Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Nhà thơ Lê Thành Nghị: Như lặng im dòng sông mê chảy

Nhà thơ Lê Thành Nghị: Như lặng im 
dòng sông mê chảy
Cần mẫn với công việc, ít nói về mình, nặng lòng với bạn nghề, Nhà thơ Lê Thành Nghị ặng lẽ như một dòng sông êm đềm và chất chứa đầy xúc cảm. 
Nhà thơ Lê Thành Nghị thừa nhận rằng, ông yêu mến và chịu ảnh hưởng của nền văn học Nga cũng như hai nhà thơ Chế Lan Viên và Nguyễn Đình Thi. Nhưng người khơi gợi trong ông tình yêu văn chương không ai khác chính là “ông hoàng thơ tình”, người đồng hương của ông, nhà thơ Xuân Diệu.
Ông kể: “Năm tôi học lớp 5 ở trường cấp 2 Thụ Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh thì nhà trường mời nhà thơ Xuân Diệu từ làng Nghèn (Trảo Nha) về nói chuyện thơ với giáo viên học sinh của trường. Tôi không nhớ Xuân Diệu đã nói gì về thơ, chỉ biết rằng, sau đó, mỗi buổi sáng đi bộ trên con đường quen thuộc đến trường, tôi nhận ra được nhiều điều mới mẻ, có khi chỉ là một bông hoa nhỏ xíu tim tím trong lùm cỏ, có khi là bầy sẻ đồng ríu rít bên vạt lúa chín, có khi là mùi bùn hăng ngái từ ao sen làng…
Sau buổi nói chuyện ấy, nhà trường phân công tốp học trò 5 em đi tiễn thi sĩ họ Ngô về Nghèn, trong đó có tôi. Cả quãng thời gian đi bộ 8 cây số ấy, dù nhà thơ Xuân Diệu đôi lúc có hỏi chúng tôi một vài điều gì đó rất qua loa nhưng ấn tượng về ông đối với tôi thực sự rất lớn, nó nuôi dưỡng cho tâm hồn tôi trong suốt những ngày phổ thông. Lần khác, vào tháng 12/1979 biết Xuân Diệu sang Liên Xô (cũ), nhân dịp đó, tôi mời ông về trường Lômônôxôp để nói chuyện thơ với sinh viên Việt Nam học tại trường.
Sau này, cũng một ngày tháng 12/1985, tôi đứng trong một góc khuất nhìn những cây nến cháy lặng lẽ trên linh cữu ông, nghe trọn bài điếu văn nói về “Một cây lớn nằm xuống…” nước mắt tự dưng chảy tràn”.
Cẩn trọng và tận tụy
Với tình yêu văn học từ rất sớm, với những kiến thức mà ông tích lũy được, lại được làm việc trong cùng một mái nhà với những Thanh Tịnh, Vũ Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều... Lê Thành Nghị từng bước trưởng thành. Lê Thành Nghị tâm sự rằng, mái nhà số 4 - Lý Nam Đế, ở một mặt nào đó, như một ngôi nhà lớn đối với ông. Ông được chứng kiến sự những bóng cổ thụ của nền văn chương Việt Nam viết những tác phẩm bất hủ, nhưng cũng xót xa nhìn lá vàng rụng về cội. Lê Thành Nghị kể: “Có những nhà văn ốm đau lâu ngày, nửa đêm tắt thở trên giường bệnh viện như Nguyễn Trọng Oánh, tôi cùng nhà văn Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo và gia đình Nguyễn Trọng Oánh ôm lấy thân hình nhà văn còn nóng ấm xuống nhà xác.
Có những nhà văn nhà xa ở tận Hải Phòng như Duy Khán, chúng tôi thức thâu đêm giá rét lo chuyện mai táng khi Duy Khán qua đời. Có lần mùa mưa lũ, khu tập thể Nam Đồng nước ngập tới ngực, tôi cùng nhà văn Nguyễn Trí Huân đã bì bõm trong nước đến nhà lo chuyện tang lễ cho chị Lý vợ nhà văn Hải Hồ... Những ký ức ấy có lẽ sẽ không bao giờ phai trong tâm trí tôi”.
Nhà thơ Lê Thành Nghị sinh tại Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học tổng hợp Hà Nội và sớm trở thành một cán bộ nghiên cứu văn học của Viện Văn học. Đầu năm 1972, ông gia nhập quân đội. Đây là đợt tuyển quân bổ sung cho Thành cổ Quảng Trị. Mấy năm sau, ông hoàn thành nhiệm vụ và trở về đầu quân cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tại đây, ông được cử sang Liên Xô (cũ) làm nghiên cứu sinh, bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ tại trường Đại học Lômônôxốp (năm 1981) rồi trở lại làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trước khi nghỉ hưu, ông giữ chức vụ Phó Tổng biên tập.
Lê Thành Nghị được đánh giá là người cần mẫn, ông cần mẫn với công việc, với thi ca. Dường như sự cẩn trọng và chi chút của ông khiến người ta có cảm tưởng, bất cứ điều gì khi vào tay ông cũng sẽ được hoàn thành ở mức tốt nhất, kỹ lưỡng nhất. Tuy nhiên, với bản tính của một người ít khi nói về mình, ít giao thiệp, ít đến chốn đông người, ít ngồi quán xá uống đôi vại bia cùng bầu bạn, nên thành công đến với Lê Thành Nghị, vì vậy, cũng ít sự ồn ào.
Ông tự nhận mình là một người sống khá “tẻ”, theo nghĩa đen, vì ông không biết đánh cờ, không biết uống rượu, không biết hút thuốc lá, cũng chẳng có điều tiếng trong chuyện tình yêu. Cũng không phải ông không đa cảm, vì nhà thơ nào mà chẳng xao lòng trước cái đẹp, nhưng dường như với Lê Thành Nghị, bao nhiêu nỗi niềm ông gửi hết vào thi ca, vào câu chữ. Ông âm thầm tự làm lắng lại các xúc cảm để dồn nó lên ngòi bút, như một cách tự thắp lửa cho trái tim mình. Trong bài thơ “Im lặng” viết để tặng nhà văn Nguyễn Thi, ông nói như để tự trải lòng: “Vẫn thường sống trong im lặng/ Vẫn như bản nhạc không lời/ Như lặng im dòng sông mê chảy/ Như lặng im trời xanh mây bay/ Đôi khi buồn nghe gió trở trên cây/ Thầm lặng khóc từng bông hoa đại rụng…”.
Áng mây vô định
Thật lạ, hiếm thấy nhà thơ nào ở quá xa cái tuổi mộng mơ với mây trời, trăng sao lại có thể giữ được sự tươi xanh của cảm xúc như Lê Thành Nghị. Tôi đồ rằng, khi làm thơ, đôi chân ông không hề chạm đất, nó như bay bổng ở trên cao vào một cõi khác, nhiều hoa tím, nhiều sông trôi, nhiều lá vàng chấp chới mùa thu, nhiều mây bay lơ lửng ở trên đầu, nhiều cỏ xanh ngút ngát.... Hình bóng cố nhân cứ trộn lẫn vào bóng quê hương, bóng con sông Nghèn, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố trở về trong ông khắc khoải: “Sông mất một đời trôi đi dại dột/ Tôi mất một đời để quên một người”, hay: “Cánh buồm nào đưa người đi biền biệt/ Ngọn gió nào cứ buốt suốt mùa qua/ Mưa trên phố loang dần ký ức/ Ướt trong tay một vệt nắng nhòa/ Ngàn lần mơ sao không một lần thực/ Một tiếng chim in trên lớp bụi mờ/ Người về đó rèm vừa lay gió bấc/ Hay ta vừa tan một giấc mơ…”.
Có lần tôi hỏi, liệu trong ông có lúc nào xảy ra sự xung đột nào giữa người thơ và người của lý luận phê bình? Ông cười, với ông, thơ làm cho phê bình thêm uyển chuyển và phê bình làm cho thơ thêm chặt chẽ và có hồn, những bài phê bình sẽ mềm mại hơn, dễ cảm nhận hơn. Làm phê bình là công việc của người phải đọc nhiều, điều đó là một nguồn tiếp nhận vô tận để thi ca của ông cất cánh.
Lê Thành Nghị được coi là một trong những nhà thơ vẹn tròn trong nhiều lĩnh vực. Ông may mắn có một hậu phương, một gia đình yên lành. Ông nói nửa đùa nửa thật rằng, “giang hồ ta chỉ giang hồ tạm”, mơ mộng đến đâu rồi cũng phải có một chốn đi về. Giờ đây tuy đã nghỉ hưu nhưng với bản tính “con nhà lính” nên ông vẫn lập cho mình một “thời gian biểu” kín mít: lướt web, đọc sách, viết lách, tập thể thao… Có công việc, họp hành, ông tự lái ô tô riêng vi vu cùng phố phường tấp nập.
Khi câu chuyện của chúng tôi đã sắp kết thúc, trời cũng bắt đầu thoáng đãng hơn sau trận mưa to, tôi ngập ngừng xin phép ông ra về mặc dù câu chuyện tưởng như kết thúc ấy cứ mở ra, kéo dài chuyện này đến chuyện khác như vô tận. Có lúc ông dừng câu chuyện để ngắm bể cá vàng và ví mình như một con cá nâu cọ bể bị bỏ quên:“Một góc trong veo, sắc màu, hiền hòa, ánh sáng/ Thành phố bụi bặm, ồn ào, đua chen đã ở đâu xa lắm/ Ta còn đâu một góc bình yên/ Những chú sư tử vàng, rô cờ, chép hoa, thủy tiên/ Lấp loáng bạc, lóng lánh vàng, vương nhẹ xanh và phơn phớt tím/ Những vũ công đài các, xa hoa trong điệu múa thần tiên/ Tung thả vô biên trên mặt nước/ Nhưng kìa dưới tầng sâu nhất/ Có con cá nâu đang dọn bể âm thầm/ Chậm chạp, hiền từ và đang quên việc mình bị bỏ quên…”. Có lẽ khung cảnh của đô thị mới hiện đại nơi ông đang sống là mơ ước của nhiều người, nhưng tôi đồ rằng, với ông, ngôi nhà này như “không có nóc”, nó nằm ngoài sự quan tâm của ông, bởi tâm hồn lặng lẽ của ông đôi lúc như một áng mây, cứ bay lượn ở một chân trời vô định: “Tôi đã bao lần ngồi trong nắng sớm/ Chẳng chờ đợi gì ngoài một giọng chim/ Tôi đã bao lần trên con đường vắng/ Chẳng chờ đợi gì ngoài khoảnh khắc lặng yên/ Tôi đã bao lần trôi trên suối tím/ Chẳng ước ao gì ngoài được trôi êm”…
Nhật Huy
Theo http://www.baomoi.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...