Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Với Kim Vân Kiều Truyện của ông Đồng Văn Thành

Với Kim Vân Kiều Truyện 
của ông Đồng Văn Thành
Tiến hành khảo sát, so sánh và đối sánh hai tác phẩm Truyện Kiều (Nguyễn Du) với Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm Tài Nhân) để hướng tới xác định những khác biệt trong tâm thế sáng tạo ở hai tác giả, trong đó đặc biệt nhấn mạnh xu thế chuyển đổi loại hình và thể loại từ Kim Vân Kiều truyện đến Truyện Kiều…
Tập trung phân tích, trao đổi, đánh giá lại những ý kiến của nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành (Đại học Liêu Ninh, Trung Quốc) trong tiểu luận So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam, in trên Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng(số 4, tháng 6-1986 và số 5, tháng 9-1987), in lại trong sách Thanh đại văn học luận cảo (Nxb. Xuân phong văn nghệ, Thẩm Dương, 1994); doPhạm Tú Châu dịch (Tuyển in trong 200 năm nghiên cứu Truyện Kiều. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr.1542-1574)…
Ghi nhận đặc điểm sự vay mượn cốt truyện và nhấn mạnh khả năng sáng tạo của Nguyễn Du trong xu thế chuyển hoá từ tiểu thuyết chương hồi tới truyện thơ Nôm, vừa giản lược các yếu tố văn xuôi tự sự vừa gia tăng chất trữ tình, về qui luật tiếp nhận và đặc tính phát triển của mỗi nền văn học dân tộc, về vị trí Nguyễn Du trong tư cách "người môi giới văn hoá" vốn xuất hiện phổ biến dưới thời trung đại ở khu vực Đông Á cũng như với nhiều nước trên thế giới... Tập trung lý giải nguyên nhân vì sao Đổng tiên sinh lại có những nhận thức đơn giản, cực đoan và thiếu căn cứ khoa học khi so sánh Truyện KiềuvớiKim Vân Kiều truyện (không đọc được nguyên bản Nôm Truyện Kiều, không hiểu tiếng Việt và hồn thơ lục bát, không hiểu được tâm thế người Việt trong tiếp nhận Truyện Kiều…).
 Kết luận: Nhấn mạnh đặc trưng sự chuyển đổi loại hình và thể loại từ nguyên tác Kim Vân Kiều truyện đếnTruyện Kiều, nhấn mạnh năng lực sáng tạo bậc thầy của nhà nghệ sĩ ngôn từ - đại thi hào dân tộc Nguyễn Du…
Tham luận Hội thảo Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du: Những diễn giải mới
BÌNH LUẬN VIỆC SO SÁNH TRUYỆN KIỀU VỚI KIM VÂN KIỀU TRUYỆN CỦA ÔNG ĐỔNG VĂN THÀNH
PGS. TS. NGUYỄN HỮU SƠN
(Viện Văn học – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam)
1. Quá trình tìm hiểu kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765-1820) đã đạt nhiều thành tựu, trong đó điểm quan sát từ phương hướng nghiên cứu so sánh đã có lịch sử lâu dài và ngày càng trở nên quan trọng. Vấn đề nghiên cứu so sánh Truyện Kiều của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân không chỉ là mối quan tâm của giới nghiên cứu mà đã thu hút cả dư luận xã hội - đặc biệt với việc viết sách giáo khoa và định hướng nhận thức, cảm thụ, giảng dạy trong nhà trường - đồng thời đã nâng cấp thành đối tượng tìm hiểu, khảo sát chuyên sâu và mở rộng thành các cuộc tranh luận có ý nghĩa khu vực và quốc tế (Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Đức, Hunggari...).
Đáng chú ý là sau khi xuất hiện loạt bài của nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành (Trung Quốc, 1984-1986)...đã khiến nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam lên tiếng tranh luận mạnh mẽ; đồng thời tiến hành so sánh bản dịch ra Trung văn với nguyên tác Truyện Kiều của Nguyễn Du và chỉ rõ những bất cập trong thao tác nghiên cứu của ông Đổng Văn Thành. Thêm nữa, vượt qua cách suy luận cực đoan và nói lấy được kiểu nhà thơ Trần Mạnh Hảo muốn coi tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện chỉ là "bộ xương", "hình nhân bằng đất sét", đến nay chúng ta đã hội đủ điều kiện tri thức khoa học và sự bình tĩnh cần thiết để nâng cấp trình độ nghiên cứu so sánh Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện lên một tầm cao mới. Định hướng chung là cần thiết coi trọng khảo sát văn bản trên tinh thần khoa học, từng bước tiếp cận đúng những cống hiến đích thực, những phương diện khác nhau cộng hưởng làm nên thiên tài nghệ thuật Nguyễn Du; chủ động đặt tương quan văn học này trong cội nguồn dòng chảy truyện thơ Nôm và trong quĩ đạo văn học trung đại; đồng thời đi sâu lý giải chân giá trị và đặc trưng mỗi kiểu loại tác phẩm cũng như mối quan hệ ảnh hưởng - giao lưu văn hóa, đặt trong quá trình phát triển tư duy văn học ở phạm vi khu vực và có tính chất toàn thế giới. Đó cũng là mặt bằng, định hướng và triển vọng của tình hình nghiên cứu so sánh Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện hiện nay.
2. Từ mười năm trước chúng tôi đã từng đề xuất in toàn văn bài viết So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam của ông Đổng Văn Thành (1) trên Tạp chí Nghiên cứu văn học (để rồi sẽ có loạt bài trả lời, trao đổi, phản biện xứng đáng) nhưng chưa được chấp thuận. Người ta nghĩ đơn giản rằng nếu in một bài thế này quá bằng vùi dập Truyện Kiều, người chịu trách nhiệm đến phải “đóng cửa tạp chí”. Không phải! Trước những vấn đề khoa học “nhạy cảm” này, học giới chúng ta càng cần thể hiện rõ bản lĩnh học thuật, đủ năng lực và trình độ để thảo luận một cách công khai, dân chủ với Đổng tiên sinh, qua đó khẳng định giá trị kiệt tác Truyện Kiều đặt trong tương quan với tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện. Thay vì cách làm trên, bài viết So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam của ông Đổng Văn Thành cũng đã kịp thời xuất hiện trong công trình sưu tầm, tuyển chọn đại thành 200 năm nghiên cứu, bình luận Truyện Kiều(2), nối tiếp ngay theo đó là các bài nghiên cứu, trao đổi của các học giả Nguyễn Khắc Phi(3), Phạm Tú Châu(4), Hoàng Văn Lâu(5) và một số bài viết khác. Ở đây chúng tôi không nhằm tổng thuật lại các ý kiến trao đổi trên mà tập trung bình luận, nhấn mạnh những hạn chế trong việc so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện của ông Đổng trên hai phương diện chính: Cần một quan điểm so sánh văn học đúng hướng – Cần đọc hiểu ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều
2.1. Cần một quan điểm so sánh văn học đúng hướng
Khi đặt vấn đề so sánh Truyện Kiều (tác phẩm sinh sau) so với cốt truyện nguồn Kim Vân Kiều truyện, ông Đổng Văn Thành cũng như bất cứ một nhà nghiên cứu nào khác đều cần xác định mục đích của việc so sánh (chỉ ra vị thế và tương quan giữa hai tác phẩm; nhấn mạnh vai trò và kiểu thức “người môi giới ” văn học, xét đoán các chuyển động về tư duy nghệ thuật và khả năng sáng tạo ở tác phẩm thứ phát…). Tiếc rằng ông Đổng lại không đi sâu khai thác các nội dung trên mà chủ yếu nhằm chứng minh, định giá sự hơn – kém giữa hai tác phẩm một cách tiên nghiệm, cơ giới.
Thực tế lịch sử tiếp nhận hai tác phẩm ở hai nước đã diễn ra theo những vectơ (vector) khác biệt, thậm chí có phần ngược chiều nhau. Đúng như Đổng tiên sinh đã cảm nhận với cách đặt nhan đề ở mục I- Hai tác phẩm cùng tên có số phận khác nhau và ghi nhận Truyện Kiều là “một truyện thơ nổi tiếng thế giới”, “viên ngọc sáng của văn học phương Đông”, được yêu thích và phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, đồng thời thừa nhận: “Truyện Kim Vân Kiều của Nguyễn Du đã được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Tiệp và nhiều tiếng nước khác, trở thành một tác phẩm văn học phương Đông có ảnh hưởng trên thế giới”;trong khi đó nguyên tác Kim Vân Kiều truyện ở ngay nơi sinh lại bị lãng quên, xem thường xem khinh
“Ngoảnh đầu nhìn tiểu thuyết Truyện Kim Vân Kiều của Trung Quốc, số phận của nó cũng như số phận Vương Thúy Kiều – nhân vật chính trong truyện, bấy lâu nay đã bị đối xử rất không công bằng
Trước hết, cuốn sách của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân bị vùi lấp hàng mấy thế kỷ trong văn học sử Trung Quốc; từ cuối đời Thanh cho tới những năm 50 của thế kỷ XX, cuốn tiểu thuyết ấy hầu như được ít người biết đến. Trong tất cả các sách về lịch sử tiểu thuyết, lịch sử văn học, kể từ cuốn Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc của Lỗ Tấn đến nay, đều không có đến nửa chữ giới thiệu về nó (…).
Cuốn sách hầu như bị sổ toẹt, từ đó tiếng xấu lan xa trong ngoài nước. Lúc được phát hiện thì đồng thời cũng là lúc dường như bị phán quyết án tử hình, Truyện Kim Vân Kiều khó mà thay đổi được số phận đáng buồn là bị vứt bỏ. Sau khi người Trung Quốc tự đẩy cuốn tiểu thuyết của mình xuống vực, học giả nước ngoài nghiên cứu văn học Trung Quốc càng không thèm để ý đến nữa. Nếu không có Nhà xuất bản Xuân Phong văn nghệ in lại tiểu thuyết đời Minh – Thanh, hẳn bộ tiểu thuyết này còn bị ngăn cách với bạn đọc lâu hơn nữa”(6).
Quan sát và nhìn ra hiện tượng số phận Truyện Kim Vân Kiều ở hai nước nhưng ông Đổng lại chủ ý lược qui toàn bộ giá trị và mức độ phổ biến của tác phẩm ở Việt Nam về cốt truyện và nhân vật theo nguyên tác: “Câu chuyện về cô gái Trung Quốc Vương Thúy Kiều trở thành đề tài cho văn học dân gian Việt Nam với đủ mọi hình thức “vịnh Kiều”, “phú Kiều”, “tế Kiều” bằng thơ, văn xuôi hay câu đối, đến “tập Kiều”, “đố Kiều” không sao kể xiết. Trong dân ca, truyền thuyết dân gian, truyện dân gian ở nhiều nơi trên đất Việt Nam đều có thể thấy ảnh hưởng sâu rộng của Truyện Kim Vân Kiều. Kịch nói, cải lương và chèo của Việt Nam càng thường xuyên diễn tích Kiều, toàn bộ hay trích đoạn; có những vở Thúy Kiều du xuân, Thúy Kiều bán mình, Hoạn Thư đánh ghen, Kiều tập I, II, III, v.v… đủ thấy hình tượng Vương Thúy Kiều của Trung Quốc được dân chúng Việt Nam đồng tình và yêu mến sâu sắc” (NHS nhấn mạnh)(7)...Điều này cũng có nghĩa rằng ông Đổng chưa quan tâm, chưa đi sâu lý giải thực chất vấn đề về khả năng Việt hóa, sáng tạo, chuyển hóa, phái sinh, tái sinh, phát triển, hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức nghệ thuật từ Kim Vân Kiều truyện đến Truyện Kiều và phổ văn hóa Truyện Kiều ở Việt Nam. Mặt khác, trên thực tế chỉ có giới nghiên cứu mới quan tâm, còn tuyệt đại nhân dân Việt Nam không hề biết đến “hình tượng Vương Thúy Kiều của Trung Quốc” và họ yêu mến Thúy Kiều chỉ bởi đã đọc, hiểu và yêu thích một Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Khi đặt vấn đề trong phần II- So sánh nhân vật và cốt truyện, ông Đổng lại chỉ căn cứ vào đoạn tóm tắt tiểu thuyết Truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc, 1983) và ý kiến học giả Hoàng Dật Cầu trong lời giới thiệu bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Trung (1959) để đi đến kết luận hầu như là thúc vào cánh cửa đã mở sẵn: “Sau khi đối chiếu qua lại như trên chúng tôi có được một kết luận rõ ràng, dễ thấy, đó là nhân vật chính cùng tình tiết cốt truyện ở hai bộ Truyện Kiều của Trung Quốc và Việt Nam hoàn toàn giống nhau, kể cả kết cấu tự sự cũng không có chút thay đổi (…). Rõ ràng Nguyễn Du chịu ảnh hưởng tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân chứ quyết không thể ngược lại (…). Qua sự đối chiếu trên đây, nên nói rằng Nguyễn Du chẳng những chỉ “mượn đề tài của tiểu thuyết Trung Quốc” mà dường như bê nguyên xi; về mặt thuật lại từng trải của nhân vật và viết truyện, Nguyễn Du không có bất kỳ một sáng tạo mới nào, chỉ chuyển thuật khá trung thực nội dung tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân mà thôi”(8).Nói kết luận của ông Đổng tựa như việc tìm đến “cánh cửa đã mở sẵn” bởi việc đối chiếu một cách cơ giới như thế thì nhà Hán học - Hội trưởng hội Hữu nghị Việt – Trung Bùi Kỷ cũng đã nói rõ trong lời tựa bản dịch Truyện Kiều (1959) đã nêu trên. Hẳn không có ai không thừa nhận sự thực hiển nhiên này, thậm chí từ gần hai thập kỷ trước đó, học giả Đào Duy Anh từngnêu những nhận xét hữu lý khi so sánh và đối sánh kết cấu Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện:
"So sánh hai bản cương yếu trên, ta thấy Nguyễn Du giữ nguyên sự tích của tiểu thuyết Tàu, hầu như không thêm bớt chút gì
Song nguyên văn thì tự thuật rườm rà, tỉ mỉ, kết cấu theo một trật tự dễ dàng đơn giản, mà Nguyễn Du thì châm chước và sắp đặt lại thành một tổ chức có giàn giá chặt chịa, có mạch lạc khít khao.
Nhưng nếu ta muốn thấy rõ phần sáng tác của Nguyễn Du để hiểu rằng ông không phải là một nhà phiên dịch tầm thường thì phải đem xét nội dung của Đoạn trường tân thanh và tùy tiện so sánh với nguyên văn của Thanh Tâm Tài Nhân"(9)...
Sự khác biệt quan trọng ở đây là, trong khi ông Đổng mới dừng lại ở việc so sánh một cách cơ giới vấn đề kết cấu, cốt truyện, nhân vật thì hầu hết các nhà nghiên cứu Việt Nam và giới Kiều học còn mở ra nhiều hướng tiếp cận khác nữa thuộc về tâm lý sáng tạo, nội dung và nghệ thuật kiệt tác Truyện Kiều. Trên thực tế, cần khách quan ghi nhận những nỗ lực ban đầu của ông Đổng trong việc khảo tả số phận tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện (kể từ việc được Tôn Khải Đệ sớm nhắc đến trong sách Thư mục tiểu thuyết – Nhật Bản, 1932) cũng như nguồn tài liệu liên quan đến bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Trung song rất tiếc rằng ông lại chưa tiếp xúc được với khối lượng khổng lồ tài liệu tiếng Việt nghiên cứu Truyện Kiều, càng chưa nói đến việc đọc, cảm thụ Truyện Kiều tiếng Việt. Đặt trong tương quan chung, việc tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện không nổi tiếng ở Trung Quốc và trên thế giới cần được suy xét ở ba nguyên nhân sau. Thứ nhất, so với di sản văn học đồ sộ của Trung Quốc, kể cả giới hạn ở phạm vi tiểu thuyết chương hồi, hẳn nhiên Kim Vân Kiều truyện chỉ giữ một vị trí khiêm nhường cả về dung lượng và mức độ khái quát nghệ thuật. Đây là một sự thật mà các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng không cần theo hút ông Đổng để tranh luận về khía cạnh tình cảm dân tộc vốn nằm ngoài phạm vi học thuật… Thứ hai, tác phẩm Kim Vân Kiều truyện xuất hiện vào đầu triều Thanh, thuộc loại tiểu thuyết “tài tử giai nhân”, xuất hiện ở giai đoạn giao thời, vừa hàm chứa những yếu tố mới về đề tài thế sự, tình cảm, tâm lý xã hội, đúng như Tôn Khải Đệ xác định “vốn có thể mở một thế giới khác ngoài lối tiểu thuyết cũ rích in hệt nhau”, song các phương diện tư duy nghệ thuật lại vẫn khuôn theo hình thức tiểu thuyết chương hồi, theo cấu trúc “Gặp gỡ - Tai biến - Đoàn tụ” quen thuộc nên ngay từ đương thời đã không tạo được dư luận… Thứ ba, đúng như ông Đổng xác nhận về một nghịch lý, tác phẩm Truyện Kiều sinh sau đến 160 năm lại có sức sống và lan tỏa khắp bốn phương, góp phần thức tỉnh và hồi sinh ngược trở lại bản gốc. Với văn học thế giới, điều này cũng không lạ (W. Sêcxpia soạn Hămlét từ những sa-ga thời trung cổ, soạn Rômêô và Giuliét từ một truyện thơ của Atơ Barúc với nguồn gốc trước đó là một truyện ngắn của tác giả người Ý; kiệt tác Tu viện thành Pácmơ của Xtăngđan lại lấy cốt truyện từ một tập biên niên sử thế kỷ XVI mà ông tìm thấy ở thành Rôm…)(10). Thực tế nói trên cho thấy đã diễn ra hai quá trình so sánh: lấy Truyện Kiều để so sánh với nguyên tác Kim Vân Kiều truyện và lấy Kim Vân Kiều truyện để so sánh với bản dịch Trung văn Truyện Kiều (đáng lẽ phải là Truyện Kiều tiếng Việt)… Đây là thách thức không phải chỉ bởi thiên kiến tình cảm mà căn bản bởi những nguyên tắc khoa học của bộ môn so sánh văn học đặt ra, cần được coi trọng và tuân thủ.
Nói tóm lại, những thiên kiến, định kiến và cả hạn chế trong việc tiếp nhận Truyện Kiều đã khiến ông Đổng không đánh giá đúng tính chất năng sản và giá trị của tác phẩm này khi so sánh với Kim Vân Kiều truyện. Đặt trong tương quan chung, lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều cho thấy đây là giá trị đích thực chứ không phải chỉ đơn giản là “sự may mắn của Nguyễn Du”. Rồi ngay cả khi ông Đổng nhiệt thành kêu gọi: “Tiểu thuyết Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân cần được đánh giá lại, ảnh hưởng quan trọng của nó trong lịch sử văn học Trung Quốc và lịch sử văn học thế giới cần được thừa nhận và đánh giá công bằng”(11) thì số phận tác phẩm vẫn không thay đổi được bao nhiêu. Thêm nữa, Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân được dịch in khá sớm ở Việt Nam (1928) nhưng trước sau vẫn chỉ được xếp loại “thường thường bậc trung”, vậy thôi... Thêm nữa, việc dịch tác phẩm văn xuôi thường vẫn thông thuận hơn thơ ca, vậy mà Truyện Kiều vẫn được dịch nhiều và ngày tỏa sáng trên văn đàn thế giới, trong khi tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện vẫn không được có được sự chú ý cần thiết.
2.2. Cần đọc hiểu ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều
Không chỉ sai lầm từ xuất phát điểm của mục đích nghiên cứu so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện, ông Đổng Văn Thành còn gặp một hạn chế không thể vượt qua là chỉ tiếp xúc với Truyện Kiều bản dịch tiếng Trung mà không đọc được bản tiếng Việt.
Như nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu đã chỉ rõ trong bài Sóng gió bất kỳ từ một bản dịch về những điểm bất cập, kể từ hiểu sai đến chuyển tải sai ý thơ trong bản in của Hoàng Dật Cầu (1959) đến khoảng cách tất yếu của tất cả các bản dịch so với nguyên tác. Ở đây chưa bàn đến niềm kính trọng và sự biết ơn to lớn của Phạm Tú Châu và mọi người Việt Nam nói chung trước việc Hoàng Dật Cầu dịch Truyện Kiều sang tiếng Trung mà chỉ giới hạn ở thực tế chất lượng bản dịch, và quan trọng hơn, cái cách mà người đi sau đã dựa vào bản dịch này để thực hành các thao tác so sánh. Đương nhiên việc dịch, đặc biệt với dịch thơ, chỉ có thể chuyển tải được ý thơ, tứ thơ mà không thể dịch được cái thần của chữ, nét vi diệu của nghĩa ẩn trong chữ, và càng không thể chuyển tải được những tình điệu sắc thái tu từ, âm điệu, nhịp điệu, tiết tấu, âm hưởng câu thơ. Tương tự như thế, người Việt Nam dịch hàng vạn bài thơ Đường nhưng vẫn phải có đủ phần nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ và chú thích nữa mà vẫn không dễ theo được nguyên tác. Nói như thế để thấy rằng ông Đổng, cũng như những người đọc Truyện Kiều gián tiếp qua bản dịch, chỉ có thể nắm bắt được tương đối một phần nghĩa lý nào đó mà không thể hiểu được đầy đủ tác phẩm gốc và sẽ dẫn đến những so sánh đơn giản, cơ giới, phiến diện, một chiều. Chính vì lẽ đó mà việc ông Đổng mở rộng khảo sát, so sánh, phân tích và nhận diện những sai dị khi đối sánh bản dịch Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện hầu như chỉ có ý nghĩa cho việc nhuận sắc, đính chính bản dịch chứ không soi sáng được thực chất giá trị thi phẩm.
Đến đây chúng tôi xin dẫn lại trường hợp nhà thơ Trần Mạnh Hảo khá nổi tiếng ở Việt Nam cũng nhầm lẫn tương tự như ông Đổng khi so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện. Trong khi ông Đổng xác quyết: “Nhìn tổng thể, tôi thấy Truyện Kiều của Nguyễn Du, bất luận về nội dung hay về nghệ thuật, đều không vượt được trình độ của bản gốc - Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc - mà nó mô phỏng” thì nhà thơ Trần cũng bình rất vui rằng “Chúng ta cảm ơn Thanh Tâm Tài Nhân tặng Nguyễn Du cốt truyện” với ngụ ý coi đó chỉ là “bộ xương thôi” và “hình nhân bằng đất sét”. Nhìn rộng ra, đã đến lúc phải khách quan thừa nhận rằng phần lớn những bài viết về Truyện Kiều từ trước đến nay nếu chỉ hướng về phân tích nội dung xã hội, thậm chí tìm hiểu cái hay cái đẹp của các mô típ nghệ thuật, hệ thống tri thức điển tích điển cố thì đều sai lệch về mặt đối tượng. Bởi lẽ những tìm tòi về mối quan hệ giữa biểu tượng định mệnh Đạm Tiên với số phận Thuý Kiều, những khám phá đời sống nội tâm Thuý Kiều qua bốn lần đánh đàn, những cách lý giải sâu sắc về cuộc đại đoàn viên - bản cáo trạng cuối cùng trong Truyện Kiều, hay việc xác định tư tưởng định mệnh, triết học Phật giáo, v.v... hoá ra đều đã có đầy đủ trongKim Vân Kiều truyện. Rút cuộc, việc tìm hiểu những tín hiệu nghệ thuật của đại thi hào Nguyễn Du qua Truyện Kiều kiểu này chính thực lại là sự tán dương văn tài Thanh Tâm Tài Nhân qua tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện một cách không tự giác. Đơn cử như bốn câu thơ diễn tả tiếng đàn Thuý Kiều được coi là tuyệt hay của Nguyễn Du:
                               Trong như tiếng hạc bay qua,
                          Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
                              Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
                         Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa...
thì ngay lời dịch từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân cũng đã là “Kiều liền xoè mấy ngón tay thon thả, khua động dây tơ, ban đầu nghe như hạc kêu, kế đến nghe như vượn hót; lúc khoan như gió thoảng, lúc gấp như mưa rào; âm điệu du dương, thanh vận ai oán, như hờn như tủi, như khóc như than” (Bản phiên âm: “Nhân khinh thư nhu tí, chuyển di ngọc chẩn, tà phi chức chỉ, bác đậu bàng huyền. Sơ nghi hạc lệ, kế nhạ viên đề, hốt noãn nhược sơ phong, hốt cấp như sậu vũ. Tái bác tái đàn nhi âm vận thê uyển, thanh luật du dương như oán như mộ, như khấp như tố”). Qua dẫn chứng từ bốn câu thơ Truyện Kiều này liệu có thể bóc tách được đâu là phần giá trị nguyên liệu căn cốt của Thanh Tâm Tài Nhân, đâu là phần “hư cấu, tưởng tượng” của riêng Nguyễn Du? Hay chính là Nguyễn Du đã dựa vào những ý tưởng chủ đạo sẵn có từ Truyện Kiều, còn đóng góp, sáng tạo của ông chính là sự nâng cấp, chuyển dịch một đoạn văn xuôi thành những câu thơ Việt thanh thoát, gợi cảm và giàu nhạc điệu. Vậy thì một sự chuyển dịch, dù là thiên tài đi nữa, phải chăng đã đủ để xác nhận một sản phẩm nghệ thuật với tư cách là quá trình “hư cấu, tưởng tượng” độc đáo? Người ta chỉ có thể so sánh xem lời dịch có sát hợp nguyên tác không chứ không ai như ông Trần lại đi so từng chữ từng câu lời thơ Truyện Kiều với lời văn dịch Kim Vân Kiều truyện. Bởi cùng một nguyên tác vẫn thường có nhiều người dịch, nhiều lối dịch ít nhiều khác nhau, thậm chí hình ảnh từ ngữ diễn đạt cũng khác xa nhau. Nhưng điều chính yếu hơn, xét về nguyên tắc không có ai mơ hồ đến mức như ông Hảo lại đi so sánh phẩm bình chi li theo tới từng chữ bản dịch như thế(12)… Như vậy, có thể nói sóng gió nhất định sẽ nổi lên không chỉ ở bản dịch mà ở cả cái cách đọc và so sánh cơ giới, hạn hẹp về cốt truyện, nhân vật và kết cấu của hai ông Đổng, Trần.
Nhân bàn về việc vận dụng phương pháp nghiên cứu so sánh, xin nhắc lại ý kiến giải thích việc Nguyễn Du không mô tả chi tiết sự kiện Tú Bà truyền dạy "bảy chữ tám nghề" cho nàng Kiều không phải bởi thi hào đã lược bỏ đi một cách đơn giản những đoạn miêu tả có tính chất tự nhiên chủ nghĩa và có hại đối với mỹ cảm của người đọc. So sánh thì thấy đoạn này được Kim Vân Kiều truyện thể hiện trong vài bốn trang với cả chiều sâu nghệ thuật sex, khả năng đúc kết tâm lý gắn liền với căn rễ cơ sở văn hoá đô thị và đời sống xã hội thị dân phát triển. Đến Truyện Kiều, Nguyễn Du giản lược chỉ còn những câu:
                   Này con học lấy làm lòng,
                   Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề...
Lời thơ thanh nhã, tóm lược đại ý song khó tìm thấy đâu nội dung, chi tiết cụ thể. Trong Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh chú: "Bảy chữ: Theo nguyên truyện thì thuật tiếp khách ở lầu xanh có bảy chữ, tức là bảy cách: 1. Khóc với khách; 2. Cắt tóc đưa cho khách làm tin; 3. Thích tên khách vào cánh tay; 4. Đốt hương để thề nguyền; 5. Giả ước nguyện lấy nhau làm vợ chồng; 6. Rủ khách đi trốn; 7. Giả chết cho khách quyến luyến... Tám nghề: Theo nguyên truyện thì tám nghề là tám mánh khóe gái thanh lâu dùng để giữ khách lại, nhưng đều là thô bỉ nên không dẫn vào đây"(13)... Nhưng giải thích như thế thì người đọc cũng chưa rõ đâu vào đâu. Từ đây có hai vấn đề được đặt ra. Thứ nhất, nếu coi đây là sự thể hiện phẩm chất mỹ cảm cao của Nguyễn Du thì thực chất lại chính là bước lùi trên phương diện tư duy nghệ thuật. Bởi lẽ tấm màng lọc mỹ học phong kiến luôn có xu hướng hạn chế khả năng tái hiện thực tại như nó vốn có, phản ánh đời sống trần tục và sắc màu sex. Với những cố gắng mang tính thời đại, điều này đã thấy xuất hiện trong Kim Vân Kiều truyện nhưng phải chăng lại hoá thành quan phương, chuẩn mực, ước lệ hơn trong Truyện Kiều? Một nhà nghiên cứu từng phát biểu đại ý, một nền văn học trưởng thành không thể thiếu bảng màu sex. Nguyễn Du là đại biểu một nền văn học lớn mà lại thiếu sex, lại trở nên "Nho hoá" hơn cả Thanh Tâm Tài Nhân sao? Thứ hai, bên cạnh hứng thú nghệ thuật thì chính sự chuyển đổi từ những trang văn xuôi vốn có điều kiện miêu tả chi tiết, cụ thể tới thể loại truyện thơ đã qui định sự giản lược của Nguyễn Du khi viết về "bảy chữ tám nghề". Nếu xét trong cả hồi 10 với nội dung "Tú Bà dạy nghề" thì Nguyễn Du giản lược chỉ còn 70 câu thơ (Câu 1149-1218)... Trong nghiên cứu so sánh tương quan Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện rõ ràng không thể xem nhẹ vấn đề chuyển đổi loại hình và thể loại từ nguyên tác chữ Hán tới diễn Nôm, từ tự sự tới trữ tình, từ tiểu thuyết chương hồi tới truyện thơ và đặt trong các mối quan hệ giao lưu văn học đặc thù dưới thời trung đại(14)…
Điều đặc biệt là Truyện Kiều đã được nhiều văn nhân Việt Nam và Trung Quốc quan tâm với 7 bản dịch sang lối thơ chữ Hán của Nguyễn Kiên, Lê Mạnh Điềm, Từ Nguyên Mạc, Lê Dụ, Thái Hanh, Lý Văn Hùng, Trương Cam Vũ, đồng thời có ba bản dịch sang Trung văn của Hoàng Dật Cầu (NXB Văn học nhân dân, Bắc Kinh, 1959), La Trường Sơn với Truyện Kiều (Song ngữ Việt – Hoa). NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2006) và Triệu Ngọc Lan với Kim Vân Kiều truyện – Dịch thuật và nghiên cứu (NXB Đại học Bắc Kinh, 2013, 237 trang). Đương nhiên dù bản dịch đạt chất lượng cao đến đâu chăng nữa vẫn có khoảng cách và không thể theo kịp được nguyên tác nên các nhà nghiên cứu chỉ có thể nương theo tinh thần chung của bản dịch chứ không thể bắt vít từng câu từng chữ khi so sánh…
Nhìn từ một phương diện khác, nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang cho biết ở Nhật Bản có bản dịch Kim Vân Kiều truyện khá sớm (1763) nhưng sau đó mấy chục năm vẫn xuất hiện thêm cuốn tiểu thuyết phóng tác từ Kim Vân Kiều truyện thành Kim Ngư truyện của Khúc Đình Mã Cầm (1767-1848)(15), được Nhật hóa sâu sắc từ bối cảnh đến nhân vật, địa danh (tương tự như Hồ Biểu Chánh phóng tác một số tác phẩm phương Tây hồi đầu thế kỷ XX). Chỉ có điều việc dịch và phóng tác Kim Vân Kiều truyện sang Nhật Bản lại không tạo nên kiệt tác, không tạo thành hiện tượng, không có được sự tiếp nhận nồng nhiệt, lâu dài, sâu rộng như Truyện Kiều của Nguyễn Du ở Việt Nam. Hơn nữa, mặc dù ở Nhật Bản đã có cả truyện dịch, truyện phóng tác Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân song đến thời hiện đại vẫn xuất hiện thêm hai bản dịch kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Nhật vào các năm 1942 và 1975. Điều này cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ, vượt trội của Truyện Kiều so với Kim Vân Kiều truyện. Như vậy, phải chăng ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều đã tạo nên sức hấp dẫn riêng, khiến cho thi phẩm được dịch ngược trở lại tiếng Trung, được dịch sang tiếng Nhật và nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới nữa.
3. Kết luận
Xét về tổng thể, ai cũng biết rằng toàn bộ Truyện Kiều là sự rút gọn và biến đổi ít nhiều cốt truyện Kim Vân Kiều truyện. Từ thực tế tiếp cận Truyện Kiều nói trên tôi cho rằng một số các nhà nghiên cứu Việt Nam đã không chú ý đầy đủ tới văn bản nguồn gốc, còn những ý kiến kiểu Đổng Văn Thành lại chỉ so sánh trên phương diện nội dung và các tín hiệu nghệ thuật chung nhất mà không chú ý tới sự khác biệt đặc trưng thể loại, không chú ý đầy đủ tới tâm lý tiếp nhận của dân tộc Việt Nam đối với ngôn ngữ Truyện Kiều và hồn thơ tiếng Việt, với thể thơ lục bát truyền thống, không lý giải được thực tế vì sao Truyện Kiều lại phổ biến tới khắp mọi miền quê, vừa là lời ru vừa trở thành một loại kinh sách để có thể bói Kiều, tập Kiều, lảy Kiều và thực sự là một kiệt tác trong nền văn học Việt Nam và thế giới. Có thể nói, thay vì so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện, ông Đổng lại đi so sánh bản dịch Trung văn Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện, khiến cho sự sai lầm càng đi xa hơn. Nhìn rộng ra, phương hướng nghiên cứu so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện vẫn tiếp tục là một đề tài hấp dẫn ở phía trước.
 (1) Xin xem Đổng Văn Thành: So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam. Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng, Tập 4 (1986), Tập 5 (1987), Xuân Phong văn nghệ Xb; in lại trong Thanh đại văn học luận cảo. Xuân Phong văn nghệ Xb, Thẩm Dương, 1994 (Tiếng Trung)…
 - Đổng Văn Thành: Kim Vân Kiều truyện, trong sáchMinh Thanh tiểu thuyết giám thưởng từ điển (Hà Mãn Tử - Lý Thời Nhân chủ biên). Chiết Giang cổ tịch xuất bản xã, Hàng Châu, 1994, tr.509-512.
(2) Đổng Văn Thành: So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam (Phạm Tú Châu dịch). In trong 200 năm nghiên cứu Truyện Kiều (Lê Xuân Lít sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu). Nxb. Giáo dục, H., 2005, tr.1542-1574. Các trích dẫn Đổng Văn Thành trong bài đều theo sách này.
(3) Nguyễn Khắc Phi: Nhân đọc bài Kim Vân Kiều truyện của Đổng Văn Thánh,in trong 200 năm nghiên cứu Truyện Kiều. Sđd,tr.1575-1582.
(4) Phạm Tú Châu: Sóng gió bất kỳ từ một bản dịch,in trong 200 năm nghiên cứu Truyện Kiều. Sđd,tr.1583-1593.
(5) Hoàng Văn Lâu: Cũng là một kiểu “so sánh văn học”,in trong 200 năm nghiên cứu Truyện Kiều. Sđd,tr.1594-1599.
(6) Đổng Văn Thành: So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam (Phạm Tú Châu dịch). In trong 200 năm nghiên cứu Truyện Kiều. Sđd, tr.1543-1544.
(7) Đổng Văn Thành: So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam (Phạm Tú Châu dịch). In trong 200 năm nghiên cứu Truyện Kiều. Sđd, tr.1543.
(8) Đổng Văn Thành: So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam (Phạm Tú Châu dịch). In trong 200 năm nghiên cứu Truyện Kiều. Sđd, tr.1548.
(9) Đào Duy Anh: Khảo luận về Kim Vân Kiều. Quan Hải tùng thư Xb, Huế, 1943, tr.60.
(10) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: Lời giới thiệu, trong sách Truyện Kim Vân Kiều (Nguyễn Đức Vân – Nguyễn Khắc Hanh dịch). Nxb. Hải Phòng, 1994, tr.6-12.
(11) Đổng Văn Thành: So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam (Phạm Tú Châu dịch). In trong 200 năm nghiên cứu Truyện Kiều. Sđd, tr.1552.
(12) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn:  Để hiểu bài giảng Truyện Kiều trong sách giáo khoa. Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, số 268, ra ngày 27-11-1996.
- Lời kết “Để hiểu bài giảng Truyện Kiều trong sách giáo khoa”.Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, số 274, ra ngày 8-1-1997.
(13) Đào Duy Anh: Từ điển Truyện Kiều. Tái bản. Nxb. KHXH, H, 1989, tr.40-41.
(14) Xin xem Nguyễn Hữu Sơn: Tiếp nhận Truyện Kiều của Nguyễn Du trong sự so sánh với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Văn nghệ, số 44-1990, tr.10.
- So sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện từ sự chuyển đổi loại hình và thể loại. Nghiên cứu Văn học, số 11-2005, tr.27-43.
- Nguyễn Hữu Sơn (Biên soạn):  Thi hào Nguyễn Du – Từ thơ chữ Hán đến kiệt tác Truyện Kiều. Nxb. Trẻ - Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP Hồ Chí Minh, 2006, 168 trang.
(15) Xin xem Đoàn Lê Giang:- Truyện Kiều Nhật Bản và Truyện Kiều ở Nhật Bản. Kiến thức ngày nay, số 200, Xuân 1995, tr.57-59.
- Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản. Tạp chí Văn học, số 12-1999, tr.47-50…
Nguyễn Hữu Sum
Nguồn vanhoanghean
Theo http://trieuxuan.info/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ Thạch Quỳ khép lại một đời đập đá ra có ánh lửa ngời 11 Tháng Mười Hai, 2022 Nhà thơ Thạch Quỳ, một gương mặt ấn tượng trên th...