Sự nghiệp khoa học của
Giáo sư Trương Tửu
|
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc
với Trương Tửu qua tiểu thuyết Một chiến sĩ (1938), và công trình
nghiên cứu Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (1943) (1).
Cuốn tiểu thuyết tôi không thích lắm vì quá nhiều lý sự và văn hơi khô. Tôi
thích cuốn sau hơn. Cách thức gắn trực tiếp văn học với xã hội học và triết học
duy vật quả đã đem lại nhiều kết luận mới mẻ, khác lạ, khiến cho Trương Tửu
(dưới bút danh Nguyễn Bách Khoa) trở thành đại diện cho một khuynh hướng mới
trong nghiên cứu- phê bình văn học lúc đương thời; và về sau sẽ có người tổng
kết và nâng lên thành một khuynh hướng - đó là khuynh hướng khoa học.
Tiếp đó, đọc Nguyễn
Du và “Truyện Kiều” (1943), và Văn chương “Truyện Kiều” (1944)
thì có phần bị “sốc” bởi, với Nguyễn Bách Khoa, lần đầu tiên tôi được nghe những
kết luận về Nguyễn Du và Truyện Kiều khác với những gì tôi đã được
nghe, và tự mình cảm nhận: “Nguyễn Du là một con bệnh thần kinh” (tr.236)
(...) “Bằng Truyện Kiều, với tất cả cái hay và cái hỏng của nó, với tất
cả cái chân thực và cái bất luận lý của nó, Nguyễn Du đã đánh dấu được cá
tính mình, thân thế mình, đẳng cấp mình, thời đại mình, về cả ba phương diện:
sinh hoạt, tư tưởng và tâm lý.
Đó là một sinh hoạt cằn cỗi
và sáo loạn, một tư tưởng nhát hèn và uỷ mị, một tâm lý tuỳ thời và ích kỷ. Truyện
Kiều là kết tinh của ba yếu tố suy đồi ấy” (tr.339). “Truyện Kiều chỉ
là kết tinh của những cái suy nhược trong cốt tính Việt Nam. Đầu tiên là
cái uỷ mị (...) Sau cái uỷ mị là cái hèn (...) Sau cái hèn là cái trốn tránh”
(tr.340-341). “Truyện Kiều là một thứ văn chương đã ở một vị trí phản tiến
hoá lúc đương thời của Nguyễn Du. Nó chứa chan một chất tàn héo, tiêu ma (chất
thơ). Nó là kết tinh tinh thần của một chặng đường suy đồi nhất trên tràng kỳ
tiến hoá của cá tính Việt Nam. Cái đẹp của Truyện Kiều ngày nay chỉ
những tâm hồn muốn thụt lùi mới có thể thưởng ngoạn được...” (tr.416). Những
kết luận như thế, và còn nhiều nữa trong phân tích, bình luận Nguyễn Du ở hai
công trình viết trước 1945, theo tác giả là kết quả của “những cố gắng áp dụng
óc khoa học trong công việc nghiên cứu”, là do “đã làm hết nghĩa vụ một nhà
phê bình vẫn tôn thờ khoa học” (tr.340).
Tất nhiên sẽ có nhiều người
không đồng tình, thậm chí phản ứng gay gắt với nội dung phê bình của Trương Tửu,
như Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Đinh Gia
Trinh... Nhưng vấn đề rồi sẽ trở nên trầm trọng hơn, và vượt ra khỏi giới hạn
của phê bình văn chương, khi Trương Tửu (trong bút danh mới là Nguyễn Bách
Khoa) sáng lập và chủ trì các hoạt động của Nhà xuất bản Hàn Thuyên từ 1941 đến
1946, không kể trước đó khi ông là chủ bút báo Quốc gia. Một nhà xuất bản
tuy có in Đặng Thai Mai, Nguyễn Đổng Chi... nhưng chủ yếu là địa chỉ hoạt động
của một số người thuộc nhóm Tơrôtxkit như Hồ Hữu Tường, Nguyễn Đức Quỳnh,
Nguyễn Tế Mỹ, Lương Đức Thiệp... chủ trương cách mạng thường trực theo đường
lối tả khuynh của Tơrôtxky, chống lại Đệ tam quốc tế của Stalin. Và như vậy
là họ đi khác, đi ngược với đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận
Việt Minh: về chính trị là chủ trương đoàn kết toàn dân và tiến hành cách mạng
dân tộc, dân chủ; và về văn hoá là thực hiện ba phương châm: Dân tộc hoá, Đại
chúng hoá, Khoa học hoá như được nêu trong Đề cương về văn hoá Việt Nam,
năm 1943.
Tất cả những nhận thức
này, phải về sau, khi vào Đại học, rồi vào nghề ở Viện Văn học tôi mới được tiếp
cận. Điều đáng lưu ý: sự phê phán đối với nhóm Hàn Thuyên là rất gay gắt, và
được phát ra từ chính Đảng Cộng sản Đông Dương và những người thay mặt Đảng.
Xin dẫn một vài đoạn. Trong Đề cương về văn hoá Việt Nam - 1943:
“... phải kịch liệt chống những xu hướng văn hoá bảo thủ, chiết trung, lập dị,
bi quan, thần bí, duy tâm... Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng văn hoá
quá trớn của bọn Tơrôtxkit”. Tiếp đó, trong bài Mấy nguyên tắc của cuộc
vận động văn hoá mới Việt Nam lúc này của Trường Chinh, nhằm giải thích Đề
cương: “Gần đây các sách báo công khai năng đả động đến vấn đề văn hoá Việt
Nam. Nhà Hàn Thuyên xuất bản loại sách “Tân văn hoá” và Tạp chí Văn mới
- nghị luận để cổ động phong trào “tân văn hoá” một cách hăm hở. Tiếng
“tân văn hoá” đã gần thành “mốt!” (...) “Nhóm Tân văn hoá Hàn Thuyên (tiểu tư
sản) nhận là trọng khoa học, nhưng đã phản duy vật biện chứng và duy vật lịch
sử, tức phản khoa học. Họ chẳng đem học thuyết duy vật tầm thường, duy vật
máy móc thay cho duy vật biện chứng đó sao? Họ không đội lốt duy vật lịch sử
để dễ xuyên tạc học thuyết duy vật lịch sử của Mác đó sao? (...) Họ coi thường
khẩu hiệu dân tộc hoá đến nỗi dám gắn chiêu bài “duy vật sử quan” để xuyên tạc
lịch sử dân tộc Việt Nam và do đó bôi nhọ học thuyết “duy vật sử quan” (coi
cuốn Hai Bà Trưng khởi nghĩacủa Nguyễn Tế Mỹ, Hàn Thuyên xuất bản,
1941). Đáng lẽ phải tập trung mọi lực lượng văn hoá Việt Nam thành một mặt trận
văn hoá đặng chống lại văn hoá ngu dân, văn hoá thoái hoá và trung cổ của bọn
phát xít, chống thủ đoạn xâm lấn nguy hiểm của văn hoá Nhật thì họ lại chia rẽ
mặt trận văn hoá của dân tộc ta và bởi thế họ đã vô tình hay cố ý làm lợi cho
lũ giặc nước. Thật thế, tại sao họ lại chĩa ngọn lửa đấu tranh văn hoá vào
các người văn hoá dân dân tộc (Tri tân, Thanh nghị) trong khi quyền lợi sinh
tử của dân tộc bắt phải liên minh thân thiện với các người văn hoá ấy đặng
chĩa ngọn lửa đấu tranh văn hoá vào phát xít Nhật-Pháp? Cái chiêu bài “Tân
văn hoá” của nhà Hàn Thuyên ở đó một số Tơrôtxkit đang hoành hành chẳng đáng
ngờ lắm sao?”(1).
Vấn đề càng tiếp tục tính
chất nghiêm trọng của nó, khi Trương Tửu đề xuất chủ trương Tân văn hoá,
và công bố Tương lai văn nghệ Việt Nam(2) ngay
sau khi cách mạng thành công, với một quan niệm và một chương trình hành động
bị chính những người thay mặt Đảng và thay mặt Hội văn hoá cứu quốc phê phán
kịch liệt. Với Trương Tửu, tương lai văn nghệ Việt Nam phải được xây dựng
trên 4 yếu tố. Đó là: Cách mạng - Quần chúng - Xã hội chủ nghĩa - Khoa học.
Bốn yếu tố dường như là để tạo đối trọng với Ba phương châm: Dân tộc
- Đại chúng - Khoa học của Đề cương về văn hoá Việt Nam - 1943. Với Đề
cương..., phương châm Dân tộc hoá được đặt ở vị trí số 1 để tập hợp
đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nhằm giành cho được mục tiêu cuối cùng, là độc
lập dân tộc. Trong khi đó, 4 yếu tố của Tương lai văn nghệ Việt Nam,
không có yếu tố dân tộc; vị trí của dân tộc được thay bằng cách
mạng; với sự bổ sung: yếu tố xã hội chủ nghĩa; còn quần chúng (hoặc đại
chúng) và khoa học thì có cùng tên gọi nhưng cách giải thích là
khác nhau. Và như vậy, sự lảng tránh dân tộc hoá, và sự cổ động cho cách mạng,
không phải cách mạng dân tộc dân chủ mà là cách mạng xã hội chủ nghĩa, ở thời
điểm 1945, là khớp với chủ trương giải phóng giai cấp và cách mạng thường trực
của nhóm Tơrôtxkit có lịch sử hoạt động từ hồi đầu Mặt trận Dân chủ Đông
Dương; còn việc Trương Tửu có là đồng chí với các thành viên Tơrôtxkit trong
nhóm Hàn Thuyên hay không là điều tôi không được rõ.
Trở lại thời kỳ đầu sau
Cách mạng tháng Tám của Trương Tửu, với chủ trương Tân văn hoávà với việc
công bố Tương lai văn nghệ Việt Nam. Gần như ngay lập tức Hội văn hoá cứu
quốc có bài phê phán Trương Tửu, trong đó có sức nặng nhất là bài của Thanh
Bình (tức Đặng Thai Mai) đăng trên 3 kỳ Tiên phong(1).
Thanh Bình bác bỏ sự viển vông, không thực tế trên cả hai phương diện lý thuyết
và chương trình hành động của Trương Tửu; đồng thời đi sâu phê bình một số
quan niệm cụ thể của Trương Tửu về văn nghệ mà theo ông là mông lung, xa rời
thực tế và có hại cho cách mạng như: “Văn nghệ là gì, nếu không phải là sự phản
kháng thường xuyên đối với thực tại và hiện tại”; là phải “gieo rắc vào tâm
trí mọi người chất men bất phục tùng và phản kháng” - để mượn lại ý của Anđrê
Gít; là yêu cầu “văn nghệ phải đứng ra ngoài chính trị”, “sự hợp tác” giữa
văn nghệ với chính trị “chỉ có thể xẩy ra một cách hãn hữu”...
Đọc lại những cuộc bàn thảo
hồi này vào thời điểm ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, trong không
khí chính trị cực kỳ căng thẳng trước mọi loại thù trong giặc ngoài và đời sống
văn hoá, văn nghệ còn ngổn ngang bao nhiêu khuynh hướng, hoặc còn đang trong
phân vân, chọn lựa... thì mới thấy những phê phán đối với Hàn Thuyên vào lúc
này là cần thiết và kịp thời. Bởi đó là những vấn đề không còn giới hạn trong
hoạt động của giới văn nghệ mà còn liên quan đến đời sống chính trị, nó là
thành bại của cách mạng, là tồn vong của đất nước.
Cho đến 1948, trong Chủ
nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam, Trường Chinh vẫn tiếp tục sự phê phán: “Những
sách của nhà Hàn Thuyên trình bày tư tưởng xã hội dài dòng và duy vật
máy móc, xuyên tạc học thuyết Mác, đã được in ra và được thực dân Pháp lợi dụng
đặng chế bớt sức mạnh tuyên truyền về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân chủ
của Việt Minh”.
Trở lại với lịch sử, và trở
về Trương Tửu, bên cạnh tư chất người phê bình đại diện chokhuynh hướng khoa
học - như ông tự nhận, còn có tư chất một nhà hoạt động văn hoá, và có
thể, cả chính trị, khi ông chủ trương Tân văn hoá và viết Tương lai văn
nghệ Việt Nam. Tức là một người có mẫn cảm về chính trị. Nhưng ở vào thời điểm
căng thẳng của dân tộc sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông đã thiếu sáng suốt về
chính trị, nên đã có lầm lạc. Việc ông phải chịu sự phê bình gay gắt trong giới
nghề nghiệp và giới chính trị cũng là điều tự nhiên. Có điều, sau các vụ, việc
đó, không đưa tới một xử lý nặng nề như một số nhân vật tên tuổi khác
vào lúc ấy. Đó là điều cũng nên lưu ý.
Kháng chiến chống Pháp
Trương Tửu lại có tiếp một thời kỳ sôi nổi mới. Ông tham gia trong các hoạt động
của Đoàn văn nghệ kháng chiến Liên khu IV; trong Hội văn hoá và văn nghệ Việt
Nam; giảng dạy ở các lớp văn hoá kháng chiến ở Thanh Hoá. Ông còn là thầy của
Trường Thiếu sinh quân và của lớp Dự bị Đại học Cao cấp sư phạm - tiền thân của
hai trường Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp sau này mà ông cùng với một số
đồng nghiệp khác rồi sẽ được phong làm Giáo sư.
Trong kháng chiến chống
Pháp, Trương Tửu viết Văn nghệ bình dân Việt Nam (1951), khảo sát
văn chương trong mối quan hệ tương tác và đối lập giữa quý tộc và bình dân.
Lúc này ở hậu phương Khu Bốn đang triển khai cuộc đấu tranh Giảm tô và chuẩn
bị Cải cách ruộng đất, nên sự vận dụng quan điểm giai cấp ở Trương Tửu càng
triệt để hơn. Theo Trương Tửu, giai cấp bình dân là gồm 7 hạng: phú
nông, trung nông, bần nông, cố nông, cùng dân, thợ thủ công, buôn bán... Và phong
kiến thống trị là gồm: quý tộc, quan liêu, sỹ phiệt, cường hào, phú hộ.
Mỗi hạng như thế đều có tiếng nói và tìm được sự phản ánh trong văn học Bình
dân. Điều này cho thấy cách nhìn của Trương Tửu lúc nào cũng thật là rành rõ
và riết róng về giai cấp, hoặc giai cấp tính - theo cách ông nói.
Sau 1954, ở Trường Đại học,
Trương Tửu viết tiếp hai công trình quan trọng. Đó là Truyện Kiều và thời
đại Nguyễn Du (Nxb. Xây dựng; 1956) vốn là đề tài ông theo đuổi rất say
mê từ trước 1945. Và một khởi thảo, nghiêng về lý luận và phương pháp luận
cho việc viết lịch sử văn học trong Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam (Nxb.
Xây dựng; 1958).
Đứng ở thời điểm sau 1954
khi nền giáo dục Đại học mới bắt đầu được khởi động thì hai tác phẩm trên là
có những đóng góp tích cực. Khỏi phải nói, Nguyễn Du và Truyện Kiều thì
bất cứ lúc nào cũng có thể là mối quan tâm của nhiều lớp người; còn lịch sử
văn học thì đây chính là lúc cần một bộ sử chính thức, trước hết để cho thầy
trò ở bậc Đại học dạy và học; và đã được triển khai ở hai nhóm - Nhóm Lê Quý
Đôn với Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam 3 tập (1957); và Nhóm
Văn Sử Địa với Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam 5 tập (1957-1960);
Đọc Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam, thấy tri thức lịch sử văn học dân tộc
của Trương Tửu là rất đáng nể trọng. Đó là sự khẳng định: bộ phận văn học viết
bằng chữ Hán của cha ông vẫn nằm trong văn mạch dân tộc. Là chủ trương đưa văn
học dân gian thành một khu vực riêng để nhận diện khi viết văn học
sử. Là việc xác định nội dung cổ điển cho văn học trung đại với các
mốc thời gian cụ thể để có thêm tiền cổ điển và hậu cổ điển.
Là cách phân kỳ văn học cho thời cận đại và hiện đại...
Còn về Truyện Kiều,
sau hơn 10 năm cho sự nghiền ngẫm, ở chuyên khảo mới mang tênTruyện Kiều và
thời đại Nguyễn Du, Trương Tửu có chủ ý sửa chữa và điều chỉnh những quan niệm
và ý kiến một thời từng bị phê bình. Trong Lời nói đầu của sách,
ông viết: “Hơn mười năm trước đây tôi đã viết và cho xuất bản cuốn Nguyễn
Du và “Truyện Kiều” (1943) và cuốn Văn chương “Truyện Kiều” (1944)
- ký tên Nguyễn Bách Khoa. Trong hai tập tiểu luận văn học này, tôi đã cố gắng
phân tích và phê phán Truyện Kiều theo quan điểm đấu tranh giai cấp.
Nhưng vì hồi ấy trình độ lý luận còn ấu trĩ, lập trường chính trị còn lệch lạc,
tôi đã áp dụng phương pháp phê bình văn học mác xít một cách phiến diện, gò
ép, máy móc, nên đã có những nhận định sai lầm căn bản khi tìm hiểu và phê phán
tác phẩm của Nguyễn Du”.
Có được bước chuyển này,
theo ông, như được viết trong Lời nói đầu sách “Truyện Kiều”
và thời đại Nguyễn Du là do “sau Cách mạng tháng Tám - 1945 (ông) được học
tập thêm lý luận văn nghệ Mác - Lênin - Mao Trạch Đông”. Ngay trong câu mở đầu
của Lời nói đầu ông đã dẫn một ý kiến của Mao Trạch Đông trong tư
cách một “nhà lý luận văn nghệ thiên tài”. Ông còn nói rõ thêm cái nguyên cớ
cụ thể, trực tiếp cho việc viết cuốn sách này là một gợi ý (hoặc một câu hỏi)
của đồng chí Trường Chinh đặt ra trong một cuộc toạ đàm thân mật về Truyện Kiều mà
ông được dự. Đó là, vì sao “từ bao nhiêu lâu nay nông dân Việt Nam vẫn rất thích Truyện
Kiều?”. Và câu trả lời cho nó - đó chính là nội dung thâu tóm của cuốn sách,
đã được ông đúc kết trong một đoạn văn in chữ đậm: “Tác giả Truyện Kiều,
đứng về phía các tầng lớp nhân dân chống phong kiến ở đương thời, đã phản ánh
trung thành và ca tụng nhiệt liệt một cuộc khởi nghĩa vĩ đại nhất của nông
dân Việt Nam trong lịch sử - cuộc khởi nghĩa Tây Sơn với tất cả những ưu và
nhược điểm của nó”.
Vẫn để làm rõ thêm ý tưởng
này, Trương Từu còn dẫn ra một nhận định của Lênin về L. Tonxtôi, để vận vào
Nguyễn Du: “Xét rằng: toàn bộ đời sống ý thức của Nguyễn Du hình thành song
song với toàn bộ quá trình thành bại của phong trào Tây Sơn; lại xét rằng:
Nguyễn Du quả là một nghệ sĩ thực sự vĩ đại; vậy không có lý gì Nguyễn Du lại
không phản ánh được trong tác phẩm một vài cục diện cốt yếu của phong trào
Tây Sơn, mặc dầu thi sĩ đã quay lưng lại nó. Theo tôi nghĩ, nếu không
nghiên cứu Nguyễn Du như một hiện tượng tâm lý phản ánh phong trào Tây Sơn
thì sự thành công bền bỉ của Truyện Kiều trong nông dân Việt Nam là
một điều bí ẩn không sao giải thích được”(1).
Vậy là trong công trình mới
này, Trương Tửu vẫn tiếp tục vận dụng và càng quán triệt hơn sự phân tích
giai cấp và quan điểm duy vật lịch sử trong tìm hiểu giá trị tác phẩm.
Lý thuyết duy vật về mối
quan hệ giữa ý thức và vất chất, về thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở; về
tính giai cấp như là sợi chỉ đỏ giúp ta nhận thức mọi hiện tượng của đời sống
xã hội, trong đó có văn học chính là cơ sở lý luận được trình bày khá dài,
trong phần Mở đầu sách Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam. Đối với những người
đang nhập môn chủ nghĩa Mác-Lênin, đang bước đầu đi vào con đường nghiên cứu
học thuật, theo phương pháp luận mácxít, lêninnít như chúng tôi - đám sinh
viên hồi ấy, thì việc đọc Trương Tửu lúc này quả có phần khó nhọc, nhưng cũng
thu hoạch được những điều bổ ích.
Có điều cũng cần lưu ý,
trong chuyên khảo mới này về Truyện Kiều, ở Chương Lịch sử vấn đề
“Truyện Kiều”, Trương Tửu lần lượt trình bày 5 loại ý kiến mà ông gọi là quan
điểm. Đó là:
1. Quan điểm của phe phong
kiến thống trị.
2. Quan điểm của phe nhà
Nho bất mãn.
3. Quan điểm của Phạm Quỳnh
và bè lũ.
4. Quan điểm của Ngô Đức Kế
và Huỳnh Thúc Kháng.
5. Hoài Thanh, Đào Duy
Anh, Nguyễn Bách Khoa.
Ở loại quan điểm cuối cùng
này, ông vẫn có sự khẳng định trở lại những điểm khả thủ và đắc ý trong tìm
kiếm của mình qua so sánh với Hoài Thanh và Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường...
Đó là “quan điểm đấu tranh giai cấp” với tất cả các khía cạnh liên quan đến
nó, và với các thành tựu và ưu thế của nó; tuy vậy vẫn còn nhược điểm là:
“chưa có hệ thống”, “chưa nắm chắc được quan điểm ấy, vẫn còn vướng mắc trong
thuyết di truyền huyết thống tư sản và còn chịu ảnh hưởng nhiều của nhà phân
tâm học Freud”(1).
Để kết luận về “cuộc xung
đột ý kiến” giữa Nguyễn Bách Khoa, Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường
(trong đó Nguyễn bách Khoa đứng về một phía và 3 người sau đứng về một phía),
tác giả cho thấy đó là “biểu hiện xu hướng phân hoá của các tầng lớp tư sản
và tiểu tư sản đứng trước cuộc vận động cách mạng quyết liệt của quảng đại quần
chúng cần lao (1937-1939) và của nhân dân cách mạng (1941-1945). Một bộ phận
cố gắng đi theo ý thức hệ giai cấp công nhân; một bộ phận níu chặt lấy ý thức
hệ của giai cấp tư sản đang khủng hoảng”(2).
Khỏi cần phải nói thêm:
Nguyễn Bách Khoa là đại diện cho ý thức hệ công nhân; và những người còn lại
là đại diện cho ý thức hệ của giai cấp tư sản đang khủng hoảng.
Như vậy có thể nghĩ: quan
điểm giai cấp, lý luận và phương pháp luận duy vật lịch sử mà Trương Tửu mong
muốn vận dụng (còn thành công hay không, và đến đâu, lại là chuyện khác) là một
cái gì rất bền vững, ít có thay đổi suốt hành trình nghiên cứu của mình, mà
chỉ có điều chỉnh chút ít theo biến động của thời cuộc, cho đến khi ông ngừng
công việc nghiên cứu, ở tuổi ngoài 40 vào cuối thập niên 1950. Không biết, nếu
ông còn tiếp tục công việc nghiên cứu thì quan điểm và phương pháp của ông có
thay đổi gì không? Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoàn, hồi kháng chiến chống
Pháp, khi giảng Truyện Kiều “thầy hầu như vẫn trình bày nguyên si
các luận điểm cũ của thầy Nguyễn Bách Khoa. Để cung cấp cho học sinh một cách
hiểu khác, ban Giám đốc trường đã mời Thiếu tướng Nguyễn Sơn đến nói chuyện
ngoại khóa về Truyện Kiều. Cuộc nói chuyện đã được tổ chức tại đình làng
Sim, huyện Nông Cống, và theo thói quen của người nói, đã diễn ra suốt một
ngày! Nguyễn Sơn đã điểm lại các ý kiến bình luận Truyện Kiều của
Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh, Hoài Thanh và đã phê
phán mạnh mẽ quan điểm của Nguyễn Bách Khoa. Sau cuộc nói chuyện đó, có dư luận
cho là thầy Trương Tửu sẽ thôi giảng dạy ở trường, nhưng việc đó đã không xẩy
ra”(2)
Tôi không có may mắn
được học với Giáo sư Trương Tửu dẫu từ mùa hè 1956 đã được là sinh viên năm
thứ nhất Khóa I - Đại học Tổng hợp Hà Nội; đã được quen với không gian các giảng
đường và Đại giảng đường 21 Lê Thánh Tông. Thậm chí còn chưa được thấy ông.
Mà chỉ là được nghe, được truyền tụng và được đọc một tiểu thuyết và các công
trình nghiên cứu ông viết trước và sau 1945.
Thiếu đi những kỷ niệm sống
động về người, thế nhưng ấn tượng về những gì đã được đọc là rất sâu. Đọc những
gì ông viết và những gì người khác viết về ông. Rồi nhớ mãi. Bởi cách viết và
phương pháp viết của ông, gồm cách nghĩ, cách lập luận, cách kết luận trong từng
công trình; và cách điều chỉnh, bổ sung hoặc tước bỏ trong cả hệ thống công
trình, để cuối cùng vẫn là trung thành, là nhất quán với bản thân, trên hơn
25 năm sự nghiệp viết của mình. Tiếc là với sức nghĩ ấy, ông dừng lại hơi sớm,
và ngừng là ngừng hẳn. Điều này có lý do trong bối cảnh thời cuộc khiến ông
không thể khác; và có lẽ còn là bởi ở một quan niệm, một chủ kiến, hoặc một
phương pháp luận nhất quán, ít thay đổi nơi ông. Nhưng đối với một người viết,
đời nghề nghiệp ngắn hay dài không phải là điều quan trọng nhất. Với người đọc
là chúng ta, và hậu thế, Giáo sư Trương Tửu vẫn đủ để lại một gương mặt trí
thức rất ấn tượng trong hành trình của những tìm kiếm không ngừng nghỉ, và thực
sự là không dễ dàng trong thế kỷ XX.
(*) 18-11-1913
– 16-12-1999.
(1) Các
công trình nghiên cứu của Trương Tửu dẫn trong bài này được in trong Trương
Tửu - Tuyển tập nghiên cứu phê bình; Nguyễn Hữu Sơn - Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm
và biên soạn; Nxb. Lao động và Trung tâm văn hoá Đông Tây ấn hành; H.; 2007.
Các đoạn trích ý kiến có ghi kèm số trang đều rút từ sách này.
(1) Viết
ngày 23-9-1944; đăng trên Tiên phong số 2; 1-12-1945.
(2) Viết
tháng 7-1945; in trong Tập san Văn mới- nghị luận số 56; 16-9-1945.
(1) Các
số: 2 (1-12-1945), 3 (16-12-1945) và 6 (16-2-1946).
(1) Các
trích dẫn ở trên rút từ Lời nói đầu “Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du;
Sách Trương Tửu Tuyển tập; các tr.419-420.
(1) Sách
trên; tr.437, phần chú thích.
(2) Sách
trên; tr.439.
(2) Kỷ
niệm về Thầy Trương Tửu; Sách trên; tr.1074. Tham khảo thêm sách Trăm năm
Nguyễn Sơn; Nxb. Lao động; H.; 2008; các trang 59-75.
Phong Lê
|
Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016
Sự nghiệp khoa học của Giáo sư Trương Tửu
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Khúc hát Marseilles
Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét