Trong những lần trở về thăm đất mẹ, tôi đã có những chuyến đi
đến các vùng dọc miền đất nước. Mỗi vùng là một đặc thù về con người, tình cảm,
phong tục và tập quán...mỗi vùng đất là một sự trãi nghiệm thực sự thú vị. Sau
chuyến thăm lục tỉnh Nam kỳ, tôi ra miền Trung rồi lên miền Tây bắc, và chuyến
đi Tây bắc này đã để lại nhiều ấn tượng đẹp về con người và cảnh vật nơi đây.
Trời Hà Nội vẫn còn lác đác những giọt sương mai trên những
vòm lá và sương mù vẫn phủ kín lối đi khi chúng tôi có mặt tại ga tàu lửa để
mua vé cho chuyến đi lên Lào Cai. Sáu giờ sáng nhưng ga Hàng cỏ đã chật cứng
người, kẻ đi xuôi, người về ngược. Đây là ga trung tâm đi các miền của đất nước
nên có rất nhiều tuyến. Điều đầu tiên tôi thấy là dòng người chen chúc để mua
vé, ai cũng sốt ruột mua cho mình một tấm vé cho chuyến đi sớm nhất nên cảnh
chen lấn đã diễn ra. Dường như ở đây, thói quen xếp hàng không tồn tại, mạnh ai
người nấy chen. Cảnh hổn loạn, chen lấn, xô đẩy, tiếng kêu, tiếng la bắt đầu rối
lên, tôi thực sự choáng váng trước cảnh tượng này. Một bạn đồng hành tôi bảo
chúng tôi trông hành lý rồi hòa vào đám đông chen chúc. Một lúc sau người bạn quay
ra mồ hôi lấm tấm, trên tay là mấy chiếc vé cho chuyến đi lên Lào Cai. Bấy giờ
chúng tôi mới được an tâm ngồi đợi giờ lên tàu để đến thăm một vùng đất xa xôi
và lạ lẫm, nơi có các dân tộc thiểu số sinh sống. Đảo mắt nhìn quanh một lượt,
tôi thấy phòng chờ khá khang trang và rộng rãi, được trang trí các dãy ghế ngồi
rất chắc chắn và đẹp, trên tường có treo tivi lớn chiếu các đài cho hành khách
thư giãn trong lúc đợi tàu. Vì là một ga lớn với rất nhiều tuyến đường nên
phòng đợi khá đông người, mỗi người một vẻ. Phần đông họ tay xách nách mang, từng
đoàn người, từng từng lớp lớp kéo nhau đi, người lớn dắt trẻ con, hành lý lủng
củng, nặng nề, những chú gà sống được bỏ trong bu gà, thò cái đầu có mào đỏ ra
ngoài kêu ..cục..cục..rất vui mắt.
Cũng chẳng phải đợi lâu, chúng tôi đã được lên chuyến tàu đưa
lên Tây Bắc. Lúc này lòng tôi bỗng háo hức và hồi hộp. Ghế ngồi của tôi sát bên
cửa sổ nên ánh sáng và không khí rất dễ chịu và thoáng mát. Khoảng năm phút sau
thì tàu chuyển động, bắt đầu hành trình đưa chúng tôi đến vùng đất xa lạ. Suốt
thời gian tàu chạy, tôi đã say mê ngắm cảnh núi non đẹp đẽ hùng vĩ bên ngoài cửa
sổ. Đây là vùng núi phía Bắc, với vô vàn núi rừng trùng điệp nối tiếp nhau chạy
xa tít mù tắp như không bao giờ dừng lại. Trên sườn núi những mảnh ruộng bậc
thang ẩn hiện trong mây nhìn khung cảnh rất ngoạn mục. Tàu của chúng tôi chạy
men theo các sườn núi, vì là đường đèo nên tàu hết lắc bên này lại nghiêng bên
kia, đó là cảm giác khác rất xa với những lần ngồi trên những chuyến xe hoặc
tàu hỏa mà tôi đã đi trước đó dưới đồng bằng. Nhìn về phía sau, con đường quanh
co uốn lượn như một con rắn khổng lồ vắt vẻo qua các sườn núi tạo nên một cung
bậc cảm xúc rất riêng mà tôi chỉ biết gọi vui là "cảm xúc Tây Bắc."
