Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Hát giữa đồi sim

Hát giữa đồi sim
Ở Lâm Đồng cũng đã có một “đồi sim tím chiều hoang biền biệt” với hàng ngàn gốc sim vương vấn khách đa tình. Người tạo nên sự thơ mộng này lại là một tu sĩ Phật giáo trẻ.
Tu sĩ Nguyễn Đức Vân- Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cách đây vài bữa, Nguyễn Đức Vân gọi điện thoại cho tôi bảo: "Em vừa từ Bảo Lộc xuống Sài Gòn. Anh tới uống một ly mật sim với em". Lần đầu tiên trong đời, tôi biết thế nào là hương vị mật sim: thơm lừng và ngây ngất như rượu, phải nhấm nháp từng ngụm nhỏ mới tận hưởng được cái tinh túy của loại trái cây mộc mạc, hoang dã nhưng đậm chất thi ca này (Buồn lòng ăn nửa trái sim. Uống lưng bát nước đi tìm người thương – ca dao)… Tôi biết đây chính là sản phẩm thu hoạch đợt đầu tiên từ "cây nhà lá vườn" của Nguyễn Đức Vân bởi cách đây 4 năm, anh từng khoe đang thực hiện việc trồng sim phủ lên một quả đồi trọc ở vùng Lộc Châu (thị xã Bảo Lộc). Không chỉ ngây ngất với mật sim, tôi còn được nghe Nguyễn Đức Vân hát, đọc thơ – những sáng tác của anh ca tụng thiên nhiên, hoa cỏ…
Nguyễn Đức Vân sinh năm 1973. Tuổi thơ của anh không được may mắn đến trường như những đứa trẻ đồng trang lứa. Vì sinh kế, gia đình anh phải vào tận vùng rừng núi lập nghiệp. Nguyễn Đức Vân lớn lên giữa núi rừng bạt ngàn nên tâm hồn anh như cũng hòa quyện vào thiên nhiên. Những buổi sáng thức dậy nghe rộn ràng muôn loài chim hót trên những tầng cao, có cả loài họa mi bay hót ở tầng thấp, rồi vượn hú, gà rừng gáy… tất cả tạo thành bản giao hưởng của thiên nhiên. Những buổi trưa thích lang thang trong rừng, nhìn ngắm những con thú nhảy nhót, vui đùa. Những đêm khuya bước nhè nhẹ ra vườn, thè lưỡi liếm những giọt sương đọng trên những chiếc lá, nghe đất trời sao quá đỗi thiêng liêng… Vân thừa hưởng sự đa cảm, nét tài hoa từ cha mình vốn là một nhà thơ. Vân cũng có cơ duyên thọ giới nơi cửa Phật khi cha anh hỏi: "Con có muốn lên chùa học chữ không?" - chính cái tâm cảnh "hồn thơ nương cửa Phật" này mà Nguyễn Đức Vân thú nhận:"Chưa bao giờ ta hiểu Ngộ và Mê/ Chỉ thấy trái tim mềm trên lá cỏ/ Những đêm sương rơi ướt nỗi vô cùng/ Ta liếm nhẹ lên trên từng chiếc lá/ Thấm vị mặn đất trời không sao tả!/Của tình thương vô lượng quả đất này" (Cảm xúc đêm sương)…
Nguyễn Đức Vân yêu màu hoa sim và mang ơn trái sim từ thuở ấu thơ. Hồi gia cảnh khó khăn, thiếu thốn cậu bé Vân vẫn thường theo mẹ vào rừng hái trái sim mang ra chợ bán… Thế nên năm 2004, Nguyễn Đức Vân về một ngọn đồi trơ trụi, giăng bạt che lều để trú thân và bắt đầu đi bứng từng bụi sim đem về trồng ở đây (sim là loại cây rễ chùm nên phải bứng nguyên bầu rễ). Với chiếc Cub 81, anh lang thang khắp các đồi núi vùng Bảo Lộc để tìm sim. Có khi đi mấy chục cây số mà chỉ tìm được vài bụi, có hôm chẳng được bụi nào. Có hôm trời mưa, chở sim xuống dốc bị trượt té, gãy mấy ngón chân phải bó bột, nằm mấy tháng trời… Rỉ rả suốt 4 năm, đến nay đồi sim của Nguyễn Đức Vân đã có đến 3.000 gốc sim. Sim được trồng có hàng, có lối hiện đã cao lút đầu người. Từng đàn chim cu, gà rừng, chim cút về đây trốn nắng. Buổi trưa đi giữa những hàng sim nghe tiếng chim cu gù, gà rừng gáy trong lòng chợt dâng lên niềm cảm xúc dạt dào. Không chỉ trồng sim, Nguyễn Đức Vân cũng còn trồng rau củ nhưng ở giữa một thiên nhiên như thế, nhiều khi đã xảy ra tình huống: "… Nhiều lúc tôi rưng rưng/Nghĩ nhiều về vô lượng/Nào hoa trái mênh mông/Rau quế, rau húng thơm/Cây mắc cỡ đa nghi/ Làn gió đùa khép nép/Chiều nay đang vun khoai/Chợt thấy lòng ríu rít/Bỗng quăng đại cái cuốc/Hát múa đến tối mò/Mới bò buổi nấu cơm/Ta nấu cơm ngon quá/Ăn xong vẫn khát thèm/Nên liếm luôn cả bát”. (Đất trời vô lượng).
Khoảng thời gian trước và sau Tết nguyên đán, hoa sim nở rộ tím biêng biếc nên nhiều người dân địa phương rủ nhau đến ngắm hoa. Từ triền đồi nhìn xuống, một màu tím trải dài tít tắp khiến những ai đã từng "trót yêu" bài thơ bất hủ của Hữu Loan đều như hiển hiện trước mắt. Tạo ra được cảnh quan cho người ta nhìn ngắm là một niềm vui đối với Nguyễn Đức Vân. Anh dự định sẽ kiếm những tảng đá lớn về đặt dưới những gốc sim, trong mỗi tảng đá sẽ khắc những bài ca dao, những câu tục ngữ để người dân địa phương, trẻ em và du khách khi đến đây thăm thú sẽ cảm nhận được sự tài hoa, nét thâm thúy của cha ông lưu lại cho lớp hậu bối qua ca dao, tục ngữ…
Việc bứng sim về trồng tạo thành một đồi sim duy nhất ở vùng đồi núi Bảo Lộc của Nguyễn Đức Vân cũng đã khiến anh trở thành… nhà bảo vệ môi trường. Anh được Thời báo Kinh tế Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương về hoạt động bảo vệ môi trường và tặng anh 1.000 cây thông giống để trồng chung quanh đồi nhằm tạo cảnh quan, bóng mát cũng như che chắn, giữ đất cho đồi sim.
Trên đỉnh đồi, Vân dựng một ngôi nhà nhỏ bằng gạch không tô để làm nơi trú thân, kinh kệ, sáng tác thơ, nhạc và cũng là đón tiếp bạn bè văn nghệ từ Sài Gòn lên thăm. Đêm sương mù Bảo Lộc, đốt đống lửa ngoài sân, quây quần bên chiếu nhạc, nhấm nháp chum mật sim… không còn gì tuyệt thú bằng!.
Hà Đình Nguyên 
Nguồn: thanh niên Online
Theo http://thvl.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...