Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Một thoáng nhớ lại thời học sinh Văn Đức

Một thoáng nhớ lại thời học sinh Văn Đức
Chuyện kể về thời học sinh rất nhiều, ai trong chúng ta cũng có thể nhớ và viết ra được những người bạn học chung lớp, những người Thầy dạy chúng ta, mỗi người mỗi vẻ; mỗi người có trí nhớ khác nhau. Nhưng những người có điểm đặc thù, có nét đặc trưng thì dễ nhớ nhất. Riêng tôi, là một trong vài người nhỏ tuổi nhất trong lớp. Vì thế cho đến nay nhiều ông bạn tôi trong lớp không nhớ ra tôi và ngược lại có vài người tôi cũng chưa hình dung ra được người ấy thời bấy giờ có điều gì đặc biệt không hoặc ngồi chỗ nào trong lớp. Có người nói ngày xưa tôi hiền, ít nói và có bộ mặt non choẹt, ngây ngô, ngơ ngác như "con nai vàng". Quả thật, tôi ngày ấy biết mình thân phận nhỏ bé theo đúng nghĩa cả về thân hình và tuổi tác, nên đối với các đàn anh trong lớp lớn hơn, tôi ít dám tiếp xúc và nói chuyện với họ. Học lực thì trung bình, chẳng có gì xuất sắc nên họ không nhớ tôi là phải.
Trong lớp tôi có hai người lớn tuổi nhất đó là Anh Nguyễn Văn Cương và Anh Phạm Văn Bình. Cả hai anh đều là hai mươi hai tuổi khi học lớp đệ thất với chúng tôi. Điều này cũng dễ hiểu, vì chiến tranh loạn lạc nên việc học bị gián đoạn hoặc đang học dở dang. Đến khi di cư vào Nam cùng với bố mẹ thì phải học lại, hoặc bố mẹ khai rút tuổi đi để cho con học lại ngay từ đầu cấp. Trường hợp rút tuổi rất phổ biến trong giới học sinh người Bắc chúng ta, sau năm 1954 tại miền Nam. Anh Nguyễn Văn Cương năm nào cũng được bầu làm trưởng lớp nên cho đến nay anh vẫn còn nhớ tên từng người trong lớp kể cả người đó ngồi ở bàn nào trong lớp.
Anh Nguyễn Văn Cương thì thật đúng là một "con nhà võ". Anh năm nay đã bảy mươi tư nhưng trông anh còn rất phong độ, nếu chỉ nhìn vào mái tóc bạc trên đầu thì ai cũng nghĩ rằng đây là một cụ già. Nhưng nếu đối diện với anh và tiếp xúc với anh thì sẽ khác xa một trời một vực. Thân hình anh nở nang, rắn chắc, u vai thịt bắp, khuôn mặt quắc thước, giọng nói sang sảng. Nếu ai có dịp nhìn thấy anh gồng hai đôi tay và sờ vào bắp thịt cứng như đá thì sẽ thấy được sức mạnh của anh. Trong quân đội chế độ cũ anh là Huấn luyện viên môn Võ Thuật. Anh tiết lộ cho chúng tôi biết sáng nào cũng bỏ ra mười lăm phút luyện nội công, xuất vài chiêu võ, dương đông kích tây một mình. Cũng có một điều anh thổ lộ là chuyện "chăn gối" anh đã quên đi trên hai mươi năm nay. Chắc hẳn nhờ vào cách thế mà anh luyện tập hàng ngày nên mới tiết chế được như vậy, thật đáng khâm phục.
Còn anh Phạm Văn Bình là người duy nhất trong lớp tôi đã có vợ khi đang là học sinh lớp đệ thất. Anh Trần Viết Nhạ trong lớp chúng tôi còn nhớ mỗi buổi sáng vợ anh Bình còn đem xôi đến trường cho anh ăn nữa. Những người như Anh Bình thật gây ấn tượng nên chẳng ai quên được.

Anh Trần Viết Nhạ tôi vừa nói ở trên là một trong những người giúp lễ cho cha Nguyễn Xuân Thu hồi đó và cũng lưu trú trong nhà xứ Lộc Hưng những năm học trường Văn Đức. Hiện nay anh thường hay đi cộng tác với nhiều linh mục, tu sĩ để tháo gỡ những trường hợp "rối" trong đạo hoặc giải quyết những trường hợp ngăn trở về hôn nhân gia đình; giải tỏa hoặc hòa giải những mối bất đồng về tín lý đối với những người khác đạo. Anh là người dám nói và thẳng thắn bênh vực và bảo vệ đức tin Công Giáo. Vì dù sao anh cũng chỉ là một giáo dân bình thường nên không nể vị ai và cũng không sợ bị ảnh hưởng đến giáo quyền. Anh cũng đã từng đi thuyết trình giúp các lớp giáo lý tân tòng ở nhiều nhà thờ tại Sài Gòn. Ngoài ra, anh cũng đã nghiên cứu Kinh Dịch từ lâu và được xếp vào loại bậc thầy, nhưng anh vẫn ở ẩn ít ai biết. Chỉ những người quen anh thì mới nhờ anh để được giúp đỡ những lãnh vực trong nghề.
Ở lớp chúng tôi, nhìn chung những người thành đạt không được bao nhiêu. Thời gian trước và sau khi học xong bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp là thời kỳ xảy ra chiến tranh khốc liệt ở miền Nam Việt Nam. Giới học sinh, sinh viên thời bấy giờ tinh thần bị giao động nên ảnh hưởng đến kết quả học tập. Chỉ có một số các anh chị giỏi giang, chăm chỉ, chịu khó thì học đến nơi đến chốn. Còn số người khác thì vào quân đội, học hành dở dang. Sau này cũng có số người có ý chí tự học nên cũng đạt được thành công đáng kể trong sự nghiệp.
Thành phần tu sĩ trong lớp chúng tôi, theo tôi được biết có Linh mục Giuse Trịnh Tín Ý hiện nay đang là chính xứ Nhà thờ Vinh Sơn Phaolô đường 3 tháng 2, quận 10, Sài Gòn. Ngài chỉ học một năm đệ thất với chúng tôi rồi đi học trường khác. Người thứ hai là Soeur Lâm Thị Luân, thời còn đi học chị tên là Lụa. Chị học với chúng tôi hai năm đệ thất và đệ lục rồi vào nhà dòng. Chị học bên Pháp truớc năm 1975, sau làm mẹ Bề Trên. Hiện nay chị đã về Việt Nam và đang trông coi một nhà trẻ ở Sài Gòn.
Trên đây là đoạn hồi tưởng đến những người bạn cùng lớp. Thế còn các Thầy thì sao?
Đáng nhớ nhất là Cha Cố Bênađô Nguyễn Xuân Thu, Ngài dạy chúng tôi lớp đệ thất và đệ lục môn Hán Văn. Những câu thơ, câu nói mà người ta thường dùng để "xổ nho" trong cuốn Minh Tâm Bửu Giám được Ngài dạy chúng tôi thuộc lòng kể cả nét chữ hình tượng là chữ Nho. Đến nay chúng tôi vẫn không quên những câu thơ như:
"Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy, thiên thượng lai lưu bôn đáo hải bất phục hồi".
"Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên".
"Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên".
"Ấu bất học lão hà vi, nhân bất học bất tri lý"

... và còn nhiều câu nữa mà trong suốt hai năm học cha đã cho chúng tôi lĩnh hội cả hơn trăm câu.

Tiếp đến là thầy Hoàng Khắc dạy nhạc và vẽ lớp chúng tôi hai năm đệ thất, đệ lục. Thầy đã để lại dấu ấn không phai mờ trong tâm trí chúng tôi. Thầy dạy chúng tôi xướng âm và tập nhiều bài hát sinh hoạt vui tươi của thiếu niên. Tôi chỉ còn nhớ bài hát "Chèo thuyền trên sông Volga", nhạc nước ngoài mà tôi đã ghi ra sau đây. Phần nhạc, giai điệu và tiết tấu của bài hát tôi ghi ký âm theo ký ức của tôi còn nhớ mà tôi có thể hát lên. Do đó, nếu có một bản nhạc chính gốc của tác giả đem đối chiếu với bản do tôi viết lại sẽ không thể ăn khớp với nhau được. Xin miễn chấp cho tôi, vì đã trên năm mươi năm rồi, mà trí nhớ thì có hạn. Lời bài hát tôi quên nhiều nên viết ra không đúng với lời của Thầy cho chúng tôi ngày ấy. Mong các anh chị thông cảm. Giá như có vị nào còn nhớ thì cứ lên tiếng sửa sai và bổ khuyết cho tôi, rất cám ơn.
Năm 1968, có một lần tôi thấy thầy ngồi trên chiếc xe Jeep, đeo lon trung úy đang đi trên đường Thoại Ngọc Hầu, nay là Phạm Văn Hai. Sau này tôi hỏi ra mới biết Thầy bị động viên đi khóa sĩ quan Thủ Đức. Ra trường, Thầy được biệt phái về ban quân nhạc thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. Dạy môn Đại số lớp chúng tôi có thầy Vũ Huy Bá, dáng người thấp béo, đeo kính cận. Mỗi lần Thầy gọi chúng tôi lên khảo bài, làm bài, nếu ai không thuộc bài, quên công thức thì Thầy gọi người đó đã ăn "cháo lú", cả lớp đều cười ồ lên. Đặc biệt hơn nữa, có cha Hoàng ở Nhà thờ Phú Nhuận, Ngài dạy Anh văn lớp đệ lục. Tôi vẫn còn nhớ cứ vào cuối giờ học cha thường kể chuyện "cao bồi" Mỹ, bắn súng cưỡi ngựa. Nhân vật chính trong truyện này là Robert Smile. Chúng ta đều biết vào thập niên 50, 60 những phim cao bồi miền tây rất thịnh hành và có sức lôi cuốn các thanh thiếu niên hồi đó, vì nội dung phim thường rất sôi nổi, hoạt động, hấp dẫn từ đầu chí cuối. Phim thường đề cao chủ nghĩa anh hùng, công lý thắng bạo tàn, thiện thắng ác.
Cứ mỗi lần cha Hoàng kể, chúng tôi cứ tưởng như đang xem phim cao bồi trên màn ảnh. Khi cha kể đến đoạn đấu súng, cha cũng vòng tay ra để hai bên hông, tưởng tượng đang đeo lủng lẳng hai cây súng. Cha đóng vai Robert Smile mắt chăm chăm nhìn vào kẻ thù đứng trước mặt không bao xa. Thình lình cha rút súng ra, chỉa súng bằng ngón tay trỏ và kêu to "pàng! pàng!", kèm theo điệu bộ và thao tác rất sở trường như một tay thiện xạ bách phát bách trúng. Trong cuốn truyện này còn có nhiều tình tiết rất hay nhưng thật tình tôi đã quên hết. Cha Hoàng với dáng người vừa tầm thước, khuôn mặt trầm tư và hiền hậu. Cũng như các linh mục khác thời bấy giờ, cha vẫn mặc áo thâm chùng khi đứng trên bục giảng. Những truyện cao bồi miền Tây nước Mỹ ngài kể cho chúng tôi nghe đã ghi sâu vào tâm thức chúng tôi không bao giờ phai mờ.
Sau cùng tôi cũng còn nhớ thầy Giám Học, thầy tên Lục nhưng thời ấy chúng tôi cứ trêu thầy là "Sáu Lục – Xích", hình như thầy có sẹo bên má và hay mặc áo để ngoài, tướng thầy béo, cao to, vui tính. Nhưng cũng rất nghiêm khắc đối với các học sinh nghịch ngợm, vô kỷ luật. Nhà thầy ở phải đi qua rạp Đại Lợi và khu nghĩa trang đường Thoại Ngọc Hầu.
Nhân ngày Văn Đức Hội Ngộ Kỳ III tôi mạn phép ghi tản mạn một vài điều mà tôi ghi nhớ trong đầu trên đây. Một dịp để tưởng nhớ và tri ân đến các Vị, các Thầy đã dạy dỗ, giáo huấn chúng tôi từ thuở đầu đời. Các Thầy đã thực sự dạy chúng tôi những bước đi chập chững để từ đó có những bước di vững chắc với hành trang tinh thần là vốn kiến thức, những bài học làm người để có đủ tư cách và bản lĩnh đi vào cuộc sống tương lai của mỗi người chúng tôi.
Đào Ngọc Mai
Theo http://www.truongvanduc.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...