Báo Văn nghệ số 16
(năm 2014) có bài “Tiếng Việt chưa có chuẩn” của tác giả Phạm Thuận Thành. Đây
là một bài viết có nhiều lập luận thiếu cơ sở khoa học, hơn nữa, về
tư tưởng còn bộc lộ một thái độ coi thường tiếng Việt, có tác động không tốt đến
tầng lớp thanh thiếu niên. Vì vậy, với thái độ thẳng thắn, chúng tôi thấy cần
trao đổi với tác giả bài viết một số vấn đề đáng chú ý sau đây.
Thứ nhất, bài viết này có những
sai lầm cơ bản trong nhận thức. Đó là sự nhầm lẫn trong việc nhận biết giữa cái
toàn thể và cái bộ phận (trong triết học còn gọi là quan hệ giữa cái chung và
cái riêng, giữa cái khái quát và cái cụ thể), giữa hiện tượng và bản chất. Từ
đó nêu ra những nhận định hồ đồ, vội vã. Tuy chỉ là một phát biểu mang tính cảm
tính, thiếu khách quan khoa học, nhưng nó lại gây ra hoang mang không ít cho học
sinh, sinh viên. Từ sự hoang mang này, học sinh sẽ có thái độ coi
thường không nghiêm túc trong việc học tập và rèn luyện tiếng Việt. Hơn nữa nó
còn tác động không nhỏ tới một bộ phận giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học.
Chúng ta đều biết, ngôn ngữ
là sản phẩm của một loại vật chất đặc biệt, đó là bộ óc con người. “Ngôn ngữ
cũng cổ xưa như ý thức vgôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng. Ngôn
ngữ tồn tại cho người khách và cho chính bản thân tôi” (Các Mác). Nói đến ngôn
ngữ chính là nói đến tư duy của một cộng đồng người nhất định. Vì vậy,
ta mới có các khái niệm: Tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Hán…Đây là
cách gọi tắt của các cụm từ : Ngôn ngữ của người/dân tộc Việt”, “Ngôn ngữ của
người/dân tộc Nga”… Mặc dù khác nhau, nhưng ngôn ngữ nào cũng có cái chuẩn
riêng của mình. Không có chuẩn, ngôn ngữ sẽ là một hệ thống rối loạn, không thể
giao tiếp được. Nói một cách khác, không có chuẩn thì khi nói hay viết, người
ta không thể hiểu được nhau. Hơn nữa, nhờ có chuẩn và sự bảo lưu được chuẩn mà
các thế hệ sau mới hiểu được các thông tin của các thế hệ trước để lại. Thử hỏi
tiếng Việt không có chuẩn thì làm sao đến thế kỷ thứ XXI, người Việt vẫn đọc và
hiểu được Hồng Đức quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Truyện Kiểu của Nguyễn Du…?
Không có chuẩn thì ngôn ngữ không thể trường tồn. Dân tộc Việt hàng ngàn năm bị
đô hộ của phong kiến phương Bắc, gần trăm năm bị nô lệ bởi thực dân, nhưng
không bị đồng hóa hay bị tiêu diệt bởi chính sách xâm lược của ngoại bang (coi
rẻ tiếng Việt, bắt dân ta phải dùng chữ Hán và chữ Pháp làm văn tự chính thống)
chính nhờ có sự đấu tranh sống còn để bảo lưu cái chuẩn của tiếng nói dân tộc.
Như vậy, nói tới chuẩn ngôn ngữ là ta nói tới tính qui ước của cộng đồng và
tính hành chính của bộ máy quản lý Nhà nước. Chuẩn ngôn ngữ không do một cá
nhân hay một nhóm người qui định mà do một cộng đồng ngôn ngữ rộng lớn- tức cộng
đồng dân tộc và những qui định mang tính chế ước của Nhà nước quản lý nó qui định.
Nếu những qui ước của cộng đồng và qui định của Nhà nước ngược nhau thì nó kìm
hãm không cho ngôn ngữ phát triển. Ngược lại, nếu có sự phù hợp thì ngôn ngữ lại
có cơ hội tiến triển và ngày càng đạt được chuẩn mực cao. Trước năm 1945, do tiếng
Việt bị chính quyền thực dân coi rẻ, cho nên khi giành được độc lập rồi nhiều
người bị ảnh hưởng nền giáo dục Pháp đã còn cho rằng tiếng Việt không thể giảng
dạy ở bậc đại học. Nhưng sự thực là chính quyền cách mạng, sau tháng Tám, tiếng
Việt đã được đưa vào giảng dạy ở mọi cấp học. Ngày nay, tiếng Việt không những
chỉ được dùng ở bậc đại học mà còn được dùng ở bậc cao hơn để đào tạo thạc sĩ
và tiến sĩ. Tôn vinh tiếng Việt, đưa vị trí của tiếng Việt từ địa vị thứ yếu (bị
trị) sang địa vị chính thống, độc tôn chính là ý thức bảo vệ văn hóa, tư duy của
người Việt, cái làm nên bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Tác giả Phạm Thuận Thành rất
sai lầm khi coi tiếng Việt chưa có chuẩn, lại càng sai lầm hơn nữa khi coi một
số hiện tượng tùy tiện trong sử dụng ngôn ngữ là cách tân. Tác giả này viết
“Trong ngôn ngữ mạng, giới trẻ đang có xu hướng dùng chữ cái w thay cho phụ âm
qu, chữ cái j thay cho phụ âm ch… là sự cách tân rất đáng chú ý”. Chúng tôi rất
lấy làm lạ trước cách lập luận của tác giả. Bởi về mặt khoa học, ai cũng biết
đó là những hiện tượng ngôn ngữ chỉ có thể được xếp vào thứ “tiếng lóng” của một
số ít người trong lớp trẻ (không phải tất cả thanh niên VN đều dùng như vậy).
Nó không thể đại diện cho hệ thống ngôn ngữ của một cộng đồng. Hơn nữa, tác giả
lớn tiếng để đả phá cái gọi là “tiếng Việt không có chuẩn” nhưng những tri thức
tối thiểu về ngôn ngữ học tác giả lại tỏ ra không hiểu gì. Vậy làm sao có thể
thuyết phục người đọc ? Chẳng hạn, trong tiếng Việt không có cái gọi là “phụ âm
qu” như tác giả quan niệm. Đó là một tổ hợp gồm phụ âm [ k ] kết hợp với bán
nguyên [ w ] (còn gọi là âm đệm [ w]). Chính vì thiếu những tri thức cần thiết
nên tác giả kêu lên “Dựa vào chuẩn nào để nói người khác”lệc chuẩn đây”? Xin
thưa, khi chúng ta chưa chính thức có luật về ngôn ngữ thì vẫn có rất nhiều cơ
sở cho phép ta có thể dựa vào để xem xét về chuẩn. Chẳng hạn, dựa
vào qui định, nghị định của các cơ quan có thẩm quyền với chức năng đại diện
cho Nhà nước về lĩnh vực mà mình quản lý. Ví dụ, qui định về cách viết chính tả,
cách phiên âm từ, thuật ngữ tiếng nước ngoai của UBKHXH Việt Nam trước đây (đã
có nhiều văn bản) và của Viện Hàn lâm KHXH ngày nay. Cũng có thể dựa vào các bộ
Từ điển tiếng Việt do Nhà nước đứng ra tổ chức biên soạn và ấn hành. Ngoài ra,
còn có thể dựa vào các tài liệu được sử dụng chính thống trong giáo dục. Chẳng
hạn, có thể dựa vào sách dạy tiếng Việt hiện đã được Nhà nước ban hành (tức
sách giáo khoa)…Có lẽ vì thiếu những hiểu biết này mà tác giả bài viết trên đã
nhầm lẫn coi những hiện tượng tùy tiện về sử dụng ngôn ngữ là các hiện tượng
cách tân và cổ súy cho nó. Nhận định này có tác dụng rất tai hại đối với việc
giáo dục tiếng mẹ đẻ cho tầng lớp thanh thiếu niên hiện nay.
Thực ra, cách nói “chuẩn
ngôn ngữ” là cách nói chung chung. Trên thực tế, chuẩn ngôn ngữ là cái được thể
hiện trên nhiều bình diện cụ thể. Chính vì thế, trong cuốn “Phong cách học tiếng
Việt hiện đại”(*), chuẩn ngôn ngữ được bàn đến từ nhiều bình diện: Chuẩn ngữ
pháp, chuẩn ngữ âm, chuẩn từ vựng, chuẩn phong cách. Cơ sở đê xác định chuẩn là
những qui tắc cơ bản của tiếng Việt, trong đó cần phải xem xét cả mối quan hệ
giữa tiếng toàn dân (ngôn ngữ phổ thông) và tiếng địa phương (phương ngữ). Ví dụ,
ta có cặp từ chính phủ/chánh phủ thì “chánh phủ” được coi là tiếng địa phương,
còn “chính phủ” được coi là tiếng toàn dân và là chuẩn (được dùng chính thức
trong các văn bản hành chính, ngoại giao…mang tính quốc gia). Với cặp vào/vô thì
“vào” được coi là chuẩn. Về cách viết, nếu viết “nghành giáo dục” sẽ là lệch
chuẩn, là sai vì âm [ng ] trong tiếng Việt được thể hiện dưới 2 dạng chứ viết
là: ng, ngh tùy theo nó kết hợp với âm nào sau nó. Nếu nó kết hợp với các
nguyên âm dòng sau và nguyên âm dòng giữa (a, u, ơ) thì phải viết là ng: nga,
ngành, ngả, ngu, ngư, ngô, ngơ, ngớ…. Nếu nó kết hợp với các nguyên âm dòng trước (i,e,ê)
thì phải viết là ngh: nghe, nghi, nghỉ, nghê (ngô nghê); nếu viết là ngi, ngỉ,
nge phải coi là lệch chuẩn, là sai.
Tương tự như vậy, âm [ k ]
trong tiếng Việt được thể hiện bằng 2 chữ cái là c và k. Nếu sau nó là nguyên
âm dòng sau hay dòng giữa thì dứt khoát phải viết là c: ca, có, cốc, cưng (viết:
ka, kó, kốc là sai, là lệch chuẩn)...; nếu sau nó là nguyên âm dòng trước phải
viết là k: kỷ, kiệt, kẻ, kế, kể (viết: cỉ,ciệt, cẻ, cể là sai là lệc chuẩn)… Vì
sao lại như vậy? Vì đó là qui ước của những nguời sáng lập ra chữ Quốc ngữ - một
thứ văn tự dùng chữ cái La tinh để ghi âm tiếng Việt. Đó là thứ văn tự đã được
Chính phủ, Quốc hội nước Việt Nam Dân chú Công hòa chọn làm văn tự chính thống
của quốc gia ngay từ khi thành lập và được toàn dân ủng hộ. Đây chính là cơ sở
pháp lý mà tác giả Phạm Thuận Thành không nhận ra. Chính vì thế, tác giả mới hồ
đồ cho rằng “lấy J thay cho ch, z thay cho tr…” là sự cách tân. Trái lại, cần
coi đây là hiện tượng lệch chuẩn vì nó chỉ là thứ tiếng lóng do một bộ phân
thanh thiếu niên tạo ra. Nó không thể đại diện cho một cộng đồng ngôn ngữ, cũng
không thể thay thế cho hệ thống chữ viết được thừa nhận chính thống về mặt Nhà
nước.
Đành rằng, trong hệ thống chữ
Quốc ngữ không khỏi có chỗ bất hợp lý, nhưng việc cải tiến chữ Quốc ngữ là một
câu chuyện lớn lao và lâu dài. Muốn cải tiến nó phải nghiên cứu một cách toàn
diện, sâu sắc nếu không cải tiến sẽ trở thành thụt lùi. Bởi tiếng Việt là ngôn
ngữ rất phong phú, đa dạng về cách phát âm nên không phải ngẫu nhiên, hệ thống
chữ cái La tinh là một hệ thống chữ cái khá hoàn chỉnh, được nhiều ngôn ngữ Âu
châu sử dụng (tiếng Anh, Pháp, Đức) nhưng khi dùng là văn tự ghi âm tiếng Việt,
các nhà sáng lập phải tạo thêm các dấu phụ để ghi lại cách phát âm mang tính đặc
trưng của người Việt. Thế cho nên, tuy cùng dùng hệ chữ cái La tinh để ghi âm,
nhưng chỉ trong tiếng Việt mới có các nguyên âm mang dấu mũ. Bài học vui dạy viết
cho trẻ có câu: O tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ ơ thì thêm râu…được sáng
tạo để ghi dấu nét đặc trưng đó.
Mấy điều vừa nói ở trên là
nói về chuẩn chính tả. Còn chuẩn ngữ âm thì sao? Một câu chuyện mất khá nhiều
giấy bút trên báo mạng trong năm trước là câu chuyện lẫn lộn n / l. Tại sao có
nhiều vị quan chức khi xuất hiên trên truyền hình, khi diễn thuyết người
nghe-xem phải phì cười? Vì họ có những cách phát âm lệch chuẩn lẽ ra không nên
có với cương vị công tác của mình. Ví dụ, “làng tôi có rất nhiều nhà cao tầng”
thì lại phát âm thành “nàng tôi có rất nhiều nhà cao tầng”; “Nó nói lắm lại hay
lẫn lộn” lại phát âm thành “ló nói nắm nại hay ní nuận”
Trong sử dụng từ vựng, sự lệch
chuẩn cũng không kém phần phong phú. Ở một số địa phương người nông dân thường
nói “Con tôi mợc lên chú ý rồi” trong khi cần phải nói “Con tôi mới được
lên thiếu úy rồi”, Hoặc nói: “Nó bàng quang lắm” thay vì phải nói “Nó bàng quan
lắm
Có thể nói hiện tượng lệch
chuẩn là hiện tượng làm vẩn đục ngôn ngữ và là hiện tượng rất cần được khắc phục,
Tuy nhiên, hiện tượng lệch chuẩn cũng rất đa dạng và có nhiều nguyên nhân khác
nhau. Có những hiện tượng lệch chuẩn là do thói quen phát âm của tiếng địa
phương, biệt ngữ hay thổ ngữ. Có những cách phát âm phổ biến trong một vùng
phương ngữ rộng lớn như tiếng Nghệ Tĩnh chẳng hạn, có thể vẫn được
coi là những nét bản sắc miền vùng. Nó có thể được sử dụng rộng rãi trong các
hoạt động giao tiếp khẩu ngữ, thậm chí được dùng trên đài phát thanh truyền
hình địa phương nhưng không được dùng làm ngôn ngữ chuẩn trên phương tiện truyền
thông quốc gia. Những hiện tượng lệch chuẩn do cá nhân hay một nhóm người tự đặt
ra (gọi là tiếng lóng) vẫn có thể được dùng giao tiếp trong phạm vi hẹp và được
dùng trong sáng tác văn học với ý nghĩa là một phong cách chức năng, nhưng nó
không bao được coi là chuẩn trong giao tiếp chính thức. Điều này không hề hạn
chế đến khả năng sáng tạo của cá nhân hay nhóm người trong quá trình sáng tạo.
Vì rằng, chuẩn không phải là cái bất biến, không biến đổi. Trái lại, chuẩn là
cái mang tính thời đại và có tính khả biến cao. Nhưng chuẩn chỉ chấp nhận những
gì là thực sự sáng tạo, hợp qui luật và phù hợp với tâm thức của người bản ngữ
và được cộng đồng ghi nhận. Cách dùng ngôn ngữ của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, của
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều trường hợp chính là sự sáng tạo để tạo ra chuẩn
mới cho tiếng Việt.
Từ trước đến nay, có nhiều
bài viết bàn về tiếng Việt, về từ vay mượn tiếng nước ngoài (nhất là tiếng
Hán), về chuẩn đã làm cho ngôn ngữ của ta rối rắm thêm vì: một là họ không hiểu
rõ bản chất của ngôn ngữ cũng như qui luật vận hành, tiếp xúc của ngôn ngữ; hai
là, có không ít người có nhầm lẫn tai hại là đồng nhất ngôn ngữ với
văn tự, hoặc đồng nhất ngôn ngữ với cách phát âm. Những sự nhầm lẫn này dẫn đến
nhiều suy lý sai và hiểu không đúng về bản chất cũng như tính năng động của tiếng
Việt.
*) Xem thêm, Hữu Đạt “Phong
cách học tiếng Việt hiện đại”, Nxb Giáo dục Việt nam, 2009.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét