Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Thành công = Tài năng + Say mê + Ý chí

Thành công = Tài năng + Say mê + Ý chí
Đó là công thức mà Vladimir Ashkenazy - Một trong những nghệ sỹ dương cầm vĩ đại nhất thế kỷ XX chia sẻ với sinh viên nghệ thuật Việt Nam nhân dịp ông cùng con trai biểu diễn tại hòa nhạc Hennessy lần thứ 18. Nếu có tình yêu âm nhạc, hay giữ tình yêu đó và tập luyện, nỗ lực hết mình vì nó, bạn sẽ thành công.
Sinh trưởng tại Nga (năm 1937), Vladimir Ashkenazy thừa hưởng gene âm nhạc từ cả bên nội và ngoại. Cha ông là nhạc công piano chuyên nghiệp, mẹ ông là con gái của ca trưởng một ca đoàn nhà thờ Chính thống Nga. Vladimir Ashkenazy chơi nhạc từ năm lên 6, nhưng bước ngoặt là buổi hòa nhạc của Tchaikovsky ông đi nghe cùng bố năm 8 tuổi, tại Moscow. “Buổi hòa nhạc đã thay đổi cuộc đời tôi, khơi dậy niềm yêu thích nhạc giao hưởng trong tôi”. Vladimir Ashkenazy trở nên nổi tiếng trên sân khấu thế giới từ cuộc thi âm nhạc Chopin năm 1955 tại Warsaw (giành giải nhì), sau đó là quán quân cuộc thi âm nhạc Nữ hoàng Elizabeth tại Brussels năm 1956 và quán quân cuộc thi âm nhạc Tchaikovsky năm 1962… Kể từ đó, ông bắt đầu xây dựng một sự nghiệp phi thường. Không chỉ trở thành một trong những nghệ sỹ piano xuất sắc nhất thế kỷ XX, cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của ông còn bao trùm nhiều hoạt động, không ngừng đem lại nguồn cảm hứng cho người yêu nhạc trên khắp thế giới. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, kỹ thuật chỉ là một khía cạnh, quan trọng là nhạc công phải truyền được cảm xúc, tinh thần của mình và giao tiếp về mặt tâm hồn với khán giả. Đây mới chính là điều làm nên danh tiếng của nghệ sỹ, nếu không sẽ sớm bị lu mờ”.
20 năm qua, Vladimir Ashkenazy hoạt động nhiều hơn với tư cách chỉ huy dàn nhạc, và là một trong số ít nghệ sỹ thành công ở cả hai vai trò: nghệ sỹ biểu diễn và nhạc trưởng. Chia sẻ với báo giới tại Hà Nội, Vladimir Ashkenazy cho rằng, việc ông trở thành nhạc trưởng đến một cách tự nhiên. “Trước đây không bao giờ tôi nghĩ mình sẽ trở thành nhạc trưởng chuyên nghiệp, nhưng thế mới là cuộc sống… Tôi nghĩ không thể lên kế hoạch với âm nhạc được, tôi chỉ có thể cố gắng hết sức mà thôi. Mỗi khi bước lên bục chỉ huy, tôi cảm thấy như đang ở nhà”. Là nhạc trưởng, ông tiếp thêm sinh lực cho các dàn nhạc, không phải ở nhạc mục mà bằng nhiệt huyết và sự khiêm tốn. Chính nhờ vậy ông luôn được các nhạc công kính trọng. Các nhạc công trẻ thích chứ không cảm thấy sợ khi biểu diễn dưới sự chỉ huy của ông, bởi ông cũng là một nghệ sỹ biểu diễn và ông hiểu khó khăn của họ.
Nghệ sỹ Vladimir Ashkenazy và con trai 
biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội
 Ảnh: Đào Tuấn
Bệnh viêm khớp khiến ngón tay sưng lên, ông không thể chơi piano nhiều như trước. Nhưng “một trong những lý do tôi trở thành nhạc trưởng và chơi piano ít đi là bởi tôi nghĩ mình đã thu âm quá nhiều” – Vladimir Ashkenazy nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn. Dẫu vậy, thời gian gần đây ông vẫn làm việc trong phòng thu, tiếp tục làm giàu thêm gia tài thu âm đồ sộ của mình. Năm 2013 phát hành tác phẩm Ashkenazy: 50 năm thu âm với Decca, bộ 50 CD kỷ niệm mối quan hệ cộng tác lâu năm của Ashkenazy với hãng ghi âm Decca Classics. Năm 2014, Decca sẽ tiếp tục phát hành bộ sưu tập lịch sử của Ashkenazy gồm các tác phẩm piano của Rachmaninov, trong đó có cả các bản thu âm dàn nhạc mà ông chỉ huy. “Biểu diễn trên sân khấu hay trong phòng thu cơ bản giống nhau, nghệ sỹ đều phải nỗ lực hết mình để chơi hay nhất. Nếu có khác biệt thì ở chỗ, trong phòng thu có thể chơi đi chơi lại cùng một bản nhạc cho đến khi thành công, còn trên sân khấu, chơi hỏng là hỏng luôn”.
Đúc rút từ cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, nghệ sỹ Vladimir Ashkenazy cho rằng, muốn chơi nhạc giỏi trước hết phải có tài năng và đam mê, nhưng “để trở thành một nghệ sỹ thành công, phải có niềm tin và ý chí mạnh mẽ… Nếu bạn yêu âm nhạc, hãy giữ tình yêu ấy đến trọn đời, và tập luyện, tập luyện và tập luyện”.
18 năm sau khi nghệ sỹ cello huyền thoại người Nga Mstislav Rostropovich biểu diễn trong hòa nhạc Hennessy lần thứ nhất tại Việt Nam (năm 1996), truyền thống đó được tiếp nối với sự xuất hiện của gia đình Ashkenazy trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội trong hòa nhạc Hennessy lần thứ 18 (tối 20.3), với những bản song tấu dương cầm. Đây cũng không phải lần đầu tiên song tấu dương cầm xuất hiện trong chương trình hòa nhạc Hennessy. Trước đó, chương trình hòa nhạc Hennessy phiên bản đặc biệt mùa xuân 2007 đã giới thiệu cặp song tấu dương cầm Emperor, cũng đến đến từ nước Nga, với 2 nghệ sỹ Maxim Mogilevsky và Svetlana Smolina.
Nhật Linh
Nguồn: daibieunhandan
Theo https://nghiemluongthanh.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hắn 1. Hắn Hắn còn nhớ rõ cái ngày cha hắn bán bộ sách quý với giá ba chục nghìn bạc để lấy tiền cho hắn đi Pháp. Ngày ấy lòng hắn như...