Tàu chạy suốt hơn tám giờ đồng hồ và được nhân viên trên tàu
thông báo sẽ kết thúc hành trình ở ga Phố Lu. Tàu chậm dần vào ga, đây là một
ga nhỏ nơi biên giới xa xôi nên người xuống và lên tàu cũng rất ít, chỉ có một
vài người dân địa phương và một vài người khách du lịch theo kiểu khám phá, một
kiểu du lịch "bụi" mà giới trẻ ở Việt nam gọi là "đi phượt”. Và
thêm một vài nhà nhiếp ảnh đi lên vùng núi này để săn ảnh. Nghe nói vùng núi
phía bắc nầy là thiên đường cho các nhiếp ảnh gia vì cảnh vật và con người nơi
đây đã mang về cho họ rất nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế. Tôi bước
xuống tàu, nhìn quanh khắp sân ga, cảnh vắng vẻ và đìu hiu khiến có một cảm
giác lạ lẫm. Vốn đã quen với nơi đông đúc, nay gặp cảnh này tôi thấy bâng
khuâng. Bước ra cửa nhà ga trong không khí se lạnh, một vài người bán hàng rong
chạy tới mời mọc, năn nỉ, một anh xe ôm lại hỏi về đâu để anh chở về, nhưng người
bạn đã thu xếp xe cộ từ trước, xe đưa chúng tôi về huyện Bắc Hà, một trong hai
vùng đặc sắc nhất của tỉnh biên cương xa xôi hẻo lánh. Gọi là trị trấn, nhưng
nó chỉ nhỏ xíu với vài ngôi nhà lác đác đìu hiu của các hộ người Kinh lên đây
làm ăn buôn bán, nghe nói các dân tộc thiểu số ở nơi xa hơn, trong các bản ở
ngang sườn núi, họ chỉ xuống thị trấn để mua sắm những thứ nhu yếu phẩm và trao
đổi những sản vật mà họ săn bắt và gặt hái được. Một người sống ở đây lâu năm
cho biết thêm, chúng tôi có thể thuê phòng nhà nghỉ ở ngay thị trấn này với giá
rất rẻ là khoảng 120 ngàn Việt Nam (khoảng 6 đô-la) hay vào xin ở trong các hộ
gia đình dân tộc thiểu số cũng được và họ rất mến khách, sẵn sàng chào đón bất
cứ ai muốn vào ở cùng gia đình họ. Một phần còn bỡ ngỡ chưa quen nên tôi chọn ở
nhà nghỉ ngoài thị trấn và sẽ đi vào các bản để thăm và tìm hiểu các hộ gia
đình sau. Hơn tám giờ đồng hồ lắc lư trên tàu, cảm thấy hơi mệt nhưng khung cảnh
và khí hậu ở đây khiến tôi rất háo hức muốn đi thăm viếng ngay, không muốn nằm
nghỉ chút nào. Tôi vào chợ để kiếm một cái gì ăn lót dạ sau một chuyến đi dài.
Nơi đây, chợ như là một trung tâm thương mại, nó được tổ chức thành một vùng đất
bằng dưới chân núi, các hàng quán, hàng tạp hóa được bày bán dưới các tấm lều bốn
góc một cách tạm bợ và sơ sài. Dù được coi là đông vui và sầm uất nhất nhưng nó
cũng chỉ lèo tèo vài hàng quán dường run rẩy dưới những ngọn gió heo may.
Bước vào một hàng ăn, dưới một căn lều bốn góc, bên trong đặt
vài bộ bàn ghế rất đặc biệt chưa từng thấy nơi nào dưới vùng đồng bằng có được,
những băng ghế dài được đóng từ một tấm ván có bốn chân chỉa ra, nứt nẻ, củ kỹ
và bám đầy bụi bặm. Có nhiều thức ăn được giới thiệu, và tôi đọc thấy trong
menu một món ăn truyền thống ở đây mà người ta bảo không ăn món này thì coi như
là chưa đi lên vùng Tây Bắc, đó là món Thắng cố. Thắng cố là một món ăn có dạng
như một nồi súp hay đúng hơn là một nồi hầm của thịt ngựa được bắc trên lò và đỏ
lửa luôn luôn. Trong nồi là đủ các bộ phận của con ngựa sau khi được làm thịt đều
bỏ vào đây hầm cùng một vài loại gia vị và dược thảo. Tôi vốn không thích ăn thịt
nên đã chọn cho mình một món ăn dân dã hơn và phù hợp hơn đó là món Mèn mén. Giống
như bánh mì ở châu Âu và gạo ở vùng xuôi, Mèn mén là món ăn chính và phổ biến ở
đây, nó được chế biến từ hạt bắp nấu lên bỏ vào cối quết nhuyễn và trộn với gia
vị. Khi suất mèn mén được đưa ra, tôi đã bị mê hoặc bởi màu vàng của bắp và làn
khói nóng hổi bốc lên đưa một mùi thơm dịu nhẹ và ngọt ngào. Nếm thử món mèn
mén ấm nóng mới bắc trên bếp xuống, vị ngọt và bùi của bắp với một vài loại gia
vị hòa trộn khiến cho tôi rất thích thú. Chỉ một loáng sau, tôi đã ăn hết dĩa
mèn mén một cách ngon lành. Không biết vì nó ngon, lạ hay là vì đói sau cuộc
hành trình dài, nhưng thật tình tôi đã rất yêu thích món ăn này đến nỗi định bụng
sẽ ăn nó lại vào ngày mai.
Dạo một vòng quanh khu chợ, tôi cảm nhận được rất nhiều điều.
Là nơi tập trung buôn bán và trao đổi của người miền xuôi với người miền ngược,
và của người miền ngược với nhau nên nơi đây tập trung rất nhiều các cộng đồng
sắc tộc anh em. Áo quần của họ rất đẹp, tất cả được dệt bằng thổ cẩm, là những
sợi của cây lanh do chính tay họ trồng, giã, tách sợi và dệt, nên mỗi bộ áo quần
của họ từ khi bắt đầu làm cho đến khi hoàn thành phải mất cả năm. Mỗi sắc tộc
được phân biệt qua tập tục, vùng cư trú và nhứt là qua trang phục. Ở đây phần lớn
là người H’mong, trong đó có H’mong đen và H'mong đỏ là dựa trên màu sắc của
trang phục họ mặc, ngoài ra còn có người Hà Nhì, Lô Lô, Tày, Nùng. Mỗi sắc tộc
ngoài y phục khác nhau còn mang một loại nữ trang riêng. Các vật trang trí trên
tay, cổ và trang phục được làm rất đẹp và tinh xảo, phần nhiều được làm bằng bạc
trắng, những tua rua trên áo có đính những chiếc lục lạc nhỏ kêu leng keng theo
những bước đi, những cử động của người mang, khiến không khí rất vui và nhộn nhịp.
Họ tập trung lại, nói chuyện bằng ngôn ngữ dân tộc của họ, nhưng họ vẫn nói được
tiếng Kinh mỗi khi có người Kinh hỏi chuyện. Hàng hóa họ mang về chợ trao đổi
là những sản phẩm họ tự tay làm được, những mảnh vải thổ cẩm họ tự tay dệt, rượu
bắp họ nấu, rồi gà, lợn, lưỡi cày, lưỡi cuốc, các vật trang sức mà họ làm ra, đều
được mang đến đây để bán và trao đổi. Đi một vòng quanh chợ, cái gì cũng thấy lạ,
cái gì cũng thấy hay, vì đây là lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến, được tận
tay sờ vào những sản phẩm và được trực tiếp nói chuyện với họ, tôi rất vui và
thích thú. Tôi đi vòng vòng dưới cái lạnh se se mà không thấy chán cũng không
thấy mệt. Khi thử bắt chuyện với một người bán hàng là dân tộc H'mong đen, vì
tôi nói giọng miền Nam nên anh ta không hiểu, phải nhờ người bạn đi cùng dịch
dùm. Xa xa là một nhóm người ngồi bán măng rừng, những lúc không có khách thì họ
ngồi tước và se sợi đay, hoặc ngồi may, thêu thổ cẩm. Lúc nào miệng họ cũng nói
chuyện líu lo nhưng hai tay vẫn làm việc thoăn thoắt. Bàn tay có những ngón to,
thô và sần sùi nứt nẻ bởi khí hậu và công việc làm quanh năm suốt tháng, nhưng
ai nhìn cũng có vẻ rắn chắc và khỏe mạnh. Chỉ dạo một vòng quanh ngôi chợ nhỏ,
tôi cũng đã trãi nghiệm và khám phá ra được nhiều điều mà trước đây tôi chưa hề
biết hoặc chỉ biết một cách chung chung, mơ hồ qua sách báo. Tôi thật hài lòng
về chuyến đi đã cho tôi tận mắt chứng kiến được những điều hay, những điều lạ lẫm
tạo thành nét riêng của mỗi vùng miền, mỗi địa phương, không nơi nào giống nơi
nào. Một người dân bản địa cho tôi biết ở đây không có cướp giật, không có móc
túi, không có lừa đảo như ở dưới xuôi hay các khu đô thị khác. Họ sống thật
thà, chất phác và thoải mái tựa như sống trên thiên đường. Điều này khiến tôi bất
ngờ và cảm thấy rất thích thú. Có một điều là dễ thấy là người lao động ở đây
có đủ các lứa tuổi, các cụ già thì bán hàng, các em nhỏ đi bán các vật lưu niệm
cho khách du lịch, mỗi người một việc. Một em nhỏ khoảng 2-3 tuổi được mẹ bỏ
trong gùi mang sau lưng nghiêng qua nghiêng lại theo từng bước đi trông thật
vui mắt.
Sau buổi đi chợ, tôi trở về nghỉ ngơi lấy sức để hôm sau sẽ
vào các bản cheo leo trên núi nơi họ sinh sống. Giấc ngủ đến với những nỗi háo
hức về chuyến đi ngày mai...
Sáng hôm sau, khi sương mù còn dày đặc phủ khắp các lối đi,
tôi đã dậy ăn sáng để đi vào bản. Các bản nơi họ sinh sống cách thị trấn nơi
chúng tôi trọ khoảng 20km nên phải đi xe máy vào gần đến bản rồi đi bộ vào và
chuyến này chúng tôi sẽ đi viếng một nơi có tên là bản Phố. Con đường đi uốn lượn
ngoằn ngoèo ven theo sườn núi, khung cảnh rất đẹp và thơ mộng, sương phủ mờ đường
chúng tôi đi, xa xa từng cụm mây trắng xóa vương vương trên các tàng cây, nó
bay lơ lửng qua đầu tưởng như cứ với tay ra là chạm tới được. Hai bên đường là
những thửa ruộng bậc thang xếp dọc như những bậc cấp lên tận đỉnh núi, lác đác
lúa chín vàng, khung cảnh thật nên thơ và hùng vĩ. Trên đường đi, chúng tôi thấy
rất nhiều người dân bản địa đi làm rẫy hoặc đi hướng về phía chợ, họ mặc áo quần
của dân tộc họ, trên vai đeo những chiếc gùi nặng, tay dắt ngựa cắm cúi đi. Xuống
xe, chúng tôi men theo những thửa ruộng bậc thang, qua những khu vườn mận tam
hoa nở hoa trắng muốt, đi vào nhà một người dân bản địa. Ở đây dân chúng làm
nhà bên sườn núi thấp, không có hàng rào và cũng không có cửa. Không có ai ở
nhà, có lẽ họ bận đi làm nương đến tối mới trở về. Đi qua hai ngọn đồi nữa mới
đến một ngôi nhà khác, lần này có người ở nhà và hai đứa trẻ con, nhà này cũng
không có có hàng rào và không có cửa, giống như các ngôi nhà khác chung quanh
đó. Lòng không khỏi lạ lùng thắc mắc nhưng rồi tôi nhớ lại, khi ở ngoài thị trấn
có người cho biết rằng ở đây không có ăn cắp, cũng không có lừa đảo. Họ rất mến
khách, đó là cảm nhận đầu tiên của tôi. Họ vồn vã mời tôi ngồi bên bếp lửa, lấy
rượu bắp ra mời và nói chuyện rất chân tình. Ngoài sân hai đứa trẻ chơi đùa với
nhau, áo quần xộc xệch, nhưng đứa nào cũng khỏe mạnh nhanh nhẹn với đôi mắt
sáng tinh anh. Viếng thêm một nhà khác, tôi cũng được đón tiếp và trò chuyện rất
ân cần và được mời lại dùng bữa cơm trưa cùng gia đình họ, nhưng tôi phải từ chối
để về chuẩn bị cho chuyến lên thị trấn Sapa ngay trong chiều nay.
Ngồi trên xe lên thị trấn Sapa mà lòng tôi cứ miên man nghĩ về
vùng đất Bắc Hà mà tôi vừa đi qua, nó thấm nhẹ vào lòng, cho tôi hiểu thêm về
tình người, về lòng chân thật, làm tôi bâng khuâng nhẹ nhàng. Trở về với hiện tại,
khung cảnh bên đường là những thửa ruộng bậc thang quen thuộc, những cụm mây vắt
vẻo qua các sườn núi, những người H’mong lặng lẽ và lầm lũi bên đường. Tất cả cứ
xa tít, xa tít rồi nhỏ dần sau xe chúng tôi. Xe chạy khoảng ba giờ đồng hồ thì
đến thị trấn Sapa, nơi đây đông đúc hơn dưới Bắc Hà, là địa bàn cư trú của người
H’mong đen và Dao đỏ. Cao hơn so với Bắc Hà nên không khí càng lạnh và mây mù
nhiều hơn, khung cảnh rất đẹp. Sau khi vào cất hành lý, tôi tản bộ ra các phố gần
đó và thích thú hòa nhập vào phố xá tấp nập, nhộn nhịp giữa người Kinh và người
dân tộc thiểu số. Dưới cái se lạnh và sương bãng lãng, con người như ẩn hiện mờ
ảo trong mây. Bước vào một quán bên đường, ngồi bên bếp lửa than ấp áp, tôi được
thưởng thức một ống cơm lam nóng hổi và ngon lạ lùng. Cơm lam là loại cơm được
nấu bằng gạo nương, bỏ vào ống tre tươi và nướng trên bếp than, đến khi ống tre
cháy là lúc cơm vừa chín, mùi thơm của lúa nướng và mùi tre non quyện vào nhau
thơm nức. Sau ống cơm lam, tôi được mời ăn thêm hai hạt dẻ nướng, hạt dẻ nhập từ
Trùng Khánh to gần bằng quả trứng gà, thơm và bùi ngậy. Rồi tôi lại ăn thêm một
khúc mía nướng, cái vị ngọt của mía nướng rất đậm và mát. Tôi cảm thấy thật hài
lòng về những món ăn đơn giản nhưng lại rất ngon và tinh tế này, tự nghĩ chuyến
đi này đã cho tôi thưởng thức qua những món ăn ngon lạ xưa nay chỉ nghe nói đến
trong văn chương sách vở.
Người từ miền xuôi đem theo tình người miền núi
Nhà sàn lả lơi đứng bên đường hoang vắng soi
Đưa chân anh qua đồi, cơm lam đem theo người
Lên cao anh ôm trời, để dòng suối lẻ loi...
Nhà sàn lả lơi đứng bên đường hoang vắng soi
Đưa chân anh qua đồi, cơm lam đem theo người
Lên cao anh ôm trời, để dòng suối lẻ loi...
(Phạm-Duy, Con đường Cái Quan)
Tiếng khèn dập dìu mời mọc và lôi kéo của một đám thanh niên
đi tìm bạn cất lên đằng xa dưới cái xe lạnh và sương mù phủ kín. Chúng tôi đi
qua một ngôi nhà thờ nguy nga và tráng lệ được xây bằng đá cách đây đã hơn trăm
năm mà làn sương mờ ảo càng khiến nơi đây như linh thiêng hơn và huyễn hoặc
hơn.
Trở về nghỉ ngơi nơi cư trú mà tôi cứ thấy lâng lâng, một vẻ
gì đó rất nhẹ nhàng, mơ hồ, một chuyến đi thú vị, một chuyến khám phá nơi chốn
núi rừng xa xôi, vùng đất với những ngọn núi như nhũng chiếc bát úp chạy mãi,
chạy mãi, vùng đất với các anh em dân tộc thiểu số sống vắt vẻo trên lưng chừng
trời. Những khuôn mặt tôi đã tiếp xúc, những mảnh vườn trắng muốt hoa lê mà tôi
đã đi qua, sự chân chất thật thà của người dân nơi đây...chao ôi, sao mà thân
thương thế, gần gũi mà đáng mến thế, nó cứ chập chờn, len lỏi và giấc ngủ nhẹ
nhàng kéo đến tự bao giờ. Ngủ thật ngon để tiếp tục cuộc hành trình ngày mai...
Đi về phía chân trời - Tuấn Kiệt
Mỹ Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét