Trong các nhân vật của Đoạn
Trường Tân Thanh, chỉ có Thúy Kiều và Từ Hải là hai kiếp người sống đời nổi
trôi, sóng gió hơn cả. Không chỉ sóng gió ở trong tác phẩm mà còn sóng gió ở
ngoài tác phẩm, sóng gió từ xưa cho đến bây giờ.
Nhưng về nàng Kiều, dù bị
các nhà đạo đức dằn lên vật xuống nhiều phen, bây giờ kể ra nàng cũng tạm sống
yên ổn một bề. Chỉ có họ Từ là chưa mua được một chút thanh nhàn nào hết: cứ
mỗi một thời, Từ Hải lại xuất hiện dưới một khuôn mặt khác, và sau mỗi lần
hóa trang như vậy, họ Từ mang lại một số vấn đề khá lớn tưởng có thể bẻ cong
vòng cả cái thân mười thước cao và bạnh thêm cái hàm én tua tủa râu hùm!
Trước
kia, Từ là anh hùng mã thượng, giang hồ quen thú vẫy vùng ngang dọc. Sau đó,
Từ bỗng xuất hiện như một đại diện hợp thời cho cái cá nhân chủ nghĩa đang độ
lan tràn. Rồi Từ đột ngột đi làm chính trị, biến thành một kẻ phản phong, dù
sự nghiệp Từ dựng nên, cũng là:
Triều đình riêng một góc
trời,
Gồm hai văn võ, rạch đôi
sơn hà.
Có
dạo, Từ đi xa hơn, biểu hiện hẳn hòi cho một quyền sống, hoặc đi cao hơn, trở
thành giấc mộng cao siêu. Gần đây, Từ suýt lâm nguy vì có người muốn đưa Từ
xuống thấp, tước luôn nhãn hiệu anh hùng Từ đeo từ bấy lâu nay. Sự thay đổi ấy,
dù có gian nan, ắt Từ cũng thông cảm được mà dẹp nỗi lòng phiền muộn. Bởi lẽ
một người như Từ không chỉ sinh ra để làm mỗi cái gạch nối đưa Kiều từ nơi
hành viện Châu Thai đến bến Tiền Đường.
Bước
đường phiêu lưu của Từ chắc là còn dài. Nhưng điều chúng ta biết chắc là dù
phân thân, hóa kiếp bao nhiêu, thì một ngày kia, Từ vẫn là Từ, Từ sẽ trở về vị
trí của mình, sau cuộc phiêu lưu lịch sử. Và lịch sử, kể cả lịch sử văn học,
sau cuộc phiêu lưu, sẽ gặp lại Từ. Bấy giờ, có thể ngơ ngác:
… lạ vẻ cân đai
Nhưng sẽ dễ dàng tìm thấy:
Vẫn còn hàm én mày ngài
như xưa.
Như xưa, vì Từ không chỉ
là một ở trong tác phẩm. Từ thật là hai. Họ Từ thứ nhất, xưa nay ta chẳng
quan tâm. Anh ta ở đâu, làm gì, sinh hoạt thế nào, thực chẳng có một người
nào chiếu cố. Chúng ta chỉ gặp có mỗi họ Từ thứ hai, họ Từ đầy sức quyến rũ
do cái cốt cách hiên ngang, tấm lòng tự tin tuyệt đối và sự khát khao phóng
túng tuyệt vời. Tất cả điểm này lại được lồng vào một thứ tình yêu chung thủy,
thiết tha, một thứ tình yêu hào hiệp vừa là một thứ tình yêu tìm ra lẽ sống,
giữa những đe dọa của đời.
Chúng ta đã được họ Từ thứ
hai lôi vào cõi mộng phiêu lưu với những ân tình sòng phẳng. Chúng ta lại được
họ Từ thứ hai nhấc lên khỏi cuộc sống tầm thường đầy những nhỏ nhen và những
âu lo. Từ Hải quả là một người không biết đến sự nhỏ nhen. Tâm hồn của Từ chỉ
có một chiều khoáng đạt, một mặt bao dung. Từ cao lớn quá để làm những việc
thấp hèn. Ở giữa cuộc sống đầy những mưu mô bần tiện của lũ mê danh hám lợi
tanh hôi, Từ hiện rõ ràng như một vệt sáng, như một chiều cao và ta dành hết
cảm tình cho Từ không chút dè dặt ngại ngùng. Đến khi Từ ngã gục xuống, nạn
nhân của sự bần tiện, tanh hôi, ta càng xót xa, phẫn uất cho Từ. Từ đến với
ta rõ ràng không phải như một nhân vật ở trong tác phẩm. Từ là hiện thân của
một khát thèm mong đợi từ lâu và Từ có được ảo ảnh của sự khát thèm vội biến
thành những hào quang sáng chói. Từ càng đẹp đẽ bội phần khi mang vào giữa cuộc
đời mỗi một nụ cười. Suốt trong tác phẩm, luôn luôn ta gặp Từ cười. Trong khi
bao kẻ đàn ông khóc lóc - từ kẻ có tên tuổi như Kim Trọng, Thúc Sinh, cho đến
kẻ không tên tuổi như khách viễn phương giong chiếc thuyền tình, thảy đều đầm
đìa nước mắt - thì Từ không hề nhỏ một giọt lệ, cất một tiếng than, dù lâm
vào cảnh hiểm nghèo tuyệt vọng. Nụ cười của Từ cũng không phải là thứ hoa tội
lỗi che đậy ác ý, tà tâm của lòng khinh thị, của sự mỉa mai, của những thỏa
mãn no đầy tư dục. Đó là niền tin ở lực năng mình, một nỗi phấn khởi phát từ
cố gắng thành công, ít nhiều giao hòa thông cảm với người tri kỷ. Nụ cười của
Từ rực rỡ đến nỗi ta không còn thấy hàm én, râu hùm, những thứ làm ta sợ hãi,
bởi vì nụ cười dẫn dắt ta về một cõi sống khác đời này, trong đó con người
không biết đến mối tự ti lại là chất tủy linh hồn vừa là chất độc của cuộc đời
này.
Nguyên nhân của sự yêu Từ
- họ Từ thứ hai - đại khái xưa nay là vậy. Ta yếu, Từ mạnh, ta buồn, Từ vui,
ta nuôi tấm lòng phức tạp nhiều khi đen ngòm ác ý thì Từ có sẵn con tim cởi mở
một chiều bao bọc tận tình tri kỷ, ta vấp ngã luôn trên bước đường đời mà vẫn
gượng gạo vói tay bắt lấy ảo ảnh thành công chấp chới mơ hồ thì Từ mạnh dạn
đi thẳng một hơi đến đích, đưa tay kéo lớp hào quang gài kỹ trên đầu. Từ lập
sự nghiệp lớn lao, giản dị hơn ta săn một con mồi nhỏ bé. Từ nói và làm, sao
mà phù hợp dễ dàng, tưởng như giữa khoảng tri hành không có chút gì chướng ngại.
Và trong tình yêu, sao ta dè dặt dường kia, bủn xỉn thế này? Ta cứ e ấp những
điều muốn nói, có khi đợi đến thiên thu, ta cứ tính toán những điều chia xẻ,
lắm khi sợ nỗi thiệt thòi. Còn Từ, nói không cần giấu lòng mình, cho không cần
tiếc sinh mạng, Từ dám yêu thương và biết yêu thương một cách tận tình. Từ Hải,
người thật là ai? Người ở xứ nào? Tại sao người lại lạc loài ở giữa khu vườn
thế tục chúng ta, để khi vụt giã cõi đời, người gợi bao điều nghi vấn, bao sự
tiếc thương, lôi kéo bao nhiêu giải thích trái ngang ở trong sách vở?
Từ Hải, người đã làm khổ
chúng ta và bị chúng ta làm khổ xưa nay chỉ là nhân vật thứ hai ở trong tác
phẩm. Khi gặp gỡ Từ, cơ hồ ta đã quên đi nhân vật thứ nhất. Thỉnh thoảng ta vẫn
lội về nguồn cỗi, tìm đến tổ tiên họ Từ là gã thư sinh lạc đệ trong sách
Thanh Tâm Tài Nhân hay kẻ khoác áo cà sa trong sách Dư Hoài chứ không nghĩ ngợi
xa hơn về cái con người thứ nhất, con người đáng lẽ phải có ở trong Từ Hải.
Cái
đáng lẽ ấy phát sinh từ đâu? Chỉ định bởi giới hạn nào?
Cái đáng lẽ ấp phát sinh từ
những thực tế tác phẩm, chỉ định bởi những yêu cầu tác phẩm, đối chiếu với những
thực tế ngoài đời, trong những điều kiện tương đồng.
Từ Hải thứ nhất phải là
nhân vật ra đời từ cái đáng lẽ nói trên. Tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh thực
sự chỉ là tác phẩm để nói về Kiều. Nhưng Kiều không thể sống một mình nàng. Vấn
đề bạc mệnh của nàng lại đòi hỏi bao tình tiết éo le. Kiều phải lưu lạc đoạn
trường, cuối cùng phải gặp lại người yêu cũ trong cảnh đòan viên tái ngộ.
Trên đường phiêu bạt, khi nàng sa vào thanh lâu đột nhì, thì nàng đã trải mười
năm đau khổ, nghĩa là đã thanh toán hai phần ba cái khoảng truân chuyên do kẻ
bề trên - đây là tác giả - an bài. Trước mắt tác giả bây giờ có hai điều phải
giải quyết: một là, về mặt bố cục, làm sao đưa Kiều đến bến Tiền Đường để giữ
đúng lời hẹn với Đạm Tiên, đặng cho Kiều gặp gia đình sum hợp? Quãng đường xa
xôi như thế, phải có một người đầy đủ khả năng để dẫn dắt nàng trong cuộc
phiêu lưu. Người ấy phải là Từ Hải, “một kẻ giang hồ quen thú vẫy vùng” có đủ
phương tiện lưu thông, có thừa bản lĩnh để vượt chướng ngại. Và con người ấy,
thật ra phải là một người bạc mệnh, bởi vì cuộc sống của gã phải bị hy sinh
khi Kiều gần đến Tiền Đường. Nếu gã không chết thì chàng Kim Trọng, chỉ có mỗi
sự hào hoa phong nhã làm sao mà dám gần Kiều? Từ Hải thuộc loại vai trò có giới
hạn trên sân khấu tác phẩm, một kẻ hy sinh đã được chỉ định, một người liên lạc
cao sang để giúp cho nhân vật chính hoàn thành nội dung. Hoàn thành nội dung,
vì khi bán mình, Kiều chỉ mới tròn chữ hiếu, cần phải có một Từ Hải để nàng
khuyên nhủ ra hàng cho trọn chữ trung. Có hiếu, có trung, đó là tiêu chuẩn của
một con người đạo đức lý tưởng đáng cho sống lại trên đời.
Ngoài ra, còn điểm thứ hai
là khi Kiều đến Châu Thai và gặp gỡ Từ thì cuộc đời nàng chuyển sang một giai
đoạn mới, với sự việc mới, tất nhiên có nhiều nhân vật từ trước bây giờ đã
thành quá hạn, trở nên những kẻ ăn không ngồi rồi báo hại nội dung tác phẩm.
Những nhân vật ấy cần được đánh giá, sắp xếp, tuyển lọc đúng mức để khỏi có sự
thiệt thòi đối với bố cục, đối với chủ đề của sách, đối với lẽ phải mà người
đọc sách một thời nào đó chấp nhận. Sự trả ân oán của Kiều là nhằm vào mục
đích ấy. Nếu không có người như Từ để tung lưới trời tóm về một mẻ, nào Hoạn
Thư, Bạc Hạnh, Bạc Hà, Ưng Khuyển, Sở Khanh, Tú Bà với Mã Giám Sinh, và rước
Thúc Sinh, bà Quản Gia, vãi Giác Duyên đến dưới trướng hùm để Kiều tự do ban
phát bạc vàng, gấm vóc cũng như gây sự máu rơi thịt nát tan tành, thì Kiều
làm sao xứng đáng với lời khen tặng sau này:
Biết điều khinh trọng, biết
lời phải chăng
phát ra từ miệng Đạo Cô là
người thông ngôn tình ý của Trời?
Tất cả công tác tên đây -
dẫn Kiều đến sông Tiền Đường, cho mượn quyền lực để Kiều báo oán, đền ân, tạo
thêm điều kiện để Kiều trở thành con người đạo đức gương mẫu dưới mắt của Trời
- chỉ cần một gã Từ Hải tầm thường, một tên tướng cướp ưu hạng hay một thảo
khấu giang hồ có chút gan liền là đủ lắm rồi. Một gã Từ Hải như vậy chỉ cao
hơn cửa đầu hàng độ chừng vài tấc, khi cần sẽ khom mình xuống là có thể lọt dễ
dàng, không gây cho ai một chút băn khoăn. Đó là Từ Hải thứ nhất, Từ Hải được
chỉ định bởi thực tế tác phẩm, bởi cái nội dung tác phẩm. Với một gã Từ như vậy,
Kiều sẽ tạm sống ấm no, đầy đủ, nhưng vẫn không thể yên vui. Với một gã Từ
như vậy, Kiều chỉ là người lệ thuộc yếu hèn và sẽ đúng với nhận định sau này
của một Đạo cô: “Kề lưng hùm sói, gửi thân tôi đòi”. Và với gã Từ như vậy, “lộc
trọng quyền cao, công danh ai dứt lối nào cho qua”, có thể quyến rũ dễ dàng.
Từ Hải thứ nhất, đó là Từ
Hải đã có ni tấc rõ ràng do cái khuôn khổ thứ nhất đề ra, một loại Từ Hải chỉ
định mà người cầm bút cần phải luôn luôn giới hạn để cho phù hợp nội dung tác
phẩm.
Nhưng cái gã Từ đáng lẽ phải
có, ở đây đã không xuất hiện. Tại nơi mảnh đất sinh hoạt của gã, có một người
khác thay vào. Người ấy không biết từ đâu vụt đến, đột ngột như một hiện tượng
lạ lùng. Nơi con người ấy, thâu gồm bao nhiêu sức mạnh, bao nhiêu ý sống dạt
dào, bao nhiêu biểu hiện phi thường. Kiều chỉ nói lên vài lời thông cảm, là Từ
cam kết gắn bó trọn đời. (Nếu là chúng ta thì dễ phải đến mười phen thử thách
chưa chắc đã chịu yên tâm. Làm sao mà tin được lời đường mật của gái lầu
xanh?). Ăn ở với Kiều mới được nửa năm, hương lửa đương nồng, Từ đã vội vàng
rứt áo ra đi. (Nếu là chúng ta thì quyết nằm lì thêm vài năm nữa để mà tận hưởng
những phút êm đềm vàng ngọc rồi sẽ uể oải lên đường. Nào có lý tưởng lớn lao
cấp bách gì đâu mà phải hối hả đến thế?). Rồi một năm sau, đúng lời hẹn ước,
Từ đã trở về. Và y như điều dự định, Từ đã lập nên sự nghiệp, trong tay “mười
vạn tinh binh, tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường!”. Chúng ta tưởng chừng
sự nghiệp lớn lao đã bị trói sẵn một nơi nào đó và Từ chỉ việc lôi về một mạch,
khỏi tốn nửa giọt mồ hôi. Từ còn lập nên triều đình, đơn giản như cất một
ngôi nhà gỗ, rạch đôi sơn hà, nhẹ nhàng như cắt một chiếc bánh chưng. Trước cờ
ai dám tranh cường? Từ đánh bại giặc như là chẻ tre, đập ngói.
Có thể nói rằng nhất cử,
nhất động của Từ đều vượt khuôn khổ thường tình. Khi Từ ra đi, hình ảnh của Từ
là cánh chim hồng lướt gió tung mây, không phải là lớp bụi hồng cuốn vó chinh
an họ Thúc. Khi Từ giận dữ, đó là sấm sét đùng đùng nổi dậy, không phải là lời
quát tháo ồn ào của viên tri phủ lập nghiêm. Đến khi giã từ cuộc sống, Từ lại
không chịu nằm dài trên đất như kiểu thế nhân mà trồng thẳng đứng thành một
trụ đá, cột đồng không lay chuyển nổi.
Từ
Hải, ở đây, không phải là một họ Từ có thể gặp gỡ bất cứ nơi nào ở trong sinh
hoạt trước mắt. Từ là một kẻ phi thường, đồng thời cũng là phi thực. Sự cấu tạo
Từ đã ra khỏi mọi công lệ thiên nhiên, công lệ xã hội. Từ vượt qui luật mà sống,
rồi vượt qui luật mà chết. Vùng vẫy bao năm mà Từ không hề thất bại, thương
yêu hết mình mà Từ không biết phân vân, đầu hàng cấp tốc mà Từ không chịu đề
phòng. Từ là nhân vật một chiều, tâm lý một mặt. Đó là con người dự tưởng,
con người hình bóng của một ước mơ, chỉ có chiều cao, chiều rộng và không bề
dày, bề sâu.
Từ đã thiếu hẳn một cái cội
nguồn cụ thể, lại không có một sinh hoạt bình thường, Từ là loại chim, loại
cá, Từ là sấm sét, quỷ thần, nhưng Từ nhất định không phải là người.
Không phải là người nên Từ
không sống như người, không yêu như người, không chết như người. Bàn về Từ Hải,
trong một tác phẩm gọi tên là Khách Biên Đình (Tác phẩm này bị thất lạc bản
thảo trước khi in. Sau đấy hình như ông Nguyễn Văn Xuân không muốn viết lại),
nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã từng hóm hỉnh nhận xét rất tinh tế rằng suốt cả
quãng đời chung sống với Kiều, không thấy nàng Kiều đàn cho họ Từ nghe một dịp
nào. Anh chàng Kim Trọng tốt số được nghe Kiều đàn đến quá một lần. Anh chàng
Thúc Sinh tầm thường là vậy, cũng đã có phen thưởng thức tài nhạc của nàng.
Cho đến tên Hồ Tôn Hiến quỉ quyệt, dâm ô, xử ác với nàng cũng được hân hạnh
nghe nàng dạo cung “gió thảm mưa sầu”. Chỉ riêng Từ Hải là chịu thiệt thòi.
Năm năm chung sống chỉ được mỗi phần tri kỷ mà mất hẳn phần tri âm. Thế mà,
lúc mới gặp Từ, bên cạnh thanh gươm ta lại còn thấy cây đàn lủng lẳng!
Kiều không đàn với Từ Hải,
Từ Hải không đàn với Kiều, những khách mộ điệu có thể xem đấy là điều đáng tiếc.
Nhưng Từ làm sao mà ngồi đàn được với Kiều? Từ vốn không phải là người, không
thể nghe tiếng đàn của người. Kim Trọng có thể vo tròn chín khúc, Thúc Sinh
có thể giọt ngắn giọt dài và Hồ Tôn Hiến có thể chau mày rơi châu ở trên bàn
tiệc. Còn Từ? Từ chỉ là sự bất bình, là chí ngang dọc, là lòng tự tin, nơi Từ
chỉ nghe tiếng giận đùng đùng, tiếng cười nghạo nghễ, nhưng không thể có tiếng
khóc, tiếng sầu. Hình dung một Từ Hải sầu tưởng còn vô lý hơn là hình dung một
nàng Thúy Vân có đôi ria mép.
Bởi vậy, suốt trong thời
gian chung sống chỉ nghe Từ nói với Kiều về chuyện anh hùng, tri kỷ, về chuyện
sự nghiệp, thành công, toàn là những chuyện lý tưởng cao xa hoặc những ân
tình trọng hậu. Thực khó mà nghĩ rằng Từ có lúc cũng như chàng Kim một hai
nài ép nàng Kiều chung ngủ với mình, hay như chàng Thúc chui vào buồng tắm để
mà chiêm ngưỡng cô Kiều ở trong tình trạng lõa lồ. Không, Từ Hải nhất định
không phải là người như vậy, chẳng phải vì Từ anh hùng. Anh hùng là việc
ngoài chốn chiến trường nhưng nơi buồng kín thung dung, anh hùng cũng phải
làm việc bình thường của người. Ngoại trừ cái liếc đầu tiên khi mới gặp Kiều
(cái liếc thật là hợp tình nhưng không hợp lý chút nào), Từ Hải không hề có
cái chất người hiện thực. Từ chỉ có cái dáng người, vẻ người ở một mức độ nào
thôi. Nói một cách khác, Từ mượn hình người để trà trộn vào sinh hoạt của người.
Tác giả quyển Khách Biên Đình
trước kia dã từng nói đến thái độ quá trớn của cụ Tố Như trong sự thể hiện họ
Từ. Sự quá trớn đây tất nhiên không phải thuộc phạm vi của bút pháp ước lệ. Vẻ
đẹp nghiêng thành đổ nước của Kiều hay sự xuất hiện giữa ngày của một bóng ma
Đạm Tiên là những công thức quen thuộc cổ điển. Cho đến mày ngài, hàm én, vai
năm tấc rộng thân mười thước cao của Từ cũng là nằm trong bút pháp ngày xưa,
không ai lẩn thẩn lại đem làm điều thắc mắc. Nhưng đây, qua nhiều trường hợp
trình bày hành động của Từ, Nguyễn Du đã hết hạn chế nổi mình. Đang sống
trong cảnh ái ân nồng đượm với Kiều mới được nửa năm, Từ đã đột ngột ra đi.
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương, cái lòng bốn phương hiện lên như một
cố tật dị thường hết sức, thế là:
Trông vời trời bể mênh
mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường
thẳng dong.
Đọc
lại câu trên, người ta không thể nghĩ gì khác hơn là Từ lên đường và đã đi
xa. Nhưng Từ thực đã đi chưa? Hãy nghe kể tiếp:
Nàng rằng phận gái chữ
tòng,
Chàng đi thiếp cũng một
lòng xin đi
Thì ra “lên đường thẳng
dong” mà Từ còn ở lại nhà, hoặc Từ còn đứng trong sân. Hình như nói về Từ Hải,
Nguyễn Du không ngăn được một sức tràn dồn ép bên trong nên sự quá trớn luôn
luôn làm cho ngòi bút tác giả mất đà, ngã chúi hẳn về phía trước, nhiều khi
không có cách nào gượng nổi. Cái chết của Từ kể ra cũng đã lạ lùng rồi:
Trơ như đá vững như đồng,
Nhưng thêm một câu sau đấy:
Ai lay chẳng chuyển, ai
rung chẳng rời
thì cái quang cảnh xui ta
nghĩ tới những người công nhân nhà đèn đang cố sức nhổ một cây trụ điện!
Sự quá trớn ấy không riêng
trong vài chi tiết nhỏ nhặt trên đây mà bàng bạc khắp con người Từ Hải, suốt
quãng thời gian họ Từ xuất hiện ở trong tác phẩm, khiến cho Từ Hải mất da, mất
thịt trở nên trong suốt, khiến tâm địa Từ như soi thấu được. Sự quá trớn ấy
còn làm Từ Hải vụt cao, không còn dán chân trên mặt đất liền, bởi thế khi bố
cục truyện lôi Từ trở về thực tại, buộc Từ chui vào chiếc cửa đầu hàng do Hồ
Tôn Hiến dựng lên thì ta thấy Từ cúi khòm nhiều quá, cong vòng cả lưng, tưởng
nghe được cả tiếng xương răng rắc. “Mười phân hồ đồ”, thế mà rốt cuộc không
có một chút hoài nghi, “triều đình riêng một góc trời, gồm hai văn võ” thế mà
lại thèm ít nhiều lộc trọng quyền cao! Từ Hải đã lỡ dựng lên không theo ni tấc
đầu hàng, do đó ngang ngược đẩy Từ vào lỗ hổng ấy thì Từ trở nên lúng túng,
trở nên phi lý, xa lạ, lạc loài.
Chính sự phi lý, phi thực
của Từ tạo ra phi nghĩa, bởi vì người ta có thể giải thích nhiều cách khác
nhau, trái nhau về Từ mà ở cách nào cũng vẫn thấy được một phần hữu lý. Đám
mây mờ ảo ở chân trời xa có thể nhận là cánh hoa hay con ngựa chạy. Sự vùng vẫy
của Từ chỉ vì quen thói tự do, là gì, nếu không phải là một thứ cá nhân chủ
nghĩa? Bất chấp triều đình, coi nhẹ mọi thứ trật tự sẵn có và ở trên đầu
không thấy một ai, phải chăng cũng là một nét phản phong? Và hiên ngang, cao
đẹp làm nên sự nghiệp lẫy lừng cho toại tấm lòng ước nguyện, phải chăng Từ là
một hiện thân của một giấc mộng anh hùng? Ta còn có thể phát triển nhiều hơn
và xa hơn nữa -Từ Hải có thể bước vào nhà trường để thành một thứ nghị lực sắt
đá của kẻ không biết trở ngại, có thể ngồi trong tình sử để làm một gã cuồng
si chết sống vì yêu. Từ Hải có thể vào ngành tâm lý để đại diện cho mặc cảm,
có thể mang lon quân sự để tiêu biểu cho một lối tác chiến qui mô. Từ Hải là
anh hùng chăng? Nếu hiểu quan niệm anh hùng theo những tiêu chuẩn rộng rãi
thì Từ là kẻ anh hùng của hạng mã thượng giang hồ. Từ Hải không phải là anh
hùng chăng? Nếu quan niệm anh hùng theo một tinh thần xây dựng thì Từ thật
không xứng đáng suy tôn. Từ đáng thương chăng? Chung thủy, tin người, chết
oan chết ức, đáng thương không biết chừng nào. Từ đáng ghét chăng? Ích kỷ, bạo
tàn, vụng tính, kém suy, Từ thật đáng ghét không biết bao nhiêu. Đám mây mờ ảo
không chỉ là hoa, là ngựa, mà còn có thể là cá, là chim, là một bàn tay quỷ sứ
hay là mái tóc người yêu.
Cuộc
sống chứa đầy ảo ảnh, Từ Hải cũng là một loại ảo ảnh. Nhưng cái bóng bọt xà
phòng xanh đỏ nếu cứ lơ lửng trên không thì vẫn làm vui đôi mắt, đừng cho chạm
phải một chiếc que nào. Cái bọt xà phòng Từ Hải nguy thay, đã chạm khung cửa
đầu hàng. Ảo ảnh đi vào thực tại trông thực vô cùng nghễnh ngãng.
Từ Hải chung qui là sự lỡ
tay của cụ Tiên Điền. Tác giả lỡ tay can thiệp quá nhiều vào trong Từ Hải và
tước quyền sống chỉ định của Từ. Do đó, nảy ra va chạm giữa hai thực tế: thực
tế tác phẩm và thực tế nội tâm tác giả. Sự va chạm ấy đã làm phân hóa Từ Hải
thành ra hai người, một người đáng lẽ phải có ở trong bố cục và một người mà
Tố Như - cũng như mọi người chúng ta - mong muốn xuất hiện ở trong cuộc sống
nàng Kiều.
Dù sao một bậc thiên tài lỡ
tay cũng khác với người thường tục. Chúng ta bất tài, nếu phải lỡ tay, chỉ
làm vỡ tan chén ngọc và bị đọa đày xuống cõi trần gian là hết. Thiên tài lỡ
tay phóng tỏa sự sống quái đản, nhiệm màu vào cái xác phàm, diễn hành một sự
sống lớn giữa những sinh hoạt bé mọn, đem cái phi thường trộn với cái tầm thường,
vẽ một nét thẳng vào giữa đường cong. Vì xét về mặt tâm lý, Từ Hải là đường
thẳng ấy, về mặt con người, là sống lớn ấy, về mặt sinh hoạt, là phi thường ấy.
Nhưng sự lỡ tay bắt nguồn
từ đâu? Không có cái gì ngẫu nhiên mà được tạo thành. Huống hồ đây là bàn tay
kỳ diệu của một thiên tài có thể kéo một đám người xuyên qua lớp màn hủy diệt
của dòng thời gian mà không một ai hao mòn sức khỏe, thì bàn tay ấy thực
không phải lỡ dễ dàng.
Sự lỡ tay ấy bắt nguồn từ
một thế sống ở trong tâm hồn Nguyễn Du, từ một thực trạng sinh hoạt gây nên
bao nhiêu dồn nén xót xa, do đó nung nấu bao nhiêu khát vọng giải tỏa tuyệt vời.
Nhân vật ở trong Đoạn Trường
Tân Thanh, ngoài Kiều, xưa nay chỉ có Từ Hải là được chú ý hơn hết. Người ta
bị sự quyến rũ của Từ mà quên hẳn rằng sức quyến rũ ấy phát sinh từ Kiều. Bởi
vì Từ Hải với Kiều thực ra là một, hay nói cách khác, đó là hai mặt của một vấn
đề - vấn đề sự sống - hai cái trạng thái tâm lý của một con người - con người
Nguyễn Du.
Chúng ta nhận thấy khi thể
hiện Kiều, mô phỏng theo truyện Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã gửi vào đấy
khá nhiều tâm sự bi phẫn về đời. Không chỉ là nỗi hoài Lê nhưng còn bao nhiêu
những đau lòng khác do cuộc bể dâu đem lại, do cảnh loạn lạc gây nên mà một
tâm hồn đa cảm như Nguyễn Tố Như không thể ngăn mình xúc động sâu xa. Cuộc đời
Nguyễn Du - qua những tác phẩm chữ Hán - là một cuộc đời chìm nổi, trải nhiều
cay đắng, thiệt thòi, luôn luôn nói đến bệnh hoạn và mái đầu bạc vội vàng.
Cái tâm sự bi đát ấy về đời phải được thể hiện nơi Kiều. Nàng Kiều là kẻ toàn
tài, toàn sắc nhưng chỉ là kẻ bé mọn ở giữa cuộc đời. Cuộc sống của nàng là
chuỗi dài thất bại, trước sau nàng chỉ là một nạn nhân, giày vò bởi cái xã hội
phong kiến bạo tàn, dơ bẩn và giày vò bởi mặc cảm tự ti u uất trong nàng. Kể
cả lúc nàng ngồi giữa ba quân, mặt hoa áo ngọc, trong vai kẻ thắng, thay quyền
thiên lý để mà báo oán đền ân, cung cách của nàng cũng vẫn chứa đầy mặc cảm tự
ti.
Nhưng nếu Kiều là một người
yếu đuối thì Từ là kẻ hùng mạnh, Kiều là một người tủi nhục thì Từ là kẻ vinh
quang. Ở trong cuộc sống mỗi bước chân Kiều đều vấp phải một bất trắc thì
trên quãng đường ngang dọc Từ không hề gặp khó khăn. Suốt đời Kiều sống chịu
đựng, Từ sống bất bình, Kiều quen tiếng khóc, Từ quen tiếng cười, Kiều đội
trên đầu nào trung, nào hiếu thì trên đầu Từ chỉ là một khoảng trống không,
nào biết có ai? Nếu Kiều lê lết trên mặt đất liền đầy những éo le trói buộc
thì Từ vùng vẫy trên cao phóng túng, tự do. Kiều là hiện thân của mối mặc cảm
tự ti, còn Từ là sự nguyên hình của mối mặc cảm tự tôn.
Từ Hải là sự bù đắp cho Kiều,
Kiều chìm xuống, Từ vươn lên. Chính vì có Kiều như thế mà có Từ như kia. Kiều
là cái phần hiện thực sà trên mặt đất, Từ là cái phần lãng mạn vụt thoát lên
cao, hai phần gắn liền với nhau như bóng với hình. Và đó chính là hai phần
tiêu biểu, không riêng cho một Nguyễn Du, mà chung cho mọi kiếp người.
Bởi
vậy người ta khó lòng hiểu được Từ Hải mà không liên hệ với Kiều. Kiều và Từ
Hải của Nguyễn Du không phải là Kiều và Từ Hải của Thanh Tâm Tài Nhân. Ở nơi
ngòi bút Nguyễn Du, hai nhân vật được quan niệm trở lại theo một nhu cầu nội
tâm nhất trí. Tách rời Từ Hải khỏi Kiều, cũng như ngược lại, là phá tan sự
quân bình tâm lý ở trong tác phẩm, là đi ngược lại ý sống chân thực của những
con người vẫn có hai tay, một tay bấu vào đất cát, một tay vươn ngoắt trời
xanh.
Dù không phân tích như thế,
xưa nay ta vẫn tuân theo cái đà tâm lý bản nhiên mà liên kết cả hai người
trong sự thưởng thức truyện Kiều. Cho nên thương xót nàng Kiều tất phải mến
yêu Từ Hải, cũng như trong nỗi thiệt thòi ta vẫn khát thèm bù đắp không
nguôi. Cả Kiều và Từ đều rất gần gũi với ta, nhưng sự gần gũi không cùng
chung một bình diện.
Điều ấy cắt nghĩa vì sao Từ
Hải không phải là người mà đặt vào trong tác phẩm, Từ lại là một phần người rất
thực. Chúng ta chỉ diễu cợt Từ khi đem Từ khỏi tác phẩm, tách biệt họ Từ ra
khỏi Thúy Kiều. Điều ấy cũng đã cắt nghĩa vì sao mỗi thời Từ có một khuôn mặt
khác. Bởi lẽ, mỗi thời có những tủi nhục và những mong mỏi vươn lên của nó.
Có người bảo rằng sự lỡ
tay ấy, để bù đắp ấy, sao không xảy ra ở một nhân vật nào khác? Điều đó thật
là giản dị, bởi Từ chính là nhân vật hội đủ điều kiện hơn hết - trừ cái điều
kiện đầu hàng - để thể hiện sự phản ứng tâm lý căn bản ở trong Nguyễn Du.
Chính cái ý hướng bù đắp, thể hiện nơi Từ đã có ảnh hưởng khá lớn đối với
nàng Kiều. Với gã Từ Hải anh hùng nhưng thô bạo của Thanh Tâm Tài Nhân tài
nhân, Kiều có thể sống những ngày tạm ổn, nhưng với Từ Hải phóng khoáng,
nghĩa hiệp của Nguyễn Tố Như, Kiều đã được sống năm năm sung sướng tuyệt vời.
Lưng của Từ Hải ở đây không phải là lưng hùm sói, thân của nàng Kiều ở đây
không phải là thân tôi đòi. Với Từ, Kiều đã trở thành một kẻ có chung, có thủy,
ân oán báo đền, và chỉ có Từ, Kiều mới được yêu đầy đủ, mãnh liệt như thế. Từ
là người yêu xứng đáng nhất ở trên đời, vì trong yêu đương Từ không làm khổ
người yêu, không làm thấp hèn người yêu, cả về vật chất cũng như tinh thần.
Chỉ có với Từ, Kiều mới lên tới tột độ vinh quang mà bao nhiêu kẻ phấn son mơ
ước.
Trong mười lăm năm đau khổ,
chung qui Kiều của Nguyễn Du chỉ khổ mười năm. Năm năm với Từ thật đáng đánh
đổi một đời. Chúng ta có thể căn cứ vào đó mà nhận định sự tác động trở lại của
phần lãng mạn đối với hiện thực. Chính sự tủi nhục của Kiều tô đậm vinh quang
của Từ và sự vinh quang của Từ giảm bớt tủi nhục của Kiều. Sự tương hỗ tác động
về mặt tâm lý vẫn là hiện tượng phổ biến xưa nay trong mọi con người. Thiếu
thốn sinh ra ước mơ, ước mơ vỗ về thiếu thốn, Từ Hải và Kiều là sự biểu hiện
hai chiều của một nội tâm.
Tóm lại, Từ Hải là mộng,
xây trên cái thực là Kiều. Chúng ta khó lòng cảm thông Từ Hải, nếu không nhìn
thấy ý hướng bù đắp nơi Từ. Từ chỉ có nghĩa trong sự bổ túc và phải nhận định
qua sự bổ túc, cùng cái cơ sở để bổ túc ấy. Từ không chỉ là giấc mơ anh hùng,
không chỉ là sự phóng túng cá nhân hay một ý hướng phản phong. Nói thế, chỉ
là những cách nài nỉ sự việc tổng quát đi vào cụ thể, để thời đại hóa một cái
hiện tượng tâm lý có nhiều đặc tính biểu trưng. Từ là hiện thân của một phản ứng,
của lòng khao khát đền bù, của một đòi hỏi quân bình có thể đồng nghĩa với sự
đòi hỏi công bình, một thứ công bình lý tưởng về người, về đời, vọng lên bất
cứ nơi nào còn có đày đọa tủi hờn.
Chính
nội dung ấy, phát sinh quá đậm từ một thực tế quá thấp - thực tế của một xã hội
Đoạn Trường Tân Thanh - đã khiến Nguyễn Du lỡ tay để cho Từ Hải trở thành lỗi
điệu về phần kỹ thuật. Lỡ tay và lỗi điệu ấy của bậc thiên tài đã góp khá nhiều
cho cuộc sống này: một mặt bày tỏ khát vọng vươn lên muôn thuở của mọi con
người, một mặt tố cáo thêm rõ bi kịch của những đời sống thấp thỏi, hèn mọn,
trọn kiếp chỉ là một tiếng than dài.
Nguồn: Đọc lại Truyện
Kiều. Bản in lần thứ 4, năm 2015. NXB Văn học &Trung tâm Nghiên cứu Quốc
Học ấn hành, quý II, 2015.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét