rõ ràng, tôi
sẽ phân tích kĩ ở bên dưới. Nhưng Nguyễn Du thì dứt khoát không cho chúng ta
câu trả lời. Chúng ta chỉ biết, theo một cách kì lạ nào đó, Kim Trọngluôn tránh
được những tình huống khó xử, những tình huống có thể khiến ôngmất mặt. Danh dự
của ông không bao giờ bị thách thức. Kim Trọng có hèn không? Chúng ta có cảm
giác là ônghèn, nhưng bằng chứng đâu? Ônghèn khi nào? Không khi nào cả. Ôngluôn
hành động hợp đạo lí, tùy thời, tùy cảnh. Khi trở lại, biết Kiều phải bán mình,
ôngcũng đau khổ (Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê) – thì đó cũng là một biểu
hiện tình cảm bình thường. Rồi ôngđi tìm Thúy Kiều khắp nơi – cũng
là một hành động bình thường. Và khi không tìm được Kiều, mà đã đến tuổi lấy vợ,
nghe mọi người khuyên nên lấy Thúy Vân, ôngcũng thấy thế là hợp lí. (Đương nhiên!
Không lẽ ôngsống độc thân, và để Thúy Vân – vốn được Kiều ủy thác mối tâm duyên
– trở thành bà cô già?). Rồi khi đỗ đạt, làm quan, đúng lúc quân phản loạn (Từ
Hải) bị dẹp, trời yên, biển lặng, tìm lại được Thúy Kiều, ông cũng vì tình mà
muốn nối lại duyên cũ, song khi thấy Kiều gạt đi thì ông cũng thấy thế là phải.
Có thể thấy, Kim Trọng không bao giờ hành động tự thân, hành động theo một chủ
định có sẵn, mà luôn hành động theo tình huống, tùy phản ứng của người khác mà
nương theo, thấy sự việc có vẻ hợp lí thì thôi, chứ không cố đẩy sự việc theo một
hướng nào đó. Như vậy, thực tế là ông không hành động.
Những nét miêu tả trên đây về
Kim Trọng là những nét thô sơ. Nó mang lại cảm nhận rằng Kim Trọng là một nhân
vật tự thân nhu nhược, vừa yếu về tính cách, vừa không có tài cán gì.Nhưng nếu
chỉ có vậy thôi thì Kim Trọng có khác gì các nhân vật thô sơ khác như Sở Khanh
hay Từ Hải, cũng chỉ là những tính cáchnghèo nàn, đơn điệu, chứ sao lại là một
nhân vật văn chương lớn được? Kim Trọng của Nguyễn Du, dĩ nhiên, không đơn giản
như vậy. Nếu Thúy Kiều là con người của bản năng, con người dấn thân, con người
trải nghiệmvà cất lên tiếng nói từ những trải nghiệm của mình, thì Kim Trọng –
một đối trọng của Thúy Kiều – là con người của lí trí, con người khách quan,
con người quan sát và bình luận. Đó là vị trí của Kim Trọng trong Đoạn trường
tân thanh, vị trí của người trí thức trong xã hội tôn sùng quyền lực, một vị
trí dễ gây cảm giác nhẫn nhục, nhưng vẫn là một vị trí mà những phân tích bên
dưới sẽ chỉ ra rằng theo Nguyễn Du là tuyệt đối cần thiết, để xã hội không bị
rơi về trạng thái mọi rợ. Vị trí của Kim Trọng trong Đoạn trường tân thanh
chính là vị trí của nho sĩ Nguyễn Du trong xã hội đương thời, vàđó là lí do tôi
nói rằng, Kim Trọng mới là hóa thân của Nguyễn Du, là nhân vật được ông trao gửi
những tâm sự thầm kín nhất.
Kim Trọng của Nguyễn Du
trong Đoạn trường tân thanh được thể hiện ở hai bình diện. Thứ nhất là ở bình
diện nhân chứng, bình diện người quan sát. Trái với Kiều, bản thân Kim Trọng
không phải tự mình trải qua những biến cố đau khổ, nhưng ông là người phải chứng
kiến, nhìn thấy, nghe thấy. Người trải nghiệm nỗi khổ thì khổ, đã đành, nhưng
người phải chứng kiến người thân yêu chịu khổmà không làm gì được thì sao? Đối
với Nguyễn Du, câu trả lời dứt khoát như sau:
Nỗi nàng tai nạn đã đầy,
Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy
mới thương.
Vì sao lại "mới
thương"? Vì phải về Liêu Dương chịu tang chú, hay vì phải chia tay người
yêu? Tất nhiên là không, mấy việc đó thì có gì mà đáng thương. Mà bởi vì trông
thấy nỗi đau của người khác.
Đó là hai câu thơ không có ẩn
ý, hai câu thơ đơn nghĩa, nhưng vẫn là hai câu thơ kì lạ bởi tính quyết đoán của
nó: Kim Trọng đáng thương hơn!(Đến đây, chúng ta hãy nhớ lại câu thơ thứ tư
trong Truyện Kiều: "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. – Đau
lòng vì trông thấy nỗi khổ.)
Để làm rõ chủ ý của Nguyễn
Du trong việc biến Kim Trọng trở thành con người quan sát, con người đứng bên
ngoài sự kiện, ta cần một nghiên cứu so sánh văn bản giữa Kim Trọng của Thanh
Tâm Tài Nhân với Kim Trọng của Nguyễn Du, bởi nhận định mà không căn cứ trên
văn bản thì chỉ là nhận định võ đoán. Tuy nhiên, việc đưa một phân tích văn bản
chi tiết vào đây sẽ làm phá vỡ bố cục bài viết, nên tôi chỉ giới hạn ở những nhận
định tổng quát và chứng minh bằng vài ví dụ.
Đọc đối chiếu Đoạn trường
tân thanh của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, ta thấy
rằng, về cơ bản, Nguyễn Du bám sát cốt truyện gốc. Dĩ nhiên ông có lược đi, rút
gọn hoặc thay đổi những chi tiết. Việc tìm kiểu kĩ các chi tiết bị thay đổi này
có thể cho chúng ta có một hình dung xác thực hơn về sáng tạo của Nguyễn Du.
Chính ở điểm này, tôi có thể nói rằng,trong khi ở các nhân vật khác, việc chỉnh
sửa chi tiết không làm thay đổi bản chất nhân vật, thì riêng ở Kim Trọng, Nguyễn
Du đã tạo ra một nhân vật khác về chấtso với nhân vật của Tài Nhân.
Trong Kim Vân Kiều truyện của
Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Trọng được khắc họa như một chính diện quân tử, một Kim
Thiên Lítự tin, mạnh mẽ, thậm chí còn có đôi nét macho. Ông là đại diện cho lớp
người được tôn trọng nhất trong xã hội Nho giáo, những người không chỉ tự tin rằng
mình nắm giữ lương tri và tri thức, mà đồng thời còn luôn sẵn dũng khí và sức mạnh
để "thế thiên hành đạo". Kim Trọng của Tài Nhân luôn biết mình muốn
gì, và luôn chủ động hành động để đạt được mục đích. Thế nhưng trong Đoạn Trường
tân thanh của Nguyễn Du, tất cả những nét mạnh mẽ, quyết đoán đó của Kim Trọng
đều bị tước đi, thay vào đó là những phản ứng tình huống, bị động.Kim Trọngcủa
Tài Nhân được miêu tả với những nét khá cụ thể: "…một người học trò con
nhà giàu họ Kim tên Trọng, tự là Thiên Lí, sinh ra trạng mạo giống Phan An, văn
tài ngang Tử Kiến, tổi trạc đôi mươi,…", và khi lần đầu gặp Thúy Kiều và
Thúy Vân, thấy hai nàng đều xinh đẹp, Kim Trọng đã thề với lòng: "…Mình mà
không được hai nàng này làm vợ thì suốt đời sẽ chẳng lấy ai”.(Ngay khi gặp lần
đầu, Kim Trọng đã muốn lấy cả hai nàng làm vợ! – một ý muốn đầy nam tính và
không sai trái theo đạo đức Nho giáo.) Sau những ngày dài mơ tưởng, đến khi gặp
Thúy Kiều lần hai, vừa hấp tấp chui qua lỗ hổng để sang nhà nàng, Kim Trọng đã
vội"bước lại ôm chầm lấy Thúy Kiều" (chi tiết này bị Nguyễn Du cắt bỏ).
Tất cả những chi tiết, tuy có suồng sã, nhưngmạnh mẽ trong hành động của Kim Trọng
đều bị Nguyễn Du chủ ý tước đi, thay vào đó là những cử chỉ, lời nói cao nhã,
khiêm cung, yếm thế. Kim Trọng của Tài Nhân không chỉ là người có dung mạo đẹp,
kiến thức thâm hậu ("trạng mạo giống Phan An, văn tài ngang Tử Kiến"),mà
còn là người cưỡi ngựa, đeo kiếm. Chi tiết Kim Trọng dùng"thiết như
ý" luôn mang sẵn bên người để khoét tường sang nhà Thúy Kiều, một chi tiết
tuy nhỏ nhưng cũng đủ làm nên chân dung "văn võ" của Kim Trọng, cũng
bị Nguyễn Du cắt bỏ.
Ở trên tôi đã đặt ra câu hỏi,
giả sử Kim Trọng có mặt lúc Thúy Kiều gặp gia biến thì ông có thể làm gì? Tài
Nhân đã có câu trả lời rõ ràng và mạnh mẽ trong một đoạndài ở hồi thứ tư (trong
số 20 hồi) của Kim Vân Kiều Truyện, nhưng cả đoạn nàyđã bị Nguyễn Du bỏ hẳn.Đó
là đoạn đêm trước Kiều chuẩn bị kí giấy bán mình, nàng đã nằm mơ thấy Kim Trọng
hiện ra cứu nàng. Trong giấc mơ đó, Kim Trọng mang phong thái của một vị cứu
tinh quả cảm. Nghe kể chuyện gia đình Kiều gặp nạn, chàng nói: "… số tiền
ba trăm lạng tôi xin xuất hộ, không việc gì phải theo đi với người phương
xa". Rồi,"nói xong, lấy ngay số bạc đặt lên bàn". Quả là phong độ
của một trang thiếu hiệp con nhà giàu! Ngay sau đó, vẫn trong giấc mơ, Kim Kiều
"làm lễ thành hôn,… đưa vào động phòng".
"… Bỗng thấy người xem
mặt ấy [người của Mã Giám Sinh] chỉ huy bọn hung đồ xông vào tận phòng bắt Thúy
Kiều đem đi. Phía sau Kim Trọng đem người đuổi theo. Người ấy đẩy Thúy Kiều lên
lưng ngựa, rồi giơ roi hét lớn. Ngựa chạy như bay, dần dần không thấy bóng người.
Thúy Kiều bụng bảo dạ: ‚Ngựa chạy thế này, chàng Kim đuổi sao kịp. Ta phải nắm
lấy một vật gì, nhảy xuống đợi chàng‘. Liền giơ tay túm lấy một cành cây, giữ
chặt không buông. Con ngựa thoát ra chạy miết. Thúy Kiều vừa toan nhảy, nhưng
nhìn xuống, thì dưới đất không phải chỗ đất bằng, mà là một hố lửa rất lớn,
khói bốc ùn ùn, lửa bay ngùn ngụt, lửa bốc lên cháy cả thân cây. Thúy Kiều sợ
hãi, mất cả hồn vía. Bỗng trên cây có một khối lửa to bằng cái đầu, nhằm thẳng
mặt Thúy Kiều văng vào. Thúy Kiều hét lên một tiếng lớn: ‚Tôi chết cháy mất
thôi!‘ Giật mình tỉnh dậy, thì là một giấc mộng. Chỉ thấy một ngọn đèn hiu hắt,
nước mắt chảy quanh, chẳng thấy Kim Trọng đâu cả, chỉ có Thúy Vân nằm bên
mình…"
Ta phải đặt ra câu hỏi: Tại
sao Nguyễn Du cắt đi cả một đoạn văn dài đó? Cắt đi cả một giấc mơ trong số những
giấc mơ quan trọng của Thúy Kiều? Nếu xem xét kĩ, ta thấy đây là một việc cự
kìbất thường. Ta biết Nguyễn Du đã lược hai đoạn dài trong Kim Vân Kiều Truyện,
là đoạn Tú bà dạy Kiều nghệ thuật lầu xanh và đoạn Kiều báo ân báo oán;rồi đoạn
Thúy Kiều mặc cả bán thân, hay một số đoạn dài dòng khác cũng bị ông lược đi.
Ta hiểu tại sao ông làm thế. Nhưng ở những đoạn đó, Nguyễn Du cũng chỉ lược, rồi
tóm tắt lại trong một hai câu, chứ không bỏ hẳn, bởi nếu bỏ hẳn thì câu chuyện
sẽ bị đứt đoạn. Vậy tại sao Nguyễn Du lại cắt đi hẳn một đoạn dài miêu tả giấc
mơ của Thúy Kiều, trong đó nàng mong Kim Trọng hiện ra cứu mình? Xét về mạch diễn
biến tâm lí thì điều này lại càng bất thường. Ngay cả trong những bộ phim tâm
lí xuất sắc hôm nay thì cảnh người gặp nạn, khi đến bước đường cùng, không biết
bấu víu vào đâu, mơ thấy cứu tinh hiện ra vẫn thường được đạo diễn sử dụng, và
vẫn luôn gây được hiệu ứng cho người xem. Trong Kim Vân Kiều Truyện cũng có nhiều
giấc mơ, ví như những giấc mơ Thúy Kiều gặp Đạm Tiên hay Giác Duyên. Giấc mơ Kiều
gặp Kim Trọng cũng rất có ý, một mặt, nó vừa phản ánh tâm lí của một cô gái gặp
bước hoạn nạn, mong người yêu hiện ra cứu mình, mặt khác, do giấc mơ bị dập tắt
phũ phàng, nó khiến Kiều càng thêm tin vào định mệnh rằng kiếp này nàng không
thể sống được với Kim Trọng. Một chi tiết quan trọng hơn nữa trong giấc mơ đó
là cảnh hai người "làm lễ thành hôn,… động phòng", đây thậm chí có thể
coi là một chi tiết chìa khóa trong câu chuyện. Ta hiểu rằng, cái quan trọng nhất
đối với Thúy Kiều sau chữ hiếu là chữ trinh, bởi vậy, Tài Nhân đã cho nàng cơ hội
trao chữ trinh cho Kim Trọng. Cho dù việc trao gửi đó chỉ diễn ra trong giấc
mơ, nhưng ta phải hiểu rằng, đối với Thúy Kiều thì nó là "thật". Cái
chữ trinh – giá trị nhân phẩm cao nhất, biểu tượng ẩn dụ cho tâm hồn nàng, nàng
đã trao cho Kim Trọng rồi, giờ chỉ còn cái xác phàm, nàng có thể phó mặc cho Mã
Giám Sinh. Việc Nguyễn Du cắt hẳn đoạn văn này của Thanh Tâm Tài Nhân, ngoài việc
khiến tác phẩm bị đứt đoạn (mất đi một chi tiết có tính mắt xích tâm lý quan trọng
bậc nhất: lí do khiến Kiều cảm thấy được an ủi cho quyết định bán mình), nó còn
tạo ra một cáo trạng (gián tiếp) cho sự bất tài vô dụng của Kim Trọng. Đây cũng
là một đoạn văn kịch tính, miêu tả một cảnh chia li đau đớn trong mộng mà Nguyễn
Du hoàn toàn có thể dùng văn tài của mình để viết ra vài chục câu thơ diễm lệ.
Nhưng, bất chấp các lí do đó, tại sao Nguyễn Du làm vậy? Ta chỉ có thể giải
thích rằng, nó nằm trong cả một chiến lược: Tước bỏ hoàn toàn khả năng hành động
của Kim Trọng, ngay cả trong giấc mơ của Thúy Kiều!
Thay vào đó, ông đẩy màn mở
đầu cho đoạn đời lưu lạc của Thúy Kiều đến độ khốc liệt trong hai câu thơ có
tính bước ngoặt trong tác phẩm:
"Đùng đùng gió giục mây
vần,
Một xe trong cõi hồng trần
như bay”.
Ta phải đọc kĩ Thanh Tâm Tài
Nhân mới hiểu được tại sao Nguyễn Du lại có hai câu thơ đó. Theo diễn biến câu
chuyện thì đó là hai câu thơ tương ứng với cảnh Thúy Kiều chia tay gia đình,
cùng Mã Giám Sinh khởi hành về Lâm Thanh (thực ra là Lâm Tri), một cảnh ở cuối
hồi bảy, đầu hồi tám trong Kim Vân Kiều Truyện. Đoạn này tôi cũng xin trích dẫn
dài một chút:
"… Cha con Chung Sự kiếu
từ về trước. Còn gia đình họ Vương lại theo tiễn thêm một đoạn đường nữa đến tận
mười dặm trường đình. Hai bên quấn quít không nỡ rời nhau. Mã Quy nói: - Trời
đã muộn rồi, các người về đi thôi! Gái xuất giá, theo mãi làm gì như thế.
Vương Viên ngoại nói:- Ông
Mã ơi! Tiểu nữ đây hoàn toàn trông cậy ông chiếu cố. Ái ngại cho em nó xa lìa
cha mẹ, tứ cố vô thân, sao cho được thân yên cảnh thuận, thì già này sống chết
ngậm vành kết cỏ, sẽ không bao giờ dám quên đức lớn.
Nói đến chỗ thương tâm, bất
giác lệ tuôn như xối. Mã Quy thấy họ quyến luyến mãi, sợ xảy ra việc biến gì,
nên phải vội vàng phát thệ:- Nếu mã tôi khinh rẻ con gái ông bà, thề sẽ bị cướp
phanh thây xẻ xác. Hôm nay khởi hành, nên để cho tôi đi đường được thuận lợi, đừng
có trở ngại.
Thúy Kiều nói:- Cha mẹ và em
về đi thôi!
Bọn Vương Viên ngoại chẳng
biết làm thế nào, đành phải nín khóc yên ủi mấy lời, rồi chia tay từ biệt. [Xin
xem tiếp hồi sau phân giải.]
Lại nói, vợ chồng cha con
Vương Viên ngoại đứng sững trông theo hồi lâu, mãi đến khi không còn thấy hút
đâu nữa, mới khóc một chập, rồi bất đắc dĩ phải cùng nhau quay về.
Mã Quy từ biệt vợ chồng
Vương Viên ngoại rồi, liền bảo bọn phu xe đi mau. Dọc đường đói ăn khát uống,
đêm ngủ ngày đi, chừng mấy bữa đã tới địa giới Lâm Thanh…"
Đoạn văn đó đi vào thơ Nguyễn
Du như sau:
Vài tuần chưa cạn chén
khuyên,
Mái ngoài nghỉ đã giục liền
ruổi xe.
Xót con lòng nặng chề chề,
Trước yên ông đã nằn nì thấp
cao:
Chút thân yếu liễu thơ đào,
Dớp nhà đến nỗi dấn vào tôi
ngươi
Từ đây góc bể bên trời,
Nắng mưa thui thủi quê người
một thân,
Nghìn tầm nhờ bóng tùng
quân,
Tuyết sương che chở cho thân
cát đằng.
Cạn lời khách mới thưa rằng:
Buộc chân thôi cũng xích thằng
nhiệm trao.
Mai sau dầu đến thế nào,
Kìa gương nhật nguyệt nọ dao
quỷ thần!
Đùng đùng gió giục mây vần,
Một xe trong cõi hồng trần
như bay.
Trông vời gạt lệ chia tay,
Góc trời thăm thẳm ngày ngày
đăm đăm.
Trong đoạn thơ trên, Nguyễn
Du đã bám sát diễn biến câu chuyện (và bám sát ý) của Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng
hai câu thơ "Đùng đùng gió giục mây vần / Một xe trong cõi hồng trần như
bay" lại được ông lấy ý từ đoạn văn bị cắt bỏ ở hồi bốn của bản gốc! Nghĩa
là ở đây đã có một sự hoán chuyển rất tinh vi: Cảnh chia li đau đớn, khốc liệt,
cảnh đẩy Kiều (xét ở bình diện tâm lí) vào chốn đoạn trường, vốn đã diễn ra ở hồi
bốn trong giấc mơ mà Kiều bị giằng ra khỏi tay Kim Trọng trong đêm động phòng,
đã được Nguyễn Du đẩy xa đến hồi bảy. Điều này củng cố thêm nhận định rằng,
Nguyễn Du đã không hề coi nhẹ đoạn văn ông cắt bỏ trong bản gốc (ngược lại, ông
đã có ấn tượng mạnh), mà nó nằm trong một chiến lược kép: Vừa tước bỏ sự hiện
diện lẫn khả năng hành động của Kim Trọng (dù chỉ trong giấy mơ của Kiều), vừa
tạo hiệu ứng khốc liệtcho bước đoạn trường của Kiều, bước đoạn trường mà Kim Trọng
không có mặt, nhưng sẽ trông thấy (qua những lời kể sau này).
Như vậy tôi đã chỉ ra rằng,
để xây dựng Kim Trọng như một nhân vật quan sát (trông thấy), Nguyễn Du đã triệt
để tước bỏ các khả năng can thiệp vào sự kiện (tức các biến cố trong cuộc đời của
Kiều). Bây giờ chúng ta hãy xem xét Kim Trọng ở bình diện thứ hai: bình diện
người lắng nghe, cảm nhận và suy tư.
Quả thực, ở bình diện này,
Nguyễn Du đã có sự dụng công lớn. Điều này được thể hiện trước hết trong bố cục
của Đoạn trường tân thanh. Tác phẩm gốc của Thanh Tâm Tài Nhân có tổng cộng 20
hồi, thì 3 hồi đầu kể chuyện gia thế và chuyện Kim Kiều gặp gỡ; sau đó, từ hồi
thứ 4 đến hồi 19 kể chuyện gia biến và lưu lạc; chuyện Kim Kiều đoàn tụ chỉ được
tóm gọn trong chương 20. Tỷ lệ như vậy là 3 – 16 – 1. Thế nhưng trong Đoạn trường
tân thanh của Nguyễn Du, có 3254 câu, thì tỷ lệ đó như sau: 572 –2168 – 514.
Xin xem bảng so sánh:
Tỷ lệ
Kim Vân Kiều truyện
Đoạn trường tân thanh
15%
~ 17%
Gia biến, lưu lạc
80%
~ 67%
Đoàn tụ
5%
~ 16%
Như vậy chúng ta thấy rằng,
Nguyễn Du đã mở rộng phần "Đoàn tụ" lên một dung lượng gần như tương
đương với phần đầu. Tổng cộng phần thứ nhất và phần thứ ba, trong đó có sự xuất
hiện, hoặc báo hiệu sự xuất hiện, của Kim Trọng, chiếm tới hơn 1/3 dung lượng tác
phẩm! Đặc biệt đoạn cuối (514 câu thơ) có thể được đọc như "câu chuyện của
Kim Trọng", cho thấy sự dụng công đặc biệt của Nguyễn Du dành cho nhân vật
này.
Trong Đoạn trường tân thanh,
Kim Trọng là người được nghe người khác kể chuyện nhiều nhất.Khi mới gặp Kiều,
ông được nghe nàng tâm sự về những lo âu mơ hồ, được nàng gảy cho nghe khúc
"Bạc mệnh", ông đã cảm nhận được những nỗi bất hạnh treo lơ lửng.
Toàn bộ phần cuối của tác phẩm là câu chuyện Kim Trọng nghe kể về cuộc đời của
Thúy Kiều. Ông nghe, cảm nhận và suy tư. Suy tư về người khác. Ông là nhân vật
duy nhất trong tác phẩm có khả năng đó. Tất cả các nhân vật khác đều tính toán
và hành động cho mình, kể cả Thúy Kiều. Đúng là Thúy Kiều đã bán mình chuộc
cha, và đó dĩ nhiên là một hành động đạo lí, hi sinh bản thân vì người khác.
Nhưng Kiều không suy tư về cảm giác và tâm hồn người khác. Kiều chỉ bận tâm tới
cảm giác và tâm hồn của mình, bật ra tiếng nói từ bên trong mình. Nhiều nhà
nghiên cứu lâu nay đều cho rằng tiếng nói của Kiều là giọng thứ hai của Nguyễn
Du, bên cạnh giọng trần thuật và bình luận (triết lí) của tác giả. Theo tôi, tiếng
nói của Kiều vẫn chỉ là tiếng nói của nhân vật, nảy sinh từ tình huống và điểm
nhìn của nhân vật, dù ở đó có nhiều câu có tính triết lí về nhân tình. Giọng thứ
hai của Nguyễn Du không phải là giọng Thúy Kiều, mà là giọng Kim Trọng. Thúy Kiều
chỉ cất lên tiếng nói thương thân, còn Kim Trọng và Nguyễn Du mới cất lên tiếng
nói thương người, một tiếng nói từ bên ngoài và bên trên, và thương người mới
là điểm tối cao trong triết lí nhân đạo của Nguyễn Du.
Nếu ta xem Đoạn trường tân
thanh như một canh bạc, trong đó ba tay chơi lớn là Kim Thiên Lí, Thúc Kì Tâm
và Từ Minh Sơn đều đặt cược vào Thúy Kiều, ta sẽ thấy rằng, mỗi tay chơi đều nhận
được phần thưởng đúng với cái giá mà y bỏ ra. Thúc Sinh đắm đuối nhan sắc, được
Kiều như tình nhân. Từ Hải nhìn Kiều như một người đàn bà, được Kiều như phu
nhân. Kim Trọng nhìn Kiều như một nhân cách, được Kiều như tri kỉ.
Tất cả những mẫu gốc Kim Trọng,
Thúc Sinh, Từ Hải như tôi vừa chỉ ra vốn đã có sẵn trong tác phẩm của Thanh Tâm
Tài Nhân, làm nên khung triết lícủa tác phẩm. Đây là điều mà chúng ta, dù muốn
ca ngợi Nguyễn Du đến đâu, cũng không thể phủ nhận. Phải nói dứt khoát rằng,
Thanh Tâm Tài Nhân đã tạo ra cái khuôn rất đẹp cho Nguyễn Du, mà nếu thiếu cái
khuôn ấy, Nguyễn Du đã không thể viết ra được Truyện Kiều. Tác phẩm của Thanh
Tâm Tài Nhân không phải là một tiểu thuyết lớn, thậm chí chỉ dừng ở hạng xoàng,
nhưng nó lại có một cốt truyệnhay. Nguyễn Du đã nhận ra điều đó và đã vuốt nhọn
các chi tiết để từng nhân vật có thể nảy nở tới hạn trong cái khung dự phóng của
Tài Nhân. Riêng đối với nhân vật Kim Trọng, Nguyễn Du đã có sáng tạo lớn và gần
như đã tạo ra một nhân vật khác về chất. Kim Trọng của Nguyễn Du không dừng lại
như một công tử con nhà gia thế, đôi chỗ khá giống các nhân vật thiếu gia trong
các câu chuyện kiếm hiệp, mà có những nét như Giả Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng
– một nhân vật phức tạp, bất lực trước hành động nhưng lại cảm nhận được những
rung động nhỏ nhất và những nỗi đau lớn nhất của xã hội và những người xung
quanh.
Bây giờ, nếu chúng ta nhìn
nhân vật Kim Trọng trong tinh thần mới, chúng ta sẽ thấy những đoạn thơ có Kim
Trọng, đặc biệt rất nhiều câu thơ trong phần cuối của Truyện Kiều, thường phức
tạp, ảo diệu và có một chất lượng triết lí rất sâu. Đây là một đoạn:
"Nỗi nàng nhớ đến bao
giờ,
Tuôn châu đòi trận vò tơ
trăm vòng.
Có khi vắng vẻ thư phòng,
Đốt lò hương giở phím đồng
ngày xưa.
Bẽ bài rủ rỉ tiếng tơ,
Trầm bay nhạt khói gió đưa
lay rèm.
Dường như bên nóc bên thềm,
Tiếng Kiều đồng vọng bóng
xiêm mơ màng,
Bởi lòng tạc đá ghi vàng,
Phạm Công Thiện trong cuốn
Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc đã có một đoạn phân tích thú vị về ngôn ngữ và
cơ chế hồi tưởng trong đoạn thơ này. Ông lưu ý chúng ta về những từ như
"nhớ", "tiếng", "vọng", "bóng",
"mơ", "tạc", "ghi", "tưởng", "thấy"…
để chỉ ra Nguyễn Du đã sâu sắc (và đi trước!) triết học hiện sinh hiện đại như
thế nào. Thật tiếc tôi không còn sách ở đây để trích dẫn, nhưng tôi cũng không
cố tìm để phục vụ bài viết này, vì cuốn sách của ông đề cập tới vấn đề khác.
Song việc một người có tâm hồn thơ lớn như Phạm Công Thiện chọn nhiều câu trong
phần "Kim Kiều đoàn tụ" để phân tích, những câu thơ mà ông cho rằng
hay nhất trong Truyện Kiều, đã khiến tôi đặc biệt thích thú, vì nó củng cố giả
thuyết của tôi về việc Nguyễn Du đã dành cho Kim Trọng một vị thế đặc biệt: vị
thế của một nho sĩ suy tư.
Trong bài viết này, tôi đã cố
gắng đưa ra hai luận điểm sau, xin tóm tắt lại:
Không
phải Thúy Kiều, mà Kim Trọng mới là hóa thân của Nguyễn Du, là giọng thứ hai của
tác giả Nguyễn Du trong tác phẩm Đoạn trường tân thanh.
Kim
Trọng được Nguyễn Du dụng công xây dựng thành một nhân vật trung tính, khác với
nhân vật Kim Thiên Lí của Thanh Tâm Tài Nhân. Ở đây, Nguyễn Du một mặt không thể
không dành cho hóa thân của mình một sự châm biếm kín đáo (khi ông soi số phận
nhân vật vào cuộc đời bất lực của chính mình); mặt khác, ông lại cấp cho nhân vật
một chiều sâu nhân bản cao hơn tất cả các nhân vật khác. Ở mặt này, Nguyễn Du
không thể không cảm thấy ngán ngẩm cho bản thân; nhưng ở mặt khác, ông lại có
niềm tin của người trí thức. Ông không thể bẻ gãy bạo quyền; đối với cái ác,
ông bất lực; nhưng ông thấu hiểu và đề cao nhân phẩm.
Trong tinh thần đó, tôi xin
dành phần cuối bài này để phân tích chữ Trinh và chữ Tâm trong tác phẩm của
Nguyễn Du. Cả hai chữ gây tranh cãi này đều cần được xem xét thấu đáo trong
tương quan Kim - Kiều như là hai đại diện cho hai giá trị này.
Về chữ Trinh, trong phần
"Kim Kiều đoàn tụ", khi Kim Trọng ngỏ ý muốn cùng Kiều thành thân, Kiều
nói:
"Chữ Trinh còn một chút
này,
Chẳng cầm cho vững, lại giày
cho tan!"
Và Kim Trọng giải thích:
"Thương nhau sinh tử đã
liều,
Gặp nhau còn chút bấy nhiêu
là tình,
Chừng xuân tơ liễu còn xanh,
Nghĩ rằng chưa thoát khỏi
vành ái ân.
Gương trong chẳng chút bụi
trần,
Một lời quyết hẳn muôn phần
kính thêm!
Bấy lâu đáy biển mò kim,
Là nhiều vàng đá, phải tìm
trăng hoa.
Ai ngờ lại hợp một nhà,
Như vậy chúng ta phải hiểu rằng,
chữ Trinh ở đây có ý nghĩa rất rộng lớn. Nó đương nhiên không thể được hiểu
theo nghĩa hẹp hòi và thô thiển như là cái trinh tiết của phụ nữ. Nó chính là
Phẩm giá(nhân phẩm). Chỉ khi chúng ta hiểu chữ Trinh như là Phẩm giá, chúng ta
mới hiểu tại sao khi đã trải qua mọi biến cố, Thúy Kiều vẫn còn đủ tự tin để
nói rằng: “Chữ Trinh còn một chút này”. Sau cuộc đoạn trường, một người nhờ trải
nghiệm, một người nhờ lắng nghe và suy tư, cả Kim Trọng và Thúy Kiều đều đi đến
nhận thức cao như nhau về phẩm giá. Đối với Kim Trọng thì phẩm giá của Thúy Kiều
là bất khả phá hủy ("Gương trong chẳng chút bụi trần"), nhưng dù sao
ông vẫn không thể xác quyết về con người tình cảm, con người bằng xương bằng thịt
của nàng ("Chừng xuân tơ liễu còn xanh / Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái
ân"), nhưng khi nghe Kiều nói ("Chữ Trinh còn một chút này"),
ông lập tức nhận ra rằng, hóa ra từ lâu - nhờ trải nghiệm - nàng không những chỉ
dừng ở mức nhận thức, mà còn chứng thực được phẩm giá.
Đến đây chúng ta hãy nhớ lại
hai câu thơ trong đoạn Kim Trọng chia tay Thúy Kiều để về quê chịu tang khi mối
tình giữa hai người vừa chớm nở:
"Dùng dằng một bước một
xa,
Một lời trân trọng châu sa mấy
hàng”. Trong Đoạn trường tân thanh,
Thúy Kiều có ba cuộc chia tay với ba người đàn ông mà nàng có tình cảm: chia
tay Kim Trọng khi chàng về quê chịu tang, chia tay Thúc Sinh khi chàng về với
Hoạn thư, chia tay Từ Hải khi chàng ra trận. Khi chia tay Thúc Sinh, Thúy Kiều
căn dặn đủ điều về việc chàng phải sớm trình bày với Hoạn thư để Kiềuđược có
danh phận; khi chia tay Từ Hải, nàng nói muốn được đi theo chồng, vì "phận
gái chữ tòng". Cả hai cuộc chia tay này đều diễn ra ở bình diện lợi ích và
giao tiếp, trong khi cuộc chia tay với Kim Trọng lại diễn ra ở bình diện đối
thoại nhân phẩm. Người này nhìn sâu vào và lắng nghe nhân phẩm của người kia,
và chúng ta hãy xem Nguyễn Du dùng từ: một lời trân trọng. Hai người yêu nhau
chia tay mà dùng từ "trân trọng" kể cũng khách sáo, nhưng nếu ta hiểu
đối tượng được nói đến ở đây là nhân phẩm, ta sẽ thấy đó là hai từ đắt giá.
Trong suốt câu chuyện, Thúy Kiều luôn mang nặng cảm giác "mang nợ"
hay "mang ơn" Kim Trọng, dù trên thực tế, Kim Trọng đã không làm gì
(không thể làm gì) cho Thúy Kiều. Đấy chính là cái ơn nợ về phẩm giá.Bởi vậy
sau mười lăm năm lưu lạc, khi nghe Kim Trọng xác nhận: "Bấy lâu đáy biển
mò kim / Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa", Thúy Kiều đã đáp lại bằng
cách "Nghe lời sửa áo cài trâm / Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn
trùng". Nên nhớ khi Thúc Sinh cứu Kiều ra khỏi lầu xanh, hay khi Từ Hải
giúp kiều báo ân báo oán, nàng cũng chỉ dừng lại ở mức nói lời cảm tạ. Vậy Kim
Trọng làm gì mà Thúy Kiều phải đáp lại bằng cái lễ lớn như thế? Là bởi vì ngay
từ đầu và mãi mãi, Kim Trọng đã luônnhận ra và trân trọng giá trị lớn nhất của
nàng: phẩm giá. (Ở đây xin lưu ý: chúng ta phải hiểu những ước lệ trong ứng xử -
chữ Lễ - của giới tinh hoa nho giáo thì mới hiểu những hành động như "sửa
áo cài trâm", "khấu đầu lạy tạ" là cách người ta biểu lộ lòng
tri ân to lớn theo một nghi thức trang trọng tương xứng).
Còn về chữ Tâm, Nguyễn Du viết:
"Thiện căn ở tại lòng
ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ
Tài”.
Đương nhiên ở đây chúng ta
phải hiểu chữ Tâm là "coi trọng việc thiện, mong muốn việc thiện",
còn chữ Tài là "khả năng làm việc thiện". Mặc dù câu thơ, xét về hình
thức, dễ cho cảm nhận Nguyễn Du coi trọng chữ Tâm và coi khinh chữ Tài, nhưng
chúng ta cũng không nên hiểu hẹp hòi như vậy. Có lẽ chỉ nên hiểu Tâm là gốc,
đánh mất chữ Tâm thì chữ Tài sẽ không đứng được.
Như vậy, Tâm là "coi trọng
và mong muốn việc thiện", song Thiện là gì? Tại sao "Thiện căn ở tại
lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài"? Nhìn chung có thể hiểu Thiện
là "muốn tốt cho người khác", hoặc ít nhất là không xâm hại người
khác, mà đối với con người thì cái giá trị cao nhất là "nhân phẩm",
nên cái "muốn tốt" cao nhất phải được hiểu là "tình yêu nhân phẩm".
Thiện, hay "thiện căn", chính là "tình yêu nhân phẩm".
Mối quan hệ giữa Thiện, Tâm
và Trinh có thể được khắc họa qua sơ đồ sau:
Thiện
(Tình yêu nhân phẩm)
Trinh
(Nhân phẩm/Phẩm giá)
Tâm
(Mong muốn cái thiện)
Như vậy,chữ Tâm có mối liên
hệ mật thiết với chữ Trinh.Chữ Trinh là Nhân phẩm, còn chữ Tâm giúp ta nhận biết
và coi trọng Nhân phẩm.
Trong Đoạn trường tân thanh,
Thúy Kiều là đại diện cho chữ Trinh, còn Kim Trọng là đại diện cho chữ Tâm.
Trinh vừa là thực tế vừa là bản chất của nhân phẩm, còn Tâm là tư duy và nhận
thức về nhân phẩm. Trinh là nhân vật, Tâm là tác giả. Theo nghĩa đó, Kim Trọng
chính là "tấc lòng" mà Nguyễn Du muốn "gửi tới thiên thu"vậy.
- Bản Truyện Kiều được sử dụng
cho các trích dẫn trong bài viết này là bản của Viện Văn học, do nhóm nghiên cứu
Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Sĩ Lâm, Nguyễn Đức Vân tra cứu, hiệu đính, chú thích,
in lần đầu tháng 10/1965, Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản, Hà Nội, 2013. Ngoài
ra, tác giả có tham khảo các bản Truyện Kiều của Bùi Kỷ và Đào Duy Anh.
- Bản Kim Vân Kiều Truyện của
Thanh Tâm Tài Nhân được sử dụng đối chiếu là bản do Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc
Hanh dịch, Nguyễn Đăng Na hiệu đính, Nguyễn Đình Chú tổng duyệt. Nhà xuất bản Đại
học Sư phạm, 2008; Các trích dẫn từ Kim Vân Kiều Truyện được sử dụng trong bài
viết này được lấy từ các trang 17 (Hồi 1), trang 34 (Hồi 2), trang 56-57 (Hồi
4), trang 86-87 (Hồi 7-8);
- Tác giả có tham khảo cuốn:
Phạm Đan Quế, Truyện Kiều đối chiếu, NXB Hà Nội, 1991.
- Hai ví dụ đại diện cho
quan điểm coi tiếng nói của Thúy Kiều cũng là tiếng nói của Nguyễn Du là Hoài
Thanh (Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, trong cuốn Văn
học Việt Nam từ cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1997)
và Xuân Diệu (Bản cáo trạng cuối cùng trong Truyện Kiều, Tạp chí Văn học, Hà Nội,
11.1965). Cả Hoài Thanh và Xuân Diệu đều coi Thúy Kiều và Từ Hải như là hai đại
diện phát ngôn thay cho Nguyễn Du về những bất công xã hội. Xuân Diệu còn cho rằng
Từ Hải là người đại diện cho khát vọng của Nguyễn Du, bởi trong đời thực ông
không làm được như Từ Hải, nên ông muốn được như Từ Hải trong tác phẩm.
Hà Nội, 5.2015
Đinh Bá Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét