Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Dưới tàn dâu xanh

Dưới tàn dâu xanh
Có làm thân lữ khách bơ vơ đứng bên dòng sông chiều, mới cảm nhận được nỗi xót xa của một ngày sắp qua, và trong cõi mênh mông, nước xanh mây tím cuối trời kia, niềm cô đơn trổi dậy hóa thân người nghệ sĩ.  Có làm kẻ nghèo khó, giấy rách phải giữ lấy lề, một đời trên quê hương, mới cảm nhận được thế nào là mùi thơm tuyệt diệu của nồi sắn vừa mở nắp, buổi sáng, trong quán vắng bên đường, mà thầm mơ ước hạnh phúc biết bao có được một đồng. Có làm thân bộ hành cô độc trên đường dài khô khan, nóng bỏng, mới cảm nhận được thế nào là bóng mát diệu kỳ của cây xanh. 
Tôi lái xe vào bãi đậu, dưới tàn dâu xanh, tiếng hát Ngọc Lan da diết, nổi trôi, miên man trong mấy tầng cảm xúc . . . Không chi xót xa cho bằng một phận người xa nhà, sống một mình đơn côi.  Cũng may, bên này, thời gian trôi vun vút không như Sài gòn, nếu không tôi sẽ khóc một dòng sông . . . Trên đầu tôi, cành lá thì thào. Bên kia bãi đậu, trời nắng chang chang, bên này, mấy tàn cây tỏa một màu xanh mướt, mát rượi, như ôm lấy tâm hồn tôi, vỗ về.
Mùa hè năm ấy, tôi chao đảo. Buổi sáng, bên kia đầu giây, giọng em tôi lạc đi . . .
-  Mạ đau chị Yến ơi. 
-  Mạ đau chi, đau nhiều không, đau ra sao?  Tôi thảng thốt. 
Em tôi trả lời:
-  Mạ bị nhũn não, mặt bị méo một bên, không có cảm giác, bệnh già chị ơi. 
Tôi hỏi ngay:
-  Bây giờ mạ ở đâu, khi mạ đau có Thanh ở nhà không?
-  Anh Thanh không có nhà, anh đi họp ở Hà nội.
-  Trời ơi, vậy ai lo thuốc men cho mạ, rồi sao nữa, kể đi, kể đi, chị nghe đây.
Giọng em tôi rắn rỏi:
-  Cũng may, nhờ em nhanh tay, mấy năm ni phụ phòng mạch cho anh Thanh, lại mở được Nhà Thuốc Tây, nên em cũng biết chút ít.  Thấy mạ khác đi, em cho mạ uống thuốc ngay. Anh Thanh mới về, khen em cho mạ uống đúng thuốc, mạ có đỡ rồi chị . . .
Như một cái chớp sáng lóe qua đầu, trí nhớ tôi vụt quay nhanh, trở lại mấy mươi năm về trước.  Năm ấy, biến cố xảy đến với gia đình tôi.  Hôm giỗ ông nội tôi, giữa một buổi tiệc đông người, ba tôi, ông cụ phương phi hồng hào đang đứng giới thiệu một món ăn tây đặc biệt do chính bàn tay ba tôi nấu lấy, món cochon de lait, thì ba tôi đã bị ngã quỵ vì tai biến mạch máu não. Từ đó, ba tôi không còn nói năng đi đứng được nữa. Sau bốn năm, ba tôi đã qua đời. Tôi hỏi dồn:
- Bây giờ mạ có nói được, đi được không?
-  Dạ được.
Tôi nói nhanh:
-  Em cho chị nói chuyện với mạ đi.
-  Dạ.  Nu, con vào phòng thưa bà ngoại có dì Yến gọi điện thoại từ Mỹ về. Con dìu ngoại ra.  Mà thôi, để mẹ vào dìu ngoại . . .
Đường dây viễn liên trống không. Cả nhà đứng quanh tôi. Tôi lắng nghe tiếng dép mạ tôi. Nhà trên hay nhà dưới, mạ nằm ở đâu, căn nhà của vợ chồng Thanh Hồng mới xây ở Vũng Tàu ra sao? Ồ, tuồng như có tiếng dép . . .Tiếng dép quá mờ nhạt . . .Tôi nghe tiếng thở, tiếng thở buồn của ma tôi.  Ôi, lúc còn mẹ con còn tất cả, mạ ơi! Tôi nói lớn:
- A lô, mạ đó hả? A lô, con đây mạ! Yến đây mạ! A lô, mạ có nghe con không?  Mạ nói to lên, mạ có nghe con không, mạ?
- Có.
- Mạ đau nhiều phải không, con về thăm mạ, mạ nghe. Mạ chờ con nghe mạ!
Tôi rùng mình . . .Có cái gì chạy trong lồng xương ống mạch tôi. . . Gáy tôi nhức buốt. Tôi thở hắt ra, lớn giọng:
-  Mạ ơi, con gởi quà về cho mạ, mạ nghe, mạ gắng uống thuốc, mạ nghe! Mạ nói đi mạ, mạ nghe con rõ không? Chờ con về nghe mạ.
Tôi nghe tiếng thở buồn nghẹn nước mắt của mạï tôi.
-  Ừ, mạ chờ con.
Giọng mạ tôi khác đi nhiều quá. Trời ơi! Tôi không khóc. Mắt, mũi, miệng, cổ họng tôi có cái gì chèn cứng. Tôi chỉ muốn hét lớn, hét thật to cho vỡ ra, vỡ òa ra thành nước ngập cả mọi thứ quanh tôi. Tôi hét lớn trong tôi, con về thăm mạ, con về thăm mạ, mạ nghe!
Tiếng hét trong tôi im lìm, giọt xuống trong đêm, cứ chờ con, con về nghe mạ, cứ chờ con. 
Tôi đi học, và tôi đi làm. Tôi tính thời gian, bây giờ là cuối tháng sáu, tháng bảy tôi đi làm. Giữa tháng tám tôi trở lại trường, đầu tháng chín con tôi đi học. Tháng mấy mình về?!
Trời nắng chang chang. Những con nắng chảy dài theo nỗi lo, kéo lòng tôi chùng xuống, đậu lại trên từng trang sách làm tôi không tài nào đọc được. Xôn xao cho một chuyến về, nhưng tôi chưa về được.  Bởi . . . chín mười năm phiêu lạc, một chuyến về thăm thật quá ngần ngại. Bởi tháng bảy, tháng tám tôi có những công việc phải hoàn tất trong mùa hè năm nay. Mạ ơi, con đường con đi sao dài tăm tắp, bảng đen phấn trắng và những chiếc ghế học trò vẫn trói buộc đời con. Có gì ở đằng trước cứ réo gọi, và có gì ở đằng sau cứ thúc đẩy. Vâng, những tháng năm ơ thờ, hụt hẩng đã thôi thúc tôi, thắp sáng tôi. Có cái gì đã nhen nhóm trong tôi, và cứ nhắn nhủ tôi hãy cố gắng, hãy ngẩng lên mà nhìn phía trước. Tôi theo con đường ấy.
Tôi theo dõi sức khỏe của mạ tôi qua những lần điện thoại về Việt Nam. Mạ tôi đã đỡ, lòng tôi yên.
Mùa hè năm ấy, tôi xao xác. 
Gió may nổi bờ tre buồn xao xác. 
Trên ao bèo tàn lụi nước trong veo. (1) 
Một chuyến về thăm.  Mùa hè nắng chói.  Gió hè xôn xao.  Cả nửa vòng địa cầu che khuất bóng quê nhà, mạ ơi, mạ ở nơi mô?  . . . Tôi bỗng hóa người thiếu nữ năm xưa, bên thềm e ấp, một thoáng heo may cũng thẩn thờ. Tôi mong ước một chuyến về. Tôi đếm thời gian. Tôi gọi Việt Nam. Tôi nhớ quá. Mạ ơi, con muốn về bên mạ, được làm thân con gái, bắt đầu lại những ngày xưa . . .
Tôi hăng hái theo Bobbie Gilmore, giáo sư thực tập bộ môn Social Work của tôi. Nỗi ray rứt trong lòng chạy theo những ngọn nắng trưa gay gắt, trút vào công việc, biến nỗi nhọc nhằn thành những bài học phải hoàn tất cho một ước mơ gần kề.  Như đôi bạn, Bobbie và tôi rất hợp nhau.  Cô giáo trẻ người da đen tính tình vui vẻ, chân thật và có tinh thần trách nhiệm. Trên chiếc xe Van màu trắng, Bobbie và tôi đi đến từng hang cùng ngõ hẹp, thăm những gia đình khốn khó, đổ vỡ, bệnh hoạn. Cứ đến một bãi đậu xe, cả hai chúng tôi đều nhìn quanh, tìm một bóng cây. Cả hai thường reo to, có lúc cười ngặt nghẽo khi dành được một chỗ đậu xe dưới tàn cây.  Những trưa hè đổ lửa, những tàn cây xanh.  Ôi, có chịu đựng những cơn nắng gay gắt của ngày hè, mới cảm nhận hết cái dễ chịu vô cùng dưới tàn cây xanh. Dưới tàn dâu xanh, quê hương tươi mát mất hút tự xa, đã trở về cùng tôi quấn quýt. Mạ ơi, dưới tàn dâu xanh, con đã trở về bên mạ, con của mạ, đứa con gái năm xưa thiếu một thời con gái.
Mùa hè năm ấy, tôi trôi nổi. Mạ tôi đã đỡ nhiều. Mấy tấm hình từ Việt Nam đem về đã cho tôi niềm an vui. Những ngày nắng cháy bỗng hóa chiều vàng.
Tôi chào tạm biệt Bobbie, bước chân ra khỏi building, nắng hắt vào người thật khó chịu. Tôi lẩm bẩm, biên giới chỉ là một cánh cửa gương, mà bên ngoài và bên trong hoàn toàn khác biệt. Cắm đầu vượt qua bãi xe bên này trống trơn, không một bóng cây, tôi cố đi nhanh qua bãi bên kia, đến chỗ đậu xe mình. Ở đây mát rượi.  Nhớ những ngày nóng phỏng da, xe phải đậu giữa bãi trống, suốt ngày nắng chang chang, khi ngồi vào xe như ngồi vào cái lò bánh mì, quá khổ sở. Tôi nhìn lên tàn cây, mĩm cười trìu mến.  Xin cảm ơn cây đã cho tôi bóng mát. Tôi nán lại lâu hơn, cố níu chút thời gian dài thêm, như sợ ngày mai mình sẽ không tìm lại được chỗ đậu xe hôm nay, như để thấm vào mình cái mát dịu hiếm hoi đích thực của đất trời. Tôi lại mở máy, vặn nhạc, thẩn thờ nhìn lên tàn lá xanh như đang âu yếm dặn dò. Tiếng hát Ngọc Lan êm đềm, réo rắt . . . Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều  . . .
Tôi từ từ lái xe ra khỏi bãi đậu. Trời chiều. Xe vào xa lộ 50 Sacramento West. Đường êm ru. Tốc độ tự nó tăng nhanh, 80 miles một giờ.  Một cánh chim chiều vụt lướt ngang, rồi bay miết về cuối trời xa, rất xa, lẩn giữa tầng mây trắng. Ai đó đã đọc cho tôi mấy câu thơ tri kỷ:
Chim vỗ cánh, nắng phai rồi đó
Về đi thôi o nớ chiều rồi
Ngó làm chi mây trắng xa xôi
Mắt buồn quá chao ôi là tội!  (2)
Ghi chú:
(1) thơ của Anh Thơ
(2) thơ của Mường Mán
NGUYỄN THỊ YẾN
Theo http://www.art2all.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông 19 Tháng Mười Một, 2022 Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với cá...