Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Chùm thơ Thu và nỗi lòng của Tam Nguyên Yên Đổ

Chùm thơ Thu và nỗi lòng của Tam Nguyên Yên Đổ
1. Cho đến nay, ta không biết đích xác thời điểm cụ thể ra đời ba bài thơ thu nức tiếng của Nguyễn Khuyến, nhưng căn cứ vào tâm sự mà ông kí thác trong đó, có thể ước đoán chúng được viết khi Nguyễn Khuyến đã hưu quan về ẩn tại quê nhà với lí do mắt bị lòa. Đây là cách ứng xử lánh đục về trong đã thành truyền thống của nho gia. Các nhà nghiên cứu lâu nay đã khai thác rất kĩ cái thần tình của cảnh làng quê Bắc bộ vào thu, tôn vinh ông là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Điều ấy thật đáng trân trọng. nhưng nỗi lòng của cụ Tam Nguyên xem ra vẫn còn phải bàn tiếp. Bài viết này sẽ khai thác chủ yếu tâm sự của ông về thân thế, thời thế và nhân thế kí ngụ trong kiệt tác tam thu của ông.
2. Chùm thơ Nôm đường luật thất ngôn bát cú này, không ngẫu nhiên chút nào khi được đặt tên chữ là Thu vịnh, Thu ẩm, Thu điếu. Nó còn có ba bài thơ cùng tên viết bằng chữ Hán, nhưng người đời lại chủ yếu truyền tụng ba bài chữ Nôm. Điều này thật nhiều ẩn ý. Nó khiến ta nhớ tới chùm thơ Thu hứng của Đỗ Phủ thời Đường viết khi loạn An Lộc Sơn – Sử Tư Minh xảy ra. Đỗ Phủ (712 – 770) khi ấy vì loạn lạc mà tha hương, mong đất nước thái bình để bách tính an lạc làm ăn, mình được hồi hương. Nguyễn Khuyến sống trong một tình thế khác. Nước vẫn còn vua, mà chủ quyền đã mất. (Vua chèo còn chẳng ra gì – Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề - Lời vợ người hát chèo). Bậc trí giả cỡi đầu người kể đã ba phen đã nhận thức được sự lỗi thời lép vế, mất giá của nhà nho, đạo Nho (Sách vở ích gì cho buổi ấy – Áo khăn lại nghĩ thẹn thân già). Thậm chí ông thấy những ông tiến sĩ (trong đó có mình) chỉ là hàng mã, đồ chơi mua vui cho trẻ nhỏ nhân tết trung thu: Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe -Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi (Tiến sĩ giấy). Đạo Nho, đẳng cấp sĩ đã bị thời thế vượt qua, thậm chí một số nhà nho còn cam tâm vứt bỏ nhân cách cam tâm, làm tay sai cho kẻ thù dân tộc. Nguyễn Khuyến chọn con đường mà ông gọi là “dũng thoái” để giữ lấy tiết tháo, giữ lấy nền nếp gia phong. Vì vậy, Thu vịnh mà dịch thành Vịnh mùa thu hay  Mùa thu làm thơ có gì đó thật chưa ổn. Thu điếu khiến ta nhớ tới Lã Vọng Khương Tử Nha (TKXII, TCN).Tích xưa kể rằng: Tề Thái Công đã già  còn ngồi câu cá trên bến sông Vị Thủy; câu cá mà không mắc mồi, lưỡi câu uốn thẳng. Biết ông là hiền tài, nhà Chu mời ông ra giúp nước. Ông đã góp phần quan trọng làm nên cơ nghiệp 800 năm của nhà Chu ở Trung Quốc xưa. Lã Vọng câu cá chờ thời thế, Nguyễn Khuyến câu cá quên thời thế, nhưng không quên được trách nhiệm của kẻ sĩ trước thời cuộc (Ơn vua chưa chút đáp đền – Cúi trông thẹn đất, ngửa trông thẹn trời, Di chúc). Câu cá, vì vậy không nghiêng về nghĩa tả thực mà là ứng xử trữ tình của thi nhân. Dịch là Mùa thu câu cá liệu có ổn không? Thu ẩm lại khiến ta liên tưởng tới bài thơ Ẩm tửu của Đào Tiềm (365 – 427), một danh sĩ cuối đời Đông Tấn
Kết lư tại nhân cảnh,
Nhi vô xa mã huyên.
Vấn quân hà năng nhĩ?
Tâm viễn địa tự thiên.
Thái cúc đông ly hạ,
Du nhiên kiến nam sơn.
Sơn khí nhật tịch giai,
Phi điểu tương dữ hoàn...
Thử trung hữu chân ý,
Dục biện dĩ vong ngôn.
Dịch thơ:
Uống rượu
Nhà cỏ giữa nhân cảnh,
Không thấy ồn ngựa xe.
Hỏi ông: “Sao được vậy ?”
Lòng xa, đất tự xa.
Hái cúc dưới giậu đông,
Thơ thới nhìn núi Nam.
Khí núi ánh chiều đẹp,
Chim bay về từng đàn.
Trong cảnh có thâm vị,
Muốn tả đã quên lời. (1)
Hay Tương tiến tửu (Sắp mời rượu) của Lí Bạch (701- 762), với câu cuối : Dĩ nhữ đồng tiêu vạn cổ sầu (Uống cho muôn thuở tiêu sầu). Bạch Cư Dị (772 - 846) trong một bài thơ làm năm 49 tuổi cũng có câu : Công danh phú quí phải có mệnh – Mệnh chưa đến hãy uống rượu mà hát vang lên. Đặng Dung (? – 1414) thời Hậu Trần trongCảm Hoài cũng có câu: Vô cùng thiên địa nhập hàm ca. Sau này Trần Huyền Trân (1913 - 1989) cũng có câu: Cụ hâm rượu nữa đi thôi – Be này đã cạn sạch rồi còn đâu – Để rồi ta uống với nhau – Rót đau lòng ấy vào đau lòng này. Hóa ra đều cùng là một ứng xử trữ tình của nòi thi nhân. Uống rượu chờ thời, quên thời, uống rượu vì bất đắc chí, chứ không phải lối ngưu ẩm của kẻ phàm phu tục tử. Nguyễn Khuyến uống rượu để quên thời thế, để nuốt sầu hận vào lòng. Nỗi sầu hận của một kẻ sĩ nhìn thấy giang sơn đất nước chìm đắm trong vòng nô lệ tủi nhục, bách tính trăm họ phải làm thân trâu ngựa cho loài bạch quỉ mà bất lực, chỉ còn biết lui về làng quê độc thiện kì thân.
3. Tâm sự và tâm trạng ưu thời mẫn thế của Nguyễn Khuyến được thể hiện một cách cực tài hoa trong tứ thơ uất ức nghẹn ngào, sầu tủi trong tuyệt phẩm tam thu. Cái uất ức nghẹn ngào sầu tủi hiện ra trong Thu vịnh thành nỗi tự thẹn. Trước mùa thu quê hương mang cái hồn của vùng chiêm trũng Bắc bộ, cái thần của làng Và, Yên Đổ Bình Lục Hà Nam thanh tĩnh thanh khiết, thanh vắng, thanh cao, thanh đạm. Thi nhân thả hồn, chìm đắm trong những cái thanh ấy, nổi hứng làm thơ, bỗng giật mình thấy tâm hồn, chưa thanh như thiên nhiên quê hương, thấy nhân cách mình chưa thanh khiết, chưa đẹp như cổ nhân. Xấu hổ với thiên nhiên mùa thu. Xấu hổ với cổ nhân. Xấu hổ với chính mình. Thi hứng nghẹn lại.(Nhân hứng cũng vừa toan cất bút – Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào). Ông Đào chính là Đào Tiềm một danh sĩ  cuối  Đông Tấn vói câu nói: Ta không thể vì năm đấu gạo mà uốn lưng trước bọn hương lý tiểu nhi và bàiQui khứ lai từ nổi tiếng trước khi treo ấn từ quan.  Cái tự thẹn của Nguyễn Khuyến chính là tứ thơ tuyệt bút về nhân cách cao khiết. Học giả nổi tiếng Nguyễn Hiến Lê từng nhận xét về Đào Tiềm: Ảnh hưởng của ông rất lớn. Nhiều người bắt chước làm thơ điền viên, nhưng ít có ai được cái bình thường điềm đạm mà thú vị, đậm đà của ông nữa. Ở nước ta (Việt Nam), thi nhân gần với ông nhất là Nguyễn Khuyến. Đời hai người y như nhau: đều sinh trong cảnh loạn, đều làm quan rồi đều về ở ẩn, đều thích rượu, yêu cúc, giọng thơ đều thoáng đạt.(2). Cái tự thẹn còn làm  nhiều người tử tế sáng láng đương đại phải suy ngẫm, khi tình trạng vô liêm sỉ đang trở thành một căn bệnh trầm kha. Cái uất nghẹn, sầu tủi trong Thu ẩm lại hiện ra thành những giọt nước mắt, cái nâng li mà uống không được: Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt – Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe – Rượu tiếng rằng hay hay chả mấy – Độ dăm ba chén đã say nhè. Tâm sự suy tư, trăn trở về thời thế về thân phận về nhân tình thế thái khiến thi nhân độc ẩm, một thú vui tao nhã của nhà nho xưa không thành, có gì đó chẹn đứng cổ họng. Tất cả dường như được nhìn bởi một tâm trạng chập chờn cơn tỉnh cơn mê, một cái nhìn chếnh choáng, sự vật cứ như thu nhỏ dần lại. Trong Thu điếu có đủ ao thu, thuyền thu, lá thu, gió thu, mây thu, trời thu ngõ trúc… mang hồn thu thanh sạch thanh vắng thanh cao, mà hồn người câu cá như chẳng để ý gì đến việc câu, tiếng cá đớp động khẽ khàng trong ao như không phải trong không gian thực tại (Cá đâu đớp động dưới chân bèo). Cái không gian thời gian thu ấy đã thuộc sở hữu của kẻ khác. Ngồi câu mà tựa gối ôm cần như người bó tay thúc thủ. Ngồi câu ở làng quê mình mà như thiếu quê hương. Câu cá mà chẳng được con nào. Câu cá để quên thời thế. Ba tâm trạng một tâm thế. Cũng như ông thấy mấy chùm hoa nở trước dậu không phải là hoa của thực tại mà là hoa của một thời đất nước chưa có bóng dáng thằng Tây; tiếng ngỗng cô độc giữa thinh không trên đất nước mình mà thành tiếng ngỗng nước nào.(Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái – Một tiếng trên không ngỗng nước nào).Đó là cảm xúc tâm trạng của người sống ngay trên quê hương mà thấy Thiếu quê hương.
4. Cả ba thi phẩm đều được viết bằng từ chương, bút pháp thi trung hữu họa, lấy động tả tĩnh của văn học trung đại, nhưng vẫn mang đậm dấu ấn riêng của một trong những bậc thầy xuất sắc của thơ Nôm đương luật. Một điều thú vị là khi triều Nguyễn thăng cho ông chức quan to Tổng đốc Sơn  Hưng Tuyên, ông lấy lí do mù lòa xin hưu quan, vậy mà trong chùm thơ thu cái nghe cái nhìn của ông tinh tường tinh tế đến thế. Giai thoai kể rằng khi phải tiếp xúc với quan Tây, Nguyễn Khuyến cố tình vái lậy cái cột, sau đó giả vờ xin lỗi vì lòa không nhìn thấy. Đây là cách ứng xử Điếc tai nghoảnh mặt làm ngơ, giả làm mẹ mốc…Thi nhân chỉ không muốn nhìn thấy kẻ thù dân tộc và thói đời ô trọc. Với cái đẹp bao giờ ông cũng tinh nhạy, sáng mắt sáng lòng. Có gì đó giống tâm sự của Nguyễn Đình Chiểu kí ngụ qua ứng xử và lời Kì Nhân Sư (Mù đui mà giữ đạo nhà-  Còn hơn có mắt ông cha không thờ, Mù đui mà đặng trọn mình - Còn hơn sáng mắt đổi hình tóc râu…). Sắc trời thu trong tam thủ thu này bao giờ cũng xanh ngắt:
Trời thu xanh ngắt mấy từng cao, Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt, Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt. Người đọc dễ nhớ câu thơ Nguyễn Trãi từ mấy thế kỉ trước: Tuổi cao tóc bạc cái râu bạc – Nhà ngặt đèn xanh con mắt xanh, hay xa hơn là một câu kinh điển Nho gia: Thiên hà ngôn tai!(Trời sao không nói). Nỗi lòng Nguyễn Khuyến dường như chỉ còn biết hướng lên trời xanh. Chỉ riêng câu đầu trong Thu vịnh đã cho thấy tay nghề của một bậc thầy. Câu thơ tự nhiên như lời nói thông thường mà lại chính là siêu thơ. Nó không chỉ vẽ trời thu bằng hình ảnh thị giác mà còn ở sự phối âm hòa thành cực tài. Những thanh bằng (trời, thu, xanh) ở đầu câu thơ và (từng, cao) ở cuối câu thơ kết hợp với thanh cao nhất ở giữa câu (ngắt), có thấp đi một chút ở chữ thứ năm (mấy) tuy mang thanh trắc nhưng mang vực thấp hơn bởi kết thúc bằng bán âm (y) như một điểm uốn, tạo nên một không gian cong thật đắc địa.Ta lại thấy một không gian cong nhỏ hơn ở tầng dưới (Cần trúc lơ thơ gió hắt hiu), và ở tầng thấp nhất lại thấp thoáng hiện ra một không gian cong qua lối vẽ kì thú bầu trời thu phản chiếu xuống mặt ao thu (Nước biếc trông như từng khói phủ). Mắt lòa, tai điếc mà sao Yên Đổ tiên sinh có thể nhìn thấy, nghe thấy: Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo. Đặc biệt là câu : Làn ao lóng lánh bóng trăng loe. Quả là một câu thơ phát sáng. (Trộm phép cụ, giá mà thay chữ bóng bằng chữ ánh thì câu thơ sẽ còn phát sáng hơn). Trong từ chương học xưa, các cặp câu thực và luận của bài thất ngôn bát cú buộc phải đối nhau. Ví như cặp câu luận trong Thu vịnh:
Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái
Một tiếng trên không ngỗng nước nào.
 Lâu nay chỉ thấy chú thích về điển hoa năm ngoái bằng việc dẫn ra câu thơ của Sầm Tham (715– 770):
Sơn phòng xuân sự (3)
Lương viên nhật mộ loạn phi nha
Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia
Ðình thụ bất tri nhân khứ tận
Xuân lai hoàn phát cựu thì hoa.
Dịch nghĩa:
Cảnh xuân nơi nhà trên núi
Vườn nhà họ Lương chiều tối quạ bay hỗn loạn
Đứng đây trông tít đằng xa mới thấy đôi ba nóc nhà xơ xác
Cây trong sân (nhà họ Lương) không biết người đã đi hết
Xuân về lại nở hoa y như thời nhà còn người ở
.
Hay câu thơ Thôi Hiệu (khoảng 704 -754): Đào hoa y cựu tiếu đông phong, hoặc câu thơ Đỗ Phủ: Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ - Đào hoa y cựu tiếu đông phong (Thu hứng). Không thấy nói đến điển ở câu sau, khiến mạch thơ không thông. Có lẽ điển ở câu: Một tiếng trên không ngỗng nước nào bắt nguồn từ  Nhất minh kinh nhân.
Nguyên nghĩa đen là "Tiếng kêu khiến mọi người chấn động"
Trong nhiều sách sử đều ghi chép lại tích “nhất minh kinh nhân”
Sách “Hàn Phi tử”, thiên “Dụ lão” cho biết Sở Trang Vương lâm chính ba năm liền không thực hiện bất cứ chính sách gì, Hữu tư mã hỏi Trang Vương rằng: “Có con chim đậu ở quả núi phía Nam, ba năm không bay, chẳng bay cũng chẳng kêu, chắc hẳn là bị câm, ấy là chim gì?” Trang Vương đáp: “ba năm không bay, là để cánh đủ dài, không bay cũng không kêu, là để thấu xét dân tình. Tuy không bay, nhưng bay tất tới tận trời; tuy không kêu, nhưng kêu tất khiến mọi người kinh động”. qua hơn nửa năm “bèn tự mình điều chính, phế mười điều, đặt ra chín điều, trừ năm đại thần, chọn cử sáu kẻ sĩ, khiến nước thịnh trị”.

Sách “Lã thị xuân thu”, thiên “Trọng ngôn” nguyên văn ghi lại như sau: “Kinh Trang Vương tại vị ba năm, không nghe chính mà thích trò thách đố. Thành Công Giả vào can. Vương nói: “Ta không muốn nghe lời can gián, hà cớ chi nay ngươi lại dâng lời can?” Thưa rằng: “Thần chẳng dám can, chỉ là có câu đố quân vương đấy thôi” Vương hỏi: “Sao chẳng trình bày cái điều ta không muốn nghe đi?” Bèn hỏi: “Có con chim đậu ở quả núi phía Nam, ba năm không động, không bay, không kêu, đây là chim gì vậy?” Vương cảm tạ, nói: “Chim đậu ở quả núi phía Nam, ba năm nó không động, là để định ý chí; nó không bay, là để cánh đủ dài; nó không kêu, là để quan sát dân tình. Chim này tuy không bay, bay sẽ tới trời; tuy không kêu, kêu sẽ khiến người kinh động. Giả ra đi! Không muốn nghe những điều đã biết rồi.” Hôm sau lâm triều, nhận tiến năm người, phế trừ mười người. Quần thần cả mừng, dân chúng nước Kinh đều cảm tạ.”
Thời Tây Hán, Tư Mã Thiên trong “Sử ký, Hoạt kê liệt truyện” viết: “Không kêu thì thôi, kêu tất khiến mọi người kinh động”, là giảng về việc quốc quân Tề Uy Vương nước Tề thời Chiến quốc thích câu đố, cả ngày yến tiệc làm vui, không lý gì đến triều chính. Các lệnh quốc thấy thế, liền thừa cơ xuất binh xâm phạm, quốc gia nguy trong sớm tối, tả hữu không ai dám can. Người giỏi đố nhất là Thuần Vu Khôn lúc tới gặp Uy Vương liền hỏi: “Trong nước có con chim lớn, đậu ở trong sân của vua, ba năm không bay cũng không kêu, vua biết chim này là loài gì chăng?” Uy Vương nói: “Con chim này không bay thì thôi, bay tất tới trời; không kêu thì thôi, kêu tất khiến mọi người kinh động.” Liền đó Uy Vương bèn “triệu bảy mươi hai trưởng huyện lệnh, thưởng một người, phế một người, chỉnh đốn binh mã xuất quân, chư hầu thất kinh, đều lui khỏi đất Tề”. Cứ như vậy, chỉ trong sáu năm nước liền thịnh trị, sau trở thành một trong ngũ bá.
Các tình tiết về điển này ghi lại có nhiều khác biệt nhưng chủ đề thì tương đồng, đều là ví von việc sớm đã có kế sách sẵn trong đầu, tuy bình thời mặc nhiên không nghe triều chính, dường như không làm gì, nhưng vốn đã nắm được tình hình rồi, một khi đã ra quyết sách, liền làm nên sự nghiệp chấn động lẫy lừng. Sau dùng câu “nhất minh kinh nhân” để ẩn dụ việc đột nhiên khiến mọi người nể trọng (4).
 Nguyễn Khuyến tiếc thương, đau buồn cho một thời hoàng kim một đi không trở lại. Ông cũng có phương lược biến an thành nguy mà không được biết tới. Tuy nhiên cái phương lược ấy của ông chắc cũng không thể thay đổi được thời cuộc. Văn hóa, ý thức hệ nhà nho, nền kinh tế tiểu nông lạc hậu làm gì được trước sức mạnh đại bác của kẻ xâm lược ? Điều này còn khiến nhớ tới lời Án Anh (580 -500 TCN) nói với Tề Cảnh Công trong một chuyên đi săn: Quốc gia chỉ có ba điều chẳng lành,(…) có người hiền mà không biết, đó là một điều chẳng lành: biết mà không dùng là hai điều chẳng lành: dùng mà không tin là ba điều chẳng lành. (Phù hữu hiền nhi bất tri, nhất bất tường: tri nhi bất dụng, nhị bất tường: dụng nhi bất nhiệm, tam bất tường dã) (5).
Trong ba bài thơ đều xuất hiện hình ảnh trúc thu: Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu, Ngõ trúc quanh co khách vắng teo, Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe. Có người cho rằng Nguyễn Khuyến lấy cây trúc làm biểu tượng của mùa thu. Cũng có lí của nó. Sự thực ai đã về từ đường Cụ Tam Nguyên đều thấy rất nhiều trúc. Làng Yên Đổ xưa cũng giống như nhiều làng quê đồng bằng Bắc bộ thường có rất nhiều tre trúc. Nhưng nỗi lòng Nguyễn Khuyến kí ngụ gì trong hình ảnh này. Nhà nho thường lấy cây trúc làng biểu tượng cho khí tiết của người quân tử (Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng). Trong tam thu thì khi cần trúc dáng cong, ngõ trúc không thẳng mà quanh co, hay ngõ tối đêm sâu .Tôi nhớ tới  bài thơ của Tô Đông Pha (1037 - 1101) có nhan đề Ứ Tiềm tăng Lục quân hiên:
Khả sử thực vô nhục,
Bất khả sử cư vô trúc.
Vô nhục lệnh thân sấu,
Vô trúc lệnh nhân tục.
Nhân sấu thượng khả phì,
Sĩ tục bất khả y.
Bàng nhân tiếu thử ngôn:
Tự cao hoàn thị si !
Nhược đối thử quân nhưng đại tước,
Thế gian ná hữ Dương Châu hạc.(6)
Dịch nghĩa:
Hiên Lục quân của vị sư ở Ứ Tiềm (7)
Có thể bảo ăn không thịt,
Không thể bảo ở không có trúc (8)
Không thịt khiên người gầy,
Không trúc khiến người tục.
Người gầy có thể béo lại,
Kẻ sĩ tục khôn bề chữa trị.
Người bên cạnh cười lời nói ấy:
Tưởng là thanh cao, thực là vẫn ngu!
Nếu vẫn nhai nhồm nhoàm trước mặt “vị”’(9) này
(Xin nói:) Thế gian làm gì có hạc ở Dương Châu (10).
Để hiểu bài thơ, cần một số thông tin sau: Ứ Tiềm là tên một huyện thuộc tỉnh Triết Giang. Sư ở Ứ Tiềm chỉ nhà sư tên Đôn, hiệu là Tuệ Giác ở chùa Tịch Chiếu. Trong chùa có hiên Lục Quân, trước hiên trồng rất nhiều trúc. Lục Quân là Ông Xanh một lối gọi nhân cách hóa cây trúc. Vương Hi Chi đời Tấn từng ở một nơi không có trúc. Ông bèn sai người trồng. Có người hỏi trồng làm gì, ông chỉ vào trúc trả lời: Làm sao một ngày có thể vắng mặt vị này được ? (Hà khả nhất nhật vô thử quân) (11). Có lẽ vì vậy mà trong thơ thu Nguyễn Khuyến không thể vắng bóng hình ảnh trúc chăng ? Không gian trong chùm thơ thu là không gian thanh sạch dành cho kẻ sĩ cao khiết tuy bất lực trước thời cuộc, nhưng không chịu làm lành với thời cuộc ô trọc nhục nhã đương thời (Đề vào mấy chữ trên bia – Rằng: Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu, Di chúc). Nguyễn Khuyến cảm thấy cô độc cô đơn ngay chính trong làng quê thân yêu của mình. Đó phải chăng là sự độc tỉnh (Tuổi già đi về như hạc độc, Câu thơ viết đắn đo không viết – Viết đưa ai ai biết mà đưa).
Có những nỗi buồn khiến người ta trở nên bần tiện phấp kém, có những nỗi buồn khiến người ta trở nên thanh cao, đáng kính, đáng trọng . Đó là nỗi buồn của kẻ sĩ trước vận nước lâm nguy. Nỗi lòng mà Tam Nguyên Yên Đổ ký thác trong chùm thơ thu là nỗi buồn mang tầm vóc lớn của một kẻ sĩ Bắc Hà.
(1). Đào Tiềm, Wikipedia tiếng Việt.
(2). Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc, tr. 211-212.
(3). Sầm Tham, Wikipedia tiếng Việt.
(4). Nhất minh kinh nhân, Bùi Lê Nhật dịch từ nguyên bản tiếng Hán Thành ngữ điển cố nguyên lưu cố sự thưởng tích từ thư, NXB KHGD Bắc Kinh, 1988, trang 14-15.
(5).Thơ văn cổ Trung Hoa mảnh đất quen mà lạ, Nguyễn Khắc Phi, NXB Giáo dục, 1999, trang 47.
(6), (7), (8), (9), (10), (11). Thơ văn cổ Trung Hoa mảnh đất quen mà lạ, Nguyễn Khắc Phi, NXB Giáo dục, 1999, trang 254-255.
Vân Giang, mồng 4 Tết Giáp Ngọ 2014
Bùi Ngọc Minh
Theo http://trieuxuan.info
/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...