Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Qua sông Thương gửi về bến nhớ

Qua sông Thương gửi về bến nhớ
Ta lại hành quân qua sông Thương 
Một đêm vào trận tuyến 
Nghe Tổ Quốc gọi lên đường! 
Mà lòng ta xao xuyến 
Và hồn ta căng gió reo vui 
Như dòng sông Thương chảy mãi về xuôi 
Hôm nay ta ra đi 
Súng thép trên vai nóng bỏng 
Không qua nhịp cầu ngày xưa soi bóng 
Phà đưa ta sang sông 
Rạo rực trời khuya, thao thức trong lòng 
Rầm rập dòng sông sóng nhạc 
Như tình thân yêu muôn vàn của Bác 
Tiễn đàn con ra đi 
Tầu cập bến rầm rì tiếng máy 
Tiếng động cơ sục dưới khoang tàu 
Hay sôi ở trong lòng đất cháy 
Hay giữa tim ta thúc giục lên đường 
Chào bờ Bắc thân yêu hẹn ngày trở lại! 
Ôi những con thuyền đèn trôi suốt canh khuya 
Có khua nhẹ mái chèo qua bến cũ 
Nhắn cho ai ngày đêm không ngủ 
Rằng ta đi chưa kịp báo tin vui 
Đêm nay bên dòng nước nghiêng trôi 
Sông vẫn thức canh trời Tổ Quốc 
Rạo rực lòng ta bồi hồi tiếng hát 
Đổ về bến lạ xa xôi 
Với biển reo ca rộng mở chân trời

Hoàng Kim
(Rút trong tập THƠ VIỆT NAM 1945-2000 
Nhà Xuất bản Lao động 2001, trang 646)
Hình ảnh sông Thương ở trên là của Nhật Minh tại diễn đàn Bắc Giang Online 
Bài thơ cùng chủ đề "Qua sông Thương" (Sưu tầm)
QUA SÔNG THƯƠNG
Lưu Quang Vũ 
*Sao tên sông lại là Thương
Để cho lòng anh nhớ?
Người xưa bảo đây đôi dòng lệ nhỏ
Những suối buồn gửi tới mênh mang
Đò về Nhã Nam
Đò qua Phủ Lạng
Mưa chiều nắng rạng
Đã bao năm?
Nỗi đau cũ thật không cùng
Sông cũng thành nước mắt
Hôm nay anh lại qua sông
Đò anh đi giữa những đóa sen hồng
Ong chấp chới bay, đây đương mùa dứa
Đò ngược xuôi chở trái chín vàng
Thơm ngát mật hương mùa hạ
Thôn xóm đôi bờ xanh biếc quá
Những đường xe chạy đỏ bụi bay
Những tiếng cười khúc khích sau vườn cây
Nước vỗ mạn thuyền dào dạt
Buồm trắng nắng căng phồng gió mát
Phủ Lạng thương sừng sững thân cầu
Giặc đánh hai lần ta lại sửa mau
Dòng nước đêm nay đựng trời sao
Hay ánh đèn điện sáng
Lấp lánh công trình phân đạm
Bóng ai kia trên giàn giáo tầng cao?
Thôi chẳng mất công tìm nhau

Hãy lắng nghe loa truyền tin vui quá nhỉ?
Sông Thương ơi, đang những ngày đánh Mỹ
Nên đôi bờ nòng pháo hướng trời mây
Những cô lái đò súng khoác trên vai
Đời đẹp vô cùng dòng lệ hóa dòng vui
Đò anh đi vẫn mùa sen thắm
Xuôi dòng về ngã ba sông
Bỗng ào ào nước mênh mông
Vui gì bằng những dòng sông gặp gỡ?
Mang vè bóng làng bóng người bóng lá
Những đò trái chín hẹn hò nhau …
Mùa đánh Mỹ qua sông xưa nước mắt
Mà vạt áo người nay chẳng ướt
Chỉ nghe lồng lộng tiếng ca vang
Nghe sông gọi người đi đánh giặc
Đất nước nặng tình phù sa bát ngát
Tâm hồn ta tắm với bóng mây trong
Yêu quá sông Thương nước chảy đôi dòng

6.1966
NHỚ SÔNG THƯƠNG 
Nhật Minh (Diễn đàn Bắc Giang Online)
Tôi là một trong những người may mắn, may mắn bởi tuổi thơ tôi được tắm mát bên hai dòng sông quê hương: sông Cầu thơ mộng và sông Thương đôi dòng trong đục. Nếu như bao kỉ niệm khi nhỏ đã gắn với dòng sông Cầu cùng những chiều chăn trâu, cắt cỏ, những buổi mò hến, bơi sông..., và còn nữa những trò trẻ dại: ném tàu qua lại, thi bơi xa mùa nước lên.., thì dòng sông Thương mang cho tôi cảm giác thân thương, gần gũi suốt một thời "ngày hai buổi đến trường".
Sông Thương nước chảy đôi dòng. 
Bên trong bên đục em trông bên nào?
Nếu không có những ngày sang sông học thêm, thì có lẽ hình ảnh con sông Thương cũng bình thường như bao con sông khác trong tiềm thức của tôi, như bao con sông tôi biết đến qua môn địa lý thầy dậy ở trường. Tuần ba buổi, sau khi tan lớp tôi lại lọc cọc con xe đạp cà tàng thẳng hướng Phà Bến Đám. Điểm dừng chân ăn trưa của tôi có khi là Neo, có khi là bất kỳ quán lá nào ven đường, hay cũng ngạy tại các quán chân dốc Phà. Chúng tôi lúc ba, lúc bốn...nhưng hễ xuống phà là lại trở thành những cậu nhóc lái phà thực thụ. Dần thành quen, có ngày khoái chí rủ nhau lái cho vài ba quệt phà ngang, mệt bở hơi tai. Mệt nhưng vui, cái vui mà chẳng bao giờ có lại được.
Nước dòng sông Thương đoạn Phà có khi trong khi đục. Mùa nước cạn, dòng sông hiền hòa, nước trong veo, mát lạnh. Mùa nước lên, tháng 6 tháng 7, nước đục như nước sông Hồng, chảy mạnh hơn, các phao cảnh báo cũng nhiều hơn. Nhiều lần cầm đòn kéo cáp, giữa dòng sông, cố tìm cho ra cái danh giới giữa hai dòng trong - đục mà sao chẳng thấy? Hỏi ra mới biết cái khúc có trong, có đục đó không phải ở đây, mà ở trên đoạn cao hơn nửa, trên tít Thị xã xa xa cơ. Một đoạn làm nên đặc tính, nét duyên dáng của cả một dòng sông, một dòng sông "nước chảy đôi dòng".
Sông Hương xứ Huế mềm mại, thiết tha như chính dánh hình người thiếu nữ Huế, trong veo từ ngay cả giọng nói, lời chào. Sông Đuống trường kỳ, hình tượng qua những câu thơ đứt ruột: "Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ"...Mỗi con sông gắn với mỗi vùng đất, đều có nét riêng. Tên mỗi con sông cũng ngân lên chính cái hồn của nó vậy. Sông Thương.....nghe vừa mềm mại, trìu mến, mộng mơ, nhưng cũng rất cá tính.
Sao tên sông lại là Thương
Để cho lòng anh nhớ?
(Lưu Quang Vũ)
Sông Thương đã đi vào thơ ca cũng bằng chính những nét độc đáo:
...Một dòng sông đôi dòng thơ mộng:
Có ai đã từng nghe Chiều sông Thương mà không cảm thấy như được thương, được nhớ? Tiếng hát cứ ngân vang như dòng sông hiền hòa, êm dịu nâng niu hồn người nghe:
Đi suốt cả chiều quê 
vẫn chưa về lối cũ
Dùng dằng câu quan họ 
nở tím bờ sông Thương
Nước vẫn chảy đôi dòng, 
chiều uốn cong lưỡi hái
Những gì sông muốn nói 
cánh buồm giờ hát lên

(Chiều Sông Thương - An Thuyên, thơ Hữu Thỉnh)
Đạn bom chiến tranh không thể làm phai đi chất thơ mộng, mĩ miều của đôi dòng nặng trĩu phù sa: 
Đất nước nặng tình phù sa bát ngát
Tâm hồn ta tắm với bóng mây trong
Yêu quá sông Thương nước chảy đôi dòng

(Lưu Quang Vũ)
Sông Thương một dải mờ xanh,
Yêu thương anh xẻ ngọt lành anh trao.

(Ngô Trọng Đình)
Sông Thương không cuồn cuộn, oai hùng như sông Đà, không "mặt im lìm, đáy vùi sâu xác giặc" như sông Cầu, sông Mã..., nó mềm mại, thiết tha như mái tóc dài thiếu nữ: 
Mai đành xa sông Thương tóc dài
Vạn Kiếp tình yêu anh gửi lại
Xuân ơi xuân, lẽ nào im lặng mãi
Hạ chưa về... nhưng nắng đã Côn Sơn

(Hoàng Nhuận Cầm)
...Một dòng sông anh hùng:
Cùng con người, sông cũng thao thức cùng chiến tuyến chống quần thù. Sông vẫn thở và người vẫn hát, hát trong lửa đạn chiến tranh: 
Sông Thương ơi, đang những ngày đánh Mỹ
Nên đôi bờ nòng pháo hướng trời mây
Những cô lái đò súng khoác trên vai
Đời đẹp vô cùng dòng lệ hóa dòng vui....
Nghe sông gọi người đi đánh giặc
Đất nước nặng tình phù sa bát ngát
Tâm hồn ta tắm với bóng mây trong
Yêu quá sông Thương nước chảy đôi dòng

(Lưu Quang Vũ)
"Quê hương ai cũng có một dòng sông êm đềm...": Lời bài hát như đưa chúng ta về với quá khứ, về với tuổi thơ, về với quê hương, nơi có dòng sông yêu dấu. Thời gian có thể làm thay đổi con sông đó, nhưng hình ảnh về một con sông tuổi thơ đã đi vào thi ca, đi vào tiềm thức thì mãi rõ nét như chính tên gọi của nó vậy. Có ai quên được quê hương? Nhớ về quê hương có ai không nhớ về những dòng sông êm đềm, thơ mộng? Sông Thương vẫn cứ mãi êm đềm, thơ mộng như chính tự nó, là cội nguồn cảm hứng sáng tác vô bờ bến.
...Nhớ con sông Thương đôi dòng trong đục,
Như dải lụa đào hai sắc thắm em mang,
Nhớ ngọn Non Voi, nhớ dòng Như Nguyệt,
Nhớ những buổi chiều cắt cỏ, chăn trâu...
Ước cho dòng sông Thương mãi cứ hiền hòa, thơ mộng.

Con Phà không còn nữa, một con cầu mới ôm hai bờ khoảng cách, nhưng những kỷ niệm với sông Thương thì không bao giờ hết. 
SÔNG THƯƠNG
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia 
Tọa độ: 21°7′26″N 106°17′52″E Sông Thương (Sông Nhật Đức)
Tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương
Các chi lưu
- tả ngạn sông Hóa
- hữu ngạn sông Bắc Cầu, sông Trung, sông Sỏi
Nguồn 
- Vị trí dãy núi Na Pa Phước, làng Man, Vân Thủy, Chi Lăng, Lạng Sơn
- Cao độ 600 m (1.969 ft)
Cửa sông Ngã ba Lác
- vị trí Lục Đầu Giang, Yên Dũng, Bắc Giang, Việt Nam
- tọa độ 21°7′26″N 106°17′52″E
Chiều dài 157 km (98 mi) Lưu vực 6.640 Km² (2.564 mi²)
Lưu lượng - trung bình 46,5 m³/s (1.642 ft³/s)
Sông Thương (hay sông Nhật Đức) là một sông lớn ở địa phận các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương và là một chi lưu của sông Thái Bình.
Sông Thương bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thuỷ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy trong máng trũng Mai Sao - Chi Lăng và chảy vào địa phận tỉnh Bắc Giang. Sông chảy qua thành phố Bắc Giang (tên cũ là Phủ Lạng Thương) và điểm cuối là thị trấn Phả Lại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tại đây nó hợp lưu với sông Lục Nam (ngã ba Nhãn) và sông Cầu (ngã ba Lác), rồi tạo thành sông Thái Bình tại chính ngã ba Lác.
Trên địa phận tỉnh Bắc Giang, sông Thương chảy qua các huyện Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên, Thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng.
Sông Thương có một chi lưu lớn là sông Sỏi chảy từ huyện Yên Thế (Bắc Giang). Chúng hợp lưu tại nơi tiếp giáp của ba huyện: Yên Thế, Tân Yên và Lạng Giang. Đến gần thành phố Bắc Giang, có thêm một dòng sông đào đổ nước vào sông Thương, nước sông Thương vốn trong xanh nay có dòng nước đục thêm vào thành ra sông có hai dòng chảy song song, một bên trong, một bên đục. Hiện tượng này có thể nhìn thấy được tới thành phố Bắc Giang.
Sông Thương có chiều dài 157 km, diện tích lưu vực: 6.640 km². Giá trị vận tải được trên 64 km, từ Phả Lại, tỉnh Hải Dương đến thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Các loại tàu thuyền có tải trọng 200-250 tấn, xà lan 250-300 tấn tham gia vận tải đường sông từ Phả Lại-Bến Tuần (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang dài 49 km), từ Bến Tuần - Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang các loại thuyền nhỏ có tải trọng từ 50-70 tấn tham gia vận tải được trong 2 mùa (đoạn Bến Tuần - Bố Hạ dòng sông hẹp có nhiều bãi bồi).
Thời phong kiến khi quan, quân lên trấn ải biên thùy Lạng Sơn thì gia quyến của họ được phép tiễn đưa đến con sông này, người đi xa, kẻ ở lại chia tay nhau ở đây thật là thương cảm lên từ đó người con sông nay được gọi là Sông Thương.
Sông Thương trong văn học và âm nhạc
Sông Thương được nhắc đến nhiều trong văn học và các ca khúc âm nhạc. Như trong ca khúc tiền chiến "Con thuyền không bến" của Đặng Thế Phong:
...Lướt theo chiều gió, một con thuyền,
Theo trăng trong, trôi trên sông Thương,
nước chảy đôi dòng, biết đâu bờ bến
Thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu
Trên con sông Thương, nào ai biết nông sâu?
Nhớ khi chiều sương, cùng ai trắc ẩn tấm lòng.
Biết bao buồn thương, thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng...

Hay trong "Trường ca Con đường cái quan" của Phạm Duy:
Sông Thương ơi nước chẩy đôi ba dòng
Anh về Hà Nội một lòng, lòng yêu em
Sông Thương ơi nước đục người đen
Anh về thành phố không quên cô mình...
Lấy ý từ câu ca dao:
Sông Thương nước chảy đôi dòng.
Bên trong bên đục em trông bên nào?

Theo sự nhận xét của nhà văn Toan Ánh thì chuyện "Sông Thương nước chảy đôi dòng" là có thật! Đó chẳng qua là hiện tượng nhập giang của con ngòi (Đa Mai) chảy từ cánh đồng chiêm làng Đa Mai (Mỹ Độ) nối kết với dòng sông Thương (nước của cánh đồng chiêm thì đục đầy phù sa, gặp nước sông Thương trong xanh, hai dòng nước không hòa lẫn với nhau ở một đoạn khá dài (khoảng 100 thước). Hiện tượng này, ngày nay không còn nữa và sự phân ly của người xưa đã hết, nhưng con sông Thương đã chảy vào lòng người những tâm tình tràn ngập phù sa thương nhớ…[1]
Tham khảo
Sông Thương (sông Nhật Đức).
Khái quát địa lí, lịch sử, văn hóa Bắc Giang.
Hoàng Kim
Theo http://thovanhoangkim.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...