Từ những cuộc chạy đua không ngơi nghỉ của các gương mặt trẻ,
dần tiết lộ bí mật gần như trở thành quy luật đó chính là sự sáng tạo phải được
đặt trong tài năng và sự khổ luyện.
Sân chơi dành cho những người sáng tác ngày càng ít, không
đóng khung trong chương trình giới thiệu ca khúc hoặc giả là tham gia các hội
và công chúng chưa thật sự dành cho họ một vị trí xứng đáng hơn. Mưu sinh hay
nghệ thuật giờ đây không còn là cuộc tranh đấu của bộ phận lớn người sáng tác,
mà có khi câu hỏi hiện nay đơn giản là làm sao công bố một tác phẩm có giá trị
nghệ thuật trong khi công chúng đang có nhiều ngã rẽ và nghệ thuật nghe được
thay thế bằng cái nhìn thị giác tầm thường.
Sáng tác để ai nghe?
Tại sao nhạc Việt lại có một giai đoạn bùng nổ của nhạc nhẹ
đã cách đây gần 20 năm? Một câu hỏi nhiều người sáng tác băn khoăn, và không ít
những cuộc chấn hưng, đi tìm, phân tích và làm mới những người sáng tác từ
trong suy nghĩ lẫn cách nhìn nhận về nhạc nhẹ trong giai đoạn mới. Những sáng
tác làm rung động một thời gian dài gần như mất hẳn thay vào đó là tác phẩm
mang tính thời thượng, và tính theo mùa. Không gian âm nhạc mở rộng, giao lưu
nhưng đồng nghĩa với việc tuổi thọ ngắn hơn, bị thu hẹp. Đã không ít những cuộc
tranh luận, thảo luận giữa cái cũ và cái mới ở khắp các diễn đàn được tổ chức để
làm rõ một trong các vấn đề, đó chính là nhận diện lại một cách rõ ràng thị hiếu
của người nghe và xu hướng sáng tác mới.
Nói dòng nhạc truyền thống cách mạng đã chìm vào một cuộc sống
“ẩn mình” ở các chương trình có tính chính thống và hạn hẹp, nhạc trẻ tuổi teen
tràn lan chiếm lĩnh hầu hết sân khấu ca nhạc hàng đêm. Nhưng đó không phải là sự
phản ánh toàn diện về sự thay đổi ngấm ngầm trong thói quen của công chúng, bên
trong sâu sắc hơn cần biết rõ đó chính là nghe bằng thị giác đang làm đảo
chiều nhiều trị của âm nhạc. Hiện nay, đa phần các ca khúc được sáng tác mới phải
đi kèm với MV (music video) thì mới có thể nhân rộng một cách nhanh chóng và
tác động đến người nghe nhạc. Bản ghi âm trở thành lỗi thời và người nghe có xu
hướng thích được chiều về thị giác sau đó mới tính đến bài hát có hay hay
không?
Thật phiến diện nếu nói rằng, điều đó là đang giết chết những
tài năng sáng tác mới và chúng ta hầu như không có một nỗ lực sáng tạo nào. Vì
hành trình của chương trình Bài hát Việt đã chứng minh còn đó nhiều các nhạc sĩ
vẫn tâm huyết với cách viết ca khúc truyền thống nhất, đan xen phản ánh vẫn là
những ca khúc mang tính thời thượng. Các nhạc sĩ nổi tiếng, bậc cổ thụ, vẫn tiếp
tục cho thấy sự sáng tạo và cố gắng gìn giữ một nét giá trị nghe thuần túy
thông qua động thái chấp nhận một cuộc “cách tân” trong phần hòa âm phối khí để
giới trẻ nhìn nhận tác phẩm mới mẻ hơn. Và câu hỏi được đặt ra là, liệu chúng
ta đang làm những điều ấy cho đối tượng nào nghe?
Cuộc phân hóa công chúng và thị hiếu phân cấp từ trong chính
những luồng văn hóa và tư tưởng khác nhau làm nảy sinh cuộc chiến ngầm của giới
sáng tác. Có hẳn những nhạc sĩ chỉ thích sáng tác ca khúc và phổ biến trong một
cộng đồng nhất định, và có nhiều người sáng tác trẻ lại thích phô trương để tìm
lượng fans hùng hậu từ giới trẻ... Và rõ ràng, có một cuộc tranh đấu giữa cái
nghe thuần túy và cái nghe nhìn ở hiện tại. Tạm gọi là phe cũ và phe mới, luôn
nảy sinh các vấn đề bàn cãi, làm mới ca khúc ra sao? Chấp nhận yếu tố ngoại lai
hay sáng tạo thuần như chính những gì âm nhạc Việt Nam đang sở hữu? Đến hôm
nay, khi mà sự thành công và thất bại của không ít những nhạc sĩ trẻ, hay cái
chết yểu của nhiều dòng nhạc thời thượng đã cho phần nào phản ánh quy luật
chung của nghệ thuật không riêng gì âm nhạc.
Ai là người thắng thế?
Đã có một thời gian, xã hội trở nên nóng bỏng và xua đẩy dòng
nhạc xưa, nhạc cách mạng truyền thống vào con đường của sự lạc hậu, cũ kỹ. Giới
trẻ không ít lần xưng tụng những cách viết mới, với ca từ như kể chuyện, đọc lời
và nói bình dân như một thứ nghệ thuật gần gũi và không có khoảng cách. Khán giả
một thời gian đã xem thời cha anh của những sáng tác đi vào lòng người yêu nhạc
một thời đạn bom như tấm ảnh cũ kỹ, kỉ niệm để nhớ hơn là để nghe một cách thực
sự. Nhưng, thời gian gần đây, cuộc quay trở lại của nhạc xưa, nhạc truyền thống
cách mạng đã làm xua tan đi giá trị tạm thời, lạc lõng. Nhạc trẻ dần đi tìm sự
tiệm cận với các giá trị nằm sâu trong văn hóa của người Việt.
Những kiểu đặt ca từ quá đơn giản như lời ăn tiếng nói đốp
chát đã dần bị loại trừ, không ai khác chính khán giả thay vào đó là cách viết
có hình ảnh, sáng tạo và gợi mở. Không lẽ tự nhiên mà Lê Cát Trọng Lý trở thành
hiện tượng của Bài hát Việt, và sau này có Vũ Cát Tường... Những sáng tác của
những người trẻ này không chỉ mang đến cho công chúng cái áo mới của giai điệu,
phần hòa âm mà còn là sự ý thức về ngôn ngữ, nét đẹp của tiếng Việt thông qua
việc chọn lựa, dụng công cho sáng tác nghệ thuật. Ca khúc dù nhạc trẻ vẫn phải
có được chiều sâu, dễ nhớ nhưng không dễ quên. Bên cạnh đó, nhạc xưa trở lại và
sống như một liều thuốc thần kỳ giúp cho khán giả nhớ một thời thính giác quan
trọng hơn thị giác. Sự sáng tạo của ca từ là khôn cùng để người nghe tự hình
dung cho mình sự tưởng tượng không giới hạn mà người nhạc sĩ tạo ra.
Từ những cuộc chạy đua không ngơi nghỉ của các gương mặt trẻ,
dần tiết lộ bí mật gần như trở thành quy luật đó chính là sự sáng tạo phải được
đặt trong tài năng và sự khổ luyện. Giờ đây, công chúng đã có cái nhìn khác hơn
về nhạc sĩ, họ hoàn toàn có khả năng chiếm giữ một vị trí không hề nhỏ trong đời
sống âm nhạc. Yếu tố tương hỗ cùng lực lượng biểu diễn là ca sĩ để quảng bá tác
phẩm nhưng đồng thời đặc quyền nhất của người nhạc sĩ hiện tại chính là có thể
tạo ra các xu hướng bằng chính tài năng của mình chứ không phải ca sĩ.
Thời gian qua, chúng ta vẫn thường trao cho người ca sĩ quyền
năng quyết định sự thăng trầm của một nền âm nhạc. Nhưng trên thực tế đã chứng
minh, người nhạc sĩ dù không phải là đối tượng được săn đuổi, hay cát sê cao ngất
ngưỡng nhưng chính họ mới là những người nắm giữ chiếc chìa khóa sáng tạo làm
nên một diện mạo âm nhạc có giá trị.
Khánh Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét