Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Miếng ván chênh kêu

Miếng ván chênh kêu
Đời là tất cả nhưng chẳng có gì đâu/ Miếng ván chênh kêu giữa nhịp cầu/ Một buổi chiều hôm nghe chó sủa/ Sân hè thóc trải liệng bồ câu…” Bất chợt hôm nào đó không biết nữa, tôi bỗng nhớ lại mấy câu thơ của Xuân Diệu. Từ lâu lắm, có lẽ đó là năm 46 hay 47 gì đó thế kỷ trước, bài thơ được in trên một tờ báo giấy đen ở Việt Bắc kháng chiến.
Mặt trận Huế vỡ, thủ đô Hà Nội rơi vào tay giặc, cuộc kháng chiến mới bắt đầu, chết chóc, khó khăn và đau thương như thi sĩ Hoàng Cầm đã mô tả trong Bên Kia Sông Đuống. Nhưng khắp nơi vẫn dậy không khí hào hùng chống giặc giữ nước. Xuân Diệu, có lẽ chỉ có Xuân Diệu thôi, trong cảnh nước sôi lửa bỏng ấy mà vẫn nghe ra tiếng một miếng ván chênh kêu giữa nhịp cầu, một tiếng chó sủa chiều hôm và cảnh liệng mấy con bồ câu trên sân thóc giữa mùa hè.
Trời ơi, “đời là tất cả” nhưng nhiều khi đời chỉ là như thế. Nếu không có nhà thơ có lẽ ít khi chúng ta nhận ra được những “vi lượng cuộc đời” mà vì nó, nhờ nó chúng ta sống, yêu thương, làm việc, đấu tranh và cả chết nữa. Khi ra nước ngoài, gặp bạn cũ, bạn mới hay người thân ở châu Âu, hầu như người nào cũng không giấu tôi một nỗi buồn, khi nhẹ nhàng với người này, da diết với người khác. Họ thường là những người thành đạt, cuộc sống sung túc, sống trong một môi trường lý tưởng không chỉ nhờ không khí an lành, thực phẩm được kiểm tra kỹ lưỡng mà còn rất thuận lợi cho học tập, làm ăn, làm chủ cuộc đời mình. Và giá trị hơn hết là tự do. Vâng, tự do với họ không còn là thứ xa xỉ hay phải xin mới có. Họ có đủ tất cả điều kiện của một cuộc sống không phải “giật gấu vá vai”, vì miếng cơm manh áo như bên nhà.
Thế nhưng hoặc là họ tâm sự, hoặc tôi tự cảm nhận, họ vẫn có một nỗi buồn.Nostalgie không chỉ riêng ai. Trong một cái quán cóc bên bờ sông Garonne ở Bordeaux, tôi và em, một cô bạn khá thành đạt, ngồi nhấp mỗi người một ly vang “đẹp như ngọn lửa” trong thơ Apolinaire. Em đẹp, rất đẹp nữa là khác, với cái dáng không lẫn được của cô gái Hà Nội gốc. Em thành đạt, ở xứ người không mấy người được suôn sẻ như em. Chồng ở đây, nhà ở đây, mỗi người một chiếc xe và mỗi người một công việc lương khá. Nhưng sao em lại buồn? Em có buồn đâu? Em đang may mắn, em đang được phù hộ đấy chứ? Em đừng giấu tôi. Em có một nỗi buồn thường trực, khó giấu. Nhớ nhà? Nhớ Hà Nội? Không, không nhớ, đã quen rồi. Tôi tạm tin là em không buồn. Ngày trở về, em dặn tôi: “Anh ơi, lần sau có sang anh mang cho em mấy cái củ niễng nhé!”. Tôi ừ và giữ lời hứa. Gặp em ở Bordeaux lần sau, tôi đã may mắn vì ngay ở Hà Nội củ niễng cũng khó kiếm. Tôi có củ niếng cho em thật. Và trong bữa cơm Việt chiều hôm ấy, khi em đặt xuống trước mặt đĩa xào củ niễng tự mình nấu, tôi sững sờ vì nhìn thấy một khuôn mặt khác, một cô gái khác. Em nói: “ Mười mấy năm rồi mới được ăn củ niễng! Cám ơn anh nhiều nhiều! Em nhớ lại quá nhiều thứ anh ơi!” Tôi nhìn em và chắc chắn trong nhiều thứ em đang nhớ có khuôn mặt của mối tình đầu thời sinh viên em từng kể với tôi. Và Hồ Tây, hồ Gươm, đê sông Hồng…Nỗi buồn trong mắt em, trong tiếng nói dịu dàng của em biến mất. Có thể chỉ là “buồn ơi, chào mi!” trong chốc lát. Đời là tất cả nhưng đời nhiều khi cũng chỉ là miếng củ niễng xào thịt bò trên bàn ăn của người xa xứ ở thành phố rượu vang.
Không chỉ em gái Hà Nội ở Bordeaux với mấy miếng củ niễng từ Hà Nội mang sang. Những người khác, dù không mang nỗi nhớ quê của người xa xứ thì vẫn mỗi người có cảm nhận riêng mỗi thứ về vi lượng cuộc đời. Nhưng thức ăn ( thời trân hay đặc sản) có lẽ là chất xúc tác tuy là chuyện nhỏ nhưng lại rất nhạy và rất bền chặt có thể làm tâm hồn run rẩy. Có thể nói mỗi vùng đất cổ, mỗi miền quê kiểng châu thổ sông Hồng đều có một món ăn hoặc một ngọn gia vị gắn với món ăn ấy. Món trứng kiến hai lửa và xôi trứng kiến có người chỉ được ăn từ thời thơ ấu nhưng mỗi lần nhắc tới đã thành một thứ “hương gây mùi nhớ” vùng quê Kinh Bắc, da diết không kém gì một câu quan họ “ngồi đợi mạn thuyền”. Quả vải thiều Thanh Hà, mà chỉ Thanh Hà thôi nhá, có mùi thơm vị ngọt không thể có nơi nào. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sang Pháp du học khi tôi vừa mới tám tháng tuổi. Năm 1963, nghĩa là 27 năm sau, ông về Hà Nội nhưng chưa được về quê vì bận công tác. Ông gửi thư thăm ba mẹ tôi lúc đó đang sống ở Vinh và kèm theo câu nhắn: “Nếu có ra Hà Nội, chị mang cho em một nắm nhút”. Thì ra ba thập kỷ xa quê, một bác sĩ chỉ lo học, rồi tham gia phong trào cách mạng ở Pháp, không phải nhà thơ, cũng không phải người sành ẩm thực như Vũ Bằng hay Nguyễn Tuân, vẫn thèm được ăn một bữa cơm với nhút, một thứ dưa muối bằng mít xanh và ngọn đỗ xứ Nghệ. 
Nhút thường là “chủ lực quân” trong bữa cơm mùa gió Lào của người nghèo hay người ăn kẻ ở trong nhà người giàu. Người Cà Mau nhớ dưa bồn bồn, người Sóc trăng, bánh pía, bún nước lèo. Người Cần Thơ nhớ lẩu mắm, Rạch Giá là các loại bánh khéo, dân Sài Gòn là tô hủ tiếu Nam Vang…với điếu thuốc lá, ly cà phê và tờ “nhựt trình” trên tay mỗi sáng. Toàn bộ cuốn sách rất hay và gây xúc động Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng là vi lượng của một cuộc sống đã trôi vào quá khứ đối với ông, một “trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” không phải nói bằng thơ như Huỳnh Văn Nghệ mà bằng một thứ văn xuôi trác việt.
Vi lượng cuộc sống không chỉ thời trân. Nhiều khi chỉ là tiếng rao đêm, hay sâu xa hơn, một câu hò trên sông, tiếng đập vải bên suối. Một câu Kiều ai bâng quơ ngâm bên võng hay nhiều khi một tiếng cú kêu buồn trong đêm.  Là tiếng chim cu của “một buổi trưa không biết ở thời nào/ Một buổi trưa nhè nhẹ như ca dao, có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ?” (Đi giữa đường thơm – Huy Cận) Ta đang buồn bực, lo âu vì muôn vàn cái lo thời hiện đại. Nhưng nhiều khi bất ngờ như có một ông tiên đến bến ta, trên con đường ta đang đi dang dở, cất trên vai ta cái gánh nặng truyền kiếp của kiếp người. Ta thảng thốt nghe một tiếng chim cu, giục giã, ân cần và bay bổng. Tiếng chim có sức mạnh nâng ta lên, dù trong chốc lát khỏi cuộc đời nặng nhọc. Rồi tự hỏi như nhà thơ: “ Buổi trưa này xưa kia ta đã đi, phải cùng chăng lòng nhớ rõ làm chi?” (Huy Cận) Ta bỗng hiểu ra, “đời là tất cả” nhưng đời cũng là một tiếng chim vô ảnh vô hình, nhiều khi chỉ tồn tại trong ký ức,  trong một buổi trưa hè.
Và biết đâu nỗi đau của ta lại đến từ những sự vô tình khi ta sống mà coi thường hay hờ hững với vi lượng cuộc sống. Cũng như một bệnh nhân bướu cổ không biết nguyên nhân bệnh tình chỉ là một chút i-ốt trong bữa cơm hàng ngày, ta phải mang cái bướu nặng nề trong tim, trong đầu hay một đôi giày có đế bằng chì nặng như cùm dưới chân, cuộc sống bỗng trĩu nặng khác thường gây đau đớn mà không biết vì đâu.
Bệnh thiếu vi lượng “i-ốt” nặng nề hơn với cả một số người ham đội trời đạp đất, làm những việc to tát như bình thiên hạ, rạch đôi sơn hà hay lập mưu tính kế ăn trộm cả một quốc gia. Với họ, tinh thần hiếu đại là lẽ sống. Giấc mơ của họ là rải thây thiên hạ làm công một người. Nhưng lịch sử đã ghi lại không biết bao nhiều “anh hùng gãy cánh”. Bản thân họ không được sống cho đúng nghĩa với một con người cho nên họ thất bại vì coi nhẹ con người và những vi lượng cuộc sống. Nhân vật Andrei Nicolaievich Bolkonsky, một sĩ quan quý tộc trong tiểu thuyết Chiến Tranh Và Hòa Bình chỉ khi bị tử thương ngã vật xuống cỏ mới nhìn thấy những vì sao nhấp nháy trong bầu trời hoàng hôn nơi chiến địa Borodino chưa tan mùi thuốc súng sao mà đẹp đến não người. Napoléon lúc đó phi ngựa đến bên cạnh người sĩ quan Nga, nói câu gì đó với các nguyên soái nhưng Bolkonski chỉ cảm thấy tiếng nói của ông hoàng đế vĩ đại “vo ve như một con ruồi”. Anh đã hối tiếc vì đã từng mơ “trở thành Napoléon của nước Nga” mà đã bỏ quên như chưa hề một lần được ngắm bầu trời. Cũng như người thiếu phụ trong thơ Vương Xương Linh, bỗng chợt thấy một chút màu xanh dương liễu đầu đường mà hối hận vì đã để chồng ra trận đeo đuổi nghiệp công hầu khanh tướng. Nhà độc tài khuynh đảo châu Âu một thời như Napoléon, từng coi con người chỉ là những khối vuông hứng đại bác trong các trận đánh đẹp, bỗng trở thành một con ruồi vo ve trong ý nghĩ của người sĩ quan Nga sau một cái nhìn hiếm hoi lên bầu trời trước ngày lâm tử.
Nghệ sĩ có thiên năng giúp ta phát hiện, khám phá những giây phút nhỏ bé thiêng liêng với mỗi con người dù nó chẳng là gì trong ý thức thô lậu của không ít người. Một miếng ván chênh kêu giữa nhịp cầu, một tiếng cu gáy, hay cả một cánh bướm vàng chẳng là cái gì với họ, những hoàng đế sử dụng những khối vuông người hay những quan vua độc tài tham nhũng có thể nhai ngấu nghiến cả bê tông sắt thép. Nhưng “người là “hoa của đất”, những thứ có vẻ như vô nghĩa ấy chính là hương sắc của hoa. Thiếu cái hương sắc ấy, con người trở nên méo mó, khô cằn và cuộc sống, xã hội có nguy cơ trở thành sa mạc. 
Nguyễn Quang Thân
Theo https://sites.google.com/ 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...