Bao la là tiếng nói của độ
lượng. Đời không thấy tha thứ cho nhau mà vẫn mơ ước bao la. Ai cũng thích những
cánh đồng mênh mông, những chân trời rộng mở. Sao mà lắt léo thế? Con người
luôn luôn sẵn sàng tham dự những chuyến đi bồng bềnh, sảng khói với những chân
trời không thấy. Thèm gió bể khơi. Thèm núi đồi trùng điệp. Hân hoan reo ca
cùng chim chóc. Nâng niu những hoa đồng cỏ nội. Ai cũng thế. Không riêng ai. Đến
với đất trời như những đứa con của vũ trụ, mà tấm lòng thì đóng kín tối tăm.
Sao mà biển lận với trời đất quá vậy?.
Đời đã mở cho ta những cõi rộng.
Mà lòng nhân gian thì quá hẹp hòi. Có cái gì bất trắc mà nẩy sinh như thế. Đã vậy
thì không nên sàm sỡ thốt tiếng bao la, mở lời rộng rãi. Đánh lừa thiên hạ còn
khả thứ. Đừng bất kính với đất trời. Chưa bao giờ đóa sen, đóa hồng nở một cách
gian dối. Lòng không nở được một điều gì tốt đẹp thì thôi. Đừng ép gượng.
Con người ta cũng hay đấy chứ.
Dễ quên có phải là cái vốn liếng ở đời? Sống với người thì hẹp. Hẹp quá! Mai
đây ra đứng trước cõi bao la thì nói chuyện phiêu bồng. Vả chăng, trời đất cũng
dễ tính. Làm gì có chuyện trời đất ganh đua với người. Có chăng, chỉ là ganh với
hồng nhan, với tài mệnh.
Thế ra, ông Trời cũng khéo lắm.
Cũng bày ra những cuộc chơi riêng. Chơi với kẻ tương xứng. Hiểu ra như thế thì
những định mệnh nổi trôi mới khỏi buồn.
Thời nào cũng có những hồng
nhan đa truân. Bất cứ ở đâu. Kiều năm xưa hay Kiều nay thì cũng vậy. Gặp được
người đồng điệu thì nói ngay tiếng nặng tình. Tinh lắm. Đã gặp được thì không
bao giờ gieo lời mắc mỏ. Làm vậy, không những xấu mặc, mà xấu lòng.
Hình như có sự xếp đặt của
ai đây. Bàn tay ghép gán quả là tài tình lắm. Tài tình và tài tử. Tài tử trong
cái nghĩ ẩn báu lộng ngọc của cuộc đời. Bởi khi ta chạm đến tấm lòng quí giá
kia của Kiều thì lập tức ta gặp cái bao la của trời đất. Hay lắm! Quỷ quyệt đến
thế thì hết sức.
Và – cái bao la kia là gì vậy?
Là gì mà ai nấy đều nặng lòng với? Có kẻ đứng trước bao la mà không thấy được
bao la. Có kẻ ở buổi bình minh, nghe tiếng chim hót đã chạm mặt với cõi vô lượng.
Biết được vô lượng là cùng lúc đến với vô biên. Hay đôi khi gắn bó, hòa lẫn với
nhau trong một cuộc hôn phối son sắt. Qua tay kẻ phàm nhân, cái vô biên được ví
von đối chiếu nghịch lý với cuộc đời hữu hạn của con người. Nhưng nếu rảnh rỗi
một chút hãy ra nhìn sông nước thử. Cái vô biên nằm đâu đó trên cánh vạc chở
hoàng hôn về núi mỗi chiều.
Chạm đến vô biên là nhắc nhở
cái lý sinh tử ở đời. Là muốn tầm tích con đường vô định của sự sống chết. Thường
khi nó gây nên sự buồn bã không nguôi trong kiếp nhân sinh. Trái lại, đi vào
cõi bao la người ta nhận ra được nỗi hân hoan trong lòng. Khi bắt được cái nhịp
của trời đất, lòng ta bỗng reo ca, nhảy múa trong một hòa âm thuận chiều. Một
cái gì đó soi tỏ đời ta như đạo đạt. Đó là cái bước nhảy hân hoan, nối liền trời
với đất, của Zorba trên bờ biển. Cái hạnh phúc đó không đến với mọi người. Cái
sự hòa nhịp kia cũng không thể có nếu lòng ta không được trang bị vẻ thênh
thang của vũ trụ. Có thực sự chạm đến cõi vĩnh phúc vô hình, mới hý lộng, mới
nhảy múa say sưa đến thế được.
Cho nên, nói đến chuyện
riêng chung của trời đất là nói trong cái lý đó vậy. Cũng không dễ gì tập tành
sự độ lượng. Muốn có được phải làm cả một cuộc đổi đời. Thay cái nhìn. Thay trí
óc. Và tuyệt đối phải có một con tim đẹp đẽ.
Nếu không, cái tình với cõi
bao la kia chỉ là cái tình gian lận. Và còn thú vị gì một cuộc chơi thiếu hào hứng
như thế. Trời đất nương ta, nhưng ta vốn như con bệnh, thủy chung không phát
giác được gì. Con mắt rêu phong đã đóng kín ta lại với thế giới ích kỷ, hẹp
hòi, riêng tư. Làm sao còn nghe ra tiếng hoan ca của thế giới bên ngoài. Nếu bảo
là nghe, thì sao lại có thể thiếu hòa điệu đến thế được. Chân tay trì trệ. Đời
sống như đóng đinh, xa cách. Đừng mưu toan với trời đất. Hạnh phúc xa lạ kia chỉ
dành cho người có lòng. Kẻ hời hợt dễ đàm tiếu, thị phi về cái hạnh phúc đó lắm.
Bởi nhìn gần, hạnh phúc đó có vẻ phù du quá. Không mang lại áo cơm. Đến thế thì
còn nói thêm được một lời nào nữa. Hãy ôm lấy cái phần của mình. Kẻ nổi trôi gặp
người trôi nổi. Cứ theo trời xa đất rộng kia mà rong chơi vui thú một đời vậy.
1973 tháng 9
Trịnh Công Sơn
(Trích: Bửu Ý – Trịnh Công Sơn Một Nhạc Sĩ Thiên Tài – 2003)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét