Lời nói đầu
Xuân Diệu - “Vây giữa tình
yêu” là một công trình tập hợp những nghiên cứu về thơ Xuân Diệu ở cả hai
giai đoạn trước và sau Cách mạng. Sự nghiệp văn chương của ông bao gồm nhiều
lĩnh vực sáng tác, phê bình nghiên cứu, dịch thuật. Ở cuốn sách này, người viết
chỉ khoanh vùng lại trong phạm vi sáng tác thơ và những trang văn giàu cảm
xúc, giàu chất thơ ở thời kỳ Cách mạng. Từ bài nghiên cứu đầu tiên về chân
dung nhà thơ Xuân Diệu trong Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 1979 đến bài viết
gần đây về chặng đường văn thơ Xuân Diệu trước Cách mạng (Tạp chí văn học,
tháng 12-2005), người viết luôn biểu thị sự trân trọng và nhất quán trong
quan điểm đánh giá, hướng khai thác nội dung và nghệ thuật thơ Xuân Diệu. Đã
có nhiều công trình nghiên cứu công phu về Xuân Diệu trên mấy chục năm qua.
Tôi hy vọng tác phẩm sẽ đem lại một tiếng nói mới kết hợp việc phân tích khoa
học với bày tỏ những cảm nghĩ về thơ Xuân Diệu của một người có nhiều dịp gần
gũi và được cùng làm việc với ông. Điều quan trọng hơn ở tập sách này là những
cuộc trò chuyện về thơ theo một chủ định mà tôi đã ghi lại được và giữ gìn
cho đến hôm nay. Xuân Diệu bộc lộ chân tình với nhiều suy nghĩ sâu sắc, quý
giá và cũng có ý kiến mang sắc thái riêng, khác biệt về thơ, nhưng tất cả là
của ông, một nhà thơ lớn. Tôi chân thành biết ơn nhà thơ quá cố Xuân Diệu đã
cho tôi có được những trang viết này, những con chữ như còn mang theo giọng
điệu và hồn thơ của Người đã về cõi vĩnh hằng.
Hà Nội, ngày 10-01-2006
HÀ MINH ĐỨC
Phần một
TIỂU LUẬN VÀ NGHIÊN CỨU
VỀ THƠ XUÂN DIỆU
XUÂN DIỆU
(1916-1985)
Xuân Diệu tên thật là Ngô
Xuân Diệu, sinh ngày 02-11-1916, quê gốc ở làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh
Hà Tĩnh. Cha Xuân Diệu là một thầy đồ Nghệ lấy bà má ở Bình Định: “Cha đàng
ngoài, mẹ ở đàng trong”. Xuân Diệu sinh ở quê ngoại: làng Tùng Giản, huyện
Tuy Phước, tỉnh Bình Định và có nhiều gắn bó với quê mẹ từ tuổi thơ cho đến
trưởng thành. Đỗ Thành chung tại trường Quy Nhơn, học Tú tài phần I
(1935-1936) tại Hà Nội và phần II ở Huế (1936-1937). Kết nghĩa với Huy Cận
năm 1936. Tháng 12-1938, Nhà xuất bản Đời nay in tập Thơ thơ và năm 1939, in
tập Phấn thông vàng. Năm 1945, Nhà xuất bản Thời đại in tập bút ký Trường ca
và tập thơ Gửi hương cho gió.
Thơ thơ (1938), tập thơ đầu
tay ở tuổi đôi mươi của Xuân Diệu đã được bạn đọc đón nhận với bao tình cảm
quý mến. Tươi trẻ, giàu sự sống, khát khao vẻ đẹp thanh cao, Xuân Diệu đã nói
hộ bao điều cho thế hệ trẻ. Thế Lữ đã viết lời tựa cho Thơ thơ với những lời
đằm thắm và trân trọng về tài năng Xuân Diệu và chỉ ra bản sắc của hồn thơ
Xuân Diệu.
Xuân Diệu đề xuất quan điểm
thi ca lãng mạng với những ý tưởng mới mẻ. Tiếng thơ phải đắm say khát khao
và nhiều mộng tưởng:
Là thi sĩ, nghĩa là ru với
gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn
cùng mây.
(Cảm xúc)
Nếu thơ ca là tiếng chim,
thì tiếng hót cũng trong trẻo vô tư:
Tiếng to nhỏ không xui
chùm trái chín,
Khúc huy hoàng không giúp
nở bông hoa.
Chưa gắn nhiều với đời, với
con người cụ thể nhưng thơ Xuân Diệu ca ngợi cái đẹp của sự sống; không vụ lợi,
thực dụng mà hướng tới niềm vui thanh cao, tạo nên nhiều giao cảm trong thiên
nhiên, tạo vật. Ca ngợi sự sống trong trời đất và tìm đến cái đẹp của thiên
nhiên, thơ Xuân Diệu làm bừng dậy vẻ đẹp như món quà dâng tặng của tạo hóa
cho con người. Đằm thắm, duyên dáng, vui tươi - những câu thơ của ông dễ
chinh phục lòng người:
Giữa vườn ánh ỏi tiếng
chim vui,
Thiếu nữ nhìn sương chói mặt
trời.
Sao buổi đầu xuân êm ái thế!
Cánh hồng kết những nụ cười
tươi.
(Nụ cười xuân)
Một cảnh tượng đẹp được diễn
tả với bút pháp, ngôn từ, hình ảnh mới lạ.
Thiên nhiên cũng giao cảm,
tình tự rất gần gũi với tình đời:
Gió thơm phơ phất
bay vô ý,
Đem đụng cành mai sát
nhánh đào.
(Nụ cười xuân)
Nữ thi sĩ Anh Thơ cho biết
tác giả rất yêu thích điệu thơ tươi vui mới lạ của Nụ cười xuân. Rồi một
không gian rộng mở cho ánh trăng trong đêm vây bọc lấy con người:
Trăng sáng, trăng xa,
trăng rộng quá!
Hai người nhưng chẳng bớt
bơ vơ.
Và “Vầng trăng vú mộng”,
“trăng náo nức” - trăng đẹp bình yên tỏa sáng trong thơ Xuân Diệu:
Trăng, nguồn sương làm ướt
cả gió hây,
Trăng, võng rượu khiến đêm
mờ chếnh choáng.
(Ca tụng)
Trong phong trào Thơ mới,
Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử là hai nhà thơ tả trăng đẹp nhất. Hàn Mặc Tử có những
ý tưởng lạ, những liên tưởng đột xuất để tả một vầng trăng kỳ ảo. Với Xuân Diệu
là vầng trăng trần thế, sáng soi và ấm áp tình người. Xuân Diệu tha thiết yêu
cái đẹp và sự sống. Một thế giới trong thơ ông đầy hoa và nhiều hươ
Tóc liễu buông xanh quá mỹ
miều,
Bên màu hoa mới thắm như
kêu;
(Nụ cười xuân)
Những bông hoa đẹp đến từ
trí tưởng tượng và những bông hoa đến từ vườn nhà: “Có thể nói, tôi chung chạ
với từng đóa hoa một, và hòa vào trong thơ tôi: Vàng tươi thược dược cánh hoa
xòa - Ửng rạng phù dung nghiêng mặt hoa”( ). Rồi cái đẹp của nhành lá “Tóc buồn
buông xuống lệ ngàn hàng” khi chớm mùa thu rồi vào thu với “Áo mơ phai dệt lá
vàng” và khi lìa cành thành “chiếc lá giang hồ” cho gió đẩy đưa.
Xuân Diệu được xem là “Ông
hoàng của thơ tình yêu”, người mở đầu cho những giao cảm luyến ái tươi trẻ, đằm
thắm trong thơ. Xuân Diệu đã thử định nghĩa trạng thái tình cảm mầu nhiệm và
nhiều ẩn số của tình yêu lứa đôi:
Làm sao cắt nghĩa được
tình yêu!
Có nghĩa gì đâu, một buổi
chiều,
Nó chiếm hồn ta bằng nắng
nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu
hiu.
(“Vì sao?”)
Xuân Diệu cũng hiểu rõ
“Yêu là chết ở trong lòng một ít - Vì mấy khi yêu mà đã được yêu?” (Yêu). Thi
sĩ lúc nào cũng như chờ đợi, khát khao: “Mở miệng vàng… và hãy nói yêu tôi -
Dầu chỉ là trong một phút mà thôi” (Mời yêu). Trong thơ tình, Xuân Diệu là
người ít được bù đắp. Nhà thơ say mê, khao khát, đợi chờ - đó cũng là quy luật
chung của những chàng si tình. Nhưng với Xuân Diệu thì điều đó như càng được
nhân lên nhiều lần. Yêu thương gắn với ý nghĩa tồn tại của con người: “Làm
sao sống được mà không yêu - Không nhớ không thương một kẻ nào (Bài thơ tuổi
nhỏ).
Trong tình yêu, Xuân Diệu
không chấp nhận thái độ dè dặt, cầm chừng “tiết kiệm”, gò bó mà phải là tình
yêu tự do, hướng đến chiếm lĩnh Vô biên và Tuyệt đích:
Với bạn ân tình hay với cảnh,
Nơi nào ta cũng kiếm Vô
biên.
Cũng chính vì thế mà tình
yêu trong thơ Xuân Diệu nhiều màu vẻ, vừa cầu xin, thách thức, ra lệnh, vừa
ngọt ngào, đằm thắm và cay đắng xót xa:
Như kẻ hành nhân quáng nắng
thiêu,
Ta cần uống ở suối thương
yêu;
Hãy tuôn âu yếm, lùa mơn
trớn
Sóng mắt, lời môi, nhiều -
thật nhiều.
(Vô biên)
Trong tình yêu, Xuân Diệu
không thích sự bình lặng. Đành rằng phải có sự giao cảm thầm lặng với những mạch
ngầm yêu thương, nhưng theo Xuân Diệu, tình yêu phải bộc lộ, phải được chứng
minh bằng nhiều yếu tố của sự gần gũi, trò chuyện, thiết tha mơn trớn, phải
nói ra:
Yêu tha thiết, thế vẫn còn
chưa đủ,
Phải nói yêu, trăm bận đến
ngàn lần;
Phải mặn nồng cho mãi mãi
đêm xuân,
Đem chim bướm thả trong vườn
tình ái.
Em phải nói, phải nói và
phải nói:
Bằng nét vui, bằng vẻ thẹn,
chiều say,
Bằng đầu ngả, bằng miệng
cười, tay riết.
(Phải nói)
Khát khao đến đam mê, mạnh
mẽ thế thôi nhưng không ích kỷ hẹp hòi mà chủ yếu là muốn được giải phóng, được
tự do thỏa mãn những mong ước như tự ngàn xưa bị đè nén.
Nhà thơ Tố Hữu có lần nhận
xét sắc sảo và thỏa đáng về thơ tình của Xuân Diệu: “Thơ tình của Xuân Diệu
là tiếng ru của con người yêu đời, yêu cuộc sống. Chao ôi giữa xã hội mà con
người là chó sói với con người, tiếng reo vui của tình yêu là lớn lắm. Đó là
dấu hiệu của người thiết tha yêu cuộc sống, yêu tự do. Tình yêu nam nữ lúc
nào cũng là khát khao tự do nói chung, có thể tình yêu nào đó cũng khởi đầu từ
tình yêu nam nữ. Con người Xuân Diệu chân thực và rất đáng yêu:
Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ
quá
Chỉ biết yêu thôi chẳng biết
gì( ).
Một trong những vấn đề lớn
đặt ra với Xuân Diệu là những thách thức và ám ảnh của cuộc đời. Năm tháng đi
qua, những quan hệ gần gũi gắn bó, những va chạm với đời không khỏi tác động
đến Xuân Diệu và thơ Xuân Diệu. Từ một Xuân Diệu lãng mạng, non tơ, bay bổng
trong dòng thơ đầu cho đến một Xuân Diệu chín chắn, ưu tư có phần chán nản
trước cuộc đời là hai chặng đường thơ biểu hiện mối quan hệ giữa thơ và đời.
Nhà thơ Huy Cận nhận xét: “Hai tác phẩm bổ sung cho nhau để tạo nên hồn thơ
Xuân Diệu. Nói Thơ thơ hơn Gửi hương cho gió là không đúng vì nghệ thuật của
Gửi hương cho gió là chín hơn. Ngược lại cũng không thể nói Gửi Hương cho gió
hay hơn Thơ thơ. Thơ thơ có nhiều chất non tơ, rạo rực, thiết tha và hồn thơ
trong trẻo. Gửi hương cho gió đằm như than hồng phủ lớp tro mỏng và cũng có
xen vị đắng cay trong tình đời và tình yêu”. Tế Hanh cũng cho rằng: “Thơ thơ
có hương vị của tập thơ đầu tươi trẻ. Gửi hương cho gió đằm sâu thiết tha”.
Nguyễn Xuân Sanh cũng nhận xét: “Ở tập đầu rạo rực tươi trẻ, ở tập sau méditatinons
(suy tưởng) của Diệu sâu hơn”.
Cái mà Huy Cận gọi là vị đắng
cay trong tình đời, tình yêu. Tế Hanh gọi là đằm sâu thiết tha và Nguyễn Xuân
Sanh nói đến chất trầm tư của tập thơ sau chính là vị đời mà Xuân Diệu trải
nghiệm trong cuộc sống và trong thơ. Vị đời này đã tạo cho thơ Xuân Diệu đa dạng
hơn, hồn thơ không thể bay lên mà mở ra nhiều chiều. Xuân Diệu có lần tâm sự:
“Thơ thơ là premierjet (nguồn đầu) non tơ hơn. Gửi hương cho gió chín hơn,
già dặn hơn. Bài hay nằm trong Thơ thơ nhiều: Nụ cười xuân, Đây mùa thu tới,
Vội vàng, Tương tư chiều, Ca tụng, Cảm xúc, Với bàn tay ấy,…Tuy nhiên, Gửi
hương cho gió lại có những bài chín hơn về nghệ thuật. Lời kỹ nữ là bài hay
nhất trong Gửi hương cho gió. Nguyệt cầm tinh vi và cao cường quá phải láy
luyến từng chữ như từng nốt đàn”( )
Với Gửi hương cho gió,
Xuân Diệu bộc lộ rõ hơn những tình cảm và suy nghĩ trong chiều sâu tâm trạng.
Nhưng nuối tiếc về thời gian không chung chung mà xót xa đau đớn với cảnh ngộ
của bản thân:
Cho ta xin, cho ta xin sắc
đỏ,
Xin màu xanh về tô lại
khung đời…
Trời ơi, trời ơi, đâu rồi
tuổi nhỏ?
Hôm xưa đâu rồi, trời ơi,
trời ơi!
(Xuân đầu)
Khi nói về cái đẹp tuổi trẻ,
niềm vui, Xuân Diệu hòa nhập, ngợi ca và ít chú ý đến riêng mình. Nhưng khi
nói về nỗi buồn thì chủ yếu Xuân Diệu lại xuất phát từ cuộc đời riêng. Tác giả
thường mượn một số hình tượng trong thiên nhiên như biểu tượng để ký gửi tâm
tình. Trong cuộc đời cũ, nhà thơ không phải lúc nào cũng dễ hòa nhập với cuộc
đời mà nhiều lúc cảm thấy cô đơn. Một buổi chiều như mọi chiều, nhưng sao mịt
mùng không tìm thấy lối ra:
Sương lan dần, còn biết
ngõ nào đây?
Chiều tư bề không phá nổi trùng
vây…
- Tôi là con nai bị chiều
đánh lưới
Không biết đi đâu, đứng sầu
bóng tối.
(Khi chiều giăng lưới)
Có lúc Xuân Diệu nghĩ đến
một đỉnh Hy Mã Lạp Sơn. Chắc Xuân Diệu cũng không dám so sánh đỉnh cao thiên
nhiên với bản thân mình. Những điều nhà thơ cảm nhận là ở những chốn cao chót
vót tưởng đâu chiếm lĩnh mọi quyền uy cũng dễ cảm thấy cô đơn tách biệt khỏi
cuộc đời thân quen. Các nhà thơ mới đều cảm nhận sự cô đơn trước cuộc đời khi
họ không tìm thấy sự gắn bó với mọi người, và cũng có thể ngộ nhận về công việc
sáng tạo thơ ca của mình.
Xuân Diệu thường hay nhắc
đến chuyện của nước Tàu xưa và thấy nhà thơ sao gần gũi với hình ảnh chú lái
khờ và người kỹ nữ. Chú lái khờ có gì giống với thi nhân: “Người thi sĩ cũng
khờ như chú lái, không hề giấu kho vàng ngọc với đời. Để mất trời xanh, nên
người phải tìm uống trong mắt biếc. Người đời cười là ngu dại: kẻ mất của có
khôn bao giờ!
Thi sĩ ghé vào nhân gian,
trọ một vài đêm, tìm đôi an ủi. Lòng để ở ngoài ngực, tay thờ ơ hay là tay
ham hố, tay nào đến cũng lấy được ít nhiều ngọc châu. Và họ lấy chưa vừa ư,
thì người thi sĩ sẽ tự tay lấy vào cái lõi sống còn của mình, để mà phân
phát”( ).
Chú lái khờ có hay không?
Là người xưa hay cũng là người của hôm nay. Xuân Diệu tìm thấy ở hình ảnh này
đôi nét tương đồng. Nhà thơ là người muốn đem đến cho đời niềm vui và cái đẹp
tinh thần một cách chân tình hồn nhiên. Nhưng cuộc đời nhiều khi lại thiếu
nhân hậu, thậm chí bạc tình. Nhà Thơ chân tình, gần gũi mọi người, đem đến
quà tặng tình thần và không đòi hỏi sự đáp trả nhưng cũng không thể chỉ nhận
lại sự thờ ơ lạnh lùng. Hình ảnh người kỹ nữ trong bài thơ Lời kỹ nữ đã
nói lên sâu sắc tấm lòng nhà thơ. Không phải là người con gái giang hồ trong
cuộc đời hiện tại mà Xuân Diệu muốn nói đến người kỹ nữ tài hoa trong sách
xưa với nhiều đau khổ bất hạnh. Lời thơ như van vỉ:
Khách ngồi lại cùng em
trong chốc nữa,
Vội vàng chi trăng
sáng quá khách ơi!
Đêm nay rằm yến tiệc sáng
trên trời,
Khách không ở, lòng em cô
độc quá.
Và chính ở nơi gặp gỡ qua
lại nhiều người, người con gái lại cảm thấy sự cô đơn trống trải:
Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển
lớn,
Chớ để riêng em phải gặp
lòng em.
Nhà thơ cũng có những nét
tương đồng, muốn cho, muốn đền đáp, muốn có sự thủy chung với đời nhưng chỉ
nhận được những gì trái ngược khác với lòng mong muốn. Người khách ra đi, một
người cũng như muôn người. Không phải là mái ấm mà chỉ là quán trọ bên đường.
Bài thơ kết thúc với bao tủi buồn và những giọt nước mắt. Lời kỹ nữ cùng với
Nguyệt cầm là hai bài thơ được nhiều nhà thơ trong phong trào Thơ mới xem là
hay nhất trong thơ Xuân Diệu.
Thơ Xuân Diệu như một cây
đời xanh tươi có nhiều hoa lá trong buổi ban đầu; càng về cuối, cây xanh nhiễm
sắc thu và dần vàng úa. Nhà thơ cũng cảm nhận rõ sự đắng cay của cuộc đời:
Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt,
Cơm áo không đùa với khách
thơ.
Câu thơ được nói ra từ một
nhà thơ lãng mạng đã nói lên bao điều. Dù muốn hay không, nhà thơ cũng chịu sự
chi phối của cuôc đời. Nhà thơ dần cảm nhận thấy sự tù túng đang như sợi dây
thắt dần lại. Không gian không còn rộng lớn để cho hồn thơ bay bổng mà thực sự
đang rơi vào cảnh tù túng tầm thường:
Chúng ta nay trong cuộc thế
ao tù,
Đốt điếu thuốc chiêu hồn
sương qua khứ.
(Mơ xưa)
Càng đi về phía cuối của
nguồn mạch thơ, càng thấm thía nỗi buồn, nỗi đau. Vắng bóng dần tiếng chim
hót, cánh bướm bay. Cho đến một tiếng gà cũng vọng nỗi buồn da diết. Nhiều
nhà nghiên cứu đã nhận xét là tiếng gà trong thơ đáng lẽ gợi nhiều niềm vui,
sự thức tỉnh trong buổi ban mai, nhưng trong thơ mới, thường tiếng gà gáy
không hẳn vào buổi bình minh mà vào buổi trưa, buổi chiều với nhiều âm hưởng
buồn. Thơ Huy Cận rất buồn với tiếng gà:
Nửa chiều gà lạ gáy ven
đê.
Trong thơ Lưu Trọng Lư có
tiếng gà trưa gợi nỗi buồn, gợi nhớ một thời xưa:
Mỗi lần nắng mới hắt bên
song,
Xao xác gà trưa gáy não
nùng.
(Nắng mới)
Trong bài Giang hồ của Lưu
Trọng Lư có “tiếng gà rộn trong thôn”, “tiếng gà gáy mau trong xóm” nhưng chẳng
thức tỉnh được du khách đang buông mình trong thú giang hồ. Xuân Diệu buồn,
đau khổ và da diết hơn trong nỗi niềm riêng và cuộc đời chung khi nói về tiếng
gà: “Tiếng gà gáy buồn như máu ứa - Chết không gian khô héo cả hồn cao”.
Xuân Diệu sôi nổi tươi trẻ.
Xuân Diệu buồn da diết vẫn là một Xuân Diệu được người đọc đương thời hoan
nghênh và yêu mến. Nói như Tế Hanh, nếu chọn một người tiêu biểu nhất của
phong trào Thơ mới thì đó là Xuân Diệu. Hồn thơ của Xuân Diệu trẻ trung, tươi
thắm và được diễn tả với cách cảm, cách nghĩ, cách biểu hiện mới mẻ. Gắn với
truyền thống, Xuân Diệu ít chịu sự ràng buộc nào của hệ thống thi pháp cũ về
sáng tạo hình ảnh, thể thơ, vần điệu. Thơ Xuân Diệu là một dòng chảy tinh
khôi, chân thực và tươi trẻ về tình cảm. Không có những gò bó, quy phạm ước lệ
làm cho mạch thơ khô khan, thiếu hấp dẫn:
Ai đem phân chất một mùi
hương,
Một bản tình ca! Tôi chỉ
thương;
Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm
xúc,
Như thuyền ngư phủ lạc
trong sương.
(“Vì sao”?)
Từ tình cảm như yếu tố chủ
đạo cộng với sự hỗ trợ của các giác quan để bắt lấy hương sắc của cuộc đời,
thơ Xuân Diệu là sự hòa hợp và chuyển đổi giữa màu sắc, hương vị, âm thanh:
Tóc liễu buông xanh quá mỹ
miều,
Bên màu hoa mới thắm như
kêu.
(Nụ cười xuân)
Bài thơ Nguyệt cầm là một
mẫu mực của sự kết hợp, hòa hợp giữa âm thanh và màu sắc.
Đêm trăng, trăng sáng,
trăng đẹp, trăng ngần, từ vầng sáng như tỏa ra những âm thanh nhỏ ngân vang:
Bốn bề ánh nhạc: biển pha
lê,
Chiếc đảo hồn tôi rộn bốn
bề.
Sương bạc làm thinh, khuya
nín thở,
Nghe sầu âm nhạc đến sao
Khuê.
Âm thanh khơi nguồn từ ánh
sáng, ánh sáng làm cho âm thanh thêm đẹp, thêm ngân vang trong không gian rộng
lớn. Lại thêm tiếng đàn từ ngàn xưa vọng lại tạo vẻ đẹp nghiêm trang cổ kính
cho bức tranh thiên nhiên và con người thêm hoàn thiện.
Nhận xét về cái mới trong
nghệ thuật ngôn từ của Xuân Diệu, Hoài Thanh cho rằng, thơ Xuân Diệu có chút
gì như ngây ngô nhưng lại có sức hấp dẫn đặc biệt. Thực ra thì Xuân Diệu đã
đem lại bên cạnh giọng điệu quen thuộc những phẩm chất mới tạo nên giá trị mới.
Tuy chưa phải là người gắn bó với nông thôn nhưng đã rất tinh ý bắt được nhịp
sống của làng quê khi mùa thu tới. Khung cảnh sinh họat nơi sông nước không
còn nhộn nhịp mà vắng vẻ dần, gió lạnh chưa dồn dập đổ về mà chỉ từng cơn rét
luồn trong gió thổi giao mùa:
Đã nghe rét mướt luồn trong
gió,
Đã vắng người sang những
chuyến đò.
(Đây mùa thu tới)
Thời gian đổi thay theo
mùa và từ đó không gian gắn với thời tiết mở ra xa xăm, gợi cảm.
Xuân Diệu có những ý thơ đẹp
được tổ chức trong cấu trúc ngôn từ độc đáo. Một vầng trăng lên ngôi ở một
vùng trời đẹp. Và câu thơ cũng đã dãn ra phát triển theo nhịp riêng gợi cảm:
Trăng từ viễn xứ
Đi khoan thai lên ngự đỉnh
trời tròn.
(Lời kỹ nữ)
Cánh đồng chiều với bầu trời
mây bay gió thổi và cánh cò trong một trạng thái đặc biệt:
Mây biếc về đâu bay gấp gấp,
Con cò trên ruộng cánh
phân vân.
(Thơ duyên)
Ý thơ, hình ảnh, ngôn từ đều
độc đáo.
Có những hình ảnh gắn kết
mới lạ trong nhịp điệu vận động từ bên trong:
Một tối bầu trời đắm sắc
mây,
Cây tìm nghiêng xuống cánh
hoa gầy,
Hoa nghiêng xuống cỏ,
trong khi cỏ,
Nghiêng xuống làn rêu, một
tối đầy.
(Với bàn tay ấy)
Nhà thơ đã tạo được một thế
giới riêng của ngôn từ, nhịp điệu. Nhiều khi ngôn ngữ dồn dập đổ về để bộc lộ
một tư tưởng, và hình ảnh độc đáo:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn
mởn;
Ta muốn riết mây đưa và
gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với
tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái
hôn nhiều.
Và non nước, và cây và cỏ
rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm,
cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời
tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn
vào ngươi!
(Vội vàng)
Bên cạnh những sáng tạo về
nội dung và hình thức, thơ Xuân Diệu không tránh khỏi những hạn chế của một
phong cách thơ chịu nhiều ảnh hưởng của thơ Pháp. Một số câu thơ còn mang
cách nói có phần xa lạ:
- Hơn
một loài hoa đã rụng cành
(Đây mùa thu tới)
- Yêu
là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được
yêu?
(Yêu)
Tuy nhiên, từ cách viết ấy
rồi sẽ tạo nên những sáng tạo về ngôn từ:
Huy hoàng trăng rộng, nguy
nga gió,
Xanh biếc trời cao, bạc đất
bằng.
(Buồn trăng)
Những câu tinh tế về cách
cảm nhận và sử dụng hình ảnh, ngôn từ. Mùa thu tới và cỏ cây đang xao động
trong cơn gió lạnh đầu mùa:
Những luồng run rẩy rung
rinh lá,
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng
manh.
Một cánh cò phân vân trên
ruộng và một bóng chim nhỏ bé cũng run rẩy theo cách riêng của mình:
Cành biếc run run chân ý
nhi
và tinh tế biết bao khi cảm
nhận vẻ riêng của con người từ nét tinh vi cụ thể:
Rặng my dài xao động ánh
duơng vui
(Xuân đầu)
đến trạng thái trừu tượng
mơ hồ:
Đẩy hộ hồn em triền miên
trên sóng,
Trôi phiêu lưu không vọng
bến hay ghềnh.
(Lời kỹ nữ)
Xuân Diệu đã đem đến cho
thơ ca hiện đại một phong cách, một vẻ đẹp mới, đa dạng, đằm thắm, tươi trẻ,
mới lạ. Xuân Diệu như một chàng trai mới gặp mà mọi người đã trầm trồ yêu mến
nhưng nói về chàng thì thật không dể dàng. Hoài Thanh cũng như nhiều nhà phê
bình nhiều khi cũng chỉ tấm tắc khen là rất Xuân Diệu, thực là Xuân Diệu.
Nhà thơ lớn trong phong
trào Thơ mới, Xuân Diệu cũng là một tác giả văn xuôi có hạng trong Tự lực văn
đoàn và cũng là của văn xuôi nói chung trong giai đoạn này. Văn xuôi
Tự lực văn đoàn được đánh giá chủ yếu là tiểu thuyết rồi đến truyện ngắn. Phần
bút ký chưa được quan tâm đúng mức. Có nhận xét rằng Phấn thông vàng không phải
là truyện ngắn mà là tiểu phẩm mang chất thơ.
Ý kiến đó là cơ sở ở một số
tác phẩm, tuy nhiên, nhìn về tổng thể thì Phấn thông vàng vẫn nghiêng về yếu
tố truyện. Không phải là cốt truyện đầy đặn, có sức hấp dẫn tự thân được triển
khai trực tiếp trong cuộc sống như những nhà văn hiện thực: Nguyễn Công Hoan,
Nam Cao - truyện của các nhà văn hiện thực này là những chuyện đời mang xung
đột giữa các tính cách, giữa tính cách và hoàn cảnh, giàu chi tiết sống thực
- truyện của Xuân Diệu nằm trong dòng lãng mạn, dòng tình cảm thường thấy ở
Thạch Lam, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh,…Nhưng Xuân Diệu là nhà thơ nên có một điểm nhìn
và cách khai thác cuộc sống khác hơn. Xuân Diệu không lệ thuộc vào tính hoàn
chỉnh, tính hệ thống của một cốt truyện trong cuộc sống mà chỉ chọn một mảnh
đời, một sự việc, một hình ảnh để miêu tả. Các tác phẩm như Tỏa nhị kiều, Phấn
thông vàng, Cái giường đều mang bóng dáng và đường nét của một truyện ngắn.
Phấn Thông vàng có khung cảnh và nhân vật. Tỏa nhị kiều là một cảnh ngộ buồn
mà con người là nạn nhân bị giam lỏng. Truyện Cái giường, vật thể gắn với một
đời người như cũng mang theo bao tâm sự vui buồn. Phần lớn những sáng tác
trong Phấn thông vàng là những câu chuyện và đến Trường ca lại là những dòng
bút ký thơ mộng, đằm thắm tình người. Phấn thông vàng và Trường ca của Xuân
Diệu cũng có chỗ khác biệt với cảm hứng chủ đạo của Thơ thơ và Gửi hương cho
gió. Nếu ở hai tác phẩm Thơ thơ và Gửi hương cho gió tập trung vào tình yêu
đôi lứa thì ở những tác phẩm văn xuôi lại bộc lộ khá rõ tình cảm của nhà thơ
với những cảnh đời, con người đáng thương. Nếu Thơ thơ và Gửi hương cho gió
là cảm xúc thơ đẹp, bay bổng thì truyện ngắn và bút ký mang thêm nhiều sắc
thái buồn, luyến tiếc, đớn đau.
Trước hết là lòng cảm
thương của nhà thơ trước những cảnh đời đau khổ. Này là những người già không
nơi nương tựa: “Bà lão về đâu? Một ổ rơm nép bên đường, hay là một cái chòi lạc
giữa những bụi cây? Về một túp lều xa, hay không về một túp lều nào cả? Trên
vùng hẻo lánh kia, còn nhà cửa nào nữa? Ai sẽ nấu cơm cho bà ăn? Diêm ở đâu
cho bà nhóm lửa? Về đâu? Ngừng lại nơi đâu? […] Sự thương vay của tôi trẻ con
và tưởng tượng hay chăng? Đời nào! Bao giờ lòng thương cũng có duyên cớ ở
trên đời cùng cực, đau đớn, khốn khổ, rách rưới, cô đơn này, mà những kẻ
nghèo đói là những trang anh hùng, cắn chặt hai hàm răng ngậm giữ lấy đau
thương”( ).
Sự thương cảm trong văn
chương của Xuân Diệu có cội nguồn từ tình cảm của tác giả với quê hương Tùng
Giản trong tuổi ấu thơ: “Ôi cái phố chợ bề ngoài đông đảo náo nhiệt, nhưng
bên trong những gia đình, cuộc đời mỗi người có những gay cấn khổ đau mà chắc
chắn tuổi nhỏ tôi nào có thông hiểu được… Rồi nhà bà Ôn - túp lều tranh rách
tả tơi bán bánh canh ngọt, mỗi khi gió thổi mạnh thì những tấm tranh che tạm
bợ rốn của tôi là như vậy. Song mỗi lần xuống nằm chuyến đò đêm để đi Quy
Nhơn học là lòng tôi thương nhớ Gò Bồi không nguôi” ( ).
Lòng nhân từ ấy còn mở rộng
đón nhận và cảm thương đến nhiều số phận, nhiều cảnh đời. Đứa ăn mày hay là
hình ảnh của những em nhỏ cô đơn lạc loài. Không được gia đình chăm sóc, các
em rất có thể trở thành bơ vơ: “Thằng Miêng cũng chỉ là một con chó hoang,
hay một con mèo hoang. Sơn biết thế rõ lắm. Mỗi lần thấy dáng bộ thất thơ
không cửa không nhà của một con mèo hay con chó, Sơn lại thương thằng Miêng,
đứa em xấu số, bị nhà bỏ, và cũng bỏ nhà, đi hoang”( ).
Những kẻ đi hoang dù đó là
con người hay con vật nhỏ nuôi trong nhà đều trở thành lạc loài hư hỏng. Xuân
Diệu viết hai mẩu chuyện về mèo hoang và chó hoang. Những con vật đáng thương
này vốn được con người chăm sóc và chúng có nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống của con
người. Nhưng rồi do một hoàn cảnh nào đó chúng đi hoang, biến thành những con
vật thảm thương, đói ăn, lẩn lút trong đêm lẩn tránh con người. Và cũng có thể
chúng lại trở thành những con vật hung dữ, mất nết hoang dã. Những đổi thay của
các con vật này, một phần là do con người. Nếu những mái nhà ấm có thể chăm
sóc những con vật nhỏ bé này để không bao giờ chúng đi hoang, nếu ai cũng hiểu
thân phận của chúng bơ vơ, đói khát mà động lòng thương xót thì những cảnh tượng
thương tâm không còn nữa. Nhân vật Sơn là chứng nhân, có mặt trong nhiều cảnh
ngộ và bày tỏ tình thương tới những số phận lạc loài này. Một truyện ngắn được
nhiều người nhắc đến là Tỏa nhị kiều. Yếu tố truyện ở đây tuy rõ rệt hơn
nhưng đúng ra chỉ là một khung cảnh sống mà tác giả đã khéo phác họa về một cảnh
đời cũ tẻ nhạt, “mọi vật đều buồn một cách lưng chừng, xui lòng tôi cũng
không đủ cớ mà buồn nữa kia, phải chịu ngùi ngùi một cách vô lý”. Trong khung
cảnh ấy, có hai nàng kiều sống trong cảnh đời buồn tẻ. Hai cô hiền lành như
hai hạt cơm, sống không chờ đợi, không mơ ước, không công việc. Một nhà thơ
lãng mạn không dễ tìm được niềm vui trên đời lại gặp những cô gái như không
có sức sống, không có thân nhiệt, càng dễ làm cho ai đang buồn, đang chán
càng buồn và càng chán hơn. Có chút gì gặp gỡ chăng giữa nhà thơ và hai đối
tượng miêu tả: “Tôi thương hai cô như hai con vật ngẩn ngơ trong rừng lạnh,
khi chiều giăng lưới qua muôn gốc cây. Buổi chiều của hai cô mờ nhạt và kéo
dài, hai cô lẫn trong mù sương… Đáng tội nghiệp nhất là hai cô không sầu tư,
không có một nỗi chán nản gớm ghê, nó xui ta cầu xin cái chết. Không, hai cô
là hai cô gái, chỉ biết buồn mờ, buồn lặng, nhưng buồn lâu. Hai cô là hai
cánh đồng…”( ).
Truyện ngắn của Xuân Diệu
với đường nét đơn giản của một câu chuyện không có đầu có đuôi nhưng ẩn chứa
một tâm sự, một triết lý sống. Khi viết về những con vật như mèo hoang - chó
hoang - tác giả tìm thấy, chia sẽ cho đối tượng mọi nỗi niềm, như một số phận.
Kiếp đi hoang đã làm đau khổ cho con người thì cảnh sống hoang dại của loài vật
khi bị xua đuổi khỏi những ngôi nhà quen thuộc cũng chịu nhiều đau khổ. Viết
về cái giường, Xuân Diệu đã khéo miêu tả qua đồ vật này sự trôi chảy của thời
gian và sự đổi thay của sự sống con người. Truyện Cái giường hay câu chuyện tự
kể của cái giường. Nó có ưu thế hơn các vật thể như ghế, tủ, bàn. Nó gần với
con người, nâng niu cuộc sống của con người những lúc mệt mỏi, gần gũi với
con người qua bốn mùa. Cuộc đời của nó bắt đầu vào một đêm tân hôn “loài người
đến truyền sự sống qua thân mình tôi, một đêm trăng ngồi đầy những lời dịu ngọt”.
Và thơi gian trôi chảy “đời của tôi chẳng mấy chốc mà già với đời của người.
Mọi vật đều thay bậc đổi ngôi, sự dâu bể của cuộc đời cho đến gỗ cũng phải chịu”.
Vật thể vô tri cũng có thân phận: “Xưa kia tôi đẹp, tôi mới. Bây giờ tôi cũ,
tôi xấu, tôi hư”. Và chẳng mấy chốc cái giường là nơi cho bọn trẻ đi guốc, đi
giày lên nhảy nhót, đùa nghịch. Cái giường đã tự ngẫm về thân phận một cách
chua chát, cái giường xưa nay vốn để cho thiên hạ nằm và nay đã đến lúc “cái
giường muốn nằm”. Ao ước một ngọn lửa hồng thiêu đốt để trở về theo kiếp luân
hồi: “Lửa hồng đâu? Ta nhớ rừng xanh! Ta nhớ đời cây! Ta muốn về quê hương,
quê hương chung của muôn vật, muôn loài, ở đó tất cả đều như nhau, không phân
biệt gì nữa.
Lửa hồng ở đâu? Lửa hồng ở
đâu?”.
Truyện ngắn của Xuân Diệu
không mang nhiều chất liệu của cuộc sống nhưng lại giàu có những suy nghĩ về
cuộc đời, của một tâm hồn nhân đạo và nhiều trải nghiệm. Xuân Diệu nói: “Ở
đây chỉ có một ít đời và rất nhiều tâm hồn”. Nhận xét đó có căn cứ thực tế.
Tuy nhiên, chất đời trong Phấn thông vàng không chỉ là tâm hồn mà cũng chính
là sự sống được tiếp nhận, trải nghiệm, tái tạo, trong sức nghĩ, sức cảm của
tác giả. Về tác phẩm Phấn thông vàng, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan nhận xét:
“Xuân Diệu ở đâu cũng đem theo một hồn thơ bát ngát và mơ màng. Trong tiểu
thuyết Phấn thông vàng mà Xuân Diệu gọi là một tập tiểu thuyết ngắn, tôi chỉ
thấy rặt thơ là thơ. Không phải thơ bằng những câu có vần có điệu, không phải
thơ ở những lời đẽo gọt mà thơ ở lối diễn tính tình cùng tư tưởng, ở những cảnh
vật cỏn con mà tác giả vẽ lên những nét tỉ mỉ khi ảm đạm, lúc xinh tươi, tùy
theo cái hứng của tác giả. Ai muốn tìm những việc xếp đặt có thứ tự, ai muốn
tìm những truyện xây dựng trong khuôn thiết thực, ai muốn tìm những lời bóng
bẩy đọc nghe thật kêu, tôi khuyên không nên đọc Phấn thông vàng ( ).
Tùy theo cách cảm nhận của
từng tác giả khi đến với Phấn thông vàng, nhưng rõ ràng đây là một tác phẩm
mang đến cho người đọc nhiều giá trị bằng những cảm xúc suy nghĩ sâu sắc, bằng
những mẩu chuyện đời bình dị mà có ý nghĩa. Xuân Diệu qua Phấn thông vàng đã
sử dụng lối viết có tính tượng trưng với những biểu tượng chân thực, giản dị.
Cái giường, cái hỏa lò, cái dây, chó hoang, mèo hoang,… đều có ý nghĩa tượng
trưng với phạm vi biểu hiện rộng hơn bản thân đối tượng. Trong Phấn thông
vàng có một truyện ngắn giàu chất thơ, ca ngợi cái đẹp hòa hợp giữa truyện và
thơ. Phấn thông vàng là câu chuyện về những đồi thông với những cơn mưa lưu
huỳnh. Xuân Diệu cho biết: “Trước kia tôi viết Phấn thông vàng hoàn toàn bằng
tưởng tượng. Sau khi đọc Phấn thông vàng của mình rồi đi Sầm Sơn về, Khái
Hưng bảo Xuân Diệu tả rất đúng. Mình chủ yếu dựa vào những ý kiến trong cuốn
Histoire naturelle của Côxtiê trong đó tác giả tả mưa lưu huỳnh trong những rừng
thông của Ý, mình tưởng tượng thấy rất đẹp. Cái đẹp của một khung cảnh thiên
nhiên, phút giao hòa của trời đất để cho cây cỏ hoa lá sinh sôi, nảy nở.
Trong Cơn mưa lưu huỳnh, không gian đã thành một điệu vàng mênh mông, nắng
vàng nhuộm vàng những cây và phấn thông vàng lẫn vàng trong nắng”( ). Nghĩ về
cái đẹp và sự sống trong trời đất, Xuân Diệu vẫn nhìn qua lăng kính yêu đương
của con người.
Nguồn: Xuân Diệu -
Vây giữa tình yêu. Tác giả: Hà Minh Đức. Nghiên cứu, trò chuyện và ghi chép về
thơ Xuân Diệu. NXB Văn học sắp phát hành.
Hà Minh Đức
Theo http://trieuxuan.info/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét