Le Lac, bài thơ hay về tiếng
vọng thời gian
|
Bài thơ được thi sĩ
Alphonse de Lamartine (1790 – 1869) sáng tác, và in trong tập “Méditations
poétiques”(Trầm tư) vào năm 1820. Bài thơ có 84 câu với 16 khổ, mỗi khổ 4
câu, làm theo thể thơ Alexandrin. Tính đến nay (2013) nó đã được 194 năm. Thời
gian có mặt của nó đã khá lâu nhưng thời gian chưa làm nó chìm khuất mà trái
lại nó còn được nhiều người yêu thích.
Từ
thuở mới ra đời, nó được công chúng đón nhận, tán thưởng nhiệt liệt
xem nó là bài thơ hay hàng đầu tiêu biểu cho phong trào thi ca lãng mạn Pháp.
Đồng thời nó đã làm cho Lamartine được tôn vinh thành một trong những thi sĩ
hàng đầu của nước Pháp trong thế kỷ 19. Từ đó nó chấp cánh bay xa, không chỉ
trong văn học Pháp mà còn có mặt trong văn học rất nhiều nước khác trên thế
giới. Nó mang phong cách điển hình cho thể loại thi ca lãng mạn ( poésie
romantique), nó có chiều sâu về ý nghĩa triết học, chiều cao về nghệ thuật và
nhiều khía cạnh khác. Nói chung bài thơ có giá trị nên nó đã được chọn vào
sách giáo khoa của Pháp.
Bài
thơ lấy tên là “Hồ” (Le Lac) nhưng tác giả chỉ mượn không gian của hồ Le
Bourget-một cái hồ thuộc vùng Savoie của Pháp để hoài
niệm về mối tình của mình với nàng Charlie – một tình yêu thắm thiết của tác
giả khởi đầu tù tháng 10/1816 đến tháng 12/1817. Thời điểm cuối này cũng là
thời gian mà người yêu của ông từ giã cõi đời.
Phải
nói rằng bài thơ đã có sự kết hợp chặt chẽ giữa không gian và thời gian một
cách khéo léo, tinh diệu.
Về
không gian, hồ của Lamartine không phải là một cái hồ thiên nhiên thuần túy
như muôn cái hồ khác mà hồ ở đây đã chứa đựng cả một thiên nhiên bày tỏ. Đây
là thiên nhiên của thi ca mang tính nghệ thuật. Thực vậy, cảnh nước hồ cuồn
cuộn chảy cũng mang tính biểu tượng trôi chảy vô tận của thời gian. Sóng và
mái chèo bơi cũng biết hòa điệu du dương, sóng cũng còn biết lắng nghe tiếng
nói của người yêu. Và rồi cả những tảng đá hoang sơ im lặng, những dãy đồi
tươi đẹp, những cây thông đen, vầng trăng ảo huyền long lanh ánh bạc, tiếng
gió rên rỉ, tiếng lau sậy thở dài, mùi hương thơm thoang thoảng trong khí trời
v.v...Tất cả đều biết giao cảm với tâm hồn người. Hồ và tất cả mọi cảnh vật đều
là nhân chứng tình yêu của họ, đều ghi đọng mọi hình ảnh kỷ niệm êm đềm của họ.
Lamartine đã biến mọi vật bình thường trở thành những hình tượng có nghệ thuật
và từ nghệ thuật nó đã trở thành thi ca (tout art est poétique). Thật là điều
kỳ diệu.
Mặt
khác, bài thơ “Le Lac” nổi tiếng không phải vì cảnh đẹp của hồ, không phải vì
tình yêu say đắm mất mát đau khổ của ông nhưng nó nổi tiếng về “ý nghĩa thời
gian”. Thực vậy, con người vốn dĩ có uy lực trước không gian, họ là chủ
nhân của trái đất, có thể đi năm châu, bốn biển, chinh phục mặt trăng, sao
kim, sao hỏa...thu ngắn khoảng cách, chuyển vị được không gian. Tuy nhiên đối
với thời gian, ngay từ thuở xa xưa, con người đã cảm thấy mình bị bất lực.Trước
dòng chảy theo một chiều tuyến tính (linéaire), nghĩa là đi theo một hướng của
chiều đơn phương vô tận,mãi mãi không hề trở lại, không thể đảo ngược, con
người không thể nắm bắt cầm giữ lại được gì.Thời gian không dừng lại cũng như
vũ trụ vật chất không dừng lại. Con người không thể sống lại được ngày hôm
qua hay sống lại thời quá khứ; không thể giữ lại được chính phút giây của
ngày hiện tại, không thể biết được gì về thời gian của tương lai. Bởi vậy từ
thời cổ đại, Héraclite đã có một câu nói danh tiếng: “Chúng ta
không bao giờ có thể xuống hai lần vào cùng một dòng sông” (Nous ne
descendons jamais deux fois dans le même fleuve)
Đã thế thời gian còn
bào mòn cuốn phăng tất cả, nó làm cho những bông hoa tươi đẹp trở nên héo khô
tàn úa, tuổi thơ chớp cánh bay đi, tuổi thanh xuân trở thành già cỗi mà con
người không thể níu kéo được gì. Nói như Shakespeare: nó bào mòn cả móng vuốt
cọp beo, thậm chí đến đá tảng, nó hóa thành tro bụi không biết bao nhiêu là
thành quách, đền đài. Bởi vậy,sau này Jules Lagneau (1851 – 1894) mới
bảo: “ Không gian là hình thái uy lực tôi còn thời gian là hình thái bất lực
tôi” (L'espace est la forme de ma puissance, le temps de mon
impuissance.)
Cũng
giống như con người của muôn nơi muôn thuở, Lamartine đã chiêm nghiệm và cảm
nhận sâu sắc được những vấn đề này hơn cả ai hết. Ông đã hiểu thời gian là một
thực tại uyên nguyên hiện hữu qua trực giác. Ông hiểu được dòng chảy vô thủy,
vô chung này đã lạnh lùng tàn nhẫn đi qua đời ông, thời gian cũng chính là nội
tâm của ông nên ông mới thốt lên: “Có bao giờ trên biển cả thời gian./
Ta neo giữ được một ngày dừng lại. (Ne pourrons-nous jamais sur l’océan des
âges/ Jeter l’ancre un seul jour?). và thời gian cứ chảy mãi như
dòng nước cuồn cuộn của hồ mang theo cả tiếng nói, hình bóng, kỷ niệm, niềm
vui, hạnh phúc, tình yêu. Ông và nàng Charlie đành bất lực nhìn sự trôi chảy
phũ phàng này. Ông đã mượn lời nhân vật bày tỏ cầu xin thời gian xếp cánh lại,
ngưng dòng chảy để họ bắt giữ tận hưởng hạnh phúc dù chỉ trong thoáng chốc
nhưng lời cầu xin đã uổng công vô ích. Thời gian vẫn cứ vô tình trôi đi biền
biệt. Không thể nào khác hơn, họ chỉ còn biết hối thúc trái tim của nhau để
không bỏ phí tình yêu qua những phút giây quý báu ngắn ngủi. Nhưng cay nghiệt
thay, thời gian vẫn không ngừng đố kỵ với con người, nó vẫn len lỏi hiện hữu
ngay trong những phút giây say đắm, trong lúc ngọn sóng tình rót đầy hạnh
phúc. Rồi nó lại biến đi chớp nhoáng. Nó đến với hạnh phúc và sự đau khổ bất
hạnh cũng chỉ bằng một tốc độ. Họ chua chát nhận ra rằng: Đối với thời gian họ
vấp phải sự bất lực chung cuộc, họ luôn luôn ở trong hình thái bất lực tôi.
Và đó là số phận của con người. Trong dòng chảy vô thủy vô chung đó, con người
luôn bị trôi dạt. Bởi lẽ “Con người không bến đậu, thời gian chẳng có bờ”(
L’homme n’a point de port, le temps n’a point de rive”.
Thời gian sẽ cuốn đi tất cả, không để lại một vết tích gì. Con người sẽ mất đi toàn thể trước thời gian, sẽ bị nhấn chìm trong quá khứ, hư vô, vĩnh cửu, vực thẳm tối tăm và sẽ không giữ lại được một chút gì dẫu là phần ít nhất...
Cảm
nhận về thời gian như thế thật là sâu sắc. Chỉ có một số khổ thơ mà ông đã
nêu lên được nhiều vấn đề khiến cho các nhà triết học phải băn khoăn khó bề
lý giải về cái tâm bất đắc của con người. Rõ ràng đây là những tiếng kêu bất
lực của con người và nó đã làm nên tiếng vọng thời gian cho muôn
nơi muôn thuở. Có thể nói ý nghĩa thời gian đã làm cho bài thơ chắp cánh bay
cao. Bởi vậy, ngày nay nhắc đến “Le Lac” người ta đã nghĩ ngay đến câu :”Con
người không bến đậu, thời gian chẳng có bờ” và câu này giới yêu thơ của Pháp
hầu như đều thuộc lòng...
Tiếng
vọng thời gian này còn ảnh hưởng đến nhiều nhà văn, nhà thơ...ở các thế hệ
sau. Điển hình là sự trôi chảy thời gian trong bài thơ “ Cầu Mirabeau” (Le
pont Mirabeau) của G. Apollinaire (1880 – 1918, Pháp); sự chiêm nghiệm đời
người trên con sông thời gian trong tiểu thuyết: “Siddhartha” hay còn dịch ra
với tên một đầu đề khác là “Câu chuyện dòng sông” của nhà văn Hermann Hesse
(1877 -1962, Đức).
Cũng
vậy, chúng tôi có cảm tưởng những lời gọi hối hả trong thơ Xuân Diệu
“Mau với chứ, vội vàng lên với chứ! / Em tôi ơi, tình non sắp già rồi! Con
chim hồng, trái tim nhỏ của tôi, / Mau với chứ! thời gian không đứng đợi.”./.-
“Trút ngàn năm trong một phút chơi vơi...”- “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang
qua...”v.v...; hay như Hàn Mặc Tử: “Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé! / Xin đừng
luân chuyển mãi thời gian. /Chậm đi cho người tôi yêu dấu...”; hoặc như Đoàn
Phú Tứ: “Trời mây phảng phất chốn thời gian...” Tất cả hình như đều
có tái hiện về ý nghĩa thời gian mà Lamartine đã diễn đạt.
Phải
nói với sự hợp nhất của không gian và thời gian, cùng gắn bó với sự
rung động xúc cảm của tâm hồn khi hoài niệm về tình yêu, bài “Le Lac” của Lamartine
đã thể hiện được chiều cao của nghệ thuật. Điều đáng kể là ông đã làm nên tiếng
vọng của thời gian, một tiếng kêu về ý thức thân phận của con người. Ông đã để
ý thức cắm neo vào dòng chảy thời gian một điểm móc tinh hoa của nghệ thuật
và đã làm cho bài thơ bất tử cũng như những hình bóng theo sau nó được sống
cho dẫu rằng cô Charlie chưa hề đọc được bài này . Mới hay nghệ thuật đích thực
và sự rung cảm đích thực vẫn có giá trị trường tồn riêng của nó.
Sau đây tôi xin giới thiệu
bài thơ và bản dịch của mình:
Le
Lac
Ainsi, toujours poussés vers de nouveaux rivages,Dans la nuit éternelle emportés sans retour, Ne pourrons-nous jamais sur l’océan des âges Jeter l’ancre un seul jour? Ô lac! l’année à peine a fini sa carrière, Et près des flots chéris qu’elle devait revoir, Regarde! je viens seul m’asseoir sur cette pierre Où tu la vis s’asseoir! Tu mugissais ainsi sous ces roches profondes; Ainsi tu te brisais sur leurs flancs déchirés; Ainsi le vent jetait l’écume de tes ondes Sur ses pieds adorés. Un soir, t’en souvient-il? nous voguions en silence; On n’entendait au loin, sur l’onde et sous les cieux, Que le bruit des rameurs qui frappaient en cadence Tes flots harmonieux. Tout à coup des accents inconnus à la terre Du rivage charmé frappèrent les échos: Le flot fut attentif, et la voix qui m’est chère Laissa tomber ces mots: «Ô temps, suspends ton vol! et vous, heures propices Suspendez votre cours: Laissez-nous savourer les rapides délices Des plus beaux de nos jours! « Assez de malheureux ici-bas vous implorent, Coulez, coulez pour eux; Prenez avec leurs jours les soins qui les dévorent, Oubliez les heureux. «Mais je demande en vain quelques moments encore, Le temps m’échappe et fuit; Je dis à cette nuit: Sois plus lente ; et l’aurore Va dissiper la nuit. "Aimons donc, aimons donc ! de l’heure fugitive, Hâtons-nous, jouissons! L’homme n’a point de port, le temps n’a point de rive ; Il coule, et nous passons!" Temps jaloux, se peut-il que ces moments d’ivresse, Où l’amour à longs flots nous verse le bonheur, S’envolent loin de nous de la même vitesse Que les jours de malheur? Eh quoi! n’en pourrons-nous fixer au moins la trace? Quoi! passés pour jamais? quoi ! tout entiers perdus? Ce temps qui les donna, ce temps qui les efface, Ne nous les rendra plus? Éternité, néant, passé, sombres abîmes, Que faites-vous des jours que vous engloutissez? Parlez : nous rendrez-vous ces extases sublimes Que vous nous ravissez? Ô lac! rochers muets! grottes! forêt obscure! Vous, que le temps épargne ou qu’il peut rajeunir, Gardez de cette nuit, gardez, belle nature, Au moins le souvenir! Qu’il soit dans ton repos, qu’il soit dans tes orages, Beau lac, et dans l’aspect de tes riants coteaux, Et dans ces noirs sapins, et dans ces rocs sauvages Qui pendent sur tes eaux. Qu’il soit dans le zéphyr qui frémit et qui passe, Dans les bruits de tes bords par tes bords répétés, Dans l’astre au front d’argent qui blanchit ta surface De ses molles clartés. Que le vent qui gémit, le roseau qui soupire Que les parfums légers de ton air embaumé, Que tout ce qu’on entend, l’on voit ou l’on respire, Tout dise: Ils ont aimé! *Dịch thơ:
HỒ
Cứ xô đẩy về phía bờ mới lạ.Chẳng quay về - Đêm vĩnh cửu mênh mang. Có bao giờ trên biển cả thời gian. Ta neo giữ được một ngày dừng lại? Hồ ơi! Năm gần trọn qua đợi chờ khắc khoải. Bên sóng yêu nàng từng hẹn về thăm. Giờ mình tôi trên tảng đá âm thầm. Nơi hồ thấy xưa nàng ngồi ở đó. Hồ vẫn réo dưới ngầm sâu cuồng nộ Vẫn lô xô xói lở cạnh đôi bờ. Gió vẫn từng ném bọt sủi vu vơ. Từ mặt sóng lên đôi chân kiều mỵ. Hồ có nhớ buổi chiều xưa không nhỉ? Chúng tôi dạo thuyền, chiều vắng lặng êm trôi. Nghe lan xa trên sóng dưới bầu trời. Tiếng vỗ nhịp của mái chèo khua động. Mang hòa điệu du dương cùng nhịp sóng. Bỗng đất truyền là lạ giọng vang ngân.
Nơi bờ hồ quyến rũ
dội thanh âm.
Sóng lặng nghe tiếng người tôi yêu quí. Lời đã thốt nên tiếng lòng vạn kỷ: “Ôi! thời gian hãy ngừng cánh bay đi! Với những giờ hạnh phúc đã theo mi! Ngưng dòng chảy vô tình không chuyển hướng! Hãy ngưng lại để chúng tôi tận hưởng! Những niềm vui dù chỉ thoáng qua mau. Quãng ngày yêu đẹp nhất thuở ban đầu! Đã đủ rồi thế gian đầy bất hạnh! Ta xin mi cuốn đi muôn thảm cảnh. Trả lại ngày mi phá hủy vùi chôn.
Hãy quên đi để hạnh phúc được yên.
Nhưng khoảnh khắc nài thêm đành vô ích. Thời gian bỏ thoát bay đi biệt tích. Tôi bảo đêm đen “Hãy chầm chậm lại thôi!” Kẻo bình minh sẽ xóa bóng bên trời. Vậy, hãy yêu! hãy yêu! với phút giờ vội vã. Hãy tận hưởng! Mau đi! Đừng nấn ná!
Nhân sinh
không bến đậu, thời gian chẳng có bờ.
Nó chảy hoài, ta trôi dạt bơ vơ!” Luôn đố kỵ, thời gian còn tiềm ẩn. Nó hiện hữu ngay phút giây say đắm. Trong sóng tình rót hạnh phúc yêu đương. Rồi bỏ ta bay về cõi xa phương. Cùng tốc độ như những ngày bất hạnh. Vậy nghĩa là! Ta không thể giữ yên. Lưu dấu tích của chút gì còn lại. Vậy nghĩa là! Nó sẽ qua mãi mãi. Ta mất đi toàn thể trước thời gian. Cả điều cho - điều xóa bỏ phũ phàng. Không bao giờ trả lại ta dẫu chỉ phần tối thiểu? Ôi! Quá khứ, hư vô, vực đen, vĩnh cửu! Sẽ làm chi với ngày tháng nhấn chìm? Có trả lại ta niềm ngây ngất con tim. Mà các ngươi đã vô tình cướp vội. Hồ ơi! Này hang động, đá im, rừng tăm tối. Mà thời gian còn để nét xuân riêng. Hãy gìn giữ đêm này, giữ vẻ đẹp thiên nhiên. Dẫu ít nhất của phần đời kỷ niệm. Nó có thể còn trong mi hiện diện. Trong lượn sóng lao xao, trong vẻ đẹp của hồ. Trong những ngọn đồi xinh xắn nhấp nhô. Trong rừng thông đen, trong đá ghềnh hoang dã. Đang nghiêng xuống soi bóng mình êm ả. Có thể còn trong ngọn gió thoảng qua. Trong tiếng động vỗ bờ lập lại vang xa. Trong vầng trăng long lanh ánh bạc. Đang dát trắng cả mặt hồ ngơ ngác. Mang vẻ sáng trong mềm mại ảo huyền. Có thể còn trong lau sậy thở dài, tiếng gió rỉ rên. Trong hương thơm nhẹ nhàng theo khí trời tỏa ngát. Có thể mọi vật đang lắng nghe, đang nhìn dào dạt. Tất cả đồng thanh: Rằng “ họ đã yêu nhau!” *HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch
1) Mẩu
chuyện liên quan đến xuất xứ bài thơ: Bài thơ trên được in trong tập
“Metaditions”, bài thơ nói về tình yêu của ông với cô Julie Charles còn gọi
là Elvire. Theo một tư liệu thì cô Julie Charles tới thành phố Aix-les-Bains,
một thành phố thuộc vùng núi Savoie của nước Pháp, nơi có suối nước khoáng để
chữa bệnh phổi.Cô đã gặp Lamartine vào tháng 10 năm 1816. Họ cùng đến hồ
Bourget (Có tư liệu cho rằng Lamartine đã cứu cô thoát khỏi tai nạn đuối nước
và họ quen nhau?).. Họ đã yêu nhau và có nhiều kỷ niệm ở nơi hồ này.Tuy nhiên
vì điều kiện, họ phải tạm chia tay và hẹn nhau sẽ cùng gặp lại
ở đây vào năm sau.
Theo
lời hẹn, tháng 8 năm 1817, Lamartine trở lại thăm hồ nhưng không gặp được người
yêu.
Nguyên nhân là do Charlie
bị bệnh nặng nên không đến được và cô đã mất vào tháng 12 năm 1817. Ông viết
bài thơ này cho Julie để nói về kỷ niệm của hai người nhưng cô không bao giờ
được đọc. Thời gian sau, ông mới biết cô đã bị bệnh mất..
2) (Le
Lac): Hồ ở đây là hồ Le Bourget. Là một cái hồ thuộc vùng Savoie của
Pháp, ở cách thành phố Aix – les – Bains khoảng10 km về phía bắc, hồ này nối
liền với sông Rhône qua kênh đào Savière, dài 18 km, rộng 45 km2.
|
Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016
Le Lac, bài thơ hay về tiếng vọng thời gian
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Khúc hát Marseilles
Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét