Dòng sông quê hương
Khi nghĩ về quê hương người
ta thường nghĩ đến cây đa, bến nước, mái đình, là dòng sông với con đò là ruộng
đồng, họ hàng, làng xóm… Còn tôi lớn lên ở Qui Nhơn nên quê hương tôi gắn liền
với phố chợ, với những con đường, những ngôi trường, với biển xanh cùng sóng vỗ…
Đối với tôi hình ảnh con sông, lũy tre, đồng ruộng chỉ là nghe nói hay mơn man
trong sách vở. Sau này khi tôi lớn lên một chút, thỉnh thoảng có đi về vùng ngoại
ô, lúc đó mới thấy mà cũng chỉ nhìn loáng thoáng về hình ảnh của quê hương mà
thôi. Rồi đến một ngày, tôi tốt nghiệp ra trường đi dạy. Ngôi nhà tôi ở trọ sát
bên con sông Lại Giang. Những lúc buồn nhớ nhà, tôi thường ra ngồi ngắm nhìn
dòng sông chảy và bắt đầu có một chút cảm nhận về vẻ đẹp… Nhưng dạo đó quê
hương mình chiến tranh khốc liệt quá! Tiếng súng, tiếng bom đạn rền vang làm át
hết cả những suy nghĩ của tôi.
Mãi cho đến sau này khi tôi
về làm dâu “Xứ Nẫu” - quê chồng tôi - ở An Vinh nằm sát bên con sông Côn êm đềm
trôi xuôi, nước xanh ngăn ngắt. Lúc đó tôi mới biết được thế nào là con sông
quê hương.
Nước Lại Giang mênh mang mùa
nắng
Giòng sông Côn lai láng mùa
mưa
Đã cam tháng đợi năm chờ
Duyên em đục chịu trăm nhờ
quản bao.
(Ca dao)
Những năm đó, cuộc sống nông
thôn rất yên bình vì quê hương đã im tiếng súng nhưng người dân quê thì lúc nào
cũng “Con trâu đi trước, cái cày theo sau”. An Vinh cũng như bao vùng quê nghèo
khác, người dân lam lũ, quần quật suốt ngày với nghề nông. Quanh năm tay lấm
chân bùn bận rộn với ruộng vườn trâu bò. Mùa hè cho đến mùa đông trên người lúc
nào cũng chỉ là manh áo cộc và quần xắn lên trên đầu gối “một nắng hai sương” vất
vả vô cùng.
Một năm tôi thường về quê chồng
hai lần, vào dịp Tết và vào những ngày nghỉ hè. Đi về quê An Vinh thì từ Qui
Nhơn có thể đi theo nhiều ngả. Mỗi ngả đường đều được ngắm nghía non nước hữu
tình của Bình Định mến yêu.
- Nếu đi con đường từ chợ An
Nhơn lên thì phải đi thẳng đến An Thái qua sông Côn để về An Vinh. Đoạn dường
này, có thể ngắm được làng mạc ẩn sau những vườn tược, cây cối xanh tươi cùng
núi non, dòng sông êm xuôi.
- Còn đi theo Quốc lộ 19,
thì đến Bình Nghi, qua An Thái rồi qua sông Côn…ở đây có thể ngắm các lò gạch
thủ công, ngước nhìn tháp Thủ Thiện, thưởng thức mùi thơm của hương đồng gió nội,
bắt gặp phố xá nhỏ hẹp ở An Thái như một phố Hội An thu nhỏ với những ngôi nhà
cổ lâu đời của những người Hoa và các đặc sản của vùng quê này…
- Đi đường Gò Găng thì có thể
ngắm quần thể ba ngọn tháp Dương Long đứng sừng sững qua bao năm tháng. Thấp
thoáng trên đồi lăng Mai Xuân Thưởng một sĩ phu yêu nước, lãnh tụ của phong
trào Cần Vương Kháng Pháp cuối thế kỷ 19 tại Bình Định hay chạnh lòng khi chứng
kiến một số vết tích tang thương còn lại của thành Đồ Bàn mà nghe trong gió lao
xao tiếng người xưa như thầm nuối tiếc cho một triều đại đã trôi vào dĩ vãng…
- Có thể đi lên Phú Phong rồi
bọc xuống cũng được nhưng đường xa hơn nhiều. Con đường này dẫn chúng ta đến ấp
Kiên Thành, làng Kiên Mỹ nay là thị trấn Phú Phong, bước nhẹ qua cầu Kiên Mỹ bắc
qua sông Côn đến với Bảo Tàng Quang Trung để cảm nhận được hồn thiêng sông núi
nơi sản sinh ra những người anh hùng áo vải Tây Sơn…
Vào những năm đó, vì phương
tiện xe máy chưa có nhiều, nên tôi thường đi xe Lam từ Qui Nhơn lên đến chợ An
Nhơn rồi đạp xe về quê.
Mùa hè trời trong xanh, từ
An Nhơn đạp xe men theo những con đường đất đỏ quanh co qua các làng xã, qua
các ruộng ngô, đồng lúa, vườn cây… Không khí buổi sáng vùng quê thật mát mẻ
trong lành. Hai bên cây cối xanh tươi. Những mái nhà ẩn hiện sau lũy tre xanh.
Có khi dừng lại bên cây đa cổ thụ nghỉ mệt, ăn ly chè đậu xanh nước mát, nghe
người dân chuyện trò về công việc đồng áng thường ngày.
Thường thường khi đến An
Thái thì trời đã trưa, chúng tôi thường dừng lại bên cái quán tranh chờ chuyến
đò. Ngoài một vài người qua sông là khách qua lại, còn phần đông là những người
mua bán gánh gồng trở về nhà sau phiên chợ. Dọc theo bờ sông Côn bên An Thái,
người ta phơi những hàng bún Song Thằn trên những vỉ tre chạy dài trên bãi cát
trong cái nắng và gió man mác. Đò đưa chúng tôi qua sông. Con đò chở nặng vẫn
êm xuôi lướt nhẹ và cập bến dưới hàng tre lao xao rợp mát gió hè.
Lần đầu tôi đến đây và những
lần sau này cũng vậy, lúc nào tôi cũng thấy con sông êm ả, tĩnh lặng, hiền hòa.
Dòng sông lững lờ trôi từ từ nhẹ nhàng. Hai bên bờ sông những hàng tre xanh cao
vút soi bóng xuống mặt nước. Không gian yên tĩnh đến nỗi có thể nghe rõ tiếng
chim hót ríu rít trong khóm lá và cả tiếng gió thổi rì rào qua rặng tre. Tiếng
khua động mái chèo của chiếc thuyền nhỏ xuôi dòng và thỉnh thoảng vang lên tiếng
xao xác gà gáy trưa hay tiếng gà nhảy ổ từ xóm nào đó ở phía bên sông vọng lại
nghe xa vắng mênh mông.
Có những mùa hè tôi về quê,
sông Côn vào mùa cạn nước có đôi chỗ trơ ra bãi cát vàng trắng óng ánh bên cạnh
những vũng nước chảy lấp lánh dưới ánh mặt trời. Không cần phải đi đò, chúng
tôi đi bộ qua sông. Chỗ đi, chỗ lội nước. Tiếng lạo xạo của đôi bàn chân xát
vào cát, tiếng khua chân lội bì bõm làm nước bắn lên tung tóe ướt cả đôi ống quần
nghe sao mà thích quá!
Buổi chiều, sông Côn như dịu
dàng hơn. Mọi người trong làng sau một ngày vất vả với công việc, đổ dồn ra ven
sông. Người ngồi hóng mát, người thì xúm xít bên nhau nói chuyện, người tắm,
người giặt, trẻ em đùa nghịch, nô giỡn với làn nước mát… tiếng lao xao vang vang
cả một khúc sông. Trên bầu trời, một vài con diều bay lượn. Hoàng hôn nhẹ nhàng
buông. Từng đàn cò trắng thong thả bay ngang. Từng đàn chim ríu ra ríu rít gọi
nhau về tổ. Ôi, một vùng quê hiền hòa và thanh bình.
Tôi không biết sông Côn bắt
nguồn từ đâu? Nhưng khi dòng sông chảy qua miền đất An Thái - An Vinh thì nước
sông dường như trong xanh và trôi êm ả nhẹ nhàng hơn.
Má chồng tôi thường nói rằng,
khi xưa sông Côn được mọi người xem như là dòng sông của võ nghệ. Truyền thống
đó được lưu truyền từ đời ông, đời cha… cho đến sau này. Ba anh em nhà Tây Sơn
là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cũng đến An Thái tìm thầy học võ.
Ông chú trong họ thì nói rằng:
- Người dân ở đây, thường
theo học võ. Vì họ cho rằng học võ là để tự vệ, là để bảo vệ cho chính nghĩa, bảo
vệ cho công bằng, lẽ phải trừ khử đi thói gian tà, cường hào ác bá… Ngày xưa ai
cũng học võ. Nhà nhà học võ. Người người học võ. Người này biết truyền cho người
kia. Người biết dạy lại cho người chưa biết và cứ thế lưu truyền lan rộng khắp
nơi. Tiếng lành đồn xa, có nhiều người từ khắp mọi nơi đến đây tìm thầy học võ.
Những buổi chiều hay những đêm trăng rủ nhau ra sau vườn, ra sân trước hay tìm
những khoảng đất trống… để cùng nhau luyện tập võ nghệ.
An Thái nhìn qua An Vinh
nhìn lại, cách nhau đôi bờ sông Côn. Hai làng đều là hai làng võ nghệ. An Vinh
nổi tiếng về quyền còn An Thái ngoài võ cổ truyền còn nổi tiếng giỏi côn, võ của
người Tàu.
Má còn nói rằng:
- Bây giờ thì hai làng An
Thái, An Vinh hòa bình, đi lại vui vẻ với nhau chứ trước đây thì “kình” nhau dữ
lắm! Cũng chỉ vì võ nghệ, ai cũng cho rằng võ của làng mình là cao cường hơn cả.
Nên mấy ông, mấy bà tranh nhau không ai chịu thua ai. Trai hay gái đều đua nhau
đi học võ rồi cùng nhau thi đấu hay so tài cao thấp… Nhiều hôm, mùa nước cạn
đem nhau ra thi đấu giữa dòng sông Côn nơi giáp ranh của hai xã An Vinh và An
Thái. Hai bên đứng thành hàng dài, đốt đuốc sáng trưng, chiêng trống khua ầm ĩ,
tiếng cổ vũ vang dội…
- Nhưng rồi bên nào thua bên
nào, má?
- Wý dô! Kẻ tám lạng, người
nửa cân. Có ai hơn ai đâu? Nhưng vui lắm! Những hôm như thế thì cả làng, cả xóm
không ai ngủ, thao thức, bàn tán suốt đêm… Sáng ngày mai ra đồng làm công chuyện
đâu có nổi! Nhưng rồi ý chí quyết thắng, quyết đấu lại cứ hun đúc, sôi sục
trong lòng mọi người. Và cứ như thế lại lao vào tập luyện võ nghệ. Đi từ đầu
làng đến cuối xóm, đâu đâu cũng nghe bàn tán về các thế võ.
- Nghe ông bà ta nói lúc xưa
trong làng mình có mấy cô con gái võ nghệ cao cường lắm không kém gì con trai
bên An Thái phải không má?
Má gục gặc đầu, hai con mắt
như sáng bừng lên và giọng má trở nên hùng hồn :
- Ừa, làng mình nhiều người
con gái giỏi võ lắm, không kể xiết! Lúc xưa nổi tiếng nhất là cô Tám Cảng con
gái ông Hương Mục Ngạc, võ nghệ tinh thông vô cùng không ai địch nỗi. Vì vậy mới
có câu truyền : “Trai An Thái, gái An Vinh”.
Má còn nói:
- Bây giờ thì trong làng
cũng có các lò luyện võ nhưng phong trào không còn cao như lúc xưa nữa.
Đêm xuống, ngồi lại với dòng
sông nhất là vào những đêm trăng tròn. Mặt trăng sáng tỏ soi rõ mọi cảnh vật.
Sông Côn sáng rực lấp loáng gờn gợn dưới ánh trăng. Tiếng rì rầm của dòng sông
như âm vang đâu đó tiếng chiêng, tiếng trống cùng với tiếng roi quyền vun vút,
tiếng gươm khua hòa cùng tiếng gió thổi như nhắc nhở mọi người nhớ lại một giai
đoạn lịch sử oanh liệt xưa kia. Văng vẳng trong đêm tiếng chuông công phu của một
ngôi chùa cổ xa xa trong làng ngân vang như tiếng thở dài luyến tiếc cho vang
bóng một thời!
Vùng đất vang danh là võ nghệ
nhưng cuộc sống người dân ở đây thì lại rất hiền hòa, bình dị. Tính tình mọi
người chất phác, mộc mạc. Quê hương miền Trung “xứ dân gầy” quanh năm vất vả với
ruộng đồng…
Mùa hè dòng sông hiền hòa là
thế, nhưng đến mùa lũ, dòng sông mạnh mẽ dữ tợn vô cùng như đang ra những đường
quyền, những thế võ, những lằn roi vun vút… Nước sông từ trên thượng nguồn cuồn
cuộn, ào ạt đổ về. Dòng sông réo rắt âm vang, nước chảy xiết đục ngầu như cuốn
phăng tất cả mọi vật… Cơn thịnh nộ tưởng chừng như kéo dài không dứt...
Những lúc cuồng phong bão
táp là lúc sông Côn đã bồi đắp phù sa vào những xóm làng, vào hai bên đồng ruộng
làm cho đất đai mầu mỡ, cây cối xanh tươi. Uống nước sông Côn vào, con người ở
đây trở nên mạnh mẽ, dũng khí. Tinh thần, ý chí càng quật cường, bất khuất...
Thời gian rồi cũng sẽ đưa lần
lượt mọi người về với lòng đất. Những người thân của tôi đã nằm xuống nơi này.
Mùa hè 2008, tôi trở lại Tây
Sơn một mình trong tâm trạng nhìn cảnh nhớ người.
(Em) về Tây Sơn buổi trưa
Chợ Phú Phong vắng người
Mấy túp lều ngái ngủ
(Em) đứng bần thần góc phố
chợ
Có phải đất này là nơi mẹ
sinh (anh)?
Phố huyện nghèo bên bờ sông
Côn
Mẹ buôn bán tảo tần nuôi
(anh) khôn lớn…
Sông Côn bao đời vẫn thế, vẫn
trôi xuôi dòng…Vẫn biết rằng, cuối cùng, tất cả dòng sông rồi cũng quay về với
biển cả nhưng trước khi hòa vào với đại dương bao la, dòng sông không quên để lại
bao hương vị, bao tinh túy tốt đẹp cho miền quê này.
Không biết tự bao giờ, tôi
yêu con sông Côn êm đềm. Cũng có thể nơi đây đã sinh ra một nửa của tôi và cũng
có thể là nơi mà tôi đã đến và được gặp những con người hiếu khách dễ mến. Tôi
nể phục những con người có tinh thần thượng võ, khí phách kiên cường dũng cảm.
Ai mà không tự hào về quê
hương mình có những con người anh hùng với truyền thống chống giặc ngoại xâm bất
khuất. Một thời đã làm nên bao chiến công oanh liệt lẫy lừng góp phần vào trang
sử vẻ vang cho dân tộc Việt Nam.
Tây Sơn,
Quê hương của người anh hùng
áo vải
Nơi chén rượu nhấp môi nồng
đến cháy
Nơi quanh năm chim mía gọi
nhau về
Nơi (em) có (anh) và có bạn
bè
Nơi nước sông Côn không bao
giờ ngừng chảy
Như nhớ thương của (em) đi về
nơi đó mãi
Xin một phần đời ở lại với
Tây Sơn.
(Về Tây Sơn - Thuận Hữu)
Qui Nhơn, Tháng tư 2014.
Irene
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét