Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Âm nhạc: Thể loại Biến tấu (Variation)

Âm nhạc: Thể loại Biến tấu (Variation)
Biến tấu (Variation) là một hình thức trong đó các cách trình bày một chủ đề được biến đổi hoặc đưa ra theo các cách sắp xếp có sự thay đổi. Trong thế kỷ 18 và 19 chủ đề thường được trình bày trước, tiếp theo là một số biến tấu, do đó mà có cách diễn đạt  “theme and variations” (chủ đề và các biến tấu).
Trong thế kỷ 16, các vũ khúc được sử dụng nhiều làm cơ cấu cho các biến tấu. Nghệ thuật này đạt tới một thời kỳ phát triển cao ở Tây Ban Nha thế kỷ 16 trong các tác phẩm cho vihuela và đàn phím của Cabezón và những người khác. Những người chơi đàn virginals (một nhạc cụ có bàn phím, hình vuông, không có chân) ở nước Anh cuối thế kỷ, đáng chú ý là Bull, Farnaby, Gibbons và Byrd, cũng nổi trội và ảnh hưởng đến các nhà soạn nhạc lục địa, đặc biệt là Sweelinck và Scheidt.
Ở nước Ý thế kỷ 17, Frescobaldi, tiếp tục viết các variation – khuôn khổ truyền thống chẳng hạn như romanesca và folia, có xu hướng đặt các nốt cơ cấu vào các nhịp mạnh mẽ, thay đổi cơ cấu theo một cách sắp xếp tuần hoàn. Biến tấu giai điệu về sau (ví dụ như với Pasquini) trở nên quan trọng hơn, một xu hướng tiếp diễn trong các biến tấu của G.B. Martini, Platti, Alberti và trên tất cả là J.C. Bach. Việc lồng một biến tấu nhỏ vào một bộ tác phẩm lớn bắt đầu xuất hiện khoảng thời gian này.
Ở miền bắc và trung nước Đức, các biến tấu hợp xướng được phát triển trong thế kỷ 17, đầu tiên bởi Sweelinck và Scheidt và sau là Weckmann và Tunder, biến đổi mỗi đoạn của hợp xướng organ, thường bằng những motif có liên quan đến lời ca. Các biến tấu tự do trở thành nét đặc trưng của cách sử dụng ở miền bắc nước Đức, dẫn tới thể loại chorale fantasia (khúc phóng túng hợp xướng) khi được Buxtehude hoàn chỉnh. Ngược lại, ở miền nam nước Đức, cùng với Pachelbel, các hình thức nghiêm ngặt được ưa chuộng lơn và biến tấu cuối cùng (final variation) của một bộ tác phẩm thường là fugue. J. S. Bach đã sử dụng gần như tất cả các kiểu cách: passacaglia và chaconne trong các tác phẩm cho organ và solo violin; dựa vào một số chương thanh nhạc, gồm cả “Crucifixus” của Mass giọng si thứ; chorale partitas cho organ theo kiểu của Böhm và Buxtehude; các biến tấu luân khúc (canonic variations) cho organ trên chủ đề Vom Himmel hoch. Các biến tấu Goldberg thể hiện sự phát triển cao nhất về mặt nghệ thuật  trong các biến tấu bè trầm.
C.P.E. Bach và Haydn tiếp tục khai thác kiểu biến tấu bè trầm triệt để, nhưng từ khoảng năm 1770 các biến tấu giai điệu chiếm ưu thế trong các tác phẩm của họ và những người khác. Haydn đã viết một số ít bộ biến tấu độc lập nhưng có các chương biến tấu trong một số tác phẩm thính phòng và cho dàn nhạc, thường biến đối hai chủ đề luân phiên (chẳng hạn như chương hai của các giao hưởng số 53 và 63, và các biến tấu giọng Pha thứ cho piano). Đôi khi ông kết hợp các biến tấu với rondo hay hình thức bậc ba. Các bộ biến tấu cho piano độc lập của Mozart, na ná các ứng tác của ông, rất phổ biến trong thời ông sống và cả trong thế kỷ 19. Ông cũng sử dụng hình thức biến tấu trong các divertimento, serenade và concerto, đôi khi trong các tứ tấu và piano sonata, nhưng chưa bao giờ sử dụng trong một bản giao hưởng. Hầu như tất cả đều là kiểu biến tấu giai điệu với hòa âm cố định. Biến tấu Adagio áp chót (thường mang tính tô điểm cao), một biến tấu giọng thứ tương phản và một biến tấu cuối cùng tốc độ nhanh (thường ở nhịp 6/8) là các nét đặc trưng. Trong các biến tấu thời kỳ đầu tiên của mình, ông đã lặp lại cách làm của Bach bằng việc nhắc lại chủ để ở cuối, nhưng ở thời kỳ sau ông soạn các biến tấu cuối cùng được phát triển (expanded final variation).
Một “climactic final variation”, thực ra là một coda phát triển, là một nét đặc trưng trong hầu hết các bộ biến tấu của Beethoven. Các bộ thời kỳ đầu của ông chủ yếu dựa trên các bài ca và giai điệu opera phổ biến. Giữa những năm 1800 và 1812 ông thường sử dụng các biến tấu trong khuôn khổ một hình thức tác phẩm lớn hơn (chẳng hạn như trong chương cuối của Giao hưởng “Eroica” và trong các chương chậm của giao hưởng số 5 và số 7, tam tấu piano op. 97 và “Appassionata” Sonata op.57); từ năm 1818 các biến tấu trở thành tâm điểm tinh thần của một số tác phẩm quan trọng, gồm cả các tứ tấu đàn dây, các piano sonata và giao hưởng số 9. Các biến tấu Diabelli là một đại diện thu nhỏ của kiểu cách và kỹ thuật biến tấu thời kỳ cuối của Beethoven.
Các biến tấu đầu thế kỷ 19 rơi vào hai nhóm: các “biến tấu chính thức” của kiểu Cổ điển Vienna và các “biến tấu đặc sắc” được định đoạt bởi những ý tưởng và hình tượng mới mẻ của trường phái Lãng mạn. Loại thứ nhất do Hummel, Cramer và Spohr đại diện, loại thứ hai do  Weber, Schumann và Mendelssohn. Schubert sử dụng cả hai loại, Chopin và Liszt đã đem kỹ thuật điêu luyện vào các biến tấu đặc sắc của họ. Bậc thầy vĩ đại nhất của các biến tấu ở cuối thế kỷ 19 là Brahms. Các biến tấu Handel cho piano của ông là điển hình của kiểu cách biến tấu duy trì nghiêm ngặt theo luật với fugue ở cuối ; bè trầm là yếu tố nâng đỡ, như ở trong các phần final của giao hưởng số 4 và Các biến tấu St. Antony. Các biến tấu Paganini là các ví dụ của kiểu cách virtuoso với vai trò là một loạt “etude cho piano”. Brahms cũng kết hợp các biến tấu với các hình thức khác.
Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các biến tấu phóng túng (fantasia variation), kết hợp các chất liệu tự do, được ưu tiên. Các ví dụ là Các biến tấu trên một chủ đề Rococo cho cello và dàn nhạc của Tchaikovsky, Các biến tấu giao hưởng của Dvorak và Franck, Don Quixote của R. Strauss. Các biến tấu Enigma của Elgar, trong khi chứa đựng các yếu tố chương trình, vẫn mang tính thông lệ hơn về hình thức, song đại diện quan trọng nhất cho các truyền thống lâu đời hơn là Reger. Ông và Brahms ảnh hưởng tới Schönberg, Berg và Webern. Schönberg thừa nhận các tiền lệ từ Brahms trong các biến tấu op. 31 cho dàn nhạc của mình. Cách xử lý các biến tấu của Webern xứng đáng là các bài luyện đặc biệt và các nhà soạn nhạc tiếp theo, gồm cả Dallapiccola và Nono, đã sử dụng các kiểu biến tấu được trường phái 12 âm đưa ra. Các nhà soạn nhạc không thuộc trường phái 12 âm như Hindemith và Britten đã tạo ra cách sử dụng đáng chú ý các kỹ thuật biến tấu.
Ngọc Anh dịch
Nguồn: The Grove Concise Dictionary of Music
Theo https://nghiemluongthanh.wordpress.com/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguồn gốc các loài 4

Nguồn gốc các loài 4 CHƯƠNG XI Phân bố địa lý Tình trạng phân bổ hiện tại không thể là do sự khác nhau về điều kiện vật lý - Tầm quan trọng ...