Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Sử thi là một hiện tượng đầy hấp dẫn

Sử thi là một hiện tượng đầy hấp dẫn
Tìm hiểu tiến trình ra đời của Kalêvala (Phần Lan) và việc biên soạn sử thi Con cháu Mon Mân (Việt Nam) [1]
Vào những năm cuối của thế kỷ XX, bên cạnh hai loại sử thi đã được biết đến là sử thi miệng (oral epic) và sử thi viết (written epic) các chuyên gia nghiên cứu sử thi ở Phần Lan, nơi có truyền thống nghiên cứu sử thi nổi tiếng thế giới,đã đưa ra một thể loại sử thi mới là sử thi truyền thống (tradition-oriented epic), dựa vào sự ra đời và hình thức tồn tại của các sử thi. Lauri Honko [2], một trong những nhà nghiên cứu sử thi nổi tiếng nhất của Phần Lan đương đại, đã xác định các loại sử thi như sau:
Nơi ra đời và hình thức tồn tại của sử thi miệng là bài ca đang được hát, bài diễn xướng đầy tính tự sự được tiến triển theo các quy tắc của truyền thống, dựa vào ngôn ngữ và trí nhớ. Sử thi loại này không có hình thức cố định. Trong thời gian tồn tại của mình, nó là văn học truyền miệng. Hình thức tồn tại của sử thi viết là văn bản đã được nhà thơ một lần sáng tác ra, và không ai được thay đổi  Còn sử thi truyền thống là tác phẩm xê dịch giữa văn học thành văn và văn học truyền miệng, vì sử thi loại này ra đời dựa vào nguồn tư liệu của văn học truyền miệng, nhưng lại có hình thức viết cố định.
Sự khác biệt giữa sử thi miệng và sử thi truyền thống là quá trình biên tập và xử lý tư liệu. Tham gia quá trình này có nghệ nhân cung cấp tư liệu, người sưu tập tư liệu và người hoàn chỉnh chúng. Theo nghĩa rộng hơn, đây chính là quá trình tái tạo văn bản. Kết quả là: sử thi luôn thay đổi tự do trong văn học truyền miệng được ghi lại thành văn bản, mà theo suy nghĩ của người biên tập và nhà xuất bản là rất tiêu biểu, nên được đưa vào danh mục văn học sử thi thế giới. Ấn phẩm được xuất bản này là sử thi miệng, hay sử thi truyền thống tuỳ thuộc vào việc nó được biên tập như thế nào, và quan trọng hơn cả, nó có phản ánh trung thực bài diễn xướng hay không. Bởi vì biên tập một sử thi miệng thành sách là công việc khó khăn. Và bởi vì việc biên tập này gắn với những mục đích rất xa lạ với văn hoá truyền miệng, nên kết quả nhiều khi là những thoả hiệp và giải pháp khác nhau. Giải pháp  hoặc thoả hiệp tồi sẽ làm hỏng cả một bài diễn xướng.
Khó có thể gọi sử thi của Home là sử thi truyền miệng, mặc dù nhiều học giả muốn làm điều đó. Trái lại, chúng phải được xếp vào loại sử thi truyền thống cùng với Kalêvala, và hầu hết các sử thi lớn ở châu Âu như Beowulf, La Chanson de Roland,  Niebelungienlied…
Điều khác biệt rõ rệt nhất về mặt nguyên tắc giữa sử thi truyền thống và sử thi viết là: đối với nhà thơ - tác giả của sử thi viết, các sản phẩm của văn học dân gian đều là nguồn tư liệu có thể thay đổi tuỳ theo cảm hứng của tác giả. Nguồn tư liệu này không hề gây khó khăn cho tác giả. Chúng có thể thay đổi theo cách hiểu của ông/bà. Tác giả là chủ nhân của cốt truyện cũng như các hình ảnh trong tác phẩm của mình. Người biên soạn sử thi truyền thống lại có hoàn cảnh hoàn toàn khác. Ví dụ như trong trường hợp của Elias Lönnrot: Ngòi bút của ông đã viết các câu thơ, các khúc đoạn mà chính bản thân ông cũng không thật sự hiểu hết. Sức mạnh của bài diễn xướng, hình ảnh và khái niệm của thơ ca dân gian, thần thoại và nghi lễ vẫn luôn chứa đầy bí ẩn, ngay cả khi đã được in lên giấy…[3]  
Quan niệm và cách phân loại trên đây của các học giả Phần Lan được đúc kết từ quá trình nghiên cứu sự ra đời của các sử thi trên thế giới, đặc biệt là sử thi Kalêvala.
Nói đến Kalêvala, nhiều người thường nghĩ đến một sử thi có duy nhất một văn bản với gần hai mươi ba nghìn câu thơ, được tái tạo lại từ “mảnh vụn” của một sử thi cổ sơ, đã tan vỡ theo thời gian. Nhưng kỳ thực không phải vậy. Lönnrot không hồi sinh lại sử thi cổ, mà ông sáng tạo nên Kalêvala từ nguồn văn học dân gian Phần Lan và Karêlia. Cũng ít người được biết, trước và sau văn bản Kalêvala ra đời năm 1849 (phiên bản được biết đến nhiều nhất hiện nay), còn có bốn văn bản khác. Các nhà nghiên cứu sử thi Phần Lan coi tất cả các văn bản này như năm lần “diễn xướng” của tiến trình Kalêvala. Các văn bản đó là:
·Sikermä-Kalevala (Chùm thơ Kalêvala) gồm ba truyện thơ dài Väinämöinen (Vaynemuênên) gồm 1867 câu thơ, Lemminkäinen (Lêminkaynên) gồm 825 câu thơ, và Naimakansan virsiä (Thơ đám cưới) gồm 499 câu thơ, được hoàn thành năm 1833.
·Runokokous Väinämöisestä (Chùm thơ về Vaynemuênên) gồm mười sáu ca khúc, 5052 câu thơ, cũng được hoàn thành năm 1833. Ở văn bản này Lönnrot không chia tư liệu mình sưu tầm được thành các chùm thơ riêng biệt, mà lấy các tình tiết xoay quanh Sampo làm cốt truyện chính, rồi lắp ghép các bài thơ và dị bản lại, tạo nên một tác phẩm duy nhất. Vì cấu trúc của Chùm thơ về Vaynemuênên đã mang nhiều nét chính của Kalêvala sau này, nên nó còn có tên khác là Alku-Kalevala (Khúc dạo đầuKalêvala).
·Kalewala taikka Wanhoja Karjalan Runoja Suomen kansan muinoisista ajoista (Kalêvala hay những bài thơ cổ vùng Karêlia về thời kỳ xa xưa của dân tộc Phần Lan) có ba mươi hai ca khúc, 12 078 câu thơ, xuất bản năm 1835. Tác phẩm này được gọi là Vanha Kalevala (Kalêvala Cũ), để phân biệt với bản Kalêvala được xuất bản mười lăm năm sau.
Kalêvala Cũlà một tác phẩm thơ hoàn chỉnh, được biên soạn từ nhiều nguồn tư liệu dân gian, chứ không phải là tuyển tập các bài thơ ca dân gian, như tiêu đề khiêm tốn của tác phẩm. Cấu trúc chính của Kalêvala dựa vào “bộ khung” của Chùm thơ về Vaynemuênên. Nhân tố quan trọng nhất tạo nên sự hoàn chỉnh cho sử thi chính là việc tạo ra hai dân tộc đối địch Kalêvala và Pôhiôla, và cuộc chiến giữa hai dân tộc này nhằm sở hữu cối thần Sampô. Những phần miêu tả ngắn trong Chùm thơ về Vaynemuênên được Lönnrot mở rộng, bằng cách thêm vào các khúc đoạn tự sự, các bài ca trữ tình mới và các câu thần chú.
· , toinen painos (Kalêvala, bản thứ hai) được xuất bản năm 1849 và được đời sau gọi là Uusi Kalevala - Kalêvala Mới. Tác phẩm được chia thành năm mươi ca khúc với 22 795 câu thơ.
Trong vòng mười lăm năm giữa hai Kalêvala, Lönnrot cùng các cộng sự sưu tập được thêm gần 130 000 câu thơ. Giờ đây, vốn thơ ca dân gian của ông lớn hơn gấp nhiều lần so với vốn thơ ca của bất cứ nghệ nhân dân gian nào. Dựa vào vốn thơ ca đó, ông xây dựng thêm các tình tiết, cấu trúc mới, kéo dài hoặc cắt ngắn các hồi, đoạn, kết hợp bài thơ và chủ đề của chúng thành một tổng thể dài hơn. Kalêvala Mới, với dung lượng gần gấp đôi Kalêvala Cũ, đã không còn giữ được tính dân gian nhiều như trong Kalêvala Cũ.
· Kalevala, lyhennetty laitos (Kalêvala, bản rút gọn) được xuất bản năm 1862. Lönnrot đã rút ngắn Kalêvala Mới, và thêm lời chú giải để đưa sử thi này vào sử dụng trong trường học. Chính vì vậy đời sau gọi phiên bản này là Koulu-Kalevala (Kalêvala dành cho nhà trường). Từ 22 795 câu thơ, văn bản này được rút gọn lại còn 9 732 câu. Tác giả không bỏ bớt ca khúc như người cùng thời ông đã làm với Kalêvala Mới, mà vẫn giữ nguyên cấu trúc và tinh thần của văn bản này, chỉ lược bớt các đoạn thơ.[4]
Tiến trình Kalêvala với năm văn bản khác nhau đã phản ánh rõ sự thay đổi trong suy nghĩ và nhận thức của Lönnrot đối với công việc ông làm. Trong ba phiên bản đầu ông vẫn thận trọng coi mình chỉ là người sưu tầm, ghi chép và biên tập tác phẩm. Lời nói đầu của Kalêvala Cũ cho thấy Lönnrot vẫn mong mỏi và chờ đợi một hay nhiều cốt truyện khác nhau từ các nghệ nhân dân gian, để có thể dựa vào đó tái tạo nên một sử thi khác hoàn chỉnh hơn. Các dị bản của các bài ca dân gian ông xếp vào cuối tác phẩm giống như một lời kêu gọi hãy sưu tập thêm thơ ca dân gian và cho ra các giải pháp mới để xây dựng sử thi. Mười lăm năm sau, trong Kalêvala Mới, ông đã nhận thấy, bên cạnh vai trò của người sưu tầm và ghi chép, ông buộc phải trao cho mình nhiệm vụ của nghệ nhân và người kể chuyện. Trong thời gian biên soạn văn bản này, Lönnrot nghĩ ông cần phải làm công việc giống như các nghệ nhân dân gian tài năng đã làm. Nghĩa là gắn kết, hợp nhất các bài thơ và chủ đề của chúng theo cách mà mình thấy hợp lý nhất.
Sau khi Kalêvala ra đời, ảnh hưởng của sử thi không chỉ giới hạn trong phạm vi Phần Lan, mà dần dần lan rộng ra các nước khác trên thế giới. Có thể kể ra đây The Song of Hiawatha (1855) của H. W. Longfellow, được coi là sử thi của người Mỹ,  Kalevipoeg (Con trai của Kalevi, 1862) - sử thi Estonia của F. R.  Kreutzwald, sử thi Latvia, Làplèsis (Chàng giết gấu, 1888) của A. Pumpurs; và gần đây nhất là sử thi Mordvin, Mastorava (Mẹ đất, 1994) của A. Saronov. Tác giả các sử thi này đã sử dụng phương pháp của Lönnrot, kết nối thơ ca dân gian của dân tộc mình thành sử thi hoàn chỉnh.
Sử thi Việt Nam Con cháu Mon Mân được biên soạn dựa trên các phương pháp mà Elias Lönnrot (1802-1884) đã sử dụng khi ông sáng tạo nên Kalêvala. Tuy nhiên, khi vận dụng phương pháp của Lönnrot vào biên soạn sử thi này, chúng tôi gặp một số vấn đề nan giải.
Theo cách phân loại của nhà nghiên cứu sử thi Honko mà chúng tôi đã trích dẫn ở trên, các phiên bản do nhiều người biên soạn khác nhau, được xuất bản trong những thời gian khác nhau của các sử thi như Đam Săn, Đẻ đất đẻ nước v.v. đã có thể được coi làcác sử thi truyền thống. Ngoài ra, nhiều dân tộc ở nước ta vẫn còn lưu giữ nguồn sử thi miệng rất phong phú như các loại sử thi akayet, hơ mon, hơ ri, khan, khắp, otnrong. Bảy mươi lăm sử thi được xuất bản trong khuôn khổ dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên đã chứng minh điều đó, mặc dù đấy mới chỉ là con số rất nhỏ trong kho tàng sử thi miệng giàu có của Việt Nam. Nếu chỉ sử dụng riêng nguồn tư liệu này, chúng tôi đã buộc phải đọc, làm quen và xếp loại hàng trăm nghìn câu thơ theo các mô típ của chúng trong quá trình xây dựng nội dung sử thi. Chọn tư liệu nào? Bỏ tư liệu nào? Đó là những câu hỏi nan giải luôn được đặt ra trong suốt thời gian thực hiện công trình.
Sử thi miệng của các dân tộc Việt Nam được diễn xướng, hát kể trong môi trường dân gian. Khi được dịch sang tiếng Việt và xuất hiện dưới dạng văn bản, lối nói vần cũng như giai điệu của nhiều sử thi đã không còn giữđược như nó vốn có ban đầu. Hơn thế nữa, một số sử thi lại được chuyển dịch sang tiếng Việt dưới hình thức văn xuôi! Khi xây dựng Con cháu Mon Mân, chúng tôi không có nhịp thơ, vần luật gốc để lấy đó làm nhịp thơ cho tác phẩm như Lönnrot đã lấy nhịp thơ truyền thống tám nhịp của thơ ca dân gian Phần Lan và Karêlia làm vần luật của Kalêvala. Chúng tôi chọn thể thơ thất ngôn truyền thống vì thấy rằng thể thơ này vừa có khả năng bộc lộ chất tự sự của truyện dài, vừa có khả năng truyền tải tính trữ tình cần thiết khi miêu tả nội tâm nhân vật. Như vậy, ít hay nhiều, chúng tôi buộc phải thay đổi lời thơ, vần điệu của các chương, đoạn lấy từ các văn bản sử thi nguồn. Chúng tôi cũng buộc phải “thơ hóa” hay đúng hơn là “thất ngôn hoá” các đoạn lấy từ sử thi được dịch sang tiếng Việt dưới hình thức văn xuôi, cũng như các mô típ, điển tích lấy từ thần thoại, truyền thuyết hay cổ tích của các dân tộc.
Khi xây dựng tác phẩm của mình, Lönnrot chủ yếu sử dụng tư liệu ông trực tiếp sưu tầm được. Nguồn tư liệu “bên ngoài” cũng do các đồng nghiệp của ông sưu tập, và được ghi lại dưới dạng thô - viết tay, chứ chưa biên tập, biên dịch. Tất cả nguồn tư liệu này đều do nghệ nhân các dân tộc cùng sử dụng ngôn ngữ Phần Lan, và các “phương ngữ” của ngôn ngữ này như Karêlia và Inkêri, hát kể. Khi “văn bản hóa” nguồn tư liệu truyền miệng này, tác giả của Kalêvala đã đồng thời tạo ra và phát triển ngôn ngữ viết của Phần Lan.
Khi biên soạn Con cháu Mon Mân, tư liệu chúng tôi sử dụng là vốn văn hóa, văn học dân gian của các dân tộc nói các ngôn ngữ khác nhau trên đất nước Việt Nam. Nguồn tư liệu này đã được một hay nhiều soạn giả biên tập lại qua hai hoặc nhiều lần. Chúng tôi cũng buộc phải sử dụng các phiên bản tiếng Việt của sản phẩm văn hóa dân gian các dân tộc ít người, mà không có khả năng đối chiếu xem bản tiếng Việt mình sử dụng đã chuyển tải được bao nhiêu phần trăm bản gốc. Mục tiêu của chúng tôi trong quá trình biên soạn sử thi là phần nào “tiếng Việt hóa” nguồn tư liệu đa ngôn ngữ, mà vẫn cố gắng không để mất bản sắc của các dân tộc, trong chừng mực có thể.
Cốt truyện chính của Con cháu Mon Mân được phát triển từ hai chữ “đồng bào” và mô típ chính trong thần thoại các dân tộc Việt Nam: người Việt Nam ta được sinh ra từ bọc trăm trứng (thần thoại Việt), từ trứng điếng (Đẻ đất, đẻ nước - Mường), từ quả bầu sau nạn hồng thủy (thần thoại nhiều dân tộc ít người), là con Rồng cháu Tiên. Mạch truyện của sử thi được bắt đầu từ lúc đất trời khai sinh, sự xuất hiện của con người, lớp lớp con cháu của Mon Mân - dòng dõi của Người và Tiên - đã chiến thắng thiên tai, khai phá và xây dựng nên Đồi, Biển và Rú Đá, nơi tổ tiên họ lưu lạc đến sau nạn hồng thủy. Tuy có những va chạm, xích mích, thậm chí đánh giết nhau trong quá trình sinh tồn, nhưng dân của cả ba miền phải đoàn kết lại mới thắng được kẻ thù chung
Để truyền tải được cốt truyện trên, chúng tôi không những chỉ sử dụng nguồn tư liệu sử thi truyền thống và sử thi miệng, mà còn chọn lọc, xây dựng các tích truyện từ truyền thuyết, cổ tích, truyện thơ tự sự, ca dao, dân ca trữ tình v.v. của các dân tộc Việt Nam. Ngay cả những mô típ chỉ được đề cập đến trong các công trình nghiên cứu cũng được cân nhắc và lựa chọn. Kho tàng văn học dân gian của phần lớn các dân tộc ở Việt Nam đã được tận dụng đến mức tối đa, trong điều kiện cho phép. Đấy là lý do chúng tôi đặt phụ đề “Sử thi Việt Nam” sau tên chính của tác phẩm.
Bên cạnh việc sử dụng nguồn tư liệu văn học dân gian đã được xuất bản, chúng tôi còn tham khảo và sử dụng một số tư liệu tuy chưa được công bố, nhưng đã được các nhà sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian ở một số địa phương như Lào Cai, Hoà Bình chia sẻ và cho phép sử dụng.
Nhân danh và địa danh trong sử thi phần lớn là hư cấu. Trong một số  trường hợp, chúng tôi giữ nguyên các nhân vật của một số sử thi miệng, như Dạ Dần, Ây Ứa (Mường), Ti-ăng (M’nông) hay Ông Dóng (thần thoại Việt). Các nhân vật khác được tạo dựng và kết nối bằng tính cách, hành động anh hùng của các nguyên mẫu trong sử thi và văn học dân gian. Các thao tác trên cũng được áp dụng đối với địa danh.
Trong thời gian chúng tôi thực hiện công trình Sử thi Việt Nam, dự án Sử thi Tây Nguyên cũng được Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên thực hiện. Một trong những mục đích của dự án này là bảo quản cho đời sau kho tàng sử thi Tây Nguyên với hiện trạng của những năm đầu thế kỷ XXI, một việc làm rất hữu ích, nhất là cho các nhà nghiên cứu sử thi, văn hóa Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng. Mục đích công trình của chúng tôi khi sáng tạo Con cháu Mon Mân là giới thiệu cho đông đảo bạn đọc Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, sự giàu có của văn học dân gian đất nước mình thông qua cách tiếp cận mới mà qua đó sản phẩm của văn học truyền miệng được biên soạn thành tác phẩm văn học. Sinh thời, Lönnrot đã từng nói, bằng vốn tư liệu có được khi biên soạn Kalêvala Mới, ông có thể sáng tạo nên bảy sử thi với các cốt truyện khác nhau. Vận dụng phương pháp của Elias Lönnrot, chúng ta có thể sáng tạo ra được nhiều sử thi truyền thống dựa trên kho tàng sử thi và văn học dân gian hết sức giàu có của các dân tộc trên đất nước Việt Nam [5].
Con cháu Mon Mân là kết quả của công trình Khảo sát tiến trình ra đời của Kalêvala và vận dụng kết quả nghiên cứu sử thi này để biên soạn Sử thi Việt Nam do Quỹ Juminkeko, trung tâm thông tin về văn hóa Karêlia và sử thi Kalêvala có trụ sở tại thành phố Kuhmo (Phần Lan) [6] chủ trì, và cố vấn về mặt khoa học với sự trợ giúp về kinh phí của Bộ Ngoại giao Phần Lan [7]. Tác phẩm được Juminkeko và Nhà xuất bản Văn học hợp tác xuất bản tại Việt Nam vào tháng 11 năm 2008. Với sử thi này, tác giả Bùi Việt Hoa là người đầu tiên được nhận Giải thưởng Sử Thi do Hội Kalevala (Phần Lan) trao tặng vào năm 2009. Hiện nay, Con cháu Mon Mân đang được dịch sang tiếng Phần Lan và sẽ được dịch sang tiếng Anh trong thời gian không xa.
Sau sử thi Việt Nam, Quỹ Juminkeko vẫn tiếp tục hỗ trợ cho các dự án sử thi khác nhau. Sử thi của dân tộc vepsä “Virantanaz” do nhà nghiên cứu ngôn ngữ Niina Zaitseva biên soạn ra mắt bạn đọc vào năm 2012. Một năm sau đó, năm 2013 là sự ra đời của sử thi “Liekku” (dân tộc Inkeri) của tác giả Mirja Kemppinen.
Có thể  tìm hiểu thêm về quá trình biên soạn sử thi Con cháu Mon Mân qua website:
www.juminkeko.fi/vietnam
[1] Tham luận tại Hội thảo quốc tế sử thi Việt Nam tổ chức tại Buôn Mê Thuột 23. – 26.10.2008
[2] Lauri Honko (1932-2002), Nguyên viện trưởng Viện Kalêvala, Giáo sư văn học dân gian và tôn giáo của Đại học tổng hợp Turku (Phần Lan), Viện trưởng Viện nghiên cứu Folklore Bắc Âu, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về sử thi.
[3] Honko, Lauri: - Kalevalan viisi esitystä “Năm lần diễn xướng Kalêvala”. Roininen, Niina Viimeinen Väinämöinen. Näkökulmia kansalliseepokseen ”Vaynemuênên cuối cùng. Những góc nhìn đến sử thi dân tộc”. Kirja-Aurora, Turku, 2000, tr. 10-37.
- The Five Performances of the Kalevala. In: FF Network For the Folklore Fellows, FFN 24, May 2003: p. 6-17
[4] Kuusi, Matti – Anttonen, Pertti:  Kalevala lipas (tr. 86-97). Helsinki, SKS, 1985
[5] Chủ tịch Quỹ Juminkeko – Nhà văn Markku Nieminen, đề nghị trong tương lai không xa Con cháu Mon Mân cũng cần có một bản rút gọn dành cho thiếu nhi và trường học như của Kalêvala.
[6] www.juminkeko.fi
[7] Nhân đây, chúng tôi xin trân trọng cám ơn Juminkeko, Bộ Ngoại Giao Phần lan, Hội Kalêvala Phần Lan đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện công trình này. Đặc biệt, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới các nghệ nhân, các nhà sưu tầm, nghiên cứu đã lưu giữ, biên soạn và xuất bản các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc ở Việt Nam, nhờ đó chúng tôi có được nguồn tư liệu sử dụng cho công trình này.
 Bùi Việt Hoa
Nguồn vanhoanghean
 Theo www.trieuxuan.info


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Phát động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian”. 20 Tháng Mười Hai, 2022 “Các văn nghệ sĩ đang cầm bút, đa...