Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Nắng và mưa trong nhạc Trịnh Công Sơn

Nắng và mưa trong nhạc Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn đã gắn kết hồn mình một cách da diết với cuộc đời, với lòng người, với thiên nhiên mưa - nắng bốn mùa chuyển dịch.
Có thể nói “Mưa” là hồn của Huế: triền miên, rả rích, tràn ngập vào đời sống nội tâm… Do vậy, thi ca, âm nhạc viết về Huế đều phảng phất, man mác nỗi buồn. Trịnh Công Sơn không là ngoại lệ:
                        Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
                        Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao....
                        Chiều nay còn mưa sao em không lại
                        Nhỡ mai trong cơn đau vùi             
                                       (Diễm xưa)
MƯA
“Mưa” đã trở thành một phần đời sống của Trịnh Công Sơn, kể cả nơi Trịnh đến và trú ngụ:
                        Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng
                        Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân....
                        Em còn nhớ hay em đã quên
                        Trong lòng phố mưa đêm trói chân
                        Dưới hiên nhìn nước dâng tràn
                        Phố bỗng là dòng sông uốn quanh      
                                 (Em còn nhớ hay em đã quên)
Sinh ở Daklak Buôn Mê Thuộc, học Sư phạm ở Qui Nhơn, dạy học ở Bảo Lộc - Lâm Đồng, sống ở Huế, ở Sài Gòn… Nhiều năm tháng trôi qua, mưa ám ảnh Trịnh Công Sơn rất nhiều trong đời sống sáng tác.
  - Mưa gắn với tâm trạng, nỗi buồn:
                        Trời còn làm mưa/mưa rơi mênh mang
                        Từng ngón tay buồn/em mang em mang
                        Đi về giáo đường/ngày chủ nhật buồn
                                            (Tuổi đá buồn)
                        Chiều chủ nhật buồn/nằm trong căn gác đìu hiu
                        Ôi tiếng hát xanh xao/của một buổi chiều
                        Trời mưa trời mưa không dứt
                        Ô hay mình vẫn cô liêu                            
                                      (Lời buồn thánh)
- Mưa vỗ về khi tình còn tha thiết:
                        Em đứng lên gọi mưa vào hạ
                        Từng cơn mưa, từng cơn mưa, từng cơn mưa
                        Mưa thì thầm dưới gót chân ngà                     
                                      (Gọi tên bốn mùa)
 - Mưa thấm ướt những cuộc tình đã chia xa:
                       Từng người tình bỏ ta đi
như những dòng sông nhỏ
                        Ôi những dòng sông nhỏ
                        Lời hẹn thề là những cơn mưa           
                                (Tình xa)
- Mưa đi cùng những đổi thay, chuyển dịch:
                        Mưa vẫn mưa bay cho đời biến động
                        Làm sao em biết bia đá không đau     
                                            (Diễm xưa)
- Mưa trở nên ám ảnh và siêu thực:
                                “Mưa hồng”
                        Trời ươm nắng cho mây hồng
                        Mây qua mau em nghiêng sầu
                        Còn mưa xuống như hôm nào em ghé thăm…
“Mưa” đã trở thành một motif, một hình thái chuyển tải ý tình trong nhạc Trịnh.
NẮNG
Đối lập với mưa là nắng - hai trạng thái thiên nhiên, hai mùa cơ bản đặc hữu của đất phương Nam. “Nắng” cũng đi cùng những nỗi niềm buồn vui, yêu đương, khát vọng… của nhạc sĩ.
Nếu “mưa” đầy biến ảo, đầy tâm trạng trong nhạc Trịnh thì “nắng” cũng không kém phần lung linh hư ảo đầy sắc thái, lạ hóa và siêu thực. Nắng hóa thân nhiều tầng, nhiều lớp.
Khi là nhân chứng của một cuộc tình đã xa:
                        Đôi khi nắng qua phố xưa làm tôi nhớ
                        Đôi khi bỗng nghe bước chân về đâu đó của em.
                                          (Rồi như đá ngây ngô)
            Khi thì hòa vào nét đẹp liêu trai của người thiếu nữ:
                        Nắng có hồng bằng đôi môi em     
                                   (Như cánh vạc bay)
                        Màu nắng hay là màu mắt em    
                                    (Nắng thuỷ tinh)
Hay ở một trạng thái xuất thần, không kiểm soát được thần trí, Trịnh nghĩ nắng sẽ lên, mặt trời mọc trong đêm tối, làm cho hoa nở, lá tươi:
                        Có khi nắng khuya chưa lên
                        Mà một loài hoa chợt tím
                             (Chiều một mình qua phố)
Trong những lần bay bổng xuất thần sáng tạo đó, “nắng” trong mắt Trịnh Công Sơn trở nên trong suốt, vàng óng; như màu rượu Whisky trong cơn lúy túy, như pha lê đẹp đẽ lại dễ vỡ tan, khiến người ta lo lắng:
                        Lung linh nắng thủy tinh vàng
                        Chợt hồn buồn dâng mênh mang
                                         (Nắng thủy tinh)
Rồi lại có lúc cảm thấy thân thuộc, như sờ nắm, cảm nhận được tấm thân mềm mại của nắng:
                        Ngoài kia không còn nắng mềm
                                  (Chiều một mình qua phố)
Nắng như đã là người thân, là người tình, là cuộc tình:
                        Gọi nắng /trên vai em gầy/ đường xưa áo bay
                        Nắng qua mắt buồn/lòng hoa bướm say
                       ……
                        Gọi nắng/cho cơn mê chiều/nhiều hoa trắng bay
                        Cho tay em dài/gầy thêm nắng mai  
                                                (Hạ trắng)
                        Tình như nắng vội tắt chiều hôm
                        Tình không xa nhưng không thật gần
                                        (Như một lời chia tay)
Cũng là nắng ấy, trong thời khắc quyết định của cuộc đời, đã trở thành điểm sáng, là sự ấm áp, nồng nàn của tình người, của niềm hy vọng, tin yêu mới mẻ:
Đời gọi em về giữa đau thương
Để trả em ngày tháng êm đềm
Trả lại nắng trong tim…
                              (Đời gọi em biết bao lần)
Vì vậy, “nắng” cũng như “mưa” đã là mạch sống chảy tràn trong các tác phẩm trữ tình của nhạc Trịnh.
NẮNG - MƯA
Rồi có lúc “nắng” và “mưa” song trùng xuất hiện trong một bản nhạc, một ý nhạc, một câu nhạc dưới góc nhìn triết học, nhị nguyên của nhạc sĩ:
Với tình yêu tha thiết:
                        Tôi đã yêu em bao ngày nắng
                        Tôi đã yêu em bao ngày mưa
                        Yêu em bên đời lặng lẽ  
                               (Trong nỗi đau tình cờ)
Với nét đẹp buồn:
                        Nắng có hồng bằng đôi môi em
                        Mưa có buồn bằng đôi mắt em
                                      (Như cánh vạc bay)
Với quê hương tươi đẹp:
                        Chiều trên quê hương tôi
                        Có khi đây một trời mưa bay
                        Có khi kia đồi thông nắng đầy
                                   (Chiều trên quê hương tôi)
                        Gọi nắng cho cơn mưa chiều nhiều hoa trắng bay
                                                              (Hạ trắng)
Với tâm trạng nhớ mong thường trực:
                        Đêm chờ ánh sáng
                        Mưa đòi cơn nắng
                        Mặt trời lấp lánh
                        Trên cao vừa xa, vừa gần
                                     (Bốn mùa thay lá)
Nhiều năm tháng trong cuộc đời sáng tác, nhất là lúc ở Sài Gòn, nhạc sĩ họ Trịnh thường ngồi trầm ngâm suốt thời gian trong ngày ở nhà mình; khi thì với bạn hữu văn nghệ sĩ, khi thì một mình bên ly rượu Whisky và khói thuốc lá xanh dầy trong căn phòng nhỏ; đối diện với lòng mình, nhìn lại cuộc đời đã đi qua… mặc cho sức khoẻ suy kiệt, héo hắt dần…
Nhưng mấy ai biết, trong những giờ phút thăng hoa kia, người nghệ sĩ tài hoa ấy đã vắt máu tim mình, như con tằm dứt ruột nhả tơ, đem đến cho đời những dòng nhạc mới mẻ, tuôn tràn, cuốn hút, chan chứa tình yêu với cuộc đời này.
                        Về ngồi trong những ngày
                        Nhìn từng khi nắng ngời
                        Nhìn từng khi mưa bay
                        Có những ai xa đời
                        Quay về lại.    
    HỮU DU  
Theo http://www.bongtram.com/  
               


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu Khi con cất tiếng chào đời/ Ánh sáng là nụ cười mẹ/ Bầu trời là đôi tay cha/ ...