Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Ngày xưa ai mến nhạc yêu đàn

Ngày xưa ai mến nhạc yêu đàn...
Vâng! Âm nhạc là môt trong những niềm đam mê lớn nhất của tôi. Vậy mà, tôi phải chia tay cùng âm nhạc có đến 30 năm lẻ trong sự tiếc nuối khôn nguôi, đành quên cả tiếng đàn Guitar mà mình từng say mê, đắm đuối một thời tuổi trẻ.
Vì sao ư! Vì sau biến cố 1975 những bản tình ca được xếp vào loại nhạc vàng, đó là loại nhạc ủy mị, ru ngủ cần được xóa bỏ nên người ta đã "đào huyệt" để chôn mất rồi. Bên cạnh đó là cuộc sống cơm áo với vô vàn khó khăn. Đâu chỉ riêng tôi, rất nhiều người mà trong đó có cả nhạc sĩ, nhạc công nổi tiếng cũng đã phải từ giã tiếng đàn trong nuối tiếc ngậm ngùi, dù rất đắng cay rất muộn phiền, nhưng cũng đành phó mặc cho dòng đời.
Bolero – Kỷ Niệm Chưa Hề Phai Phôi
Trong một suy nghĩ nào đó, tôi rất muốn viết về dòng nhạc bolero, bởi tôi là người yêu thích dòng nhạc bolero từ rất sớm, từ cái thuở còn là học trò của những năm bậc tiểu học. Rồi thời gian trôi qua, tôi càng yêu hơn cái giai điệu bolero đầy ma mị ấy, nó cứ thấm đẫm vào tâm hồn và theo tôi lớn lên từng ngày.
Tôi viết vì tôi có những kỷ niệm xưa cũ không thể nào quên với giai điệu bolero nên chấp bút ghi lại chút suy tư vụn vặt, chút buồn vui mà mình đã trải qua... không phải để vinh danh những nhạc sĩ mà mình yêu thích, bởi bản thân và những tác phẩm của họ đã là một tượng đài, một huyền thoại trong lòng người mộ điệu. Có thể nhiều người không đồng tình với tôi. Thế nhưng, bolero là những khoảnh khắc đẹp, ngọt ngào đã ghi dấu nơi tâm hồn tôi từ khi còn rất ngây ngô.
Năm ấy, tôi đang học lớp 4 trường Tiểu học Nghĩa Hòa và cô Nga là cô giáo của lớp tôi. Thú thật, ngày đó, tôi không cảm nhận được một chút gì về sự dịu dàng của cô như câu ví von "Cô giáo như mẹ hiền" mà người ta vẫn thường khuyên răn những đứa trẻ nhỏ như chúng tôi. Cây thước kẻ bằng gỗ dài khoảng 40cm là vật bất ly thân của cô, và cô cũng sẵn sàng khẻ lên "bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa" hay những cái mông lép xẹp, tội nghiệp của chúng tôi mà không chút bận lòng hoặc mảy may thương tiếc.
Nhưng rồi có một ngày, một ngày mà tôi không nhớ rõ, cái ngày "Thế gian bỗng tự nhiên ra khác" khi cô giáo đưa ra một cách thi rất ngẫu hứng, thay vì học sinh phải trả bài "học thuộc lòng" thì có thể hát một bài hát thay thế. Và tôi xung phong lên hát, một bài hát mà tôi rất thích, rất thuộc nhờ nghe từ chiếc máy radio của nhà hàng xóm và những anh chị lớn tuổi hơn vẫn thường nghêu ngao đàn hát trong những lúc trà dư tửu hậu.
Cô giáo gọi tôi lên và cho phép tôi đứng hẳn lên chiếc bàn của cô để hát cho cả lớp nghe, tôi chắc mẩm các bạn ngồi dưới rất ngạc nhiên và thích thú, bởi cứ nhìn những cặp mắt chữ O miệng chữ A thì đủ biết.
Tôi ở ngoại ô, một căn nhà xinh có hoa thơm trái hiền
Gần kề lối xóm, có cô bạn thân sớm hôm lo sách đèn
Hai đứa chưa ước nguyện lấy một câu, chưa nghĩ đến mai sau...
Tôi say sưa hát cho đến câu cuối cùng trong tiếng vỗ tay cổ vũ râm ran của các bạn trong lớp.
Trong khi tôi hát, cô giáo đứng đằng sau tôi "nhắc tuồng", sợ tôi quên lời nên cô nhắc trước cho tôi sau mỗi câu hát. Hồi đó, tôi thầm phục cô giáo của mình lắm, và cứ thắc mắc mãi là vì sao cô giáo lại biết được bài hát này?. Bài thi hôm đó tôi được cô cho 10 điểm vì lòng dũng cảm, mặc dù tôi ca không hay... 
Bìa bản nhạc Căn nhà ngoại ô ngày xưa
Sau buổi thi hát không đàn không trống đó, tôi chợt khám phá ra là mình rất thích dòng nhạc bolero, và điều quan trọng là tôi bắt đầu mê mẩn âm thanh của tiếng đàn Guitar. Từ đó, cứ mỗi buổi tối khi các anh chị lớn trong xóm ngồi đàn hát, tôi lại mò đến ngồi "chầu rìa" nghe hát rồi mơ màng theo tiếng nhạc, cho dù ngày ấy, tôi không hiểu hết ý nghĩa của ca từ, nhưng tôi cảm nhận được sự ngọt ngào qua giai điệu, và nét vui buồn, lãng mạn, tình tứ qua những biểu cảm trên gương mặt người hát.
Rồi như một duyên nợ, người đàn anh trong xóm sau nhiều lần thấy tôi ngồi lặng lẽ ngóng tai nghe rất say sưa, nên một thời gian sau, anh đã dẫn dắt tôi đến với âm nhạc, anh cũng chính là người thầy dạy cho tôi những note nhạc đầu tiên trên khuông nhạc và cả trên phím đàn Guitar nữa.
Tôi miệt mài học nhạc lý và tập đàn dù những đầu ngón tay rất đau nhức, đau đến tê dại muốn bật máu. Có lẽ do niềm đam mê và sự cố gắng luyện tập, nên chỉ một thời gian ngắn những bài tập về nhịp, phách tôi thuộc rất mau. Sau đó chuyển qua học cách đệm đàn, diễn tấu cùng giai điệu.
Bản nhạc "Căn nhà ngoại ô" là bài hát đầu tiên trong đời, tiếp theo là "Những đồi hoa sim", nhưng nhạc phẩm "Nó và tôi" là bản đàn bolero đầu tiên khi tôi tập đệm theo người hát. Giai điệu tiếp theo là Slow Rock, và khi vừa học xong điệu Slow Rock một cách thuần thục thì cũng là lúc phải chia tay với người anh, cũng là người thầy đã khai tâm cho tôi, anh có lệnh gọi lên đường tòng chinh.
Sau năm 1975, tôi có ý định học về hòa âm nên tìm đến lớp nhạc "Dân Ta" của nhạc trưởng Hồ Sâm để thọ giáo. Thế nhưng, muốn được ông đích thân chỉ dạy cũng không dễ dàng gì nên tôi đành phải ghi danh học khóa lý thuyết và thực hành đàn Guitar tai lớp nhạc "Dân Ta" do hai người con gái của ông giảng dạy.
Tôi bao giờ cũng đến lớp trước 10 phút và không bỏ một buổi học nào. Trong giờ thực hành đàn guitar, hai cô giáo nhỏ (con thầy Hồ Sâm) đưa cho tôi những bài tập về điệu Valse, Bolero, Rumba...những bài tập đó chỉ sau 10 – 15 phút là tôi đàn xong. Các cô đưa cho tôi bài tập khó hơn, vì giai điệu nhanh có đoạn intro, octave và là nhạc ngoại quốc, Besame mucho, The longest day... Thực ra, với tôi chuyện này không khó, vì tôi đến đây không chỉ để học đệm đàn mà là học hòa âm.
Câu chuyện xảy ra một buổi trưa trong khuôn viên lớp nhạc đã giúp tôi gặp được thầy Hồ Sâm. Hôm đó, tôi vẫn đến lớp trước 10 phút như thường lệ. Khi bước qua cánh cổng, đã thấy một "ban nhạc" đầy đủ đang tập ráp nhạc với sự hướng dẫn của cô giáo trẻ. Vì chưa tới giờ học nên tôi lặng lẽ ngồi xuống lắng nghe họ chơi những điệu nhạc đã học. Đến lúc này tôi mới biết họ là những học viên chuẩn bị ra trường.
Khi cô giáo vắng mặt, tôi ngỏ lời muốn được tham gia, họ đồng ý (có lẽ vì cùng là đồng môn chăng). Tôi lấy cây guitar, và giai điệu đầu tiên là Tango với bài L'amour c’est pour rien – Tình cho không, La cumparsita – Đêm hội ngộ. Khi vừa chuyển sang bài Dừng bước giang hồ...bỗng tiếng chuông vào lớp, thế là cuộc chơi phải tạm dừng.
Sau buổi học hôm ấy, thầy Hồ Sâm kêu tôi vào phòng của ông và hỏi: anh học đàn ở đây lâu chưa?
  • Dạ được hơn một tuần
  • Trước khi đến đây anh đã học ở đâu? Trưa nay, tôi nghe thấy tiếng đàn của anh vững vàng và nghề lắm...nếu chưa từng học đàn làm sao anh chơi được như vậy?
  • Dạ, chưa học ở đâu cả, em nghe nhạc nhiều, và có thời gian chơi đàn với bạn bè, em đến đây xin học hòa âm
  • Thì ra vậy, lặng im một chút, ông nói: tuần sau anh quay lại học hòa âm.
Trên đường về lòng mừng khấp khởi, nhưng rồi, đời không như là mơ nên đời thường giết chết mộng mơ. Chưa kịp "bén duyên", chưa học được chút gì của thầy Hồ Sâm, đã có lịnh thi hành nghĩa vụ quân sự, thế là phải dở dang, thế là đánh mất cơ hội vì không duyên nợ với âm nhạc. Buồn!
Bolero – Một Thời Vàng Son
Cho dù đến tận hôm nay, người ta vẫn thực sự chưa biết điệu nhạc bolero đã du nhập vào Việt Nam từ năm nào và bản bolero đầu tiên do ai sáng tác, cũng chưa ai thống kê xem có bao nhiêu nhạc phẩm được viết theo thể loại bolero... điều đó không quan trọng, điều quan trọng là giai điệu bolero đã có mặt ngót sáu thập niên và len lỏi vào từng góc phố, từng ngôi nhà nơi phố thị rồi vang vọng đến tận miền quê, trên cánh đồng, ngoài bến sông, bên giếng làng... và cũng trải qua bao biến đổi thăng trầm, đã khóc cười cùng mệnh nước nổi trôi, được công chúng đón nhận nồng nhiệt, không kể sang hèn, bình dân hay trí thức.
Vì sao? Vì mỗi nhạc phẩm Bolero là một câu chuyện tình rất gần gũi, rất thủy chung, trọn vẹn nghĩa yêu thương, một điều không thể phủ nhận, bolero đã góp phần làm thay đổi đời sống âm nhạc Việt. Vào khoảng thập niên 1960 trở về sau nó đã lên ngôi, nhiều ca khúc bolero đồng loạt ra đời và dành được sự mến mộ của công chúng nghe nhạc thời đó. Đây chính là dấu son, là thời hoàng kim của bolero.
Khi nói về dòng nhạc bolero, không thể không nhắc đến các nhạc sĩ tiêu biểu được công chúng tặng cho cái danh hiệu ông hoàng nhạc bolero như: Lam Phương, Trúc phương, Anh Bằng, Mạnh Phát, Minh Kỳ, Song Ngọc, Trần Thiện Thanh, Thanh Sơn, Hoàng Thi Thơ, Hoài Linh, Hàn Châu...
Vì dâu bolero lại có thể nhanh chóng thu phục được đông đảo tín đồ theo đạo? vì bolero mang giai điệu trữ tình, ca từ mộc mạc bình dân, dễ nhớ dễ hát nên cũng dễ đi vào lòng người, nó chạm vào hoàn cảnh và đánh thức nhiều trái tim yêu thương đang ngủ quên, nó mang đến cho người nghe một chút dịu ngọt, một thoáng nhớ mong manh, và một chút buồn nhè nhẹ như những lời ủi an, vỗ về nơi khoảng lặng nỗi niềm riêng tư của mỗi con người, và cả nỗi nhớ nhung thầm kín, xa xăm từ miền ký ức.
Bolero là những hoài niệm rất thực, rất đời được viết trên dòng thời gian. Bolero không chỉ là lời hát, không chỉ là giai điệu trữ tình mà ta còn tìm thấy ở đó những câu chuyện tình diễm lệ, và thấp thoáng đâu đó hình bóng, tâm sự của chính mình. Bolero còn "thay lời muốn nói" cho những người yêu nhau, khi cuống quít hẹn hò, lúc bịn rịn chia tay...để rồi lại bâng khuâng chờ đợi ngày tao ngộ trùng phùng, để được giận hờn, lắng sâu tiếng lòng về ngày tháng cũ, về thân phận cô đơn và những cuộc chia ly...
Từ những bản nhạc mang âm hưởng đồng quê: Khúc ca ngày mùa (Lam Phương), Lối về xóm nhỏ (Trịnh Hưng), Nắng lên xóm nghèo (Phạm Thế Mỹ), Gạo trắng trăng thanh (Hoàng Thi thơ), Thương về miền trung, Ai ra xứ Huế (Duy Khánh)...đến những bản tự tình như Hàn Mặc Tử (Trần Thiện Thanh), Giọt lệ đài trang, Con đường xưa em đi (Châu Kỳ), Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương) Ai lên xứ hoa đào (Hoàng Nguyên) Thương hoài ngàn năm (Phạm Mạnh Cương) Xóm đêm (Phạm Đình Chương) ... là những lời tình tự sâu lắng về những dâu bể đa đoan, về lẽ hợp tan trong cõi nhân gian mà cuộc đời này mấy ai chẳng đi qua.
Tuy nhiên, có những nỗi buồn dâng cao, những nhớ nhung ngập tràn và có cả nỗi sầu nhân thế đến ngút ngàn. Thế nhưng, chẳng bao giờ bi lụy hay chất ngất oán hờn. Người hát, người nghe dòng nhạc bolero luôn đồng cảm và ở sâu thẳm thẳm trong tận cõi lòng, chính họ đang hát về hoàn cảnh lẫn tâm sự của mình, vì thế họ như được vỗ về bằng những dịu ngọt, bằng khát khao yêu thương để được hồi sinh, để tiếp tục đi hết đoạn đường trần trong niềm hoan ca cùng bolero.
Anh ơi hãy vui đi trọn đường trần
Công danh lênh đênh thăng trầm mấy lần
Để khi buông xuôi đôi mi
Công danh dù chưa vừa ý
Đã vui hết tuổi xuân thì
Bolero phần lớn là những câu chuyện kể hồn nhiên, là những sự chia sẻ về tình yêu, về nỗi cô đơn, về số phận giàu nghèo, may rủi, tình bạn bè... bolero len lỏi vào cuộc đời và nhịp sống của người dân thị thành theo một cách khác với những người sống ở thôn quê, nhưng bất luận đó là cách nào thì âm điệu chập chùng và gần gũi của bolero đều đã ăn sâu vào sự thưởng thức của nhiều thế hệ một cách lặng lẽ mà sâu lắng, ngẫu hứng mà khó quên, nó độc đáo đến mức cần phải có một nghiên cứu khoa học đầy đủ, hoàn chỉnh mới có thể nói hết được tác động của giai điệu bolero với những tâm hồn Việt.
Những nhạc phẩm một thời vang bóng như: Chuyện tình Lan và Điệp (Mạc Phong Linh), Những đồi hoa sim (Dũng Chinh), Chuyện loài cỏ đêm (Nguyễn Vũ), Chuyến tàu hoàng hôn (Minh Kỳ & Hoài Linh), Chuyến đi về sáng (Mạnh Phát &Trần Thiện Thanh), Hai chuyến tàu đêm (Trúc Phương), Hoa trinh nữ (Trần Thiện Thanh), Căn nhà ngoại ô (Anh Bằng) Giọng ca dĩ vãng,Cho tôi được một lần (Bảo Thu), Xin thời gian qua mau, Đò chiều (Lam Phương), Ngỏ hồn qua đêm (Hàn Châu & Triết Giang) Từng bước chân âm thầm (Y Vân), Hoa sứ nhà nàng (Hoàng Phương) Một chuyến bay đêm (Song Ngọc & Hoài Linh) ... chỉ là những bài hát từng được yêu thích trong kho tàng những tình khúc bất hủ của Bolero mà thôi.
Chuyến Lãng Du Cùng Âm Nhạc
Năm ấy, giáo sư Dương Quốc Ân (dạy toán) đưa tôi vào học ở trường trung học Trường Sơn của thầy Nguyễn Sỹ Tế. Ngôi trường tọa lạc trên đường Lê Văn Duyệt, "gần rạp hát Nam Quang", giữa hai ngã tư Trần Quý Cáp và Hồng Thập Tự.
Thú thật, khi phải rời xa bạn bè xa ngôi trường cũ, tâm trạng tôi có chút hoang mang rối bời, giống như cô gái nơi miền quê phải rời bỏ lũy tre bờ đê, bến nước sân đình, nơi mình đã gắn bó từ thuở còn ấu thơ để ra phố thị. Nỗi lòng cô gái giờ đây bâng khuâng đến khó tả, cô vui vì phố xá nhộn nhịp, phồn hoa rực rỡ, cô buồn vì mọi thứ với cô đều lạ lẫm và xung quanh là những người mình chưa từng một lần gặp gỡ, quen biết.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, chính cái nơi xa lạ ấy đã giúp tôi có cái nhìn thoáng hơn về cuộc sống và cách suy nghĩ cũng trưởng thành hơn. Nếu cứ quanh quẩn mãi ở cái ao làng thì cũng sẽ trở thành anh nông dân như bao người khác, chẳng biết thêm được gì nếu không vượt qua khỏi lũy tre làng.
Một điều dễ nhận thấy ở ngôi trường mới này là đa phần họ đều thuộc tầng lớp khá giả nên có điều kiện để học hành tử tế, chẳng những học văn hóa mà còn học nhiều môn khác nữa, âm nhạc, hội họa, khiêu vũ... Ngày đó, bên ngoài cửa sổ lớp học, chiến tranh cũng đã ngày một tăng cao, các trường trung học ở Sài Gòn thường xuyên tổ chức những chuyến công tác xã hội để viếng thăm, ủy lạo và giúp vui văn nghệ cho các chiến sĩ nơi miền xa.
Nổi đình nổi đám nhất vẫn là những trường nữ trung học. Nữ sinh các trường Gia Long, Trưng Vương, Nguyễn Bá Tòng có thêm tiết mục "em gái hậu phương thêu khăn tay, viết thư tặng anh trai tiền tuyến", và họ làm việc rất hăng say, nhiệt tình và vui vẻ.

Tôi cũng ghi danh tham gia những chuyến công tác xã hội ở trường, qua nhiều chuyến đi bụi bặm và thú vị đó, tôi có thêm kiến thức, có thêm bạn bè và quen thân với nhóm nhạc của anh bạn Duy Hải (bass) Đình Trọng (trống) Dũng (guitar lead) và cô gái chơi đàn organ mà tôi chưa kịp nhớ tên…khi biết tôi thích chơi guitar lead, Dũng khuyên tôi phải cố gắng hoàn thành bài tập "chạy ngón" sao cho nhanh, gọn, chính xác, muốn đạt được điều đó, mỗi ngày phải ngồi trước tấm gương để vừa tập vừa kiểm soát các cử động của ngón tay chạy trên phím đàn, điều đó sẽ giúp cho người chơi guitar lead thực hiện các kỹ năng ngòn đàn và "lướt" trên phím đàn nhẹ nhàng, uyển chuyển hơn.
Thành thật mà nói, tôi đã cố gắng lắm, trầy trợt lắm cũng chỉ đạt được 60% yêu cầu của Dũng. Tôi không thể kiên nhẫn hơn với bài tập buồn tẻ này. Ngày đó, tôi chỉ muốn được tham gia cùng họ trong nhóm nhạc mà thôi. (Dũng là người học guitar tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, nên yêu cầu của anh rất khắt khe). Cuối cùng, Dũng cũng nhận tôi vào chơi guitar Accord nhưng phải trải qua một thử thách khác cũng không kém phần gian nan, đó là tập syncope (nhấn lệch, nhịp ngược) cùng một điệu nhạc rất khó chơi là Swing rock, bời Swing rock là một thểđiệu giật nẩy ở các nốt bass và các câu trống dằn nhịp, vì vậy phải nói là rất khó khăn...Hãy ngước mặt nhìn đời Swing rock (Lê Hựu Hà).
Tôi ca không hay tôi đàn nghe cũng dở...
Cho đến bây giờ tôi cũng tự thấy mình là kẻ ngoại đạo trong lĩnh vực ca nhạc, nhưng tôi vẫn còn đó một niềm đam mê. Tôi tự học là chính, chỗ nào chưa hiểu thì nhờ bạn bè, đàn anh chỉ giúp. Thế hệ chúng tôi hồi đó đâu có điều kiện để học âm nhạc như bây giờ.
Bolero – tâm hồn của người Việt
Tôi tin rằng, chẳng có người Việt nào lại không biết giai điệu bolero, không thuộc hoặc chưa từng hát qua một bài hát bolero nào. Bởi bolero chính là kỷ niệm là huyền thoại đã khơi mạch suốt nguồn yêu thương cho mọi tâm hồn và len lỏi khắp chốn nhân gian, từ thôn quê đến thị thành, từ đồng bằng lên cao nguyên.
Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê/ Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe, chuyện tình ta đã ghi.
Mỗi bài hát Bolero là một câu chuyện tình, khi nghe nhạc, người nghe luôn hóa thân vào nhân vật để được thấm đẫm một chút buồn, một chút lãng mạn... và rồi mình tôi, chép dòng tâm tình tặng người chưa biết một lần..., nhiều thiếu nữ khi "bén duyên" với dòng nhạc bolero đều nức nở: Ngày xưa ai là ngọc cành vàng/ Ngày xưa ai quyền quý cao sang... và rồi lại héo hắt khi tình yêu dang dở. Ai lớn lên không từng hẹn hò, không từng yêu thương/ Nhưng có mấy người tìm được một tình yêu ngát hương...

Nhiều cô gái có khi vì "Vâng lệnh song thân" mà phải lấy chồng khi tình yêu của họ vừa kịp chín. Trước ngày lên thuyền hoa theo chồng về nơi xứ lạ, cô gái cũng xót xa, trằn trọc vì không biết "người ấy" có hiểu cho chăng!
Nếu biết ngày mai em lấy chồng/ Trời ơi! Người ấy có buồn không/ Có còn nghĩ đến loài hoa vỡ/Tựa trái tim phai tựa máu hồng
Phải nói ngay rằng, bolero là những ngọt ngào, những mặn nồng không cần che dấu, những ca từ không kiêu sa, không cầu kỳ khó hiểu, ngược lại rất mộc mạc, gần gũi vì bolero bao giờ cũng được tác giả viết bằng con tim đầy cảm xúc, và ca sĩ thể hiện với tâm hồn đồng cảm để người nghe cảm nhận được trọn vẹn những yêu thương qua từng câu hát. Nhà nàng với nhà tôi tình thân thiết vô vàn/ Làm sao nàng nỡ phụ phàng/ để tình tôi dở dang
Những tình khúc bolero đã trải qua hơn nửa thế kỷ với bao thế hệ, nhưng vẫn thách thức thời gian, có thể những nhạc sĩ, ca sĩ đã trở thành người thiên cổ từ rất lâu rồi, thế nhưng, chỉ cầm chạm nhẹ vào giai điệu bolero, ngay lập tức dĩ vãng của một thời hoàng kim sẽ trở về nguyên vẹn hình hài với Sài Gòn một thời vàng son dấu yêu, đong đầy những kỷ niệm khó phôi phai, từ hàng cây góc phố hay dăm ba quán nhỏ ven đường đã xa lơ xa lắc, để rồi ai đó, Em nhớ xưa rồi em khóc/ tôi thoáng buồn thương giọt lệ đài trang...
Những bài bolero kinh điển đã một thời làm mưa làm gió, thao túng cả đời sống âm nhạc miền Nam trong một thời gian dài, nó chiếm lĩnh và ngự trị tâm hồn người nghe đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Người trí thức nghe bolero bên tách cà phê sáng nơi phố thị, bác nông phu nghêu ngao câu hát trên cánh đồng xa, cô gái quê thả hồn theo giai điệu bolero trong những đêm trăng vằng vạc soi bóng...những câu hát thấm sâu vào tâm hồn, đi qua nỗi nhớ.
Chính dòng nhạc bolero đã sản sinh ra hàng loạt những tên tuổi, Hoàng Oanh, Trúc Mai, Phương Dung (con nhạn trắng gò công), Giao Linh (nữ hoàng sầu muộn) Thanh Tuyền, Kim Loan, Duy Khánh, Nhật Trường, Trung Chỉnh, Phương Đại ... và những cái tên ấy đã gắn liền với tình khúc bolero, để cùng chấp cánh bay lên, rồi trở thành huyền thoại trong vòm trời âm nhạc Việt.
Phút ngẫu hứng cùng bolero để hoài niệm
Bolero là những chiêm nghiệm, là tiếng lòng thổn thức, là nỗi nhớ sâu kín mang hơi thở của cuộc sống, của những tâm sự mong manh trải qua nhiều biến động trái ngang trong cuộc đời. Bolero bao giờ cũng phảng phất chút điệu buồn phương Nam, đan xen chút nhớ nhung da diết của cái lạnh mùa đông đất Bắc, và nhè nhẹ một nỗi sầu cô quạnh trong những đêm mưa xứ Huế. Vì thế, ai cũng có thể ngân nga giai điệu bolero, bên giếng nước, nơi dòng sông hay quán cà phê vỉa hè... mỗi người cảm nhận theo cách riêng của mình. Có thể đó là những bâng khuâng ngọt ngào, hoặc chỉ là nỗi xót xa, cay đắng khi cuộc tình đã mất hay chút bình yên sau những ngày tháng phiêu linh.
Trong giới hạn của bài viết này không bao giờ đủ để kể hết về những tác giả, tác phẩm cũng như những ca sĩ đã thành danh từ dòng nhạc trữ tình này. 
Phan Văn Thanh
Theo http://www.truongvanduc.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...