Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý còn lại với dư âm

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý còn lại với dư âm 
Những ngày của tháng 9 năm 2014 này, trong căn nhà nhỏ ở Sài Gòn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sống vật vã với nỗi cô đơn, bệnh tật. Tuổi già sức yếu đã lấy đi của ông chút sinh lực ít ỏi những mong chống chọi lại với số phận đời người…
Ngày tháng thanh xuân, lòng còn phơi phới trong tình yêu đầu đời, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tý đã thêu dệt tình yêu bằng thứ âm nhạc du dương, mộng ảo. Bản nhạc “Dư Âm” đến bây giờ vẫn là khúc tình ca đầy thi vị, đậm  màu sắc lãng mạn đối với ông và cả với những ai trót yêu dòng âm nhạc tiền chiến.
Dư Âm - Còn lại của một giấc mơ!
Dù là giấc mơ đầu đời, giấc mơ trong tình yêu mộng ảo, mãi mãi cũng chỉ là giấc mơ thôi!
          Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ
          Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ
          Mái tóc nhẹ rung trăng vờn làn sóng
Trong giấc mơ ấy, hiện lên một nàng thơ duyên dáng ôm đàn, thả hồn theo tiếng nhạc, tóc nhẹ rung trong ánh trăng vờn quanh theo gió. Và đôi mắt, đôi mắt mới mơ màng, xa vời, dịu vợi làm sao! 
Hình ảnh ấy, đôi mắt ấy đã làm thổn thức trái tim người nghệ sĩ. Ông nhớ lại những ngày tháng cũ : “Ngày đó bạn tôi bảo: tao có hai đứa cháu, mày về Quỳnh Lưu, tao giới thiệu cho. Cả nhà muốn ghép tôi với cô chị, nhưng thoáng thấy cô em vừa mười sáu đôi mắt như hồ thu, tôi đã bị hút hồn; về tương tư mãnh liệt, tôi thức trắng đêm viết bản Dư Âm”.
Dư Âm đã ra đời, khoảng năm 1950, khi chàng nhạc sĩ vừa tròn 25 tuổi.
Anh yêu tiếng hát êm như lời nguyền đẹp bao giấc mơ
Anh như lầu vắng em như ánh trăng gieo muôn ý thơ
Muốn nói cùng em đôi lời trìu mến
Tim anh băng giá đang ngại ngùng câu năm tháng mong chờ
Tình yêu đầu đời thật tuyệt vời và mãnh liệt! Khi ấy, nàng là tất cả: là tiếng hát dịu êm, là ánh trăng, là ý thơ muôn điệu, là lời nguyện ước, là giấc mơ hoa!
Nhạc sĩ tiết lộ thêm: “Tôi chơi với cô chị, cô em mới mười sáu tuổi, một hôm ghé cằm lên vai chị, đôi mắt ngây thơ nhìn thẳng vào tôi, cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in đôi mắt ấy. Tôi ngày ấy nhát lắm, không dám bày tỏ tình cảm. Sau đó cô ấy lấy một anh bộ đội, chuyển ra thủ đô…”.
Không dám thổ lộ tình yêu nên nhạc sĩ chỉ còn biết tương tư, thở than, sầu mộng:
          Hẹn em từ muôn kiếp trước
          Nhớ em mấy thưở bạc đầu
          Anh đã âu sầu vì đường tơ vương vấn
          Em để cung đàn đưa anh về đâu
Đêm đêm, giấc mơ hình dáng tươi đẹp, tiếng hát, dáng dấp của nàng…khiến chàng nhạc sĩ đa tình chìm đắm trong nỗi nhớ nhung mộng mị.
          Dư âm tiếng hát gieo lên trong lòng anh bao nhớ nhung
          Đê mê lòng nhớ đêm qua giấc mơ môi em hé rung
          Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió
          Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên đàn
Tình yêu đơn phương ấy rồi cũng đi vào quên lãng trước những biến động dữ dội của thời cuộc! Chàng nghệ sĩ ra mặt trận tham gia chiến đấu ở sư đoàn 304, với công việc của một trưởng đoàn Văn công. Nhiều bài nhạc mới đã ra đời theo chiến sự, phục vụ đắc lực cho giai đoạn cả dân tộc đấu tranh giải phóng. 
Với tư chất và vốn âm nhạc được đào tạo vững chắc, phong phú, ông đã để lại dấu ấn khó quên trong dòng nhạc cách mạng. Những bài hát tiêu biểu, nổi tiếng: Vượt Trùng Dương (1952); Mẹ Yêu Con (1956); Bài Ca Năm Tấn (1967); Tắm Áo Mẹ Vá Năm Xưa (1973); Một Khúc Tâm Tình Của Người Hà Tĩnh (1974).
Sau ngày giải phóng, ông cũng có những ca khúc để đời: Người Đi Xây Hồ Kẻ Gỗ (1976); Cô Đi Nuôi Dạy Trẻ (1980); Dáng Đứng Bến Tre (1981). Chính vì những đóng góp quan trọng và có hiệu quả cho nền âm nhạc Việt Nam, năm 2000 ông được Nhà nước tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ Thuật” cho các tác phẩm nổi tiếng đó.
Giờ đây, ở tuổi chín mươi, tác giả ca khúc Dư Âm nổi tiếng ngày nào đang sống cô đơn trong căn nhà  nhỏ hơn 10m2 giữa lòng Sài Gòn! Ông tiếc nuối khi nói rằng: “Mọi thứ bây giờ chỉ còn là kỷ niệm”. Ông hầu như nằm liệt trên giường bệnh khi vừa trải qua cơn tai biến mạch máu não lần thứ ba với sự chăm sóc của người giúp việc.
Ông bây giờ chỉ biết sống trong hoài niệm về một quá khứ đã hết lòng yêu thương và cống hiến. Ông lại hay tủi thân, hay rưng rưng nước mắt mỗi khi  bạn bè thân hữu hay đoàn thể đến thăm! 
Gần đây, khi phóng viên báo hỏi ông: “Nhạc sĩ ưng ý nhất tác phẩm nào của mình?”, ông không ngần ngại trả lời: “Ca khúc Dư Âm” và sau đó cao hứng, cất tiếng hát. Ông cảm thấy như sống lại thời kỳ hạnh phúc nhất.
Và cũng  như lời tổng kết về tình yêu của thi sĩ Hồ Dzếnh:
          Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
          Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.
Với ông, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, bài Dư Âm là tất cả! “Đó là bài tôi viết cho người con gái tôi yêu nhưng không lấy được”.
 HỮU DU  
Theo http://www.bongtram.com/  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Chùm thơ thiếu nhi của Châu Hoài Thanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu Khi con cất tiếng chào đời/ Ánh sáng là nụ cười mẹ/ Bầu trời là đôi tay cha/ Mặ...