Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Hàn Mặc Tử - Đi qua những mùa trăng

Hàn Mặc Tử - Đi qua những mùa trăng 
Một trong những thi sĩ tài hoa, độc đáo của lịch sử thi ca ViệtNam phải kể đến Hàn Mặc Tử (1912-1940). Gần 70 năm, kể từ khi qua đời, thơ của Hàn vẫn là những niềm riêng đau đáu, rực sáng, mới mẻ và sẽ tiếp tục tỏa sáng, lôi cuốn nhiều thế hệ người yêu thơ… Bởi vì “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chỗi xẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình” (Chế Lan Viên - trích trong lời đề tựa Tuyển tập Hàn Mặc Tử, NXB Văn học 1987).
Sinh giữa mùa trăng 22-9-1912, nhằm 12-8 âm lịch, trung thu, năm Nhâm Tý, “Chơi giữa mùa trăng” (tên Tuyển tập của Hàn Mặc Tử), cộng thêm bệnh phong - mà như nhiều người nói - ánh trăng có những tác động cực kỳ khó tả lên thân thể, tâm trí người bệnh. Do vậy, Hàn Mặc Tử như bị cuốn hút vào cái thế giới huyền ảo, thứ ánh sáng huyền ảo của trăng… để từ đây, thi đàn Việt Nam đã có những câu thơ, vần thơ kỳ lạ, diễm ảo, tượng trưng, siêu thực, độc đáo vào bậc nhất thi ca Việt Nam và có lẽ, vượt qua khuôn khổ ranh giới trong nước.
“TRĂNG! TRĂNG! TRĂNG! LÀ TRĂNG, TRĂNG, TRĂNG!”
Với Hàn, trăng là thơ, trăng là cuộc sống! Trăng là máu, là hồn!
Từ “Gái quê” năm 1936 đến “Thơ điên” (Đau thương) năm 1937 và cả quảng đời thơ khoảng 10 năm Của Hàn, Trăng và Thơ làm một cuộc song hành: “Ngủ với trăng”, “Say trăng”, “Uống trăng, “Rượt trăng”, “Một miệng trăng”, “Trăng tự tử”…
Thời gian Hàn chưa bệnh, trăng hiện ra trong trẻo, gợi cảm, đầy sức dụ hoặc: “Trăng là ánh sáng! Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh trăng thêm kỳ ảo thơm thơm và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy nhiều miếng nhạc say say gió xé rách lả tả…” (Chơi giữa mùa trăng). Đó là giai đoạn những câu thơ về trăng diễm ảo nhất ra đời:
                 “Trăng nằm sóng xoải trên cành liễu
                    Đợi gió đông về để lả lơi”
                  “Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm
                    Lộ cái khuôn vàng duới đáy khe”     
                                   (Bẽn lẽn)
Trăng hiện ra kỳ ảo, trong tư thế bất thường nhưng sinh động, lạ lẫm. Có phải bằng tình yêu say đắm với trăng mà Hàn đã khám phá cái riêng tư, cái lạ lùng mà gần gũi, thân thuộc của trăng:
                   “Mới lớn lên trăng đã thẹn thò”             
                               (Huyền ảo)
   Hay:
                  “Đêm nay trăng đúng tuổi
                    Năm nay em dậy thì
                    Làm sao không quyến luyến
                    Hoa gió đã tình si”                 
                         (Sáng trăng)
Trăng đúng tuổi, em dậy thì là bao nhiêu: trăng mười hai hay em mười sáu? Thật lạ! Chỉ biết đó là trăng mộng tưởng, một thực thể - tượng trưng, chỉ nắm bắt được bằng cảm xúc, cảm nhận:
                  “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
                    Có chở trăng về kịp tối nay”                 
                          (Đây thôn Vĩ Dạ)
“GIÓ TRĂNG CÓ SẴN LÀM SAO ĂN”
Năm 1937, Hàn phát bệnh.
Đêm đến, với những cơn đau hành hạ thể xác, máu ứa ra từ những vết thương, hồn trào ra từ sự khủng hoảng, tuyệt vọng của tâm hồn. Trăng cũng biến dạng, hòa trộn, dị hình trong thơ Hàn:
“Gió rít từng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
                       Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
                       Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra”   
                                   (Say trăng)
Có lẽ chưa có nhà thơ Việt Nam nào, trong phong trào Thơ mới và hiện đại, có được những vần thơ dữ dội, kỳ ảo đến thế. “Đau thương” của Hàn là một niềm tuyệt vọng lớn. Vì thế, nguồn cảm xúc cũng diễn ra ở cung bậc tột cùng của tiếng nói con tim:
                       “Không gian dầy đặc toàn trăng cả
                        Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng”     
                                           (Huyền ảo)
Tột cùng cảm xúc. Tột cùng đau thương. Khách thể trữ tình là trăng cũng đạt đến đỉnh điểm tột cùng… tượng trưng, siêu thực:
                        “Bỗng đêm nay trước cửa trăng quì
                         Sấp mặt xuống ướm mình theo dáng liễu”......
                         “Sai gió lại lay hồn trong kẽ lá
                          Trăng choáng váng với hoa tàn cùng ngã”   
                                      (Hãy nhập hồn em)
Thơ Hàn thời kỳ này là tiếng kêu thống thiết, khát vọng: “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt cả sự sống.” (Hàn Mặc Tử).
                           “Hôm nay còn một nửa trăng thôi
                             Một nửa trăng ai cắn mất rồi
                             Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
                             Gió làm nên tội buổi chia phôi!              
                                           (Một miệng trăng)   
      Đau đớn, bạo liệt, cuồng điên hơn:
                          “Cả miệng ta trăng là trăng”
                                  (Một miệng trăng)
                          “Trăng ngậm đầy sông, chảy láng lai”
                                              (Cô liêu)
      Hàn nhiều lần thảng thốt:
                        “Ôi ngông cuồng! Ôi rồ dại, rồ dại!
                          Ta đi thuyền trên mặt nước lòng ta
                          Ôi ngông cuồng! Ôi rồ dại, rồ dại!
                          Ta cắm thuyền chính giữa vũng hồn ta”
                                                 (Biển hồn ta)
              Hay:
                          “Bây giờ tôi dại, tôi điên
                           Chấp tay tôi lạy cả miền không gian”
                                     (Một miệng trăng)
Nhưng rồi, tâm hồn Hàn lại vẫn như thủy triều trào dâng mãnh liệt, theo sức hút kỳ bí của vầng trăng :
                            “Tôi đã chết và no nê vô vạn
                             Cười như điên và sặc sụa cả mùi trăng
                             Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng
                             Hồn đã cấu đã cào nhai ngấu nghiến.”
                                                    (Hồn là ai)
Sức người, dù gì cũng không thể chịu đựng nổi một lúc các tai ương: 
Đói:
“Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói
 Gió trăng có sẵn làm sao ăn”
Rách:
“Áo ta rách rưới trời không vá
 Mà bốn mùa trăng mặt áo trăng”
(Lang thang)
Lạnh:
“Lạnh quá ánh trăng không sáng mấy
Cho nên muôn dặm ở ngoài kia”
(Thao thức)
Cô độc, bệnh tật, đói, lạnh… hành hạ Hàn! Nhưng lạ thay, phần hồn vẫn dâng trào, bức phá, cố vươn đến những bến bờ mộng tưởng, siêu thực...có khi nhuốm màu thần bí:
                             “Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng
                              Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi”
                                                   (Say trăng)
“VỚI SAO SƯƠNG ANH NẰM CHẾT NHƯ TRĂNG”
Hàn Mặc Tử qua đời ngày 11-11-1940 nhằm vào ngày 12-10 âm lịch, năm Canh thìn-cũng vào một đêm trăng mười hai, tháng mười. Chết đúng vào giữa mùa trăng!
Cùng Hàn đi qua những mùa trăng; tôi mới biết lòng mình cũng trải qua những mùa trăng ám ảnh!
Cái chết do chứng bệnh nan y, cái chết đã định trước cho một tài thơ, mới bi kịch làm sao! Dù khát sống, dù mãnh liệt yêu, dù hồn muốn bay lên trời, xuống biển…nhưng:
                         “Máu đã khô rồi, thơ cũng khô”
                                        (Trút linh hồn)
Thế là chấm dứt một đời thơ, một tài thơ - như Hàn đã biết trước số phận, và ước nguyện:
                        “Một mai kia ở bên khe nước ngọt
                         Với sao sương anh nằm chết như trăng”
                                               (Trút linh hồn)
Những mùa trăng chắc rồi cũng sẽ tiếp tục chu kỳ bất tận của mình. Duy chỉ có Hàn, mãi mãi nằm lại bến sông trăng!
Khoa học, y học ngày nay có thể chẩn đoán và trị được bệnh phong cho Hàn Mặc Tử. Nhưng chỉ có những tấm lòng, những trái tim, những tâm hồn đồng cảm, sẻ chia của người đọc… mới có thể giúp Hàn Mặc Tử chảy lại những dòng máu đã khô, tươi lại khi hồn đã tận và trả lại cho Hàn Mặc Tử tiếng reo vui: “Trăng mới là trăng của rạng ngời” khi thi sĩ hãy còn là một chàng trai trẻ.
Tài liệu tham khảo:
- Tuyển tập Hàn Mặc Tử, NXB Văn học, 1987;
- Ở giữa mùa trăng - nhà thơ Thanh Thảo, báo Người lao động, 28-9-2002.  
 HỮU DU  
Theo http://www.bongtram.com/
  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hắn 1. Hắn Hắn còn nhớ rõ cái ngày cha hắn bán bộ sách quý với giá ba chục nghìn bạc để lấy tiền cho hắn đi Pháp. Ngày ấy lòng hắn như...