Đến Quảng Nghĩa, chúng tôi
đi tuột ngay về Thu Xà cho kịp thăm mộ Bích Khê trước khi trời tối. Trong đời
tôi, tôi đã thăm Khê vẻn vẹn bốn lần. Một lần anh nằm ở bệnh viện lao
Pasquier, một lần anh nằm tại Hoàng Hoa Trang (vẫn lao vẫn bệnh) và hai lần
anh nằm dưới đất. Thăm mộ Khê lần này cách lần trước (1946) là 42 năm. Đủ thời
gian cho hai cuộc chiến tranh, một “cuộc” hòa bình, cộng thêm cái không gian
chia cắt về đất đai và tư tưởng nữa. Ấy thế nhưng chiều nay hình như các thứ
đó chả có hiệu lực gì. Nhà cửa, ruộng đồng, phố xá quê anh đã đổi thay dữ dội,
vì đạn bom, vì xây dựng, nhưng tôi vẫn thấy mình đi trong không khí, khí hậu
của các câu thơ:
… Nơi đây làng cũ buồn thu
quạnh
… Nơi đây thành phố đời
ngưng mạch
Những nàng lai khách vẫn
buồn mơ
Tôi hỏi người cháu Khê
cùng đi “ở đây có phụ nữ Hoa kiều chứ?”. Vừa hỏi vừa nghĩ: “Khê là người đầu
tiên đưa hai chữ lai khách vào thơ” và nghĩ “con gái lai khách chắc là rất đẹp”.
- Dạ ở đây có đông Hoa kiều
đến từ đời Thanh. Nay còn vài ba hộ.
Những nàng lai khách vẫn
buồn mơ
Đường lên hội quán sương
khuya xuống
Đâu mấy chàng trai rõi nhớ
hờ
Một người phụ nữ bà con
cùng Khê chỉ cho tôi mái nhà hội quán sau các lùm cây. Nhà phê bình trong tôi
nghĩ: “Khê là người đầu tiên dùng chữ hội quán. Hội quán mới gặp sương khuya
cũ, ngộ lắm”. Còn “nhà” tò mò trong tôi tự hỏi: “Có Khê trong các chàng trai
kia không? Cô buồn thì buồn mơ, chàng lại nhớ hờ, được lắm!”.
Tìm ngõ nhà em, anh sẽ thấy
Nhà Khê đây rồi, giữa phố,
không có ngõ. Tôi bỗng dưng tiếc cái ngõ trong thơ ấy. Như ngày nào về thôn Vỹ
Dạ “lá trúc che ngang mặt chữ điền”, tiếc không thấy trúc ở đâu.
Những cành nhãn muộn bóng
dơi lay
Những gốc nhãn, cành nhãn
Khê tả ấy không còn. Vườn đầy chuối. Đứng giữa vườn chuối, người cháu đưa tay
chỉ xa xa chỗ Khê nằm.
Em đang nổi bệnh trong
phòng vắng
Tình đậm theo trăng sáng
sáng đầy
Bỗng dưng tôi thấy như Khê
đang nằm trong phòng ấy, thiêm thiếp thiêm thiếp như tôi thấy anh nằm ở
Pasquier ngoài Huế, ở Hoàng Hoa Trang quê chồng chị Ngọc Sương - chị ruột
Bích Khê - trong Quảng. Nằm, và cười một nụ cười nhợt nhạt héo hon, he hé đôi
mắt chào tôi.
Trên mồ con quạ đứng im
hơi
Mộ Khê đây rồi. Không có
con quạ vĩnh cửu thiên thu nào đe dọa mồ Khê cả. Có, thì chúng ta cũng xua đi
cho Khê đỡ sợ. Khê nằm giữa mộ các người thân trong quyến tộc. Tôi, Yến Lan
và anh Thu Hoài (người có công tổ chức chuyến đi này) thắp một tuần nhang trước
mộ người đã khuất. Hai ngày trước đây, chúng tôi cũng đã thắp hương trên mộ Tử
ở Quy Nhơn. Tôi báo cho Khê một tin mừng:
Những tờ thơ nát đầy hơi
hám
Tay khách đa tình sẽ chuyển
trao
Lời mơ ước ấy của Khê sắp
được thực hiện. Quê hương Nghĩa Bình của Khê không muốn Khê nằm lâu trong
quên lãng. Đã hai năm nay Sở Văn hóa Nghĩa Bình và anh Hồng Nhân giám đốc sở,
thiết tha có một tập thơ Hàn Mặc Tử, một tập thơ Bích Khê. Thơ Tử đã có rồi.
Thơ Khê cũng đã tuyển chọn xong, chỉ chờ có giấy, chỉ chờ có tựa. Tôi cũng
báo cho Khê rõ, người tuyển chọn và đề tựa vẫn là người Khê đã giao phó 44
năm xưa, hồi 1943, 1944. Và tinh thần tuyển chọn cũng là tinh thần mà chúng
ta đã đồng ý với nhau hồi ấy. Nghĩa là phần thơ trong Tinh hoa (chưa in) được
đánh giá cao hơn Tinh huyết. Trong Tinh huyết, thì cái tinh nhất, tinh chất
không phải là loại bài “đây sự thật trần truồng nằm giữa háng”, mà dù cho đổi
ra “đây hư ảo phủ che nằm giữa háng” thì cũng chẳng phải là thơ. Thơ nằm chỗ
khác. Đâu trong trái tim mình.
Một bài thơ của Khê lấy
tên Duy tân. Có dính dáng gì không đến ông vua yêu nước trùng tên, Khê vốn
hay làm thơ vịnh sử. Nhưng dịch cái đề ấy ra ngôn ngữ thời sự thì nó là “đổi
mới tư duy” đấy. Đổi mới tư duy về thơ.
Rồng vẽ lối xưa toàn những
sáo
Cua bò thơ mới chả nên thơ
Khê đã tự phê bình rồng
xưa và cua mới của mình như vậy, như chính là Khê đã không vui lòng lắm với
những cái sáo ngữ của thơ cũ, cũng như các cái chả nên thơ, chả phải thơ của
thơ mới đương thời… Anh muốn duy tân, để có một thứ thơ khác:
Đường kiến trúc nhịp nhàng
theo điệu mới
Của lời thơ lóng đẹp. Hạt
châu trong.
Thơ ấy sẽ là nhiếp ảnh:
Đường nhiếp ảnh sắc khua
màu, tiếng thở
Cũng là hội họa:
Hỡi hội họa đến muôn đời nức
nở
Là âm nhạc:
Ròng âm nhạc của lòng trai
ấp mái
Là điêu khắc
Đầy thẩm mỹ như một pho thần
tượng
Là vũ đạo:
Múa song song khiêu vũ giữa
đêm hồng
Như người xưa xem múa kiếm
mà tìm ra cách viết chữ, thay đổi biến hóa thủ pháp, bút pháp của mình. Nhưng
đây là các quan niệm về thơ “tổng hợp” của châu Âu lúc đó. Quả măng cụt của
Khê, ta biết đấy là quả lựu của Valéry. Valéry hóa thân, con quạ trên mồ Khê
là con quạ của Edgar Poe, của thơ Mallarmé bay đến, da thịt, rồi xác thịt, rồi
xác chết trong anh, nguyên là của Baudelaire.
Những nhà thơ ít rạch ròi
trong các vụ việc này, họ vay mượn nhau, giật tạm nhau là thường, vốn cùng
gia đình, cùng bộ tộc. Vấn đề là vay mượn thế rồi có ăn nên làm ra không, có
gây được vốn liếng riêng gì của mình cho mình không, có thêm lãi thêm lời
không hay lại ăn cụt vốn! Phải nói ngay Khê không phải là kẻ ăn theo, anh đã
từ đường băng của thầy, của bạn mà cất cánh mình lên nhanh, bay những đường
bay đẹp. Thậm chí anh có những hơi thở riêng mà các thầy không có. Anh nhờ
các thầy Tây phương đánh thức bản năng, trí tuệ mà anh vốn có, nhờ các thầy
cho những phương thức tìm hiểu sự vật, và tương quan giữa các sự vật đã có sẵn
đấy rồi, khi chưa có các thầy, Khê muốn tạo ra giữa thơ rồng hay cua đều khá
yên tĩnh lúc bấy giờ.
Một hỗn độn đẹp xô bồ say
dậy
Bằng cảm tình, bằng hình ảnh
yêu thương
Và mới mẻ…
Nhưng cái mới ấy có nền,
có gốc nữa chứ. Nó mới mẻ ở đâu, ở giữa trời à? Không phải…
Và mới mẻ, trên viện cổ
Đông phương
Ai có nghe sức tiềm tàng
bí mật
Và chính nhờ cái sức tiềm
tàng của Đông phương chưa ai hiểu hết, kể cả các thầy Tây, nhờ Khê quá nửa đời
người, quá nửa tâm hồn thân thể đắm mình trong Đông phương, trong dân tộc ấy,
mà Khê đã tìm ra cái mới. Khê viết:
Trập trùng màu xiêm áo
Lớt đớt trận mưa bôn
Phật Như Lai thoạt hiện
Trên bảy sắc cầu vồng
Quái thay hòn Non Nước
Nghe giảng đủ mười tông
Đừng cười anh duy tâm, lạc
hậu. Anh là người tự cho mình “Ta trên đài Vọng hải, chỉ nhượng Phật Như Lai”
như Hàn Mặc Tử tự cho mình không phải “là cát bụi trở về cát bụi” mà là
“thánh thể kết tinh”. Các anh đâu có dễ dàng mê tín.
Những danh nhân lớn của Đức
từ triết gia Schopenhauer, Nietzsche đến nhạc sĩ Wagner không giấu diếm quan
hệ mình với Đông phương, với vài ba tông của Phật. Khi Khê viết:
Kim, Mộc, Thủy, Hỏa lạy
Trên, dưới, đất, trời chầu
đừng thấy chữ lạy, chữ chầu
mà bảo anh là thầy phù thủy, anh đang nói về hòn Kim, hòn Mộc, hòn Thủy, hòn
Hỏa của Ngũ Hành Sơn đương phủ phục trước quyền hành của thi ca. Một trong những
vị thầy của nền phê bình Pháp hiện nay, người ta gọi ông là Copernic trong
phê bình (như Copernic trong khoa học), Bachelard khi nói đến hai lực, bốn yếu
tố, khi xếp các nhà thơ theo dòng Thủy, dòng Hỏa, dòng Thổ, dòng Không khí,
phải chăng đã dựa vào của phương Đông thuyết Âm dương và thuyết ngũ hành? Ta ở
phương Đông nhàm chán nó, xem nó là viện cổ, nhưng nhiều viện sĩ Tây phương lại
liếc mắt về nó mà tìm mới mẻ mà kiếm đề tài.
Đầu tiên ta thấy Khê muốn
duy tân, đổi mới tư duy trong chữ:
Chữ biến hình ảnh mới, lúc
trong ngâm
Chữ trong vắt sánh nghệ
thuật sầu câm
Ta viết cây cao cây thấp,
cây gần cây xa, cây xanh cây héo. Ta thấy, Khê viết:
Cây du dương lâu đài song
sóng
Mắt Khê thấy và nghe, thấy
cây giống lâu đài và nghe cây du dương như nhạc, so với ta, Khê có con mắt
“kép” giàu hơn.
Ta viết tia trăng ánh
trăng. Khê lại viết: “Da trăng trắng tợ hàu”. Trăng thành cô gái, Khê sờ được
làn da trắng ấy. Cảm giác của Khê nhiều hiệu quả hơn. Khê duy tân Câu. Câu với
anh không chỉ là đường thẳng, đường cong mà còn là chữ chi, cửu khúc hay đường
gãy gập. Câu thơ không chỉ liền một hơi mà tấm tức, ray rứt, nối đứt, đứt nối
nhiều lần:
Buồn, và xanh trời (tôi
trôi với bờ
Êm biếc - khóc với thu: lời
úa ngô
Vàng… khi cách biệt
Có phải học Khê, tôi đã tập
qua hàng:
Chỉ một ngày nữa thôi. Em
sẽ
Trở về. Nắng sáng cũng
mong. Cây
Cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và
bướm
Cũng thêm màu trên cánh
đang bay
Khê duy tân cách qua hàng,
khá độc đáo:
Thoảng tiếng gáy của cu
Cườm. Hiu hiu vàng đượm
Chữ cườm tách riêng ra, đứng
đầu câu, long lanh như một hạt cườm. Hoặc:
Như mặt trời lọc qua khóm
liễu, một
Hoàng hôn. Đàn môi, chim
báu tới
Chữ một ăn với hoàng hôn
câu dưới. Nhưng Khê tách đặt nó ở câu trên sát kề khóm liễu, nhờ thế ta có
khóm liễu cô đơn, một khóm liễu lọc mặt trời. Chữ hoàng hôn, tách riêng ra,
càng rực rỡ hơn, và đứng đầu câu sau chói rọi khắp mình câu, chim báu và môi
đều có ánh rọi của nó. Ta thấy ở đây kỹ thuật về trang, về page của Mallarmé.
Ta thấy Khê làm kỹ thuật Khê làm. Làm, bố trí, chế tạo rất có ý thức. Anh làm
thơ chứ không bị làm thơ như Hàn Mặc Tử, đó là chỗ yếu và chỗ mạnh của Khê.
Khê duy tân đoạn, mảng,
bài, những bộ phận trên câu. Trong bản thảo chị Ngọc Sương giao cho Sở Văn
hóa Nghĩa Bình, rồi sở chuyển cho tôi, tôi thấy thiếu đôi đoạn, đôi câu xưa
kia tôi biết. Câu:
Nụ cười ai trắng như hoa
lê
Trắng xóa bên kia vùng
Phan Thiết
nụ cười không mang sắc hồng
của môi mà lại mang sắc trắng của tình yêu trong trắng, tình yêu không với được
nơi xa kia trắng xóa một vùng. Về đoạn thiếu đi đoạn này, tôi vừa phục hồi lại
được:
Hoàng hôn ô bên cồn
Bên cồn ô cô thôn
Cô thôn ô trúc vàng
Trúc vàng điểm riêng thu
Thoảng tiếng gáy của cu
Cườm. Hiu hiu vàng đượm
Vì sao tôi nhớ được? Không
phải nhờ bộ óc của tôi mà chính nhờ bộ óc của Khê đã dựa vào, đã nắm được các
quy luật của sự nhớ mà làm ra đoạn, mảng bài thơ dễ nhớ này. Đọc lại xem, những
chữ ngỡ mất đi với câu trên, lại hồi sinh ở câu dưới, cô thôn rồi cô thôn,
trúc vàng rồi trúc vàng, những ô, những cô, những hôn, những cồn, những thôn
ngoặc vào nhau chặt chẽ mà đi qua sóng gió giông bão của thời gian. Bìu díu với
nhau thành một khối bền chặt về âm thanh, về ý nghĩa như thế, thời gian nào
làm tan rã chúng được. Nhờ thế, sau gần nửa thế kỷ, bộ óc già nua của tôi vẫn
nhớ.
Khê duy tân trong Nhạc.
Xưa nay ta hay dùng bằng trắc. Nay cùng Xuân Diệu ở Nhị hồ, cùng Xuân Sanh
trong bài thơ Tay sương lam mờ đường giăng tơ đăng ở báo Tiếng Địch (Bình Định)(*).
Bích Khê dùng vần bằng làm chủ lực. Nhưng Xuân Sanh, Xuân Diệu chỉ làm một
bài. Bích Khê không phải chỉ thể nghiệm mà sản xuất đại trà, chủ trương tạo hẳn
một thể loại
Khê duy tân trong lối tạo
hình. Hình ảnh cũ vốn tĩnh. Khê làm cho nó động, hoạt động. Thơ cũ nói trăng
như sữa. Khê làm cho trăng ấy thành sữa, sữa kia nhỏ giọt, nhỏ từ vú hẳn hoi
là các núm đồi:
Nâng lên vú núm đồi
Sữa trăng nhi nhỉ giọt
Hình ảnh động theo bề dọc
thời gian và bề ngang không gian. Theo bề dọc thời gian, nó tiến triển, nó
dây chuyền, con tinh đứng, con tinh nằm, con tinh đưa võng, con tinh ru con
hát, rồi thì tiếng hát ru con ấy lại thay nó, tiếp nó mà tác động lên vành
trăng, vành trăng ứa nước ra và luồn qua cửa động v.v…
Bề ngang không gian, mỗi
hình ảnh trong đoạn thơ này cùng hoạt động với một quần thể các hình ảnh khác
đồng thời với nó, bao vây quanh nó, tác động lên nó.
Lên Kim tinh xác bằng
thanh khí
Đất lưu ly không khí xạ
hươn
Cây du dương lâu đài song
sóng
Trên biển châu - trời lộn
kim cương
Để làm các duy tân trên,
Khê đã húc đầu vào nhiều cánh cửa, vái đủ tứ phương, áp dụng các thuyết của
Valéry, Rimbaud, Mallarmé, Poe, Baudelaire và của vị “thiền sư Công giáo” là
Henri Brémond nữa. Ông có thuyết thơ thuần túy sực nức vị thiền là món Khê
khá sở trường:
Hỡi lời ca man dại
Điệu nhạc thở hơi rừn
Đêm nay xuân đã lại
Thuần túy và tượng trưng
Khê mê một thứ thơ thuần
túy, một thứ vàng ròng, chỉ là thơ thôi, không có tạp chất nào khác. Đồng thời
nó lại đại diện, tượng trưng, nói giùm cho những cái không phải nó, oái oăm
chưa? Nó được làm ra, chế tạo ra, nhưng lại phải hồn nhiên như của trời cho,
như của tự nhiên, thở hơi rừng, man dại. Thế lại càng oái oăm hơn nữa! Tóm lại
là từ gần nửa thế kỷ trước, Khê đã động đến các vấn đề sự vật (chose) và ký
hiệu (signe), vấn đề đa nghĩa, vấn đề lao động và cảm hứng, ý thức hay tiềm
thức v.v… Ban nãy tôi có nói Khê làm thơ và Tử bị làm thơ. Cả hai phương pháp
đều có cái mạnh cái yếu của nó. Tháp Eiffel người làm cũng đẹp như mây trời
mà trời tự làm ra trên tháp. Đúng ra phải nói Hàn Mặc Tử bị thơ làm (bị bệnh
tật, bị tình yêu làm) và anh đã làm thơ. Còn Bích Khê thì đã làm trên chữ,
trên câu, trên trang giấy, trên các yếu tố, năng lực của tâm hồn mình, rồi
thì các cái ấy làm anh trở lại. Chữ Pháp có chữ travail de soi sur soi, mình
làm, tác động lên chính bản thân mình, động tay, động chân, động lòng, động
não của mình, và một khía cạnh của cái động ấy biểu hiện ra ngoài là động chữ,
động câu, động nhạc, động hình trên trang giấy. Khê đánh động bộ gõ của trí
tuệ, nó đẻ ra những danh từ khô khốc, ồ, gồ, và sắt cũng rất cần trong việc
kiến trúc lâu đài thơ chứ sao?
Đường kinh tuyến hút nhiễm
chất vô hình
hoặc
Lời truyền sóng đánh điện
khắp muôn trời
Chữ bí mật chứa ngầm bao
chất nổ
Nhưng Khê cũng đánh lên, động
vào bộ giây, bộ hơi của cảm xúc, cảm tình, bản năng, kể cả bản năng vật dục nữa…
Tôi đã nói, ngoài thì anh vái tứ phương, trong thì anh húc vào mọi cửa mà. Thời
gian ở trái đất của anh có còn dài đâu. Anh định trong sáu tháng thôi phải giải
quyết cho xong khối lượng hay đúng hơn chất lượng Thơ một đời. Một câu thôi
cũng được, nhưng nó là thứ vàng ròng thuần túy, tượng trưng mà anh mơ ước đó.
Thơ có thứ đơn chất và loại đa chất, có thứ là nguyên chất, có thứ lại là hợp
chất, hóa chất kia. Khê thích biến hóa, tổng hợp. Anh nhặt các chất, cái thì
bên Tây, cái thì bên Tàu, cái trên tòa sen, cái ở hang âm phủ, cái ở hồn anh,
cái ở ngoài đời, đầu cua tai nheo trên trời dưới bể rồi bỏ vào cái lò
bát-quái thơ của anh mà nung lên vạn độ, bỏ vào cái hồ-lô-thơ anh mà lắc đến
triệu lần. Từ đấy sẽ chảy ra chất thơ anh tâm niệm. Việc làm trên có thể
nghiêm túc, có thể lố bịch, hóa trò cười.
Nếu ra được một chút gì đấy
từ các hồ lô kia, lò bát quái kia, nếu thành công thì người ta gọi đấy là tập
đại thành, như khi người ta đánh giá Đỗ Phủ, là somme (tổng hòa, tổng hợp),
khi người ta đánh giá Saint-John Perse, hoặc lai được giống mới khi đánh giá
con bò sữa Hà Lan (xin nói rằng nhà thơ lớn Guillen của Cuba và cũng của thế
giới nói rằng bản sắc dân tộc Cuba là mutala (mulâtre) là lai, hỗn hợp tinh
hoa của người da trắng, da đen và da đỏ. Xuân Diệu đã thuật lại quan niệm này
trong tựa thơ Guillen).
Còn khi lai không thành
công, lắc không thành công, đun lò bát quái không thành công, làm cái việc
đem trăm thứ đầu Ngô mình Sở bỏ vào một cái bị kia không thành công, đến nỗi
Ngô đi đằng Ngô, Sở đi đằng Sở, đầu đi đằng đầu, mình đi đằng mình, thì người
ta sẽ bảo đấy không phải là lai mà lai căng, mất gốc, là hổ lốn, là tả pí lù,
là chợ giời, là xúp bát nháo, là loạn Âu… có một trăm thứ danh từ dành cho.
Thế mà để làm VIỆC THƠ,
Khê chả còn bao nhiêu sinh mệnh, bao nhiêu thì giờ! Trong sáu tháng quyết
thành thiên tài, quyết có văn chương quán thế không ai biết, gọi Xuân Hương
trong mộng mình về thưởng với tôi… thế có liều không? Hàn Mặc Tử cũng góp phần
vào ảo tưởng ấy, gọi anh là thi sĩ thần linh. Thần thì ai chẳng thích!
May thay Khê không phải chỉ
có thất bại. Cùng với thất bại, Khê có những thành công. Thế mới là Khê chứ.
Nhưng đấy là nhờ con người Khê, chớ chả nhờ thần linh nào cả, dù đó là thần
Khê, hay các vị thần từ phương Tây phương ta nói trên kia.
Ngay từ thời xửa xừa xưa
khi còn làm các bài thơ cũ, Khê cũng đã có những câu thơ rất hay, rất lạ rồi.
Dạng chữ Hán:
Hoán khởi mê tân thuyền
thượng khách
Tỉnh hồi trường dạ mộng
trung nhân
bỗng tòi ra một câu hiện đại,
tổng hợp lạ kỳ:
Bóng yêu hoa, màu khiêu
vũ, mây phú quý, bả phù vân
Tiếng linh động trong ngần
thiên vạn cổ
hoặc những câu khác:
Người bán trời không chứng
mới là phiền
Còn tôi bán hàng sầu, tiền
chẳng lấy
Tôi muốn bán hàng sầu
không vốn lãi
Ngỡ như các câu này là các
tìm tòi năm 87 mà nhiều thi sĩ trẻ đem khoe một cách huênh hoang! Hoài Thanh
tuy rất dè dặt, ngại ngần nữa, khi đánh giá Bích Khê và Hàn Mặc Tử, cũng đã mở
đầu bài viết về Khê: “Tôi đã gặp trong Tinh huyết những câu thơ hay vào bực
nhất trong thơ Việt Nam”.
Ô! Hay buồn vương cây ngô
đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu
mênh mông
Thế giới thơ rất dân chủ
hay nói đúng hơn có lối công bằng kỳ quặc. Người có một câu hay được nhắc đến
như người có vạn bài, miễn rằng câu ấy đã đến được xứ thơ, và câu kia quả thực
hái từ xứ ấy hái về. Khê không chỉ có một câu, không chỉ có hai câu. Anh có
nhiều câu và nhiều bài mà… mà các thầy có khi không có, Hàn Mặc Tử không có,
thơ Việt Nam trước đây không có.
Cái đáng cho ta yêu Khê, bắt
ta phải tìm đến anh, phải lôi anh ra khỏi lãng quên, đó là chất nhạc của thơ
anh. Không, không phải chỉ có cái thanh bằng chỉ cái giọng trầm, chỉ tiếng
nói thầm, chỉ cái ngọn đèn anh hạ thấp xuống cho vừa nội tâm, vừa tầm tâm sự:
Tôi qua tim nàng vay du
dương
Tôi mang lên lầu lên cung
thương
Tôi không bao giờ thôi yêu
nàng
Tình tang tôi nghe như
tình lang
Nói thầm, nói lơ mơ mà thốt
ra được “Tình tang tôi nghe như tình lang” thì tình tang kiểu ấy còn gấp trăm
nói thật. Rồi lại lên cung thương cung yêu, vay mượn du dương, vay mượn tình
yêu muôn thuở, thế thì là ý đấy rồi chứ đâu chỉ nhạc. Nhạc vả chăng chả phải
chỉ là lúc nói thầm. Có khi reo vang, sảng khoái:
Tiếp ly cạn, cạn ly đầy
Năm con, một vợ ngồi vòng
xây
Nhạc chim thanh tước rót về
đây
Đỗ vàng cành lá lục.
Nâng chén tinh ròng ca một
khúc
Tiệc hoa hề, chén ngọc hề
Giang hồ vút cánh sau chung
rượu
Năm vẻ rồng bay áng sắc
mây.
hoặc trong đoạn “Hoàng hôn
ô bên cồn” đã trích trên kia, những ô, những cô, những cồn, những thôn dập dồn
rộn rã.
Nhưng nhạc cũng là bước đi
dịu dàng, nhịp nhàng của những lứa đôi câu, từng cặp, từng cặp dìu nhau qua
trang giấy:
Cây đàn yêu đương làm bằng
thơ
Cây đàn yêu đương run
trong mơ
Yêu nàng bao nhiêu trong
lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên
đôi môi
Buồn lưu cây đào tìm hơi
xuân
Buồn sang cây tùng thăm
đông quân
Nhạc cũng chỉ là các nhóm
chữ đi về, lặp lại, như chu kỳ ngày đêm, năm tháng, như nhịp sóng vỗ bờ, bàn
tay vỗ về lên thân thể v.v…
Những cánh hồng đơm, những
cánh hồng đơm
Nhẹ nhàng, nhịp nhàng… thở
đều trong sương
Thơ bay, thơ bay vô bàn
tay ngà
Thơ ngà ngà say, thơ ngà
ngà say…
Ý nghĩa đòi âm thanh rồi
âm thanh lại đẻ ra ý nghĩa. Saint-John Perse, Péguy rất thích kiểu này. Nhưng
Khê thì khai thác lối nhạc này, chính là dựa vào vốn liếng Đông phương, hơi
thở dân tộc.
Nhờ Khê ta nghe được những
âm điệu trước đó chưa có, nhưng cũng nhờ Khê ta thấy được những cảnh chưa từng.
Cái nhìn của Khê có nhiều cung bực, khi thì mờ ảo huyền hồ:
Huyền hồ nhìn không ra
Hay là tôi hóa hai
Đã chết đi một nửa
Hay là trời ban mai
Bị mù sương vây bủa
khi thì rạng rỡ:
Vàng ròng bạc tốt trong
tay trắng
Danh nghĩa cao sang tợ mặt
trời
Tiếng xe rổn rảng sau bờ
trúc
Bóng vợ bóng con lẫn bóng
cây
khi thì bát ngát:
Một bóng giăng rồi một
bóng giăng
Hồn vẫn phiêu lưu rất nhẹ
nhàng
Đến mút không gian là bát
ngát
Một trời thơ mộng đẹp mê
man
kể cả những lúc khá thực
thà:
Người em rày mệt quá
Hai tay đây ra rã
Thế nhưng anh nhìn thấy những
cảnh ấy ở đâu, ở đâu? Ở bên ngoài hay ở nội tâm anh? Anh phản ánh hay là anh
sáng tạo? Có thể nói anh nhìn hai nơi một lần, làm hai việc một lần.
Lò mò đường lên mây
Chén trăng vừa tầm với
Chàng ơi! Vàng ròng đây
Kề môi, say ân ái
Trăng không chỉ là trăng,
mà là chén rượu ân ái, là vàng ròng. Anh cũng không chỉ phản ánh trăng mà còn
phản ánh lòng anh đang say, muốn cầm, muốn hôn, muốn uống:
Quái thay hòn Non Nước
Nghe giảng đủ mười tông
Muôn năm lòng đá rắn
Nhuần thấm giọt từ bi
Biển xanh thay chất mặn
Rừng thẳm lọc hơi sầu
Anh đang thấy cái bên
ngoài của sự vật, nào hòn Non Nước, nào đá rắn, nào rừng thẳm, nào biển xanh,
hay đang thấy cả cái chuyển hóa bên trong của nó, đá thì nhuần thấm tình
thương mà thôi. Không đá nữa, biển thì trút chất mặn khắc nghiệt của mình, và
rừng kia cũng đang thanh lọc. Nhờ nghe kinh chăng? Kinh gì? Thơ anh đấy, lời
đấy, ngôn ngữ đấy. Anh đã từng ví anh là trên đài Vọng Hải, chỉ nhượng Phật
Như Lai kia mà.
Thương cho anh, bên vực thẳm
của nấm mồ đang đợi vẫn không thôi tin ở quyền lực của con người, của thi ca,
đã tạo ra những bức tranh hoành tráng, những cơn mơ tổng hợp là hai bài Ngũ
Hành Sơn tiền và hậu ấy. Tuy biết rằng: Khi xong cơn mơ ấy, thì anh lại bị trả
về thực tại phũ phàng:
Trở lại giữa bạn bè
Với hai tay bàn tay trắng!
Nhưng mơ được thì cứ mơ.
Tôi thường so sánh hai bài
Ngũ Hành Sơn với bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp. Chỉ vì cả hai thi
sĩ đều tả cảnh đất nước, cả hai đều dùng thể ngũ ngôn. Cố nhiên tôi rất yêu
Nguyễn Nhược Pháp ở Chùa Hương. Nhưng tôi xin phép được đánh giá Bích Khê cao
hơn. Nguyễn Nhược Pháp tả một cảnh, kể một chuyện có thể có. Bích Khê tạo ra
một điều khó thể có. Nguyễn Nhược Pháp dẫn bài thơ dọc theo chiều dài một tuyến.
Bích Khê tung hoành, hoành tráng dọc ngang qua nhiều tuyến. Chữ ở Bích Khê
cũng phát huy hiệu lực cả ba tầng hơn chữ của Nguyễn Nhược Pháp. Số là
Bachelard có nói chữ như ngôi nhà, có tầng trệt ăn ở, ra vào, giao tiếp, lại
có lẫm cao nơi ta lên với các vấn đề trừu tuợng, có hầm sâu nơi ta xuống các
tầng tiềm thức của ta. Theo Bachelard: thơ thường từ tầng trệt đối ngoại đó,
lên xuống các tầng cao và đối nội kia. Thơ Khê mạnh hơn Pháp chỗ ấy. Hãy đọc
các chữ của anh:
Da trời màu thịt sứa
Da trời se chất sữa
Truyền cảm hứng mênh mông
hoặc:
Miệng nào giục điệu ca
Tóc nào buông lõa xõa
Mắt nào điên long lanh
Tay nào như sắp bay
Gió lồng hang Âm Phủ
Hoa mộng thẳm màu thâm
Ta thấy thoắt cái anh ở tầng
trệt, thoắt cái anh lên cao trên trừu tượng, thoắt cái anh chấn động ta nơi
thẳm sâu tiềm ẩn của ta. Năm vừa rồi, chúng ta đã tái bản Nguyễn Bính. Anh được
yêu mến ào ạt xứng đáng với tài năng anh, cộng với sự bù trừ cho những người
đã lâu vắng mặt. Nhưng dù sao gặp lại Nguyễn Bính là gặp lại một cái gì quen
thuộc. Còn Khê, thì khác. Sợ e bây giờ người ta cũng chưa quen anh dễ dàng
đâu. Nếu Nguyễn Bính là một miền đồng bằng thân thuộc, thì Khê là một đỉnh
núi lạ. Có những nhà thơ làm thơ. Có những nhà thơ vừa làm thơ vừa đẩy lịch sử
thơ ca, duy tân thêm một bước. Có những nhà thơ đem đến một mùa lương thực. Lại
có những nhà thơ cầm một dúm hạt giống mới trên tay. Khê thuộc vào hạng thứ
hai
Loại thứ hai này, cái lõi
của nó, trái tim của nó, vẫn là loại thứ nhất. Người ta yêu thơ Khê, vì thơ
anh chớ đâu chỉ vì anh là kẻ đi tìm. Huống nữa đi năm đồng bảy đỗi, anh tìm
ra ai? Anh tìm ra anh. Có điều không bõ công vòng quanh như thế, đâu có tìm
được ra mình. Anh đi khá xa trong kỹ thuật, nghệ thuật, để tìm được cái rất gần
là trái tim người. Những lúc ấy anh vứt hết văn chương và kêu lên rất thật:
Anh ơi, từ đâu đến?
Em buồn em đang bệnh….
Tôi không bao giờ thôi yêu
nàng….
Lên chơi hòn Non Nước
Ôm nhau chết bên đường
v.v...
Ta đang xem một người tung
dao, múa kiếm tuyệt vời. Ta đang hoa mắt lên vì đường kiếm, ánh dao kia bỗng
ô kìa sao có máu ai tia ra vậy? Máu của người đang trổ tài tung dao múa kiếm
đấy.
Và chính anh ta cũng không
biết nữa.
Anh ơi tôi mới đến
Là hiện thân của bệnh
Hai ta đều quạnh quẽ
Đứt ruột nhớ thương nhau
Nấn ná sẽ lìa nhau
Chiêm bao còn thấy nhau
Đọc thơ Bích Khê nhiều lúc
ta có cảm giác ấy. Ba chữ nhau xoáy vào như ba mũi dao liên tiếp và máu đã
tuôn ra.
Khê tìm ra mình, tìm ra
Đông phương, tìm ra dân tộc. Những lúc ấy anh viết như không:
Thưa chị, đêm nay dường nhớ
quá
Đưa thư, hồng nhạn biết
mang không?
Muốn thấy người xa trong
giấc mộng
Khuya lơ còn tựa ở bên
song
Nào bên song, nào hồng nhạn,
nào giấc mộng, nào đưa thư, ngỡ như chuyện cũ, lời xưa, tự thuở nào. Không
đâu, chỉ chút thưa chị, chỉ một chữ khuya lơ, thì ta đã ở giữa thực tại bây
giờ rồi. Chỉ cần một chút nhấn nhẹ thế thôi, đã là hiện đại. Chính
Apollinaire, chính Lorca đã chinh phục chúng ta nhờ sự kết hợp truyền thống
và cách tân, dân tộc và hiện đại này. Cô Hồ Xuân Hương truyền thống đã thành
người vợ mới cưới của Bích Khê:
Người vợ trong thơ, gần,
cách mộng
Đêm nay không biết có về
không?
Nhưng cô Hồ Xuân Hương ấy
không phải là người vợ theo công thức muôn thuở nữa:
Ô! Nàng Xuân Hương ngực để
trần
Ngâm bài “Vấn nguyệt” tiếng
trong ngần
Nhìn xuống nhân gian cười
như điên
Chính phải đi vòng quanh
thế giới để lúc trở về mới tìm ra cô có tiếng cười điên và bộ ngực để trần
như vậy…
Từ giã anh em trước gió
xuân
Khê báo trước mình sẽ chết
vào mùa đông, cái mùa hộc máu của những người lao phổi. Cách mạng 1945 nổ vào
mùa thu, tháng 8. Khê bảo người nhà đưa anh ra ngõ, để anh nằm trên giường bệnh,
sắp kề cái chết vẫn có thể chào được cờ đỏ sao vàng. Bõ công cho anh nhìn được
ngọn cờ thiêng liêng ấy của dân tộc. Chúng ta, những người của ngọn cờ đỏ ấy,
với tấm lòng trân trọng những giọt máu tài năng của đất nước, trân trọng những
lời thơ viết bằng tiếng nói dân tộc còn lại sau bao binh lửa, đạn bom, chúng
ta làm tuyển cho anh. Xua con quạ đứng im hơi vỗ cánh bay trên mồ anh đi. Gỡ
đi các nhãn hiệu mà anh tự dán, hay người khác dán cho anh đi, kể cả tự điển
ta đã gán cho anh và cho Hàn Mặc Tử nhiều từ thô bạo! Ô, cái chế độ Sài Gòn
làm rùm beng về anh, về Hàn Mặc Tử, mà họ chỉ khai thác tình yêu, bệnh tật, đời
riêng các anh thôi, chớ tuyển tập đầy đủ nhất về tác phẩm Hàn Mặc Tử vẫn là
những người của ngọn cờ đỏ sao vàng làm, còn tuyển thơ Bích Khê thì cũng đến
chúng ta làm thôi. Năm 1963, chị Ngọc Sương định in cho em. Nhưng người chị
cách mạng ấy làm gì có tiền! Cái một gia đình không làm được thì hôm nay một
cơ quan cách mạng làm, một tỉnh quê hương cùng với gia đình chị Ngọc Sương
làm! Cũng không phải chỉ có tỉnh Nghĩa Bình, vì tình quê hương mới nghĩ đến
Bích Khê. Tuần trước, nhà thơ Hoàng Trung Thông viết cho tôi: “Làm tuyển Hàn
Mặc Tử rồi, chờ gì mà không làm tuyển Bích Khê đi? Mình rất thích thơ cậu ấy”.
Anh Vũ Quần Phương, một cây bút phê bình thơ khá có trọng lượng, hiện nay là
biên tập viên của Nhà xuất bản Văn Học cũng vừa viết thư cho tôi nhắc chuyện
Bích Khê.
Tôi tin không lâu nữa Khê
sẽ có mặt trong các tuyển toàn quốc. Mặc dù thế, tôi nghĩ là nếu Bích Khê còn
sống hẳn Khê rất sung sướng được in tại quê nhà, nơi Khê đã sống, nơi Khê
đang yên nghỉ. Nơi Khê chào ngọn cờ đỏ sao vàng trước lúc qua đời. Còn chúng
ta, chúng ta hãnh diện tuyên bố rằng: Từ mảnh đất miền Trung, từ Nghĩa Bình,
sau thơ Hàn Mặc Tử, giờ đến lượt thơ Bích Khê đang nhập vào lưới điện quốc
gia. Những câu thơ bừng sáng.
(*) Tiếng Địch, báo in ở
Sài Gòn, quãng năm 1940, nhưng tòa soạn Chùa Ông, Bình Định, do Yến Lan và Chế
Lan Viên phụ trách. Báo có đăng thơ của Xuân Diệu, Xuân Sanh…
Nguồn Honvietquochoc.com.vn
Theo http://trieuxuan.info/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét