Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Sông chảy bên Trời, còn Người ở đâu, Người ơi!

Sông chảy bên Trời, còn Người ở đâu, Người ơi!
Lời tựa của nhà văn Triệu Xuân cho tập thơ Sông Chảy bên trời. NXB Văn học, 2007.
Tôi chưa hề gặp Nguyễn Kim Ngân, vậy mà đọc một hơi hết tập bản thảo, tôi thấy lòng rưng rưng! Đây chính là người đã viết bài thơ Người mẹ Bàn Cờ, bạn anh là Trần Long Ẩn phổ nhạc, trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng từ năm 1970, khi tôi còn là sinh viên năm thứ hai khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nguyễn Kim Ngân viết bản thảo bằng tay, người đã có một thời tham gia phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn Gia Định.
Nguyễn Kim Ngân sinh ngày 13-7-1946, tại một làng quê nghèo thuộc huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên. Anh học trung học Văn Lang và Pétrus Ký Sài Gòn, sớm tham gia phong trào học sinh sinh viên tranh đấu. Anh tốt nghiệp khoa Triết học Tây phương của Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1971. Sau ngày đất nước thống nhất, anh về quê dạy học, làm Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Khuyến ở Sông Cầu, Phú Yên (1993-2006); Hiện về hưu tại thôn Triều Sơn, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu. Nguyễn Kim Ngân có thơ đăng trên các báo tại Sài Gòn từ năm 1964 như: Ngày Nay, Tia Sáng, SV, Đối Diện, Thơ Máu, Thơ miền Trung thế kỷ XX...
Nguyễn Kim Ngân đặt tên cho tập thơ đầu tay của mình là Sông Chảy Bên Trời. Đọc hết tập bản thảo gần bảy chục bài thơ nhưng tôi không thấy Sông Chảy Bên Trời ở đâu cả! Sông thì có, nhiều bài nói đến sông, suối, nhưng Sông Chảy Bên Trời thì không! Chợt nhớ đến vở kịch nổi tiếng trên sân khấu Paris những năm Năm mươi thế kỷ XX của nhà viết kịch hiện sinh Eugene Ionesco mang tên Nữ danh ca đầu hói. Suốt vở kịch không hề xuất hiện một ai là nữ danh ca đầu hói! Cách đặt tên như thế có rất nhiều ý tứ!
Sông chảy bên trời, hình ảnh thật lạ lẫm! Sông thì rứa, còn người ở đâu? Đọc tập thơ Sông Chảy Bên Trời, ta cảm nhận được hình ảnh đẹp nhất của con người : Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người cũng gắn bó sâu nặng với đất nước quê hương, với mẹ cha, với em yêu, với đồng đội, với ruộng nương, sông suối, biển trời nước Việt!
Trong số sáu mươi lăm bài thơ xuất bản lần này, thì 29 bài đầu được viết từ năm 1964 cho tới năm 1974, nghĩa là trọn thời gian tác giả sống, học tập, tranh đấu tại Sài Gòn. Ba mươi sáu bài còn lại - bắt đầu từ bài Trời Cẩm Tú - viết từ tháng Bảy năm 1975 cho đến bài cuối tập: Thiếu Một Người, viết ngày Rằm tháng Giêng năm 2006, nghĩa là thời gian Nguyễn Kim Ngân về quê dạy học, sống cuộc đời thanh bạch, nhiều thiếu thốn về vật chất nhưng đầy ắp nghĩa tình và ước mơ.
Người ta bảo, mỗi một đời thơ, chỉ cần một bài hay, có sức lay động lòng người là đủ! Nguyễn Kim Ngân có Người mẹ Bàn Cờ:
                 Có người mẹ Bàn Cờ
                 Tay gầy tóc bạc phơ
                 Chuyền cơm qua vách cấm
                 Khi ngoài trời đã thưa...
                 Đường Việt Nam Bàn Cờ
                 Tình Việt Nam như tơ
                 Đồng Việt Nam lầy lội
                 Giặc đợi chết từng giờ.
                            1970.
Như trên đã viết, tôi được nghe bài thơ này qua bản nhạc của nhạc sỹ Trần Long Ẩn phát trên Đài Tiếng Nói Việt Nam. Nhà thơ Chế Lan Viên đánh giá rất cao bài thơ và bản nhạc này! Thơ ấy, nhạc ấy như có lửa. Đã có biết bao nhiêu người  mẹ, người chị, người em bất chấp hiểm nguy, nhận sinh viên tranh đấu là chồng để cứu đồng đội. Những người mẹ Bàn Cờ, người em Bàn Cờ trong cuộc chiến đấu giữa lòng Sài Gòn đã trở thành những anh hùng bất tử với non sông đất nước, mà bài thơ của Nguyễn Kim Ngân thực sự là một tượng đài về những nữ anh hùng ấy!
Cùng trong chủ đề tranh đấu, Nguyễn Kim Ngân còn nhiều bài thơ hay ca ngợi những đồng đội học sinh, sinh viên, ca ngợi những người dân Sài Gòn Gia Định quên mình hy sinh cho sự nghiệp lớn. Thế nhưng còn một mảng đề tài khác được anh trăn trở thể hiện trong nhiều bài thơ gây xúc động lòng người hôm nay. Đó là tâm trạng khắc khoải của tuổi trẻ và người dân nói chung sống trong chiến tranh, quá nhiều máu và nước mắt, ai cũng ước ao ngày đất nước thanh bình.
Thơ viết về giai đoạn trước 1975 của Nguyễn Kim Ngân phần lớn mang âm hưởng buồn, khai thác sự đơn côi, trống vắng, nhớ nhung và biệt ly. Từ bài Trời Cẩm Tú, viết tháng bảy năm 1975 đến năm 2006, thơ Nguyễn Kim Ngân vui hẳn lên, đôi khi cũng có những bài buồn nhưng là nỗi buồn không làm cho ta yếu đuối. Ngôn ngữ thơ anh trong sáng, thể hiện một tâm hồn trong trẻo, giàu lòng nhân ái, bao la niềm tin, mãnh liệt tình yêu đời, yêu quê hương. Dòng sông lặng lẽ, Trở lại đêm mưa, Đêm gió gọi, Hãy hát đi em, Đã đi qua đời tôi, Khao khát, Thương nhớ chiều quê... là những bài như thế. Rời Sài Gòn về quê dạy học, nhà giáo Nguyễn Kim Ngân cùng chung số phận, chung niềm vui và nỗi buồn với quê hương mình, nhân dân mình; nhất là những năm đất nước - do ấu trĩ chủ quan, duy ý chí - lâm vào khủng hoảng, đói kém, thiếu thốn trăm bề. Đọc những bài thơ anh viết trong giai đoạn 1979-1989, ta hiểu anh đã từng phải gồng mình lên như thế nào để sống, để tiếp tục truyền dạy kiến thức văn hóa, đạo làm người cho con trẻ miền quê đang đói ăn, thiếu mặc, ốm đau thiếu thuốc chữa bệnh. Trong những năm khốn khó như thế, biết bao người đã đau lòng bỏ nước ra đi, nhiều người chết trên biển, thì tâm hồn Nguyễn Kim Ngân, trái tim anh vẫn dào dạt niềm tự hào về mẹ, về quê hương mình. Bài thơ Cái giếng viết năm 1989:
                             ...
                             Giếng có từ thuở nào
                             Ấu thơ con đã thấy
                             Nước trong xanh biết mấy
                             Ngọt lịm suốt đời con.
Cha Nguyễn Kim Ngân ra chiến trường rồi không về nữa! Mẹ anh ở nhà chắt chiu từng lon gạo, từng giọt nước giếng mát lành nuôi quân. Gần hai chục năm kháng chiến, giếng nước cùng với mẹ vẫn một lòng sắt son. Đến khi đất nước hòa bình, cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng cái giếng nước cũ xưa ấy thì vẫn Ngọt lịm suốt đời con! Nhà thơ vẫn luôn nhớ đến nước giếng múc mo cau. Anh thưa với mẹ: Xin mẹ chớ buồn đau/ Với lều tranh đạm bạc/ Giếng chưa bao giờ đục/ Lòng mẹ vẫn trong xanh. Thật tuyệt vời! Thông qua chuyện cái giếng rất giản dị, cái giếng đã trở thành một nhân vật, tác giả nói hết được tâm thế con người, nói được tình Mẹ mênh mông cao cả!
Viết về quê hương biết mấy cho vừa! Nguyễn Kim Ngân dành rất nhiều trang thơ cho chủ đề này. Bài Quê hương như giọt mật viết về Phú Yên quê anh:
                    Quê hương tôi
                    Như một chiếc nôi
                    Mắc giữa hai đầu
                    Cù Mông - Đèo Cả
                    Mẹ ru tôi những lời rất lạ
                    Của biển, của rừng, của tiếng suối reo....
                    Mỗi lần đi xa như đôi mắt nhìn theo
                    Khi trở về là vòng tay ấm lại
                    Quê hương ơi, tôi còn tin yêu mãi
                    Bởi giọt mật mẹ sơ trên lưỡi lúc chào đời.
Bài thơ này làm năm 2002. Trước đó hai năm, trong bài Thương nhớ chiều quê, khắc họa tâm trạng của người đàn ông trước việc Em bỏ miền quê ra phố ở/ Có nhớ chiều đông những cánh cò, ta thấy Nguyễn Kim Ngân chìm đắm trong những cảm xúc bùi ngùi, tiếc nuối. Bài thơ thật buồn, nỗi buồn của một tâm hồn suốt đời gắn bó với quê hương, yêu tha thiết quê hương, mà chợt thấy bao nhiêu ước mơ vẫn chưa thành hiện thực:
                    Chiều cuối xuân con cúm núm lẻ loi
                    Cứ giấu mình kêu vang trong ruộng lúa
                    Kêu như nuốt nỗi buồn vào hơi thở
                    Lúa đã vàng cúi hết buổi chiều rơi.
Quê hương chúng ta từ Bắc chí Nam, nhiều nơi còn nghèo khó vô cùng! Nhưng, từ trong cái nghèo khó triền miên ấy, Nguyễn Kim Ngân vẫn sắt son niềm tin và cháy bỏng tình yêu. Tin yêu lắm lắm thì mới thốt được ra nỗi buồn như thế! Con cúm núm lẻ loi/ Cứ giấu mình kêu vang trong ruộng lúa/ Kêu như nuốt nỗi buồn vào hơi thở. Nguyễn Kim Ngân không nuốt nỗi buồn vào hơi thở. Anh thốt lên thành thơ! Bởi như người ta nói: khi buồn đau mà có người sẻ chia thì nỗi buồn sẽ vơi đi, lòng người sẽ thanh thản mà tự tin bước tiếp! Thơ là chốn mà Nguyễn Kim Ngân vịn vào để sẻ chia tâm sự!.
TP. HCM, tháng Sáu trời mưa, 2007
Nhà văn Triệu Xuân
Rút từ: Triệu Xuân sống và viết. Ký. 
850 trang. Sắp xuất bản.
Theo http://trieuxuan.info/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...