Cuốn tiểu thuyết dày trên 600 trang lấy bối cảnh chính là
chùa Tâm Sanh tự, một ngôi chùa ở giữa Sài Gòn trong thời quân Mỹ chiếm đóng,
được cất lên từ một bãi rác, với nhân vật chính là ni cô Huệ Linh và những em
nhỏ bụi đời bới rác cùng Lão Bà, người mẹ nuôi của Huệ Linh và cũng là chủ của
mảnh đất bị lấn làm bãi rác. Quây quanh ngôi chùa đó, còn có những nhân vật
xuyên suốt cuốn tiểu thuyết là "thầy chùa" Trần Phong Cát hay Gió
Cát, trụ trì Thích Quang Minh, các nhà sư đến "ở nhờ" Thiện Tánh,
Thiện Giác, các chiến sĩ biệt động Hoa Trang, Tự Nguyện, Dũng…, cả đại úy trưởng
ty cảnh sát ngụy là Hồng Sơn và trung úy phó ty Hắc Hổ…
Mỗi nhân vật đều có một bề dày lý lịch rất là "tiểu
thuyết". Như Huệ Linh, cô có cha là người bị vu cáo làm cộng sản, bị đi
đày, vượt ngục trở về quê cù lao Không Tên ở An Giang, rồi giết kẻ tình địch,
cũng là người tổ chức vu cáo mình, ngay tại nhà mình, khi người vợ xinh đẹp
đang thất thân với kẻ đó; vì vậy ông phải lẩn trốn, dựng nên vài kiểng chùa ở
vùng Thất sơn để tu hành; còn mẹ Huệ Linh thì cũng xuống tóc, cải gia vi tự
(sửa nhà thành chùa) để tu nhưng cũng bị kẻ thù thảm sát vì đã giúp đỡ em chồng
làm cách mạng… Huệ Linh từ bé đã cùng mẹ tu tại gia là chùa Tâm Linh tự (Tâm
là tên cha cô, Sanh là tên mẹ cô), qua nhiều biến cố, cô đi học Phật giáo ở
Huế, tham gia tí chút phong trào Phật tử, bị trục xuất khỏi Huế về Nam tìm
cha cùng tu rồi cũng bị buộc rời khỏi chùa của cha vì "lòng trần chưa dứt"…
Cô về Sài Gòn lập chùa muốn đi cho trọn con đường tu hành… Nhưng cơn lốc chiến
tranh và biến cố xã hội dồn dập đưa cô tham gia dần vào hoạt động của Biệt động
quân Sài Gòn, bị bắt, bị tra tấn dã man, bị đày Côn Đảo… Hay như Trần Phong
Gió Cát là kẻ bụi đời, tầm sư học võ Bình Định, chúa đảng Rồng Xanh Sài Gòn
"giải nghệ" lang bạt ra miền Trung làm Phật tử và cũng bị trục xuất
cùng Huệ Linh, cùng vào Sài Gòn một chuyến, yêu Huệ Linh tha thiết và làm Huệ
Linh cũng rung động trước mối tình đầu nhưng không dám vượt qua giới cấm; anh
đã dùng võ nghệ cao cường của mình thách đấu và đánh bại Hùm Xám Cây Gõ là đầu
đảng cướp đã bắt cóc Huệ Linh, do mưu mô của Thiện Giác và Thiện Tánh, hai
"thầy chùa gián điệp" tay chân của Thích Đại Hải, sư của Hội Việt Mỹ,
muốn giành chức trụ trì chùa phế bỏ Huệ Linh; anh là chiến sĩ Đội biệt
động thành, lập nhiều chiến công vang dội và hy sinh để bảo vệ Huệ Linh cùng
đồng đội khi chùa bị lộ, bị tấn công thiêu rụi… Hay như Thích Quang Minh, con
nuôi và đệ tử của nhà sư cha Huệ Linh, võ cũng hay mà đàn ghi ta cũng giỏi,
khi Huệ Linh tìm cha ở chùa trên Cấm Sơn, hai người cùng tu với cha nhưng đã
yêu nhau, đã trao đổi nhau cái hôn đầu đời một đêm trăng ở chùa trên núi, khiến
cho sư cha phải quyết định cách ly hai con; Huệ Linh về Sài Gòn, bị Hùm
Xám Cây Gõ bắt cóc, Quang Minh xuống núi góp phần cứu cô và nhận làm trụ trì
chùa để phá mưu "lật đổ" của Thiện Giác, Thiện Tánh; anh ở lại chùa
vẫn yêu cô và muốn cùng cô "về đời"; anh cũng gia nhập biệt động
thành do Hoa Trang chỉ huy, và sau một trận đánh xuất quỷ nhập thần thắng lợi,
hai người cải trang thành cặp tình nhân đi Lái Thiêu ăn trái cây và lần thứ
hai, họ hôn nhau trong vườn trái…
Hoa Trang là nhân vật biệt động "chính
thống", người gốc Củ Chi, vì nhiệm vụ rời căn cứ vào nằm tại thành phố,
chọn chỗ ở ngay trong chùa của Huệ Linh, cô có chồng và một con gái 6 tuổi,
bé Hường; chồng cô cũng là chiến sĩ biệt động hy sinh hết sức anh dũng; cô dịu
dàng và kiên quyết, dũng cảm và mưu lược, táo bạo và nhanh trí, nhưng cũng rất
bình dị đời thường, yêu chồng, yêu con, tim cô cũng rung động trước mối tình
mới với Trần Phong Gió Cát anh hùng … Còn nhân vật đại úy trưởng ty cảnh sát
ngụy Hồng Sơn là người có học, say mê nhan sắc và bị vẻ đẹp tâm hồn của Huệ
Linh chinh phục, nhiều lần đến chùa vừa si tình vừa dòm ngó, đã thắng thắn từ
hôn với Uyên Chi, con gái đại tá Võ, cấp trên của anh và nhiều lần cầu hôn Huệ
Linh, anh yêu Huệ Linh thật lòng và tha thiết, nhưng cũng theo lối "cảnh
sát" như khi muốn "bảo lãnh" cho cô khỏi bị tra tấn hay đày đi
Côn Đảo (cũng là một cách khuất phục sau khi cả bộ máy cảnh sát và cố vấn Mỹ
không lấy được một lời từ đàn áp, tra tấn, kể cả việc cho Mỹ đen hiếp cô mà
cô đối phó thắng lợi), khi cô được trao trả về Lộc Ninh anh cũng muốn
cô ở lại Sài Gòn, cho đến khi quân ta tiếp quản thành phố, anh không chịu
cùng cha mẹ bỏ chạy ra nước ngoài mà ở lại chờ cô; cô ở trong ban quân quản
đăng ký cho anh đi cải tạo; mối tình chân thật và thủy chung tha thiết của
anh đã lay động lòng cô, và cuối cùng cô đã cho anh hy vọng về một ngày mai…
Bên cạnh Hồng Sơn, còn có trung úy Hắc Hổ, một kiểu người ngu muội, độc ác, một
cảnh sát xuất thân từ bọn du đãng rất tiêu biểu cho đám hung thần của
chế độ cũ… Ngoài ra, còn những nhân vật phụ nhưng cũng rất có nét riêng
như cặp chiến sĩ biệt động Long - Minh Hà, chỉ huy trưởng Tư Tân, các chú tiểu
Diệu Đức, Diệu Hạnh, Diệu Hiền…, đại tá cảnh sát Võ, con gái là Uyên Chi đánh
ghen Huệ Linh…, cặp học sinh trường Marie Curie Thu Lan - Thu Cúc… Bối cảnh
thì có thêm đồng bằng sông Cửu Long, vùng Bảy Núi, thành phố Huế, nhà ngục
Côn Đảo, v.v… Từng ấy nhân vật và biến cố, bối cảnh và tình tiết đã cho Khúc
chuông chùa một sự hấp dẫn cần thiết…
Xét về đề tài thì đây là cuốn tiểu thuyết viết về đề tài
truyền thống: những chiến sĩ của Đội biệt động thành phố Sài Gòn, nhưng
nó đã vượt lên khỏi việc ca ngợi những chiến công tuyệt vời của họ để đi sâu
vào những số phận con người. Bên cạnh hình ảnh táo bạo, kiên quyết và mưu trí
của người chiến sĩ biệt động Hoa Trang còn có bé Hường, con gái 6 tuổi của chị;
bé không đóng vai trò gì hết trong truyện, nhưng có bé cuộc chiến đấu huyền thoại
của chiến sĩ biệt động Hoa Trang trở nên hết sức bình dị và tính nhân bản của
cuộc chiến cũng được nâng lên rất nhiều. Viết về đề tài truyền thống nhưng cuốn
tiểu thuyết không đi ngay vào đội biệt động mà đi vào cuộc đời của Huệ Linh,
cha mẹ Huệ Linh, tình yêu đạo yêu đời của Huệ Linh… và con đường trở thành
chiến sĩ biệt động của Huệ Linh… Từ Huệ Linh mà gắn kết với Gió Cát, với
Quang Minh, với Hồng Sơn, với Hoa Trang, Tư Tân… Nhờ đó mà đề tài truyền thống
được mở rộng chứ không bó hẹp.
Xét về mặt thủ pháp nghệ thuật thì tiểu thuyết này được viết
theo lối truyền thống với cốt truyện và nhân vật được suy tính đầy đủ. Về bố
cục thì chọn một cảnh chùa để qui tụ các nhân vật, các biến cố, các tình tiết
truyện cũng là một bố cục khéo. Tuy nhiên, Thanh Giang không xử lý hoàn toàn
theo hướng đó. Thế mạnh của anh lâu nay không ở chỗ "dựng" truyện
mà ở chỗ "kể" truyện. Cho nên cuốn tiểu thuyết không chú trọng mấy
đến chỗ dẫn, chỗ thắt, chỗ mở, hay chỗ phục, chỗ khởi… dựng những chương
đinh, chốt… Tác giả chỉ kể chuyện, song vì chất liệu tiểu thuyết đầy đặn cộng
với cách kể có giọng riêng nên cuốn tiểu thuyết có sự hấp dẫn nhất định. Cái
giọng riêng của người kể nằm ở cách hành văn xưa xưa, cũ cũ nhiều lúc thật
thà, nhưng vì viết về những chuyện xưa cũ nên cũng khá phù hợp, ở những chỗ
khác thì giọng văn ngắn gọn, gần lối viết kịch bản phim (với cốt truyện này,
Thanh Giang đã viết kịch bản phim), pha chút tinh nghịch, dí dỏm…
Xét về mặt tìm kiếm cách thể hiện đề tài truyền thống thì
Thanh Giang đã thu hút được đọc giả khi pha trộn chuyện biệt động xuất quỉ nhập
thần với một chút "trinh thám" (xã hội đen, bắt cóc, giải thoát…),
một chút "chưởng" (lên núi xuống núi, đánh võ tay đôi…), tình yêu
tay ba tay tư (Huệ Linh - Gió Cát - Hoa Trang - Quang Minh - Hồng Sơn -
Uyên Chi…) khiến cho cuốn tiểu thuyết thêm phần hấp dẫn...
Khúc chuông chùa là một thành công mới của Thanh Giang và
là một cuốn tiểu thuyết về đề tài truyền thống đáng chú ý.
Nhân ngày tiễn Thanh Giang về đất mẹ Bến Tre - 18.12.2015.
Trần Thanh Giao
Theo www.trieuxuan.info
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét