Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Nghệ sĩ nhạc cổ điển thành danh nhờ YouTube

Nghệ sĩ nhạc cổ điển thành danh nhờ YouTube
Câu chuyện thành công của nghệ sỹ dương cầm Valentina Lisitsa là một bất thường trong dòng nhạc cổ điển thế giới. Những đoạn video các tác phẩm của Chopin, Liszt và Rachmaninov do Valentina Lisitsa biểu diễn đã nhận được hàng triệu lượt xem trên YouTube.
Valentina Lisitsa, nghệ sỹ piano nổi danh nhờ trang web chia sẻ video YouTube, đã có buổi hòa nhạc khá thành công tại Nhà hát Giao hưởng Cologne – nơi vốn chỉ dành cho những nghệ sỹ lớn. Sân khấu quy mô, nghệ sỹ biểu diễn suôn sẻ từ đầu đến cuối và đặc biệt rất đông khán giả, đủ thành phần, từ những thanh niên trẻ trung, bụi phủi với quần jeans đến các quý ông, quý bà lịch lãm. Rất nhiều người mang theo hoa. Một nam thanh niên ngồi vị trí đẹp ở hàng ghế thứ 2 quay phim buổi hòa nhạc bằng điện thoại di động…
Năm 2007, khi vẫn chưa có khán giả riêng, cũng chưa tổ chức buổi hòa nhạc nào, quá chán nản, nghệ sỹ dương cầm Valentina Lisitsa quyết định đưa đoạn video cô chơi etude Op. 39 No.6 của Rachmaninov lên YouTube. Đoạn video dài 3 phút, được quay bằng camera rẻ tiền, nhưng không ngờ chính là bước ngoặt trong sự nghiệp của cô. Valentina Lisitsa nhớ lại: “Lúc đó, Youtube là cái gì đó hoàn toàn mới mẻ, trên đó toàn video bất hợp pháp. Tôi là một trong những người đầu tiên đưa hình ảnh mang tính chính thống và hợp pháp lên đó. Tôi thực sự muốn tìm khán giả của mình qua phương tiện này”.
Lượng người xem tăng kỷ lục, Lisitsa liên tục đưa video mới lên, và nhanh chóng lập kênh Youtube riêng. Phía dưới các video đều có phần Lisitsa chia sẻ trải nghiệm của bản thân với tác phẩm mà cô chơi, coi như một cách tương tác với khán giả qua mạng xã hội. Hiện kênh YouTube của Lisitsa có khoảng 120.000 người đăng ký và 62 triệu lượt truy cập. “50.000 người truy cập hàng ngày. Nói cách khác, ngày nào tôi cũng giống như đang biểu diễn ở một sân vận động đông kín khán giả vậy” – Lisitsa vui vẻ nói
Sự nổi tiếng của Lisitsa đã vượt qua nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa. Danh tiếng biến thành các hợp đồng thu âm, mới nhất là album Valentina Lisitsa Plays Liszt, và cả một chuyến lưu diễn toàn cầu. Lịch biểu diễn của nghệ sỹ piano Mỹ gốc Ukraine cũng dày đặc. “Với tôi, internet chỉ là công cụ để quảng bá, như một tờ giới thiệu chương trình hào nhoáng. Tôi đã sử dụng nó đễ dẫn dắt khán giả của tôi đến với các phòng hòa nhạc”. Và dường như cô đã làm được điều này, trong chương trình tại Nhà hát Royal Albert, London năm 2012, Lisitsa đã được biểu diễn trước 5.500 khán giả từ khắp nơi trên thế giới. “Không gì có thể thay thế được những buổi hòa nhạc trực tiếp. Đó là khoảnh khắc kỳ diệu khi âm nhạc được tạo ra, tôi và khán giả cùng bước vào một hành trình đến với thế giới khác”.
Hiện tượng Valentina Lisitsa đã cho thấy một phần tương lai của âm nhạc cổ điển cũng như đặc thù xu hướng nghe nhạc cổ điển của khán giả hiện nay. Yếu tố mới mẻ (dù là nhạc cổ điển) và hơn hết là cách tiếp cận phù hợp, ví dụ như thói quen sử dụng mạng xã hội của đa phần khán giả hiện nay cần được chú ý, bởi họ trao đổi thông tin chủ yếu qua mạng và thông tin đến được với họ (nhanh nhất) cũng qua phương tiện này. Thành công của Lisitsa một phần nhờ vào việc nắm bắt được xu hướng, thói quen đó. Đây vừa là bài học, vừa là lời khuyên cho những nghệ sỹ trẻ, chưa được biết đến rộng rãi, nắm bắt cơ hội nghề nghiệp và dùng mạng xã hội như một công cụ để quảng bá bản thân vượt ra khỏi biên giới quốc gia. “Trình độ các nghệ sỹ piano tốt nghiệp nhạc viện chẳng thể cao hơn. Vì vậy, nhiều nghệ sỹ thậm chí tốt nghiệp những nhạc viện danh tiếng cũng không biết tìm khán giả ở đâu. Nghệ sỹ chúng tôi muốn có đối tượng khán giả rộng lớn hơn, muốn mọi người đến và nghe chúng tôi chơi nhạc. Lâu nay chúng ta quan niệm cần phải có văn hóa cao mới nghe được nhạc cổ điển, nhưng hãy xem ai nghe các đoạn video của tôi trên YouTube, đó là khán giả đến từ các nước đang phát triển, không liên quan đến nhạc cổ điển hay những phòng hòa nhạc lớn. Tôi nhìn thấy điều đó và tôi muốn kết nối với đối tượng khán giả này” – Valentina Lisitsa chia sẻ.
Minh Hà
Nguồn DW
Theo https://nghiemluongthanh.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sông ướt - Truyện ngắn của Đỗ Hàn Thị trấn phố huyện mới. Chật chội. Nó hẹp bề ngang, ngắn bề dài. Không như phố huyện cũ. Phố cũ là phố...