Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Kho tư liệu khổng lồ về âm nhạc

Kho tư liệu khổng lồ về âm nhạc
Một bộ sưu tập âm nhạc độc đáo tồn tại ở Freiburg từ năm 1914 dưới dạng trung tâm lưu trữ âm nhạc dân gian đã, đang và sẽ cung cấp nguồn tư liệu khổng lồ cho các nghiên cứu về âm nhạc của Đức và thế giới.
Trước đây, thư viện này là Trung tâm Lưu trữ âm nhạc dân gian Đức, nhưng giờ được chuyển thành Trung tâm Văn hóa và âm nhạc đại chúng (CPCM). Các nhà nghiên cứu tại đây không chỉ tiếp cận tác phẩm một cách đơn thuần như hát theo giai điệu hay đến nghe ở CLB các chương trình âm nhạc mà còn được cung cấp một dữ liệu thông tin đầy đủ về sự phát triển, thay đổi theo thời gian của tác phẩm; mỗi yếu tố thay đổi, phát triển đều có hoàn cảnh lịch sử đi kèm (để hỗ trợ, giải thích). Ví dụ, lời gốc của một tác phẩm âm nhạc như thế nào, các mốc thay đổi ra sao…
Trong nhiều thập kỷ, các trường học, nhà thờ bị ép hát những bài hát dân gian. Đó là một phần lịch sử của âm nhạc dân gian – Giám đốc CPCM Michael Fischer nói. Ông và đồng nghiệp không bó hẹp cái nhìn về âm nhạc dân gian trong việc xác định đối tượng nghiên cứu của mình. Cùng với những bài hát dân gian truyền thống, âm nhạc nổi tiếng của Đức và nhạc pop của Mỹ đều là nguyên liệu cho các nghiên cứu. Trước năm 1950, các nghiên cứu về âm nhạc dân gian đều cho rằng, bài hát chỉ gồm giai điệu và lời.
Nhưng sau đó, quan niệm này thay đổi do sự phát triển của nhạc pop và những hình thức phân chia, ảnh hưởng của nó. Fischer cho rằng: Khi xem các chương trình trên truyền hình, thực chất bạn đang xem cách dàn dựng sân khấu, văn hóa giới trẻ và cách tiếp thị âm nhạc, chứ không phải lời hay giai điệu của bài hát. Chính vì thế, Trung tâm đang thực hiện nghiên cứu về những thách thức mà âm nhạc dân gian phải đối mặt trước làn sóng internet cũng như cách các ngôi sao sử dụng yếu tố cá nhân như thế nào để thành công, như trường hợp của Brigitte Bardot hay Conchita Wurst. Chỉ tài năng ca hát không làm nên thành công, đó còn là hiệu ứng sân khấu và bề ngoài bắt mắt.
Người sáng lập Trung tâm Lưu trữ âm nhạc dân gian Đức là John Meier – học giả ngôn ngữ và văn học dân gian Đức. Ông bắt đầu sưu tầm âm nhạc 100 năm trước, tập trung vào những bài hát về người lính và các cuộc chiến, phần lời chỉ là những bản chép tay, còn giai điệu được truyền miệng. Meier luôn mong muốn bộ sưu tập của mình ngày càng phong phú, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của mọi người. Ông từng đưa ra quan điểm, một bài hát dân gian phải là bài hát được truyền miệng. Nhưng ngay cả 100 năm trước, cách tiếp cận này đã lỗi thời. Âm nhạc đại chúng, thương mại tồn tại song song với âm nhạc truyền thống. Sau khi một bài hát ra đời, người ta đã ghi âm, viết sách về nó, rồi phát trên đài. Ai cũng biết lời của bài hát như thế nào, phải hát ra sao. Ngày nay, chúng ta gọi đó là dòng nhạc chính thống.
Michael Fischer và các chuyên gia thuộc nhiều ngành khác nhau đang làm việc tại CPCM thường quan tâm nhất đến các thể loại âm nhạc được mọi người nghe để có thể nghiên cứu cả xu hướng xã hội ở đó. Chính vì vậy, họ đã tiếp nhận tới 20.000 đĩa đơn của nhiều đối tượng công chúng cho thư viện của CPCM. Chúng tôi không phản đối việc sưu tầm tư liệu hiếm, nhưng với nghiên cứu, các tư liệu phổ biến, chính thống cũng nói lên được nhiều điều. Chúng tôi đang đi tiếp con đường của John Meier, ông ấy từng nói, âm nhạc là của số đông.
Âm nhạc chứa đựng tất cả các mặt, khía cạnh của đời sống, từ trước đến nay vẫn vậy. Luôn có những bài hát sống mãi với thời gian, nhưng mỗi thế hệ lại có cách thể hiện, làm mới riêng theo văn hóa và sở thích của mình. Âm nhạc là một phần của văn hóa. CPCM lưu giữ âm nhạc dân gian của nhiều thế hệ, dưới dạng nhiều album, mỗi album là một nhóm bài hát nổi tiếng. Các nghệ sỹ Đức như Heino và Boney M, hay các nghệ sỹ quốc tế như The Beatles, Madonna và Michael Jackson cũng có mặt trong kho dữ liệu của Trung tâm… Fischer tin CPCM sẽ tiếp tục bận rộn với kho dữ liệu trong thế kỷ tiếp theo. Bởi hiểu được bối cảnh xã hội bài hát tồn tại cũng quan trọng với các nhà nghiên cứu thuộc những lĩnh vực khác, từ xã hội học, tâm lý học, sử học đến thần học…
Minh Hà
Nguồn DW
Theo https://nghiemluongthanh.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXTrường đời 2

Trường đời 2 XVII- Buổi chiều hôm ấy, mãi quá ba giờ, Khánh Ngọc mới ra chỗ làm. Nàng đi thẳng ngay đến mỏm núi Sám Coọc mà nàng biết chắc...