Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Truyện ngắn của Hồ Tĩnh Tâm 1

Truyện ngắn của Hồ Tĩnh Tâm 1
Con chim xanh định mệnh
“Một đêm trăng giật mình ta chợt hiểu
Tội lỗi ẩn mình trong giấc ngủ của ta”
Hồ Tĩnh Tâm
Hùng vừa căng mắt quan sát con chim xanh trên chót vót ngọn cây, vừa xách súng lom khom bước về phía lùm cây nhỏ gần đó. Anh chưa bao giờ thấy con chim nào đẹp như vậy. Màu lông nó biếc xanh màu men ngọc mà anh đã thấy từ một cái bình cổ đời Minh Mạng. Kể ra bắn chết nó cũng uổng. Nhưng anh cần bổ sung nó vào bộ sưu tập chim nhồi bông của mình, anh cần phải bắn trúng nó ngay phát đầu tiên. Bởi lẽ, nếu bắn trật, anh sẽ khó mà tìm được con chim nào lạ như vậy. Hình như hồi còn nhỏ anh đã một lần nhìn thấy loài chim này thì phải. Đó là một buổi trưa. Không, hơi qúa trưa một chút. Con chim xanh ở đâu bay về, đậu ngay ngoài cửa sổ. Nó nghiêng đầu nhìn anh. Tia nhìn của nó có vẻ như thách thức anh đem giàn thun ra bắn. Mà cũng có thể nó không phải là con chim có màu xanh. Lâu qúa rồi, anh không dám khẳng định nó là màu gì. Còn hôm nay thì rõ ràng là con chim màu xanh đang hót vô tư ở trên kia. Chỉ cần nó không nhìn thấy anh, anh sẽ bắn hạ nó một cách dễ dàng. Xưa nay, anh chưa bao giờ bắn trật một con chim nào dưới khoảng cách bảy mươi mét.
Đang mãi miết suy nghĩ, bỗng Hùng giật nảy người vì có ai đó đập mạnh vào vai anh.
- Này, con chim của em đấy! Không được bắn nó!
A, một nàng tiên. Hùng nhe răng cười.
- Nó là của cô thật à? Vậy tôi sẽ trả tiền để mua nó. Tôi còn trong túi mấy ngàn đây.
Cô gái cũng cười. Nụ cười trắng lấp lóa.
- Mấy ngàn làm sao mua nổi. Anh cất súng đi mà sống hòa bình với thiên nhiên. Nó sẽ biết ơn anh, ban ơn cho anh.
Vậy là Hùng quen với cô gái. Cô tên Trâm, nhà ở gò Mỏ Qụa. Cô mời anh lúc nào rảnh ghé chơi.
Ba hôm sau, Hùng rủ một người bạn lội đồng vô thăm cô gái. Gò Mỏ Qụa không lớn như anh tưởng. Trên gò chỉ có ba gia đình sống bằng nghề nuôi cá đìa. Thằng em trai của Trâm đen như củ súng. Thấy chị giới thiệu Hùng là khách, nó nói tỉnh queo:
- Chị Hai bắc nước sẵn đi, nhổ sả sẵn đi. Em chạy ù đi xôm con rắn về nhậu chơi. Hồi mơi này đi đổ ống trúm, em nhìn thấy mấy lỗ mà hổ hành. Đã lắm!
Nó nói như giỡn chơi, vậy mà không đầy nửa tiếng đồng hồ đã thấy xách đem về con hổ hành to bằng cầm tay. Còn nhỏ tuổi mà nó nhậu như uống nước. Chừng đã ngà ngà, nó rủ:
- Mấy anh ở chơi tới mơi đi, tối tui đãi chuột khìa. Món này cũng mức lắm.
Vốn giang hồ lưu linh phiêu bạt từ nhỏ, Hùng và người bạn đồng ý ở lại. Lai rai tới chiều thì ba má Trâm về tới. Ông già thấy có khách, mừng ra mặt, biểu vợ đập đầu con cá lóc nướng trui. Trận nhậu lại kéo dài dài.
Cảm thấy đã chuếnh choáng hơi men, Hùng đứng dậy, ra sạp nước rửa mặt. Lạ thiệt! Ngay mút trên đọt cây me keo là con chim xanh. Tia nhìn của nó như thách thức: “Anh dám bắn tôi không?”. Tự nhiên Hùng tỉnh rượu như chưa từng uống giọt nào. Quay lại, anh thấy Trâm đang nhìn anh cười cười. Hùng hất đầu chỉ lên ngọn cây.
- Ưà, con chim của em đó (Trâm nói)! Cứ vài ngày nó lại bay về thăm em.
Đêm đó, Hùng đang ngủ bỗng giật mình thức giấc. Con chim xanh đậu ngay trên bàn thờ, kế ngọn đèn dầu hôi đang cháy tù mù. Bóng tối làm lông nó đen xạm lại. Nhưng đúng là nó. Nó đứng im như đẻo bằng đá, chỉ có đôi mắt là ánh lên vẻ khiêu khích. “Anh đến đây sẽ không về được đâu! Chừng nào tôi chết tôi mới buông tha cho anh!”. Hùng dụi mắt mấy cái. Đúng là mình còn thức. Vậy đúng là con chim có thật. Hùng xùy một tiếng để đuổi nó, nhưng nó không hề tỏ ra sợ sệt. Nó vẫn nghiêng đầu nhìn anh. “Tôi báo cho anh biết là tôi sẽ không buông tha cho anh chừng nào tôi chưa chết”. Tự nhiên Hùng thấy gai gai trong cột sống. Mồ hôi rịn ra ướt rượt. Mình cần phải giết nó. Nhất định phải giết nó. Không phải để bổ sung cho bộ sưu tập chim nhồi bông, mà chỉ đơn giản là để tiêu diệt. Anh không thể nào chịu đựng được ánh nhìn xấc xược đó. Kéo gập nòng súng xuống nạp đạn, Hùng nhắm thẳng vào con chim. Bụp. Con chim té nhào xuống đất. Máu đỏ của nó trào ra như suối. Nhưng từ giữa vũng máu đầm đìa, con mắt của nó vẫn nhìn anh. “Mày là đồ khốn nạn!”. Hùng hoảng sợ rên lên thành tiếng.
- Anh Hùng! Anh say qúa phải không? Có nước chanh nóng nè!
À, té ra là mình nằm mơ. Hùng tung mền ngồi dậy. Coi đồng hồ thấy đã bốn giờ sáng. Trâm đang nấu cái gì  đó sôi lục bục dưới bếp.
- Tía biểu em nấu cháo cóc ăn cho tỉnh. Thể nào ổng cũng bắt mấy anh lấy ngót sớm. Tánh ổng ngộ lắm, hễ có khách là ngồi nhà nhậu miết. Còn không ai tới chơi, một giọt ổng cũng không rớ tới.
Vừa bửng mặt trời đã thấy con chim xanh bay về đậu trên cây me keo. Vẫn cái màu men ngọc óng biếc. Vẫn đôi mắt hằn học. Nhưng sao tiếng hót của nó lại trong trẻo vậy không biết. Hùng khều anh bạn ra coi. Anh ta bình phẩm:
- Đúng là tớ cũng mới thấy nó lần đầu. Nhìn sắc lông thì có thể coi nó thuộc loài bói cá. Nhưng nghe nó hót thì rõ là không phải. Đích thị nó phải là thứ chim qúy hiếm, thứ chim còn sót lại cuối cùng của thế kỷ. Giá như bẩy được nó thì hay qúa!
Lúc trở về, lội tới giữa đồng, anh bạn nói với Hùng:
- Nè, thú thiệt đi! Mầy mê con nhỏ không? Hễ không là tao bập liền xì.
Hùng thấy xốn xốn trong lòng. Công bằng mà nói thì Trâm đẹp hơn vợ anh nhiều. Trẻ trung, tươi tắn. Gương mặt ngời óng lên vẻ duyên quê, hồn hậu và cởi mở. Đó là thế mạnh của cô. Ngược lại, vợ anh lúc nào cũng cảu nhảu càu nhàu anh đủ thứ chuyện trên đời. Nhất là chuyện anh say sưa sưu tập chim nhồi bông. “bắn giết trong chiến tranh chưa đã, giờ còn đi bắn chim chóc. Con chim nó hại gì anh?”. Hùng bước khỏi nhà thì như chim sổ lồng, bước trở vô nhà thì cứ như chui vô địa ngục. Từ hôm gặp Trâm, lúc nào Hùng cũng thấy tê rần chỗ vai, nơi bàn tay của Trâm đã đập mạnh.
- Ở đời nó vậy(bạn anh nói). Bao nhiêu thằng có vợ rồi cũng thấy sai lầm. Thiên hạ còn có biết bao nhiêu những cô gái dễ thương. Vậy mà có vợ rồi thì bị cấm. Vớ vẩn. Mấy bả đẻ ra luật hôn nhân là để cột chân tụi mình chứ con mẹ họ gì! Yêu mà xấu à? Yêu là bản chất thật nhất của con người. Nếu không phải là mầy quen cô ấy trước thì dứt khoát tao nhào vô. Phải tìm cách đưa cô ấy ra thành. Nhan sắc như vầy mà để giữa đồng nước thì uổng của trời lắm nghen mậy!
Hai người đón đò về tới phố thì trời đã tối.
Đêm ấy, Hùng chui xuống bếp bật đèn làm thơ.
Ta gom hết nắng trời để viết tên em
Ta đặt dưới chân em trái tim ta rướm máu
Ta trụi trần như tên lính không nơi ẩn náu
Bị em bắn gục…
Viết tới đó, Hùng bí, không còn rặn ra được chữ nào. Anh như nhìn thấy con mắt con chim xanh hiện lên chòng chọc nhìn anh trong từng chữ. Hùng bực dọc tắt đèn leo lên giường nằm ngủ. Vợ anh càu nhàu: “Ông chỉ giỏi lục đục cả đêm, không để cho ai ngủ yên giấc bao giờ. Sớm mơi nhớ kêu tiền cao vào mà hốt hụi. Vàng đang xuống đấy”.
Hùng cố dỗ giấc ngủ bằng mấy tiếng, “Trâm ơi chim xanh. Chim xanh Trâm ơi”. Cứ như vậy anh nhẩm đi nhẩm lại mãi. Thốt nhiên anh thấy con chim xanh bay lách vào nhà qua cửa sổ để ngõ. “Ta đã bảo là anh không bỏ đi được, chừng nào ta chưa chết”. Con chim đứng im như tượng đá ngay đầu giường anh. Hùng biết là mình đang mơ, nhưng anh lại cố qủa quyết trong đầu là con chim đang có thật ở trong nhà. Sắc lông màu men ngọc của nó đen xẩm như bị màu của bóng đêm quét lên. Đôi mắt của nó trừng trừng nhìn anh một cách ma quái, đầy khiêu khích. Anh xùy to một tiếng đuổi nó, nhưng nó vẫn đứng im bất động. Hùng nghiến răng bẻ gập nòng súng nạp đạn, nhắm thẳng vào nó. Bụp. Con chim té nhào xuống đất. Máu đỏ của nó trào ra như suối. Nhưng từ giữa vũng máu đầm đìa, con mắt của nó vẫn nhìn anh chòng chọc. “Mày là đồ khốn nạn!”. Hùng hoảng sợ rên lên thành tiếng.
- Nốc cho lắm vào rồi ngủ không được. Báo hại người ta chịu trận cả đêm mùi bợm nhậu.
Nghe tiếng vợ càu nhàu, Hùng tức mình ngồi dậy. Coi đồng hồ thấy đã bốn giờ sáng. Dưới bếp tối om om như nhà mồ.
Sáng ngày, Hùng đạp xe tới nhà anh bạn rủ uống cà phê. Vừa nhấm nháp từng giọt đắng Hùng vừa kể cho bạn nghe về hai lần nằm mơ của mình. Bạn anh cười khà khà.
- Tao hiểu rồi. nó là con chim định mệnh. Cái con chim xanh ấy, nó là con chim định mệnh. Mầy đố thoát vòng tay con nhỏ. Để rồi coi.
Lần này Hùng lại một mình xách súng vào đồng. Đáng lẽ phải lùng chim bổ sung cho bộ sưu tập chim nhồi bông của mình, Hùng lại nhảo thẳng tới gò Mỏ Qụa. Cả nhà đi vắng, chỉ còn mỗi mình Trâm ở nhà.
- Trâm à! Cái con chim xanh ấy, nó không về à?
- Nó bỏ đi đâu cả hơn tháng nay. Chim trời cá nước, làm sao em biết được nó ở đâu.
Hùng rủ Trâm ra bờ bao có cây sao già mà lần đầu tiên anh đã bắt gặp con chim xanh ở đó. Qủa nhiên có con chim thật. Bộ lông màu men ngọc của nó óng biếc lên như  thoa dầu bóng.
- Nó đẹp thiệt! Phải không anh?
- Ừ! Nhưng nó không có hồn. Nó khác em.
Hùng kể cho Trâm nghe về hai lần mơ của mình. Trâm cười hồn nhiên.
- Anh Thiệp, ảnh nói đúng đó. Nó là con chim định mệnh, nó hốt hồn anh rồi.
- Có em hốt hồn thì có.
Hùng nói và nhìn thẳng vào mắt Trâm. Giây phút đó Hùng chỉ muốn ôm chầm lấy Trâm mà ghì xiết cô vào ngực mình. Nhưng anh không dám. Anh nói thác qua chuyện khác.
- Mùa cá này chắc nhà em thu bộn? Dám bao anh đi Vũng Tàu một chuyến không?
- Dám à nghen! Chỉ sợ anh không dám đi.
Con chim xanh vụt bay đi. Ỉa rớt một cục phân nửa đen nửa trắng trúng cổ áo Hùng.
Hai người về tới gò Mỏ Qụa một lúc thì ba má và em trai của Trâm cũng về tới. Thằng em trai Trâm lại sốt sắng xắn tay áo làm mồi.
- Kỳ này cho anh Hai nhậu bứt gân luôn. Hồi hổm tía bắt được con trăn bảy ký. Nhậu bá phát nghen!
Trong khi chờ làm thịt con trăn, ông già Trâm nướng hai con tôm càng xanh to bằng cườm tay con nít, ngồi rấp riu đợi. Ông nói với Hùng:
- Thằng Thiệp nó kẹt gì mà không vô chơi? Tánh thằng đó vui vẻ, vô sống trong đồng hạp lắm.
Tiệc rượu có thêm mấy người ở hai nhà hàng xóm. Người nào cũng thuộc loại mạnh đạn, không biết say là gì. Họ uống và tào lao thiên địa vui vẻ tới khuya. Và đêm đó, bật ngật trong men rượu, Hùng lại thấy con chim xanh bay về, đậu im như tượng đá trên bàn thờ. Và Hùng lại nạp đạn bắn tiêu diệt nó. Hoảng sợ bởi đôi mắt con chim nhìn chòng chọc từ vũng máu, Hùng giật mình thức giấc. Coi đồng hồ thấy đã bốn giờ. Trâm đang lúi húi nấu nồi gì sôi lục bục dưới bếp.
- Để em quậy cho anh ly chanh nóng.
Trâm bưng lên cho Hùng chậu nước nóng để rửa mặt. Cô nhắc anh, nếu nước qúa nóng thì vắt bớt nước trong khăn đi mà lau cho tỉnh rượu.
Sáng ngày, nhìn lên cây me keo lại thấy con chim xanh bay về, đậu chót vót trên đó. Hùng gọi Trâm ra coi. Trâm nói:
- Thấy chưa! Nó đúng là con chim định mệnh của anh đó nghe!
Hai tháng sau, Hùng lại rủ Thiệp vô đồng. Bấy giờ đang giữa mùa khô. Đêm đêm, lửa đốt đồng cháy rưng rức. Không gian thơm sực mùi mật cỏ ngòn ngọt. Thằng em Trâm rủ hai người đi thổi gà nước với nó.
Đồng rộng mênh mông. Gió đông nam thổi rao rao, mát lạnh. Tiếng tu huýt kiên nhẩn thổi vào đêm từng tiếng túc túc buồn não nuột. Từng con gà nước tức tiếng kêu sà xuống, bị dính chân trong lưới, đành chịu phép cho tay người thộp lấy.
Quá nữa đêm, thằng em Trâm không biết nghĩ  sao, vuột miệng:
- Chị Hai tui ca mùi lắm. Phải chỉ ở ngoài thành, nhắm chừng dám thành ca sĩ lắm nhen!
Nghe nó nói, Hùng thấy nôn nao trong lòng. Giá Trâm chịu ra thành kiếm việc gì đó làm thì hay biết mấy. Anh gối đầu lên bờ đìa ngắm trời sao lồng lộng. Thốt nhiên một ngôi sao đang nhấp nháy đột ngột biến thành con mắt con chim xanh. “Mày là thằng khốn nạn!”.
Giáp Tết, vợ Hùng sanh thai bọc phải nằm viện cấp cứu. Mẹ anh từ dưới quê lên săn sóc cho con dâu. Hùng ở nhà một mình với cái máy đánh chữ, loay hoay chỉnh sửa tập bản thảo viết về các loài chim ở đồng bằng châu thổ. Đúng lúc đó thì Trâm xuất hiện. Cô đi sắm đồ tết cho cả nhà. Hùng không thể không mời Trâm nghỉ lại ở nhà mình. Nhưng mời cô ở lại thì biết ăn nói thế nào với thiên hạ. “Sa chân bước xuống ruộng dưa, dẫu ngay cho lắn cũng ngờ rằng gian”. Miệng thế sẽ bàn tán về anh thế nào. Nhất là khu tập thể của cơ quan, vốn từ lâu đã có truyền thống dòm dỏ cuộc sống của nhau, dèm pha lẫn nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Thấy khó xử, sau bửa cơm chiều, anh lấy xe chở Trâm tới nhà Thiệp. Định bụng sẽ để Trâm nghỉ lại ở đấy. Nhưng khi tới nơi mới biết cả nhà Thiệp vừa về thăm quê hồi chiều. Không còn cách nào khác, Hùng đành phải đưa Trâm về lại nhà mình.
Đó là một đêm cực kỳ khủng hoảng. Con chim xanh đã lẻn vào nhà từ lúc nào. Nó đậu ngay trên nóc chiếc tủ ly, đôi mắt nhìn xoáy thẳng vào Hùng. Hùng lôi chai dầu gió xanh Trung Quốc thoa lên thái dương, thoa lên trán, lên cổ. Hơi dầu cay xé khiến Hùng trào nước mắt. Nhưng con chim xanh vẫn cứ hiện lên nhìn anh chòng chọc một cách đầy ngạo mạn và khiêu khích. Nó thiêu đốt anh tới từng giọt máu, từng đường gân thớ thịt.
Trâm hỏi anh:
- Anh làm như trúng gió phải không? Coi mặt sao tái mét như trúng gió vậy.
Hùng không trả lời mà hỏi lại:
- Con chim xanh của em còn về nữa thôi?
- Nó chết rồi. Chết hồi sáng hôm qua. Không biết bị ai bắn gãy cánh, bay về tới nhà em thì  kiệt sức, rớt ngay trước cửa. Mà anh để em cạo gió cho. Chắc hồi chiều anh uống rượu bị lặm gió chớ gì.
Ngoan như đứa em vâng lời chị, Hùng ngồi xuống chiếc ghế tựa, day lưng lại cho Trâm cạo gió.
- Chèng ơi, gió qúa trời!
Tấm thẻ bài chạy nóng rực như vuốt con chim xanh cào trên da thịt. Hùng ngó lên nóc tủ. Con chim xanh vẫn còn đó. Im lặng và hằn học. Cái màu men ngọc ấy anh không thể nào quên được. Hùng đã lôi cây nạng giàn thun nhắm thẳng vào con chim. Hòn đạn nắn tròn bằng đất sét lao vào con chim với tất cả sự háo hức chiến thắng của tuổi thơ. Con chim té nhào xuống đất, nhưng khi Hùng chạy tới thì nó gượng dậy, lảo đảo bay đi mất hút. Bây giờ thì Hùng đoan chắc con chim thuở ấy cũng có màu men ngọc xanh như chiếc bình cổ thời Minh Mạng. Đó là màu của vua chúa khi hoan lạc. Chưa hẳn. Đó là màu của trẻ con tinh  khiết chất ngây thơ. Hay là màu của thiếu nữ trinh nguyên? Hay là?.. Hùng vòng một tay ra phía sau, nắm bàn tay Trâm.
- Em cạo nhẹ thôi. Rát quá!
Chiếc thẻ bài chạy nhẹ hơn. Nó không còn rát bỏng như vuốt con chim xanh cào trên da thịt nữa. Nó như hơi ấm nhẹ phả xuống. Ấm nóng và đê mê. Con chim xanh không còn trên nóc tủ nữa. Có lẽ nó đã bỏ đi biệt tích từ lúc nào. Hùng nói như thở ra từng tiếng:
- Thôi, được rồi Trâm à! Để anh còn xếp chỗ cho em ngủ. Mà này! Anh Thiệp xin được việc cho em, em có chịu ra ngoài này không?
Trâm kéo ghế ngồi xuống bên kia bàn, suy nghĩ một lúc mới trả lời:
- Em không làm được việc Nhà nước đâu. Rối lắm. Với lại, cái số em là sống ở trong đồng.
- Vậy mà thằng Út nó biết chắc em sẽ thành ca sĩ nếu em chịu ra thành đấy.
Trâm cười hồn nhiên. Nụ cười trắng lấp lóa.
- Là nó tưởng vậy thôi, em mà hát hỏng cái gì. Cũng như con chim xanh ấy, nghe nó hót mắc chán.
Nghe Trâm so sánh, Hùng bật cười thành tiếng. Anh vừa cười vừa đứng dậy, vào buồng mở tủ lấy bộ đồ ngủ của vợ đưa cho Trâm.
- Em vào buồng tắm, tắm cho mát rồi thay đỡ bộ đồ của chị. Cứ tự nhiên như ở nhà vậy. Phải anh Thiệp không về quê, chắc ảnh mừng lắm.
Lúc Trâm đang dội nước ào ào trong buồng tắm, nhìn lên nóc tủ, Hùng lại thấy con chim xanh đã đứng đó tự hồi nào.  “Mày biết là tao chết rồi chứ gì! Nhưng đừng hòng tao trở thành đồ sưu tập của mày!”. Đôi mắt nó nhìn xoáy hút vào Hùng với tất cả mức độ yêu quái mà Hùng có thể tưởng tượng ra được. Anh căm thù nó tới mức chỉ muốn chạy ngay vào buồng lôi cây súng ra nạp đạn, bắn tiêu diệt nó ngay tức khắc. Đúng lúc đó thì Trâm tươi cười bước ra.
- Bận đồ ngủ của chị, em thấy ngộ qúa trời. Rộng rinh hà anh Hai.
Trái lại, Hùng thấy Trâm mơn mỡn như trái xoài thanh ca, chỉ muốn vập vào cắn ngay một miếng cho đã thèm. Dưới ánh đèn nê ông, gương mặt Trâm sáng lên ngời ngợi.
Để dồn nén cảm xúc của mình, Hùng nói:
- Chắc là anh phải lai rai thêm chút đỉnh cho dễ ngủ. Trâm cứ vô buồng ngủ trước đi. Anh quen thức về đêm như con cò con vạc.
Hùng lôi trong tủ ra chai Brandy và mấy con khô mực. Anh chế cồn ra dĩa, bật lửa đốt, rồi trở nướng từng con một.
Anh hỏi Trâm:
- Em nhấp chút xíu cho vui nghen!
Không ngờ Trâm lại uống được. Có hơi rượu, gương mặt Trâm trở nên hồng hào, lừng lựng sáng. Hàm răng lấp lóa. Đôi mắt lấp lánh. Làn tóc óng ả như bừng cháy từng sợi lấp lay. Hùng chỉ muốn cô cứ như vậy mà thức với anh cho tới sáng. Anh thèm khát. Anh sợ cô đơn. Bởi vì anh đang trống vắng. Anh đã từng trống vắng bên người vợ hay cảu nhảu càu nhàu. Bởi vì  anh  biết chắc, nếu cô đi ngủ, thể nào con chim xanh định mệnh cũng trở lại ám ảnh anh, hằn học chửi bới anh. Còn như Trâm vẫn ngồi với anh, anh sẽ có cô để chiêm ngưỡng, để trò chuyện. Sự hồn nhiên trong trắng của cô sẽ xua tan những khát vọng cháy bỏng trong anh.
Nhưng càng uống anh càng thấy Trâm đẹp ngời ngợi, càng bị thiêu đốt bởi khát vọng bỏng cháy. Ngọn lửa đàn ông cuồn cuộn dâng lên, ập xuống; dày vò anh, đốt cháy anh. Nó xúi anh nói thành lời:
- Trâm à, chưa bao giờ anh thấy em đẹp như hôm nay.
- Chắc mặt em đỏ lắm chứ gì? Thôi, em hổng uống nữa à nghen!
- Không, không phải vậy! Rượu đánh thức vẻ đẹp trong em thức dậy. Để rồi anh làm mai cho em thằng bạn cùng cơ quan.
Nâng ly rượu lên, bất giác Hùng nhìn thấy con mắt con chim xanh trong đó. “Mày là thằng khốn nạn!”. Hùng tự dưng thấy chờn chợn, không dám uống. Người anh rịn mồ hôi ướt rượt. Có đúng mình là thằng khốn nạn không nhỉ. Mình đã nói với Trâm câu gì rồi. Có đúng là mình muốn làm mai cho Trâm thằng bạn cùng cơ quan thật không? Cơ quan anh còn anh quái nào độc thân đâu cơ chứ. Như thằng Thiệp, vợ con dình huỳnh rồi mà còn nói: “Mầy không nhào vô là tao bập liền xì, cổ đẹp như bông súng. Chẳng lẽ yêu một bông hoa đẹp là xấu sao”. “Mày là thằng khốn nạn!”. Con mắt con chim xanh lại trừng lên nhìn anh. “Mày là thằng khốn nạn!”. Vợ anh giờ này không biết có khá hơn không? Anh đã làm gì để chị để chị phải sanh thai bọc, phải băng huyết? Hay là tại anh suốt ngày xách súng lùng sục tiêu diệt những con chim tự do của thiên nhiên. Hay là tại anh dồn hết công vệc kiếm tiền lên đôi vai người vợ hay cảu nhảu càu nhàu về muôn sự đời lo toan ngập mặt? Hồi chiều đưa Trâm vô viện thăm vợ, chị vẫn còn thiêm thiếp trên giường bệnh.        
Bấy giờ Hùng nghe mẹ nói với Trâm:
- Nó còn ra nhiều máu qúa!
Vậy mà giờ này anh có thể ngồi uống rượu cùng Trâm với nỗi thèm khát cồn cào bỏng cháy sao. Nhưng mà qủa thật là Trâm vẫn lung liêng ngời ngợi trước mặt anh. Càng lúc anh càng thấy vẻ đẹp ở Trâm thức dậy lồ lộ. Dưới làn áo mỏng ấy, bờ vai Trâm tròn lẳn, lồng ngực Trâm vồng căng. Đôi môi chín mọng. Đôi mắt lấp lay. Nụ cười trắng lấp lóa. Chao ôi! Trâm đúng là trái xoài thanh ca! ngọt lịm và thơm tho làm sao! Hùng nhắm mắt uống ực hết ly rượu. Anh tưởng như con mắt của con chim xanh mắc nghẹn lại trong cuống họng. Lành lạnh. Rờn rợn. Hùng lại rót ly nữa. Trâm phải nắm tay anh kéo lại.
- Anh uống từ từ thôi. Để em quậy cho anh ly chanh nóng nghen!
Trâm vừa rời khỏi bàn thì con chim xanh đã nhảy ngay từ trên nóc tủ xuống. Lần này nó mổ lia lịa vào đầu vào mắt Hùng, khiến Hùng choáng váng, phải ngồi gục xuống mặt bàn. Tai anh văng vẳng tiếng con chim rít lên. “Mày là thằng khốn nạn!”.  Nhưng Hùng vẫn cảm nhận được sự chăm sóc của Trâm. Cô lau mặt cho anh bằng chiếc khăn bông nóng ấm, cô dìu anh lên giường và buông mùng cho anh. Thôi, vậy cũng được. Mình cứ say lịm đi mà lại hay. Nhưng con chim xanh vẫn không cho anh ngủ. Nó đậu ngay vào trong đầu anh. Từ trong đó, nó trừng mắt nhìn tim gan anh, rỉa từng thớ tim gan anh. Anh lôi phắt cây súng ra, bẻ gập nòng nạp đạn. Anh nhắm thẳng vào nó bóp cò. Ở khoảng cách dưới bảy mươi mét anh chưa hề bắn trượt bao giờ. Cái thằng lính lú đầu lên khỏi bờ công sự năm ấy, sao mà nó trẻ qúa. Vậy mà Hùng đã bắn thẳng vào trán nó. Trời ơi, sao mà nó trẻ vậy không biết! Từng viên, từng viên. Hết viên chì này đến viên chì  khác, Hùng tức giận nhả đạn vào con chim. Nhưng mà con chim không chết. À. Phải rồi, nó đã chết từ sáng hôm qua cơ mà. Trâm chẳng đã nói với anh như vậy là gì. À, mà Trâm đã đi ngủ hay vẫn còn thức. Mới lúc nãy Trâm vẫn còn ngồi đối diện với anh. Ngọt lịm và thơm tho như trái xoài thanh ca. Mình không nhào vô là thằng thiệp nó bập liền tức khắc. Ai chứ thằng đó thì nó không tha đâu. Đã mấy lần đi bia ôm với nó, có bao giờ Hùng thấy nó tha cô nào đâu. Vậy mà nó đã có đủ mặt hai đứa con với vợ. Còn mình, ai đời vợ lại sanh thai bọc. Nhưng mà qủa tình là Trâm đẹp thật sự. Ngọt lịm và thơm tho như trái xoài thanh ca. Hình như Trâm đã ngủ say trong buồng thì phải. Ngọt lịm và thơm tho như trái xoài thanh ca. Hùng khạc mạnh, ráng nhổ con chim xanh ra khỏi đầu. Con chim định mệnh vẫn còn ở trong đó. Nó đang rỉa từng thớ tim gan anh. Chỉ có Trâm mới đuổi được nó đi mà thôi. Hùng nhoài người ngồi dậy, rón rén đi chân đất vào buồng. Thiên thần của anh đang ngủ. Từng đường cong mềm mại hiện lên sáng rực. Ngọt lịm và thơm tho như trái xoài thanh ca. Nàng có phải là trái cấm đâu. Mình không nhào vào thì thằng Thiệp nó bập mất. Hùng nhắm nghiền mắt, ráng khạc mạnh lần nữa để nhổ con chim ra khỏi đầu. Con chim văng long lóc vào tận góc buồng. Hai cánh nó xõa xượi. Màu men ngọc xanh biếc như cháy lên ở góc buồng. Vậy là nó hết kiếp, nó không còn ám ảnh mình được nữa. Chỉ Trâm là còn lại. Nàng đang ngủ. Ngọt lịm và thơm tho như trái xoài thanh ca. Hùng vừa vén mùng định chun vào thì có tiếng kẹt cửa. Vợ anh ôm túi vải đựng cái thai bọc trở về. Chị gầy đét và xanh xao. Nhìn anh một cách tức tối, chị càu nhàu: “Tại anh cả. Tại anh mà tôi phải tội thế này đây!”. Nói xong, chị xổ túi vải đựng cái thai bọc lăn long lóc giữa nền nhà. Cái thai bọc lăn ngay tới chân anh. Rồi tự nhiên nó phình ra một cách gớm ghiếc. Hùng hoảng sợ định hét lên, nhưng anh kịp trấn tỉnh. Không! Chẳng qua là mình mơ thấy vợ mà thôi. Tại mình sợ mình mới mơ thấy vợ. Anh căng mắt nhìn ra cửa. Rõ ràng là cửa vẫn còn khép kín. Anh nhìn xuống góc buồng. Rõ ràng là con chim xanh vẫn nằm chết xõa xượi ở đó. Còn Trâm, Trâm vẫn ngời ngợi những đường cong mềm mại. Nàng quay lưng lại phía anh, tấm lưng thon thả óng muốt; nhưng anh vẫn cảm nhận được gương mặt hồng tươi men rượu của nàng.
Như một tên trộm trứng, Hùng leo phắt lên giường, lùng sục hai bàn tay trộm cắp khắp mọi chỗ trên tấm thân mềm mại và nóng ấm của nàng. Đúng lúc sục vào chỗ ấy thì nàng giáng cho anh một bạt tai đau điếng. “Mày là thằng khốn nạn!”. Tiếng con chim xanh rít lên.
- Anh Hai! Uống miếng chanh nóng cho tỉnh nè anh Hai!
Mở mắt ra, Hùng thấy Trâm  đang cúi xuống lay vai anh.
- Anh mớ thấy gì mà quờ quạng chân tay qúa trời.
Hùng phải lắc đầu mấy cái mới tỉnh ngủ. Đầu anh nhức như búa bổ. Từ từ ngồi dậy, đỡ ly nước trên tay Trâm, Hùng bịa chuyện:
- Anh mơ thấy mình bắn chết con chim.
Coi đồng hồ thấy đã bốn giờ. Lạ thật, bao giờ gần bên Trâm anh cũng thức đúng vào lúc bốn giờ. Giờ này ngoài phố tiếng xe lam đã rộ lên phành phạch.
Không dám nhìn Trâm, Hùng đi thẳng xuống bếp rửa mặt. Anh cảm thấy hình như Trâm đang nhìn theo với đôi mắt của người bắt gặp qủa tang đứa ăn cắp trứng gà. Chân tay anh trở nên lúng túng, ngượng nghịu, cứ như thừa ra, không biết dùng để làm gì.
Khi đứng trước la va bô, soi vào tấm kiếng, Hùng giật mình nhìn thấy trên nắp túi áo có vướng một sợi tóc đen dài. Không biết lúc say rượu mình có chui vào buồng không nhỉ? Anh vừa thầm nguyền rủa mình vừa kéo sợi tóc ra nhét nhanh vào túi áo. Mặc kệ, dù sao nó cũng là một phần của Trâm. Còn con chim xanh định mệnh, chẳng qua nó chỉ là trò đùa của tạo hóa.
Nhưng mà nó đã chết rồi. Chết thật rồi!
Một khoảng không cuộc đời
(Tặng thầy Hoàng Dân CĐSP Hà Nội và bè bạn)
1.
Đêm mưa gió ấy, hình như Hồ Đại Lải không ngủ thì phải. Tiếng sóng cứ cồn cào- cồn cào. Tiếng rừng cứ nấc lên- nấc lên. Day dứt và thao thiết. Sấm rền rỉ ở bên kia đồi. Mưa rỉ rắc. Những cây thông lá nhọn sũng ướt, mềm lả ra. Mặt đất cũng mềm. Mềm như thịt da người đàn bà sau cơn hoan lạc, được vùi trong chăn ấm.
Thầy Tuấn nói:
- Tớ 59 tuổi. Chinh chiến ở Trường Sơn và Nam Lào mấy năm. Trong người ba vết sẹo, dạ dày cắt bỏ một nửa. Nhìn còn được không?
Tôi nhớ bài “Thị trường” trong tập thơ “Khoảng không” của thầy. Điệp khúc “những cô bé khỏa thân” cứ chờn vờn trước mắt. Tất cả là bốn lần. Bốn lần khỏa thân nhảy múa. “Ngây dại”. “Vật vờ”. “Hoang sơ”. “Quay quắt”. Bốn lần khỏa thân như loài vật. “Uốn éo”. “Oằn mình”. “Quay cuồng”. “Tơi tả”. Tôi không hiểu được nền “văn minh” mại dâm của Thái. Tôi chỉ biết, trời vẫn mưa, vẫn gió. Đêm đen đặc. Cắt cứa đến tận cùng thổn thức.
- Tớ vẫn đọc thơ mình ngay trong giờ dạy. Tại sao không? Tớ làm thơ đã mấy chục năm. Tớ vác cả chiến trường vào thơ, vác cả đời tớ vào thơ. Thơ tớ thật lắm, tại sao không đọc! “Thời gian không màu, nỗi nhớ cũng không màu; nhưng chiếc lá thì cứ xanh rời rợi”. Chẳng biết thơ tớ cỡ nào, nhưng sinh viên của tớ thì thích lắm!
Đêm vẫn mưa. Vẫn mưa. Rừng cây càng ướt sũng ra. Mặt đất càng mềm nhão ra. Sóng hồ Đại Lải càng cồn cào thao thiết.
- Cô bé ấy cứ nhất thiết vòi tớ đi cà phê. Cà phê ở một quán cà phê mà chính tớ cũng không ngờ. Nó hoang sơ đến cháy bùng cảm xúc. “Ai biết chăng thật giả buồn vui, chỉ tình yêu là muôn đời vụng dại”. Đúng vào lúc cô bé ấy nghiêng sang ôm choàng lấy tớ, chợt cất lên tiếng nói nhẹ như hơi sương: “Anh chị dùng gì ạ?”. Trước mặt tớ là một cô bé, non nõn những phần da thịt lộ ra trong ánh sáng mơ mờ, huyễn hoặc và hư ảo. “Ôi! Em chào thầy! Thầy dùng gì ạ?”. Mặt đất dưới chân tớ như tụt xuống- tụt xuống. Vòng tay của cô bé như nhão ra nỗi bẻ bàng. Cả hai đều là sinh viên của tớ, cùng đang học một lớp với nhau. Năm ấy tớ đã 54. Từng trải và đầy kinh nghiệm sống.
2.
Mùa đông bên bờ sông Công thon thót gọi mời một vòng tay xiết. Tôi với cô bé của tôi ngồi trong góc khuất trần thế. Cả hai lạc giữa thời gian vô cùng vô tận. Màn đêm phủ xuống tấm khăn voan của mộng mơ và khát vọng. Sông Công ơ hờ, chập chờn, vô cảm. Bầu tinh vân lạnh lẻo như sắp rơi òa xuống.
Năm ấy tôi cũng 54 tuổi. Độc thân với cây đàn ghi ta, trong một ngôi nhà thèo lảnh dưới chân ngọn đồi bát úp. Người đàn bà của tôi đã phiêu dạt nơi nào. Đứa con gái bé bỏng của tôi cũng phiêu dạt nơi nào. Họ bỏ tôi ra đi đã mười năm. Mười năm của trống vắng. Mười năm của đớn đau vật vả. Tất cả là vì tôi. Vì cây đàn của tôi. Vì những giờ lên lớp bằng thơ và nhạc của tôi. Ngoài tất cả những thứ đó, tôi không biết làm gì. Oái oăm thế. Người đàn bà của tôi đã đến với tôi vì tất cả những thứ đó, rồi giũ áo bỏ đi cũng vì tất cả những thứ đó. Nàng đã quá thừa mứa những cung bậc của vòng tay xiết. Nàng đã quá thừa mứa những giai điệu thăng trầm của đói khổ. Ngọt ngào hát ư? Hát thì vạt đâu ra đồ đạc trong nhà. Ngọt ngào ru ư? Ru thì làm gì ra tiền ra gạo. “Con cò gánh gạo bờ sông”. Dưới chân ruộng trước nhà tôi có con cò mồ côi. Chẳng biết trống mái, cái đực ra sao; chỉ biết nó đơn côi như một dấu chấm, trắng toát nỗi đau đời. Càng đau hơn khi nó ủ rủ gục đầu trong mưa rào tháng hạ. Ngày qua ngày, tháng cũng theo nhau, đi ngang qua sự trống vắng lạnh lùng của con cò đơn độc ấy. Tôi với nó hợp thành hai dấu chấm song song. Tôi là dấu chấm ở trên. Nó là dấu chấm ở dưới. Chúng tôi mở ra những dòng chảy của ngôn từ và giai điệu. “Ta ở trong nhau suốt cuộc đời chẳng biết, nụ hôn nồng nàn rướm máu buồn vui”.
Thế rồi con cò ấy lạc đi đâu, hay mất đi đâu. Hay đã rục xương bởi một viên đạn chì bắn vào đơn độc. Nó bỏ lại mình tôi với nỗi đau giằng xé. “Phải chi tình yêu có thể sống thay cuộc đời, đánh đổi niềm vui cho nỗi buồn dằng dặc”. Người đàn bà của tôi đã không chịu nổi tiếng đàn của tôi. Tiếng đànThạch Sanh giành lại nàng công chúa hóa câm vì thằng Lý Thông đểu giả. Tiếng đàn của tôi thì xua đi một tình yêu đói cơm, thiếu áo. Còn con cò ấy! Vì sao nó đơn côi!? Vì sao!? Vì sao!?.. Nhưng giờ thì rõ ràng nó không còn nữa, không còn hợp với tôi thành hai dấu chấm song song, mở vào đời nỗi niềm đơn độc. Chỉ còn cô bé với tôi bên bờ sông Công, trong góc khuất, trong cuộc chơi trốn tìm mà không ai trốn được. Chúng tôi sẽ thuộc về nhau đến tận cùng máu thịt, nếu như tôi không vụt nhớ ra gương mặt xanh lướt của người đàn bà của tôi, trong cơn oằn mình đớn đau vượt cạn.
Bấy giớ là hai giờ sáng.
Trời đất Bắc Giang chìm trong mưa xối xả. Tôi trùm vợ tôi bằng tấm ni lông của lính. Nàng ngồi sau gác ba ga, người mềm oặt ra vì những cơn đau hành hạ. Tôi đầu trần, chân dép lốp, gò lưng đẩy chiếc xe phượng hoàng giữa mưa tuôn chớp giật. Mưa Bắc Giang như nghiêng trời trút nước. Những lưỡi tầm sét bủa thẳng từ trời cao xuống gò đồi. Sấm gầm như bom pháo trận chống càn ở phía đông thành Cổ. Cứ sau mỗi lần bom pháo điên cuồng bão táp, thủy quân lục chiến từ biển lại trào lên, quạt đại liên và AR15 ràn rạt. Tiểu đoàn tôi đã kiệt cùng sức lực, đạn dược và vũ khí. Lê tuốt trần dưới chiến hào, chúng tôi vẫn kiên cường bám trụ. Từng người. Từng người. Cứ từng người thay nhau ngã xuống. Thủy quân lục chiến vẫn trào lên. Chúng tôi vẫn trụ lại. Cho đến lúc được phép mở đường máu thoát ra. Cả đời tôi, không bao giờ tôi quên được, trận bom pháo như sấm rền chớp giật ở phía đông thành Cổ. Còn bây giờ. Sấm sét cứ lồng lên, xé toạc màn đêm thành trăm ngàn mảnh vụn. Vợ tôi đã không thể chịu đựng được hơn vì quặn đau và sợ hãi. Đúng lúc ấy thì thòi ra cái chòi tre quán nước bên đường. Tôi đã từng uống chè, ăn kẹo dồi chó, hút thuốc Nhị Thanh ở đây. Tôi đã từng hầu chuyện bà cụ tám mươi có hai người con chết trận ở phố Lu thời chín năm chống Pháp. Bà cụ mỗi ngày vẫn từ làng ra bán nước chè xanh trong cái quán tùm hụp bên đường này. Họa vô đơn chí ư! Phúc bất trùng lai ư! Chỉ cái quán của cụ bà, xiêu vẹo trong gió mưa là có thật.
Vợ tôi nằm trên tấm ni lông của lính. Thân hình nàng co giật. Bụng cồn lên từng cơn cuồn cuộn. Nước ối túa ra thành vũng. Sền sệt. Nhừa nhựa. Rồi thì máu. Chao ôi, biết bao nhiêu là máu. Mắt tôi mờ đi. Lòa đi. Đầu tôi căng nhức. Tôi đã từng chứng kiến biết bao nhiêu là máu, phún ra từ thân thể bạn bè, nhưng đây là máu của người sẽ sanh hạ cho tôi, một phần những giọt máu của tôi. Đổ hết máu ra ngoài trái tim thì làm sao mà sống! Lồng ngực tôi thình thình như đang nện trống. Ong ong niềm kinh hãi.
Mưa vẫn tuôn.
Gió vẫn giật.
Sét vẫn bổ.
Sấm vẫn gầm.
Trong cuồng loạn của đất trời đen đặc, tôi đã móc được công chúa của tôi ra, từ máu và nước vàng sền sệt. Nó nhẽo nhợt, nhăn nhúm, vấy đầy máu và nước ối. Hoảng loạn đến cùng cực, nhưng tôi vẫn nhớ ra thiên chức đàn ông của “thằng chồng” có học. Nằm xoài xuống đất, tôi dùng hàm răng của mình cắn rốn cho con. Tôi lột tấm áo lính của mình, quấn lấy đứa con hon hỏn. Vợ tôi lả ra trên máu của mình và nước của trời rưới xuống. Nàng sẽ chết mất. Chết mất. Nếu cơn mưa của trời không đột ngột chấm hết, như một dấu chấm than dập tắt đi tất cả. Nếu bình minh không vụt hiện như một dấu chấm than thúc gọi mặt trời.
Nâng đứa con trên đôi tay lính của mình, tôi vùng chạy ra ngoài, hướng nó về phía chân trời đang ửng đỏ, gào lên: Con ơi! Con là Ánh Dương! Hồ Ánh Dương!
Bỗng hực một cái, mặt trời bật dậy từ dưới một quầng mây nào đó. Xoay người lại túp lều, tôi thấy rỡ ràng chiếc cầu vồng cong vun vút. Một cánh cò lẻ loi từ đó bay chếch về phương Nam.
Kể tất cả điều đó cho thầy Tuấn nghe trong đêm mưa bên hồ Đại Lải, nhưng tôi không dám chắc rằng, ông bạn giáo từng đi lính, từng viết văn của tôi, sẽ tin tất cả. Cánh văn chương vẫn bịa ra những chuyện lãng mạn nhất, khủng khiếp nhất. Cánh phê bình gọi đó là bịa nghệ thuật. Cánh giáo viên thì phẩy tay, thật hay bịa gì cũng là hình tượng trong văn học, cứ phải có trong giáo trình hướng dẫn giảng dạy mới dạy được. Riêng với tôi, đó là nỗi đau và tình yêu có thật. “Có một ngày ngỡ như trời đẹp hơn, dù gió mưa có dập vùi tơi tả, dù ngày ấy ta đã từng gục ngã, trong cơn mê mang bảy sắc cầu vồng”.
Tình yêu của tôi đốn gục tôi có thể từ ngày ấy.
Và… nếu điều ấy không có thật, làm sao tôi có thể trốn chạy khỏi vòng tay của cô bé đang run lên thổn thức. Cô bé ấy còn trẻ lắm. Cô là sinh viên của tôi. Vầng trăng mùa đông của tôi. Nỗi đau thắt của tôi, “… đã thành hoài niệm, nguyên sơ như khát vọng thuở ban đầu”.
3.
Tôi đọc to lên “Khoảng không” của thầy Tuấn.
Nước mắt người anh hùng
Nghẹn lại rưng rưng
Ở trang cuối cùng
Giữa những năm đớn đau và cao cả
Tại nhà sáng tác Vũng Tàu, tôi gặp người bạn giáo viết văn từ Sài Gòn xuống. Cô ta phì nhiêu, màu mỡ đến mát rượi thịt da của người còn sung sức. Cô rủ tôi xuống biển tắm đêm. Sóng cồn lên. Biển vồng lên. Ngực biển căng phồng thổn thức. Hai chúng tôi và biển sóng. Chúng tôi vùi mình trong biển mặn. vầng trăng mỏng như lá thép, uốn nhẹ dáng thuyền tình mỏng mảnh, bồng bềnh trôi trên cánh đồng mây nhẹ hẩng. Im lặng như trời mà rùng rùng như sóng. Sóng biển va đập, khiến da thịt chúng tôi lúc lúc lại chạm vào nhau. Sóng dội từ trong lòng, khiến tôi nhớ về người đàn bà đã bỏ tôi ra đi cùng đứa con bé bỏng. Hai thứ sóng ấy hành hạ tôi đến tận cùng nỗi đau nhân thế
Chúng tôi trở về tiền sảnh phòng lễ tân khi trăng non đã lặn. Ở đó, người bạn giáo viết văn, nắm lấy tay tôi và nói: “Tôi gặp Thủy ở Gò Vấp. Cô ấy mở quán cà phê. Vẫn mỏng mảnh như cây thủy liễu của anh ngày nào. Ánh Dương đang là sinh viên năm thứ hai ngành kiến trúc. Nó đẹp lắm. Nhưng nói thật nhé!.. Nhìn hai mẹ con côi cút, cứ ứa cả nước mắt vào lòng. Số cầm tay của Thủy đây!”.
091… Những con số vô hồn dày vò tôi đã bao năm nay. Theo lối ký âm số của người Hoa, tôi từng hằng đêm bấm rung lên thành giai điệu cút côi của đứa con bé bỏng. Những con số ấy, mỗi ngày mỗi mưa xuống đời tôi từng giọt đắng. Một là Đô. Hai là Rê. Ba là Mi. Bốn là Fa. Năm là Sol… Con ơi!.. Ánh Dương của cha mọc từ cái quán tre của bà cụ tám mươi đơn chiếc. Ngày bà cụ qua đời, cha ẳm con đưa tiễn. Con học cha thả vào huyệt mộ nắm đất. Nắm đất nhỏ nhoi của con, cùng với đất đá Phổ Yên, đã phún trên mộ cụ bà những bông cỏ may, may vào tâm thức của cha, giai điệu của chia ly đầm đẫm nỗi buồn nhân thế.
Trong từng tiết dạy, tôi vẫn thường bấm rung lên giai điệu 091… và hát lên rười rượi:
Lẫn trong thời gian chia ly, gặp gỡ
Nước mắt rơi vào giữa tiếng cười
Ai biết chăng thật giả buồn vui
Chỉ tình yêu là muôn đời vụng dại
Cô bé ấy, cô bé ngồi trong cùng của dãy bàn cuối cùng ấy. Dường như cô đã khóc rất nhiều, rất nhiều, mỗi khi nghe giai điệu ấy. Thẳm sâu đến hun hút một nỗi buồn xẻ chia, tâm cảm. Đã một đôi lần tôi bắt gặp những ngón tay thon thả của cô, chạy rã rời trên bàn phím, giai điệu 091… của tôi. Thế rồi một hôm tôi đã nghe cô hát: “Ai bết chăng thật giả buồn vui, chỉ tình yêu là muôn đời vụng dại”. Để chạy trốn sự yếu đuối của mình, tôi đưa cô bé ra sông Công, nơi con sông sắp òa đổ vào hồ núi Cốc, dệt nên huyền thoại chàng Cốc nàng Công.
Khi vòng tay đã lịm chín, khi ngọn lửa linh thiêng sắp không cầm lại được, tôi bàng hoàng nhớ lại đêm mưa gió điên cuồng chớp giật. Giai điệu đã giết tôi bằng “khoảng không” đầy ngờ vực, của bờ vực tâm linh một người thầy, một người đàn ông trống vắng đã mười năm. Trong tôi âm âm đến nhói lòng, giai điệu vô vi Trịnh Công Sơn đã hát:
Đường xa mỏng mộng vô thường
Trái tim chợt tỉnh tôi nhường nhịn tôi
4.
Đêm mưa gió ấy, hình như hồ Đại Lải không ngủ thì phải. Tiếng sóng cứ cồn cào- cồn cào. Tiếng rừng cứ nấc lên- nấc lên. Day dứt và thao thiết.
Thầy Tuấn nói:
- Khi bức xúc nửa chừng trang viết, tớ ngồi nhắm mắt lại, hồi tưởng dòng chảy của thời gian, cho đến bao giờ vụt hiện một tứ gì đó, mà truyện ngắn không chở nổi, tớ chép vào sổ tay để neo lại. “Lẫn trong thơi gian phấp phỏng tình cờ, như cơn gió lành ngơ ngác trong 
Tôi nắm lấy hai câu thơ ấy, bước ra khỏi phòng nhà biệt thự D4. Hai cây xoài xõa lá, hứng rủ rượi mưa trời. Hai cây mít chít chiu trái mọng đầy gai, tựa vào nhau chịu từng trận gió. Nhói trong lòng câu thơ của Huy Cận: Gỗ mít đỏ tươi như thân người xẻ dọc.
Phải chăng người đàn bà của tôi đã xẻ dọc đời tôi làm hai mảnh. Mảnh đớn đau của ông thầy đói nghèo thời bao cấp. Mảnh tự ái đến lồng lên của anh chàng nghệ sĩ nửa mùa, dại dột chui đầu vào thòng lọng của nghề dạy học.
Ngày ấy, người đàn bà của tôi là sinh viên của tôi. Cô sinh viên nghèo, đến từ một đồi chè tuyết Hà Giang. Ngay bài giảng đầu tiên về thế giới của âm thanh thành giai điệu, đôi mắt mở to hoài vọng của nàng đã đốt cháy tim tôi
Tôi. Chàng sinh viên Khoa Trắc đạc – Bản đồ, vào chiến trường từ mùa hè 72 đỏ lửa. Tôi. Chàng lãng tử cuối cùng của “Bài ca Trường Sơn” thành giáo viên dạy nhạc. Tôi. Người đốt cháy trái tim xuân thì của nàng suốt ba năm để biến nàng thành vợ. Chúng tôi đã có những năm tháng ngọt ngào hạnh phúc, những năm tháng nếm trải gian nan thời bao cấp; chúng tôi đã có những năm tháng dằn vặt lẫn nhau, vì tính lãng tử đời trăng của tôi, tính bốc đồng thiên về thực dụng quá thể của nàng. Và… cuối cùng là sự ra đi của người đàn bà của tôi, chỉ vì chúng tôi không thể nào chia xẻ được với nhau về một vài quan niệm sống.
091… dãy số đã hóa thành giai điệu, đang tồn tại trong máy của tôi. Trong cơn mưa Đại Lải đêm nay, những con số bỏng cháy ấy, đã thắp lên chuyện xưa, xui khiến không thể nào chợp mắt.
Giữa lúc chúng tôi đang hết tiền, hết gạo, bỗng lù lù ở đâu hiện ra thằng bạn thời chiến trường lửa máu. Đó là Hoàng Quân, tay súng B40 lì lợm nhất tiểu đoàn. Gương mặt anh ta đẹp một cách đáng sợ, bởi hai bên má, sâu hoắm vào hai lúm đồng tiền, to như đầu ngón tay. Một viên AR15 bay xuyên qua miệng, khi anh ta nhào lên hét xung phong, đã làm nên kiệt tác kỳ diệu ấy. Trong cơn bấn bí không có gì đãi bạn, tôi đã vặt lông con gà mái duy nhất, đang nằm ổ trong chuồng. Nó cũng là con gà kỳ diệu, từng sống qua bốn mùa dịch cúm, từng xù lông đá lại diều hâu. Giết nó là dập tắt niềm hy vọng bầy gà con sắp sửa ra đời. Nhưng không giết, biết lấy gì đãi bạn. Nó đã vượt hàng trăm cây số, tìm thăm tôi. Nó đã từng băng bó cho tôi, cõng tôi thoát chạy ra khỏi vòng tử chiến, dìu tôi vượt qua dòng Thạch Hãn rộng mênh mông. Khổ nỗi, dù đã hầm cả tiếng, thịt vẫn dai nhanh nhách, nhai tới sái quai hàm, vẫn cứ lì ra, không thể nào nuốt được. Bạn tôi phá ra cười. “Đằng nào cũng thế, luộc luôn ổ trứng cho rồi. Trứng gà lộn. Ha ha! Gà lộn! Hết thứ này có thứ khác. Cứ tin thế đi! Đời mà! Khổ quá, tớ đang định tung hê hết để đi buôn đây. Buôn bán thì có gì là xấu. Mình đem về cho người ta cái người ta cần, xấu chỗ nào nào!”.
Hôm ấy, tôi hú mấy anh bạn cùng trường qua chơi. Rượu cắm quán thêm hai lít. Tam Thanh cắm quán thêm hai bao. Nửa tháng sau lĩnh lương tháng ấy, thủ quỹ trường trừ lại hơn phân nửa. Ngươi đàn bà thực dụng của tôi, nghi ngờ tôi có bồ có bịch. Vết rạn nứt bắt đầu toác ra từ đó. Và… theo đường rày vay nợ, tháng nào lương tôi cũng bị trừ hơn một nửa trở lên. Những đồng tiền còm cõi đem về, không cứu nổi cuộc tình thời bao cấp. Cô sinh viên từng si mê giai điệu của tôi, người đàn bà từng dâng hiến cho tôi đứa con nhỏ nhoi trong mưa gào chớp giật, đã giũ áo ra đi trong đầm đầm nước mắt.
091… những con số hằng đêm dằn vặt, dày vò tôi đến lao tâm khổ tứ. Tìm lại ngày xưa ư? Không đời nào! Người đàn bà của tôi đã lạnh lùng như băng giá bỏ đi. Đã cướp mất đứa con nhỏ nhoi của tôi mà tôi yêu biết mấy. Nhưng con ơi! Ánh Dương của cha ơi! Làm sao cha có thể quên đêm mưa gió con ra đời. Nếu bà cụ tám mươi không ra sớm, ai sẽ giúp cha đưa hai mẹ con vào làng? Nếu dân xóm không cưu mang, ai sẽ giúp hai mẹ con qua cơn nguy kịch? Vậy mà mẹ nỡ lòng bỏ qua tất cả! Nỡ lòng dứt con ra khỏi đời cha!
Không mẹ phải tự tìm về! Còn cha?.. Ánh Dương ơi! Con ơi!..
5.
Thầy Tuấn sửa dáng ngồi, khoát tay, dim mắt đọc:
Gió ơi, mi sinh ra làm gì?
Ta sinh ra để thổi cho vui!
Sông ơi, mi sinh ra làm chi?
Ta sinh ra để chảy, thế thôi!
Hoa ơi, mi sinh ra làm gì?
Lửa ơi, mi sinh ra làm chi?
Người ơi, mi sinh ra làm gì?
Những câu thơ khoan xoáy vào đêm mưa hồ Đại Lải. Những câu thơ càng lúc càng khoan xoáy vào tim tôi đến rướm máu. Mười năm người đàn bà bỏ tôi đi. Mười năm biết bao cô sinh viên si tình giai điệu của tôi. Những cô gái đến từ đồng thấp đồng cao. Những cô gái đến từ non xanh núi thẳm. Có cô hoài vọng vào tương lai được dứt bỏ tháng ngày cơ cực, chân lấm tay bùn. Có cô muốn giúp tôi lấp đầy khoảng trống. Có cô chỉ vì chút đam mê cháy lửa tình lãng mạn. Còn cô bé ấy, cô bé ngồi trong cùng ở dãy bàn cuối cùng ấy, cô chỉ muốn dâng hiến cùng tôi. Gọi là gì nhỉ? Sự dâng hiến trắng trong của trinh nguyên ý tưởng? Tôi hoàn toàn độc thân! Tôi hoàn toàn vô tội! Nhưng?.. Nhưng! Cô bé ấy trẻ quá, lại còn đang đi học! Học Nhạc, một môn học đầy “tinh thần” lãng mạn. Vậy thì cô mới hoàn toàn vô tội. Còn tôi, tôi đã 54 tuổi. Đã từng trải và đầy kinh nghiệm sống. Tội lỗi nhất định thuộc về tôi. Năm tháng sẽ trôi qua, sẽ đến lúc cô bé ấy lớn lên, sẽ đến lúc cô bé ấy nhìn ra sự thật. Tòa án lương tâm hành xử tôi thế nào, nếu như cô bé ấy trở thành đàn bà, lại bồng con giũ áo ra đi, dở dang cả một đời con gái? Người đàn bà của tôi đã dứt bỏ tôi đi, là minh chứng. Chỉ còn tôi với cây đàn ghi ta, với mười năm đơn độc. Nhưng… tôi và cây đàn của tôi có tội tình gì? Tội tình gì?..
Con cò đơn côi cũng bỏ tôi mà đi. Giờ này nó ở đâu? Ở đâu? Chắc là nó đã tìm được một nửa của đời mình. Còn một nửa của đời tôi? Còn con gái bé bỏng của tôi? Còn tình yêu của tôi? Còn phẩm giá người thầy của tôi? Còn bao nhiêu năm tôi vùi mình trong lửa máu? Lẽ nào tôi đánh mất! Lẽ nào tôi vứt bỏ! Lẽ nào! Lẽ nào!
Bị nung cháy bởi những dòng ý tưởng ngạt thở ấy, tôi đứng dậy, kéo tay dẫn cô sinh viên trẻ trung về lại ngôi nhà dưới chân ngọn đồi bát úp. Biến nồi cơm nguội thành nồi cháo thịt bằm, với thật nhiều hành và tiêu, tôi dọn lên bàn cho cô sinh viên của mình. Còn tôi, tôi lôi cây đàn treo trên tuờng xuống, lục trong đống tài liệu lưu trữ mốc meo và bụi bặm, cuốn đọc tấu ghi ta, những bản nhạc tôi chép tay từ thời mới ra quân, chuyển ngành đi học. Cuốn nhạc này tôi đã từng chép một cách hăm hở, khi tôi mới từ rừng sâu về thành phố. Bấy giờ tôi chỉ biết cả ngày tha thẩn ở các hiệu sách tư nhân để lục lọi, mượn mọc, và ngồi lì một góc để chép. Tôi chép say mê đến quên cả cơm trưa, quên cả cơm chiều, đến phải mua bánh mì không ngồi ăn tại chỗ. Nhiều chủ tiệm sách đã thông cảm, đem cho tôi ca trà đá, hay một dĩa trái cây, hay một dĩa bánh gì đó. Nó là nỗi đam mê một thời trai trẻ của tôi, tình yêu một thời trai trẻ của tôi. Vậy mà tôi đã quên bẵng suốt mười năm.
Khi dốc ngược cuốn sách để giũ bụi, một tờ giấy học trò đã rơi ra. Nhặt lên, tôi nhận ra nét chữ của vợ tôi, của người đàn bà của tôi. Nhiều dòng chữ bị nhòe loang nét bút. Có lẽ nàng đã khóc khi viết những dòng này. “Em giải phóng cho anh, để anh tha hồ bay bổng suốt ngày cùng giai điệu, tha hồ ôm đàn ca hát suốt ngày suốt đêm với bạn bè. Cuộc sống sẽ không có sự lựa chọn, nếu chúng ta và con cái chúng ta không đủ ăn, đủ mặc hàng ngày. Em không muốn là chiếc bóng cản trở niềm đam mê của anh. Em sẽ đi xa. Đi thật xa để nuôi con và để giải phóng cho anh. Hãy tin rằng, em và con…”. Tôi không thể tin được vào đôi mắt của mình. Mặt đất dưới chân như sụp xuống. Sụp xuống. Đất trời như quay cuồng chóng mặt. Đêm đen đặc, như dồn nén cả màn đêm mà ép xuống- ép xuống tôi đến thóp thoi, dằn vặt. Quẳng lá thư lên mặt bàn, tôi để mặc cô sinh viên trẻ trung muốn làm gì thì làm, muốn ngủ đâu thì ngủ. Còn tôi, tôi dốc ngược chai Nàng hương, tu một hơi tới ngạt thở, rồi ôm cây đàn, đập cả bàn tay lên sáu sợi thép, cào cả năm ngón tay lên sáu sợi thép, nấc lên giai điệu.
Giữa cuộc đời như gió thổi, sông trôi
Sẽ còn lại muôn đời
Những câu thơ
Và những lời ca thấm đầy nước mắt
Khi hàng âm cuối cùng vừa tắt, tôi giáng cả bàn tay xuống gần ngựa đàn. Sáu sợi dây đàn đứt phựt.
Cô sinh viên trẻ trung ngồi thả chân trên giường, ấp cả hai bàn tay lên mặt, khóc nấc lên.
- Thầy ơi!..
Lá thư của vợ tôi rung bần bật trong đôi bàn tay nhỏ nhắn, đang ấp trên gương mặt trắng nhợt, đầm nước mắt.
Nhà sáng tác Đại Lải, 2.7.06 - Vĩnh Long, 16.8.06.
Bên hồ sen trắng

Bà Chín hồi nào đến giờ vẫn vậy, vẫn quạnh quẻ sống mình ên trong cái chòi lá bên một ao sen trắng. Cả làng chỉ biết bà là người xứ khác trôi dạt đến, cách nay đã ba mươi năm. Hồi mới đến cư ngụ tại làng, bà Chín ba lăm tuổi. Nghe nói cũng có vài đám đánh tiếng mai mối, nhưng đám nào bà cũng lắc đầu. Riết rồi bà Chín héo hắt đi vì tuổi tác, chẳng ai nhòm nhỏ gì nữa.
Cái ao sen rộng khoảng một công đất. Cấp trước bà Chín cắt lá đem bán cùng với ngó sen, củ sen, gương sen. Nhưng tới giờ lá sen không bán được nữa, bà chỉ sống nhờ vào ngó sen, củ sen và gương sen. Ông từ chùa làng thỉnh thoảng có đến hỏi mua hoa sen về chưng trên điện thờ, nhưng bà Chín chỉ cho chứ không bán. Đổi lại, ông từ thường đem trái cây hái trong chùa biếu cho bà. Nhờ vậy, bà Chín với ông từ thành chỗ thân thiết. Có điều, bà Chín không mấy khi lên chùa; dường như bà không mấy mặn mà với thần phật. Cứ nhìn cái chòi lá của bà cũng biết, chẳng có bàn thờ, chẳng có tranh Phật, tượng Phật, chẳng có gì cả. Đến ông địa, ông thần tài bà cũng không có. Trống trếnh trong chòi chỉ có cái chỏng tre, dùng để ngã lưng nằm ngủ và để ngồi ăn cơm mỗi bữa.
Không ai biết chút gì về lai lịch bà Chín, thành ra người ta thêu dệt về cuộc đời bí ẩn của bà đủ chuyện. Có lần tôi đem chuyện ấy nói với bà. Bà Chín nghe xong chỉ chép miệng nói: Mô Phật! Tôi lại hỏi: Bà sống mình ên vầy, lỡ đêm hôm ngã bịnh thì sao? Bà cũng lại mô Phật. Hình như với bà, bệnh tật ở đâu xa lăng lắc, không thể ghé thăm bà được. Nếu cứ như tôi biết, bà Chín từ hồi nào tới giờ, chưa bao giờ phải uống một viên thuốc. Hàng ngày, bà hay lụm cụm ngồi bên vệ đường đào rễ cây bông nổ để đem về nấu nước. Rễ cây bông nổ màu vàng nhạt, nấu lên rất thơm, có vị ngòn ngọt, dân quê tôi gọi là sâm Nam. Bất cứ lúc nào ghé thăm, bà cũng rót cho tôi một chén. Và bao giờ tôi cũng chỉ uống một chén, bởi tôi thấy cái ấm nhôm của bà không lớn lắm.
Hàng ngày bà Chín chỉ ăn cơm có một buổi. Buổi còn lại bà thường ăn một hai trái bắp, hoặc hai ba củ khoai lang, khoai mì. Hàng qùa của bà là chè do bà nấu lấy. Lúc thì mươi hột sen nấu với đường, lúc thì lá nha đam nấu với đường. Bà nói: Con ạ, nhớ ăn rau sống thiệt nhiều vào! Nhất là chịu khó đâm lá nha đam uống với đường mà ngừa bịnh gan. Gan khỏe mạnh mới không bịnh tật. Qua hồi nào tới giờ vẫn xài các thứ thuốc nam kiếm lòng vòng trong xóm, nhiều nhất là xài lá nha đam. Nhớ xài cả vỏ mới tốt. Hồi đó ông từ trên chùa bị bệnh xơ gan, mỗi ngày qua đâm cho ông một chén nước lá nha đam. Chỉ có vậy mà ông khỏe mạnh tới giờ.
Tôi nghe lời bà Chín, thường ngày vẫn kiếm đọt nhãn lồng luộc ăn, kiếm lá đinh lăng ăn sống cặp với cá kho. Ăn riết mắc ghiền, bữa cơm nào không có rau sống thì không biết ngon. Vợ con tôi cũng theo tôi mà thích ăn các thứ rau dại mọc hoang trong vườn, hay ngoài gò, ngoài bãi. Có lẽ nhờ vậy mà cả nhà tôi không thấy ai bệnh hoạn bao giờ.
Vợ tôi cũng rất qúy bà Chín. Lâu lâu có thức gì ngon cũng đem qua biếu bà một ít. Mỗi lần qua chơi, vợ tôi lại học được bà Chín một điều gì đó. Còn như có chuyện gì hay, bao giờ vợ tôi cũng kể lại với tôi. Cứ như vậy, dần dà tôi cũng hiểu được ít nhiều về bà Chín. Là hiểu về tính cách của bà, chứ cũng không hiểu gì về qúa khứ của bà. Bởi lẽ ngay cả với vợ tôi, được bà coi như con cái, bà cũng không bao giờ kể về cuộc đời của bà.
Một lần tôi đem cái máy đánh chữ ra ngồi gỏ trước hàng hiên, bỗng cảm giác như có ai ở sau lưng. Ngoái lại, thấy có thằng bé lủn củn, đội trên đầu một xề bánh cam. Nó toét miệng cười với tôi, rồi hỏi: Chú viết truyện à? Tôi gật đầu. Nó lại nói: Hồi nẳm con cũng biết đọc, nhưng giờ quên rồi. Con học chưa hết lớp một, mà con học dốt lắm. Cô con chê hoài. Mẹ thì nói con là thằng tối dạ. Tôi hỏi nhà nó ở đâu. Nó toét miệng cười: Con làm gì có nhà. Ba mẹ con lật xuồng chết trong đồng. Năm đó nước lớn, làng con có mấy người cũng lật xuồng chết. Vậy là con bỏ làng đi. Giờ con sống với ông từ trong chùa. Bà Tám Quắn thương, biểu con tới lấy bánh cam đem bán. Lúc nào đủ tiền đóng học phí, con xin ông từ đi học. Con cũng thích viết truyện như chú. Con biết nhiều chuyện hay lắm, nhưng con không biết viết.
Nghe nó nói, tôi giật mình nghĩ: Ừ nhỉ, cái thằng lủn củn này, nó đến làng lúc nào mà mình không biết. Khi tôi kể chuyện này cho bà Chín nghe, bà Chín ngồi trầm ngâm, rồi nói: Con xin cho nó vô học được không? Tiền trường để qua đóng cho. Qua chắt mót bi nhiêu năm, giờ cũng được một mớ. Chỗ quen biết với ông hiệu trưởng trường làng, tôi xin được cho thằng nhỏ đi học.
Nó học được gần hai tháng thì tới ở luôn với bà Chín. Nhìn hai bà cháu ngồi ăn cơm trên cái chỏng tre, thấy cái chòi cũng ấm cúng được phần nào. Do chuyện này mà bà Chín kê thêm trong chòi một cái giường, mua thêm một cái bàn, một cái tủ gỗ, và cái ra dô nhỏ cho thằng bé nghe đài.
Té ra thằng bé không tối dạ như nó nói. Cô giáo nó nói với tôi, thằng bé học khá lắm, chữ viết rất đẹp; hơn nữa nó lại rất ngoan, giao việc gì cũng làm đến nơi đến chốn. Tôi cũng cảm thấy như vậy. Bởi lẽ từ khi về ở với bà Chín, thằng bé thường thay bà đi cắt gương sen, ngồi bó lại thành từng chục một. Thấy sau nhà còn vạt đất trống, nó biết đi xin cây chuối con về trồng. Biết bà Chín hay ăn các thứ cây cỏ có vị thuốc, nó biết đi tìm cây con về trồng cặp theo mép hồ sen. Thỉnh thoảng nó vẫn ra đồng mò cua bắt ốc. Có khi bắt được nhiều, hai bà cháu ăn không hết, nó vẫn đem sang cho vợ tôi. Vợ tôi qúy nó như con trong nhà.
Từ khi có thằng bé đến sống chung, bà Chín đổi sang ăn ngày hai buổi. Trước đây bà chỉ ăn cá kho với rau sống, giờ thỉnh thoảng bà cũng mua thịt về nhà. Trước đây bà chỉ ăn chè, giờ thỉnh thoảng bà cũng cặm cụi ngồi đổ bánh xèo, ngồi gói bánh ú, bánh ít. Ở tuổi tám mươi mà bà vẫn lẹ chân lẹ tay, làm việc gì cũng gọn bân đâu vào đó. Nhờ vậy, thằng bé từ khi đến ở với bà Chín, cứ mỗi ngày mỗi mởn ra; trông có da có thịt như con nhà khá giả. Những lúc đi học, nhìn nó mặc đồng phục, coi cũng sáng sủa, bắt con mắt.
Vào một buổi chiều, lúc trời đang mưa tầm tả, có chiếc xe ôm chạy vào sân nhà tôi. Rồi một ông già quắc thước bước vào. Ông hỏi tôi, bên kia hồ sen có phải nhà bà Chín không? Nghe tôi nói phải, ông lão nói: Tui từ Bảy Núi xuống, muốn ở nhờ nhà chú vài ngày được không? Nhà tôi tuy là nhà tre lá, nhưng rộng rinh, nên tôi gật đầu đồng ý.
Khi đã cất bọc đồ vào góc giường, ông lão cho tôi biết, ông xuống đây để tìm bà Chín. Có người làng ông từ đây về, cho ông biết bà Chín sống ở làng này. Bà Chín bỏ xứ ra đi đã hơn ba chục năm. Trong ba chục năm ấy, ông đã dọ hỏi khắp nơi mà không thể nào tìm ra tung tích. Tưởng bà đã mất, nào dè bà con sống tới giờ. Ông muốn nhờ tôi chuyển giúp cho bà Chín một ít tiền để đỡ đần bà khi tuổi tác. Nghe ông lão nói, tôi giật mình nghĩ, có lẽ ông lão là chồng bà Chín, vì lý do nào đó mà họ chia tay. Tôi tỏ ý sẽ dẫn ông lão qua nhà bà Chín, nhưng ông lão lắc đầu nói: Gượm gượm vài hôm rồi tính. Ông cần dò hỏi coi tánh ý bà Chín ra sao đã, xa nhau suốt ba chục năm, nay đường đột xuất hiện, e không được tiện cho lắm. Ngay cả chuyện gởi tiền, ông cũng sợ bị bà từ chối, nên mới có ý nhờ tôi.
Đêm đó vợ tôi nấu nồi cháo cá đãi khách. Tôi nướng thêm mấy con khô bống kèo, mời ông lão uống rượu. Khi đêm đã khuya, ông lão mới cho tôi biết, ông là em ruột của chồng chưa cưới của bà Chín.  Chồng chưa cưới của bà Chín mất cách nay đã bốn năm. Những ngày cuối đời, ông thường nằm sảng nhắc tên bà Chín. Khi gần khuất núi, ông biểu người nhà lôi trong hộc tủ thờ ra cái hộp gỗ, bên trong có cái bọc ni lông. Mở ra thấy có hai tấm hình chụp bà Chín lúc còn trẻ. Ông cho gọi người nhà đến, rồi nói: Hai tấm hình này, một tấm chôn xuống mộ theo ông, một tấm đem truyền thần, rồi chưng lên bàn thờ cùng với tấm hình của ông.
Ông lão lôi trong giỏ xách ra tấm hình bà Chín. Đó là tấm hình chụp trên giấy lụa, đã ngã màu nâu vàng theo năm tháng, nhưng coi vẫn còn rõ nét. Trong ảnh, bà Chín rất đẹp, rất tươi, tóc chải bồng ra phía sau, hệt như hình tài tử. Cứ như tấm hình ấy, thì con gái làng tôi không ai đẹp được như vậy.
Thế rồi ông lão kể cho tôi nghe chuyện qúa khứ của một đời người.
Thuở ấy bà Chín là đào chính của một gánh hát. Gánh hát ấy có lần lên hát tại Lương Phi Bảy Núi. Ngay đêm hát đầu tiên, Tấn Hưng, con trai ông Hội đồng, đã bết cô đào Chín mê mết. Rồi thì từ đó, đêm nào Tấn Hưng cũng đeo dính theo gánh hát, cũng mua cho bằng được chỗ ngồi tốt nhất ở hàng ghế đầu. Gánh hát rong ruổi lưu diễn cả tháng ở Bảy Núi. Ròng rả cả tháng Tấn Hưng đeo theo gánh hát. Ông bầu gánh hát biết tình ý của Tấn Hưng, đem chuyện kể lại cho đào Chín. Đào Chín lúc đó có tên là Quế Hường. Quế Hường là cô đào bốc lửa cả dưới ánh đèn, cả dưới ánh mặt trời. Khi biết chuyện, Quế Hường lại càng bốc lửa, khiến con trai ông Hội đồng càng thêm ngơ ngẩn, lúc nào cũng như người mất hồn.
Càng mất hồn, Tấn Hưng càng đeo dính theo Quế Hường từng bước. Đeo riết rồi cũng dính. Quế Hường đã một vài lần nhận lời ra ngồi chơi bên gốc cây còng dưới bến sông với Tấn Hưng. Ánh trăng rưới sữa lồng lộng, Quế Hường càng trở nên bốc lửa ngùn ngụt, thiêu đốt Tấn Hưng tới mụ mẩm. Nhưng họ cũng chỉ ngồi với nhau vậy thôi. Bởi vì mỗi lúc Tấn Hưng muốn tấn tới, bao giờ cũng bị Quế Hường khôn khéo tìm cách chặn lại. Và càng bị chặn lại, Tấn Hưng càng trở nên mụ mẩm.
Tấn Hưng mụ mẩm tới mức, một lần bắt gặp người bạn trai của Quế Hường tại phòng trọ của cô, anh đã không kìm được mình, đã kiếm cớ gây sự với người ta. Trong cơn nóng giận vì say rượu, Tấn Hưng đã chụp lấy con dao mà Quế Hường vẫn thường dùng để gọt cam, đâm liên tiếp mấy nhát, khiến bạn trai của Quế Hường gục xuống bất tỉnh.
Khi ấy, Quế Hường dùng cả hai tay nắm chặt hai vai Tấn Hưng, vừa lắc như điên như dại, vừa hét lên: Anh khùng rồi! Anh điên rồi! Làm sao em cấm được người ta đến thăm mình! Tại sao anh lại giết người! Tại sao anh lại tồi như vậy! Anh khùng rồi! Nói xong cô vụt chạy ra ngoài. Và cô chạy luôn từ đó, không bao giờ còn trở lại vùng Bảy Núi.
Ra tù nhờ chạy tội bằng tiền, Tấn Hưng nhớ người yêu, lang thang đi tìm hết tháng này tháng khác. Nhưng biển khơi tăm cá, biết đâu mà tìm. Nỗi nhớ quay quắt nhấn chìm Tấn Hưng vào rượu trắng. Rượu đốt gan ruột Tấn Hưng tới cháy mủn ra, tới phải đi mổ vì xơ gan. Năm này sang năm khác, Tấn Hưng sống vất vưởng trong nỗi nhớ như người chán đời. Và bởi ám ảnh về tội lỗi, càng lúc Tấn Hưng càng héo hắt, càng vất vưởng như người tâm thần. Ông Hội đồng Hà thương con, nhờ người mai mối cho Tấn Hưng một người vợ. Nhưng có vợ cũng như không, Tấn Hưng không thể ngủ chung cùng buồng, cùng giường với vợ. Vò võ hai năm trời, vợ ông chán nản bỏ chồng về với mẹ. Rồi bà đâm đơn ra Tòa xin ly dị để đi bước nữa với người khác. Tấn Hưng sống thui thủi như vậy cho đến già, cho đến chết.
Khi tôi kể chuyện này cho bà Chín nghe, bà chắp tay nói: Mô Phật! Nhưng từ đó, bà càng trở nên trầm lặng hơn hẳn. Chìm trong nỗi trầm lặng u ẩn của cuộc đời, bà héo hắt dần như chiếc bóng bên hồ sen trắng. Thường cứ vào lúc chiều buông lãng đãng, bao giờ bà cũng bắc ghế ra ngồi trầm ngâm sát bên hồ sen. Thằng bé tên Tuấn cũng ra ngồi với bà. Hai bà cháu đều im lặng như hai cái dấu chấm, chấm vào trời chiều bầm đỏ.
Một hôm bà Chín cho thằng Tuấn qua mời tôi tới nhà. Khi đã sai thằng bé đi mua dầu hôi, bà Chín nói với tôi: Nếu muốn cất cái nhà gạch bằng khung sắt tiền chế, rộng chừng năm chục mét vuông thì hết bao nhiêu tiền. Nghe tôi nói khoảng hai lăm triệu, bà Chín nói: Qua nhờ con kêu thợ cất giùm qua cái nhà.
Ngôi nhà cất xong thì bà Chín ngã bệnh. Bà nhờ tôi nhắn tin lên Bảy Núi cho em ruột ông Tấn Hưng. Khi hai vợ chồng em ông Tấn Hưng xuống, bà mới chỉ chỗ cho tôi đào xuống góc nhà, lấy lên cái thùng sắt đựng đạn đại liên của Mỹ. Không hiểu vì sao cái thùng sắt vẫn còn rất mới. Mở ra thì thấy một bọc ni lông màu đen, bên trong có sợi dây chuyền mặt ngọc, hai cái lắc vàng, một chuỗi cườm ngọc trai, một cái nhẫn cầu hôn. Đó là tất cả những gì bà Chín dành dụm được trong quãng đời đi hát. Bà Chín cầm cái nhẫn lên, nói: Cái nhẫn này là của Tấn Hưng gởi cho bà, nay bà xin đeo nó để tỏ lời hứa hôn với ông lúc trước. Khi nào bà mất thì tháo ra, giữ lại với tất cả những gì bà có cho thằng Tuấn. Trời đã đem thằng Tuấn đến cho bà, bà nhờ tôi trông nom giúp đỡ để thằng Tuấn nên người.
Tối đó, vào lúc nửa đêm, trời nổi giông rất mạnh, nhưng lại không mưa. Phía vườn chùa, không hiểu sao cò nổi lên kêu qùa qùa suốt cả tiếng đồng hồ. Tôi thấy chờn chợn như linh tính đang mách bảo một điều gì, liền chạy qua nhà bà Chín. Thằng Tuấn thức dậy mở cửa cho tôi. Nó nói: Bà cháu ngủ trong buồng từ chập tối. Bán tin bán nghi, tôi biểu thằng Tuấn vào buồng xem bà nó có còn nóng sốt không. Thằng Tuấn vào buồng chưa đầy một phút đã thốt lên khóc hù hụ. Bà ơi! Bà đừng bỏ cháu mà đi bà ơi! Thức dậy đi bà ơi!
Tôi chạy vào buồng, thấy thằng Tuấn đang gục đầu trên ngực bà Chín, khóc nấc lên tức tưởi. Tôi vừa dợm chân tính chạy về nhà gọi vợ, đã thấy vợ tôi cùng vợ chồng em ông Tấn Hưng qua tới. Tôi chạy đi nhờ hàng xóm kéo điện từ nhà tôi sang nhà bà Chín để thắp mấy ngọn đèn điện. Không biết từ đâu, khi mấy bóng đèn bật sáng, thì nhiều bà con lòng vòng lối xóm cũng lần lần kéo đến. Cả ông từ giữ chùa cũng đến.
Sáng ngày, khi tôi đã lo xong cỗ hậu sự cho bà Chín, em ông Tấn Hưng đến gặp ông Chủ tịch xã, xin phép cho vợ chồng ông đưa bà Chín về Bảy Núi chôn cất. Mới đầu ông Chủ tịch xã còn lưỡng lự, nhưng khi nghe tôi kể lại chuyện ông Tấn Hưng, ông Chủ tịch đã bàn lại với ông bí thư xã, và cả hai đều đồng ý. Em ông Tấn Hưng nói với tôi: Qua cũng đoán trước có chuyện, nên có đem theo ít tiền, nhờ vợ chồng chú kéo điện về nhà cho thằng Tuấn.
Chúng tôi mướn trọn gói một chiếc xe lam để đưa bà Chín về Bảy Núi. Do con đường từ lộ xã vào ngôi nhà của bà Chín quá nhỏ, chúng tôi phải khiêng chiếc quan tài đi vòng qua ao sen. Nắng đổ rười rượi, mượt như lụa. Cả hồ sen hoa nở trắng tới không tưởng nổi. Hương sen thơm ngào ngạt, quyện cùng hương khói nhang đèn, đưa bãng lãng đến nao cả lòng dạ.
Trời trong văn vắt, không vẩn một gợn mây. Phía vườn chùa, những cánh cò cứ liên tục bay lên bay xuống, chớp nắng lấp lánh lấp lánh.
Người của một thời


Tùng, Quân cùng mấy người dân Vân Kiều dừng lại đầu cánh rừng le. Ngày ấy Tùng một mình đào huyệt, gởi Dũng nằm lại nơi này, nhưng cụ thể ở đâu thì anh không nhớ. Bấy giờ nơi đây chỉ bầm bầm một màu đất đỏ. Tiến lên nữa về bên phải hay bên trái đây. Rừng le bạt ngàn, biết nơi nào mà cắm lưỡi xẻng đào xuống. Anh lấy di động gọi về cho ông Quyết. Giọng ông Quyết khàn khàn: “Đốt một điếu thuốc rồi đi chếch lên về bên trái. Tàn hết điếu thuốc thì dừng lại, nhìn thấy cây săng máu, nhắm mắt lại, đi đúng mười bước sẽ gặp tảng đá. Mở mắt ra, đào cách tảng đá hai mét bên phải sẽ gặp”.

Làm theo lời dặn của ông Quyết, quả nhiên Tùng thấy cây săng máu mồ côi, tảng đá mồ côi. Anh đặt ba lô xuống, lôi ra mấy quả trứng luộc, nải chuối, nén hương và gói thuốc. Khói hương bốc lên rồi sà ngay xuống, tỏa là là trên mặt đất thành một vũng trắng đục. Mấy người Vân Kiều bắt đầu dùng xẻng đào bới ngay vũng khói ấy. Hết lớp đất chằng chịt rễ cây, tới lớp đất thịt, dẻo và mịn. Cả tùng và Quân đều căng mắt chờ đợi, mồ hôi rịn ra, chảy giọt giọt nóng bỏng.
Một người Vân Kiều dùng tay moi lên được cái lưỡi lê ba cạnh, bị gãy ở chỗ gắn vào nòng súng. Tùng khóc nấc lên thổn thức. Vậy là đúng mày rồi Dũng ơi. Mày tha thứ cho sự chậm trễ của tao. Vậy là từ nay mày thôi lạnh lẽo một mình giữa rừng le quạnh vắng. Dưới kia, dòng Đắc Krông vẫn ào ào cuộn chảy. Dưới kia, thị trấn Khe Sanh vẫn tưng bừng nhộn nhịp. Gió Lào vẫn thổi từ bấy đến giờ. Tha thứ cho tao, Dũng ơi!
2.
Tiểu đoàn chốt chặn trên ngọn đồi A6 tới ngay thứ năm, quân số chỉ còn lại gần trung đội. Lệnh của trung đoàn: phải giữ cho bằng được cao điểm. Pháo nả xuống dồn dập. Hết pháo tới bom. Ngọn đồi rung chuyển rần rần như động đất. Dũng bị hơi bom rách cả hai màng nhỉ, gương mặt ngơ ngác như thằng ngốc. Lâu lâu anh ta lại gào lên: Còn ai không? Tùng cũng không biết nữa. Chỉ nghe tiếng AK, tiếng RPĐ mà đoán là vẫn còn.
Tới chiều ngày thứ bảy, trận địa đang rền rền tiếng súng, bỗng im bặt. Có thể tụi nó tập trung quân, chuẩn bị cho trận quyết tử vào sáng mai. Sự im lặng trên chiến trường cũng như con mắt bão. Tùng biết phải tranh thủ lúc này, bò đi tìm đồng đội, tìm thêm súng và đạn; nhất là phải tìm gom thêm nước uống. Cả ngày nay, anh và Dũng chỉ chia nhau nửa bi đông nước, cổ họng khô rát, mồm miệng đắng nghét.
Công sự đầu tiên mà anh gặp, người lính vô tuyến điện ngồi dựa lưng vào thành đất, tay phải vẫn cầm cái tổ hợp máy PRC25, đầu gục xuống, tóc tai rũ rượi, ngực áo ươt đẫm máu. Cầm tổ hợp lên, bóp mạnh vào phím nhấn, Tùng nghe tiếng gọi: “Sông Hương gọi Hồng Hà, nghe rõ trả lời!”. Tùng áp sát tổ hợp vào miệng, nói hào hển: “Hồng Hà đây! Tôi là Trần Mạnh Tùng C6. Đinh Văn Thiết thông tin hy sinh rồi. A lô, sông Hương nghe rõ không?” “Sông Hương nghe rõ. Lệnh cho Hồng Hà rời trận địa. Tập kết ở N. sông Hương gọi Hồng Hà, nghe rõ trả lời!”. “Sông Hương, sông Hương, Hồng Hà nhận lệnh”. Tiếng nói trong tổ hợp tắt phụt.
Tùng leo lên khỏi công sự, tiếp tục trườn về phía trước. Tất cả chỉ còn lại tám người. Một người bị thương ở đầu, băng che kín nửa mặt. Hai người bị thương ở tay trái. Một người bị thuơng phần mềm ở bắp đùi chân phải. Dũng là C trưởng, hai tai đã điếc đặc, Tùng chỉ là B trưởng, nhưng phải đứng ra chỉ huy cả tiểu đoàn nát vụn sau mấy ngày bám trụ trên cao điểm.
Khoảng chín giờ tối, tám người lần lượt rút xuống phía tây sườn đồi. Lặng lẽ đến cay nghiệt. Khó mà tin được thươngvong lại lớn như vậy. Hơn hai trăm tay súng, sau mấy ngày, chỉ còn lại một dúm người xơ xác vì đói và khát. Họ băng qua suối, xuyên sâu vào một cánh rừng, dừng lại chăm sóc cho những người bị thương, gần như đã lả ra vì kiệt sức.
Hừng đông, từng đàn phản lực chúi xuống cắt bom xăng lên cao điểm. Lửa bốc bùng bùng. Như vậy là tụi chủ lực Sài Gòn đã bỏ cao điểm. Cần phải rút nhanh về N. Cả đoàn người lại lên đường. Gần trưa, họ tới được cánh rừng le loang lỗ hố bom hố pháo. Đang đi, Tùng chợt nhận ra mùi thuốc bastos. Vậy là đụng biệt kích, anh ra hiệu cho tất cả nằm xuống, ém nhẹm để quan sát. Đúng lúc ấy, người lính bị thương ở đầu bỗng la lên chói lói: Bắn! Bắn! Vậy là tiếng súng lập tức rộ lên. Cuộc tao ngộ chiến không hề cân sức. Cả một đại đội lính rằn ri thi nhau xả súng vào đội hình tiểu đoàn chỉ còn có tám người. Trong tình huống ấy, phương án tác chiến tốt nhất là vừa đánh vừa rút.
Tùng và Dũng trườn sát bên nhau, dìu theo người lính quấn băng trắng trên đầu. Không hiểu sao lúc này anh ta rất tỉnh, hai mắt rực lên như có lửa. Khi đã thoát ra khỏi vùng đạn, cả ba chạy lúp xúp thành hàng ngang. Đang chạy, người thương binh vấp phải một gốc cây, ngã lăn quay. Không biết từ đâu, một thằng lính gù gù như con gấu, nhảy xồ ra, bổ nhào vào người lính. Hắn không bắn mà rút phắt dao găm từ thắt lưng. Chỉ có lính chiến mới táo gan như vậy. Tùng nhìn thấy Dũng tuốt lê xông tới, nhảy bổ vào thằng lính. Ánh thép lóe lên, lạnh như sao băng. Thằng lính nhanh hơn, nó nghiêng mình về bên trái. Dũng mất đà, lao chúi xuống đất. Lưỡi lê đâm trúng một phiến đá, gãy nghe băng một tiếng khô khốc. Một tiếng nổ vang lên đanh chát. Dũng bị hất văng lên, rồi đổ sập xuống. Tùng quạt gần nửa băng đạn vào thằng lính. Nó lăn lộn dưới đất, toàn thân giật giật như cá bị đập đầu.
Nhưng đổi lại, chỉ một cú vấp ngã, mà không hiểu vì sao, người thương binh lại nhắm mắt từ giã cả cánh rừng đang rộ tiếng súng tao ngộ. Còn Dũng thì dùng cả hai tay ôm bụng, máu phún ra ướt rượt, đen bầm cả vạt áo. Viên đạn chỉ xuyên qua phần mềm vùng bụng, vậy mà máu lại túa ra quá nhiều. Không còn băng cá nhân, Tùng phải xé áo lót băng cho Dũng, rồi tiếp tục dìu anh chạy bươn về phía trước.
Càng chạy Dũng càng lả ra. Lối thoát duy nhất lúc này là án binh bất động, nằm im nghe ngóng chờ cơ hội. Biết Dũng khát nước vì mất máu, Tùng mò đi tìm được một dây chạc chìu to như bắp tay, chặt khúc, hứng được gần nửa bi đông nước. Đưa bi đông cho Dũng xong, Tùng lại bươn bả đi tìm quả rừng làm thức ăn cho bạn. Anh lò dò đi một cách thận trọng. Cánh rừng đã im ắng trở lại. Loanh quanh một lúc, Tùng chợt nhận ra mình bị lạc đường, khi anh nhìn thấy người đồng đội nằm chết gần xác tên lính to lớn. Anh lượm lại cái lưỡi lê của Dũng, dùng nó moi một hỏm đất, vùi người đồng đội xuống, cùng với khẩu súng của anh ta.
Khi Tùng tìm được Dũng, Dũng đã ngồi dựa vào gốc cây mà ngủ. Máu đã ngưng chảy, nhưng mặt Dũng thì bợt ra vì kiệt sức. Kiểu này thì Dũng không thể đi được nữa. N còn xa lắm. Muốn đưa Dũng về tới nơi, cần phải dừng lại tìm cách hồi phục sức khỏe cho anh.
3.
Mãi cuối năm 1975 Tùng mới được ra quân, sau khi đã có trong tay tấm giấy chứng nhận thương binh hạng năm. Anh trở về làm bảo vệ nhà máy điện Yên Phụ. Không ai còn nhận ra Tùng là người lính ở chiến trường Quảng Trị. Anh gầy vêu vao và già khọm đi trông thấy. Người yêu đã hy sinh trong trong trận đánh đêm 19 tháng 12 năm 72, trên trận địa làng Bưởi. Anh và cô ta từng yêu nhau như thế, bây giờ cô ta không còn, Tùng thấy mình đã mất tất cả. Vậy thì còn cần gì nữa. Lương bảo vệ, cọc cạch tem phiếu cũng đủ ăn. Sức khỏe không còn, lấy vợ chỉ làm khổ cho người ta.
Thời gian bò qua đời anh một cách nặng nhọc và chậm chạp. Cơ quan cấp cho cái phiếu mua cung cấp chiếc xe đạp thống nhất. Với con ngựa sắt này, thỉnh thoảng Tùng vẫn đạp đi thăm thú bạn bè. Uống với nhau chén rượu, vại bia. Lâu lâu hùn nhau kéo lên đê sông Hồng làm bữa thịt chó. Chiến tranh chìm dần trong đầu anh, trở thành dĩ vãng nặng nề về sự mất mát quá lớn của con người.
Tùng sống thu mình một cách lặng lẽ. Mọi người trong cơ quan nhìn anh như nhìn một người kém năng lực. Họ làm việc cùng anh, nhưng cứ từng ngày, họ quên dần mất rằng, anh đang sống cùng với họ. Chỉ khi nào gặp lại đồng đội cũ, anh mới nhận ra, cuộc đời vẫn tuôn chảy đầy ý nghĩa. “Mày dở hơi vừa thôi! Kiếm con mái nào mà bù khú, mà hưởng lạc với nó. Sống khắc kỉ như vậy, rồi chết héo”. Có con mái nào để ý đến Tùng đâu. Giống đực mà ốm nhom như anh, ai người ta thèm để mắt.
Vào một chiều mùa đông, Tùng cùng bạn bè lên đê sông Hồng uống rượu thịt chó. Không biết ai đó dẫn đến một cô gái hăm sáu tuổi, người tròn, mặt tròn, ngực và mông cũng tròn. Cô ta cười với tất cả mọi người, uống với tất cả mọi người. Tan tiệc thì cô ta say khướt. Bạn bè giao cho Tùng đèo cô ta về nhà. Mới ngồi lên xe, cô ta đã vòng tay ông bụng Tùng, rồi gục đầu vào lưng anh mà ngủ. Lúc đó Tùng mới hoảng hồn. Chở cô ta về đâu cơ chứ. Có ai nói số nhà của cô ta đâu. Anh dừng xe lại, vỗ vai cô gái, hỏi: “Em ơi! Em về đâu?”. Cô gái chỉ ú ớ gục gặc đầu.
Màn đêm đã buông sậm sịt. Heo may thổi buốt như như kim châm. Đành phải chở cô ta về căn phòng mười hai mét vuông của mình. Chỉ có cái giường một. Tùng dìu cô nằm lên đó, lấy tấm chăn bông  hai cân đắp cho cô. Còn anh lấy tấm ni lông trải xuống nền nhà, lót mấy tờ báo lên, rồi cuộn mình trong tấm bông xô của lính dù. Hơi đất phả lên thon thót. Giá lạnh luồn vào thon thót. Lạnh tới đánh đàn răng cầm cập, không tài nào nhắm được mắt. Nhưng rồi say quá, cuối cùng Tùng cũng chìm được vào giấc ngủ nặng nề, thảng thốt. Anh mơ thấy mình cùng tiểu đoàn vượt sông Thạch Hãn, đánh tốc vào thành Cổ. Toàn thân ướt mèm như chuột lột. Xung quanh khói lửa rừng rực, thế mà quần áo vẫn không khô được, cứ dính bết vào da thịt, lạnh tới thót ruột, tới cóng tay, không xiết nổi cò súng. Thấy người đồng đội nằm gục bên cạnh, Tùng nghĩ đằng nào anh ta cũng đã hy sinh, liền cởi phăng áo của anh ta mặc thêm vào người. Vẫn cứ rét, cứ lạnh tới thắt ruột. Tùng nhớ chuyện “Không gia đình” của Héc To Ma Lô, liền kéo anh ta lại, ôm ghì vào lòng. Quả là có ấm lên thật. Càng lúc càng ấm. Bàn tay đã mềm trở lại, đã có cảm giác đang sờ trên báng súng. Bây giờ thì tha hồ mà nả đạn. Nả hàng loạt mới sướng. Cánh quân lực chu đáo không tưởng được. Đạn tiếp tế nườm nượp. Cứ tha hồ mà bắn. Bắn cho chúng mày chết. Ông là lính chủ lực. Ông bắn cho chúng mày chết. Tùng xiết chặt tay vào cò súng.
Trời ạ!
Cô gái đang nằm trong vòng tay của anh. Anh xiết tới mức cô gái ngạt thở thức dậy. Cả hai chìm trong tấm chăn bông. Tùng hoảng hốt ngồi bật dậy. “Sao cô lại tụt xuống đây?”. “Em sợ anh chết rét. Trời lạnh tới tám độ. Em định đưa anh lên giường, nhưng say quá bồng không nổi”. “Mấy giờ rồi?”. “Chắc cũng gần năm giờ sáng”. “Nhà cô ở đâu? Nếu xa thì tôi chở cô về”. “Việc gì phải khổ thế nhỉ. Hay là để em nấu nồi cháo. Trong rỗ của anh còn mấy quả trứng gà đấy thôi”.
Vậy là họ thức với nhau.
3.
Ba ngày sau cô gái lại đến, cùng với một cân thịt bò và nửa cân hoa thiên lí, một chai làng Vân. Tùng há hốc miệng, ngạc nhiên tới đớ cả lưỡi. “Anh cứ coi em như em gái được không. Tiền thưởng đấy”. “Cô không biết tôi còn độc thân à?”. “Biết chứ. Nhưng hôm nay em mượn con bạn chiếc xe đạp, anh đừng sợ phải chở em về nhà”.
Ba ngày sau nữa cô gái lại đến. Lần này không phải thịt bò, hoa thiên lí, mà là thịt chó, dồi chó, với ngọn bí ngô và quốc lủi. “Anh tin không? Em lại có tiền thưởng nữa đấy. Bọn em móc cả đoạn cống dài gần cây số. Ngâm nước mùa đông nên được thưởng. Nhưng em nói thật nhé! Cũng phải bù thêm một ít”. “Vậy ra cô làm ở công ty vệ sinh à?”. “Vâng, đêm nào chúng em chẳng quét rác trên đường. Gớm, Hà Nội mình đang nghèo xác ra, vậy mà rác ở đâu nhiều thế không biết. Chúng em nhặt nhạnh được ối thứ bán ra tiền”.
Và ba ngày sau nữa. Ba ngày sau nữa. Tới lần thứ bảy thì cô giái đã trở nên bạo dạn, bắt đầu tò mò lục lọi đọc mấy cuốn sách của Tùng. Bất ngờ tấm ảnh của Dũng rơi ra. Cô gái nhặt lên, lật mặt sau đọc tên, rồi quay lại hỏi Tùng: “Anh này giống con bác Lâm bộ trưởng quá. Lại cùng họ tên nữa”. “Cô mà cũng quen bộ trưởng à?”. “Chứ sao! Bác ấy còn chụp ảnh kỷ niệm với chúng em”. “Có bà con gì không?”. “Cả nhà em truyền đời quét rác, bà con sao được. Là bác ấy đi tập thể dục buổi sáng, thấy chúng em đẩy xe rác thì tới bắt chuyện, mời tới nhà chơi. Mới đầu công an họ không chịu cho vào. May mà bác ấy đứng trên lầu nhìn thấy. Anh biết không? Nhà bác ấy nhiều đồ đẹp và quý lắm. Khách nước ngoài tới thăm, biếu làm quà đấy”. Cô gái đang nói, bỗng ngừng lại, nhìn kỹ tấm ảnh một lúc rồi nói: “Em đoảng quá. Đúng anh này là con bác Lâm rồi. Nhà bác Lâm có ảnh anh ấy treo trên tường, lúc mới nhập ngũ. Bác Lâm cũng nói với chúng em là bác ấy có người con trai tên Dũng, hy sinh không tìm tấy xác ở chiến trường Quảng Trị. Hay là anh cho em mượn tấm ảnh, em đem đến cho bác ấy xem”.
Mấy ngày sau, Tùng đi làm về, đang lạch xạch mở khóa của, có đứa bé hàng xóm chạy tới nói: “Chú Tùng có khách. Bác gì ấy già lắm, đang ngồi uống nước chè ngoài quán bà Thủy. Bác ấy dặn cháu, bao giờ chú về thì nhắn giúp để gặp”.
Tùng không tin một ông bộ trưởng nổi tiếng cả nước, lại đạp xe đến nhà mình. Nhưng điều khiến anh phải tin, chính Dũng là con trai duy nhất của ông bộ trưởng, lại nhập ngũ ngay khi cha mình còn đang chức.
Sau cuộc gặp ấy mấy ngày, có người đưa xe hơi đến tận cơ quan, xin phép cơ quan cho Tùng đến nhà riêng ông bộ trưởng đã hưu trí. Khi nghe Tùng kể đến đọan Dũng trút hơi thở cuối cùng, vợ ông bộ trưởng ôm chầm lấy Tùng, khóc nấc lên: “Con ơi!”. Rồi bà đứng dậy, thắp hương cho con trai. “Dũng ơi! Con sống khôn chết thiêng, trời đất run rủi cho anh Tùng đến nhà ta”.
Khi mấy cây hương đã ngún khói, mẹ Dũng bình tâm trở lại, ngồi xuống nói với Tùng: “Tùng ơi, mẹ muốn nhận con làm con trai, con có đồng ý không?”. Ông bộ trưởng mở tủ lấy ra một chai rượu ngoại, rót ra ba cái cốc nhỏ có chân, nói với Tùng: “Cháu là bạn thằng Dũng, nhà bác chỉ có mình nó là con trai, cháu đừng làm bác gái buồn”.
Cô gái tròn như trái mít, quanh năm quét rác trên đường, nhưng lại biết đủ thứ chuyện trên đời. Chính cô đã dẫn Tùng đến gặp ông quyết. Nhờ vậy anh mới tìm được Dũng giữa cánh rừng le ngút ngát.
5.
Tùng bị nắng chiếu vào mắt. Thức dậy, thấy mặt trời đã chênh chếch gần đứng bóng. Dũng đã thức từ lúc nào. Anh ngồi tựa gốc cây, lơ đãng nhìn đi đâu đó. Thấy Tùng ngồi dậy, Dũng nói: “Nhà mày ở gầm cầu tàu hỏa phải không? Hồi nhỏ có đá bóng ở sân Long Biên không? Tao hay trốn nhà đến đó chơi. Có hôm cay cú vì thua, bọn tao lao vào đánh nhau. Có thằng đấm tao tới chảy máu mũi, có khi là mày cũng nên”. Trầm ngâm một lúc, Dũng lại nói: “Tao không tiếc gì hết. Chỉ thương ông bà già. Nhà chỉ có tao với hai đứa em gái. Bây giờ chắc chúng nó đã vào đại học cả rồi”. Ôm ngực ho mấy tiếng, Dũng lại nói: “Mày có người yêu chưa? Tao thì chưa bao giờ. Hôm bị sập hầm trên cao điểm, tao ngất đi cả tiếng phải không? Mày biết vì sao tao qua được, sống dậy không? Lúc đó, tự nhiên tao mơ thấy con Hoài Thu, bạn học cùng lớp. Nó đến rủ tao đi xem phim. Bấy  giờ Hà Nội đang chiếu phim “Chú bé Di Gan”. Tao với nó đi bộ từ khu Ba Đình đến rạp Tràng Tiền. Trời rét kinh khủng”.
Nói đến đó, Dũng duỗi chân, thả người nằm tựa hẳn vào gốc cây cụt ngọn, cháy xém tro bụi. “Mày đi lính 68 à? Tao đi từ năm 66. Lúc đó bạn bè chết vì sốt rét nhiều lắm. Tao cũng mấy lần thập tử nhất sinh. Có hôm ngủ dậy, gọi thằng bạn, không nghe nó ơi hỡi, tao cuốn tấm tăng lên, thò tay vào võng, thấy nó đã chết cóng. Lúc đó sợ tới rùng mình. Chỉ muốn có địch để bắn nhau thí mạng, chết mẹ nó cho rồi. Chết trên chiến trường còn quang vinh, chứ chết vì sốt rét, sợ lắm”. Thấy Dũng lại ôm ngực ho nấc lên, Tùng nói: “Anh ngồi đây, để em đi kiếm thứ gì ăn được. Bên kia đồi, biết đâu có người Vân Kiều hay người Pa Kô.
Tùng đi đến xế chiều mới về tới nơi. “Em không gặp dân, nhưng gặp rẫy sắn của dân. Vác có hai ống quần sắn mà mệt muốn ná thở”. Trong khi Tùng nhóm lửa nướng sắn, Dũng lại ngất đi. Chờ Dũng tỉnh dậy, Tùng đưa cho anh mấy củ sắn đã bóc sạch lớp vỏ cháy đen. Thấy Dũng ăn bị nghẹn, Tùng nghĩ, đêm nay phải tìm cách bắt mấy con tắc kè, may ra Dũng mới khỏe lại được. Vết thương của Dũng đã bắt đầu có mùi. Thế này thì khó mà dìu anh ta về tới N. Cách tốt nhất là Tùng phải một mình đến N, gọi người vào cáng Dũng về cứ. Nhưng để Tùng ở lại một mình, lỡ có bề nào thì sao. Biết đâu số anh em thoát được trận tao ngộ chiến, sẽ báo cho trung đoàn đưa người vào tìm kiếm thương binh tử sĩ.
Rừng khuya im ắng đến kỳ lạ. Nghe có tiếng tắc kè ném lưỡi vào đêm, nhưng không có đèn, làm sao mà tìm thấy. Đành phải để đến sáng mai tìm cách khác.
Sáng hôm sau, Dũng thiếp đi đến tận trưa không thức dậy nổi. Tùng lang thang trong cánh rừng loang lỗ những vạt đất bị cày lên, đỏ bầm như máu vì bom và đạn  pháo. Anh tìm được một cái mũ sắt, liền đem về lấy sắn nướng cho vào đó, nghiền ra, rồi đổ thêm nước vào. Vậy mà Dũng ăn vẫn bị nghẹn.
“Tùng này. Sức tao đã kiệt lắm rồi, đằng nào cũng chết. Thôi, mày cứ một mình về trung đoàn. Sau đó có điều kiện thì trở lại. Tao muốn được chôn xuống đất”. Quả là Dũng đã quá yếu. Vết thương càng lúc càng bốc  mùi khắm lặm. Phải liều mạng xuống suối lấy nước rửa cho anh ta, nếu không, giòi bọ sẽ đục đến tận xương. Nhưng xuống suối là điều không thể. Suối quá xa, lại phải đi ngược về phía cao điểm. Đành phải đái vào cái mũ sắt, lấy nước tiểu mà rửa. Rửa xong, lau cho thật sạch, chắc cũng không đến nỗi nào.
Nhờ làm cách đó mà Dũng có vẻ tươi tắn được phần nào. Anh ta nghiến răng chịu đau đến chảy nước mắt, ngồi yên cho Tùng lau chùi vết thương. Lúc Tùng băng lại xong xuôi, Dũng nắm tay anh, thều thào: “Tự nhiên tao thèm ăn một quả xoài quá đi”. Nói xong, Dũng hơi rướn người ngồi dậy, mặt đờ ra ngây dại. Tùng biết, mình có nói thì Dũng cũng không nghe được. Nhưng Dũng chỉ có một ước muốn ấy. Mình đã gặp rẫy sắn của đồng bào, nhất định sẽ gặp buôn làng của họ, nhất định sẽ có xoài, sẽ có người dân vào giúp.
Mới mờ sáng, Tùng đã cắt rừng đi về phía rẫy sắn. Anh tìm được mấy ngôi nhà sàn xệch xạc, trống huơ thống hoác, mốc meo mùi bỏ hoang. Không có một thứ gì khả dĩ có thể đựng được nước. Nhưng may mắn là anh đã tìm được mấy quả xoài xanh.
Tùng về tới nơi lúc trời chiều bầm đỏ. Dũng nằm mê man. Tùng lay gọi hàng chục lần anh mới tỉnh. Nhìn thấy quả xoài, mắt Dũng vụt sáng, miệng nở nụ cười méo xệch. Anh cầm qủa xoài lên, ấp nó vào ngực, rồi hôn nó mấy cái, sau đó mới cắn một miếng lớn, nhai rau ráu ngon lành.
Ăn hết quả xoài, Dũng cầm tay Tùng áp lên ngực mình, nở nụ cười yếu ớt: “Tao đi đây! Chúng nó đang gọi”. Đầu Dũng gật sang một bên, lả xuống. Bàn tay vẫn còn nắm bàn tay của Tùng.
6.
Sư đoàn theo tiếng súng tiến về phía trước, nhưng Tùng thì tụt lại. Một mảnh pháo đâm lủng lá phổi bên trái của anh. Một mảnh pháo khác cắt ngắn ruột non của anh một khúc. Một mảnh bom rạch ngực anh thành đường rảnh sâu hoắm. Hai viên bi chui vào ngủ trong bụng dưới. Đẹp nhất là viên AR15 xuyên thủng hai má thành lúm đồng tiền, lúc anh vọt lên khỏi công sự, há miệng hô xung phong. Tất cả họp nhau, xui khiến Tùng trốn tránh những nơi ồn ào, hội hè, và nhiều phụ nữ.
“Con ơi- mẹ của Dũng nói- ngày mai có chuyến hàng quần áo gởi tặng bà con các tỉnh miền Trung, bố mẹ muốn theo chuyến hàng ấy vào Quảng Trị, con sắp xếp đi luôn được không?”.
Anh Quân, cán bộ Sở Lao động thương binh tỉnh, lật hồ sơ, tìm được tên Dũng, nhưng anh không xác định được Dũng nằm xuống ở nơi nào, giữa trùng trùng đồi núi huyện Lao Bảo. Tất cả là nhờ vào sự liên lạc từ xa với ông Quyết. Khi tìm được ngọn đồi từng là cao điểm A6, ông bà Lâm tuổi cao sức yếu, đành phải ở lại nhà khách huyện ủy.
Buổi sáng, hai ông bà chỉ uống cốc sữa. Buổi trưa, hai ông bà không nuốt nổi hột cơm. Họ dìu nhau ra ngồi bên gốc bồ đề sum suê cạnh đường 9. Cả hai lặng lẽ tựa vào nhau, nhìn vọng về phía ngọn đồi A6.
Rất lâu. Rất lâu. Chợt bà Lâm nắm tay chồng, khóc nấc lên: Ông ơi, thằng Dũng nó về tới rồi này!
Nhìn ra, chỉ thấy đường 9 uốn vút một đường cong mềm mại.
Dấu ấn cuộc đời
Má Bảy sống với người con dâu ở làng, bởi má nhất định không chịu lên thành phố sống với người con trai duy nhất còn lại sau chiến tranh.
Chồng má chết trào chống Mỹ. Bấy giờ tôi vừa tròn chín tuổi. Hôm đó tôi qua bắn chao chảo bên vuông vườn của má. Trời trưa, khát nước, tôi đến khạp nước vục đầy một gáo dừa, tu ừng ực. Uống vừa xong, thốt nhiên tôi thấy má chạy từ trong nhà ra ngoài sân, đầu tóc xõa xượi, hai mắt chỏng lơ. Má quơ tay lên trời, kêu "ông ơi" , rồi ngã chúi nhủi xuống sân. Chừng tỉnh giấc, má thổn thức nói với chòm xóm, "tui thấy ổng máu me cùng mình, nhìn tui trân trối". Sau này xã nhận được giấy báo tử của đơn vị, rằng bác trai đã hy sinh đúng vào ngày hôm ấy. Chuyện linh thiêng, không biết đâu mà nói.
Năm mười bảy tuổi, tôi vào du kích xã, cùng tiểu đội với hai người con trai của má. Người con lớn tên Hai Toàn. Người con thứ tên Ba Thắng. Hai Toàn hơn tôi hai tuổi. Ba Thắng bằng tuổi tôi. Tiểu đội tôi có Ba Cúc, nhỏ con mà tròn lẳn, rất có duyên. Hai Toàn với Ba Cúc yêu nhau. Má Bảy biết vậy, có miếng gì ngon cũng tìm cách gởi cho Ba Cúc. Vậy mà Hai Toàn và Ba Cúc cùng hy sinh một lượt trong trận chống càn ở đồng một trăm.
Gọi đồng một trăm, bởi cánh đồng đó rộng chừng trăm công. Bữa đó tiểu đội chúng tôi đang băng đồng thì đụng tao ngộ chiến. Trời tối hù tối hịt. Chúng tôi nằm rạp giữa đồng trống, bắn văng mạng ra tứ phía. Chừng ngớt tiếng súng, mạnh ai nấy rút về cứ. Tới nơi, điểm quân mới biết thiếu Hai Toàn và Ba Cúc. Chúng tôi bám đồng trở lại, tìm được xác hai người. Má Bảy như người mất hồn, gục xuống xác con trai, ngất xỉu. Xã đội trưởng cho chôn hai người hai ngôi mộ song song trong vuông vườn của má. Tối nào má cũng lặng lẽ thắp nhang trước hai nấm mộ. Và hình như từ đó, má không ngủ được thì phải.
Gần cuối năm 1974, Ba Thắng bị địch phục kích bắt được ở Giồng Ké. Cảnh sát Hồng, nghe đâu đang tra khảo Ba Thắng, bất ngờ bị anh dùng đầu húc hạ bộ, té lăn cù trên bờ kinh. Điên tiết, nó dí khẩu côn vào màng tang anh bóp cò. Nhờ mấy má ở làng kéo lên đấu tranh mới lấy được xác Ba Thắng đem về chôn cùng chỗ với anh trai. Người con út của má lúc đó là Tư Trận, mười sáu tuổi, nhào vô du kích với nỗi thù căm cắm thằng Hồng, thề độc bắt được Hồng sẽ moi gan ăn tái.
Tư Trận đánh đồn, lận lưng được khẩu julô, thường lén phục đường đón lỏng thằng Hồng. Có hôm anh giả làm thằng nhỏ chạy ghe bí lên chợ quận, ngồi cắm quán rình thằng Hồng cả buổi. Xã đội trưởng dọa kỷ luật mấy lần, nhưng Tư Trận chứng nào tật nấy, vẫn không hề rung rinh ý định trả thù.
Cuối cùng rồi Tư Trận cũng thộp được thằng Hồng, khi hắn bỏ đồn đi o mèo ngoài chợ quận. Hôm đó Tư Trận neo chiếc ghe nhỏ chở dừa, ngồi trên ghe rình thằng Hồng từ chiều. Nhá nhem, thằng Hồng dẫn hai đứa đàn em ra quán Tư Béo kêu mồi nhậu. Tư Trận lợi dụng bóng đêm, lẻn vô buồng Tư Béo núp  sẵn dưới gậm giường. Tụi lính nhậu ngã ngớn tới giác chín giờ tối thì hai thằng lính say gục tại bàn. Thằng Hồng chừng đó mới lôi Tư Béo vào buồng. Hắn lột quần áo và khẩu côn để ngay mép giường. Tư Trận núp dưới giường, thò tay kéo được khẩu côn, lừng lững đứng vụt dậy, dí súng vào màng tang thằng Hồng bóp cò. Hồng té vập xuống người Tư Béo một đống. Tư Trận vọt ra, khỉa nốt hai viên vào đầu hai thằng lính say gục trên bàn, tiện tay vơ luôn hai khẩu AR15 và mấy dây đạn, chạy biến vào bóng tối. Lính trong đồn quận nghe động, bắn hỏa châu đỏ trời, nhưng không thằng nào dám ló ra dò xét.
Sau bận đó, xã đội bắt Tư Trận phải đi học trường thiếu sinh quân của tỉnh. Kế tới hòa bình, Tư Trận lại được cử đi học trường bổ túc văn hóa tập trung của tỉnh. Hết lớp 12, Tư Trận được điều về làm cán bộ kinh tài của huyện.
Hai bên dòng họ gia đình má Bảy đều tham gia kháng chiến. Chết cũng nhiều mà sống cũng nhiều. Người chết, có người tìm được xác đưa về nghĩa trang, có người không tìm lấy được một lóng xương. Người sống, có người làm cán bộ lớn trên huyện, trên tỉnh, trên thành, có người cũng chỉ về làm vườn làm ruộng. Tư Trận bấy giờ chỉ là cán bộ loàng xoàng, anh về quê cưới Út Đẹp làm vợ.
Út Đẹp mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ. Một trái bom rơi trúng nhà cô vào giữa bữa cơm chiều. Hôm đó Út Đẹp qua nấu thuốc cho ngoại nên sót lại. Từ khi về làm dâu nhà má Bảy, Út Đẹp không bao giờ ra khỏi làng. Cô cùng mẹ chồng chăm nom mấy công vườn và chục công ruộng. Ruộng vườn ràng rịt cô thì ít mà mẹ chồng ràng rịt cô thì nhiều. Không phải là má Bảy thúc ép gì cô, nhưng bởi má Bảy không chịu xa bốn cái mộ trong vườn; thậm chí má còn không chịu để xã đem hài cốt các con ra nghĩa trang của huyện. Má cứ vậy mà già đi bên nấm mồ những người đã khuất.
Tội nhất là những lần làm đám giỗ cho chồng, bao giờ má cũng nước mắt lưng tròng, níu kéo ủy ban, van vái họ tìm giùm xác chồng đem về cho má. Lúc Tư Trận lên tỉnh công tác, anh bàn với những người bà con ở cùng trong xóm, kiếm đại một cái quách, để vào đó một vài di vật của cha, đem về an táng trong vườn cho mẹ an lòng. Cuối cùng rồi mọi người cũng đành làm theo cách đó để an ủi người mẹ đang mỗi ngày mỗi héo hon trong đau khổ.
Lúc Tư Trận còn ở huyện, Út Đẹp đeo bầu, nhưng chỉ sanh được cái thai trứng. Lúc Tư Trận lên tỉnh, Út Đẹp lại đeo bầu, nhưng lần này cái thai bị chết non. Lần có bầu thứ ba thì Tư Trận đã là Tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu. Anh đưa vợ lên thành để tiện chăm sóc thai nhi. Má Bảy gởi nhà cửa, ruộng vườn cho chòm xóm, theo nuôi con dâu thai nghén. Nhưng rồi tới tháng thứ tám, cái thai cũng chết trong bụng mẹ. Má Bảy với con dâu lại về quê. Thời kỳ này công ty của Tư Trận làm nên ăn ra sao đó mà báo chí đăng tin ca ngợi rầm rầm.
Mỗi lần coi ti vi, thấy con trai vung tay múa chân trên màn hình, má Bảy không vui mà buồn. Nhiều lần má nói với Út Đẹp:
- Út à, bây lên với chồng bây, giữ chồng bây cho má yên tâm.
Út Đẹp không dứt được khỏi mẹ chồng. Cô thấy mình không thể xa được mẹ. Đã nhiều lần cô bắt gặp mẹ ngồi câm lặng hàng giờ trước mấy ngôi mộ trong vườn. Bà lầm rầm nói chuyện với người bên kia như nói với người còn sống. "Ông ơi! Ông sống khôn chết thiêng, ông độ cho hai đứa nó có mụn con, ông ơi!". Út Đẹp nghe  vậy, chỉ biết nằm lặng trên giường mà khóc. Hai mẹ con sống ở làng cứ quắt quéo theo thời gian, cỗi cằn theo năm tháng.
Nhưng rồi Út Đẹp lại có bầu lần nữa. Tin cho Tư Trận hay, Tư Trận chỉ thư về, dặn ráng giữ gìn cẩn trọng, cần nhiêu tiền cứ nói, chứ anh lu bu công việc bù đầu không về được. Tội nghiệp người mẹ già. Lụm cụm ngoài bảy mươi mà cứ giành hết công việc về mình. Bà lo cho dâu, cho cháu. Tối nào bà cũng thắp nhang trong nhà, ngoài sân, ngoài ngõ, ngoài mấy nấm mộ trong vườn. Lửa nhang cháy rưng rưng. Nước mắt hai mẹ con cũng cháy rưng rưng. Ngày Út Đẹp gần chuyển bụng, má nhờ uỷ ban xã điện cho con trai. Con trai cử tài xế đánh xe về chở mẹ và vợ lên bệnh viện tỉnh, gởi nhờ khoa nhi săn sóc dưỡng thai. Còn anh, anh bận lu bu công việc xuất nhập bù đầu trên thành không về được.
Viện tỉnh còn nghèo, sản phụ lại đông, má Bảy mua manh chiếu trải nằm ngoài hành lang, lúc nào cũng dỏng tai phòng hờ nghe con dâu trở mình thột giấc, không lúc nào dám rời con dâu một bước. Gặp ai má cũng nhờ, có gì thì giúp má một tay.
Út Đẹp nằm dưỡng thai đến ngày thứ bảy thì xã cử người lên nhắn má Bảy về gấp dự Lễ tuyên dương mẹ Việt Nam anh hùng. Cán bộ bệnh viện và những người đi nuôi sản phụ, ai cũng khuyên má cứ yên tâm về một vài hôm, có gì họ sẽ lo chu tất giùm cho. Nhưng má lắc đầu trước hết thảy mọi lời khuyên. Má hồi hộp đợi chờ dòng máu của dòng họ chồng ra đời.
Ngày Út Đẹp chuyển bụng, nghe Út la khóc trong phòng sanh, má Bảy quýnh quáng, qùy sụp ngay trước cửa phòng sanh khấn vái. Út càng la khóc má càng quýnh, quýnh tới mức chạy quáng quàng qua lại dọc theo hành lang. Thấy giỏ đồ của ai có bó nhang, má chụp ngay một nắm, xoè lửa hộp quẹt châm lên, rồi túm lấy trái bưởi của ai đó cặm ngay vào để cầu trời khẩn phật. Chừng nghe tiếng trẻ khóc oa oa, má từ từ sụm xuống, chết giấc tới nửa tiếng đồng hồ.
Vào cái ngày đứa bé ra đời, cơ quan của Tư Trận bị khởi tố về tội làm thất thoát hàng tỉ bạc. Không ai dám báo cho má Bảy tin này, họ sợ má sẽ bị nhồi máu cơ tim. Nhưng rồi tới phiên Tòa thì… dù cần thiết phải báo cho má biết, nhưng ngay cả đảng ủy, uỷ ban xã cũng không dám cho má hay tin. Họ thấy đau cho má Bảy qúa. Tư Trận biết đánh giặc, chứ làm ăn kinh tế lại là chuyện khác.
Bí thư đùn cho chủ tịch. Chủ tịch đùn cho công an. Đùn đẩy mãi không được, mọi người đành ủ ê kéo tới sắp hàng cúi đầu trước má. Ai dè má là người nói trước.
- Bây thương, bây đưa tao đi dự phiên Tòa.
Té ra má biết hết, biết từ lâu.
Lần đó má ngồi coi ti vi, tình cờ thấy người ta luận tội con trai của mình về việc yếu kém năng lực, buông lỏng cho cấp dưới làm ăn sai nguyên tắc; má ngồi chết lặng cả tiếng đồng hồ. Rồi má sực nhớ con dâu đưa đứa bé đi chích thuốc sắp về, liền lật đật tắt ti vi, kiếm thanh tre mỏng thọc vô lỗ hở, quậy cho nó hư đi. Má sợ Út Đẹp nghe được như má, sẽ hoang mang lo lắng mà mất sữa nuôi con.
Sáng hôm ra đi, má Bảy dậy sớm, nói thác với con dâu là có việc phải đi thăm người bà con. Út Đẹp nghe vậy, sụp xuống chân má oà khóc.
- Má! Má để con bồng cháu lên với ảnh! Má đừng đi! Thương tâm lắm má ơi! Má làm sao chịu đựng nổi phiên Tòa!
Trời ơi, con dâu của má! Thì ra nó cũng biết, cũng giấu má, âm thầm chịu đựng nỗi đau riêng mình như má. Vậy là hai mẹ con ôm nhau khóc ròng cho tới lúc xuống ghe.
Khi Tòa tuyên án Tư Trận hai mươi năm tù giam, người ta thấy có hai người đàn bà khẳng khiu bồng một đứa bé, dìu nhau lảo đảo bước về phía vành móng ngựa. Người đàn bà tóc bạc trắng là má Bảy. Má bồng đứa cháu trên tay, đưa cao đứa bé về phía người con trai vừa bị còng, khóc mếu máo:
- Con bây nè Tư!
Đôi mắt ráo hoảnh của Tư Trận thốt dàn dụa.
Người ta thấy Tư Trận từ từ sụm xuống, lả ra như tàu lá chuối. Cả phiên Tòa  lặng hẳn đi, tưởng đã đông cứng lại tới ngộp thở.
Hồ Tĩnh Tâm
Theo http://www.vanchuongviet.org/







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Sinh Tỏa Sáng Văn học vị nghệ thuật hay văn học vị nhân sinh? Có một giai đoạn văn học sử Việt, từng xảy ra tranh chấp giữa hai trư...