Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Bình Thuận biển xanh và thảo nguyên cũng xanh

Bình Thuận biển xanh 
và thảo nguyên cũng xanh
Chiếc xe của chúng tôi lao nhanh trên một con đường trải nhựa láng o. Con đường nằm lọt giữa những triền cát rộng mênh mông. Có những triền cát thoải thoải lút tầm mắt. Có những đụn cát vươn cao lên như những ngọn đồi vùng trung du. Bình Thuận đã có mưa. Những thảm cỏ xanh rờn trải rộng phủ lên trên triền cát. Hai bên đường đã thấp thoáng những dãy nhà theo kiểu phố xá. Nhưng hầu hết trên những con đường trải dài theo những triền cát vẫn chưa thấy bóng dáng người ở. Ngồi bên cạnh tôi là Hoàng Oanh, trưởng phòng chuyên mục đài Phát thanh truyền hình Bình Thuận. Cách đây vài năm tôi đã gặp Hoàng Oanh ở một trại viết do Buổi phát thanh quân đội nhân dân mở để viết câu chuyện truyền thanh. Nên gặp lại, Hoàng Oanh và tôi thành những người thân thiết. Cô thao thao bất tuyệt về mảnh đất mình đang sống. Tôi nói vậy vì nghe giọng nói là có thể biết ngay cô là người từ miền Bắc vào sống và làm việc tại đây.
- Phải cám ơn trời vì có một ngày nhật thực. - Hoàng Oanh nói- Hồi ấy khách trong nước, khánh nước ngoài họ tập trung về tháp Posham’ đông nghẹt. Từ trên đỉnh cao nơi có ngọn tháp, sau những giây phút hoành tráng của nhật thực, lúc mặt trời rực rỡ trở lại, mọi người đã được chiêm ngưỡng một cảnh đất trời không ở đâu trên đất Việt Nam này có được. Thảo nguyên mênh mông nằm ngay cạnh biển. Một bên là biển nước trong xanh. Một bên là thảm xanh của cỏ, có những khóm cây thấp nằm xen như điểm thêm những nét chấm phá sinh động của bức tranh.
- Này, Oanh, em viết văn được đấy…
Oanh cười:
- Diễu em hả. Nhưng anh thấy không. Rõ ràng là một khung cảnh tuyệt vời của Bình Thuận. Nhờ có nhật thực mà phát hiện ra được một khu du lịch tuyệt vời trong  nay mai…
- Thì đúng vậy. Nhưng này, trước đây một mảnh đất toàn cát, cỏ như thế này, dân ở đây sống bằng gì hả Oanh?
- Họ chỉ có chăn nuôi bò và trồng dưa lấy hạt. Nhưng nay mai, chắc mấy cái nghề đó cũng sẽ không còn ở đây nữa.
Nghe Hoàng Oanh nói, tôi thấy rất rõ cái vẻ tự hào của cô về mảnh đất mà cô đang sống. Có một nguồn sống mãnh liệt đang chảy trong người cô. Và trong tháng chốc, tôi nhớ lại mọt ngày cáy đây chín năm, tôi đã có mặt ở mảnh đất Bình Thuận này.
 Cách đây chín năm, trong chuyến đi làm phim về những thanh niên tiên tiến miền Đông Nam bộ, tôi đến làng chài Phú Hải thuộc thị xã Phan Thiết.
Tôi nhất định phải leo lên được chiếc tàu đánh cá 33 mã lực của anh thuyền trưởng trẻ tuổi Đồng Văn Thi. Vì thế, tôi cùng Đồng Văn Thi len lỏi trong con đường luồn qua những căn nhà tạm bợ, và nhỏ bé ven biển. Một bãi cát trắng phau, sáng rực trong cái nắng trưa. Đang mùa cà nục, những liếp phơi cá chạy dài dưới nắng. Mùi cá sắp khô mặn mòi lan rộng khắp cái làng chài. Tầu đánh cá đã về. Bãi cá Phú Hải đông ken người. Mỗi chiếc ghe đầy ắp cá về gần bờ, là người mua cá từ thị xã Phan Thiết ra lội ào xuống nước, chen lấn, nhận lấy phần cá của mình. Đủ mọi thứ cá, thứ để làm nước mắm, thứ đem phơi khô. Nước cạn, tầu của Đồng Văn Thi không cặp bờ được. Anh mời tôi xuống thúng ra tầu. Đi ghe đã nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên tôi ngồi thúng. Bước xuống, chiếc thúng chao nghiêng như muốn lật. Thi phải luôn miệng động viên:
- Không sao đâu, anh cứ ngồi thẳng, kệ nó nghiêng đâu thì nghiêng. Anh mà nghiêng theo, thúng lật đó.
Tôi ráng làm ra vẻ bình tĩnh, nhưng cũng lo, không khéo úp thúng, chết thì không chết, nhưng bộ đồ nghề của anh làm báo chắc đi tiêu luôn vì gặp mặn nước biển. Nhưng cuối cùng tôi cũng an toàn leo lên được tầu của Thi. Chiếc tầu không lớn, chỉ dùng để xài loại lưới bén, bắt tất cả cá lớn, cá bé, từ cá cơm đến cá nục. Nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết: loại tầu này nay mai sẽ phải thay hết, phải có tầu từ 45 mã lực trở lên.
Thi nổ máy, cho tầu ra khơi. Hai chiếc tầu nhỏ chỉ 15 – 16 mã lực chung đoàn với tầu của Thi bám sát theo sau. Biển Phú Hải trong veo, nước sâu mấy thước vẫn nhìn thấy cát dưới đáy. Khi con tầu chạy ổn định, câu chuyện của chúng tôi mới bắt đầu. Thi là anh chàng hay cười. Lúc nào cũng cười được. Lúc nãy, anh mới nhảy tùm xuống biển, vừa ngóc đầu lên khỏi mặt nước, đã thấy anh cười.
- Em đi biển với ông già từ lúc 14 –15 tuổi. Đi nghĩa vụ quân sự về, ông già bàn giao con tầu này lại cho em và chuyển lên đi làm rẫy, thôi nghề biển. Làm ăn một thời gian, em đủ tiền cưới vợ, và góp tiền làm được một căn nhà. Căn nhà lúc nãy là của em đó. Người đi biển làm nhà kiên cố như em ít lắm. Anh nhìn lên bờ coi. Những nhà xây thực đẹp kia là nhà của mấy người sống ven biển, đón cá biển chúng em đánh về, chớ họ không biết biển làm gì đâu. Còn những căn nhà như ổ chuột kia, là nhà của dân đi biển như em đó.
Nói đến đây, Thi thở dài. Tiếng thở dài của dân đi biển cũng lớn hơn người thường. Lát sau Thi tiếp:
- Dân đi biển tụi em phóng túng lắm. Người đi tầu nhỏ như em, lúc trúng cá, ngày nào cũng lên bờ. Nhưng cũng có khi lang thang trên biển mấy ngày trời. Những anh đi tầu lớn hơn, ra khơi xa hơn, có khi đi cả tháng, mấy tháng. Đời người lúc nào cũng thấy mặt nước mênh mông, sóng vỗ trập trùng. Quanh đi quẩn lại chỉ thấy bạn đánh cá mà thôi. Như đoàn của em chỉ có 11 anh em. 11 thằng nhìn mặt nhau trên biển. Nhiều khi chẳng nhớ được đến vợ con nữa. Ra biển rồi, thấy đủ mọi cái lo. Lo gặp giông bão, lo không gặp đàn cá, lo hết nước ngọt, lo bữa cơm ăn . . . tất tật trên biển. Những lúc đi biển vài ngày, chỉ kiếm được đủ gạo ăn, buồn đến nẫu ruột. Có thể vì thế nên dân đi biển tụi em gần như ai cũng phóng khoáng, bất cần đời. Đoàn tầu đánh cá về là cả thị xã Phan Thiết người ta biết. Kiếm được tiền, anh em chúng em tiêu vung mạng. Vì thế, những ngày tầu về là vật giá trên bờ tăng đến chóng mặt. Ít nhất là tăng gấp đôi ngày thường. Thịt gà, thịt heo, rau rác, rượu… Tất cả đều tăng. Cho nên tụi em làm bao nhiêu cũng hết bấy nhiêu. Nên có mấy anh đi biển làm nhà tử tế mà ở đâu. Có tiền là xài cho đã, hết tiền lại ra biển. Biển là của trời cho, cứ thiếu, cứ hết lại ra biển. Một đêm, vài đêm, vài ngày, cần thì vài tháng, biển lại cho cá, và có cá là có tiền. Nên bảo dân đi biển tụi em giầu lên thì khó lắm. Như tầu của em đây vốn cũng phải 60 triệu. Năm sáu chục triệu chỉ đủ để lo bữa ăn hằng ngày mà thôi.
Con tầu vẫn lao ra khơi. Tiếng máy nổ ròn. Tầu lái bằng bánh lái, nên xem cách lái tầu của Thi thực nhàn hạ. Anh thò đầu lên khỏi gầm tầu qua một cái lổ vuông. Anh đứng đó mà quan sát mặt biển. Chân anh đạp vào cần lái, và từ cái chân đó mà con tầu sang trái hoặc rẽ phải. Trước mặt anh làm một cái bình tích nước trà. Cạnh đó là gói thuốc và cái hộp quẹt. Chuyện anh có vẻ tâm tình, nhưng trên biển, anh vẫn cứ phải gào lên :
- Cái đám đàn bà của dân đi biển chỉ biết đẻ con , nuôi con và chờ chồng mang cá về. Dân biển ở đây ít khi cho đàn bà lên tầu lắm. Đủ mọi thứ kiêng cữ trên đời. Anh thử đi giầy lên con tầu coi, người ta chưởi anh không có chỗ mà chui ấy. Vợ mang bầu, chờ ngày sinh . Nhưng chính ngày vợ sinh lại phải ra khơi. Sau đó một tháng mới được về nhìn mặt con. Cái lệ dân biển ở đây là vậy. Ơ nhà vào ngày vợ đẻ xui xẻo lắm – ấy là các lão ngư nói như vậy, chớ chẳng biết có phải vậy không. Em có đứa con gái đầu đó, cũng phải làm đúng y vậy. Một tháng trời rong trên biển, chờ ngày về gặp con, giống như phải đánh vật. Nôn nao còn hơn cả gặp sóng bão nữa.
Biển Phú Hải hôm nay lặng gió. Mặt biển tím ngắt phía xa. Đồng Văn Thi vẫn nhìn vóng ra khơi, chưa biết rằng anh sẽ đưa tôi đi đến đâu. Bỗng anh ngân nga:
Quê em ở vùng biển
Phong cảnh đẹp vô cùng
Nước biển xanh mêng mông
Sóng xô tràn bãi cát
Ngày ngày quen tiếng hát
Toàn đoàn thuyền ra khơi
Chiếu ngả bóng mặt trời
Thuyền về đầy ắp cá. . .
- Cái hồi đi bộ đội – Thi tiếp – nhớ biển quá em làm bài thơ này đó. Như em, học được hết lớp bẩy. Thế là khá lắm rồi. Dân biển tụi em coi thường chuyện học hành lắm. Học làm gì. Đàn bà thì lo đẻ con, nuôi con và chờ chồng, nên đâu có cần phải học. Đàn ông 15 – 16 tuổi đã thành thạo việc trên biển rồi. Người lớp trước đi biển đến bạc   đầu mới biết nhìn mầu biển mà đoán sóng, đoán gió, đoán luồng cá. Còn bây giờ. Tìm luồng cá đã có máy định vị. Thời tiết đã có máy radio. Liên lạc đã có máy đàm thoại. . . nhiều chữ thì có đến đánh được nhiều cá là cùng chớ có gì hơn. Thế nên tiếng là thị xã, nhưng như Phan Thiết này mà nói đến chuyện xóa mù với phổ cập tiểu học cũng giống mơ lên cung trăng vậy . . .
Không biết Đồng Văn Thi có buồn bởi câu chuyện hay không, vì khi kể những chuyện như thế Thi vẫn cứ cười, nụ cười bẩm sinh. Chớ tôi thì tôi đã nghe ở biển Phú Hải này cũng đã có thuyền đoàn thanh niên hồi còn làm ăn kiểu hợp tác xã. Hồi đó nhờ thuyền đoàn thanh niên mà tự vệ biển hoạt động rất tốt, giúp chính quyền địa phương bắt được nhiều kẻ vượt biên trái phép, nhiều nhóm buôn lậu trên biển, phá được những nhóm hải tặc. Nay giải tán các hợp tác xã, nên cũng chẳng có thuyền đoàn thanh niên nữa. Anh bí thư đoàn xã Phú Hải cho biết đã thành lập được câu lạc bộ thuyền trưởng với 12 thuyền trưởng ở tuổi thanh niên, nhưng cách sinh hoạt vẫn còn lúng túng lắm. Vì biển có sức hút mãnh liệt đối với người đi biển, câu lạc bộ kia làm gì có sức hút bằng? Có thể là Đồng văn Thi đã quen, nên khi kể chuyện anh vẫn cười, còn tôi lại nghĩ đến lẽ công bằng. Miền ngược thì tiến kịp miền xuôi, nông thôn thì tiến kịp thành thị, còn dân đi biển sẽ tiến kịp ai đây, nếu câu chuyện mà Thi kể đúng một trăm phần trăm. Dân biển đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh sống phóng túng, phóng túng trong cảnh nghèo?
Đó là chuyện cách đây đã chín năm.
Hôm nay trở lại Phan Thiết, trong một chuyến công tác, gây cho tôi khá nhiều chuyện bất ngờ. Lần trước, ra bãi biển Hàng Dương, chỉ có vài cái lều lợp lá. Thì nay, một con đường một chiều thẳng băng, có hàng cây xanh xen tỉa gọn gàng, hai bên đường là những dãy phố dọc ngang. Đối diện với biển là những nhà hàng, khách sạn, những tụ điểm vui chơi, và dóng người đổ ra biên đông đúc để tận hưởng gió mát, được xà xuống đằm mình trong nước biển và dập dềnh cùng con sóng nhấp nhô. Tôi bỗng cảnm thấy mình trở nên ngơ ngác trước khung cảnh mới lạ của Bình Thuận. Thời gian không có nhiều để tôi có thể trở lại Phú Hải, nhưng cứ nhìn thấy những  gì ở Phan Thiết này, có thể hình dung ra được một Phú Hải mới sau chín năm.
Câu chuyện của Phó ban thường trực Ban tuyên giáo tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận  Lê Chí Phương càng làm tôi bị bất ngờ thêm. Chín năm về trước khi làm việc với Phó bí thư tỉnh đoàn Bình Thuận, tôi được nghe một con số mà đến bây giờ tôi còn nhớ. Đó là thu ngân sách của Bình Thuận chỉ đạt gần 300 tỷ đồng. Ba trăm tỷ đồng trên mảnh đất chỉ thấy cát, núi và nước biển này dân không khó khăn mới là chuyện lạ. Và những ngày ấy, chỉ thấy nước mắm. Nước mắm trải dài dọc theo những con lộ. Nước mắm tư nhân và nước mắm nhà nước. Thứ hàng đặc sản của bao đời người dân Phan Thiết ngày ấy được phô trương giống như một thế mạnh hàng đầu.
Nhưng hôm nay, gặp Lê Chí Phương câu chuyện về nước mắm không còn là hàng đầu câu chuyện nữa. Anh kể rằng: anh vốn gốc là dân làm báo ơ  Thông tấn xã Việt Nam. Sau đó là một trong những người sáng lập tờ báo Bình Thuận. Sau đó anh lại lác sang làm kinh tế với cương vị Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Bình Thuận. Nhưng cái máu làm báo hình như vẫn còn chảy tràn trong con người anh, nên bây giờ làm phó ban tuyên giáo tỉnh ủy, khi gặp chúng tôi, anh có những thông tin thật báo chí. Trước chết là một con số ấn tượng: Bình Thuận bây giờ thu ngân sách đạt 2100 tỷ đồng. Có nghĩa là gấp gần bảy lần so với chín năm trước khi tôi có mặt ở đất này. 1000 tỷ đồng là nguồn thu ổn định từ dầu khí. Dầu khí? Ngỡ chỉ là thế mạnh của vùng biển Vũng Tàu. Lê Chí Phương giải thích: “ người ta lâu nay chỉ nghĩ đến dầu khi Vũng Tàu. Đúng vậy. Nhưng ở Bình Thuận này đã có tớ năm dàn khoan. Một giàn khoan đã vào sản xuất ổn định. Hai giàn khoan khác đang từng bước ổn định khai thác. Nhưng mỏ dầu khí ở Bình Thuận này thuận lợi hơn ở Vũng Tàu nhiều. Giàn khoan gần nhất chỉ cách đất liền có trên 50 km. Coàn giàn khaon xa nhất cũng chỉ cách đất liền có khoảng 150 km. Trong khi đó giàn khoan gần nhất cách đất liền cũng bằng giàn khaon xa nhất của Bình Thuận. Nguốn thu ngân sanh từ dầu khí vào những năm sau sẽ còn tăng nữa khi tất cả năm giàn khoan cùng vào hoạt động. Nhất là khi ở Bình Thuận này thành lập được cơ quan đại diện của Tổng công ty dầu khí và có thêm những dịch vụ từ dầu khí. Nguồn thu thứ hai của Bình Thuận cũng đước Lê Chí Phương nhắc đến đó là từ du lịch. Nói đến du lịch, Lê Chí Phương có vẻ thích thú lắm. Ngoài những con số như thu từ du lịch năm 2004, Bình Thuận đạt tới  trên 500 tỷ đồng, đón goáp cho ngân sách tỉnh trên 30 tỷ đồng, cái làm anh say sứa hơn đó là từ mọi miền trên thế giới, những nhà đầu tư đã tìm đến vùng đất đẹp như trong mơ của Bình Thuận. Đã có tới gần 1000 dự án đầu tư vào du lịch Bình Thuận. Trong đó có trên 300 dự án đã đưa vào khai thác. Có những khu du lịch được xếp hạng đặc biệt với những biệt thự sáng trong. Các nhà đầu tư từ Thuỵ Sĩ đã xây dựng được một khu biệt thự phục vụ du lịch mà có người đã đáng giá: dù người khó tính nhất cũng không thể chê được một chi tiết nào. Đã có những nhà đầu tư từ Nga, từ An Độ, và nay mai là các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ với số vốn lên tới hàng tỷ đô-la. Rồi đây chính ngành du lịch cũng là một ngành làm cho Bình Thận giàu lên.
Chờ một lát rồi tôi cũng được nghe từ Lê Chí Phương về nghề đánh bắt hải sản của Bình Thuận. Bình Thuận có đến trên 64 ngàn km vuông diện tích mặt biển. Anh không nói gì đến những chiếc tàu đánh cá của dân đi biển. Nhưng tôi tin một điều, bây giờ anh bạn Đồng Văn Thi ở Phú Hải sẽ không còn chạy trên con tàu 33 mã lực nữa. Bình Thuận đã có tới 12 cơ sở chế biến hải sản. Tuy không lớn, nhưng đủ để tiêu thụ nguồn hải sản do dân đánh bắt cá biển cặp bờ. Mỗi năm, Bình Thuận có sản lượng từ 150-170 ngàn tấn hải sản. Ưu tiên cho xuất khẩu, năm 2004 vừa rồi, Bình Thuận đã xuất khẩu trị giá trên 120 triệu đô-la từ hải sản.
Câu chuyện của Lê Chí Phương thiên về những con số, cón lúc này, tôi đang trôi trên con đường phảng lỳ giữa những triền cát và bên cạnh có người hướng dẫn viên lý tưởng là Hoàng Oanh. Xe đừng lại trước một bàu nước thật lớn mà người dân ở đây gọi là Bàu Bà. Ở đây có bà bàu. Bàu Ông và Bàu Bà đã đi vào lịch sử Bình Thuận cùng với cái tên: chiến khu Lê Hồng Phong. Bàu Bà lớn hơn Bàu Ông. Xứ người Chăm mà. Mẫu hệ, đàn bà bao giờ cũng được xếp trên đàn ông, nên Bàu Bà phải lớn hơn Bàu Ông. Oanh hóm hỉnh giải thích như vậy. Ngày còn kháng chiến chống ngoại xâm, kẻ địch đã cho quân canh giữ những bàu nước này rất nghiêm ngắt. Cả một vùng đất menh mông, chỉ ở đây có nước ngọt. Xung quanh trống trơn, lực lượng ra lấy nước rất dễ bị lộ. Không biết bao nhiêu cán bộ chiến sĩ cách mạng của chúng ta đã hy sinh chỉ vì đi lấy nước ngọt. Nước có lấy được thì chỉ dùng để ăn và uống. Còn tắm thì đã có hai cách cũng đã được ghi trong lịch sử. Thứ nhất là tắm lửa. Một đống lửa được đốt lên. Người muốn tắm lột quần áo nhảy quanha3y lại trên đống lửa. Mồ hôi toát ra, lấy khăn lau đi, thế là tắm xong. Cánh thư hai: tắm rung cây. Đêm sương xuống đọng trên những ngọn cây. Người muốn tắp leo lân cây, sung mạnh. Sương rớt xuống, lấy khăn lau đi. Thế cũng là tắm xong. Giải phóng, người từng sống ở đất này vui nhất là thu hồi được nguồn nước ngọt quý  giá từ Bàu Ông và Bàu Bà. Cón bây giờ, chiến Khu Lê Hồng Phong xưa trở thành nơi thu hút của những nhà đầu tư du lịch. Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã sáng suốt khi mở thêm nhiều tuyến đường chạy dọc và chạy ngang tại địa danh lịch sử này. Đó là điều kiện đầu tiên thuận lợi khi giới thiệu vùng đất đầy tiềm năng của vùng chiến khu xưa. Một thông tin nghe mà giật mình, một mảnh đất ngày xưa cho không ai lấy này đã có giá từ 3 tỷ đồng trở lên cho diện tích chỉ là một sào. Trên mảnh đất chiến khu Lê Hồng Phong xưa, tôi hình dung ra đủ mọi chuyện: nào là có thể tạo ra những sân gôn cỡ quốc tế. Nào là những cuộc cưỡi ngựa băng băng trên những triền cát. Rồi những toà biệt thự nẳm rải rác tên thảo nguyên xanh mang vóc dáng của những vùng Trung Á…
Đúng lá trời đã cho Bình Thuận một vùng biển giàu có, một vùng thảo nguyên gợi cảm. Biển thì không chỉ cho hải sản mà còn là một vùng tiềm năng dầu khí và đang thu hút cả triệu du khách. Một vùng thảo nguyên sẽ trở thành một khu du lịch lý tưởng trong nay mai. Ngày trước, Bình Thuận nghèo vì còn chưa khai thác hết tiềm năng của mình. Nay vùng đất, vùng trời, vùng biển của Bình Thuận đã được đáng thức, và nay mai nhất định sẽ đứng song hàng với những vùng đất giáu có của Việt Nam. Trong cuộc họp cụm thi đua các đài phát thanh truyền hình khu vực miền Đông, quyền giám đốc Võ Đình Nghĩa tha thiết đề nghị các đài trong khu vực mở thêm chuyên mục giới thiệu tiềm năng các tỉnh Miền Đông. Được các đài hưởng ứng, Võ Đình Nghĩa rất vui. Anh nói như reo: nếu có chuyên mục ấy, trước hết, các tỉnh miền Đông sẽ hiểu Bình Thuận chúng tôi hôm nay đã khác với Bình Thuận ngày xưa.
Trên đường về, chúng tôi liên tục nhận được điện thoại của anh Sáu, trưởng ban hành chính quản trị Đài phát thanh truyền hình Bình Thuận. Anh hối chúng tôi quay trở lại đài để gặp gỡ trước lúc chia tay. Nhưng không được. Hoàng Oanh nhất định phải đưa chúng tôi đến một địa điểm khác mà Oanh gọi đó là Bồng Lai tiên cảnh. Xe dừng, leo lên khỏi một con dốc. Và Bồng Lai tiên cảnh hiện ra trước mặt tôi. Đó là một núi cát bị tự nhiên xâm thực. Gió và mưa đã tạo ra những hình dáng thật lạ lùng, giống như những toà lâu đài mà không ai ra biển không xây bằng cát qua việc nhỏ những giọt cát bằng tay. Nhưng như thế chưa đủ, tất cả những loại cát màu được phô diễn ở đây: cát trắng, cát vàng, cát đen… tạo ra những màu sắc độc dáo trên sườn núi cát trước mặt. Chúng tôi chỉ còn biết có trầm trồ.
Anh Sáu đón chúng tôi tại đài và đưa chúng tôi đến một cửa hàng nước mắm. Anh trao cho chúng tôi món qùa đặc trưng của Phan Thiết, những giọt nước mắm đậm đà, ngọt dịu. Hương quê Phan Thiết, Bình Thuận quấn quýt trên đường chúng tôi về lại Tây Ninh. Ai   cũng mong có một ngày trở lại Bình Thuận, để chứng kiếm thêm những đổi thay trên manh đất này.
Riêng tôi, tôi lại nhớ đến anh bạn Đồng Văn Thi chín năm về trước. Trong những ngày cực nhọc ấy Đồng Văn Thi đã xây được nhà, đã nghĩ đến thay đổi con tàu có mã lực lớn hơn. Thi hôm nay, trong xu thế phát triển mạnh của Bình Thuận hôm nay, cuộc sống của anh sẽ hoàn toàn đổi khác. Tôi tin là như thế. Bỗng nhên trong tôi bật ra một tứ thơ và tôi buột miệng đọc:
Biển đổ lên ngực em
Thảo nguyên tràn trong mắt em
Màu xanh, biếc xanh mong ước …       
Nguyễn Đức Thiện
Theo http://www.vanchuongviet.org/ 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...