Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Vương mãi bước người đi

Vương mãi bước người đi
Bài thơ Hương thầm của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn ra đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Nó đặc biệt không chỉ ở chỗ đã ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc mà còn ở chỗ đây là bài thơ mà nữ sĩ đã viết về em mình chứ không phải viết về mối tình thầm của chị như một số người đã phỏng đoán. “Khung cửa sổ hai nhà cuối phố” là cửa sổ ở phố Yên Phụ (Hà Nội), nơi gia đình chị sống.
“Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp” chính là em trai của nữ thi sĩ (tên Phan Hữu Khải) và cô bạn của mình.
Anh đã lên đường khi lời yêu còn chưa lên môi. Chỉ có tâm hồn của người chị đa cảm, lãng mạn để cho hương bưởi trong khăn tay cô gái hàng xóm tiễn đưa em mình. Một thời gian sau, bài thơ đã nhanh chóng được các chiến sỹ chuyền tay nhau đọc và trở thành bài thơ gối đầu nằm ở chiến trường vì dường như họ đã bắt gặp một ít mối tình của mình trong đó. Từ chiến trường khốc liệt, cậu em viết thư về cho chị: “Em nghe đài ngâm bài thơ Hương thầm của chị”. Chị Nhàn chưa kịp viết thư cho em kể rằng: “Bài thơ viết về em đó” thì người em vui tính đã vĩnh viễn ra đi. Không ngờ bài thơ đã đúng như cái tên Hương thầm, cứ lặng lẽ đến mức ngay cả những người trong cuộc tử biệt sinh ly cũng không được biết. Và cùng với nó, bài hát Hương thầm  (nhạc sỹ Vũ Hoàng phổ nhạc) cứ lặng lẽ vương mãi đến ngày nay trong tâm trí những người yêu thơ – nhạc.
Hồi học phổ thông tôi đã được tiếp xúc với Hương thầm trong một hoàn cảnh khá đặc biệt: không phải từ tân nhạc mà từ tân cổ. Sự đẹp đẽ của tình yêu buổi đầu đã tiếp tục làm rúng động tâm hồn của người nghệ sỹ cổ nhạc. Và dù ở thơ hay nhạc thì Hương thầm đều có một giai điệu lặng lẽ như nhau, nhẹ nhàng, lan tỏa. Tình yêu của đôi bạn thật đẹp đẽ mà thơm tho tinh khiết như hương hoa bưởi trong ngần. Khung cửa sổ hai nhà cuối phố, cây bưởi sau nhà,… tất cả đều rất lặng lẽ đến nên thơ. Ở đó có một đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp chỉ lén nhìn nhau mà không nói bao giờ. Hương bưởi sau nhà trở thành mối lái để buộc hai tâm hồn đồng điệu. Rồi có lần hương bưởi cũng dẫn hai người đến với nhau tận mặt:
Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Nhưng lạ chưa:
Nào ai đã một lần dám nói?
Hương bưởi thơm cho lòng bối rối
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu
Cô gái đã có đủ sức mạnh để đến tiễn chàng trai ra trận sao chẳng có đủ sức mạnh để nói lên một lời? Cô chẳng dám trao chiếc khăn tay, anh chẳng dám xin và hai người im lặng. Chỉ có hương bưởi nghịch ngợm xao động và kết nối họ với nhau. Nhưng khẽ thôi, nhẹ nhàng thôi để hương bưởi không bay đi mất, để cái e ấp của tình đầu còn tồn tại và cái hương thầm dịu nhẹ quấn quanh. Chỉ có đôi mắt của họ là biết nói nên lời và nhờ hương hoa thầm thì lời yêu thương. Mối tình đầu cứ thế thầm lặng mà tỏa lan bát ngát. Không ai nói nhưng ai cũng hiểu một điều rất lạ. Hương bưởi sao mà thanh tao, tinh khiết và đầm ấm quá! Nó làm cho lòng người trong cuộc bối rối nhưng cũng đền bù bằng cách mối lái thành công cho hai tâm hồn họ gặp nhau. Nó buộc chặt người đi và người ở. Nó vương vấn bước người ra trận và làm bối rối lòng kẻ tiễn đưa. Rồi đây hương bưởi sẽ theo bước anh lính mà ướp thơm chiếc ba lô chiến trường. Hương bưởi ở lại để sưởi ấm lòng cô gái dõi theo:
Hai người chia tay sao chẳng nói điều chi
Mà hương thầm theo mãi bước người đi
Hai người chia tay sao chẳng nói một lời
Mà hương thầm vương mãi bước người đi…
Theo từng hơi thở của anh, hương hoa bưởi đã thấm sâu vào lồng ngực. Anh lên đường, hương sẽ theo đi khắp. Hương thơm thầm lặng mà rất đổi ngạt ngào cũng như mối tình đầu rất dịu nhẹ, chẳng ai nói một lời nhưng rất đẹp, rất thơm và sẽ mãi mãi tỏa lan. Cái hương thầm ấy lưu hoài ở nơi người đưa tiễn, vương mãi bước người đi và tỏa hương đến tận ngàn sau.
Từ Hương thầm rồi đến Phượng hồng, xin cám ơn nhạc sỹ Vũ Hoàng với những bài hát rất hay, tràn đầy ý tình thi vị và lãng mạn để tặng cho tuổi trẻ chúng tôi. Để sau này dù không còn trẻ nữa, chúng tôi vẫn cứ ngâm nga, cứ xúc động khi nhớ về chúng!
Hương thầm - Vũ Hoàng - Bảo Yến
An Đình
Phượng hồng - Vũ Hoàng - Vũ Khanh
 Theo http://enews.agu.edu.vn/
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...