Lời mở đầu: Đã có rất nhiều bài ca ngợi Anh do những
cây bút tên tuổi viết với những nhận xét tinh tế, sâu sắc. Tôi, một kẻ vô
danh tiểu tốt, kém nhận thức, những điều tôi ghi chép sau đây chỉ với ước mong
lưu giữ lại một kỷ niệm đẹp, «một buổi chiều vàng ngát ý thơ… »
Tôi gặp Anh giữa thủ đô Parsi trong ngày lễ Âm nhạc 21 tháng
6, 2010. Chiều hôm áy cuốn phim « Hành trình của một nhạc sĩ Việt
Nam » (Parcours d’un musicien vietnamien) do Pierre Ravach thực hiện được
trình chiếu tại thính đường Viện Bảo tàng lịch sử sinh học tự nhiên cấp quốc
gia (Musée National d’Histoire Naturelle – Jardin des Plantes). Buổi chiếu phim
đã được thông tin trên báo chí, tuy thế tôi được mời tham dự một cách đặc biệt
do mối tương quan thân hữu giữa tôi và Thủy Tiên, em gái của Anh.
Nhân đây tôi cũng muốn nhắc lại sự quen biết giữa tôi và Thủy
Tiên tại Học viện quốc gia ngôn ngữ và văn minh toàn cầu (INALCO – Paris). Hồi ấy,
lần đầu tiên gặp Thủy Tiên trong thư viện trường Đại học, tôi cứ thấy ngờ ngợ,
quen quen. Sau này biết được Thủy Tiên là con gái lớn của Giáo sư tiến sĩ Trần
Văn Khê, bậc Thầy âm nhạc lừng danh của Việt Nam và thế giới, thì ra Thủy Tiên
rất giống cha, thế cho nên tôi cứ ngỡ đã từng nhìn thấy khuôn mặt này ở đâu đó. Thông minh và hiếu học, nghệ sĩ và phóng khoáng, chân tình và tốt bụng, người
bạn Thủy Tiên của tôi đã chinh phục hầu hết bạn bè bằng cá tính tốt đẹp ấy của
mình. Thủy Tiên hay mời tôi chung vui trong các bữa cơm họp mặt thân hữu, hoặc
đi xem triển lãm sách, hoặc đi xem hòa nhạc… Hơn nữa, Thủy Tiên luôn có ý giúp
tôi hòa nhập vào cuộc sống Paris vì dẫu sao tôi cũng chỉ là « người mới đến».
Lần này chúng tôi hẹn nhau đi xem phim « Parcours d’un
musicien vietnamien ». Lý do đặc biệt : người nhạc sĩ Việt Nam ấy
chính là anh ruột Thủy Tiên: tiến sĩ Trần Quang Hải, con trai trưởng của
Giáo sư Trần Văn Khê.
Như bao người Việt Nam ngưỡng mộ nhà nghệ sĩ bậc thầy Trần
Văn Khê, chúng tôi đã từng biết đến sự nghiệp âm nhạc dân tộc học và thân thế của
ông qua sách vở, báo chí, đài truyền hình và internet, người con trai trưởng của
ông : tiến sĩ Trần Quang Hải cũng là môt bậc thầy âm nhạc tài hoa không
kém. Nghe tiếng tăm của Anh, biết được những hoạt động, những công trình âm nhạc
quý giá mà anh cống hiến cho kho tàng văn hóa và nghệ thuậ chung của cả nhân loại,
tôi đã dành cho Anh lòng quý trọng, mến mộ trước khi diện kiến.
Thật tình tôi không ngờ có một cuộc gặp gỡ ngoài đời như thế
này . Đối với các nhà văn, nhà thơ – nói chung đối với các bậc tài danh – do đã
từng gặp họ trong không gian tư tưởng đến nỗi ta tưởng chừng như đã gần gũi,
quen thuộc lắm rồi . Cảm giác ấy đã từng dấy lên trong tôi trong buổi đầu đến với
Paris, cứ mỗi lần nhìn thấy một quãng trường hay đường phố mang các tên như
Victor Hugo, Alfred de Musset, Anatole France, Edith Piaf…. Lòng tôi chợt cảm động
như vừa gặp lại một người rất thân quen. Cuộc gặp gỡ với nhà âm nhạc học Trần
Quang Hải cũng thân quen, gần gũi và cảm động như thế.
Thủy Tiên và các bạn
Ông bà Trần Văn Khê rất khéo sinh con. Ngoài việc truyền thừa
cho các con chất liệu tài hoa, ông còn khuôn đúc gương mặt mình lên khuôn mặt
con để «ghi dấu» cho người đời nhận ra ngay khuôn mặt của một dòng
họ âm nhạc với 5 đời nhạc sĩ bậc Thầy nối tiếp nhau suốt gần 150 năm lịch sử đất
nước .
Đúng vậy, như tôi vừa nói ở trên, Thủy Tiên rất giống cha, và
trước mắt tôi ngày hôm ấy, anh Trần Quang Hải càng giống Giáo sư Trần Văn Khê
nhiều hơn, so với các hình ảnh mà tôi đã từng nhìn thấy trên internet. Ngay cả
giọng nói, cung cách của Anh cũng giống cha, và một điều đáng nói hơn cả mà tôi
cảm nhận được đó là tâm hồn nghệ sĩ tài hoa của Anh cũng là tâm hồn say đắm, nồng
nàn, mênh mang không bờ bến, giống như của cha mình.
Hôm ấy, ban tổ chức buổi chiếu phim đã mời Anh và nhà làm
phim người Bỉ, ông Pierre Ravach đến đẻ giao lưu cùng với khán giả mến mộ.
Chúng tôi gặp Anh trước giờ chiếu phim khoảng 10 phút . Rất giản dị, rất hồn
nhiên, anh vui vẻ chụp hình kỷ niệm với chúng tôi và nồng nhiệt bắt tay chào mừng
khán giả - hầu hết là người Pháp, đặc biệt có sự hiện diện của một cụ ông người
Pháp, đầu tóc bạc phơ, một bên tay chống gậy, một bên tay có người dìu bước,
hình ảnh thật cảm động vì đó chính là ông Gilbert Rouget, cựu giám đốc viện
nghiên cứu dân tộc nhạc học, vị thầy ngày xưa của anh Quang Hải đã khai quang
điểm nhãn cho anh về bộ môn dân tộc nhạc học vào năm 1962 và cũng là người thâu
nhận vào làm việc với ông từ năm 1968 tại Viện Bảo Tàng con người (Musée de
l’Homme).
18giờ, phim mở đầu, một dòng nước tuôn chảy, một lối đi giữa
rừng cây, chừng như đây là một buổi sáng mùa xuân sang hè vì sắc nắng vàng mơ
và lá đang độ màu xanh thắm. Là một khán giả không hiểu biết nhiều về góc độ nhạc
học, đặc biệt ở đây là nhạc học dân tộc. Những điều tôi ghi nhận chỉ là cảm xúc
của một người xem phim đã cảm thụ cái HỒN CỦA PHIM qua cuộc hành trình đi đến đỉnh
cao tài năng của một chàng trai Việt.
Tôi gọi Anh là chàng trai Việt dù anh sinh năm 1944 và dù thời
điểm thực hiện phim là vào năm 2005. Nhưng người nghệ sĩ «không có tuổi»
nhất là khi người ấy ngồi bên cạnh cha mình - cứ như là một chàng thiếu niên
ngoan ngoản .
Đầu phim: Trần Quang Hải ngồi cạnh Cha, GS Trần Văn
Khê
Vâng, mở đầu phim, nhà đạo diễn đã dàn dựng cảnh cha và con ,
hai nhà nghệ sĩ kỳ tài đang ngồi bên nhau, bên một triền đồi yên ả trong sắc nắng
dịu dàng giữa một thiên nhiên cây lá xuân xanh. Đôi mắt trong sáng hân
hoan, đôi bàn tay hiền lành đan vào nhau, Anh Trần Quang Hải lắng nghe cha nói.
Tư thế một người con nề nếp Việt Nam. Những lời giáo sư Trần Văn Khê nói về Trần
Quang Hải là nỗi niềm chân thật xuất phát từ tấm lòng mãn nguyện của một người
cha ngắm nhìn bước đường nghệ thuật của con. Năng khiếu ấy, công trình ấy,
thành đạt ấy có thể xem như đầy đủ để kế thừa những tâm huyết của đời ông.
Giáo sư Trần Văn Khê xác nhận : « Tôi rất hãnh diện
về Hải, con trai tôi.» Ông cũng nhắc đến câu tục ngữ Việt Nam:
«Con hơn cha, nhà có phước».
Cuốn phim dài 52 phút với những cảnh tiết sống động, biểu cảm
nhằm minh họa cho lời tự thuật của Trần Quang Hải về bước đường nghệ thuật của
mình, niềm đam mê và công cuộc nghiên cứu. Ít nhiều, chúng ta đã từng biết đến
những điều đó qua các bài viết về thân thế và sự nghiệp của Anh, môt chàng trai
Việt 17 tuổi đến Pháp du học vào năm 1961. (có thê khảo cứu thêm qua site
web: http://tranquanghai.com ).
Thú thật, do chỉ qua một lần xem phim, tôi không thể nhớ hết
trình tự phim và rất tiếc cuốn phim lại không được in thành DVD để thương mại
hóa do đó tôi chỉ có thể kể lại phần nào theo trí nhớ nhỏ nhoi.
Ngôi nhà anh Trần Quang Hải thật ấn tượng, một không gian đầy
ắp sách vở, tư liệu và đủ loại nhạc cụ (tôi không tìm được một từ xác đáng để
diễn tả một số lượng quá lớn . « Đầy ắp » : không chuẩn lắm.
« Tràn ngập » cũng không ổn. « Chật ních » : tạm gợi
hình nhưng quá thô ráp đối với những thứ được xem như kho báu văn hóa, nghệ thuật
. Tôi thừa nhận sự bất lực trong ngôn ngữ của mình, thôi thì tạm hiểu theo cách
nôm na « nứt đố, đổ vách ». Khi người ta muốn nói đến một ngôi nhà chất
đầy của cải (ở đây là của cải tinh thần).
Thế đấy, anh đã từng miệt mài làm việc trong các thư viện tầm
cỡ của Pháp, của thế giới và trong ngôi nhà này đây – cũng đáng được xem như là
một thư viện nho nhỏ -
Nơi đây anh sống bên người vợ xinh đẹp, một ca sĩ nức tiếng,
môt thời với chất giọng diễn cảm độc đáo qua phong cách trình bày nhạc phẩm
« Đêm Đông » - ca sĩ Bạch Yến- Họ đúng là đôi trai tài gái sắc, đồng
điệu, đồng cảm trong tình yêu, trong âm nhạc. Họ kết hợp thành một cặp-
tình-muôn-thuở để suốt đời rong chơi cõi thế, đàn hát ngợi ca cuộc sống và vinh
danh âm nhạc. Trần Quang Hải kể: « ngày cưới nhau, xinh lễ của anh
chỉ là một bài ca. Trong phim anh cầm lấy cây đàn guitare, dạo lại khúc nhạc
tình do chính anh sáng tác : Sérénade de noces « Tân hôn dạ
khúc ». Đôi tình lang, tình nương cất chung tiếng hát, họ nhìn nhau chan
chứa tình nồng như ngày xưa, thuở bàn đầu.
« Tối hôm nay ngày vui chúng mình …. »
Bài hát vừa dứt, gương mặt sáng rỡ của Giáo sư Trần Văn Khê
trên màn ảnh, với nụ cười đầy cảm hứng, ông cũng cất giọng lên ngợi
ca:
« Tối hôm nay ngày vui chúng mình… »
« Tân hôn dạ khúc » thật trữ tình, thật dìu dặt. Cả
lời nhạc, cả giọng nhạc đều đạt đến một đích điểm tuyệt vời nhằm diễn tả khối
tình say đắm của hai người yêu nhau và làm rúng động cả trái tim của người nghe
nhạc.
Nghe «Tân Hôn dạ khúc» của Trần Quang Hải, tôi
liên tưởng đến những vần thơ tuyệt diệu của Giáo sư Trần Văn Khê (trích dẫn từ
site web của Thủy Tiên http://cultureetpensees-diemdao.com) «Lòng
Anh, lòng em»
Lòng Anh như cây héo
Lòng em như mưa xuân
Gặp nhau lá trổ đầy cành
Bao nhiêu sức sống (cây) để dành che mưa.
Lòng Anh như suối cạn
Lòng em như nước nguồn
Gặp nguồn thoăn thoắt suối tuôn
Thêm tươi (cho) cây cỏ, gột buồn (cho) non sông.
Lòng Anh như đàn cầm
Lòng Em khách tri âm
Thỏa lòng đàn trỗi thâm trầm
Để bù những phút âm thầm chờ Ai?
Paris 1957
Với tôi, nhà âm nhạc học Trần Văn Khê cũng là một nhà thơ lớn.
Bài « Lòng Anh, lòng Em » của ông bộc lộ trọn vẹn CHẤT THƠ, CHẤT NHẠC,
CHẤT TÌNH. Đó là thứ MEN SAY mà người nghệ sĩ ấp ủ trong tim và hào phóng hiến
dâng cho nhân thế.
Trong phim, ngoài phần giới thiệu nghệ thuật đồng song thanh
– le chant diphonique- một nghiên cứu thành tựu độc đáo đã từng mang đến cho
Anh nhiều giải thưởng âm nhạc và huân chương cao quý (la médaille de Cristal du
CNRS, 1996 – la Médaille du Chevalier de la Légion d’Honneur, 2002). Anh Trần
Quang Hải còn có biệt tài biểu diễn đàn môi và nhạc muỗng.
Trần Quang Hải biểu diễn muỗng
Một khán giả ngồi cạnh tôi đã buột miệng tán thưởng
«Quel génie!» (Quả là thiên tài !)
Trần Quang Hải biểu diễn đàn môi
Một tiết mục âm nhạc khác cũng làm cho khán giả Tây phương vô
cùng phấn khích, thán phục đó là khi Giáo sư Trần Văn Khê nổi lên khúc trống nhạc
dân tộc, âm sắc vừa uy nghi, vừa hào hùng, vừa rạo rực hòa chung nhịp phách
tươi vui của Trần Quang Hải và Bạch Yến. Chính tôi, một người Việt Nam đã từng
nghe điệu trống ấy biết bao lần thế mà một cảm giác rộn ràng, nao nức,
«một chấn động» dường như mới mẻ bắt chợt trào dâng …
Rồi thì chiếc đàn tranh được âu yếm mang ra. Tôi dùng chữ
«âu yếm» theo cảm giác của riêng tôi. Có thể, bạn cho rằng tôi quá
đáng hoặc giả tôi đặc biệt yêu mến đàn tranh chăng? Xin thưa, ngay cả truờng
hợp ta yêu mến cách riêng một nhạc cụ nào đó, nhưng cảm giác cầm cây đàn
guitare hay violon hay accordéon….khác với đàn tranh. Nếu bạn đã từng cầm đàn
tranh trong tay hẵn bạn sẽ cảm nhận chữ «âu yếm» của tôi, bởi vì,
ĐÀN TRANH NHẸ NHƯ THƠ. Phải biết cách cầm, phải biết cách nâng niu âu yếm nếu
không bàn tay vụng về, quá trớn của ta có khi làm tổn thương đến thân đàn tao
nhã ấy hoặc có khi va chạm đến 16 sợi dây đàn phơi trải mong manh trên những
phím đàn hình cánh nhạn.
Đến đây tôi mạn phép nói về tôi một chút – đúng hơn là nói về
Ba tôi - .Tôi sinh trưởng trong một gia đình nhà giáo. Ba tôi là một nhà giáo
rất yêu đàn. Má tôi kể: « hồi còn trẻ, ba tôi, ban ngày dạy học, ban
đêm học đàn. Nhà ông thầy đàn ở làng bên, cách xa cả mấy cánh đồng xa tắp.
Chiều nào cơm nước xong, Ba tôi cũng lặn lội ra đi. Trăng sáng thì không nói
gì. Trời tối đen như mực hay gặp lúc tháng 7 mưa dầm, ông vẫn cứ che dù, lội nước,
băng đồng đi theo tiếng đàn bí ẩn.»
Tôi được sinh ra và lớn lên trong tiếng đàn của Ba tôi. Ông
chơi được đàn tranh, đàn kìm, đàn cò, đàn tam. Ngày xưa trong phòng khách gia
đình tôi, 4 cây đàn yên vị một cách duyên dáng và trang trọng trên vách nhà, cạnh
đó là bộ ván gõ bóng lộn dành riêng cho Ba tôi ngồi đàn hoặc cùng với các bạn
hòa đàn. Má tôi chỉ là một bà nội trợ nhân hậu, đảm đang không biết gì về âm nhạc,
tuy nhiên Bà rất tôn trọng chồng và sở thích của chồng . Bà vui vẻ nấu nướng,
phục vụ tiệc tùng cho Ba tôi chiêu đãi các bạn bè nghệ sĩ xa gần đến chơi hòa
nhạc và đàn ca tài tử. Chúng tôi, những đứa con theo trào lưu âm nhạc mới,
thích Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Françoise Hardy, Adamo… Chúng tôi ít
hiểu biết về âm nhạc của Ba tôi, nhưng biết bao đêm trường thanh vắng, mỗi lần
nghe tiếng đàn tranh réo rắt khúc Nam Xuân hay dằng dặc, ngậm ngùi bài Tứ Đại
Oán, Văn thiên Tường… trái tim chúng tôi lại xao xuyến rung lên theo âm thanh của
16 sợi dây đàn.
Thế đấy, lần này khi nhìn thấy cảnh anh Trần Quang Hải
âu yếm đặt nhẹ cây đàn tranh lên gối và thong thả đeo hai móng đàn trên đầu
ngón tay cái, tay trỏ, tim tôi bắt chợt nhói lên một niềm đau hạnh phúc
khi đôi bàn tay anh bắt đầu lướt nhẹ dây đàn. Ngày xưa tôi nghe Ba tôi nói,
người chơi đàn tranh không nắn nót, không bấm phím như đối với các nhạc cụ
khác. Có hai trạng thái tình cảm giao hòa nhau:
Mãnh liệt, tự tin, đôi ngón tay cái, tay trỏ của bàn tay mặt
khôi mỏ âm thanh
Tha thiết và đắm say, trái tim rung cảm của người chơi đàn dồn
trọn lên mấy đầu ngón tay trái, mơn trớn âm thanh như cánh chim vờn bay, như
con công uyển chuyển nhúng mình lượn múa .
Cả thính đường dường như hòa đồng cùng âm nhạc: ngôn ngữ
thiêng liêng chung cho cả mọi tâm hồn. Nếu tâm hồn Đông phương chúng ta
đã có thể cảm nhận tiếng nói cao nhã của âm nhạc cổ điển Tây phương thì tôi tin
chắc rằng những người bạn Tây phương có mặt trong thính đường hôm ấy
cũng đang lắng lòng nghe dòng lưu thủy Việt Nam đang tuôn chảy rạt rào. Như con
suối mùa xuân, như dòng cuồng lưu băng qua thác ghềnh, như nước sông êm đềm
hòa trôi vào đại dương bát ngát. Lưu thủy trường, dòng nước tuôn chảy qua không
gian, thời gian, dòng nước cuộc đời ta mênh mang trên dòng đời bất tuyệt.
Vâng, mọi người cảm nhận cái hồn nhạc Lưu thủy trường qua
ngón đờn tươi thắm của anh nhưng tôi dám chắc không ai rơi nước mắt như tôi đã
rơi nước mắt trong buổi chiều hôm ấy. Khán giả nhìn thấy anh Trần Quang Hải
đàn nhưng tôi, tôi còn nhìn thấy cả Ba tôi đang đàn và cả một trời yêu đang
rùng mình sống lại…
Tiếng vỗ tay vang lên, vang lên nồng nhiệt. Đèn bật sáng, cuốn
phim của Anh kết thúc, thực tình tôi không biết nó đã kết thúc như thế nào và
cuốn phim ký ức của tôi cũng đứt ngang không biết ở đoạn nào .
Trên sân khấu, ban tổ chức kính mời nhà làm phim Pierre
Ravach và anh Trần Quang Hải ra mắt khán giả. Có nhiều câu hỏi đã đặt ra và
cách trả lời của anh lúc nào cũng khiêm tốn và hóm hỉnh một cách ý nhị. Tôi đặc
biệt lưu ý chiếc áo bà ba đen Việt Nam mà anh đang mặc và câu chuyện kể về
giáo sư Gilbert Rouget. Ông ấy cứ hỏi tại sao anh không xưng hô
«tutoyer» với ông như các đồng nghiệp Pháp làm việc chung với ông
mà cứ «vouvoyer» như thế?
Trần Quang Hải và GS Gilbert Rouget
Một nữ khán giả người Pháp lại hỏi Anh về cuộc sống ở xứ người.
Anh trả lời: «Thật sự là một nỗi đau khi người ta không được sống
trên quê hương mình». Với Anh, tình hoài hương luôn canh cánh bên lòng.
Nước Pháp là nơi anh đã đến để học tập và thành đạt, gần nửa thế kỷ trôi qua và
hơn nửa đời người anh gắn bó với mãnh đất này. Anh đã trải qua bao mùa xuân, hạ,
thu, đông, đã từng vui, buồn trên khắp các ngã đường xứ lạ, đã quen thưởng thức
fromage, rượu vang, champagne như một người dân Pháp. Anh yêu mến nước Pháp, tất
nhiên, nhưng tâm hồn anh vẫn là tâm hồn Việt.
Trên quê hương xa xôi ấy, anh còn có một người mẹ hiền thương
yêu, tận tụy, hy sinh cho anh từ tuổi ấu thơ cho đến suốt quãng đời niên thiếu.
Cha anh, người đã uốn nắn cho anh thành đạt, thành nhân nay cũng đã trở về Việt
Nam sống những ngày hưu trí an nhàn. Công cuộc nghiên cứu và sưu tầm của anh
tuy không đồ sộ lắm, nhưng ít nhiều đó là chút tài sản tinh thần quý giá mà anh
sẽ di tặng lại cho viện âm nhạc, một trung tâm nghiên cứu nhạc dân tộc xứng
đáng được lưu giữ các tài liệu về dân tộc nhạc học mà anh sưu tầm từ suốt gần nửa
thế kỷ để khi anh từ giã cõi trần anh sẽ yên tâm là tài liệu này còn giúp ích
được cho những sinh viên nhạc học của thế hệ mai sau .
Trần Quang Hải và khán giả
Những tràng pháo tay lại vang lên, vang lên. Buổi chiếu phim
và giao lưu kết thúc . Một lần nữa tôi bắt tay chào Anh và nói:
«Thưa Anh, hôm nay em mới thật sự hiểu được câu « đừng hỏi Tổ quốc
đã làm gì cho bạn, nhưng hãy tự hỏi bạn đã làm gì cho Tổ quốc. » Đất nước
Việt Nam hãnh diện về anh, chúng em hãnh diện về anh ». Anh cười hồn nhiên
và ôm ngang vai tôi, cả hai chúng tôi nhìn về ống kính của Thủy Tiên đang ghi lại
kỷ niệm một ngày vui đầy ý nghĩa trên xứ người.
20giờ, mọi người chia tay nhau trước vườn bách thảo Paris.
Mùa hè, giờ này mặt trời vẫn còn thắp sáng những vòm cây platane ven đường . 21
tháng 6 là ngày lễ âm nhạc nên đi đâu cũng nghe tiếng nhạc nao nức, rộn ràng.
Dân thành Paris đàn, ca, nhảy múa trên các quãng trường, góc phố, trong sắc nắng
hoàng hôn của mùa hạ huy hoàng. Chưa bao giờ, từ những ngày đến với Paris, tôi
cảm thấy ngất ngây trong một niềm vui chan hòa đến vậy. Bởi, chính trong tâm hồn
Việt của tôi cũng đang diễn ra một ngày lễ âm nhạc Việt của chúng tôi đây
mà! Do đám đông ca nhạc gây cản trở lưu thông, chuyến xe bus 63 không thể
ghé qua trạm dừng trên đường Geoffroy Saint Hilaire, tôi đành phải đi bộ tới
gard de Lyon để đón bus 57. Ngang qua Pont d’Austerlitz tôi dừng chân ngắm nhìn
sông Seine yên ả xuôi dòng . Nắng chiều tà loang loang trôi theo sông nước.
Khúc Lưu thủy bỗng rạt rào âm vang trong tâm tư. Hình ảnh Ba
tôi và khung trời kỷ niệm lại hiện về. Ngày ấy, nhà chúng tôi cũng nằm bên cạnh
một dòng sông. Tôi nghĩ, nếu Ba tôi còn sống, tôi sẽ viết cho ông một lá thư
thật dài để kể cho ông biết vì sao tôi đã nghe được tiếng đàn của ông giữa kinh
thành Paris, bên dòng nước sông Seine.
Gió sông thổi mát cả tâm hồn. Tôi không biết đây là gió sông
xưa hay gió sông Seine? Lòng tôi chan hòa hạnh phúc, giống như những cánh
lá peuplier kia đang lấp lánh, đong đưa trong gió chiều xôn xao bát ngát hương
đời.
Cám ơn anh Trần Quang Hải
Cám ơn Pierre Ravach
Cám ơn một buổi chiều vàng ngát ý thơ.
Paris hè 2010
Nguyễn Thị Tự Tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét