Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Truyện ngắn của Hồ Tĩnh Tâm 2

Truyện ngắn của Hồ Tĩnh Tâm 2
Điều kỳ lạ của thế giới
Tết này thằng cháu đang học lớp tám của tôi ra riêng.
Là nói cho vui, bởi nó thương ngoại, xin về ở với ngoại. Dù còn nhỏ, ngoại vẫn coi nó là một chàng trai, dành riêng cho nó một phòng. “Chàng trai” chứng tỏ bản lĩnh nam nhi chi chí của mình, bằng việc xuất tiền lì xì, mua một cái bể cá, cùng mấy con cá ba đuôi to như nắm đấm về nuôi. Đã nuôi cá, tất nhiên phải lo cho cá. Nó rinh về lủ khủ máy bơm khí, lọc nước, rong nhựa, thảm cỏ nhựa, tượng nhỏ ngư tiều canh mục bằng sành… và cả mấy lọ thức ăn cho cá. Rồi không biết nghĩ thế nào, mới bảnh mắt ngày đầu năm, nó chạy xe đạp đến nhà tôi, bảo biếu anh Nhân cái cần câu máy.
Cái cần câu này tự nó mua hay ai mua cho nó thì tôi không biết. Có điều tôi biết chắc, nó nghe con gái tôi nói, anh Nhân ở bên Nhật rất thích câu cá; nhưng không phải câu chơi, mà câu để cải thiện bữa ăn, bởi lẽ sông suối ở xứ hoa anh đào cá nhiều lắm. Có lẽ nó cho để nhắm vào mục đích thiết thực ấy.
Tôi hỏi: “Bộ con chán câu cá rồi sao?”. Nó lắc đầu. Lại hỏi: “Vậy sao không giữ cần câu?”. Nó trả lời gọn lỏn: “Cho anh Nhân”. Rồi thì nó cười lỏn lẻn, thót lên xe đạp về nhà.
Cái thằng thế đấy. Lúc nào cũng cười lỏn lẻn. Giá có máy đếm chữ như máy đếm tiền, giỏi lắm cũng chỉ đếm được nó nói mỗi ngày vài trăm chữ là cùng. Mỗi lần anh em nó đến nhà tôi, thằng anh càng nói bao nhiều, thằng em càng im lặng bấy nhiêu. Khi thấy bất tiện về sự ít nói, nó vớ lấy một cuốn sách, nằm dài ra ghế xa lông mà đọc. Hỏi nó sách hay không, nó gật đầu với mỗi một tiếng: “Hay!”. Hỏi hay thế nào. Nó cười lỏn lẻn: “Dượng đọc thì biết”. Ấy! Đó cũng là một cách mà tôi phải học ở nó. “Ngậm miệng ăn tiền”. Dại khôn, phúc hoạ cũng ở cái miệng mà ra cả.
Một lần hai con thằn lằn cắn nhau trên tường, một con rớt xuống, khúc đuôi bị đứt lìa ra, giãy đành đạch. Tôi thấy nó buông cuốn sách, nhìn lom lom cái đuôi đang búng búng. Khi tôi bước đến, nó cười lỏn lẻn và nói: “Đuôi thằn lằn”.  Tôi phát vào mông nó một cái, hỏi: “Đuôi thằn lằn thì sao?”. Nó lại nhìn tôi cười lỏn lẻn: “Cái đuôi thằn lằn sẽ mọc”. Nói xong, nó chúi đầu vào cuốn sách. Tưởng nó mãi đọc sách, đã quên chuyện cái đuôi con thằn lằn, bỗng nhiên nó cất tiếng hỏi tôi: “ Dượng Ba thấy đuôi thằn lằn câu thia thia chưa?”. Quả thật là tôi chưa thấy, nên tôi nhìn nó rất ngạc nhiên. Nó ngước cặp mắt to như hai cái bóng đèn nhìn tôi, cùng miệng cười lỏn lẻn: “Thằn lằn thọc đuôi xuống, con cá vừa đớp là nó giật văng ra ngoài”.
À, ra cái thằng này từng nuôi cá thia thia. Hỏi nó có đá cá thia không, nó lắc đầu. Một lúc sau nó cười lỏn lẻn: “Cá thia bị cắn rách đuôi, cũng mọc lại như đuôi thằn lằn”. Tôi hỏi: “Mầy nuôi chơi không đá, sao biết cá mọc đuôi?”. Nó cười lỏn lẻn: “Con thấy”. “Mầy không đá, làm sao thấy?”.  Nó lại cười: “Tụi nó đá thiếu gì”.
Hôm đến mừng tuổi tôi, nó đứng im lặng hồi lâu trước bể cá “tả pí lù” của tôi, rồi cười lỏn lẻn: “Làm sao nước không màu, mà sinh ra cá nhiều màu, há dượng Ba?”. Chỉ bi nhiêu đó mà suốt mấy ngày Tết tôi cứ quẩn quanh nghĩ mãi.
Ừ nhỉ! Trên đời, cái không màu mè gì, lại sinh ra không biết bao nhiêu là màu. Thế giới kỳ lạ vậy đó!

Mùa xuân dìu dịu
Từ Trà Nóc, rẽ trái vào khu công nghiệp, chạy thêm khoảng nửa giờ xe honda là tới nhà bà Tám. Hai vợ chồng bà sống với người con gái út. Liền ranh hai bên vườn là nhà của hai người con trai, sống bằng nghề làm ruộng. Cả hai đều còn trẻ, nhưng anh nào cũng lóc nhóc bốn đứa con. Họ hùn hạp mua cho em gái một con dê sữa, giống Hà Lan, nói là ráng nuôi lấy sữa cho cha mẹ dưỡng già. Tiếng là vậy, nhưng hai ông bà già uống hết bao nhiêu; lũ cháu ngày nào cũng kéo sang, chúng uống sạch bách số sữa mà cô út vắt được mỗi ngày. Được cái, chúng đứa nào cũng như đứa nào, luôn thay nhau đi kiếm cỏ, kiếm lá so đũa cho con dê ăn no đến cành hông. Nhờ vậy cô út cũng khỏe, có dư thời gian để nuôi thêm đàn heo thịt và bốn con heo nái; đã vậy, từ khi nhà máy chế biến thủy sản dựng lên gần nhà, cô út còn nuôi thêm mấy hầm cá trê. Thức ăn mua của nhà máy, cá bán cho nhà máy, cô út trúng liền mấy vụ cá, coi mòi còn khá giả hơn cả hai người anh trai.
Cô út đã ngót nghét qua tuổi hai mươi ba, nhưng chưa hề có đám nào đến dạm hỏi. Mà ở cái làng này, tạng người ốm yếu như cô út, kể cũng khó lấy chồng. Làng nhóc nhách con gái, đến mức dư thừa. Đã vậy gái làng lại khỏe căng, rừng rực nhựa sống, khác hẳn với vẻ trầm lặng của út. Thương em phòng không thui thủi, có lần anh hai qua chơi, nói với mẹ: "Hay là dạm hỏi cho con út đám Đài Loan nào đó, gả phứt cho rồi. Cứ ở mãi như vầy, rồi cũng chết già. Làng ta con gái thừa mứa, mười tám tuổi đã tấp tễnh về nhà chồng; đứa nào ngoài hai mươi, đã coi như ế, phải kéo nhau đi lấy chồng xứ khác. Lép xẹp như con út, làm sao kiếm nỗi mụn chồng trong xóm". Bà Tám nghe vậy chỉ chắt lưỡi, không nói tiếng nào.
Vợ chồng anh ba qua chơi, lựa lúc út đi cho heo ăn, cũng khuyên cha mẹ gả em cho Đài Loan. Anh ba nói, thiếu gì con gái bây giờ lấy chồng ngoại, nhiều đứa hên, lấy được chồng tốt, sống đình huỳnh như bà hoàng. Ông Tám lắc đầu: "Thiếu gì đứa xui xẻo. Qua bển, một tiếng của người ta cũng không biết. Chồng sai làm cái này lại làm cái khác, nó bực, nó thưởng cẳng chân, hạ cẳng tay, đánh cho bầm mặt. Thà ở vậy còn hơn đi ở đợ xứ người". Còn Út, khi biết chuyện chỉ lặng thinh.
Ngày ngày, Út lui cui việc nhà, việc ruộng. Tiền bạc dư dã mỗi ngày một nhiều, Út bắt đầu sắm sanh nhà cửa. Cũng chẳng nhiều nhặn gì. Cái tivi, cái đầu máy cho cha mẹ coi hát; cái quạt bàn để khi nhà có khách thì mở cho mát. Còn như tập vở, bút mực của tám đứa cháu, một tay út lo hết cho chúng. Khi thấy chúng mỗi ngàymỗi lớn, sức ăn như hạm, út bỏ tiền mua thêm hai con dê sữa; bỏ hẳn ra công đất trồng cỏ ống, cỏ voi. Mấy đứa nháu nhờ đó đỡ phải chạy lung tung kiếm thức ăn cho dê như cấp trước.
Một bận, con dê có khoang đen khoang trắng, tự dưng bị bỏ ăn. Út hoảng lên, phải chạy ra Trà Nóc mời bác sĩ thú y. Ông bác sĩ còn trẻ, sau một lúc dùng tai nghe, nghe mạch tim cho con dê, dùng tay sờ nắn khắp mình con dê, rồi vạch mồm nó ra xem lưỡi, bắt đầu lúi húi kê toa thuốc. Gần trăm ngàn tiền thuốc. Vậy mà sau ba bận chạy chữa như vậy, con dê vẫn lăn ra chết. Út buồn lắm. Út ngồi lặng ở góc vườn khóc rưng rức. Anh bác sĩ trẻ thì cuống lên. Anh vừa sợ mất uy tín, vừa sợ làm út buồn. Anh hứa với ông bà Tám sẽ thụ tinh nhân tạo cho hai con dê sữa, sẽ làm cho chúng đẻ thêm hai con dê nữa để bù vào con đã mất.
Từ đó, mỗi ngày anh bác sĩ lại chạy xe máy từ Trà Nóc vào nhà Út. Xoay xở mãi, cuối cùng anh ta cũng làm cho hai con dê mang bầu. Khi hai con dê mang bầu, anh bác sĩ lại càng năng lui tới thăm thú cho chúng. Khi biết chắc hai con dê đeo bầu dê cái, anh bác sĩ vui mừng ra mặt. Anh hai, anh ba của Út lại càng mừng hơn. Họ rủ anh bác sĩ ở lại, đãi cháo gà, cá lóc hấp. Anh bác sĩ không quen uống rượu, mới được năm ly đã lăn ra chìm xuồng tại bến. Báo hại Út phải dọn bộ ngựa cho anh ta nằm ngủ.
Nửa đêm, anh bác sĩ tỉnh rượu, tụt khỏi bộ ngựa ra bàn chăm trà ngồi uống. Út nằm trong buồng, nghe động lịch kịch thì bước ra. Út quậy cho anh bác sĩ ly chanh đá. Út pha nước nóng, đem khăn mặt cho anh bác sĩ rửa mặt. Rồi Út xuống bếp nấu nồi cháo cá. Út săn sóc anh bác sĩ tận tình còn hơn cả săn sóc hai người anh ruột.
Ngày hôm đó anh bác sĩ ở lại nhà ông bà Tám, bởi anh dự đoán, có thể đêm nay cả hai con dê sẽ đẻ con; chúng cần được săn sóc đặc biệt, cần được chú tâm từng li từng tí. Rồi anh dặn Út sửa soạn một số đồ lặt vặt để chuẩn bị đón hai chú dê con ra đời. Út chạy xe đạp ra chợ Trà Nóc, sắm sanh đủ các thức mà anh bác sĩ dặn, rồi ghé chợ mua ít đồ ăn. Buổi trưa có mắm cá lóc chưng, ăn cặp với rau nhút; lại còn cả canh chua cá ngác, cá bống trứng kho tiêu. Cả nhà đang ngồi ăn thì có người chú họ từ Bảy Núi xuống chơi. Thấy út ngồi kế anh bác sĩ trẻ, ông chú họ đon đã: "Ủa! Con Út lấy chồng hồi nào tao hổng hay! Mà chồng bay quê ở đâu? Làm nghề gì?". Út đỏ lựng hai gò má. Anh bác sĩ cũng vậy. bà Tám phải đỡ lời cho con: "Hổng phải vợ chồng. Cậu Hai đây là bác sĩ thú y, vô đỡ cho hai con dê sữa sắp đẻ". Ông chú nghe vậy, cười hà hà: "Thấy tụi nó ngồi cặp kè bên mâm cơm, coi bộ cũng xứng, tui mới lầm tai hại ra làm vậy. Thông cảm ngen chú Hai! Mà kể con Út cũng giỏi giang, có thua kém đứa nào đâu. Anh chị ngắm đám nào được, lo dần đi là vừa. Tui nói vậy, trúng không chú hai?". Anh bác sĩ lại càng đỏ rần gương mặt, bẽn lẽn cười, trả lời lúng búng: "Dạ! Cô Út giỏi lắm!". Ông chú ngửa đầu cười hể hả: "Chú Hai thấy không, roi roi như con Út vầy đây là mốt đó nghen! Lóng rày, hổng biết vì sao, đàn bà con gái xứ mình cứ đua nhau phì ra như lu nhứt. Eo co mất đâu ráo trọi. Làm ốm mới khó, chứ muốn mập thì mấy hồi". Út mời ông chú ăn cơm, ông chú chém chém bàn tay vào không khí:  "Có mắm chưng, có canh chua, không có rượu, tao nuốt gì nổi". Út phải chạy đi kêu anh hai, anh ba qua uống rượu với ông chú họ. Phần Út và anh bác sĩ, vì phải lo cho hai con dê sắp đẻ, họ lui ra sau vườn, tìm đến chuồng dê.
Anh bác sĩ thò tay qua liếp chuồng, nắn nắn bầu vú của hai con dê, nói: "Cô Út à! Có thể chúng đẻ sớm hơn dự định. Nhờ Út chạy mượn thêm hai bình thủy nữa để đựng nước nóng". Út nghe lời anh bác sĩ, đi qua nhà hai người anh. Khi đã ra khỏi ngõ, Út thấy vui vui một niềm vui rất lạ; vậy là Út không đi nữa, mà út bắt đầu nhảy chân sáo, vừa nhảy Út vừa khe khẽ hát một giai điệu lạ hoắc lạ huơ ở đâu ập đến trong đầu. Khi trở lại, Út thấy anh bác sĩ đang đứng gác một chân lên gióng cây ngang của chuồng dê, khe khẽ huýt gió. Lạ thiệt! Giai điệu nghe quen quen như giai điệu mà Út đã hát khi ra khỏi ngõ. Út thấy xốn xang. Út đứng lặng đi một lúc. Khi anh bác sĩ quay lại, Út giật thốt cả người, tự nhiên nói như nói cà lăm: "Để… để Út… vô trỏng… nấu nước". Ông chú và hai người anh vẫn đang ngồi uống rượu. Mồi màng vẫn còn ê hề, nhưng vừa ngó thấy Út, ông chú đã nói: "Con Út hổng nhớ tánh chú Năm mầy sao?  Đang cuối mùa khô, bay chạy ra ngoải, kiếm bậy cho tao mớ bông lục bình". Út lại chạy trở ra sau vườn. Lại nghe anh bác sĩ đang huýt gió. Giai điệu nghe quen thuộc, xao xuyến lạ lùng. Nhưng Út phải xắn quần lội xuống mương để hái bông lục bình cho ông chú. Út hái nhoáng nhoàng một lọn lớn, chặt cả cầm tay. Khi đi ngang qua chuồng dê, anh bác sĩ nhìn thẳng vào mắt Út, nói: "Bông lục bình tím qúa xá há cô Út! Lục bình nở rộ vầy là sắp xuân về, sắp Tết đến nơi. Tết này có thêm hai con dê, cô Út bận dữ dằn nghen!". Út thấy nóng ran hai gò má, đi thẳng một mách vô nhà bếp.
Đêm đó, lối chín giờ thì cả hai con dê lần lượt đẻ con. Nhìn hai con dê mẹ liếm liếm bộ lông ướt rượt của hai chú dê con, Út mừng tới rướm cả nước mắt. Khi thấy hai chú dê con lẩy bẩy tìm cách đứng lên, nhưng chưa đứng được đã ngã lăn ra, nước mắt Út tự dưng trào ra lả chả. Anh bác sĩ đưa tay vỗ lên vai Út: "Không sao đâu! Giống dê sữa này khỏe lắm. Chỉ chút xíu nữa là chúng rúc bụng mẹ, bú chùn chụt ngay bây giờ. Yên tâm đi cô Út!".  Út thấy nóng ran cả bờ vai. Nhỏ đến lớn, đây là lần đầu tiên có bàn tay đàn ông xa lạ đặt lên vai Út. Út phải ráng lắm mới giả tảng lờ như mình không hề bị xao xuyến. Còn ông bà Tám thì sung sướng tới nở cả mặt. Cả hai xăng xái chạy tới chạy lui. Bà Tám đem cả bình trà, cả dỉa bánh ra tận chuồng dê khoản đãi anh bác sĩ. Hình như nhờ hai chú dê con đã ra đời khỏe mạnh, khiến anh bác sĩ tự tin hơn, thành ra anh ăn nói coi mòi khá tự nhiên, thoải mái. Lần đầu tiên Út thấy anh bác sĩ châm lửa đốt một điếu thuốc; nhưng vừa hút một hơi, anh bác sĩ đã ho sặc sụa. Tội nghiệp! Đàn ông đàn ang gì mà không hút được thuốc, không uống được rượu. Người như ảnh, làm sao hạp với lối sống của trai làng ở đây. Út thấy thoáng chạnh lòng.
Sáng ngày anh bác sĩ phải trở ra Trà Nóc lo công việc của trạm thú y. còn lại một mình, Út trở nên lập chà lập chập, làm việc nào cũng không ra đâu vào đâu. Bà Tám thấy vậy thì nói: "Con nhỏ hôm nay ngộ thiệt! Làm như bây trúng bùa trúng ngãi phải hông? Việc gì cũng cứ thủng thẳng mà làm. Hấp ta hấp tấp như vậy, hổng xong việc gì đâu con!". Út cố tự trấn tỉnh, nhưng không hiểu sao người cứ bồn chồn, cứ cuống quýu một nỗi niềm run run khó tả. Đã bao nhiêu lần Út nhìn mặt trời. Mặt trời vẫn nắng ong óng. Đã bao nhiêu lần Út nhìn ra ngõ. Ngõ cứ hun hút vắng lặng. Bà Tám nói: "Chú Hai bác sĩ chắc bận công chuyện ở ngoải. Bây cứ làm y thinh như lời nó dặn. Người ta là bác sĩ, phải đi giáp vòng thiên hạ, có đâu chỉ chuyên chú cho công việc nhà này. Mầy biết có bao nhiêu trăm người nuôi dê sữa không? Có người còn nuôi cả mấy chục con. Người ta cũng cần bác sĩ chớ bộ!". Nghe mẹ nói, Út buồn lặng đi. Đâu phải mình Út nuôi dê đâu. Ở xóm bển, con Sáu Hường nuôi tới mấy con. Mà Sáu Hường cũng chưa có chồng. Sáu Hường đã hăm hai tuổi. Út nghe đau thắt trong ngực, như có ai nắm lấy tim mình mà bóp. Sao mà Út muốn chạy qua nhà Sáu Hường qúa. Biết đâu dê sữa nhà Sáu Hường cũng đang đẻ, hay đang mang bầu. Sao mà lâu nay Út không hề để ý tới chuyện này. Út thấy nóng râm ran trong ngực. Út kêu con Tím, con anh hai tới, đưa cho nó mấy ngàn bạc, nói: "Bây chạy ù qua nhà cô Sáu Hường, mua cho Út chục hột vịt lạt". Khi con Tím đã cầm tiền trong tay, nó ngước mắt hỏi: "Mua nhà bác Bảy cho gần nghen Út?". Út cuống lên: "Hổng… hổng được! Bây chịu khó chạy xe đạp tới nhà cô Sáu, hỏi cổ cách… cách làm bơ giùm Út". Con Tím lại chun mũi nói: "Thì cậu Hai chỉ rồi đó thôi". Út dí ngón tay lên trán con Tím: "Con này! Biểu đi thì lẹ giùm. Ở đó cắc cớ hỏi hoài. Mẻ miệng bây giờ nghen con!". Khi con Tím đã ra tới vuông sân trước nhà, Út gọi với theo: "Tím à! Nhớ xem dê cô Sáu Hường đẻ được mấy con nghen!".
Con Tím vừa ra khỏi ngõ thì bà Tám trờ tới, cho Út hay một tin động trời, khiến Út sa sẫm cả mặt mày: anh bác sĩ bị đụng xe, đang phải nằm viện. Trời ạ! Vậy mà Út không biết, Út nghĩ lung tung ra mọi chuyện. Bậy qúa! Phải kiếm thức gì đi thăm ảnh. Bà Tám nói: "Thủng thẳng rồi sớm mơi hẵng đi. Giờ chiều rồi, đi sao kịp".
Út tới nơi thì anh bác sĩ đã xuất viện. Đành phải tìm tới nhà của ảnh. Nhưng nhà của ảnh ở đâu thì Út lại không biết. Chắc phải đến trạm thú y Trà Nóc hỏi thăm người ta. Mà làm vậy chắc là kỳ lắm. Lỡ người ta hỏi Út với ảnh quan hệ ra làm sao thì biết trả lời thế nào. Với nữa, lỡ ảnh đã có vợ có con, người ta sẽ dị nghị thế nào về Út. Biết bao nhiêu người nuôi dê sữa, chứ có phải mình Út đâu. Xách cái làn nặng trái cây và hột gà, Út đứng lựng khựng mãi ở hành lang bệnh viện. Cuối cùng, thấy phân vân khó xử, Út quày qủa trở ra bến xe, đón xe buýt về nhà.
Khi ngang qua nhà Sáu Hường, Út nhìn thoáng thấy hai cây mai nằm cặp hai bên bàn thiên đã trổ bông vàng lấm tấm, mới sực nhớ, chỉ còn hơn tháng nữa là Tết. Anh bác sĩ đã nói, Tết này chắc Út bận dữ dằn với hai chú dê con. Ồ, chuyện nhỏ ấy mà. Út là con nhà lao động, cứ càng nhiều việc lại càng vui. Rồi đây Út sẽ nhân đàn dê ra thật nhiều, Út sẽ cho anh bác sĩ thấy, Út làm được tất tật mọi việc.
Khi về tới nhà, Út đang tính dợm chân bước xuống bến cây còng ngồi nghỉ một chút, bỗng con Tím ở đâu chạy à tới, nói như reo lên: "Út à! Cậu hai bác sĩ vừa tới xong. Cậu đang ở ngoài chuồng dê với nội. Mà cậu hổng sao đâu. Chỉ trầy xước chút đỉnh thôi à". Trời đất! Út nghe như có ai đang gióng trống liên hồi trong ngực. Vậy là Út lấp vấp bước vô nhà, hấp tấp đi thẳng vô buồng. Lựa hết cái áo bông này tới cái áo bông khác, sau cùng, Út lựa cái áo cánh màu nâu. Út nhớ, có lần ánh bác sĩ đã nói, cô Út mặc áo cánh nâu coi hạp với gương mặt. Mà gương mặt Út đi xa về, nó có lấm bụi không nhỉ? Út cầm cái gương lên. Hai gò má ưng ửng. Hai con mắt lóng lánh. Chính là Út đó thôi. Nhưng phải chải lại mái tóc mới được, phải rửa sơ qua gương mặt mới được. Út cầm cái khăn đi ra sạp nước. Từ sạp nước nhìn xéo qua chuồng dê sau nhà, tim Út như thắt lại. Anh bác sĩ và mẹ không còn ở đó nữa. Út rửa qua quýt lấy có rồi chạy vội vào nhà. Té ra mẹ và anh bác sĩ đang ở trước vuông sân đất, cả hai đang lặt lá mai với ông Tám. Con Tím cũng có ở đó, nó đang nói gì với anh bác sĩ.
Út thấy lúng túng, không biết mình có nên ra ngoài sân không. Tim mình đập rộn như vầy, không khéo lại nói cà lăm mất thôi. Út còn đang phân vân thì đã thấy mẹ bước vào nhà. "Ủa, con Út về hồi nào. Bữa nay để heo đó tao cho ăn, bây đi làm cơm. Có cậu hai bác sĩ cùng ăn. Mấy con cá trê vàng, chiên hết nghen con. Canh chua thì để đó tao nấu". Con Tím từ ngoài sân chạy vào, líu ríu hỏi: "Có mua thêm hột vịt không Út?". Út gật đầu, dúi vào tay nó mớ tiền. "Bay chạy ù qua bên bácBảy cho gần. Mà nè! Nhớ mua thêm hai củ hành tây, với mớ rau răm nữa nghen!". Con Tím lại chun mũi, hấp háy hai con mắt tròn như bi ve. "Bộ Út tính làm gỏi gà sao cà? Để con kêu ba với bác Hai qua luôn nghen! Nhà con có khô cá lóc, cả khô cá chạch nữa".
Ngoài sân, ông Tám vẫn đang cùng anh bác sĩ vặt lá mai. Nhà Út nhiều mai lắm. Mai trồng dưới đất, mai trồng trong chậu. Mai năm cánh, mai sáu cánh, mai hăm bốn cánh. Mai tứ qúy, mai chiếu thủy, mai cúc, mai lò xo, mai ngự. Cả một vườn mai từ đời ông cố tổ để lại. Có cây đã ngoài trăm tuổi. Năm nay trời rét đậm, chắc mai sẽ rộ bông vàng rực. Chừng mai nở mà anh bác sĩ vào chơi, dám ảnh phải mê vườn mai của nhà Út dữ dằn luôn. Năm nào cũng có người ngoài thành phố vào hỏi mua. Họ trả mỗi cây những mấy cây vàng SJC, nhưng chừng nào ông Tám mới bán. Họ biết vậy, nhưng họ vẫn cứ hỏi. Hỏi để lấy cớ ngắm nghía những gốc mai thế trồng trong chậu. Lại còn mười mấy chậu thiên tuế, mấy gốc kim quýt, mấy gốc cần thăng; lại còn khế kiểng, sung kiểng. Út nhìn ra ngõ. Hàng cây phát tài đã trổ bông từ hồi nào, hương thoảng vào lất phất.
Út đang nghĩ miên man về vườn kiểng, chợt nghe dội lên tiếng dê be be gọi vắt sữa. Chắc không sao đâu. Chiên xong mấy con cá trê vàng rồi tính.

Cõi hoang thăm thẳm
Con Mun lết được về tới nhà thì gục xuống.
Thân hình dúm dó, run bần bật. Miệng sùi bọt mép. Đôi mắt khờ dại. Hai bàn chân trước quào xuống nền gạch một cách bất lực. Nó nhìn Toàn lần cuối, rồi thở hắt ra hơi thở tuyệt sinh của cuộc đời.
Một sinh linh đã dã biệt cõi phàm.
Toàn định chôn cất nó. Nhưng biết chôn ở đâu. Căn nhà nhỏ trong hẻm phố, bốn bề bị vây bủa bởi nhà hàng xóm. Cuối cùng, Toàn phải gói nó lại bằng bọc ni lông, đem bỏ vào thùng rác ngoài đầu hẻm. Nhưng rồi thấy tội, anh lại lôi ra, buộc thêm một cục đá, đem lên cầu lộ, thả nó xuống sông, hầu mong  xác phàm của nó được về biển lớn.
Tạ ơn Chúa! Chết là hết! Chết là giải thoát! Chết là sạch nợ trần gian! Chết là sự giũ bỏ để vĩnh viễn bước vào cõi vĩnh hằng. Nhưng chết thật là vô lý! Mới hôm qua nó còn dụi dụi cái mũi đen ướt vào lòng bàn tay của Toàn. Mới hôm qua nó còn run lên sung sướng khi được Toàn ve vuốt tấm thân mềm mại. Vậy mà giờ đây tất cả đã chấm dứt. Đó là sự chấm dứt dại dột. Con Mun đã ăn phải bả chuột nhà hàng xóm.
Tại sao nó lại phải lang thang đi kiếm ăn trong thiên hạ, trong khi Toàn vẫn mỗi ngày chăm lo cho nó đầy đủ? Phải chăng cõi hoang thăm thẳm trong nó đã thức dậy?
Tiếng trống đám ma điểm thùng thùng buồn bả. Nhà bà ấy đã ra đi được mười ba tiếng đồng hồ. Mười ba là con số của thánh Judas . Là con số thừa ra trong muời hai con giáp. Bà ấy cũng ra đi bởi cõi hoang thăm thẳm bị lay thức. Không giàu, nhưng nhà cửa khang trang, con cái được ăn học đàng hoàng. Vậy mà bà ấy lại lén lút vụng trộm với một người đàn ông khác. Bị đánh ghen ầm ỉ ở cơ quan, bà ta đã nghe theo tiếng gọi dại của cõi hoang, ngu ngốc tìm cái chết làm sự giải thoát. Ra bà ta cũng biết nhục với chồng con và láng giềng.
Chết là hết sao được! Chết là sự giũ bỏ, sự trốn chạy khỏi trần gian, trút gánh nặng hạ giới cho người khác. Ngày vợ Toàn dứt áo ra đi cũng vậy. Toàn ngơ ngẩn cả tháng trời. Ngày hai buổi, Toàn thất thểu chở đứa con gái tới nhà mẫu giáo. Ngồi sau xe nó cứ bi bô hỏi: "Mẹ về bên ngoại há ba? Mai mẹ mới về há ba?". Toàn khóc trong lòng mà đứa con nào có biết. Thằng anh nó lên bảy cũng không biết gì. Nó cũng tưởng mẹ nó đi làm ăn như người khác.
Bấy giờ là vào năm 84, năm gia đình Toàn lâm vào cảnh đói kém khủng khiếp. Ban ngày Toàn đến cơ quan. Ban đêm Toàn phải chạy xe ôm. Mối xe đêm của anh là mấy cô gái làm tiền. Lượt là quần áo, roi rói phấn son, vậy mà họ cũng nghèo rớt ra. Nghèo tới mức phải bán cả nhân phẩm và sự trinh bạch. Mới đầu Toàn thấy nhục cho mình lắm, thấy tội nghiệp cho họ lắm. Nhưng lần hồi theo vòng quay của bánh xe, Toàn thấy họ cũng còn trong sạch gấp chán vạn lần nhiều người khác. Họ bán cái mà họ có để cầu sinh cho gia đình. Còn cô thư ký của sếp, cô ta buôn bán cái sẵn có để leo lên, để quay trở lại dạy đời cho người khác. Dưới mắt cô ta, Toàn chỉ là một anh gác cổng không hơn không kém. Vợ Toàn càng bị coi tệ hơn. Chính cô ta đã có lần dẩu môi, mách lẻo với Toàn: "Vợ anh bán máu nhiều lần trong bệnh viện. Không tin, anh cứ đến phòng xét nghiệm, mượn cuốn nhật ký bán máu mà coi". Toàn đã không đến bệnh viện, nhưng Toàn đã la hét vợ một trận đến lạc cả giọng. Vợ Toàn chỉ lặng lẽ ngồi, chỉ lặng lẽ khóc. Đêm ấy Toàn uống rượu khan ngoài quán cóc. Anh uống từng ly, từng ly, cho tới sáng. Âm thầm khóc nấc lên vì tủi nhục. Thì ra, cả nhà anh, từng sống nhờ vào những giọt máu của vợ anh. Anh đổ máu trên chiến trường là một lẽ; còn vợ anh, cơn cớ gì mà hòa bình rồi vẫn còn phải đổ máu?..
Toàn là con mồ côi, là thương binh hai trên bốn. Thuở nhỏ anh sống với người dì không hề bà con cả hai bên nội ngoại, ở miền duyên hải. Người dì độc thân sống bằng nghề bán phân cá cho các hộ trồng dưa hấu. Toàn cả ngày lân la theo đám bạn đi móc cua ngoài bãi sông. Năm mười bốn tuổi, Toàn lấy súng của thằng trưởng cuộc cảnh sát, bắn nó chết ngay tại nhà. Đó là vào một đêm mưa gió, sấm sét kinh hồn. Thằng trưởng cuộc cảnh sát một mình mò vào nhà của dì, ức hiếp dì phải ăn nằm với nó. Dì chống trả quyết liệt. Thằng trưởng cuộc cảnh sát rút súng lên đạn, buộc dì phải nằm im. Mới đầu Toàn đã khiếp sợ, co rúm người núp nín thinh trong góc tối. Nhưng rồi thấy dì kêu thét chống trả, Toàn đã bình tỉnh trở lại, đã nghe cõi hoang thăm thẳm trong lòng sôi sục réo lên tiếng gọi trả thù. Khi thằng trưởng cuộc cảnh sát khống chế được dì, bỏ cây súng sáu bên mép giường để hành sự, Toàn đã lặng lẽ bò đến. Sự trừng phạt thật là đơn giản. Chỉ đoàng một tiếng, thằng trưởng cuộc cảnh sát đã bật ngửa ra, máu từ ngực nó phun ra vọt vọt. Cơn giông vần vũ đùng đùng nuốt chửng tiếng súng. Hai dì cháu ôm nhau khóc nức nở một hồi. Sau đó, cả hai lặng lẽ lôi xác thằng trưởng cuộc cảnh sát ra chôn trong sình lầy rừng sú. Xong xuôi mọi việc, dì chỉ đường cho Toàn tìm đến Cồn Cù, Cồn trứng. Ở nơi hoang vu, dày đặc rừng sú, rừng mắm, rừng vẹt, rừng chà là ngút ngát ấy, Toàn tìm được chỗ đứng của mình.
Toàn theo các chú các anh, đánh liên miên hết trận này trận khác. Đến Mậu Thân 68 thì Toàn bị bắt.
Đó là trận đánh chặn hạm tuần giang của Mỹ trên sông. Tàu chúng vào gần hai chục chiếc. Súng phun lửa từ các hạm tàu bắn lên, đốt cháy rừng rực cả rừng lá dừa nước. Pháo khoan nổ chuyển đất. Pháo phát quang cắt cành cây quăng ra ràn rạt. Pháo chụp quất xuống rào rào. Đạn M79 dây nổ rền rền chói chát. Cả tiểu đoàn bị dìm trong biển lửa. Một người lính hoảng loạn vì hỏa lực cấp tập, tốc công sự chạy băng vào đồng. Toàn nhô người lên cao, hét gọi anh ta quay trở lại. Nhưng người lính bấn loạn trong cơn hoảng sợ vẫn guồng giò mà chạy. Sợ anh ta làm mất tinh thần đồng đội, Toàn vừa khóc vừa rê nòng khẩu AK, nhắm vào anh ta. Đang lúc định bóp cò, thốt nhiên Toàn nhìn thấy một nữ quân y đeo túi cứu thương, từ trong đồng chạy băng ra trận địa. Chính cô gái đã làm cho người lính hoảng loạn thần kinh định tâm trở lại, quay trở lại. Anh ta hy sinh ngay sau đó trên trận địa, bởi hai trái bom được cắt xuống từ một chiếc F4. Liền sau đó, một quầng lửa chói lóa bùng lên, cùng với tiếng nổ chói chát của đạn DKZ 75 bắn thẳng.
Khi Toàn tỉnh lại, anh nhìn thấy mình đang ngồi giữa một đám lính xì xồ tiếng Mỹ. Té ra anh đang bay trên trời. Phía dưới là rừng vẹt linh láng nước. Nhận ra mình không hề bị trói, Toàn quật sức ôm ghì một thằng lính, nhảy ào ra khỏi cửa máy bay. Bấy giờ, Toàn chỉ nghe tiếng gió rít ào ào, rồi không còn hay biết gì nữa. Du kích miền duyên hải đã cứu được anh.
Ống chân trái của anh dập nát, buộc phải tháo khớp. Không có thuốc gây mê, cũng không có thuốc tê, anh em buộc phải trói ghị anh vào một miếng ván của bộ ngựa. Lưỡi dao cứa rát như lửa đốt. Mồ hôi của Toàn túa ra ướt rượt. Thịt da lạnh buốt mà trong cột sống thì như có lửa. Vậy mà Toàn qua được cửa tử thần.
Người giúp anh phục sinh là một cô du kích còn rất trẻ. Chính cô đã giúp anh làm được một cây nạng. Cũng chính cô là người giúp anh tập đi. Nhưng khi anh đã biết đi một cách vững vàng trên cây nạng gỗ, thì chính cô gái lại vĩnh viễn không bao giờ còn đi được nữa. Một toán lính biệt kích theo đường sông đột nhập vào căn cứ. Ngay loạt đạn đầu tiên của chúng, cô gái bị hất tung lên, rồi ngã sấp xuống mặt đất. Máu đỏ từ lồng ngực thanh xuân của cô loang ra, thấm sâu vào lòng đất.
Ngồi khóc lặng lẽ bên nấm mộ của cô suốt cả buổi chiều, tới sập tối, Toàn mới theo giao liên tìm về ban dân vận của tỉnh. Công việc chủ yếu lúc này của anh là đi thu đảm phụ. Dùng ghe, dùng xuồng đi thu đảm phụ; bởi vì anh chỉ còn có một chân.
Một lần, anh đang trên đường đi thu đảm phụ thì bị bọn lính bảo an  chặn đường xét giấy. Thấy anh không có giấy tờ tùy thân, lại què một chân, bọn lính chủ quan, cử một thằng giải anh về tề xã. Thằng lính chong súng ngồi giữa lòng ghe. Toàn ngồi lái cầm máy Coler. Chiếc ghe ành ạch chạy ngược nước. Khi ra tới sông lớn, trời thốt nhiên chuyển giông cuồn cuộn, rồi trút mưa như xối. Toàn ướt như chuột lột. Còn thằng lính vẫn lạnh lùng ôm súng. Tấm bông xô dù bị gió đánh tung lên phần phật, bất chợt lật lên, úp chụp xuống đầu nó. Nhanh như cắt, Toàn chụp lấy cây dầm, phạt một nhát như trời giáng ngang đầu thằng lính. Thằng lính đổ gục xuống, vắt nửa người trên lườn ghe. Toàn nhào ngay tới, giằng lấy khẩu súng, rồi hất tên lính xuống sông. Sóng lưỡi búa bựng bựng, nhấn chìm nó mất hút.
Nhưng không may cho Toàn, khi anh quay trở về, lại đụng đầu ngay với đám lính bảo an đã chặn anh xét giấy. Tình thế buộc anh phải tấp ghe vào bờ, nổ súng chống trả. Hết đạn, anh đành phải thúc thủ để chúng bắt giải về tề xã. Sau đó anh bị Tòa án binh kêu án, đưa ra giam cầm ngoài Phú Quốc.
Ở đảo, thằng thượng sĩ Thu thấy Toàn bị cụt một chân, nó coi anh không ra gì. Bởi vậy, nó hành hạ anh không hề nương tay. Mỗi khi bực mình, chỉ cần một nhát búa gõ nhẹ vào cái đục sắt nhỏ như đầu đũa, hai cái răng của Toàn đã lập tức văng bắn ra ngoài. Lại còn trò dùng kìm nhổ mười đầu móng tay. Thu nhổ thiện nghệ tới mức, chỉ phực một cái, móng tay của Toàn đã bị rút ra gọn lỏn. Đau đớn tới không chịu nỗi, cõi hoang thăm thẳm trong Toàn đã trỗi dậy, đã xúi anh nghiến răng đòi trả thù.
Một lần, khi Thu gọi anh lên làm việc, thừa lúc nó cúi xuống khạc đờm trong miệng, Toàn đã nhào người tới, chụp lấy cây bic của nó để trên bàn. Anh vung tay định đâm thẳng đầu bic nhọn hoắt vào đỉnh đầu của nó, nhưng đúng lúc đó thì Thu lại ngẩng đầu lên. Ngòi bic cắm phập vào ngực nó; mạnh tới mức, cả cái ghế đẩu cùng với tấm thân to bè của Thu đổ nhào xuống đất đánh rầm một tiếng. Sau trận đòn bằng dùi ba trắc nện như mưa, Toàn bị giam phơi nắng, phơi mưa trong lồng sắt suốt hai tuần. Nhờ anh em nổi dậy đấu tranh quyết liệt, Toàn mới được tụi nó trả về trại B6.
Năm 73, Toàn được trao trả ở Lộc Ninh. Cụt chân trái, lại kiệt sức vì gầy yếu, sau một thời gian an dưỡng, Toàn làm đơn xin tổ chức cho trở về duyên hải.
Căn nhà xưa vẫn còn, nhưng người dì đã mất. Thay vào đó là một bà lão và đứa cháu ngoại mười lăm tuổi, ở mị xứ nào tới tá túc. Ngay lúc nhìn thấy anh, bà lão đã ôm chầm lấy anh mà khóc. Vừa khóc nghẹn ngào, bà vừa thổn thức: "Con ơi! Đây là nhà của con. Con cứ ở lại đây! Quê mình giải phóng rồi, con cứ ở lại đây với ngoại!". Lúc đó, cô bé mười lăm tuổi đứng ôm cột chà là, cũng lặng lẽ nhìn anh mà khóc.
Không còn biết về đâu, đi đâu, Toàn đã ở lại với hai bà cháu. Hàng ngày, anh một mình chống tó ra bãi lầy bên sông, tham gia móc cua cùng lũ nhóc trong xóm. Tới mùa hội ba khía, lũ nhóc bơi xuồng tới, rủ anh vô rừng sú hốt ba khía với chúng. Người lính thành bạn thân của lũ trẻ, sống chan hòa với chúng như sống với đồng đội của mình.
Sau ngày miền Nam giải phóng, bà lão nói với anh:
- Con Tím đã lớn rồi, ngày mai ngoại mua cặp vịt, bây mời mấy đứa ngoài xã tới nhậu, chứng dám cho lễ thành thân.
Buổi lễ thành thân ấy chỉ có Toàn với hai bà cháu, và một tay công an xã, một tay xã đội.
Khi rượu đã ngà ngà, tay công an xã nói:
- Tui có người quen trên tỉnh, để tui xin cho anh một chân cán bộ. Chứ ở đây, anh biết làm gì mà sống.
Xã đội trưởng cũng khuyên anh như vậy. Anh ta còn nói thêm:
- Tụi này biết anh có nhiều thành tích kháng chiến. Nhưng giờ anh tàn tật như vầy, lại đọc chưa chạy mặt chữ, làm sao bố trí được công việc cho anh. Thôi thì tốt nhứt, anh cứ lên tỉnh, may ra kiếm được công việc phù hợp.
Nghe họ nói, cõi hoang thăm thẳm trong lòng Toàn trỗi dậy. Đau đớn và hờn giận. Anh đã tàn phế ư? Hàng ngày anh vẫn còn đủ sức kiếm được con cua, con cá; tới mùa anh vẫn còn kiếm được cả vài khạp ba khía, vài khạp cá lóc ngộp nước về làm mắm. Anh mà tàn phế ư? Nhưng thôi! Đôi co với tụi nó mà làm gì. Bây giờ, anh cần phải kiếm đủ tiền, để giúp đỡ cả nhà sống qua ngày. Cứ thủng thẳng rồi sẽ tính. Tóc của mình vẫn còn xanh lắm!
Phải ba năm sau, khi bà lão đã nhắm mắt xuôi tay, Toàn mới đưa vợ lên tỉnh. Cả hai vợ chồng đều chỉ mới biết đọc biết viết, chứ chưa hề học qua ngành nghề nào, bởi vậy, Toàn chỉ được bố trí chân ngồi thường trực gác cổng, còn vợ anh thì làm tạp vụ ở một cơ quan khác.
Cuộc sống thời bao cấp, càng bám lấy cơ quan càng đói. Khi hai đứa con ra đời thì cuộc sống của vợ chồng Toàn càng lâm vào cảnh khốn khó. Lắm lúc trong nhà không còn lấy một hột gạo, một cắc bạc. Lối thoát duy nhất của anh là những lá đơn xin trợ cấp của công đoàn, là những lời năn nỉ ỉ ôi tới gãy lưỡi với tay Chủ tịch công đoàn. Anh thấy nhục. Thấy cõi hoang thăm thẳm trong lòng trỗi dậy, réo gào tìm kiếm công việc để giải thoát.
Bắt chước người ta, vợ chồng Toàn cũng nuôi heo. Một lần lụi hụi tắm heo, Toàn trượt chân bị té, đập đầu vào thành chuồng, phải khâu tới bảy mũi. Cực khổ trăm bề, vậy mà con heo lại lăn đùng ra thương hàn. Lỗ cả chì lẫn chài. Toàn gom một mớ tiền, tranh thủ ngày chủ nhật, theo bạn lên biên giới mua thuốc lá ngoại về bán kiếm lời. Mới chuyến đầu đã bị hải quan chặn bắt, bị cơ quan bắt làm kiểm điểm.
Đang cơn túng quẫn tột cùng, bỗng lù lù ở đâu, người bạn tù Phú Quốc thuở xưa, chạy xe Honda 67 tới thăm. Nhà không có gì đãi bạn, còn con gà mái già đang ấp trứng, vợ Toàn cũng phải bắt mà làm thịt.
Miếng thịt hầm cả tiếng đồng hồ mà vẫn dai nhanh nhách. Nhai hoài không được, người bạn vừa trợn mắt nuốt chửng miếng thịt, vừa cười:
- Tới nước này là ông nghèo tới số rồi chớ còn gì. Nước cùng rồi thì còn bám lấy chân gác cổng làm gì nữa. Bỏ quách đi! Lên thành phố làm ăn với tui. Chỉ cần buôn bán cọt quẹt cũng dư sức ngày hai bữa rượu.
Đêm đó, người bạn mời Toàn đi uống cà phê. Ngồi trong quán gió, lồng lộng trăng ngần trên sông, người bạn ra sức thuyết phục Toàn đưa vợ con lên thành phố. Anh ta vẽ ra viễn cảnh của việc buôn bán mà người đời vẫn gọi là phi thương bất phú. Nhưng dù bạn thuyết phục cỡ nào, Toàn cũng thấy không thể bỏ công việc Nhà nước mà đi được. Quan niệm buôn bán là bóc lột, là gian thương, bám dính trong đầu óc của Toàn, còn chắc hơn cả dầu chai trám be xuồng.
Cuối cùng, người bạn đành phải lắc đầu ngao ngán:
- Thôi thì tùy ông! Tui cho ông mượn cái xe. Dùng nó chạy xe ôm cũng được, mà đi buôn hàng cũng được. Bao giờ khá thì ông trả lại tui.
Sáng hôm sau, khi Toàn thức giấc thì người bạn đã ra đi từ bao giờ. Chiếc xe 67 dựng ở góc nhà, cùng với miếng thẻ chủ quyền đặt trên bàn.
Biết bạn ở đâu mà tìm. Vậy là Toàn thành người chạy xe ôm về đêm.
Chạy xe ôm không phải là chuyện dễ dàng gì. Trước hết là phải tìm bến bãi. Chỗ nào có thể hy vọng rước được khách cũng đã có vài người dựng xe đứng đợi. Không dễ gì họ chấp nhận dễ dàng một anh lính tân binh xông vào cướp miếng cơm của họ. Trước những lời hoạnh họe, quát tháo, cõi hoang thăm thẳm trong Toàn lại nổi lên. Anh muốn nhào tới bóp cổ những thằng người không biết thương người. Nhưng cõi người trong anh lại cất lời khuyên nhủ, phải thông cảm cho những kiếp người đang phải chụp giựt, tranh giành nhau từng miếng sống. Sau chiến tranh, thương binh như anh còn có tiền trợ cấp, còn những người què quặt từ phía bên kia trở về, họ không lăn xả vào đời thì còn ai lăn lưng ra giúp họ. Nuốt giận làm nguôi, Toàn đành phải xách xe chạy lòng vòng lang thang. Trong một đêm lang thang như vậy, Toàn được một cô gái kêu chở đi khách. Kẹt tiền xăng thì phải chở. Chở quen rồi thì chở nữa. Chở nữa. Cho đến một hôm, Toàn bị một gả say đâm sầm vào với tốc độ chạy nhanh tới chóng mặt của hắn.
Cái chân còn lại bị gãy. Cái xe banh chành thành một đống sắt. Nằm trong bệnh viện mà Toàn thấy mình như đang nằm trong huyệt mộ. Cuộc đời tối sầm lại trong mắt anh. Vợ anh phải một mình bươn chải. Vừa nuôi chồng, vừa nuôi con. Chẳng mấy lúc mà chị cũng nhuốm bệnh, gục xuống. Công đoàn giúp dược một mớ, cơ quan giúp được một mớ. Nhưng anh em ai cũng nghèo, đồng tiền quyên góp nhỏ nhoi như hột muối bỏ bể. Những người giúp được anh nhiều nhất lại chính là những cô gái bán thân mà anh chở đi khách mỗi đêm. Họ không những giúp anh về tiền bạc, mà họ còn thay nhau vào săn sóc vợ chồng anh trong bệnh viện.
Mọi người cứu được anh, nhưng không cứu được vợ anh.
Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, chị còn nắm tay anh mà dặn:
- Nhà người ta biết sái, có xin được bồi thường. Nhưng thôi. Chín bỏ làm mười, lá rách đùm bọc lấy nhau. Người ta cũng chạy xe ôm, lỡ vui với bạn bè. Bỏ nghen anh!..
Toàn nắm bàn tay vợ, nước mắt chảy ngược vào trong.
Khi Toàn ra viện cũng là ngày vợ anh dứt áo bước vào cõi vĩnh hằng.
Trước sự thôi thúc của mưu sinh cơm áo gạo tiền, Toàn phải xin hưu non, lãnh một cục tiền, xoay ra chuyên chú chạy xe ôm cả ngày, cả đêm. Nhưng rồi xe ôm mỗi ngày mỗi nhiều, sức khỏe lại mỗi ngày mỗi yếu, Toàn lại lâm dần vào cảnh nghèo khó. Đứa con trai lớn mới mười bảy tuổi đã phải nối nghiệp cha chạy xe lòng vòng rước khách. Đứa con gái phải lội bộ đi bán vé số. Cha con sống với nhau trong căn nhà chật chội, vậy mà rất ít khi được sum vầy với nhau.
Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán, Toàn trăn trở nghĩ tới nghĩ lui, tới mức không ngủ được. Thấy ngứa trên đầu, Toàn dùng tay dứt từng cọng tóc. Đêm này qua đêm khác, Toàn cứ trằn trọc thao thức, cứ lẩn thẩn nhổ từng sợi tóc; nhổ mãi, nhổ mãi, đến nỗi hói trọi lỏi cả đỉnh đầu.
Khi cái đầu đã bóng lưỡng ra thì Toàn vớ được cái phao cứu sinh từ Ủy ban nhân dân phường. Họ xét duyệt cho anh mười bốn triệu đồng cất nhà tình nghĩa. Họ lại còn tạo điều kiện cho anh vay vốn ngân hàng để xây nhà. Gom góp tất cả, bán sạch tất cả, Toàn kéo rốc cả nhà vào đồng bưng nhận khoán đất trồng rừng và lập đìa nuôi cá. 
Sở dĩ Toàn kéo cả nhà vào đồng bưng, là vì anh nhớ tới con mèo, và nhớ tới cái chết của nó. Con mèo khi no nê thì dụi đầu vào lòng chủ, dim mắt grừ grừ khoan khoái; phong lưu đài các tới độ. Nhưng đó là lúc nó lười, nó hưởng thụ; nó chỉ ườn ra chờ sự vuốt ve, chứ đừng hòng chờ ở nó ở sự  đụng chân đụng tay. Chỉ khi nào cõi hoang thăm thẳm ở trong nó trỗi dậy, nó mới thật là nó. Bấy giờ nó không coi ai ra gì. Nó hiện nguyên sinh bản chất hoang hóa. Lang thang. Rình rập. Đeo đuổi con mồi một cách kiên trì, tới chụp được mới thôi. Cõi hoang thăm thẳm có ở trong chân ngã của con mèo. Tiếng gọi của chân ngã giục nó phải săn con mồi sống cho kỳ được. Khi nó giã từ chân ngã, đi ăn mồi của thiên hạ, nó đã phải trả giá vì trúng bả của thiên hạ. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc.
Mất mấy năm hụp hửi giữa đồng bưng, cơ ngơi của cha con Toàn hiện dần lên với rừng tràm, với đìa cá. Cha con anh càng ngày càng gắn với thiên nhiên, hoà với thiên nhiên tới tận cùng lối sống. Cả ba trần lưng với đất, nhuộm phèn đỏ quạch tới từng móng chân, móng tay. Cả nước da, cả vóc vạc cũng vậy. Cơ nghiệp lớn dần lên cùng với thời gian quần quật.
Trong một chuyến đi dọ giá cá đìa, Toàn tình cờ gặp lại người bạn đã cho mình mượn chiếc Honda 67. Anh ta cùng Toàn vô bưng. Sau khi quan sát đồng đất, anh ta thảo ra ngay một hợp đồng làm ăn lâu dài với Toàn. Theo đó, Toàn vừa cung cấp cừ tràm, vừa cung cấp cá đìa theo mùa vụ cho bạn. Bù lại, anh ta sẽ đầu tư thêm vốn và kỹ thuật, để Toàn phát triển nghề nuôi rắn, nuôi ba ba và cá sấu. Trước mắt, hai người con của Toàn phải lên thành phố, theo học một khóa cấp tốc về chuyển giao công nghệ chăn nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã.
Toàn không ngờ được là công việc làm ăn lại tiến triển thuận lợi và nhanh tới chóng mặt. Lúc đầu chỉ ba cha con, về sau quy mô phát triển ngày càng phình ra, cha con anh phải mướn thêm người làm. Rồi hai con anh lần lượt lấy vợ lấy chồng. Cả gia đình vẫn quây quần trong trang trại.
Khi các cháu đã tới tuổi đi học, Toàn bàn với con trai và con gái, bỏ tiền ra cất một ngôi trường ngay trên đồng đất của mình. Nội con trẻ của những người cùng làm ăn trong trang trại, đã gần hai chục đứa; lại còn con cái của bà con trong vùng. Có trường, trẻ khỏi phải bơi xuồng đi xa cả hơn chục cây số; cha mẹ của chúng khỏi phải lo lắng cảnh sông nước lênh đênh. Đó là ngôi trường đầu tiên giữa đồng bưng ngập nước. Ngôi trường được phòng Giáo dục công nhận và hỗ trợ cả về giáo viên, cả về ngân sách.
Để thu hút học trò, cha con Toàn lập khu nội trú, bỏ tiền ra nuôi học sinh ăn học. Đa số trẻ em tới trường đều trễ hơn so với lứa tuổi, nên hầu như đứa nào cũng có vóc vạc to lớn. Toàn bàn với giáo viên, sau một buổi các cháu đi học, sẽ tổ chức cho các cháu một buổi làm quen với kỹ thuật trồng rừng, nuôi rùa, rắn, ba ba và cá sấu.  Được nhà trường và phòng giáo dục huyện chấp thuận, mô hình trường học gắn với lao động sản xuất đầu tiên của vùng đồng bưng được hình thành. Nhiều tổ chức từ thiện quốc tế đến thăm, ngõ ý muốn tài trợ, nhưng Toàn đều nhất mực từ chối. Anh muốn ngôi trường đó phải là sự cống hiến của chỉ riêng gia đình anh. Anh muốn được đóng góp, muốn trực tiếp giúp con cháu trong vùng thoát khỏi cảnh cơ cực như tuổi thơ của anh. Bởi vậy, dù tài sản cố định đã lên tới hàng tỉ, anh và các con,  các cháu vẫn sống rất đạm bạc.
Vào mùa lũ năm 2000, chỉ trong một đêm, nước từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, đã ngập linh láng chung quanh trang trại. Tất cả công nhân đều được huy động lên mặt đê bao chống chọi với sức nước. Khi đã phân công xong các phần việc cho mọi người, bấy giờ Toàn mới sực nhớ, trong khu vực nội trú, là nơi đất thấp, có nguy cơ bị lũ cuốn, tuy học sinh đã nghỉ học, nhưng vẫn còn một cô giáo có con mọn đang kẹt chưa di dời đi được.
Còn lại một thân một mình, nhưng Toàn vẫn giật máy Yanmaha, chạy ghe đi rước mẹ con cô giáo về cuộc đất cao ráo ở trung tâm trang trại. Khi Toàn tới nơi thì nước đã vây bủa tứ bề khu nội trú. Cô giáo đã kê được chiếc bàn lên trên sạp giường, đứa bé mười tháng tuổi đang nằm trên đó. Còn cô giáo thì đang loay hoay tìm cách kê thêm một cái sạp bằng cây trên các vì kèo áp mái. Cặp chiếc ghe vào hiên nhà, Toàn dục cô giáo ẵm con xuống ghe, chạy nhanh về khu trung tâm cho kịp giờ đóng cửa đập.
Khi chiếc ghe chạy về gần cửa đập, thì cũng là lúc nước xiết cuồn cuộn từ cánh đồng linh láng, cuộn xoáy vào kinh lớn những xoáy lớn, sôi réo hù hụ tới rợn người. Dù chiếc máy tới mười hai sức ngựa, nhưng Toàn không thể nào ghìm lái cho nó cập được vào bờ. Bởi lẽ Toàn chỉ có một chân, không thể nào đứng vững được trên chiếc ghe đang chao lắc như điên như cuồng. Cô giáo tuy còn trẻ, nhưng lại phải ôm ghì đứa bé đang khóc thét trong lòng, không thể giúp gì được cho anh.
Nhìn sức nước băng băng cuộn xiết, nhìn những xoáy nước cuồn cuộn xiết vào dòng kinh, Toàn biết chắc rằng, không cập được ghe vào bờ, nguy cơ lật úp ghe là chắc chắn. Nghe tiếng khóc thét của đứa bé sơ sinh, cõi hoang thăm thẳm trong Toàn bùng lên, mãnh liệt còn hơn sức lũ. Trụ bàn chân phải thật vững trong sạp ghe, gài cẳng chân giả vào lườn ghe, Toàn một tay cầm chắc bánh lái, một tay xiết ga,  quyết xoay chiếc ghe đè lên sóng dữ mà cập vào bờ. Hai cánh tay nổi cơ bắp cuồn cuộn, toàn thân rịn mồ hôi ướt rượt. Đôi mắt có tuổi của anh cháy rực lên như lửa. Vầng trán căng ra, đổ mồ hôi giọt giọt.
Anh em đứng trên mặt đập, cuộn dây gân thành vòng, ném ra cho Toàn. Đã mấy lần chụp hụt. Lần này thì Toàn quật sức, rướn cao người lên, quờ tay nắm được sợi dây.
Giữa tiếng hò reo hoan hỉ của mọi người, Toàn gồng người cột được sợi dây gân vào cọc ghe. Chiếc ghe đang có nguy cơ bị hút ra kinh lớn , thốt nhiên bị ghị lại, giật lên một cái rất mạnh. Toàn đứng một chân, bị mất đà, văng bắn ngay xuống dòng nước xiết. Xoáy nước cuồn cuộn, hù hụ nhấn Toàn xuống thăm thẳm lòng sâu của nó.
Tất cả mọi người trên bờ đều lặng đi. Chỉ nghe hét lên tiếng kêu thất thanh của cô giáo:
-  Bác Toàn ơi!.. ơi!..

Dòng sông tuổi thơ
Hồi nhỏ, có lần tôi chạy máy coler đưa Út từ xã đi chợ huyện. Dọc đường Út hỏi tôi:
- Nếu cứ đi riết trên sông như vầy, có ra tới biển được hôn anh Ba?
Bấy giờ tôi đã mười lăm tuổi, còn Út mới lên mười, vậy mà không hiểu tại làm sao tôi cũng nói được một câu có vẻ ra trò lắm.
- Suối chảy về sông, sông chảy về biển. Tất cả các dòng sông đều chảy về biển. Biển mênh mông bát ngát. Biển rộng lắm!
Ngày tôi nhập ngũ, tới lượt Út chạy coler chở tôi từ xã lên huyện. Dọc đường, Út lại hỏi tôi :
- Hết nghĩa vụ, nếu anh Ba không về thì đi đâu ?
Bấy giờ Út mười lăm tuổi, còn tôi đã hai mươi. Tuổi hai mươi là tuổi sôi trào ước vọng, bởi vậy tôi mới trả lời :
- Thì anh sung vô lính biên phòng, anh ra đảo vẫy vùng với biển .
Nghe tôi nói vậy,Út hỏi một cách rất thật thà :
- Phải vậy thiệt hôn anh Ba ?
Tôi nhìn những dề bông tra vàng rực trôi dập dềnh cặp theo mé sông, trả lời Út một cách không mấy làm tự tin cho lắm :
- Chừng đó rồi Út biết liền hà !
Út là con bác Tám, nhà cách nhà tôi một ranh đất. Cả hai nhà đều cất cặp theo ngọn xẻo đổ ra con rạch khá lớn. Thuở nhỏ, tôi với Út vẫn thường ôm bè chuối giỡn nước ngay bến cây còng trước cửa nhà Út.
Hết thời gian tập trung huấn luyện ở Chi Lăng, tôi được chuyển qua bộ đội biên phòng, rồi được biên chế vào một phân đội canh giữ một hòn đảo nhỏ, xa cách đất liền vời vợi giữa trùng dương. Nói là phân đội chứ thực ra chỉ có năm người, bởi hòn đảo qúa nhỏ, đứng bên này hú to một tiếng bên kia cũng có thể nghe được.
Đảo nhỏ nên chúng tôi cũng chẳng có mấy công việc để làm. Công việc quan trọng nhất của chúng tôi là trực máy thông tin vô tuyến, giữ liên lạc định kỳ với đảo lớn cách mấy chục hải lý, và trực đài quan sát. Thời gian còn lại, chúng tôi dành để bắt cá, để nghe radio, và để nằm khểnh tán dóc nổ trời với nhau.
Trong năm anh em cùng phân đội, tôi là người duy nhất có được tấm hình chụp chung với Út lúc chia tay ở chợ huyện. Trong hình, Út có vẻ lớn hơn tuổi mười lăm ở ngoài đời, và cũng đẹp hơn ở ngoài đời rất nhiều. Không hiểu tại làm sao, ngay từ lần đầu nằm tán dóc với nhau ở đảo, tôi đã móc tấm hình đó ra khoe với bạn bè, khiến bạn bè lầm tưởng Út là người yêu của tôi. Giữa trùng dương vời vợi, chẳng có gì ngoài tầm tả mưa tuôn, ngoài ầm ào sóng vỗ, và chang chang nắng lửa nhảy múa chói lóa trên sóng biển, ngay chính bản thân tôi, tôi cũng mặc nhiên coi Út như người yêu chung thủy của mình.
Ở đảo, chúng tôi ai cũng có thói quen ghi nhật ký. Ghi nhật ký để giết thời gian, và để nguôi đi nỗi nhớ nhà cồn cào như trùng trùng sóng bạc đầu trắng xóa. Bởi công việc ngày nào cũng như ngày nào, thành thử ai trong chúng tôi dần dà cũng tập được thói quen ghi lại cảm nghĩ của mình về nỗi nhớ đất liên tới cháy bỏng trong tim. Với tôi, Út vẫn thường hiện về với những kỉ niệm hồn nhiên bên dòng sông tuổi thơ trong tiềm thức. Nhưng không phải là cô Út lên tám, lên mười, hay cô Út mười lăm tuổi chạy máy coler đưa tôi lên đường nhập ngũ ; sống dậy trong từng câu, từng chữ của tôi là cô Út mười tám, đôi mươi mà tôi tưởng tượng ra. Có những đêm tôi nằm mơ thấy Út, giật mình choàng thức dậy, nhìn ra chỉ thấytrăng vàng chứa chan trên biển ; không kìm được cảm xúc, tôi một mình chạy cuồng ra biển sóng, vùi tấm thân bỏng cháy của mình xuống làn nước mặn chát của đại dương, để mà thầm khóc gào lên nỗi nhớ. Út đã hóa thành quê hương, hóa thành một tôi thứ hai, tồn tại đồng hành trong tôi, thân thuộc, gần gụi trong tôi đến lịm người.
Hồi đó, mỗi tháng chúng tôi mới nhận được một chuyến hàng tiếp tế chở tới từ đảo lớn. Những lá thư từ đất liền bao giờ cũng là niềm khát đợi lớn lao và thiêng liêng nhất. Chúng tôi chuyền nhau đọc những lá thư nhà tới thuộc lòng. Nhà tôi chỉ có hai chị em. Chị tôi đi lấy chồng xa, mẹ tôi không biết chữ, nên nhất nhất thư từ gì mẹ cũng phải nhờ Út viết giùm và đọc giùm. Bởi viết giùm cho mẹ tôi nên Út chưa bao giờ viết riêng cho tôi một lá thư nào, mà thường là Út chỉ ké vào đó một vài dòng, nói rằng Út rất nhớ tôi, rất nhớ những kỉ niệm bên dòng sông tuổi thơ của chúng tôi. Một cô gái quê mười bảy tuổi thì còn biết viết gì hơn thế nữa. Nhưng tôi đọc được trong từng nét chữ Út viết giùm những ý nghĩ, những nhắn gởi của mẹ tôi, cả một bầu trời, cả một đại dương cuồn cuộn tình cảm mà Út dành cho tôi.
Trung úy phân đội trưởng của chúng tôi là người đã có vợ, có con, có lần nói với tôi :
- Chú mầy với cô nàng hình như chỉ mới chớm yêu, chứ chưa có gì gắn bó lắm phải không?
Biết là phân đội trưởng nói đúng, nhưng tôi vẫn cứ thấy mình hình như bị xúc phạm về tình cảm. Tại sao lại chưa có gì gắn bó lắm cơ chứ. Chúng tôi sống cặp ranh đất với nhau từ thời tôi còn vận quần xà lỏn thọt me dốt cho Út. Tôi với Út từng ôm bè chuối giỡn nước dưới bến cây còng. Út từng theo tôi lội vô đồng dậm cù bắt chuột…
Dường như phân đội trưởng đọc được dòng ý nghĩ đang chạy trong đầu của tôi, anh vỗ vai tôi mà nói:
- Chú mầy đừng tự ái nhen! Những cái mà chú mầy đã có được với cô nàng một cách hồn nhiên, trong sáng mới là đáng qúy. Cảm xúc của mối tình đầu mới chớm nở từ lúc chia tay như tình cảm của chú mầy, chú mầy cần nói với nàng. Tháng sau anh được đổi về đất liền, anh sẽ tìm đến tận nhà để chuyển giùm chú mầy lá thư đó.
Phân đội trưởng của chúng tôi đã có hai năm sống trên hòn đảo nhỏ này, ba năm sống trên hòn đảo lớn, đương nhiên là anh cần được đổi về đất liền. Nhưng khi nghe anh sắp được đổi địa bàn công tác, lòng tôi tự nhiên cứ xốn xang thế nào. Tôi còn một năm nữa mới hoàn thành nghĩa vụ của người lính đảo. Bấy giờ tôi sẽ trở về dòng sông tuổi thơ hay sẽ tiếp tục xin được tại ngũ. Hồi chia tay Út, tôi đã từng nói với Út, rằng tôi sẽ ra đảo, sẽ vẫy vùng với biển cho thỏa chí nam nhi.
Nhớ lại điều đó, tôi nói với phân đội trưởng :
- Em cũng muốn được sống như anh. Xa cách vời vợi mới có được nỗi nhớ sâu thăm thẳm để mà yêu thương nhau hết mực anh ạ !
Trung úy phân đội trưởng về đất liền được bốn tháng, thì tôi nhận được lệnh gọi tập trung về trường bổ túc văn hóa của bộ đội biên phòng cực nam duyên hải ôn tập, để chuẩn bị thi vào  trường sĩ quan biên phòng.
Nỗi nhớ đất liền cồn cào đã xúi tôi chấp nhận ngay lệnh gọi mà không hề có một ý kiến đề xuất gì đối với cấp trên. Với tôi lúc bấy giờ, điều cần nhất là cứ được về đất liền để chạy ngay về quê thăm mẹ và thăm Út cho đã nhớ, rồi sau đó muốn tính gì thì tính. Nhưng sự đời nó không theo đúng như mong muốn của mình. Khi tôi về tới trường bổ túc của quân chủng, thì cũng vừa đúng dịp nhà trường chuẩn bị khai giảng khóa học. Vậy là đành phải ở lại, đành phải ôm nỗi nhớ chờ đợi.
Suốt hai ngày nằm chờ khai giảng, việc đầu tiên của tôi là viết cho mẹ và cho Út một lá thư, thời gian còn lại tôi thả bộ lang thang khắp thị xã, để được tận hưởng nhịp thở hôi hổi nóng của đất liền trong thời đổi mới.
Vốn mê đọc sách từ nhỏ, khi bắt gặp hiệu sách của thị xã, tôi đã tấp ngay vào đó. Đáng lẽ chọn mua sách thì tôi lại đọc nghiến ngấu mỗi cuốn mấy trang một cách say sưa. Thói quen đi mua sách của tôi bao giờ cũng phải xem lướt qua và đọc trước vài trang; tôi đọc để chọn trước hết là những cuốn có vấn đề khả dĩ hấp dẫn được tôi, sau đó là chọn lối hành văn có thể làm tôi yêu thích. Tôi đang đọc say sưa, bỗng giật mình khi nghe có tiếng hỏi ở sau lưng. Ngoảnh lại, tôi nhận ra người hỏi mình là cô gái bán sách còn rất trẻ.
- Anh là lính ngoài đảo mới về phải không ? nhìn gương mặt cháy nắng của anh, em đoán vậy thôi.
- Vâng, tôi là lính biên phòng ! Tôi về tập trung học văn hóa.
- Hèn chi anh mê sách qúa trời. Để em chọn giùm anh vài cuốn nghen !
Tôi chưa biết cú sét ái tình là gì, nhưng trước ánh nhìn lúng liếng của cô gái, tôi thấy mình trở nên có qúa nhiều thứ thừa thải ở trên người.
Vậy mà khi trả tiền sách, tôi vẫn hỏi được một câu, khiến sau này tôi bị ràng buộc bởi vì nó rất nhiều.
- Tôi tên Quốc. Nguyễn Văn Quốc. Còn cô… cô tên gì ?
- Em tên Út Thu. Nhà ở mị ngoài cầu Đá. Hôm nào chủ nhật em cũng ở nhà với mẹ. Anh đến chơi nhen!
Tất nhiên là tôi không từ chối lời mời của một cô gái đẹp. Có một sức mạnh nào đó cháy lên trong tôi, dẫn tôi đến với Út Thu liên miên hết chủ nhật này đến chủ nhật khác. Chủ nhật nào có việc phải ở lại trường, chủ nhật đó lòng tôi nóng như lửa đốt, làm việc gì cũng không ra đâu vào đâu. Và… hình như tôi đã không còn nhớ tới cô Út bé bỏng, nhà ở cặp ranh đất với tôi, đã chạy máy coler  đưa tôi lên huyện ngày nhập ngũ. Thỉnh thoảng viết cho mẹ một lá thư, tôi mới nhớ tới Út, mới gởi kèm cho Út vài chữ. Đó thường là những lời hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm xem Út đã có người yêu chưa… Và tất nhiên, những lá thư mẹ gởi cho tôi là vẫn do Út viết giùm. Cuối thư bao giờ cũng có thêm vài dòng của Út. Nhưng những dòng đó đã không còn đem lại cho tôi những cảm xúc rạo rức. Trong thâm tâm, tôi tự biện minh rằng, tôi với Út chỉ như anh em cùng xóm với nhau vậy thôi; giả như tôi có ngõ lời cầu hôn với Út Thu, tôi cũng không có gì phải hối tiếc, phải ân hận đối với Út bên dòng sông thơ mộng của tuổi thơ. Nói như phân đội trưởng của tôi, tôi với Út đã có gì gắn bó với nhau lắm đâu. Tất cả chỉ là những cảm xúc của tuổi mới lớn khi xa nhau vậy thôi.
Vào một buổi sáng thứ bảy, tôi vừa từ lớp học trở về dãy nhà của trung đội, thì được trực ban thông báo là tôi có khách.
Bốn tháng kể từ khi tôi về trường ôn thi, tôi chỉ có một người khách duy nhất, đó là Út Thu. Nhưng thường Út Thu chỉ đến thăm tôi vào chiều chủ nhật, nếu chủ nhật đó tôi có việc không đi thăm mẹ con Út Thu được. Nay Út Thu đến vào trưa thứ bảy, chắc là có việc gì cần lắm. Nghĩ vậy, tôi chạy như lao về nhà khách.
Trời ạ! Khách của tôi chính là trung uý phân đội trưởng. Vừa thấy tôi, anh đã vỗ vai nói oang oang như kiểu ăn sóng nói gió của lính đảo.
- Chào! Khỏe mạnh chớ trung sĩ? Chiều thứ bảy nghỉ học, anh em mình ra bến cảng làm một chầu nghen! Có thằng nào chí cốt, rủ thêm vài thằng cho vui. Bữa nay anh khao để rửa lon luôn thể.
Tôi kéo hai thằng bạn cùng lớp. Trận nhậu đang tưng bừng, thốt nhiên phân đội trưởng hỏi tôi:
- Nè, lóng rày chuyện cô Út tới đâu rồi?
Tôi chưa kịp trả lời, hai thằng bạn đã mau miệng.
- Khỏe re anh ơi! Chủ nhật nào hai đứa nó cũng gặp nhau. Dám chừng kỳ này nó  thi đậu trường sĩ quan, tụi em được uống rượu đã đời.
Phân đội trưởng nâng ly, vỗ vai tôi, cười hết cỡ.
-Giỏi! Chúc mừng chú mầy! Con nhỏ đó giỏi hết biết! Cấp tao ghé nhà, bà già mầy bệnh dữ lắm, nó ở săn sóc bả tối ngày. Vậy mà cấm hé một lời cho mầy biết phải không? Má mầy coi nó như con dâu. Đám cưới nhớ báo anh trước một tháng nghen mầy! Tuần sau anh được nghỉ, chuẩn bị ra đảo Thổ Chu. Chú mầy tranh thủ xin phép mấy ngày, tiện thể anh em về thăm cô vợ chưa cưới của mầy luôn.
Vậy đấy. Mẹ tôi bệnh mà tôi có biết đâu. Cô Út bé bỏng bên dòng sông tuổi thơ của chúng tôi, cô không hề viết một dòng về điều đó trong những lá thư viết giùm cho mẹ. Làm sao tôi biết được là mẹ tôi bệnh nặng. Lá thư nào Út cũng viết giùm mẹ một câu muôn thuở: Mẹ khỏe mạnh. Con ráng học hành công tác cho bằng anh bằng em. Trong khi đó, tôi tối ngày chỉ biết có Út Thu. Út Thu đã chiếm hết thời gian của tôi, chiếm hết tâm hồn và tình cảm của tôi.
Khi hiểu ra người yêu của tôi bây giờ là Út Thu, phân đội trưởng ngồi há hốc cả mồm. Dằn ly rượu đánh cốp xuống mặt bàn, anh nhìn thẳng vào tôi mà nói:
- Bậy qúa trời! Tao chưa biết con nhỏ mới của mầy ra sao, chớ tao thì tao chịu con Út của mầy ở quê. Mà làm sao suốt bốn tháng trời, mầy không về thăm bả với nó được lấy một lần chớ!? Thôi được, để tao xin phép giùm cho. Sáng mai sẵn xe biên phòng đi công tác, tao với mầy tháp tùng luôn. Giờ dứt hết chai này nữa là nghỉ. Nào, dô!
Mặc dù ngày mai có hẹn với Út Thu, nhưng tôi vẫn thấy rằng mình không thể ở lại được. Mẹ tôi bệnh mà tôi không hay biết gì. Út đã giấu tôi, đã thay tôi lo lắng tất cả cho mẹ. Hẳn là Út và mẹ đều mong tôi tập trung cho việc học tập. Cả nhà tôi chỉ có mỗi mình tôi được học hành đến nơi đến chốn, nghĩa là đã tốt nghiệp xong lớp 12. Chị tôi chỉ học hết lớp 5 đã phải nghỉ học để phụ mẹ kiếm sống. Còn cha tôi, cho tới ngày hy sinh cùng con tàu không số trên đường mòn Trường Sơn trên biển, cha tôi cũng chỉ mới biết đọc, biết viết bập bỏm; những lá thư còn lại của cha, nét chữ to cồ cộ.
Tôi về tới nhà lối chín giờ tối ngày hôm sau.
Mẹ tôi nằm trên bộ ván còng kê ở góc nhà. Ngọn đèn dầu hôi cháy leo lét trên chiếc bàn kê giữa nhà. Nhà vắng huơ vắng hoắc.
Nghe tiếng động lịch kịch, mẹ tôi hỏi:
- Con Út há bây? Đi ngủ đi con, thức khuya chi cho mệt.
Nghe tiếng mẹ, tự nhiên tôi rơm rớm nước mắt muốn khóc. Qủa là tiếng mẹ tôi không còn được khỏe như trước.
Phân đội trưởng lên tiếng giùm tôi.
- Mẹ, con với Ba Quốc về nè mẹ!
Mới nghe tên tôi, mẹ đã lật đật ngồi dậy, vén mùng nhìn ra, hỏi:
- Thằng quốc về thiệt há con? Út ơi! Thằng Ba nó về nè, Út ơi!
Vừa nói mẹ vừa lọng cọng bỏ chân xuống khỏi bộ ngựa, xỏ chân vô đôi guốc vông. Phân đội trưởng nhanh chân chạy lại đỡ mẹ tôi đứng dậy. Mẹ vịn một tay vào phân đội trưởng, nhìn anh chằm chằm rồi thốt lên:
- Chèng ơi! Thằng Tùng đây mờ. Cơm nước gì chưa con?
Lúc bấy giờ tôi muốn chạy ngay lại ôm chầm lấy mẹ, nhưng không hiểu sao tôi cứ chôn chân đứng yên một chỗ, trong lòng rưng rức một nỗi niềm ân hận. Toàn thân tôi nóng râm ran như có lửa đốt. Ngoái nhìn về phía sau, tôi thấy Út vịn một tay đứng nép bên cánh cửa. Vừa bắt gặp ánh mắt của tôi, Út liền cúi gục đầu, đôi bờ vai nhỏ nhắn rung lên nhè nhẹ. Cả mái tóc buông xõa cũng rung lên nhè nhẹ.
Mẹ cũng đã nhìn thấy Út. Mẹ cất tiếng gọi:
- Thằng Ba nó về rồi nè Út. Vô đi con!
Út không vô nhà như lời mẹ tôi gọi. Út vùng chạy ra ngoài. Nghe rõ tiếng chân chạy về phía bến cây còng.
Tiếng phân đội trưởng cất lên như ra lệnh:
- Cái thằng. Chạy ra với nó, lẹ mầy!
Tôi gở ba lô đặt xuống bàn, bước tới đỡ mẹ ngồi xuống ghế. Mẹ nắm lấy tay tôi mà nói:
- Đi đi con! Ra với nó đi con !
Tôi bước ra ngoài. Miếng sân đất lành lạnh sương đêm. Hương chanh từ mé xẻo đưa vào dìu dịu. Tôi bước từng bước rất chậm, rất nhẹ về phía bến cây còng. Đêm tháng năm trong veo trong vắt. Bầu trời căng vồng lên muôn vàn vì tinh tú. Dãy ngân hà vắt ngang trời như một dòng sông sắp chảy òa xuống mặt đất.
Út đứng úp mặt bên gốc còng. Dáng em thanh mảnh cùng với bộ bà ba đen, như hòa tan vào cùng với màn đêm óng ả như thủy tinh. Tôi rụt rè chạm nhẹ một bàn tay lên vai Út. Tôi cảm nhận bờ vai nóng ấm của em đang rung lên nhè nhẹ.
- Út ơi!…
Út xoay người lại, đổ tấm thân mềm mại vào ngực tôi.
- Anh vào với mẹ đi!..
Không hiểu sao bấy giờ tôi bối rối đến lạ lùng. Tôi không biết là nên đứng lại với Út một lúc, hay là nên quay trở vào với mẹ.
Bên kia sông có tiếng chim bìm bịp kêu đôi nao niết.
- Nước lớn rồi há Út?
- Ừa, nước lớn nãy giờ, giờ sắp ròng rồi anh Ba.
Dòng sông tuổi thơ vụt hiện trước mắt tôi những dề bông tra trôi dập dềnh vàng rực. Rồi đảo nhỏ giữa trùng dương cũng hiện lên với ì ầm sóng vỗ. Kỷ niệm dội về ăm ắp trong lồng ngực căng lên thổn thức. Tôi thấy mình như đang tan chảy ra, hòa vào với dòng sông dạt dào tuôn ra biển.
Ngoài phía con rạch lớn, có tiếng trẻ con khóc u ơ; rồi có tiếng ru cất lên da diết.
Ơ ầu ơ…
Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá…
Tiếng ru vừa mới cất lên, Út đã gục đầu vào vai tôi thổn thức. Tôi cảm nhận những giọt nước mắt của em thấm qua vai áo hôi hổi nóng. Tôi vòng một cánh tay qua tấm lưng thanh mảnh của Út, khẽ xiết em vào lòng.
Tôi nghe rõ tiếng thì thào của Út cất lên nghèn nghẹn :
- Vào với mẹ đi anh… Con nước đang ròng rồi…. Phải hôn anh Ba?
Qủa là con nước đang ròng.
Nhưng nước ròng rồi nước lớn. Út ơi!

Bập bùng giai điệu
"Giai điệu bập bùng gieo từng giọt lửa
Đôi lứa có bao giờ thôi cháy nỗi đam mê"
Hồ Tĩnh Tâm
Có lẽ suốt cả đời tôi vẫn không quên được buổi chiều se lạnh ấy ở Phổ Yên.Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều thì phải.Chiều mùa đông trắng xám như sà thấp xuống. Phụng từ dưới chân đồi lên nhờ tôi giải một bài toán. Tôi biết đó chỉ là cái cớ. Cái chính thì nó vu vơ lắm. Cũng như gió mùa đông bắc vậy. Vô cớ luồn vô da thịt, thổi thon thót vào tận con tim.
Cái lạnh thường xúi người ta ngồi xích lại gần nhau. Tôi với Phụng cũng vậy. Chúng tôi ngồi với cây ghi ta. Tôi bấm bập bùng giai điệu bài "Ca li na nở hoa". Phụng cũng hát dặt dìu theo giai điệu ấy. Mùa đông đốt má Phụng chín ửng lên. Gió lùa làm tóc Phụng rối bời lên. Tiếng hát làm mắt Phụng long lanh như có lửa. Bà chủ nhà trọ đem cho chúng tôi một dĩa sắn luộc hôi hổi nóng. Giai điệu bài "Ca li na nở hoa" bay theo mùi sắn thơm phưng phức.
Thế rồi chúng tôi cùng đi ra bờ sông Công.
Chiều sập tối từ lúc nào. Vầng trăng non run rẩy bò lên đỉnh đồi từ lúc nào. Đêm trung du chùng xuống như một phím đàn run rẩy.
Tôi lượm một hòn sỏi ném xúông dòng sông. Mặt nước phẳng lặng dềnh lên  những vòng sóng óng ánh trăng vàng.
Phụng nói:
- Bản chất của vật chất là sóng nhỉ. Sóng chuyển tải năng lượng, hấp dẫn vạn vật.
Bấy giờ tôi không cảm nhận được năng lượng của sóng. Tôi chỉ thấy vầng trăng dưới nước đẹp hơn trăng trên trời. Mà vầng trăng đang vỡ oà dưới nước soi vào mắt Phụng lại càng đẹp hơn nhiều. Đó là vầng trăng sông mùa đông trong mắt Phụng. Vầng trăng ấy theo tôi cho đến tận bây giờ.
Tôi và Phụng cùng học cấp ba với nhau suốt cả ba năm ở Quỳnh Lưu. Chúng tôi có với nhau rất nhiều kỷ niệm.
Năm học lớp tám, gia đình tôi và gia đình Phụng cùng sống ở Quỳnh Minh. Chiều nào tôi với Phụng cũng cùng nhau đi cào lá phi lao ngoài động cát sát với mí biển. Khi băng qua ruộng dưa hấu của hợp tác xã, thỉnh thoảng tôi vẫn bẻ trộm một qủa dưa. Hai đứa tôi leo lên một chiếc thuyền đã được kéo lên nằm chình ình trên bãi cát. Tôi đập qủa dưa vào mũi thuyền. Qủa dưa bể ra thành nhiều miếng đỏ thắm, nhưng nhức những hột đen huyền như mắt của Phụng. Ăn hết qủa dưa, hai đứa tụt xuống khỏi con thuyền đi lộng, chạy ào ra biển. Nhảy choi choi trên những con sóng là niềm vui của Phụng. Lặn hụp dưới những con sóng là niềm vui của tôi. Tắm táp thỏa thuê rồi thì xoay qua dùng bàn chân cào cát, tìm bắt những con ngao trắng lấp lóa dưới nắng mặt trời. Mỗi đứa bắt được chừng vài chục con mới chịu trở lên động cát cào lá phi lao. Rừng phi lao cổ thụ dài ngút ngát, chỉ cần cào chừng một tiếng đồng hồ đã gom được cả một gánh lớn.
Khi đã cào được đầy gánh lá khô thì cũng là lúc hoàng hôn buông trên biển. Đó cũng là lúc thuyền đánh cá khơi xa cập bờ. Chỉ cần một vài tiếng tù và cất lên đã thấy các bà các cô trong làng túa ra gánh cá. Tôi với Phụng vẫn thường sán tới chỗ những người đàn bà ngồi lom khom chọn cá. Chỉ cần ngồi với họ, thể nào họ cũng cho một mớ cá đem về. Những người đàn bà thường chỉ cho cá nhỏ. Còn các lão ngư ông thì hào phóng hơn, họ vẫn thường lén các bà dúi cho tôi và Phụng một hai con cá thu to như cổ chân, hoặc một vài con cá chim to hơn cả bàn tay người lớn.
Môt buổi trưa tôi với Phụng đi cào lá, nhưng lại đi tuốt về phía Lạch Quèn để leo núi. Trên núi có một pháo đài cổ của Pháp xây bằng đá, đã hoang tàn vì bị bỏ phế qúa lâu. Chúng tôi đang mải mê khám phá từng ngóc ngách của pháo đài thì một cơn giông mùa hạ nổi lên đùng đùng với trăm ngàn tia sét rạch ngang dọc trên bầu trời. Trên cao, mưa quất ào ào. Dưới chân núi, biển gầm lên sôi sục. Trời và đất như tan chảy và trôi tuột xuống vực biển sấm rền và gió táp. Qua hết cơn giông thì trời đã sập chiều xâm xẩm. Hai đứa chúng tôi vất vả tuột xuống núi, rồi hối hả chạy dọc theo bờ biển về làng. Từ trong rừng phi lao, rùng rùng hàng chục bó đuốc túa ra bờ biển. Khi tới nơi chúng tôi mới biết, dân làng đổ xô đi tìm chúng tôi, bởi họ tưởng chúng tôi bị sóng thần cuốn ra khơi rồi đánh tấp vào đâu đó.
Từ Bình Minh đi Quỳnh Ngọc, đám học trò cấp ba chúng tôi phải thức dậy đi từ bốn năm giờ sáng để qua chuyến đò đầu tiên vượt sông Hoàng Mai, may ra mới kịp tiết học đầu tiên. Mùa đông, phải ngồi đò từ bốn năm giờ sáng, đứa nào cũng bị giá rét từ trời cao, từ mặt nước, làm cho lạnh cóng. Vậy mà với tôi và Phụng lại trở thành một kỷ niệm rất đẹp. Số là cách bến đò của xã gần trăm mét, có một ông lão sáng nào cũng chèo đò qua sông để đưa hai cô cháu gái gánh cá đi bán dạo trên Cầu Giát. Ông lão thường cho chúng tôi đi nhờ mà không lấy tiền. Đò vượt sông vào ban đêm, mái chèo quẫy nước làm ánh lên những tia lửa lân tinh, sáng óng ánh màu biếc xanh rất đẹp. Hai cô cháu gái của ông là nữ pháo binh dân quân miền biển, từng bơi thuyền nan trước họng súng thủy phi cơ ra biển, cùng hai nữ dân quân nữa bắt sống tên phi công Mỹ ngồi trên phao cứu sinh chờ trực thăng tới cứu. Vậy mà cả hai cùng hiền từ và thường im lặng như cũ khoai, củ sắn. Khi gánh cá trên con đường hun hút heo may, cả hai cũng lặng lẽ người trước người sau, guồng chân đi nhanh như chạy. Tôi với Phụng cũng guồng chân chạy theo tiếng đòn gánh tre phát ra kẽo kẹt. Nhờ vậy, chúng tôi cũng ấm lên được phần nào. Do phải chạy nhanh cho kịp hai cô gái, đã nhiều lần chúng tôi vấp ngã quay lơ xuống đường; có lần tôi với Phụng đè díu vào nhau, guốc dép văng cả xuống ruộng. Và bao giờ cũng vậy, chúng tôi cứ theo họ đến ngang nhà thờ Quỳnh Đôi thì cũng là lúc bình minh ưng ửng sáng. Từ con đường lát đá tảng dẫn vào cổng nhà thờ, chúng tôi lặng lẽ chia tay với họ, theo con đường đất băng qua cánh đồng rộng ngút ngát để tới trường.
Phụng lượm một hòn sỏi ném xuống sông. Tôi cũng lượm một hòn sỏi ném tiếp theo xuống sông. Hai vòng sóng giao thoa với nhau, khiến vầng trăng dưới nước trở nên lung linh, kỳ ảo lạ thường.
Phụng nói:
- Sự giao thoa tạo nên cộng hưởng nhỉ. Nếu bản chất vật chất không phải là sóng, thì làm sao thế giới có được tồn tại sức mạnh của sự sống.
Tôi có cảm tưởng Phụng đang trôi vào một thế giới vật chất xa vời nào đó, rất không có thật trong đời. Con người ta vẫn thường có những phút phiêu lưu tâm tưởng vào một thế giới hoàn toàn xa lạ. Thế giới ấy tạo ra sự xuất thần đột biến.
Thốt nhiên Phụng nắm lấy tay tôi, nói.
- Nhưng phải có hạt mới có sóng chứ. Vậy thì bản chất vật chất phải là hạt, là rắn. Nếu đêm nay lạnh hơn nữa thì cả dòng sông Công cũng sẽ đông cứng lại. Rắn lạnh như băng nhỉ?
Bản năng vật chất của tôi bùng lên ngay lúc đó. Chúng tôi giao thoa sự ngọt ngào thổn thức với nhau lúc nào không biết. Đến lúc tính chất sóng của tôi bùng lên năng lượng khổng lồ của Hỏa Diệm Sơn trong ngực, thì ngay lập tức tôi hoảng sợ nhận ra cái thế giới rất thật mà hai chúng tôi đang tồn tại.
- Phụng này! Hoa ca li na là?..
- Phụng cũng không biết. Chắc là…
Cả hai chúng tôi đều không biết hoa ca li na là hoa gì.
Dòng sông Công cũng không biết. Cả bầu trời mùa đông cũng không biết.
11g00 đêm hôm ấy chúng tôi ra ga Phổ Yên để lên tàu về Hà Nội. Có tiền nhưng chúng tôi đi lậu vé. Đi lậu vé thì phải ngồi ngoài bậc cửa lan can, chỗ giáp nối giữa hai toa tàu. Đêm hun hút. Giá lạnh tới đặc quánh cả màn đêm thăm thẳm như bịt lấy mắt. Giá lạnh làm cho tiếng còi tàu trở nên khàn đục. Người trưởng tàu không biết xuất hiện sau lưng chúng tôi từ lúc nào, hắng giọng ho mấy tiếng, rồi bật đèn pin hỏi vé. Biết chúng tôi là sinh viên nên anh bỏ đi, chỉ lẩm bẩm rằng, đừng có mà tí tởn, không khéo lại rớt xuống đất mất mạng.
Tàu về tới Gia Lâm lúc 2g00 sáng. Cầu Long Biên bị máy bay Mỹ đánh đứt nhịp, chúng tôi phải theo bờ đê sông Hồng tới cầu phao Chương Dương để qua sông. Đang đi thì còi báo động nổi lên hù hụ. Rồi thì máy bay Mỹ ập tới sầm sập. Bom nổ như xé gió. Đạn phòng không bắn lên xối xả. Tôi với Phụng chạy cắm xuống chân đê, cùng nhảy xuống một cái hầm tròn không có nắp.
Đó là đêm 19 tháng 12 năm 1972. Đêm đầu tiên Mỹ tập kích bằng máy bay chiến lược B52 xuống thủ đô Hà Nội. Cùng với pháo đài bay ném bom rải thảm, còn có máy bay con ma, thần sấm sét, và máy bay cánh cụp cánh xòe, kết hợp tấn công bằng bom và tên lửa xuống các nhà máy, các khu dân cư và trận địa pháo cao xạ của ta. Mỗi lần nghe tiếng phản lực chúi xuống ném bom, rít lên rợn người, Phụng lại ôm chầm lấy tôi. Mặt đất rung bần bật. Mảnh bom quất veo véo trên đầu. Chớp lửa chói lóa nhằng nhằng. Máy bay oanh kích chiến thuật của Mỹ cháy đùng đùng như những bó đuốc trên trời. Rền trong tiếng bom rung chuyển cả không trung và mặt đất, có nhiều tiếng người hét lên đầy phấn khích: Cháy rồi.. ồi… ồi! B52 cháy rồi… ồi… ồi! Cả hai chúng tôi cùng đứng vụt dậy, không còn biết sợ là gì nữa. Trên trời cao, bùng bùng một đám cháy chói lóa, sáng trắng tới mức không thể nhìn qúa được vài giây. Đó là đám cháy ma nhê của siêu pháo đài bay Hoa Kỳ- cái mà đế quốc Mỹ gọi là con át chủ bài để đem ra dọa sẽ đẩy miền Bắc của chúng ta về thời đồ đá.
Chừng dứt trận bom, chúng tôi theo đoàn người chạy ào ào trên cầu phao để vượt sông. Qua tới bờ đê Hà Nội, Phụng kéo tay tôi ngồi phịch xuống vạt cỏ. Rồi Phụng co chân nằm ngửa ra, hai tay vòng qua đầu.
- Thoát chết rồi! Để Phụng thở một lúc.
Tôi ngồi dưới chân Phụng, hai tay chỏi ra sau lưng; cảm nhận hôi hổi hơi thở dập dồn của Phụng.
Bấy giờ bình minh đã ửng hồng phía đông bầu trời thủ đô.
Cuối năm 72 tôi nhập ngũ, rồi khóac ba lô đi theo tiếng súng vào chiến trường Nam Bộ. Còn Phụng được chuyển sang Ba Cu học chuyên ngành về dầu khí. Giữa hai chúng tôi chỉ còn lại kỷ niệm nụ hôn bên bờ sông Công. Đó là nụ hôn của mối tình đầu nên tôi không bao giờ quên được.
Trong một lần đi thực tế sáng tác dọc theo dòng sông Láng Sắc, tôi với anh bạn cùng phân hội âm nhạc, ghé vào thăm một ngôi trường tiểu học. Tiếng là trường, nhưng thực ra chỉ có một dãy nhà lá được ngăn thành năm lớp học. Lùi ra phía sau chừng năm chục mét là một ngôi nhà lá khác nhỏ hơn, được ngăn làm hai. Hai phần ba ngôi nhà này là chỗ ở của năm cô giáo, một phần ba còn lại là văn phòng hội họp và làm việc của nhà trường. Có vẻ như cả năm cô giáo trẻ tuổi còn độc thân này, không phải sống bằng lương, mà họ sống bằng chăn nuôi là chính. Cả một ao cá, một dãy chuồng heo, và không biết cơ man nào là gà, là vịt. Hình như giáo viên tiểu học ở vùng sâu đều như vậy, không ai sống thảnh thơi bằng lương, ai cũng phải lấy nghề khác để nuôi nghề dạy học.
Biết chúng tôi đi thực tế viết nhạc, họ nhất định bắt chúng tôi ở lại ca hát với họ một đêm, và nhất định bắt phải sáng tác một ca khúc về ngôi trường của họ. Cái nghề đi thực tế sáng tác của chúng tôi, hễ được ai mời thì không bao giờ lại ngu ngốc từ chối, nhất là với năm cô giáo còn trẻ phơi phới như thế này. Riêng với tôi, một trong năm cô giáo ấy lại là người xứ nghệ; mà lại là cô giáo lớn tuổi nhất, và… đẹp nhất. Làm sao mà tôi bỏ đi cho được.
Chúng tôi không có đàn, nhưng các cô thì lại có tới hai cây đàn ghi ta và ba cây đàn manđolin. Đó là đàn của đơn vị biên phòng tặng nhân ngày kết nghĩa.
Phụ nữ độc thân sống với nhau, họ cũng ồn ào không khác gì đàn ông. Có nghĩa là họ cũng cạn ly với chúng tôi, cũng ca hát với chúng tôi tới vỡ oà cả đêm sáng trăng lồng lộng. Và tất nhiên là khi chúng tôi say thì họ cũng say. Tôi với anh bạn nhạc sĩ cùng phân hội ngủ ở phòng làm việc. Họ đã cẩn thận chuẩn bị chỗ ngủ và nước uống cho chúng tôi từ chiều. Nhưng cái tật của tôi là không dễ gì ngủ được ở nơi xa nhà, nhất là khi trăng vàng đang chan chứa trên sông.
Xách chai rượu và cây ghi ta ra bờ sông, bàn tay tôi tự nhiên bấm lên bập bùng giai điệu bài "Ca li na nở hoa". Tiếng đàn theo những sợi gió đêm mong manh trượt xuống dòng sông lóng lánh muôn vàn ánh vàng ánh bạc. Dòng sông đang lúc triều cường, căng vồng lên như một lồng ngực ngùn ngụt sức sống. Tiếng đàn theo những sợi gió mong manh bay chạm vào rặng bần, làm rung lên xạc xào muôn vàn âm thanh của lá. Một con cá trồi lên búng nước. Mặt nước duềnh lên những vòng sóng óng ánh như pha lê. "Bản chất của vật chất là sóng nhỉ. Sóng chuyển tải năng lượng, hấp dẫn vạn vật". Trời ơi! Sao mà tôi nhớ Phụng, nhớ đêm sông Công đến cồn cào. Đêm ấy sóng vật chất của chúng tôi đã giao thoa với nhau đến mức cộng hưởng thành hương vị mặn mà, ngọt lịm. Nhưng mà hoa ca li na là hoa gì? Nó có giống bông bần đang lặng lẽ nở trong đêm trăng sông của dòng Láng Sắc này không nhỉ?
- Anh không ngủ được à?
Không nhìn sang nhưng tôi cũng biết là Hồng Sa xứ Nghệ từ trong nhà mới ra.
- Trăng sông đẹp như thế này mà ngủ thì uổng lắm! Với nữa là… tôi nhớ.
- Nhớ sông Bùng phải không?
- Ừ, nhớ sông Bùng, sông Thai, sông Mai.
- Nhớ sông sao lại hát "Ca li na nở hoa"?
Như có cái gì đó cứa vào tim tôi, khiến tim tôi nhói lên một cơn đau rất mơ hồ. Rõ ràng là tôi với Phụng có với nhau rất nhiều kỷ niệm trên bờ đê sông Thai, khi chúng tôi chuyển về Quỳnh Hồng, thường đi bộ từ Quỳnh Hồng tới Quỳnh Ngọc. Lối bờ đê đầy bông cỏ may. Khi từ trường trở về, tới qủa núi đầu xã, chúng tôi thường ngồi lại trên một gộp đá, tỉ mẩn nhổ từng bông cỏ.
- Hồng Sa cũng biết bài "Ca li na nở hoa" à?
- Biết! Em biết từ hồi còn học cấp hai ở quê, thành thử nghe anh đàn mới không ngủ được.
Rất tự nhiên, Hồng Sa hát theo tiếng đàn của tôi. Tiếng hát và tiếng đàn bập bùng cất lên trong đêm trăng sông mặn mòi gió biển. Tôi nhận thấy trên mặt mình ram ráp hơi muối biển. Tôi biết chắc rằng tóc của mình cũng đã cứng bết lại bởi vị mặn của biển khơi. Biển khơi bao giờ cũng làm cho con người ta trở nên rắn rỏi và săn chắc. Nhưng đêm nay, đêm trăng sông trên dòng Láng Sắc, tôi hiểu rằng trái tim của tôi đang thổn thức một nỗi đau xa vắng, mơ hồ.
- Hồng Sa uống với tôi một ly rượu được không?
- Được, nhưng em sợ bị say.
Tôi đưa ly rượu cho Hồng Sa, nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của cô giáo xa quê mà nói một cách văn vẽ như có ai đó móc miệng cho:
- Say với trăng sông huyền diệu, với ca li na nở hoa lặng thầm thì sợ gì há em.
Đêm chuyển vào xuân chầm chậm. Cánh đồng bầu trời cuối năm ở miền duyên hải trong vắt như thủy tinh. Trăng đã nhường sáng cho sao từ bao giờ. Trên những rặng bần, đom đóm đã giăng lửa đèn nhấp nhánh. Tiếng bìm bịp báo nước ròng cất lên từ bên kia sông, nghe nao niết tới mủi lòng.
Hồng Sa đã ngấm chất men của thứ rượu nếp huyết rồng miền duyên hải, tựa đầu vào vai tôi, ngủ một cách yên bình, thánh thiện. Tôi nhận thấy em cười trong mơ. Chắc là em mơ thấy sông Bùng. Còn với tôi, dòng sông Công đang hiện ra trước mặt.
Tôi cũng thừa biết rằng, tôi đã ngấm tới tận cùng máu thịt chất men nồng nàn của lửa. Tôi đặt cây đàn xuống, định lay Hồng Sa thức dậy để đưa cô về phòng; nhưng khi tiếng đàn vừa tắt thì Hồng Sa đã mở choàng đôi mắt thăm thẳm ánh sáng sao trời.
Em dùng cả hai tay, nắm lấy bàn tay tôi mà nói:
- Đàn đi anh! Đàn cho em mơ thấy sông Bùng, mơ thấy ca li na nở hoa trên bến nước.
Làm sao tôi có quyền dập tắt một giấc mơ tuyệt vời như thế.
Nhưng mà sông Bùng ơi, hãy nói giùm với em, tôi cũng đang ngây ngất, tôi sắp đổ xuống vạt cỏ sữa bên dòng sông Láng Sắc ngay bây giờ đây thôi.
Từ cánh rừng sú ngút ngát bên kia sông, một cơn gió của buổi hừng đông nổi lên rười rượi. Cơn gió chạm vào mặt sông. Cơn gió chạm vào tán lá. Cơn gió chạm vào da thịt của hai sinh linh đang ngún cháy. Tất cả ngân lên lời bập bùng giai điệu.
Sông Bùng, sông Bùng ơi! Sao mà nhớ sông Công đến nao lòng muốn khóc!.
Chuyện viết từ nhật ký
Ông chủ nhà trọ của tôi nói với ông Chất sang chơi như nói vậy. Hai ông lão lâu ngày gặp nhau, ngồi hãm bình chè xanh, kéo thuốc lào sòng sọc, bàn toàn chuyện làm ăn; mà chủ yếu là tính xem với số mía ấy, họ sẽ thu được bao nhiêu thùng mật, và sẽ đem bán ở đâu cho được giá. Họ ngồi với nhau đến khuya. Tôi ngồi chầu rìa được một lúc thì đâm ra buồn ngủ, lâu lâu lại ngáp vặt vài cái. Về sau, chẳng biết tự lúc nào, tôi nằm lăn còng queo ra bộ ngựa đánh một giấc. Bất giác tôi nghe như họ nói về tôi. Tôi tỉnh dậy. Ông Chất thấy tôi đã tỉnh, nhìn tôi một cách thân thiện rồi hỏi:
- Dạo này cháu học nhiều chứ?
- Nhiều ạ! Tôi trả lời.
- Chà, ông định bàn với cháu chuyện này, chả biết có tiện không?
Thế rồi cả hai ông già ngồi bàn với tôi, là, nếu tôi đồng ý, tôi sẽ sang hẳn nhà ông Chất trọ học, vừa yên tỉnh để học bài, vừa trông hộ ông Chất ngôi nhà năm gian. Tôi thấy mọi chuyện đều thuận lợi thì đồng ý, xin với ông Chất sáng mai sẽ sang bên ấy.
Ở với ông Chất, tôi cảm thấy thoải mái như ở nhà với mẹ. Ban ngày, ông hất với anh Sinh(người cháu con ông chú đã hy sinh hồi đánh Pháp ở Ngọc Lặc) ra lò mật trông coi việc kéo che; tôi ở nhà tự nấu lấy cơm ăn và lo chuyện học hành. Buổi chiều, tôi giúp cho gà ăn ngô, ăn lúa, và cho con lợn ăn cám. Buổi tối, ông Chất ở lại coi lửa cho lò mật, anh Sinh về nhà ngủ với tôi. Ông Chất thường gởi về cho tôi khi thì mấy chén mật, khi thì xâu gừng đã nấu suốt bốn năm tiếng đồng hồ trong chảo mật, khi thì một tô chè nếp thơm phức, hoặc một gói xôi lạc có kèm thêm ít muối vừng.
Công việc của tôi kể cũng nhàn. Ngủ dậy, tôi ra mở cửa chuồng gà, thả đàn gà cả trăm con ra cho chúng kiếm ăn; vãi cho chúng vài lon ngô xay để chúng ăn lấy có cho chắc diều. Buổi trưa đi học về, tôi tự nấu lấy cơm ăn, rồi bắc cái chỏng tre ra gốc mít hay ra bụi tre nằm đọc sách, rồi ngủ thiếp đi trong canh trưa liu riu vài ngọn gió từ đại ngàn thổi tới. Buổi tối, tôi ăn nốt chỗ cơm nguội còn để dành từ buổi trưa, sau đó đi nhốt gà, cho lợn ăn thêm, rồi vào chong đèn ngồi giải bài tập.
Thỉnh thoảng chị Nụ ở xóm trên có xuống chơi. Tôi đoán chắc mười mươi là chị Nụ và anh Sinh yêu nhau, vì tôi đã chứng kiến nhiều lần chị Nụ ngồi tỉ mẩn vá áo cho anh Sinh, rồi bằm bèo giúp tôi, và hỏi tôi đủ điều về anh ấy. Hễ chị hỏi về "anh ấy" là tôi liền tức tốc tán tụng, ca ngợi "anh ấy" hết lời. Chị Nụ thừa biết là tôi bịa ra nhưng vẫn cứ để yên cho tôi tha hồ mà huyên thuyên xích địa. Nhiều bữa anh Sinh có nhà, cả ba chúng tôi ngồi đánh tu lơ khơ hàng mấy tiếng đồng hồ. Tôi hay ăn gian từng lá bài để quyết đánh cho cả hai người bại trận. Lệ của chúng tôi là ai thua thì phải để cho người thắng nhất búng hai chục cái vào lỗ tai. Té ra anh Sinh là người hay thua nhất. Mỗi lần chị Nụ thắng, chị cười như nắc nẻ, nhè vào tai anh Sinh búng thật lực. Anh Sinh thì ngược lại, hễ may mắn được búng tai chị Nụ là cả hai vành tai anh đỏ lựng lên. Tôi thì tôi cứ thi hành cật lực phần thắng của tôi với cả hai người.
Rồi mùa mật qua đi. Ông Chất và anh Sinh trở về ở hẳn trong nhà. Mọi việc lại quy về cả một tay ông Chất. Tôi chỉ còn mỗi một việc là tha hồ muốn đi chơi đâu thì đi, miễn là cứ thuộc bài và giải xong bài tập rồi thì được.
Dần dà rồi năm cũ cũng trôi qua, Tết Nguyên Đán đến dập dìu từ lúc nào. Trong làng rộn rả tiếng cối giã chè lam, tiếng người gọi nhau đánh đụng thịt lợn. Đúng vào dịp mấy cây đào trước sân nhà trổ bông, anh Sinh có lệnh gọi đi dân công hỏa tuyến ở dốc Bò Lăn vào ngày hăm ba Tết. Trong mấy ngày anh Sinh chuẩn bị lên đường, chị Nụ thường xuyên qua nhà chúng tôi. Chị và anh Sinh ngồi với nhau hàng giờ, nói thủ thỉ đủ thứ chuyện trên đời; lâu lâu lại còn tập hát với nhau. Tự nhiên tôi cũng thấy bâng khuâng trong người như sắp mất đi một cái gì thân yêu mà tôi đang sẵn có. Ông Chất mồm thì nói, "thanh niên đi dân công hỏa tuyến là cái sự đương nhiên", nhưng tôi vẫn bắt gặp có lúc ông ngồi thừ ra, tay cầm ống điếu đã nhồi thuốc mà quên mồi lửa.
Rồi cái ngày chia ay cũng đến. Cả xã làm lễ tiễn dân công. Trống nện vang lừng, đội sư tử múa dọc theo đường các thôn trong xã. Tôi với chị Nụ theo đưa anh Sinh ra tận ngoài chợ Thạch Thành. Chị Nụ chuẩn bị cho người yêu đủ thứ lích kích. Mấy tấm bánh chưng, mấy giò chả lụa, một cái khăn bông, một cái khăn mùi soa, một cái ríp đánh răng, một cuốn sổ bìa ni lông, một cây bút Trường Sơn và một lọ mực Cửu Long. Tôi nghĩ, nếu có thể, chắc chị sẽ bứng cả dãy núi mỏ qụa bên kia cánh đồng để gởi theo cho người yêu. Đã học được một nửa năm lớp bảy, tôi biết mình cần phải lánh đi để hai người tiến hành cái chuyện tiễn biệt muôn đời của đôi lứa. Ấy vậy mà cả anh Sinh và chị Nụ cứ giữ rịt lấy tôi, dùng tôi làm cái cớ để trò chuyện. Đến lúc còi xe nổi lên bim bim lần thứ mấy, anh Sinh mới chịu chia tay hai chúng tôi nhảy lên xe. Xe chuyển bánh, tôi thấy từ trong mắt chị Nụ ứa ra những giọt nươc mắt bắt nắng trời lóng lánh. Tự dưng tôi cũng thấy rưng rưng trong lòng, phải đưa cùi tay lên quệt quệt hai con mắt.
Thế rồi tôi vào mùa thi cuối năm mà vẫn không thấy anh Sinh trở lại. Một hôm tôi đi học về, thấy ông Chất ngồi xếp bằng trên bộ ngựa, tư lự cầm cái ống điếu. Thấy tôi về, ông gọi:
- Cháu đọc lại cho ông nghe lá thư của thằng Sinh nào!
Tôi sướng rên lên, đỡ lấy lá thư xem qua một lượt, rồi hắng giọng tới mấy lần mới đọc được. Bức thư đó đến nay tôi vẫn còn nhớ, vì nó ngắn, và vì nhiều lần tôi phải đọc đi đọc lại cho ông Chất nghe.
"Bác và em Huy kính nhớ! Cháu đã vượt qua dốc Bò Lăn, đi sâu vào phía mặt trận. Dân công xã ta ai cũng tiến bộ. Riêng anh Bạch chồng chị Mão đã trúng bom hy sinh ngày… Bác sang thăm và động viên mẹ con chị Mão. Phần cháu đã xin qua bộ đội chủ lực, chiều nay sẽ lên xe sang Lào. Bác ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe, em Huy cố gắng học cho giỏi! Cháu: Sinh. Tái bút: Bác nói với Nụ là cháu sẽ đi xa, xa lắm; nhưng rồi cháu sẽ trở về".
Làm sao mà tôi có thể ghi lại được nỗi buồn của chị Nụ khi đọc lá thư này. Thương nhớ người yêu, chị Nụ xin vào du kích, tham gia vào tổ trực chiến trên đồi mỏ qụa.
Sang năm lớp tám, tôi chuyển lên học trường huyện. Ông Chất hàng tháng vẫn gởi qùa xuống cho tôi. Toàn là thứ qùa quuê ở miền bán sơn địa lúc ấy. Thế rồi tôi học hết lớp mười. Rồi tôi tiếp bước anh Sinh vào chiến trường. Từ đó tôi không biết tin tức gì về bác cháu nhà ông Chất và chị Nụ nữa.
Năm 1972, trên đường hành quân trên Trường Sơn, vào dạo tháng mười, đơn vị tôi nghỉ lại ở khe Nước Bạc hai ngày. Tôi xin phép vào trạm chuyển quân  gần đó tìm đồng hương. Đi vòng vèo theo một lối mòn nhỏ, tôi đến trước một cái lán tre nhỏ và đẹp. Thấy cửa để ngõ, tôi mạnh dạn bước vào. Ở giữa nhà có một anh bộ đội người gầy gầy, đang cắm cúi ngồi viết. Nghe động, anh ngước lên nhìn tôi, hỏi:
- Đồng chí cần gì đấy?
- Dạ, em là lính mới vào Nam, tới chơi thôi ạ!
- Thế thì mời đồng chí ngồi!
Tôi thấy anh cán bộ này có cái gì đấy quen thuộc, hao hao giống anh Sinh con ông Chất. Tôi hỏi anh:
- Anh tên gì ạ?
- Tôi à? Tôi tên là Sinh. Anh em ở trạm quen gọi tôi là Sinh mì. Chả là vì tôi hay trồng mì cải thiện, ngoài mình gọi là sắn. Thế đồng chí tên gì?
- Dạ, tên Huy!
- Huy à? Chà, nom cậu giống thằng em tôi qúa. Dạo tôi ở nhà thì nó học lớp bảy. Bây giờ nó đã lớn, chắc đi bộ đội rồi cũng nên.
Nghe anh nói tên Sinh, tôi chộp lấy hỏi, trong lòng không khỏi bồi hồi phấp phỏng, nhất là anh lại nói có một cậu em tên Huy.
- Vậy… Anh… anh ở đâu?.. Em hỏi quê ấy mà.
- Quê à? Tôi ở xã Thạch Bình, gần chợ huyện Thạch Thành. Cậu nói tiếng Thanh Hóa, đã có dịp nào lên đấy chưa?
- Chợ Thạch! Anh có phải cháu ông Chất không? Ông Chất chuyên kéo che nấu mật.
Tôi thấy mắt anh sáng lên, hơi chồm về phía tôi. Không kìm được nữa, tôi reo toáng lên:
- Anh Sinh. Đúng anh Sinh rồi! Em là Huy đây! Huy. Anh không nhận ra em à?
Anh em chúng tôi ôm chồm lấy nhau, đấm lưng nhau bùm bụp. Buổi trưa ấy tôi ở lại ăn cơm tại trạm. Có canh cá nấu măng, có rau xào, rau luộc, có thịt tươi… là những thứ  mà hơn một tháng nay, suốt chặng đường hành quân tôi chưa được ăn một lần nào, bởi chỉ toàn ăn lương khô và đồ hộp. Sau bữa cơm, tôi chạy về đơn vị, xin thủ trưởng được ở lại với anh Sinh một đêm. Chính trị viên đại dội hỏi tôi chỗ ở của anh Sinh, rồi đồng ý cho tôi ở lại cả buổi chiều và buổi tối ở Trạm chuyển quân. Hôm đó tôi với anh Sinh thức trò chuyện với nhau tới qúa nửa đêm. Lần đầu tiên trong đời tôi hút thuốc liên hồi kỳ trận. Anh Sinh cho tôi biết chị Nụ đã vào bộ đội, hiện đang đóng ở trạm chuyển quân B2 tại Lộc Ninh. Anh dặn tôi đến đó cố tìm đến chỗ chị. Tôi hứa là sẽ đến với chị Nụ, nếu đơn vị tôi nghỉ chân ở trạm chuyển B2.
Nhưng rồi do yêu cầu chiến dịch, đơn vị tôi phải hành quân cấp tốc, không dừng lại ở bất cứ một trạm chuyển B2 nào. Đến tháng 3, chúng tôi tham gia một trận đánh lớn ở Long Khốt. Rồi qua tháng 4, tháng 5, chúng tôi được điều lên biên giới Kampuchia tham gia đánh chặn. Một lần, trong chuyến đi công tác lẻ với hai tay trinh sát tiểu đoàn qua Cần Cháp nhận máy PRC25, chúng tôi nghỉ đêm tại kho gạo của quân khu ở xã Đắc Xát. Chúng tôi làm quen và bắt chuyện  với mấy anh lính coi kho. Họ kể cho chúng tôi nghe về vị chỉ huy trạm tuyến đường biên của mình.
- Bà này coi hiền mà nghiêm lắm. Chỉ huy đâu ra đấy. Đánh giặc tập kích thì đánh ra trò. Nhưng đừng tưởng bà gộc ghệch như cánh đàn ông tụi mình.  Đẹp như con gái mới mười tám hai mươi ấy. Khối ông sĩ quan chết mê chết mệt, vậy mà bà ấy chẳng thèm chấm ông nào; gặp ai tới tán tỉnh cũng cứ lạnh như tiền. Tiếc cho các cậu không được gặp bà ấy để rửa con mắt. Trận vừa rồi bà nữ tướng của chúng tớ bị thương kha khá, hiện đang nằm viện. Muốn gặp, cứ đến viện Y 26, hỏi thăm bà Nụ trạm Q547.
Nghe nói tên Nụ ở Thanh Hoá, tôi chồm lên hỏi:
- Nụ. Đinh Thị Nụ phải không? Người thanh thanh, có hai lúm đồng tiền. Đúng không?
- Đích rồi! Hoan hô thủ trưởng của chúng tớ! Vậy mà tớ cứ tưởng cậu là lính mới.
- Đừng đùa. Chị của tớ đấy. Đây này! Cái lược duyara này là của người yêu chị ấy ở khe Nước Bạc gởi tặng chị ấy đấy. Các cậu chuyển giùm nhé! Cứ nói tớ là Huy ở Thạch Bình, Thạch Thành. Chà, cậu nào có cho tớ xin tờ giấy, tớ phải viết mấy dòng cho phải đạo.
Cuộc chiến tranh thần thánh đi vào giai đoạn cuối. Tốc độ ghê gớm của súng đạn, xe tăng, máy bay và bích kích pháo,  cuốn hút chúng tôi lao băng băng về phía trước theo dòng lũ của bão táp. Thời gian vùn vụt trôi qua. Cuộc chiến tranh được kết thúc bằng sức tiến công thần thánh của các binh đoàn chủ lực đánh thốc vào thành phố Sài Gòn. Một hôm tôi đọc báo quân đội thấy tên anh Trần Văn Sinh, chỉ huy trưởng Trung đoàn X, đang tham gia xây dựng tuyến đường sắt thống nhất. Vậy là tôi tìm đến thăm anh.
Đến với một người chỉ huy rung đoàn công binh không phải dễ. Trung đoàn của anh đóng rải suốt một cung đường mấy chục cây số. Thoạt đầu tôi vào trung đoàn bộ, nhưng anh đã xuống đội 28 từ hôm qua. Tôi xuống đội 28 thì anh đã qua đội 25 đốc thúc lắp tà vẹt. Tôi đến đội 25 thì anh đã đến cây số 1354 coi sóc việc đổ móng cầu. Tiện có chiếc Jil 57 chở xi măng đến đó, tôi leo lên đi nhờ. Cậu trợ lý tuyên huấn dặn tôi, đến đó nếu không gặp thì theo xe về luôn ban chính trị, sáng mốt thế nào anh Sinh cũng về E bộ để họp tổng kết công đoạn.
May cho tôi là vừa đến cây số 1354 thì đã gặp ngay anh Sinh đang đứng ngay bên cạnh chiếc máy trộn bê tông. Anh tóm lấy hai vai tôi mà lắc lấy lắc để.
- Chà, thằng em đã trưởng thành ra phết rồi đây. Mày chuyển ngành đi học là phải lắm! Hòa bình rồi, cánh lính trận chúng mình cũng phải có thằng đi học chứ! Thôi, vào trong này với anh!
Anh kéo tôi vào một cái lều vải lổn ngổn bốn năm cái ba lô sờn cũ.
- Uống nước đi! Chè xanh chính cống xứ Thanh ta đấy! Thằng C phó ở đây vừa về quê chịu tang mẹ trở vào, hắn vác theo cả mấy bó. Lại cả một cân nhót, mình cứ thay mặt hắn mà liên hoan một ít. Phần tụi nó còn ối ra đấy!
Tôi thật không ngờ là anh Sinh đã thay đổi nhiều đến thế. Mập ra. Đen chắc như gỗ lim. Nói nhanh như máy.
- Nào! Bây giờ thì chú mày kể chuyện chú mày cho anh nghe đi! Có cả thảy mấy con bồ rồi?
Nhưng tôi chỉ sốt ruột hỏi thăm anh tin tức về chị Nụ.
- Thì hãy thong thả đã nào. Kỳ này đi phép, chú mày nhất định phải lên Thạch Thành một chuyến. Còn chị Nụ, chị nhắc chú mày luôn. Hòa bình đã hơn một năm mà cấm gởi về cho ông bác tớ một lá thư. Lại sắp mùa đến mật rồi. Chà, thèm bữa chè nếp qúa chừng! Đêm đêm anh nằm ngủ, cứ nghe tiếng cây rừng kêu kẻo kẹt như tiếng kéo che. Ngày mốt về E bộ, anh bão tụi nó đánh đụng con lợn tạ, ăn Tết sớm với chú mày.
Anh phá ra cười hết sức thoải mái, làm tôi cũng bật cười theo. Qua câu chuyện của anh, tôi biết chị Nụ đã chuyển về quê làm giám đốc nông trường Thạch Yên, một nông trường lớn chuyên trồng cam và cà phê ở Thanh Hoá. Anh chị dự định đến mùa mật năm sau sẽ về làng làm lễ cưới.
- Chú mày biết không? Khi anh xuống xe ở Kim Tân thì đã mười giờ đêm. Trời sáng trăng bàng bạc. Phải còn gần hai chục cây số nữa mới tới nhà, nhưng mũi anh nó ngửi thấy mùi mật, tai anh nó nghe thấy tiếng trâu phì phò kéo che, anh nôn cả người. Gọi đò mãi không được, anh buộc túm hết đồ đạc vào ni lông, bơi luôn một mạch qua sông; rồi cứ thế mà đi phăm phăm như chạy. Bao nhiêu năm xa quê, nay mới được dẫm chân trên con đường đất đỏ, nghe tiếng sỏi lạo xạo dưới chân như nghe tiếng hát. Mà ở quê mình, sao chim đa đa nhiều thế không biết. Mình đi tới đâu cũng thấy đa đa giật mình vỗ cánh bay ràn rạt, rồi sà xuống đáp vào đâu đó, kêu toáng cả lên như hò như hét. Bấy giờ anh đi như người lên đồng. Biết gì không? Khi đến khúc vòng lượn theo thung lũng, anh thấy có một bóng người ngồi bên đường. Nghỉ đó là một người đàn ông đang nghỉ mệt nên anh bước tới định mời anh ta một điếu thuốc lá miền Nam. Ai ngờ… Em biết gì không? Một cô gái. Một nữ quân nhân lủ khủ cái ba lô và hai túi du lịch. Mà em biết ai không? Người đó lại chính là chị Nụ của em. Chị cũng bơi vượt sông như anh, bơi trước anh chừng nửa tiếng.  Chị cũng như anh, cũng đi nhờ xe bò ma của lâm nghiệp.
Lúc ấy trăng đã chếch về phía thượng nguồn sông Bưởi. Anh với chị mừng tới mức cứ ôm lấy nhau mà khóc. Khóc đã rồi thì đi. Có hai người nên quyết định đi tắt qua cánh đồng mía của nông trường. Đồng mía bạt ngàn, lúc nào cũng rào rạt những gió là gió. Khi lên tới bờ đê. Em còn nhớ con đê ấy chứ? Con đê ở ngay đầu xã. Con đê mọc đầy cỏ gà và cỏ may ấy mà. Bấy giờ anh với chị ngồi phịch xuống luôn vạt cỏ ướt đẫm sương đêm. Chị Nụ cứ đếm đi đếm lại: "Một ông sao sáng, hai ông sáng sao". Còn anh thì bứt luôn mấy bông cỏ gà, bỏ vào miệng nhai ngồm ngoàm. Trời ạ, nó ngọt! Anh nói với chị điều đó. Chị cũng nhai thử một bông, rồi nhổ ngay xuống đất mà mắng anh: "Ông này chỉ khéo xúi dại". Rồi chị ôm lấy anh mà đấm túi bụi. Vậy là cả hai ngã lăn ra mà cười khanh khách. Vừa cười vừa lăn. Lăn từ trên bờ đê xuống vệ đê. Từ dưới đó anh nghe thấy tiếng xe trâu cót két. Chị Nụ la lên: "Ai đó ơi! Cho đi về nhà với!". Nghe tiếng họ trâu trên đê, anh với chị nắm tay nhau chạy lên phăng phăng. Biết xe ai không? Xe của nhà ông Thấn, nhà mà chú mày ở trọ buổi đầu khi lên Thạch Bình sơ tán ấy. Ông ấy còn mừng hơn cả anh chị. Khi đánh xe về tới giếng đình Nghè, ông ấy vừa gõ mõ vừa la toáng cả lên: "Bà con ơi! làng xóm ơi! Thức dậy đi! Thằng Sinh với con Nụ, chúng nó về làng đây này!". Chó sủa nháo cả lên. Làng mình sao mà lắm chó thế. Mỗi nhà có dễ phải nuôi tới bốn năm con. Chúng đua nhau chổng mõm lên mà sủa ngậu xị suốt cả dọc đường, sủa inh cả làng xóm. Nhà nhà lần lượt thức dậy thắp đèn. Tiếng mở cửa loạch xoạch loạch xoạch. Anh cảm động tới mức chỉ muốn khóc rống lên. Mà nhà cái ông Thấn, ông ta đánh xe thẳng vào sân đình trung, chụp lấy cái dùi, nện thẳng tay thật lực vào tang trống. Ông ta đánh thúc theo kiểu đánh trống trận, cái bận ông thúc trống cho cả làng đi rượt bắt phi công Mỹ nhảy dù.
Đấy! Thay bằng về nhà thì anh và chị lại về ngay đình trung. Dân làng kéo tới kìn kìn. Tay Chủ nhiệm hợp tác xã đứng trước cửa đình, nói lời chào mừng như đọc diễn văn. Thì ra anh và chị Nụ là hai người đầu tiên sống nhăn về tới làng.
Anh Sinh phá ra cười. Tôi cũng phá ra cười.
Bên ngoài vuông lều bạt, nắng miền Trung nhảy múa rung rung như nhảy lửa.
Hồ Tĩnh Tâm
Theo http://www.vanchuongviet.org/








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những cơn bão - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương

Những cơn bão - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương Mẹ Bình tối ngày mò mẫm ngoài đồng với vài sào ruộng khoán. Cha lụi hụi đạp xe đi đư...