Càng sống nhiều ta càng thấy
cái chết dễ dàng đến với bất cứ một ai. Chết quá dễ mà sống thì quá khó. Hôm
qua gặp nhau đấy, ngày mai lại mất nhau. Sống thì có hẹn hò hôm nay hôm mai. Chết
thì chẳng bao giờ có một cuộc hẹn hò nào trước. Một buổi sáng cách đây bốn năm,
lúc tôi đang ngồi uống rượu với bạn, mẹ tôi bảo: “Mạ đi chơi chút nghe”.
Thế rồi một giờ sau tôi được điện thoại báo tin mẹ tôi đã mất tại nhà người bạn.
Nhạc sĩ Xuân Hồng cũng đã từ
biệt chúng tôi như thế. Không kịp nói một lời, không kịp đưa tay vẫy chào bạn
bè, vẫy chào cuộc sống. Thế kỷ 21 thế mà cũng khó đến được dù chỉ còn mấy năm.
Càng yêu ta càng thấy: có
tình yêu thì khó mà mất tình thì quá dễ. Hôm qua mới yêu nhau đấy, hôm nay đã mất
rồi. Mất sạch như người đi buôn mất hết vốn liếng. Cứ tự an ủi mình khi
nghĩ rằng mình đau khổ thì có một kẻ khác đang hạnh phúc. Và biết đâu cái thời
gian mình được yêu thì một người khác cũng đang đau khổ vô cùng. Nghĩ thế thì
thấy cuộc đời bỗng nhẹ nhàng hơn và cũng dễ tha thứ cho nhau. Sống mà giữ mãi
trong lòng những hờn oán thì cũng nặng nề.
Có người bỏ cuộc đời mà đi
như một giấc ngủ quên. Có người bỏ cuộc tình mà đi như người đãng trí. Dù sao
cũng đã lãng quên một nơi này để đi về một chốn khác. Phụ đời và phụ người hình
như cũng vậy mà thôi. Người ở lại bao giờ cũng nhớ thương một hình bóng mình đã
mất. Khó mà quên nhanh, khó mà xóa đi trong lòng một nỗi ngậm ngùi.
Tưởng rằng có thể quên dễ
dàng một cuộc tình nhưng hóa ra chẳng bao giờ quên được. Mượn cuộc tình này để
xóa cuộc tình kia chỉ là một sự vá víu cho tâm hồn. Những mảnh vá ấy chỉ đủ để
làm phẳng lặng bên ngoài mà thôi. Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống.
Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung.
Cuối cùng thì lòng yêu
thương cuộc sống cũng không giữ lại đời người. Cuối cùng thì tình yêu không giữ
được người mình yêu…
Trịnh Công Sơn (1996)
GIẤC
MƠ HẠ TRẮNG
Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran
trên những tàn cây như một giàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục.
Thêm vào đó còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu
nhiên liệu tích lũy tích lũy trong cơ thể đều tan ra thành nước. Những đồ vật
và áo quần cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa ra. Những mặt đường gần
như bốc khói với nhiệt độ 42- 43 độ.
Có một mùa hạ năm ấy tôi bị
một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê
man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy hương
thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng.
Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không
gian đó. Ðến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường
có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn.
Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một
mùa hạ nóng bức.
Trong vùng tôi ở, quanh đó
chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến
là ai.
Sau một tuần lễ tôi hết bệnh.
Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì
ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn
tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy sớm và xuống
bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường
lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó
tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất
và giấu ông cụ. Tất nhiên, khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi,
thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh.
Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các
con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó ông nằm
trên sập gụ một mình cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi
theo bà cụ luôn.
Câu chuyện này ám ảnh tôi một
thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo
sơn này như áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài “Hạ
Trắng”.
Trịnh Công Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét