Mỗi sáng nhìn vào mặt gương
soi lại thấy thêm rất nhiều những sợi tóc bạc…
Thuở ấy, tôi là một đứa bé
thích ca hát. Mười tuổi biết solfège, chép lại những bài hát yêu thích đóng
thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn guitar đầu
tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm
cho chính mình hát.
Tôi không đến với âm nhạc
như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi
hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong… Ðó là những năm 56 – 57, thời của
những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Cái thời tuổi
trẻ xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên
trong tôi không hề gợi lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ…
Dạo ấy ba tôi đã mất, mẹ tôi
ở xa, tôi một mình giữa Sài Gòn này phải tự quyết định mọi chuyện về đời mình.
Cái gánh đời tuổi tác còn quá nhẹ. Có lúc tôi đã bỏ dở cái trò lãng mạn viết
lách này với nỗi ám ảnh ngu ngốc “xướng ca vô loại”. Tôi trằn trọc đêm này qua
đêm khác, ray rứt ngày này qua tháng nọ. Nhưng càng cố lãng quên thì tiếng hát
trong tôi càng vang lên rõ rệt, tràn ngập cả lúc đứng ngồi, cả trong giấc ngủ.
Dần dà những năm về sau, mới
bắt đầu hình thành trong tôi một quan niệm rõ rệt: Sống là sống với người khác
và muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn diễn đạt mình. Trong những cách diễn
đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn
mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn
này, tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở đây tôi có thể bày tỏ được với người
khác về những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống.
Nhìn lại quãng đường mình đã
đi, tôi cảm thấy không có gì phải ân hận. Tôi vẫn là đứa trẻ thơ trong nghệ thuật,
lòng còn tràn đầy cảm hứng. Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào
hứng mở ra những cuộc đối thoại, độc thoại với cây cỏ thiên nhiên, với con người
qua ca khúc dưới ánh sáng hiền hòa nhân hậu của những ngày tôi đang sống.
Phải chờ đến lúc soi gương
nhìn thấy tóc không còn mang mầu xanh cũ nữa, mới nhận ra được hết nỗi khát
khao được yêu thương mãi mãi con người vàcuộc sống. Yêu thương con người cũng
là yêu thương tiếng hát bởi vì tiếng hát mang trong nó tâm hồn của con người.
Tiếng hát sẽ mọc lên xanh tươi trên cuộc đời này như những cây tử đinh hương mọc
tràn thơm tho trên những cánh đồng vô tận.
Với ca khúc, tôi là người
tình của thiên nhiên, là người bạn của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần
và đã đi xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và
cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn.
Ca khúc là đời sống thứ hai
sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành…
Trịnh Công Sơn
(Trích từ Nhạc và đời – NXB Tổng hợp Hậu Giang)
(Trích từ Nhạc và đời – NXB Tổng hợp Hậu Giang)
Viết hồi ký về đời mình là
quyền của mỗi con người. Ai cũng muốn ghi lại những kỷ niệm buồn, vui trong đời.
Tuy nhiên cũng có những hồi ký tự thuật và những tường trình về đời mình có
tính cách thiếu khiêm tốn và đôi khi không gần gũi với sự thật lắm. Ðiều đó dễ
dẫn ta đi vào một thứ trận đồ bát quái tâm linh, không có thật. Tôi rất ngại
nói về mình mặc dù đã có nhiều cơ sở xuất bản trong và ngoài nước đề nghị viết
về một quá trình khá dài trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Cái tôi đáng
ghét (Le moi est haissable) nhưng cái tôi cũng có lúc đáng yêu vì cái tôi đó biết
mình và cuộc đời là một. Tôi yêu cuộc đời và cuộc đời cũng đã yêu tôi. Ðó là niềm
an ủi lớn trong cuộc sống này. Vì thế trong lòng tôi không có một giây phút nào
nuôi một lòng oán hận với cuộc đời.
Dù có đôi khi nhân gian bạc
đãi mình, và con người phụ rẫy mình nhưng cuộc đời rộng lớn quá và mỗi chúng ta
chỉ là những hạt bụi nhỏ nhoi trong trần gian mà thôi. Giận hờn, trách móc mà
làm gì bởi vì cuộc đời sẽ xoá hết những vết bầm trong tâm hồn chúng ta nếu lòng
ta biết độ lượng. Ta biết tha thứ những điều nhỏ thì cuộc đời sẽ tha thứ cho ta
những điều lớn hơn.
Ai cũng biết cuộc đời này là
quý vì vậy ai cũng muốn ôm lấy mãi cuộc đời. Như đôi tình nhân. Nhưng mà nợ trần
không dễ, không dài. Rồi sẽ có phút chia lìa. Phút ấy không biết còn ai nhớ ai
nữa không trên mặt đất trần gian này.
Tôi đến với âm nhạc có lẽ
cũng vì tình yêu cuộc sống. Một phần cũng do một khúc quanh nào đó của số phận.
Thời trẻ tôi học võ và chơi những môn điền kinh. Sau một cơn bệnh nặng kéo dài
hơn hai năm do tập dợt judo với người em trai và bỗng nhiên muốn bày tỏ một điều
gì đó với cuộc đời. Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học
vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu
được như ca dao hoặc những lời ru con của mẹ. Triết học Việt Nam có đó nhưng
không được hệ thống hóa vì nó bàng bạc trong đời sống nhân gian.
Tôi không bao giờ có tham vọng
trở thành một người viết ca khúc nổi tiếng nhưng đời đã tặng cho tôi món quà ấy
thì tôi không thể không nhận. Và khi đã nhận rồi thì mình phải có trách nhiệm đối
với mọi người. Vì thế tôi đã cố gắng làm thế nào để có thể trong những bài hát
của mình chuyên chở được một thông điệp của lòng nhân ái đến với mọi người.
Vì có tình yêu nên có âm nhạc.
Vì có khổ đau nên có âm nhạc. Có hạnh phúc nên cũng có âm nhạc. Do đó khi tôi
viết lên một bài hát ca tụng tình yêu, hạnh phúc hoặc than thở về một nỗi tuyệt
vọng nào đó thì hình như tôi đã không mắc phải một lỗi lầm nào cả.
Trịnh Công Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét