Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Không có thời gian để bi quan và thù hận

Không có thời gian để bi quan và thù hận
Phim tài liệu dài 38 phút, The Lady in Number 6, đã thắng giải Oscar 2014, nhắc nhớ về nhân vật chính: nghệ sĩ dương cầm Alice Herz-Sommer. Bà là người sống sót từ trại tập trung của Đức Quốc xã thọ nhất (110 tuổi), dành cả cuộc đời bền bỉ nói về niềm vui âm nhạc mang đến chứ không phải là nỗi kinh hoàng đã chứng kiến trong các trại tập trung khủng khiếp vào thế chiến II.
Alice Herz-Sommer thời trẻ 
(ảnh trong phim The Lady in Number 6)
Nhà quản lý sản xuất bộ phim, Fredric Bohbot, phát biểu trên kênh Radio 4: “Bà là người tuyệt vời nhất tôi từng gặp. Chẳng màng vật chất, ham hiểu biết và không hề thù hận. Bà yêu mọi thứ theo nhiều cách”.
Trò chuyện với hàng xóm, một người cảm thấy hạnh phúc được ở cạnh căn hộ phía bắc London và nghe bà chơi nhạc cổ điển du dương mỗi sớm chiều, Herz-Sommer mô tả cuộc sống của mình ngập tràn niềm vui. “Tôi biết đây là những ngày cuối đời mình, nhưng chẳng quan trọng gì, vì tôi đã có một cuộc sống tươi đẹp. Cuộc sống đẹp, tình yêu đẹp, thiên nhiên và âm nhạc đẹp. Mọi thứ đã trải qua là một món quà, chúng ta nên trân trọng và trao lại cho những người yêu thương”.
Karen Pollock, giám đốc điều hành của tổ chức Giáo dục về nạn diệt chủng (HET), cho biết: “Sự ra đi của Alice Herz-Sommer một lần nữa nhắc nhở rằng những người sống sót trong các trại tập trung Đức quốc xã sẽ không ở mãi với chúng ta. Không ai được lãng quên nỗi kinh hoàng họ đã chịu đựng”.
Herz-Sommer sinh năm 1903 tại Prague (thủ đô Cộng hòa Czech), trong một gia đình Moravia giàu truyền thống văn hóa và âm nhạc. Mẹ bà là bạn thời thơ ấu của nhà soạn nhạc vĩ đại Gustav Mahler, Herz-Sommer nhớ buổi ra mắt bản giao hưởng thứ hai của ông khi bà khoảng tám tuổi. Bà còn nhớ nhiều chi tiết sinh động về một người bạn khác của gia đình, “bác Franz” chính là văn hào Franz Kafka.
Tài năng âm nhạc của Herz-Sommer được nhìn nhận khi mới lên năm, lúc theo học nhạc sĩ nổi tiếng Conrad Ansorge (học trò của thần đồng piano Franz Liszt). Bà nói về thầy mình: “Là một nghệ sĩ dương cầm, phi thường, là một nhà giáo, không thể tốt hơn”.
Thời thiếu nữ, Herz-Sommer đã giảng dạy và lưu diễn dương cầm. Bà kết hôn với nhạc sĩ Leopold Sommer chỉ một hai tuần sau khi gặp gỡ vào năm 1931, họ có một con trai là Raphael chơi violon cho dàn giao hưởng.
Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Người bảo vệ  ở tuổi 97, bà nhớ gia đình mình vẫn được ở lại nhà giữa những người láng giềng Đức Quốc xã, một thời gian sau khi Hitler xâm chiếm Tiệp Khắc thì hầu hết người Do Thái ở Prague bị đưa đến một khu ổ chuột. Năm 1943, theo thứ tự không thể tránh khỏi, cả ba người bị bắt vào trại tập trung. “Nếu có một dàn nhạc trong trại tập trung Terezin, liệu tình hình có bớt tồi tệ không?” Mặc dù được xem như một trại điểm để tạo ấn tượng với công luận, gần 35.000 tù nhân đã chết ở đó, gồm cả mẹ bà.  m nhạc đã cứu rỗi cuộc đời Herz-Sommer: bà trở thành thành viên của dàn nhạc trại, chơi hơn 150 buổi hòa nhạc, trong đó có buổi trình diễn đặc biệt trước ban thanh tra hội Chữ Thập Đỏ. Chồng bà chết ngay sau khi bị chuyển đến trại tập trung Auschwitz rồi Dachau vào năm 1944, còn con trai bà cũng biểu diễn opera trẻ em, là một trong số 130 đứa trẻ sống sót trong tổng số 15.000 trẻ em bị đưa vào trại. Bà hồi tưởng: “Chúng tôi biểu diễn trong phòng hội đồng trước khoảng 150 khán giả già nua, vô vọng, bệnh tật và đói khát. Họ sống bằng âm nhạc.  m nhạc giống như thức ăn của họ. Nếu thiếu âm nhạc, có lẽ họ chết mất. Chúng ta cũng thế”.
Sau chiến tranh, bà sống nhiều năm ở Israel, giảng dạy và biểu diễn, rồi chuyển đến London vào năm 1986 với gia đình con trai. Ông con trai qua đời ở tuổi 65 trong một chuyến lưu diễn vào năm 2001.
Cháu nội của Herz-Sommer cho biết bà đã ra đi thanh thản trong vòng tay con cháu vào sáng chủ nhật 23 tháng 2 năm 2014, chỉ sau hai ngày nhập viện. Dạo 106 tuổi, trả lời phỏng vấn, bà vẫn đầy lạc quan và cảm mến: “Ở tuổi cổ lai hy tôi học được rằng, phải biết ơn cuộc sống tốt đẹp. Có đầy đủ điện đèn, xe hơi, điện tín, điện thoại, internet, nước nóng… Chúng ta sống như vua chúa. Thậm chí, tôi đã quen với thời tiết xấu ở London”.
Tri Sơ lược dịch
Theo The Guardian

Nguồn: daibieunhandan
Theo https://nghiemluongthanh.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hắn 0000

Hắn 1. Hắn Hắn còn nhớ rõ cái ngày cha hắn bán bộ sách quý với giá ba chục nghìn bạc để lấy tiền cho hắn đi Pháp. Ngày ấy lòng hắn như nở ...