”Vườn trưa” cña Nguyễn Văn Hùng (*)
Đã có một số bài thơ hay viết về vườn như: Vườn xưa của
Tế Hanh,Vườn trong phố của Lưu Quang Vũ, nhưng vườn sáng, vườn trưa, vườn
chiều, vườn tối… thành bài hay thì còn hãn hữu!
Chọn thời điểm vườn lúc nào để làm thơ, thiết nghĩ cũng là điều
cần thiết. Huy Cận từng chọn vườn trưa đưa vào thơ mình với những câu thật ấn
tượng:
“Một buổi trưa không biết ở thời nào
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao
Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ
Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự”.
(Đi
giữa đường thơm)
Chế Lan Viên thì “tham” hơn, vườn sáng - vườn trưa - vườn chiều
- vườn đêm, ông đều tận dụng:
“Em đi như chiều đi
Gọi chim vườn bay hết
Em về tựa mai về
Vườn cây xanh lộc biếc
Em ở trời trưa ở
Nón trắng màu xanh che…”
Có lúc ngẫm nghĩ, tôi cứ lo xa mọi cái quen thuộc ở đời các cụ
xưa đã “xài”, con cháu khó tìm ra cái mới trên luống cày thứ một nghìn sau những
luống cày của các cụ.
Đọc Vườn trưa của Nguyễn Văn Hùng, tôi ngộ ra điều
không như tôi nghĩ. Ấy là vì Nguyễn Văn Hùng biết khai thác, tìm tòi, sáng tạo
ra mộtVườn trưa của riêng mình. Bài thơ chỉ có sáu dòng, chia thành ba khổ
như sau:
“Bạch Hạc hoa không ngửa mặt lên trời
Trắng tinh khiết xin cúi chào cát đất
Không rối rít cảm ơn như người
Đất lặng lẽ nhận vào mình hạnh phúc
Tôi lặng lẽ nhận về mình một ít
Những vui buồn hoa cỏ vườn trưa”.
Hai khổ đầu dành cho hoa Bạch Hạc. Mặc dù hoa rất đẹp, rất
sang trọng và đầy kiêu hãnh, song hoa “không ngửa mặt lên trời” như nhiều hoa
khác mà khiêm nhường “cúi chào cát đất” nơi sinh ra mình - nơi cho mình nguồn sống
để nở hoa.
Trong quan hệ, với hoa như là con, nên đất mẹ (trong khổ thứ
hai) “không rối rít cảm ơn” mang tính khách sáo, xã giao hình thức mà “lặng lẽ
nhận vào mình hạnh phúc”, bởi đất mẹ ý thức được trách nhiệm lớn lao của
mình, mừng thầm, tự tin có Bạch Hạc không quên ơn mình, không phụ bạc mình.
Khổ thứ ba:
“Tôi lặng lẽ nhận về mình một ít
Những vui buồn hoa cỏ vườn trưa”.
Đây là khổ dành cho nhà thơ (với tư cách là chủ thể thứ ba,
sau hai chủ thể hoa và đất) nói về cảm nhận của mình từ quan hệ
mật thiết, đặc biệt của đất và hoa. Cũng như đất, nhà thơ lặng
lẽ cảm phục, quý yêu tình thâm của hoa và đất. Hơn thế, nhà thơ còn cảm nhận được
cả vui lẫn buồn vừa của hoa vừa của cỏ vườn trưa, bởi có phải hoa nào cỏ nào
cũng như Bạch Hạc hoa đâu!
Bạch Hạch hoa là vậy!
Đất là vậy!
Con người với con người có như vậy không?
Điều mà nhà thơ không nói ra ở đây nhưng ta vẫn có thể đoán
được, đó là tâm trạng, là tư tưởng nhân văn của nhà thơ về cuộc đời, con người
và thế sự.
Vườn trưa cô đọng, hàm súc, mang hương vị thơ Đường, tứ
hay mà tình cũng đẹp!.
(*) Bài rút trong tập bình thơ "Hai sắc hoa một điệu hồn",
Lý Hoài Xuân, NXB Văn học, 2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét